Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiếng khóc đêm giao thừa

Mẹ đỡ Ngà trèo lên chiếc bàn. Cơn đau này thật khó diễn tả, không giống những đợt roi của mẹ hay cú ngã do mải đuổi theo con Mướp. Cơn đau cuộn lên từng cơn rồi như mắc kẹt lại. Chưa bao giờ nó thấy cơn đau nào dữ dội như thế.

*

Người bạn duy nhất của Ngà là con Mướp. Đó là con mèo xám thường ngồi co ro với nó bên bếp lửa mỗi ngày mưa rét. Ngà thường ngồi thổi cơm, đun nước trên một chiếc ghế nhỏ bằng gỗ. Con Mướp thích chui vào ngồi giữa hai chân của Ngà, ánh lửa bập bùng trong mắt nó.

Ngà sinh ra đã không khóc như những đứa trẻ khác. Nó bị câm. Nó chỉ biết cười, buồn cũng không hề khóc. Ai trêu chọc nó cũng cười, mắng nó nó cũng cười. Người ta bảo Ngà bị ngốc. Nhưng nó không làm hại ai, dù là một con kiến. Một lần đi chơi cùng đám trẻ làng, nó ngã phải tổ kiến lửa, kiến ùn lên cắn nó. Nó bỏ chạy rồi lấy tay bắt từng con kiến bỏ xuống đất. Tụi trẻ con đứng xung quanh nhìn nó cười trêu ngươi: “Đúng là con Ngà ngốc!” Chân tay nó sưng đỏ, mắt rưng rưng nhưng miệng vẫn cười. Mẹ nó là người đàn bà nóng tính và ương ngạnh. Còn bố lại kém cỏi, thích chơi hơn làm. Khi Ngà lên hai thì bố mẹ nó chia tay. Người ta còn bảo, ngày bố Ngà đến gặp mẹ nó tính nài nỉ quay lại thì bắt gặp mẹ nó đang tiếp một người đàn ông khác trên giường. Lâu lâu mẹ lại dắt đàn ông về nhà. Lâu nay, mẹ thích gì làm nấy, chẳng quan tâm ý kiến của ngoại. Những lần nó làm hư hỏng cái gì, mẹ lại lấy roi quất vào chân nó. Phải chăng khuôn mặt nó giống bố quá, không đẹp như mẹ nên mỗi khi tức giận là mẹ càng ghét nó hơn.

Nghe tiếng xe nghĩ mẹ về, Ngà từ trong bếp chạy ùa ra. Vừa nhìn thấy người đàn ông lạ, đầu gối nó chùng lại, vẻ vui mừng dần loang ra và tan đi trong mắt nó. Khác so với những người đàn ông từng đến nhà trước đó, người đàn ông này có khuôn mặt chữ điền, râu ria xồm xoàm nhìn rất đáng sợ. “Lại thay thằng khác rồi”, bà ngoại lẩm bẩm từ trong bếp. Người đàn ông râu quai nón hắt ánh mắt dò hỏi về phía nó. Mẹ mặc quần bò ôm sát người khoe cặp đùi nóng bỏng trên đôi giày cao gót màu đỏ tiến đến bên người đàn ông đỡ chiếc túi xách vẫn còn mới bọc trong bao nilon, miệng cười lúng liếng: “Con gái em đấy, nó bị câm. Khỏi cần chào.” Rồi hai người dắt díu nhau vào nhà. Thấy ngoại đi ra vườn hái rau, nó chạy vào bếp rót ấm chè xanh bê lên nhà mời khách. Mắt nó đảo quanh không thấy mẹ và ông khách hồi nãy đâu. Rồi có tiếng động từ buồng trong lọt ra khe cửa khép chưa chặt. Nó chưa hiểu chuyện gì thì tiếng động bắt đầu dồn dập. Thi thoảng lại nghe tiếng mẹ nó thở gấp. Ngà bắt đầu sợ, nó nghĩ người đàn ông kia đang bắt nạt mẹ. Nó lấy một cây chổi rón rén bước đến nhìn qua khe cửa khép hờ. Từ trong buồng tối tăm, nó thấy hình như người đàn ông kia đang đè lên người mẹ, ném cái thân hình sồ sề to bản xuống mẹ. Còn mẹ chỉ biết rên rỉ như sắp cạn hơi. Nó hất cửa lao vào dùng chổi chặt lia lịa vào gã râu quai nón đang cởi trần. Trong bóng tối mờ mờ, nó nhìn thấy thân hình mẹ nó lõa lồ đang cố kéo chiếc áo để che thân. Gã kia như con hổ đang gặm mồi bị đâm từ sau lưng lao ra trừng mắt. Gã giáng cánh tay lực lưỡng lên tính cho nó một bạt tai, nhưng rồi gã đã dừng lại và xô nó ngã nhào xuống nền nhà. Đầu óc nó choáng váng, tai vung lên bởi tiếng thét như lửa: “Đồ con điên. Mất cả hứng…” Người đàn ông lên xe, nổ máy và mất hút chỉ còn lại làn khói đen lởn vởn quanh khóm hồng nhung. Nó bế con Mướp ra ngồi ở sân. Từ trong nhà, mẹ lao ra xồng xộc, trên tay cầm chiếc chổi mà lúc nãy nó dùng đánh người đàn ông râu kia:

- Con Ngà đâu… Đồ con gái hư. Ai dạy mày làm thế? Ai bảo mày dùng thứ này đánh người ta? - Mẹ nó vừa ré lên vừa dí cán chổi vào mặt nó.

Nó ôm chặt con Mướp vào lòng, mắt nó bắt đầu rung lên những sợi sóng li ti. Mười hai năm, lần đầu tiên nó thấy mẹ vì một người lạ mà cư xử với nó như vậy. Nó đứng yên cắn răng trước những cú đòn của mẹ. Trời chuyển giông, nó nhìn lên bầu trời như đang trùm xuống sân nhà, mây bắt đầu kéo đến xám xịt. Con Mướp sợ quá tuột ra khỏi tay nó lao xuống đất chạy trốn vào bếp. Nó nhìn theo con Mướp, những hạt mưa rơi xuống đất bốc lên mùi hơi đất nồng nồng khó thở. Những hạt mưa nặng dần, những hạt mưa cũng mặn. Ngoại từ vườn sau bước thật nhanh cố đưa nẹt cá khô vào nhà. Thấy nó ướt sũng giữa mưa, những vết đỏ hằn trên đôi chân nhỏ gầy, ngoại thả nống cá xuống đất lao đến ôm lấy nó. Ngoại hét lên, dùng chút sức còm xô ngã con gái bà xuống đất: “Mày là con mẹ hư đốn! Mày có còn lương tâm không?” Mẹ nó ngã xuống sân, tay vẫn quất những đòn vô định vào làn mưa dày đặc, mưa bị xé ra từng mảnh: Lương tâm có ăn được không? Những con cá ướt sũng nằm chỏng chơ lấm lem bụi đất.

Vốn dĩ từ nhỏ Ngà đã được bàn tay của ngoại chăm sóc. Mẹ đi làm xa kiếm tiền, bỏ nó ở nhà cùng ngoại. Rồi ba năm ròng rã trở về, mẹ như đổi khác, không ngó ngàng gì đến nó cũng không ngủ chung với nó. Càng lớn lên, Ngà càng giống bố, khuôn mặt nhỏ, cái miệng nhỏ và đôi mắt nó khờ dại không như bao đứa trẻ khác. Nhiều lần nó đứng nép bên cửa nhìn mẹ chải tóc nhưng không dám vào. Con Mướp đến liếm vào chân nó, cọ đầu vào chân nó ủi an. Dường như chỉ có ngoại và con Mướp hiểu nó.

Lên mười ba tuổi, thân hình Ngà cũng lớn bổng. Con Mướp cũng bận đi yêu, có chửa rồi bận bịu với đàn con nhỏ không còn thời gian dành cho cô chủ. Ngà bắt đầu thấy ngực nhồn nhột, căng căng. Mấy chiếc áo thun đã chật ôm chặt ngực nó tưng tức. Ngà không biết cơ thể nó đang thay đổi. Nó chỉ biết sáng dậy ăn xong là ra ngõ ngồi nhìn người ta đi qua đi lại, nhất là mấy cô cậu học trò áo trắng đạp xe qua cười nói giòn giã. Một hôm, nó đang ngồi đầu ngõ, bà Tâm hàng xóm đi qua vội chạy tới kéo nó dậy, quát:

     - Đi vào nhà tìm mẹ thay đồ đi, máu loang hết quần thế kia.

Nó nhìn xuống quần mình, đúng là máu tươi từ đâu ướt cả vạt quần. Nó sợ quá chạy quanh vườn tìm ngoại. Trước khuôn mặt hớt hải cắt không ra giọt máu của nó, ngoại chậm rãi dắt tay nó vào nhà và cười:

- Ngà của bà sắp làm thiếu nữ rồi. - Trước đôi mắt mở to nhìn bà thắc mắc, ngoại tiếp:

    - Là giống con Mướp… - Nói đến đây, ngoại chợt dừng lại, run run. Ngoại nhìn qua rổ mèo con lúc nhúc bú mẹ, ánh mắt loãng ra giữa khói bếp mông lung:

- Từ nay đừng đem đàn ông về nhà nữa. Một là kiếm chồng đi, hai là dắt díu nhau đi nơi khác, đừng để con gái lớn rồi phải chứng kiến mấy cảnh đó.

- Mẹ nói sao?

- Con Ngà có kinh rồi đó. Ngực nó cũng nhú to áo chật hết rồi. Ra chợ mua cho nó ít đồ mới đi. Mẹ nó im lặng một hồi rồi nổ xe chạy ra chợ.

Những lần nó đi chơi với đám trẻ con trong xóm, đám thanh niên choai choai thường đến hỏi nó có thấy mẹ nó ngủ với đàn ông không? Cảnh tượng ngày ấy lại hiện về, nó nghĩ đến hình ảnh mẹ nó lõa lồ bên người đàn ông trần truồng và cũng vì ông ta mà mẹ nỡ đánh mắng nó. Một lần mẹ đi ngang qua thấy Ngà bị vây lấy bởi đám con trai hỏi đủ thứ chuyện, Ngà không nói được chỉ biết gật đầu rồi lắc đầu, đến khi lũ con trai giằng tay nó làm nó hoảng sợ mếu máo thì mẹ cũng kịp vung cho mỗi thằng một cái bạt tai đau điếng. Mẹ kéo xộc nó lên xe chở về. Về đến nhà, mẹ dùng roi mây quất vào chân nó: “Tao cấm từ nay không bước chân ra khỏi nhà”. Ngà đau, mếu nhưng nó mừng vì mẹ bảo vệ nó trước bọn con trai chọc ghẹo. Từ đó, ranh giới của nó là từ nhà ra cổng.

Lên mười sáu tuổi, thân hình nó đã hình thành những đường cong thiếu nữ. Buổi liên hoan văn nghệ đón xuân năm đó, ngoại cho nó đi xem cùng ngoại. Nó rất thích đi xem văn nghệ, thích những tiết mục hát múa về tình yêu. Lúc trước, nó nghĩ yêu là giống như nó và Mướp mãi mãi bên nhau, hiểu nhau, âu yếm nhau. Còn bây giờ nó đã biết, tình yêu là giữa một người con gái và một người con trai cùng nắm tay đi trên cánh đồng hoa rồi hôn nhau…

Mẹ nó cũng đang yêu thì phải. Ngày mẹ nó mặc chiếc áo cưới trắng tinh sánh bước cùng một người đàn ông cao cao, nó cũng được mặc một chiếc váy hồng và tóc tết đuôi sam dài đến eo. Đám thanh niên trong làng xì xào nhìn nó. Vậy là kể từ đó nó có bố mới. Không cần ai dạy nó phải gọi bố hay là dượng vì nó đâu nói được. Bố dượng nó là một người làm nghề buôn bán đã có vợ con nhưng ly hôn, nhìn cách ăn mặc và xe máy xịn đủ biết ông ta cũng kiếm được kha khá tiền sau những chuyến đi buôn. Mẹ được dượng cho một khoản tiền mở cửa hàng bán quần áo trên chợ huyện. Coi như mẹ đã biết ổn định cuộc sống, ngoại nói vậy.

Mẹ tính vốn ương bướng, nóng nảy nhưng từ khi tái hôn đã biết lo lắng nhà cửa và bữa cơm cho gia đình. Ngoại cũng già lắm rồi, một lý do duy nhất níu bà với cuộc sống này là Ngà. Ngoại rất mừng khi mẹ nó biết dừng lại lối sống buông thả mà vun vén cuộc sống gia đình dẫu rằng bà cũng không dám chắc rằng cuộc sống êm đẹp này sẽ mãi mãi hay kéo dài đến bao lâu.

- Tại sao lúc đầu cô không nói là cô không thể có con nữa đi? Cô định lừa tôi à?

- Không. Em yêu anh thật lòng. Vì một lần phá thai mà em không thể mang thai được nữa. Em đã nghĩ sẽ không bao giờ tái hôn cho đến khi gặp và yêu anh.

Ngoại ngồi lắng nghe tiếng tranh cãi phát ra từ nhà trên, tiếng mẹ nó vừa giãi bày vừa khóc. Dượng đá cánh cửa cái rầm, vắt áo lên vai rú xe phóng đi mất. Ngoại khe khẽ đi vào phòng con gái, nhẹ nhàng ngồi xuống sờ vào tay con và nói:

- Chuyện lớn như vậy sao con không tâm sự gì với mẹ? Phải chăng vì vậy mà con sống sa ngã suốt mấy năm trời để người ta khinh thường cả người mẹ già này!

Mẹ nó không nói gì, nép vào vai ngoại và khóc òa như chưa bao giờ nó thấy.

Hơn một năm trôi qua, ngôi nhà có thêm một người mới nhưng bữa cơm vẫn trầm lắng, có chăng cũng chỉ có tiếng nói cười của mẹ kể về những chuyện vặt xảy ra ở chợ. Ngoại và nó ngồi lặng lẽ ăn cơm. Ngoại gắp thức ăn cho nó. Mẹ gắp thức ăn cho ngoại và chồng. Còn nó chỉ nhìn vào bát cơm từ đầu đến cuối bữa. Nó sợ dượng, sợ ánh mắt như xuyên thấu da thịt của ông ta.

Dượng thường hay đi buôn dài ngày tận biên giới giáp Lào. Hôm đó, Ngà ở nhà. Chỉ có con Mướp và nó. Ngoại đi thăm đám họ hàng ở xa chưa về. Nghe tiếng xe máy vào ngõ, nó cùng con Mướp từ trong bếp chạy ra. Vừa nhìn thấy dượng, nó vội bế con Mướp trở vào. Gã bỏ ba lô xuống thềm, quắc mắt về phía làn khói đang bốc lên trên mái ngói. Gã đi vào phòng tắm, dội nước ào ào. Ngà và con Mướp cứ rúc vào nhau nhìn ánh lửa bập bùng mà lòng như run rẩy. Rồi bỗng gã quát:

- Con Ngà, đem cái áo tao vắt bên cửa sổ vào đây! - Ngà vẫn ngồi im, ôm chặt lấy con Mướp vào lòng. Tiếng gã lại gắt hơn:

- Có nhanh lên không hay để tao nói mẹ mày là mày hỗn với dượng?

Ngà đặt con Mướp xuống đi lấy áo đem vào cửa phòng tắm cho dượng nó. Nghe tiếng dép nó rón rén đến gần, gã đẩy mạnh cánh cửa kéo nó vào phòng tắm. Ngà cố vùng chạy nhưng hai cánh tay lực lưỡng của gã ghì chặt nó xuống sàn. Nước chảy ướt hết da thịt nó. Nó không kêu được, chỉ biết ném những tiếng vô thanh vào không khí. Biết là vô vọng nhưng nó vẫn vẫy vùng. Chân nó bị kéo rộng, ghì chặt. Con Mướp nằm lim dim trong bếp, lửa hắt màu vàng rực hừng hực trong mắt nó.

Mẹ trở về thấy đôi dép dượng thường mang đi buôn để trước cửa mà không thấy xe đâu. Gọi mãi không thấy ai trả lời, chỉ có mình con Mướp chạy ra “meo… meo…” rồi chạy mất. Mẹ đi vào nhà, quanh vườn mà không thấy chồng hay Ngà đâu. Từ khi mẹ cấm chưa bao giờ Ngà dám tự ý đi đâu một mình.

Tiếng con Mướp kêu liên tục từ phía phòng tắm. Mẹ đi về phía đó, tiếng “meo... meo...” càng to hơn. Chiếc roi trên tay mẹ bỗng nhiên rơi xuống sàn nhà, đôi chân run rẩy khi thấy con đang ngồi bệt tựa đầu vào tường, hai tay ôm vòng qua ngực, máu dính đầy bắp chân, lênh láng khắp sàn. Đôi mắt nó nhìn vô định vào không khí. Áo quần rách tươm vung vãi. Vòi nước nhỏ tí tách, còn nước mắt mẹ thì chảy thành dòng. Ôm lấy con vào lòng mà như ôm một khối đá, vô hồn, vụn vỡ. “Từ nay mẹ sẽ sưởi ấm cho con”, mẹ vừa nức nở vừa vơ lấy chiếc khăn quàng lên người Ngà rồi đỡ nó vào phòng.

Tay Ngà vẫn cứ choàng trước ngực, vài vết bầm trên cổ làm nó đau nhưng có lẽ còn nhiều chỗ còn đau hơn thế. Mẹ vừa lau sạch vết máu, mang quần áo vừa cắn chặt vào môi: Mẹ xin lỗi con Ngà ơi!

Ngoại muốn nói nhiều lắm nhưng biết nói gì đây. Ông ngoại Ngà mất sớm vì bệnh nặng. Nhà nghèo, được hai mụn con gái thì đứa chết bom, đứa ham chơi bỏ học sớm. Mới lớn đã yêu đương rồi trót dại. Lấy chồng khi còn chưa chín chắn, để rồi bỏ chồng cũng không cần hỏi ý kiến của ai. Cũng chỉ vì mục đích kiếm nhiều tiền mà đi làm ăn xa, thiếu kiến thức để rồi mang thai ngoài ý muốn. Phá thai khi cái thai đã lớn khiến cho con gái bà mất luôn khả năng có con. Nỗi buồn này khiến nó sống buông thả. Khi đặt tất cả niềm tin, hy vọng vào một người đàn ông, mong rằng sẽ ổn định cuộc sống làm lại từ đầu thì cũng là lúc con gái bà nhận ra người mà mình cần trao hy vọng và bù đắp chính là Ngà. Ngoại lặng lẽ vào bếp nấu cháo cho Ngà, đã hai ngày nó không chịu ăn gì, đêm cũng toàn gặp ác mộng tỉnh giấc. Ngoại lại nhìn con Mướp, hình như nó lại chửa.

*

- Hít sâu… một… hai… ba… rặn nào!

Nó đau quá thiếp đi. Nó thấy ông ngoại về xoa đầu nó. Nó tin đó là ông ngoại vì như lời bà kể, ông có chiếc trán rất cao và gầy. Rồi ông vẫy nó đi theo ông, đưa hai tay vỗ vỗ ra hiệu ông bế. Nó chìa tay ra. Rồi bỗng tiếng ai đó gọi nó dội lại bên tai:

- Cố lên con gái ơi! Mẹ ở đây.

- Ngoại đến bên con đây Ngà ơi! Con Mướp mong con mang em bé về lắm đó.

- Hít sâu… một… hai… ba… rặn!

- Sắp được rồi! Cố lên!

Ngà ghì tay vào hai thanh giường, cắn chặt răng, cơn đau khủng khiếp cuộn lên tột đỉnh khiến Ngà gồng lên dồn hết sức đẩy nó ra ngoài.

Oa... oa... oa!

Vậy là con đã làm được rồi Ngà ơi! - Ngoại và mẹ hôn vào trán nó. Ngà cười chúm chím, chân nó đập vào nhau thình thịch. Mẹ bế đứa trẻ đỏ hỏn đặt lên ngực nó và đắp tấm chăn mỏng lên hai mẹ con. Nó không biết rằng sinh linh bé nhỏ này chính là cơn đau khủng khiếp trong cơ thể nó vừa mới thoát ra. Khi đứa trẻ rúc vào ngực nó mút lấy hai đầu ti bé nhỏ thì nó hiểu nó cũng có một em bé như con Mướp. Nó vòng tay ôm lấy đứa bé và mỉm cười.

Từ chiếc ti vi ngoài sảnh bệnh viện, tiếng pháo hoa nổ ngân trời và tiếng nhạc đón chào năm mới cất lên rộn rã. Giây phút giao thừa đã đến. Các bác sĩ, y tá và những người xung quanh vỗ tay chúc mừng sinh linh bé nhỏ vừa lọt lòng đúng khoảnh khắc giao thời. Mọi người nhìn nhau, nhìn đứa trẻ và Ngà, trao nhau nụ cười ấm áp thay lời muốn nói.

N.D.H

 

 

 

 

 

 

NGÔ DIỆU HẰNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 294 tháng 03/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

5 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

6 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground