Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 11/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hiện thực chiến tranh và số phận người lính trong truyện ngắn của Văn Xương

T

rở về từ chiến trường biên giới phía Bắc, Văn Xương làm cán bộ dân sự, vì thế anh rất có lợi thế là được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều ngành, nhiều tầng lớp nên anh hiểu sâu sắc đời sống, tâm tư người lao động, đặc biệt là những người lính trở về sau chiến tranh. Bên cạnh đó, kí ức, di họa của chiến tranh luôn ám ảnh không nguôi, lèn chặt trong anh. Sống trên mảnh đất một thời máu lửa, khốc liệt nhất của đất nước, và những gì anh được kinh trải đã thôi thúc anh cầm bút. Cũng như nhiều nhà văn khác, trước tiên anh dè dặt thử bút bằng những truyện ngắn như Một thời kỷ niệm, Hoa gạo đỏ bên sông, Huyền thoại một con đường, Nơi gặp gỡ của số phận.. sau này anh tập hợp lại thành tập truyện ngắn Hoa gạo đỏ bên sông (NXB Hội Nhà văn, 2006). Những truyện ngắn này gây sự chú ý đến độc giả, được bạn đọc quan tâm, bởi sự giàu có về vốn sống, sự trải nghiệm, những hiểu biết cặn kẽ, am tường về con người, vùng đất, chiến trường và người lính nơi mảnh đất anh sinh thành bằng giọng điệu nhẹ nhàng, chân chất và mộc mạc. Anh đã có lần tâm sự: Tập truyện ngắn Hoa gạo đỏ bên sông ra đời từ sự đòi hỏi của đời sống chiến tranh, và những hiện thực dồn nén choán chật tâm hồn buộc phải tìm cách viết ra những trang văn nóng hổi về cuộc chiến, về người lính.

 Hoà tấu cùng nguồn mạch ấy, Văn Xương tiếp tục ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Hồn trầm. Qua đó, chứng tỏ được trường lực thẩm mĩ của mình. Với vốn sống dồi dào, bút lực mạnh mẽ đã thể hiện được phẩm chất, “nội lực” của người viết truyện ngắn, biết tự làm chủ vốn liếng của mình và khai thác, chọn lọc, đầu tư một cách đúng mức trong việc thể hiện hiện thực chiến tranh và người lính. Văn Xương từng thể hiện quan niệm của mình thông qua lời kể chuyện của nhân vật trung tâm trong Hoài vọng: “Đi tìm một ý tưởng mới lạ, sáng tạo để tránh những lối mòn cũ; dám vượt qua những vùng nhạy cảm, cố hữu để nhìn nhận một cách tường tận, toàn diện, chân thực về chiến tranh?!”.

            Như thế trên hành trình sáng tạo của Văn xương, đề tài chiến tranh và người lính được anh dành sự quan tâm đặc biệt. Thực ra, đề tài chiến tranh được các nhà truyện ngắn đương đại quan tâm. Chiến tranh luôn gắn liền với số phận đau thương của dân tộc, là nơi gửi gắm tâm sự của những người cầm súng đã từng chứng kiến bao sự hi sinh của đồng đội, đồng bào, và cũng là nguồn cho thế hệ sau tiếp tục khai vỡ. Chiến tranh như một nỗi ám ảnh, một vết thương rỉ máu, khó lành, và thế giới hiện đại vẫn đang từng giờ, từng ngày nóng bỏng cuộc chiến giữa các sắc tộc. Với tài năng, bản lĩnh và cá tính sáng tạo Văn Xương đã tự xây dựng cho mình một phong cách nghệ thuật với những nét độc đáo riêng trong việc phản ánh hiện thực chiến tranh và số phận người lính.

Là một nhà văn trong cuộc, một nhân chứng bước ra từ cuộc chiến, Văn Xương nhìn chiến tranh không chỉ bằng những tấm huy chương, những bản anh hùng ca... Chiến tranh hiện lên với tất cả sự tàn khốc, sự bi thảm, sự ghê rợn, hãi hùng... nữa. Nó không chỉ bi tráng, bi hùng, mà còn là bi thảm... Qua truyện ngắn, Văn Xương đã tái hiện những gì khốc liệt nhất, đau thương, tối tăm nhất của chiến tranh đều được phơi bày một cách trầm trụi, thẳng thắn và nhiều gai góc.

Với đời người, tuổi trẻ mãi là quá khứ, hoài niệm đẹp. Trong hoàn cảnh có chiến tranh, thật tự nhiên và không suy tính, những chàng trai, cô gái thanh xuân ở những làng quê như Long (Hoài vọng) Minh (Chuyện già bản Tà Thiêng), Vinh (Cây Lộc Vừng), Tùng (Lung linh sóng nước), Dũng(Đối mặt với thời gian)... tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhưng chiến tranh có sự nghiệt ngã riêng của nó. Những người lính trực tiếp đối diện với nó trở thành nạn nhân đầu tiên. Nó cuốn theo hàng vạn sinh linh. Chiến tranh hiện hình qua cái chết những người lính trẻ đầy thương tâm: “Nhiều người bị ném lên khung trung, xé tướp ra từng mảnh, bám đầy cỏ rác, bụi bặm, vùi dập vào những đống đất, đá, gạch vụn; nhiều người bị nướng cháy nham nhở dưới chiến hào, công sự hay quằn qoại chết vì trúng những mảnh bom, pháo”, “Một số người tử trận, thi thể đầm đìa máu. Tiếng kêu la quằn lại, đau đớn của người bị thương”. Nhiều khi cả trung đoàn, tiểu đội chỉ sót lại một vài người: “Tiểu đội Minh bị rơi vào ổ phục kích của địch. Sáu người hi sinh. Minh và năm người còn lại sa vào tay địch. Chúng đánh đập hết sức giả man”. Cả tiểu đội chỉ có Dũng (Dòng sông miền cỏ may)sốngsót,còn lại la liệt xác người bị đốn hạ: “Máu và mùi tanh tưởi, lờm lợm của người chết quết đẩm lên thân thể của mọi người”.Chiến tranh ít gây go ác liệt, nỗi đau ít ồn ào mà lặn sâu, âm ỉ vào trái tim. Cảnh tưởng một cô gái bị ba thằng quân phục rằn ri xúm lại đè xuống đất, và hình ảnh mẹ con Vinh ở Vĩnh Linh vừa sản xuất vừa tham gia chiến đấu đánh máy bay Mỹ (Cây lộc vừng).Thế nhưng, đằng sau đó vẫn hiện lên không khí ác liệt của chiến tranh. Nó tố cáo chiến tranh, đồng thời gợi cho bạn đọc một niềm tự hào, niềm tin vào con người, vào tình đồng đội, tình đồng chí trong chiến tranh. Ở chiến trường, có biết bao chiến sĩ anh dũng hy sinh lúc bước vào độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, trong số họ có người còn rất trẻ: Thạch, Nam (Lung linh sóng nước), con gái Hồ Phi (Chuyện già bản Tà Thiêng)... Song, trong hàng vạn người lính quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh thì vẫn có những người lính run sợ trước cái chết, không chịu nổi những khó khăn, gian khổ như Ninh (Dòng sông miền cỏ may) khi đội trưởng gọi mười đồng chí đánh lô cốt, anh đã “lạy trời đừng có tên con”. Đây là điểm mới của Văn Xương mà truyện ngắn trước đây ít đề cập đến. Chiến trường chính là nơi cái lò để tôi luyện con người, nơi thử thách lòng dũng cảm, đồng thời là nơi để người ta sống thật với chính mình.

Phản ánh hiện thực chiến tranh và người lính, Văn Xương không thi vị hoá, sa vào tô vẽ, nhấn mạnh một chiều mặt tích cực. Người lính của anh, từ Long đến Dũng, từ Mẫn đến bà Thuỷ... đều bộc lộ phẩm chất anh hùng một cách hồn nhiên, chân mộc, không lên gân trước những hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh. Mà trong hoàn cảnh, tình thế ấy, người lính hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là lẽ sống, bổn phận ý thức, trách nhiệm của mỗi người đối với quê hương, cách mạng và cuộc đời.

Văn học giai đoạn trước 1975 quan niệm địch-ta rất rạch ròi. Sau 1986, với độ lùi của thời gian, con người thêm sự từng trải, nhiều vấn đề chiến tranh được nhìn nhận lại nên phần nào bớt đi sự thành kiến. Có những hoàn cảnh, lòng thương trỗi dậy như một thứ bản năng trong mỗi người lính, khiến giữa những người cầm súng hai bên đầu chiến tuyến không còn sự phân biệt địch-ta, mà ở đó, chỉ là niềm xót thương, cảm thông, sẻ chia cho số kiếp làm người. Câu chuyện của Long(Hoài vọng) là một trường hợp như thế. Long và một kẻ thù cùng đối đầu nhau tại trận Cổ Thành và hai người cùng bị thương. Ban đầu, theo bản năng tự vệ, Long nghĩ đây là “thời khắc định mệnh đối với mày rồi”, và anh “nhặt chiếc bi đông lên nhằm đầu tên lính nguỵ định nện xuống”. Nhưng khi nhận ra anh ta bất tỉnh, máu chảy nhiều quá, thì Long thấy thương tâm: “Đánh một kẻ đã chết là một việc không nên cũng chẳng ích gì”. Long nghĩ “không còn bao lâu nữa, Long và anh lính dù ở bên kia sẽ cùng nằm lại ở nơi này, trong lòng đất Cổ Thành như bao đồng đội, chiến hữu đã ngã xuống... Chiếc hầm sẽ là quan tài chung chôn vùi, ôm ấp thây xác, linh hồn họ vĩnh viễn”. Hành động ấy của Long là sự thức tỉnh của lòng nhân tiềm ẩn trong thẳm sâu tâm tính anh. Hay, từ lời thổ lộ rất chân thành của Dũng và thái độ Dũng đối với tên lính ngụy là một minh chứng cụ thể: “Mọi người ai cũng đối xử tốt với ông mà sao ông cứ xa lánh, mặc cảm hoài vậy”. Và người lính, dù ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng trong cơn tuyệt vọng, cận kề cái chết, họ có chung một ước vọng được gặp lại mẹ già, người thân, quê hương: “...Tuyệt vọng cùng với sự đau đớn thân xác, tinh thần làm cả hai người lính từ hai phía chiến tuyến xỉu đi. Cơn mơ đột ngột hiện về. Long thấy bóng mẹ đang chờn vờn ẩn hiện đâu đó rất gần... Còn người lính ngụy, giấc mơ đến bất chợt trong lúc đạn bon mù trời. Anh thấy bóng má nơi bờ tre, hàng cau đầu ngõ, nơi rặng dừa, khóm chuối sau vườn”.

Trước đây, bọn phản động thường xuyên tạc rằng người cách mạng là người khát máu, có trái tim sắt đá. Thế nhưng, qua nhân vật Long, Dũng những gì thuộc về phẩm chất con người qua người chiến sĩ cách mạng được thể hiện rõ: Độ lượng, vị tha là đức tính của con người Việt Nam. Qua đó phần nào tránh được cái nhìn hời hợt, giản đơn, hễ ta là tốt, còn địch thì y như rằng từ tâm hồn, tính cách đến hành động đều xấu xa, nhơ bẩn, thể hiện một cái nhìn sâu sắc, bén nhạy và tinh tế của anh.

Theo quan niệm của nhà phân tâm học Freud, giấc mơ là con đường giải toả ẩn ức, và những chấn thương tâm lí từ trong quá khứ của con người. Mở rộng hơn quan niệm nói trên của Freud, Văn Xương đã sử dựng mô típ giấc mơ để phản ảnh hiện thực cuộc sống, mà trong đó, những nỗi đau, sự mất mát, hay tội ác chiến tranh đã ám ảnh, trở thành ác mộng đối với những người lính trong và sau chiến tranh như Long (Hoài vọng), Vinh, mẹ Mận (Cây lộc vừng), bà Thanh, Tùng (Lung linh sóng nước), Dũng, (Đối mặt với thời gian).. Những người lính thanh niên xung phong đã trải qua những năm tháng kinh hoàng của cuộc chiến tranh nơi rừng sâu, núi thẳm, chứng kiến nỗi đau, chết chóc thê thảm, tàn khốc của đồng đội mình. Trở về sau chiến tranh, những tưởng họ có cuộc sống hạnh phúc và bình yên, nhưng cuộc sống của họ không thể bình an, bởi những thương đau, mất mát mà họ và đồng đội đã  từng trải qua là quá trình lớn lao không thể quên được. Hằng đêm, Tùng luôn bị mơ màng, ám ảnh các hình ảnh đồng đội của mình đã ngã xuống:  “Tùng mơ màng như thấy... một cơn gió lạ xào xạc thoảng qua rờn rợn, nổi gai ốc... giọng ai trầm ấm nghe như từ dưới dòng sông vọng lên, từ trong thinh không rơi xuống, vừa quen, vừa lạ: “Tùng ơi mày có nhận ra tao không? Thạch, Nam đây mà!”. Tái hiện chiến tranh qua kí ức của Tùng, trọn vẹn cả bề mặt lẫn bề chìm. Bề mặt, đó là những lần tham gia chiến trận, những trận mưa bom bão đạn, những cái chết la liệt, còn bề chìm đấy là nỗi đau không thể gọi tên, nỗi đau nhân tính, giày vò lương tâm.

Tuy nhiên, anh không bắt bạn đọc phải chứng kiến những người lính của mình luôn trở về với những ám ảnh thương đau. Đôi khi, anh đưa chúng ta vào thế giới của những giấc mơ huyền thoại. Và đó, là những giấc mơ ẩn chứa khát vọng hạnh phúc của người lính, giấc mơ nồng ấm tình người: “Tùng giật mình tỉnh dậy, bàng hoàng, mồ hôi vã ra như tắm... Tất cả đang tan chảy với dòng sông, lay thức, trỗi dậy trong Tùng hơn bao giờ hết: “Hương ơi em ở đâu? Hãy nói với anh đi em! Anh khát thèm được nghe em nói quá chừng... Nhất định mình phải gặp nhau, phải tìm thấy nhau em nhé dù có phải lấp đầy, nghiêng đổ cả dòng sông này”. Chính trong lớp trầm tích của tâm hồn, người lính của anh hiện lên đa chiều, phức tạp hơn, và cũng vì thế mà “người” hơn.

Chu Văn Sơn trong Đường tới cỏ lau nói: “Viết về người Việt là viết về những người đang “sống về mồ mả”, sống những nỗi giao tiếp tâm linh âm thầm huyền nhiệm với tất cả những gì dệt nên xứ sở này”. Việc ra đời thế giới vong hồn người lính chết trận, với thủ pháp hư cấu nhằm gửi gắm những bài học nhân sinh, được rút ra từ hệ quả của cuộc chiến là điều mà truyện ngắn trước đây chưa từng phản ánh. Truyện ngắn Hồn trầm đã dựng lên một thế giới cõi âm - thế giới của lớp người chết trận. Sau chiến tranh, mẹ Mận luôn bị ám ảnh bởi cái chết của chồng, ước mong một ngày nào đó sẽ trở lại chiến trường xưa, nơi bố Mận chết để đưa hài cốt về quê: “Đêm qua tôi mơ thấy lạ lắm chú ạ! Tôi nằm thao thức, lặng lẽ khóc, lặng lẽ cầu nguyện anh ấy linh thiêng phù hộ cho mẹ con tôi tìm thấy anh ấy. Rõ ràng lúc ấy tôi chỉ mơ mơ... một người máu me đầy mình đến ngồi bên cạnh, mắt cứ nhìn chằm chằm vào tôi”. Qua đó, Văn Xương đã mang đến cho tác phẩm của mình một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đọc truyện của anh, độc giả có thể thấu thị đến tận cùng vùng mờ của đời sống nội tâm người lính, thông hiểu cặn kẽ về những biến thái tâm lý, tình cảm, và những nỗi niềm vô cùng thầm kín bên trong con người. Cách nhìn chiến tranh và người lính khá toàn diện và sâu sắc, đã góp phần làm cho truyện ngắn của Văn Xương có chiều sâu hiện thực, phản ánh được những vất vả, gian lao, khó khăn, phức tạp của chiến tranh. Như vậy, tránh được cái nhìn giản đơn, phiến diện một chiều về chiến tranh. Bức tranh hiện thực trong truyện ngắn của anh vì thế giàu tính chân thực, thể hiện tính chất gay go, ác liệt và gân gốc của cuộc chiến.

Hòa trong mạch nguồn chung của truyện ngắn sau đổi mới, truyện ngắn của Văn Xương có mô hình cấu trúc mới: hướng tới lịch sử - tâm hồn (Bùi Việt Thắng). Truyện ngắn trước đổi mới, hình thức “vĩ mô” của cấu trúc là hướng tới lịch sử - sự kiện trong tầm rộng, thì sau đổi mới, hình thức “vi mô” của nó là hướng tới lịch sử-tâm hồn. Lịch sử được nhìn nhận qua tâm hồn con người và tâm hồn con người, dòng chảy lịch sử được tái hiện. Trong đó, kí ức được xem là một thành tố quan trọng để tổ chức kết cấu tác phẩm. Kí ức được quan niệm như một hình thức, một con đường nhận thức và biểu hiện thực tại. Kí ức cũng là một sự tìm kiếm “thời gian đã mất”, của những người đại diện cho một thế hệ đã và đang đi ra khỏi cuộc chiến. Long, Minh, Vinh, mẹ Mận, Dũng, mẹ con Hương... họ bước ra khỏi cuộc chiến nhưng không ngừng bị ám ảnh bởi những khốc liệt của chiến tranh. Sự đan cài giữa hiện tại và quá khứ làm cho cuộc chiến hôm qua và hôm nay không thể tách rời. Trong Cây lộc vừng những mẫu chuyện thuộc về kí ức hơn ba mươi năm về trước vẫn ám ảnh, tươi mới trong Vinh. Bởi, nó ăn sâu vào huyết mạch của những ai từng trải qua nó. Việc chuyển đổi thời gian hiện tại sang thời gian quá khứ dường như nhập chung chia thành một dòng được in đậm dấu ấn trong Hoài Vọng, Chuyện già bản Tà Thiêng, Lung linh sóng nước, Dòng sông miền cỏ may... cho nên, ngồn ngộn trong đó những kỷ niệm, những chất vấn lương tâm, là những vấn đề thuộc về cuộc sống.

Một điều rất ngẫu nhiên, nhưng có sự trùng hợp, Văn Xương đã khéo léo sử dụng kỹ thuật điện ảnh để tạo nên một cấu trúc trọn vẹn, khả thi, đó là thủ pháp lắp ghép, cắt dán, đồng hiện, phối cảnh. Kỹ thuật đồng hiện trong Hoài Vọng, Hồn trầm, Cây lộc vừng... được anh tận dụng khá triệt để. Ví như, từ một chi tiết khá lãng mạn về nhân vật Vinh gặp lại Mận trong một buổi hội nghị sau bao năm xa cách, ngay lập tức miền kí ức xa xăm thủa nào của lần đầu tiên hai người gặp nhau trong hoàn cảnh của chiến tranh ác liệt, gợi tiếp đến chuyện mẹ Mận vào lại chiến trường Quảng Trị để tìm hài cốt chồng; chuyện chiến tranh biên giới bùng nổ, Vinh bị thương, mẹ con Mận đi sơ tán, và mất liên lạc nhau từ đó. Kí ức nối tiếp nhau miên man, chảy thành dòng trong ý thức, gợi mở nhiều vấn đề. Có thể nói, nhờ thủ pháo lắp ghép điện ảnh, Văn Xương đã làm sống dậy, bao kỷ niệm vui buồn, hạnh phúc đau thương, mất mát như đã lãng quên và chôn vùi trong dĩ vãng.

Sáng tạo nghệ thuật là giây phút thăng hoa của vô thức, tiềm thức. Các nhà truyện ngắn đương đại hướng tới cái hiện thực hỗn mang, hiện thực của bề sâu, bề xa của những dòng chảy kỷ niệm, ám ảnh, ham muốn... Truyện ngắn Văn Xương đã để lại nhiều dấu ấn cách tân trong việc sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là lớp ngôn ngữ giàu chất thơ. Chất thơ hiện diện ngay trong cách đặt tên truyện, trong giọng điệu, trong cách miêu tả, kế cấu, trong các hình tượng nghệ thuật như Lung linh sóng nước, Dòng sông miền cỏ may, Thiên nga trắng, Hồn trầm... đọc lên nghe như đầu đề của những bài thơ tình duyên dáng, lãng mạn, chất chứa bao nỗi niềm, xúc cảm của người lính. Và kì thực, đó là những câu chuyện về chiến tranh, về tình yêu, số phận và tình người của người lính trong và sau chiến tranh bằng sự chiêm nghiệm nghẹn ngào, bằng trái tim đa cảm, giàu yêu thương và trân trọng con người của chính nhà văn: “Mặt trời đã tắt hẳn nhưng dòng sông Thạch Hãn lại bừng sáng, xôn xao lóng lánh như trải vàng, những con sóng dìu dặt nối tiếp nhau vỗ bờ, dào dạt... Dòng sông Thạch Hãn vẫn tha thiết, quặn mình chảy, những khóm hoa lục bình tím vẫn dập dờn trên sóng nước lung linh”. Ngôn ngữ giàu chất thơ làm nên sự quyến rũ riêng, cũng như qua những hiện thực “bỏng rát” nó chuẩn bị tâm thế để bạn đọc lắng dịu lại, để cảm nghiệm hiện thực: “Đồi Không tên. Mênh mang xanh ngát cánh rừng trầm đang vương nhành, đan lá, lao xao trong gió thoảng hương thơm”. Văn Xương còn khéo “mượn” luôn cả những đoạn thơ, bài thơ của các nhà thơ khác để đưa vào trang văn đầu tiên của truyện. Hẳn nhiên. đó là những đoạn thơ chở đầy tâm trạng và ám ảnh, làm nền cho nội dung tư tưởng của tác phẩm. Chẳng hạn anh lấy đoạn thơ của Lê Bá Dương mở đầu cho truyện Lung linh sóng nước: “Dò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Những câu thơ nghe như lời than trách, đầy xót xa, hờn tủi của những người lính chết trận nằm lại dưới lòng sông của cuộc đời. Qua những vần điệu ngân rung ấy là tâm sự day dứt không nguôi của anh về hiện thực chiến tranh, về số phận của người lính. Vì thế, khi đọc truyện của Văn Xương, ta thường có cảm giác buồn, một nỗi buồn mang dư vị ngọt ngào lẫn niềm xót xa, đắng cay.

Ngôn ngữ và trang sách là thơ nhưng cuộc đời là thực. Với Văn xương, chất thơ đưa vào truyện không chỉ để câu chữ thêm đẹp, lời lẽ và hình ảnh thêm thú vị, lung linh, mà còn để khơi thêm nỗi đau, nỗi xót xa, sự ám ảnh trong lòng độc giả, để bạn đọc cùng thổn thức, xốn xang, biết sẻ chia, trang trải nỗi lòng trước hiện thực chiến tranh, và những kiếp đời đau thương, đen bạc.  

Thành công trong nghệ thuật truyện ngắn Văn Xương không chỉ thể hiện ở tính chân thực của đề tài, chi tiết, sự việc, nghệ thuật xây dựng nhân vật, mà còn ở kết cấu, ngôn ngữ, bối cảnh lịch sử xã hội, khung cảnh thiên nhiên và quê hương Quảng Trị được anh làm nền cho câu chuyện, tạo nên phong cách hiện thực tỉnh táo của sáng tác Văn Xương.

Đứng từ góc độ số phận của cộng đồng dân tộc, Văn Xương nhìn cuộc chiến tranh từ số phận cá nhân con người. Vì thế qua một số truyện ngắn của anh cho chúng ta thấy “một cuộc chiến tranh khác, không ngược nghĩa, không “phủ định”, không chống lại”. Với cuộc chiến tranh được mô tả trong dòng chảy của truyện ngắn cách mạng, nhưng là một cuộc chiến tranh khác. Văn Xương đã trở về đúng với tư duy nghệ thuật truyện ngắn, bởi có nhiều “cách nhìn khác nhau đối với một sự vật, không có cái nhìn nào có quyền cao hơn cái nhìn nào, không có cái nhìn nào là chân lí duy nhất, tuyệt đối. Một sự vật có thể vừa là thế này vừa là thế kia. Thế giới tự trong bản chất nó, là đa nghĩa”.

            Với một cái nhìn chín chắn, chân thật của một thứ rể bám sâu vào lòng đất, Văn Xương đã tạo được ấn tượng và sự tin cậy của độc giả khi tiếp cận truyện ngắn của anh về đề tài chiến tranh và người lính. Những trang văn của anh không phải là sản phẩm của một trí tưởng tượng, bịa đặt, tuỳ tiện, mà được “chắt lọc” từ chính cuộc đời cần mẫn, và sự trải nghiệm trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc, cũng như thường xuyên lăn lộn bám sát cuộc sống. Vì thế truyện ngắn Văn Xương đã tạo được ấn tượng trong lòng bạn đọc trong việc phản ảnh hiện thực, góp phần vào đời sống văn xuôi đương đại một luồng sinh khí mới, tạo được những thanh âm vang vọng trong giàn hợp xướng nhiều âm sắc của thế hệ nhà văn sáng tác truyện ngắn về đề tài chiến tranh và người lính sau 1975, đặc biệt sau đổi mới.

                                                                                                                                                                                                               B.N.H

 

 
Bùi Như Hải
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 187 tháng 04/2010

Mới nhất

Bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị”

8 Giờ trước

Chiều ngày 10/12, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức bế mạc Trại sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề “Người lính với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và quê hương Quảng Trị” năm 2024.

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng

10/12/2024 lúc 12:24

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

12/12

25° - 27°

Mưa

13/12

24° - 26°

Mưa

14/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground