Chủ động để không bị lúng túng
Chỉ mới mấy năm trước, chúng ta đề cập đến thời đại công nghệ thông tin thì nay đã là thời đại 4.0. Các khái niệm của báo chí như tòa soạn đa phương tiện thì nay đã có thêm tòa soạn hội tụ, tòa soạn trực tuyến. Giữa cuộc chuyển mình nhanh chóng ấy, các tạp chí không còn ung dung làm theo lối truyền thống nữa mà bắt buộc phải nhập cuộc, phải thay đổi, phải cách tân từ chính trong suy nghĩ của mỗi người làm báo.
Đầu tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có giãn cách xã hội. Việc giãn cách xã hội khiến nhiều đơn vị, tổ chức bị lúng túng trong công việc bởi không thể gặp gỡ trực tiếp. Để thích ứng với tình hình mới, tạp chí Cửa Việt đã quyết tâm xây dựng hệ thống biên tập trực tuyến. Trong lúc không thể liên hệ để đặt hàng đơn vị thiết kế ứng dụng, tạp chí phải tự xoay xở bằng vốn tự có. Vả lại, nếu đặt hàng với một đơn vị công nghệ thông tin thì họ rất khó để hiểu đặc thù công việc của người làm báo, các quy trình xử lý bài vở ra sao, đầu vào và đầu ra thông tin thế nào... Nói chung, nếu thuê người ta thì mình cũng phải vạch ra một cái sơ đồ xử lý tất tần tật, coi như thuật toán là của mình, và phải dùng dằng qua lại biết lúc nào mới có được để dùng?
Cái khó ló cái khôn, tạp chí Cửa Việt đã tự làm sản phẩm của mình. Nội bộ tòa soạn đã tự vạch ra khung sơ đồ về giao diện các tiện ích. Người có kỹ năng công nghệ thì đích thân lập trình ứng dụng hệ thống. Một người chủ trì đưa ra ý tưởng xây dựng, một người trực tiếp thực hiện chính và cùng trao đổi để thống nhất. Tất nhiên vì đang giãn cách xã hội nên các bên cũng phải làm việc với nhau trực tuyến. Sau một tuần, sản phẩm hệ thống biên tập online tạp chí Cửa Việt bước đầu đã cơ bản xong. Cấp tài khoản cho toàn bộ ban biên tập để chạy thử, không ngờ "được phát ăn ngay". Thế là cả ban biên tập đều dùng hệ thống để trình bài in, chỉnh sửa biên tập, duyệt bài ngay trong số báo của tháng đó.
Hệ thống biên tập online vận hành, từ nay sẽ không còn chuyện trình bài phê duyệt bằng giấy, không còn dấu tích bút viết chỉnh sửa, bộ phận dàn trang cũng không còn soi mắt dò lỗi... Tất cả đã có trên hệ thống biên tập online. Việc này còn một tiện lợi nữa, dù hy hữu không mong muốn, đó là nếu sai sót ở khâu nào, lỗi ở người nào thì đã lưu trữ trên hệ thống, không thể chỉnh sửa (không phải như khi trình duyệt bài bằng giấy, có thể đặt bút sửa vào bất cứ lúc nào).
Một tháng sau khi hệ thống biên tập online chạy thông suốt, Cửa Việt tiếp tục mở rộng thêm tiện ích xử lý văn bản online. Cũng trên nền tảng đó, thiết kế thêm và cấp mật khẩu cho bộ phận hành chính, trị sự cùng đăng nhập. Như vậy có thể nói tới lúc này tạp chí Cửa Việt đã có một "cơ quan online", mọi thông tin, văn bản, giao công việc cho ai... đều đã có trên hệ thống.
Việc xử lý công việc thông qua các phần mềm đã tăng tính chủ động cho mỗi số báo, sắp xếp lưu trữ bài vở khoa học, tiết kiệm chi phí công và thời gian. Đặc biệt là trong những giai đoạn giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, trong mùa mưa lụt, hệ thống này đã giúp tòa soạn không bị lúng túng.
Đổi mới phương thức tiếp cận bạn đọc
So với các báo thì nhìn chung các tạp chí thường ít đổi mới hoặc đổi mới rất chậm. Có thể bởi tạp chí không chạy theo tin tức nóng hổi của đời sống, mà mang tính chất tổng hợp, tư duy, suy ngẫm, nên thường không chú ý đến việc cạnh tranh bạn đọc. Ban biên tập Cửa Việt xác định phải đổi mới để tiếp cận bạn đọc một cách chủ động.
Trước hết là kênh fanpage trên mạng xã hội. Vạn sự khởi đầu nan, lúc mới lập chỉ lèo tèo vài người biết. Tòa soạn phân công mỗi ngày có một người đăng bài lên fanpage, tìm cách tiếp cận được càng nhiều người càng tốt thông qua việc chia sẻ những thông tin hữu ích. Nhiều trang fanpage có lượt tương tác rất cao nhờ vào tin giật gân, kích thích tò mò... nhưng là một tờ báo chính thống thì không thể làm như thế. "Chậm, nhưng chắc" là một phương châm, mỗi ngày một ít, đến nay fanpage Cửa Việt đã có 14.000 người theo dõi, con số tuy còn khiêm tốn nhưng so với các tạp chí văn nghệ thì cũng đáng tự hào.
Fanpage không chỉ đăng tải bài viết mà còn phát livestream các buổi tọa đàm giới thiệu sách, các chương trình sinh hoạt văn hóa trong tỉnh... thu hút lượng người xem đông. Đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp như thông tin thời tiết xấu, cảnh báo thiên tai, phản ánh bão lụt... fanpage của tạp chí Cửa Việt đã trở thành một địa chỉ dẫn nguồn đáng tin cậy, được bạn đọc chia sẻ nhiều.
Một số bài emagazine về lễ hội Vì hòa bình năm 2024 trên trang điện tử tạp chí Cửa Việt thu hút người xem - Ảnh: H.P
Trang thông tin điện tử tạp chí Cửa Việt cũng được thay đổi mạnh mẽ. Trước hết là giao diện được thiết kế hiện đại hơn, sang trọng hơn, theo hình thức của các báo điện tử để tạo được ấn tượng trực quan, thu hút người xem. Nội dung từng số báo được đăng tải lên trang điện tử kịp thời khi báo vừa in xong, thậm chí một số bài được đăng tải trước để kịp tuyên truyền theo sự kiện, như vậy là tạp chí không còn lo bị "nguội" tính thời sự.
Đặc biệt từ năm 2022, trang thông tin điện tử của Cửa Việt đăng tải nhiều bài viết dạng emagazine. Để làm được điều này là cả một nỗ lực lớn từ nhiều phía. Trước hết là khâu kỹ thuật, bên cung ứng sản phẩm website đã xây dựng giao diện cho phép đăng tải bài vở dạng longform. Về phía tòa soạn, các biên tập viên, phóng viên phải thành thạo kỹ năng xử lý ảnh, chỉnh sửa video và trình bày website. Việc đăng tải bài emagazine có một sự phức tạp nhất định, tức là phải thực hiện hai phiên bản: một dành cho người đọc máy tính (bản pc) và một dành cho người dùng điện thoại thông minh (bản mobile). Hai phiên bản này của một bài viết được thực hiện hoàn toàn độc lập từ phía người xử lý trình bày, đăng tải.
Những nội dung tuyên truyền chuyên sâu về chính trị - xã hội tỉnh nhà được tạp chí đầu tư công phu trên cả báo giấy lẫn trang điện tử. Đặc biệt năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ hội Vì hòa bình, tạp chí Cửa Việt đã thông tin tất cả các hoạt động lễ hội bằng các bài emagazine, trong đó kết hợp nội dung với hình thức đồ họa, hình ảnh, video clip. Các bài báo này của tạp chí được được bạn đọc đánh giá cao về tính nhanh nhạy, bắt mắt, hiện đại. Đồng thời được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, một số trang báo điện tử khác đăng tải lại… tạo nên hiệu ứng truyền thông lan tỏa về lễ hội Vì hòa bình năm 2024.
Hướng tới nền báo chí chuyên nghiệp
Để có được sự chuyển đổi số nhanh chóng và mạnh mẽ, đội ngũ viên chức tạp chí Cửa Việt đã đoàn kết, quyết tâm, tận dụng lợi thế sẵn có của từng cá nhân để làm nên sức mạnh tập thể.
Ngoài việc tham gia tập huấn các lớp về báo chí đa phương tiện ở Hội Nhà báo tỉnh, tạp chí Cửa Việt đã tổ chức tập huấn nội bộ mà giảng viên cũng từ nguồn... tự có. Nội dung tập huấn ngắn gọn, bỏ qua các khái niệm lý thuyết dài dòng, chỉ đi vào cái cần làm. Bắt tay chỉ việc, người thành thạo bày cho người chưa biết. Người biết rồi thì thực hiện các kỹ thuật nâng cao. Nhờ vậy qua một ngày tập huấn, toàn thể ban biên tập đều đã có thể làm được sản phẩm emagazine bước đầu. Một vài người đã thành thạo kỹ thuật chỉnh sửa ảnh và sửa mã hóa có thể đăng những bài phức tạp hơn, gồm đầy đủ các tiện ích âm thanh, clip, bản đồ chỉ dẫn google maps...
Tập huấn tác nghiệp online trong nội bộ tạp chí Cửa Việt - Ảnh: H.P
Việc triển khai chuyển đổi số ở tạp chí Cửa Việt trong những năm qua cũng là quãng thời gian nền kinh tế chịu sự chi phối của đại dịch, rõ ràng vấn đề "tiền đâu để làm" cũng rất đáng bàn. Trong khó khăn, tạp chí đã sử dụng nguồn lực tại chỗ, khai thác nguồn lực trí tuệ của nội bộ cơ quan để xây dựng nên hệ thống xử lý công việc trực tuyến. Đây là một sự việc ngoài mong đợi, vì rõ ràng nhiều nơi muốn có được một hệ thống như vậy đã phải bỏ ra rất nhiều tiền để thuê.
Ứng dụng công nghệ mới, chủ động chuyển đổi số đã mang đến nhiều lợi ích. Trước hết là giải phóng một phần sức lao động, tiết kiệm chi phí in ấn; cán bộ, phóng viên chủ động thời gian làm việc và sẵn sàng trong mọi tình huống bất trắc của dịch bệnh, của thiên tai. Áp dụng các giao thức báo chí mới đã tiếp cận lượng người đọc nhiều hơn, chuyển dần từ bạn đọc báo in truyền thống sang bạn đọc báo mạng, qua đó chuyển tải thông tin địa phương đến rộng rãi hơn và tạo ấn tượng sâu với bạn đọc. Đây cũng chính là một nội dung quan trọng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ: Phát triển nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, có khả năng liên kết trong nước và quảng bá hình ảnh, lợi thế tiềm năng của tỉnh ra khu vực và quốc tế.