Đ |
ầu năm 1947, quân Pháp từ Lào tràn về, tỉnh cử đồng chí Trần Hồng Chương, Thường vụ tỉnh ủy lên phụ trách cấp huyện Hướng Hóa và chỉ huy đội biệt động Đường 9 (1)
Từ ngày thành lập, đội biệt động đã tham gia đánh các trận khe Sanh, Rào Quán, Mò Ó, Đầu Mầu, Đèo Đá, Đuồi Cam Lộ, góp phần chặn địch tiến dọc Đường số 9, bảo toàn lực lượng để hậu phương Quảng Trị có thời gian chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Sau trận đánh bom ở Đuồi Cam Lộ, đồng chí Hùng Việt (2) gọi tôi tớ giới thiệu với một người thấp lùn, tóc cắt ngắn, trông nghiêm nghị, giọng nhỏ nhẹ. Đồng chí Hùng Việt nói: "Đây là đồng chí Hồng Chương. Từ nay trở đi em và cả tiểu đội dưới sự chỉ huy của dồng chí".
Thế là tôi và tiểu đội theo anh Hồng Chương, vũ khí của chúng tôi chỉ có một số bom, lựu đạn và 2-3 khẩu súng trường. Đường quay lại Khe Sanh, Hướng Hóa phải đi vòng ra Vĩnh Linh, vượt Đông Trường Sơn leo gần đỉnh Động Voi Mẹp thì gặp nguồn sông Thạch Hãn chạy qua Rào Quán về thị xã Quảng Trị. Đến bản Hố Nguồn của người Vân Kiều là căn cứ của cơ quan đoàn thể huyện Hướng Hóa. Tiểu đội tôi được lênh ra Đường 9 phục kích đánh bom. Cuộc sống những ngày đầu năm 1947 của đội biệt động thật gian khổ. Giật bom về chui vào rừng, tự tìm rau rừng, ốc, cua… bất cứ sinh vật gì ăn được đem về để nấu ăn tự túc. Vì gần Đường 9, rừng già, giá rét, đêm nào hố mới nhóm được lửa, rồi co quắp quanh hố, thân che áo lá tơi ghép lại, ôm nhau ngủ, không chăn, không màn, không lán. Gần địch không dám ở qua hai đêm một chổ. Rời chổ phải xóa dấu vết chiến sĩ ghẻ lở đầy người. Tôi chỉ còn một quần đùi, khi tắm, giặt quần đùi phơi trên đá, chờ khô, đem mặc lại. Số anh em đi nhận thực phẩm thỉnh thoảng cũng nhận được dăm bảy kilô gạo do dân san sẻ những lon gạo cuối cùng còn mang theo được lúc chạy giặc. Ăn một bữa no, vắt cơm độn rau rừng, cả tiểu đội lại ra Đường 9 chôn bom phục kích xe địch…
Khoảng tháng 6 năm 1947, tiểu đội được lệnh về huyện sát nhập vào trung đội bộ đội địa phương Hướng Hóa. Tôi là trung đội trưởng, đồng chí Lê Kim Toàn làm trung đội phó. Tôi có điều kiện gần anh Hồng Chương từ đó. Tôi lần vào sâu trong rừng bản Hồ Nguồn, lưng chừng leo dộng Voi Mẹp cao nhất vùng, gặp anh đang nằm trong lán. Anh nhìn tôi giọng thều thào hỏi: Định tới rồi à! Dưới ánh lửa nhập nhòe tôi nhìn thấy anh khạc ra toàn mủ và máu, thì ra những năm tù đày anh bị thực dân Pháp đánh dập một lá phổi, nay đag đau nặng. Vốn ở một vùng quê cách mạng, tôi càng quý trọng và mừng rỡ trong lòng, đây chắc là một đồng chí Cộng sản. Số là từ khi nhập nguc ở Vinh, tôi giữ giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng trong ve áo. Nhưng từ trại bộ đội Vinh vào trung đoàn 95 tháng 12.1946, rồi nổ súng kháng chiến được điều lên Đường 9 - Khe Sanh, chưa tìm được ai là Cộng sản để đưa giấy giới thiệu. Sau khi hỏi chuyện gia đình, quê quán, học lực… anh giao tôi viết truyền đơn địch vận bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Vài ngày ở với anh đã thân quen trong rừng thẳm. Một tối ngồi hơ lửa bên chổ anh nằm, tôi mạnh bạo xé ve áo lấy tờ giấy giới thiệu đã nhàu, run run đưa anh và nói: Em là Đảng Viên Cộng sản Đông Dương, địa phuyong giưois thiệu từ năm ngoái, nhưng không biết chuyển cho ai, vì ai cũng đánh giặc, nhưng không biết ai là Đảng viên. Anh bỗng giật dậy sung sướng nói với tôi: Em là Đảng viên à? Hay quá! Anh xem giấy giới thiệu của tôi như dồn sinh lực của một người đang yếu mệt, anh với tay lấy một túi vải, anh bảo: Em giữ cho anh cái túi xách con kiến (3) này anh đưa từ nhà tù Ban Mê Thuột ra sau đảo chính Nhật tháng 3.1945. Quý lắm. Đừng làm mất hoặc ướt đi nhé. Đọc đi, điều gì không hiểu hỏi anh. Rồi anh cặm cụi viết, mệt thì nằm, khỏe ngồi dậy được, anh lại viết. Chính trong hoàn cảnh gian lao của năm đầu kháng chiến và chứng đòn thù cũ mà anh phải chịu đựng. Chính trong chốn rừng thẳm đại ngàn, biệt động ĐưỜNG 9 do anh chỉ đạo, sống và chiến đấu trong vùng sau lưng địch, mà bài trường ca Biệt động đội Đường 9 của anh Hồng Chương ra đời. Sau đây xin trích vài đoạn" Trường ca Biệt động đội Đường 9" mà tôi còn nhớ:
Thưở đất nước mịt mù khói đạn
Thân nam nhi dày dạn phong sương
Tuốt gươm cắp súng lên đường
Âm thầm chính khí, hào hùng nước non
Xót quốc biển gia vong lắm lúc
Tím bầm gan sùng sục uất đầy.
Vứt đe, quẳng bút, xếp cày
Đoàn quân biệt động từ nay ra đời.
Người chiến sĩ ra nơi chiến đấu
Gót rỗ nhăng in dấu hành binh
Sẹo ghi từng trận chiến binh
Mắt hoe lửa giận, trán khinh hiểm nghèo…
…Trưa nghỉ chốn nước trong suối mát
Bộ áo quần độc nhất giặt phơi
Tắm xong vội khoác vào người
Lên đường hối hả theo lời nước non…
…Những đêm tối lần dò trại địch
Làm mạch rừng tai vách lắng nghe
Đoành, đoành lựu đạn tung toe
Trả lời súng máy, chớp lòe rừng khuya…
…Vẫn vui vẻ họp chung bàn bạc
Vạch lý do thua được tận tường
Lập căn cứ, mở lại đường
Một lòng quyết chiến, diệt phường ngoại xâm…
… Đền nợ nước chết trong khói lửa
Chốn xa trường da ngựa bọc thây
Mong sao thỏa được chí trai
Xưa nay chinh chiến mấy ai cần về…
…Đuổi giặc nước, quốc gia khôi phục
Bóng Quốc kỳ đỏ rực khắp nơi
Sao vàng tỏa ánh vàng tươi
Việt
Một trong những bài thơ kháng chiến đầu tiên còn hiếm hoi đó, tuy hơi "cổ điển", nhưng được nhanh chóng in litô hoặc truyền miệng, ngâm đọc trên những nẻo đường khói lửa Bình Trị Thiên… Đại hội Đảng bộ huyện Hướng Hóa. Đầu kháng chiến, khoảng tháng 6 - 7 năm 1947 bầu tôi vào huyện ủy và chỉ thị tôi làm chính trị viên huyện đội Hướng Hóa. Đầu năm 1948, anh Hồng Chương và tôi cùng ra Bắc đi học lớp đào tạo cán bộ trung cấp liên khu IV. Đi bằng thuyền buồm, tôi đưa anh đi về thăm mẹ tôi ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lúc bấy giờ trở thành hậu phương cung cấp sức người sức của, mở các lớp đào tạo, mở các trường văn hóa cho con em Bình Trị Thiên. Hễ từ Bình Trị Thiên ra vùng hậu phương, Hội mẹ chiến sĩ tổ chức nuôi hàng tháng, hàng năm không mất tiền. Tôi đưa anh về thăm mẹ già sau một năm rưỡi xa nhà, lúc đồng bào đang ăn tết. Nhà nào sang xuân cũng xuất hành tiễn đưa trai gái đi bộ đội, dân công, người tập du kích tự về, người đi tiêu thổ kháng chiến. Đồng bào tụ lại chật nhà, bên nồi nước chè xanh, dưới ánh đèn dầu trong giá lạnh mùa xuân, nhưng vẫn nô nức đưa quà tặng hai chiến sĩ, một già một trẻ vừa ở chiến trường nóng bỏng ra vùng tự do. Quà đủ loại, mấy chục ngày ở nhà ăn không hết. Bà con ngồi nghe nói chuyện chiến trường. Anh Hồng Chương và tôi cứ phải đọc nhiều lượt bài Trường ca biệt động để đồng bào đến đầy nhà tôi ghi chép. Từ đó lưu truyền mãi. Đến nay nhiều lúc chú bác quê tôi còn nhớ toàn văn bài thơ và đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối bài Trường ca ấy. Sau đó bà Trường ca ấy lan truyền nhanh chóng đến vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh và vùng địch hậu Bình Trị Thiên.
Trần Hồng Chương không còn nữa, nhưng những lời bày vẻ dạy dỗ về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương chăm học, chăm viết và nghị lực của anh, với bài Trường ca kháng chiến, vẫn đọng mãi trong lòng tôi và những thế hệ gần sau anh này.
N.N.Đ
______________________
(1) Cần nói rõ: BĐĐ Đường 9 chỉ có một tiểu đội chuyên độn thổ giật bom là chính ở Đường số 9.
(2) Đồng chí Hùng Việt là trung đoàn trưởng trung đoàn Thiện Thuật (E 95)
(3) Sách con kiến: ở nhà đày Buôn Mê Thuột thực hiệnc hủ trương của Đảng lúc bấy giờ sau năm 1930 - 1931 là: "biến nhà tù thành trường học", để đào tạo cán bộ ngay trong tù, các đồng chí Cộng sản đã có sáng kiến tổ chức một tủ sách bí mật: chọn những đồng chí chữ tốt viết mực đen trên những quyển sách to bằng hộp diêm, phần lớn chép những tài liệu kinh điển của Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, rồi cạy nền nhà dấu ở đấy, lớp trước ra tù thì lớp sau đến lấy học.