Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lễ hội cầu ngư của làng Phú Hội

I. Đôi nét về làng Phú Hội.

P

hú Hội là một làng vùng biển thuộc xã Triệu An - huyện Triệu Phong - tỉnh Quảng Trị. Phía nam giáp làng Hà Tây, phía bắc giáp sông Thạch Hãn và xóm Tuần của làng Hà Tây, phía tây giáp sông Cụt, phía đông giáp biển Đông. Diện tích đất tự nhiên của làng Phú Hội 132 ha, trong đó đất nông nghiệp 28 ha, nuôi trồng thủy sản (tôm và cá) 22 ha, số còn lại là đất thổ cư và đất lâm nghiệp trồng rừng phòng hộ ven biển. Dân số 346 hộ với 1455nhân khẩu.

Phú Hội là một làng hình thành khá muộn so với nhiều làng xã người Việt trên vùng bắc và nam Cửa Việt. Lúc mới thành lập làng có tên là Phường Mành - tên được gọi theo một loại ngư cụ đánh bắt cá nục ở trên biển. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII làng có tên là Phụ Lũy (Theo địa bạ của làng lập vào năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) dưới thời vua Lê Huyền Tông ghi tên làng là Phụ Lũy. Địa bạ hiện nay do ông Nguyễn Công Liên - Hội chủ làng lưu giữ). Phụ Lũy cũng là tên được Lê Quý Đôn chép trong “Phủ biên tạp lục” . Đến thế kỷ XIX, làng Phụ Lũy đổi thành Phó Hội (Theo Giáp tư địa đồ được lập vào năm 1812 dưới thời vua Gia Long, Giáp tư địa đồ hiện nay do ông Nguyễn Công Liên - Hội chủ làng lưu giữ). Việc làng đổi tên từ Phụ Lũy thành Phú Hội mang nhiều ý nghĩa: Đây là nơi hội tụ sự giàu có để trở thành nơi đô hội, sầm uất; có lẽ lúc này thương cảng Cửa Việt nói chung và tại nhánh sông Cụt trước mặt của làng đã trở thành nơi đô hội - một cảng thị trên sông, là trung tâm thương mại, nơi tấp nập những thuyền buôn bán ra vào neo đậu. Sau ngày đất nước thống nhất, Phó Hội đổi tên thành Phú Hội (1977).

Công lao khai khẩn dựng đặt hương hiệu để hình thành nên làng xóm trên mãnh dất làng Phú Hội thuộc về thủy tổ 4 họ: Đinh, Lê, Trần, Nguyễn có gốc từ vùng Thanh Hóa vào đây lập nghiệp. Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ đầu tiên đặt chân đến mãnh đất này là vị thủy tổ họ Đinh (Gia phả họ Đinh đến nay đã 18 đời, họ Nguyễn 13 đời). Hai họ Trần, Lê thế tục ở làng không được bao lâu thì đoản mạch, hiện không còn người nối nghiệp. Những thời kỳ tiếp theo cho đến nay nhiều dòng họ đã nhập cư vào làng, đến nay làng có 13 họ. Cháu con của làng qua nhiều thế hệ vẫn đồng tâm hiệp lực, chịu khó, chịu khổ xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 

Để tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân, các thế hệ con cháu của làng Phú Hội vẫn truyền lưu việc tế tự hàng năm, vào ngày 15/ 6 Âm lịch tế Đại tự cầu an tại Đình làng, ngày 20/ 12 Âm lịch tế các họ không ai thờ tự tại Miếu Hiệp tự và đình làng, ngày 15/2 Âm lịch tổ chức lễ hội Cầu Ngư.

II. Lễ hội Cầu Ngư của làng Phú Hội.

Lễ hội Cầu Ngư của làng Phú Hội được diễn ra vào ngày 15 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất, là một hình thức sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển để rồi truyền lưu qua nhiều thế hệ. Lễ hội mang những nét độc đáo, riêng biệt của một làng nghề - nghề biển, mục đích lớn nhất của lễ hội là cầu quốc thái dân an; cầu lộc, cầu tài cho con em dân làng, cầu mưa thuận gió hòa với những chuyến xa khơi may mắn.

Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ câu chuyện tương truyền: Ngày xưa, có một con cá Ông (cá Voi) khi lụy (chết) trôi dạt vào bờ biển của làng, người dân đem về chôn cất, tôn lên làm thần lập miếu thờ cúng; từ đó trở đi các tàu thuyền con em trong làng khi ra khơi đánh cá đều gặp nhiều may mắn, tránh những tai ương, rủi ro của biển cả, lại gặp những vụ mùa bội thu tôm cá đầy thuyền. Từ đó trở đi việc an táng các loại cá lớn chủ yếu là cá Voi và cá Phớn khi lụy (chết) trôi dạt vào bờ được người dân coi trọng và trở thành tục lệ của dân làng Phú Hội. Theo quy định bất kỳ người dân nào của làng khi bắt gặp Ông lụy đều phải báo để làng đứng ra lo tang lễ, người đầu tiên thấy Ông phải đứng ra làm trưởng nam chịu tang như cháu con thân nhân trong gia đình và phải coi đó là điều may mắn, hạnh phúc, vinh dự của mình.

 Thờ phụng cá Ông không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh, bình yên của làng cá. Bởi vì, người dân lúc nào cũng thấy cuộc sống của mình luôn lênh đênh giữa biển cả bao la, lại đối mặt với nhiều bất trắc, tai họa sóng to gió lớn nên họ luôn tìm đến các vị thần đặc biệt là các vị thần biển, để cầu mong sự may mắn, cầu trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, cá mực đầy khoang. Hiện nay, tại làng Phú Hội, Miếu Ông là nơi thờ tự tôn nghiêm các vị thần biển; phía trước có hơn 10 phần mộ đều có bia ghi rõ các loài cá và năm Ông lụy được dân làng đưa vào an táng. Cả Miếu và mộ đều quay mặt về hướng biển Đông.

1.       Công việc chuẩn bị.

Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội quan trọng nhất trong một năm của dân làng Phú Hội, đây là lễ hội đặc trưng mang tính nhân văn cao cả, lễ hội diễn ra trong tiết trời đầu xuân, đây cũng chính là lễ ra quân đánh bắt cá vụ nam (vụ chính trong năm) của ngư dân. Công việc chuẩn bị để tiến hành lễ hội hết sức cẩn thận và chu đáo. Từ việc chọn địa điểm để lập đàn cúng tế đến việc chọn thuyền rước thần, thành lập ban nghi lễ, lựa chọn phẩm vật dâng cúng đều được tính toán và sắp xếp một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng để tránh xảy ra những sai sót, vì theo quan niệm mọi sơ suất trong lễ hội đều đem đến điềm rũi ro trong năm cho mọi người. Tất cả đều được chuẩn bị trước ngày 14 tháng 2.

- Địa điểm dựng đàn tế lễ: Lễ hội Cầu Ngư cần làm gần Sông Cụt nên hàng năm dân làng Phú Hội thường chọn phía trước khu vực các ngôi miếu Thành hoàng, miếu Khai khẩn, miếu Hiệp tự (nay là khu vực nhà Mẫu giáo của làng), tại đây dân làng sẽ tiến hành dựng rạp, lập đàn tế lễ.

- Chọn Ban nghi lễ: Ban nghi lễ gồm các cụ cao niên hiền đức, sống có uy tín, đặc biệt trong năm gia đình không chịu tang chế. Chủ tế lại càng được lựa chọn cẩn trọng hơn, ngoài những tiêu chuẩn trên chủ tế phải là người hay chữ, hiểu biết các loại nghi lễ, phong tục của làng.

- Chọn thuyền để rước thần: Chọn thuyền rước thần là công việc quan trọng, trong số đội thuyền của làng ra khơi đánh cá phải chọn 3 chiếc tiêu biểu cho cả tập thể dân làng. Thuyền phải đẹp, phải bề thế, chủ thuyền phải có uy tín, là người hiểu biết và có thâm niên nghề biển, gia đình phải hòa thuận, hạnh phúc, con cái đề huề; đặc biệt năm vừa qua chiếc thuyền đó làm ăn gặp nhiều thuận lợi, được mùa tôm cá. Sau khi chọn được 3 chiếc thuyền tiêu biểu thì phải kết lại với nhau theo hàng ngang, sau đó dong cờ quạt trang trí và đặt bàn nghinh rước thần nước.

Ngoài việc chuẩn bị các công việc chung của cả làng, mọi người đều tổ chức làm vệ sinh đường sá, nhà nhà đều tổ chức cúng tế, các tàu thuyền đều kết đèn chăng hoa góp phần làm cho không khí lễ hội thêm náo nhiệt.

2. Cơ cấu lễ hội.

Lễ hội Cầu Ngư bao gồm 2 phần rõ rệt: phần lễ và phần hội. Phần lễ thiên về chức năng phục vụ thần linh diễn ra trước, phần hội là phần sống động dành cho người đang sống diễn ra sau, song mỗi hội đều hàm chứa ý nghĩa của từng lễ và minh hoạ cho lễ đó.

2.1. Phần lễ.

- Lễ cáo giang sơn: Vào 2 giờ sáng ngày 15 tháng 2, khi công việc chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, toàn thể Ban nghi lễ, các vị cao niên khăn áo chỉnh tề, cùng trai đinh trong làng tựu tề đông đủ tại đàn tế. Chủ tế cho nổi một hồi chiêng trống làm hiệu lệnh, sau đó khấn vái giang sơn và chư vị thần linh về chứng giám và dự lễ. Sau lễ cáo giang sơn Ban tế lễ cùng phường bát âm đến làm lễ nghinh rước bài vị Thành hoàng, thần Bổn thổ từ các miếu về an vị tại đàn tế.

- Lễ nghinh thần nước (lễ rước nước): Vào giờ hoàng đạo (khoảng từ 5- 7 giờ sáng) ông chủ tế cùng toàn bộ Ban tế lễ và phường bát âm lên 3 chiếc thuyền đã chuẩn bị sẵn dong thuyền ra cửa biển. Đến nơi, Chủ tế đọc bài khấn tế thần biển và xin rước thần vào dự lễ hội với dân làng. Cách rước thần ở làng Phú Hội rất gần gũi nhưng lại thiêng liêng: Chủ tế múc một bát nước biển (ở đó đã có thần an vị ) đặt lên bàn rước thần, đưa thần về đàn tế bên cạnh bài vị của các vị thần trong làng.

- Lễ tế: Sau khi nghinh rước đầy đủ các vị thần, Chủ tế bắt đầu nghi lễ quan trọng nhất đó là việc tế lễ. Chủ tế đọc bài văn khấn có nội dung cầu may mắn, hạnh phúc, cầu quốc thái dân an đến với mọi người, mọi nhà Cầu mong các vị thần che chở, giúp rập cho cháu con của họ khi ra khơi đánh cá tránh được những tai ương, giận dữ của biển cả, lại được mùa tôm cá đầy thuyền…

Lễ vật trong buổi tế luôn tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế trong năm của dân làng, ngoài trầm, trà, hoa, quả, hương đèn, cau trầu, rượu; nếu khá giả làng sẽ tổ chức tế bò, lợn, gà, vịt, bên cạnh luôn có các cổ xôi; nếu khó khăn thì chỉ có gà, vịt và một cổ xôi. Theo quan niệm gà, vịt là vật cúng không thể thiếu trong mâm lễ. Gà là con vật luôn thể hiện sức mạnh, sự nhạy cảm, nhanh nhẹn; sau lễ cúng các quẻ sẽ ứng vào chân gà, khi bói toán sẽ đoán được vận mệnh của làng trong năm. Vịt là con vật rất gần gũi với ngư dân làm nghề biển, luôn sống trên sông nước, bắt tôm, cá để kiếm sống.

                - Lễ tất: Là bước cuối cùng sau khi hội đua thuyền, thi bắt vịt giữa sông Cụt kết thúc. Lúc này Chủ tế, Ban tế lễ nghinh thần nước và toàn bộ bài vị của các vị thần lên 3 chiếc thuyền, toàn thể dân làng lên những chiếc thuyền khác, tất cả hợp thành một đoàn thuyền hướng ra biển cả, đi đầu là thuyền rước các vị thần linh. Mục đích là rước các vị thần đi ngao du ngắm phong cảnh, xem tình hình biển cả để quyết định phò hộ cho dân làng may mắn trong năm nay. Đoàn thuyền thường đi dọc theo chiều dài của làng, sau đó quay về cửa biển để chủ tế đưa thần biển về an vị tại nơi đã làm lễ rước thần. Đoàn thuyền quay về tại đàn tế, Ban tế lễ, Vị chủ tế cùng toàn thể con cháu dân làng rước bài vị các vị thần về an vị tại trú sở của họ. Lúc này lễ hội Cầu Ngư mới kết thúc trong sự hân hoan, vui vẻ của mọi người dân.

                2.2. Phần hội.

                Bên cạnh phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, thiêng liêng với những nghi thức tâm linh, là phần hồn của lễ Cầu Ngư; thì phần hội là phần không thể thiếu và được tổ chức một cách chặt chẽ, chu đáo với những trò chơi tiêu biểu: đua thuyền, thi bắt vịt giữa sông Cụt làm cho không khí thêm vui tươi, náo nhiệt. Đây là thời gian mà toàn thể dân làng được vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí để xoá tan những lo âu vất vả trong cuộc sống mưu sinh, chuẩn bị một vụ đánh bắt mới đầy hứa hẹn. Trò chơi trong lễ hội cũng phần nào thắt chặt thêm mối đoàn kết, đề cao tinh thần thượng võ, động viên mọi người rèn luyện tài năng, sáng tạo trong lao động sản xuất.

-          Hội đua thuyền.

                Đua thuyền là trò chơi chính trong lễ hội Cầu Ngư của dân làng Phú Hội. Đây là trò chơi tập thể có sức thu hút lớn đối với người tham gia thi đấu và người xem. Cuộc đua diễn ra giữa 3 xóm của làng: xóm Trong, xóm Giữa và xóm Ngoài; bên cạnh đó làng còn mời thêm một số đội thuyền truyền thống của làng An Lợi, Hà Tây tham gia.

                Sau khi đón tết nguyên đán, mỗi xóm cần chọn một chiếc thuyền trong số các thuyền thường đi biển đánh cá của xóm đó. Việc chọn thuyền cần dựa vào những yếu tố quan trọng: thuyền phải tốt, đẹp, năm vừa qua thuận buồn xuôi gió làm ăn gặp nhiều may mắn, thuận lợi, gia đình không có tang chế… Sau khi chọn được thuyền cần lau chùi sạch sẽ, đưa thuyền lên bờ phơi khô, có thể ghép thêm các mãnh ván ở đầu và đuôi thuyền để trang trí, thường được vẽ đầu rồng và đuôi rồng. Trước khi bước vào cuộc đua, chiếc thuyền được dân các xóm nâng niu, trân trọng, trong coi rất kỹ. Họ gửi tâm nguyện của mình qua nhiều lần cúng tế, cầu nguyện, mong cho thuyền xóm mình giành được giải trong cuộc đua, tránh những sơ suất và tối kỵ nhất là việc chìm thuyền; vì nó quyết định sự rủi may của ngư dân xóm đó.

                Quân bơi cũng được lựa chọn kỹ càng, theo quy định của hội đua, quân số có thể từ 10 đến 12 người trong một đội thuyền, phải là nam gới tuổi từ 18 đến 40, có sức khỏe, có nghề sông biển giỏi. Mỗi thuyền đều có một người hoa tiêu, một người cầm lái, một người tát nước, 2 người cầm chèo và 6 người cầm chầm bơi. Trang phục trong một đội thuyền thì giống nhau, nhưng lại khác các đội bạn để dễ dàng phân biệt.

                Địa điểm đua thuyền ở sông Cụt trước mặt của làng, có độ dài khoảng 1km; đường đua “3 vòng 6 tao”, ở hai đầu đều được cắm tiêu làm mốc. Trọng tài cuộc đua là các chức sắc và các cụ cao niên trong làng.

                Trước khi vào cuộc đua, các thuyền đua và quân bơi phải tập trung ở vị trí mà làng quy định để sẳn sàng chờ lệnh. Một hồi trống nổi lên, trọng tài phất cờ lệnh, tiếng chiêng trống náo động, tất cả các quân bơi đều nhanh chóng nhảy vào thuyền của đội mình. Người cầm lái hướng mũi thuyền vào cuộc theo hiệu gõ, các tay bơi đều dồn hết sức lực vào mái chèo, mái chầm để đưa thuyền lướt sóng trong tiếng reo hò, cổ vũ của người xem. Các thuyền phải đi hết “3 vòng 6 tao” vòng qua 2 cột tiêu mới về đích. Thuyền về đầu tiên lại không phạm luật mới giành được giải.

                Giải thưởng được trao cho đội về nhất, nhì và về ba; bên cạnh đó còn có giải phá - đây là giải cao nhất thường được trao cho một trong số các đội đua của làng. Tuy thắng hay thua các đội đua vẫn được dân làng rót rượu, tay bắt mặt mừng vui vẽ, sau đó cả làng mở tiệc khao quân, cuộc vui này kéo dài đến tận khuya mới chấm dứt.

                Phần thưởng trao cho các giải cũng tùy thuộc vào kinh tế năm đó của làng, khi khá giả thì thưởng cả con bò, lợn bằng không cũng là tiếng khen; nhưng tất cả đều phải nổ lực, cố gắng vì đó là danh dự, là niềm tin của cả làng.

-          Bắt vịt giữa sông Cụt.

Hội thi bắt vịt giữa sông Cụt là một trò chơi độc đáo và mang đậm  bản sắc nghề nghiệp của ngư dân làng Phú Hội. Theo quan niệm của các ngư dân, vịt là con vật có cuộc sống gần gũi với những người làm nghề sông nước. Thi bắt vịt giữa sông cũng phản ánh tài năng của ngư dân, từ đó hướng mọi người đến sự rèn luyện tài năng, giúp họ vượt qua những tai ương, bất trắc khi lênh đênh trên biển cả.

Quy định của cuộc thi rất rõ ràng, làng sẽ thả 20 con vịt ra giữa sông Cụt, sau đó mọi người tự bơi ra giữa sông và cùng nhau bắt. Người tham dự cuộc thi không được dùng thuyền, hoặc lưới vây bắt mà chỉ dùng tay, có thể được bơi lội, hoặc lặn xuống sâu để bắt vịt. Ai bắt được con nào thì đó cũng chính là phần thưởng của mình do làng trao tặng. Hội thi bắt vịt vì thế mà không kém phần hấp dẫn và thu hút người xem.  

Lễ hội Cầu Ngư của dân làng Phú Hội là một loại hình văn hóa dân gian của một làng nghề - nghề biển. Nó có nguồn gốc từ lâu đời và truyền lưu qua nhiều thế hệ. Đây là lễ hội mang hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không mang tính huyền bí siêu nhiên mà thật gần gũi với đời sống của ngư dân. Lễ hội là nơi giao hòa giữa cõi thiêng và trần thế, giữa thần thánh và con người, giữa đạo và đời. Mục đích của lễ hội là tưởng nhớ công ơn của các bậc thần linh, các bậc tiền nhân đã có công lập làng, mở cõi, truyền dạy lại nghề, giúp rập cho con cháu để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng. Ngoài ra, lễ hội còn có vai trò lớn trong việc tích lũy, kế thừa và cũng cố sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng ngày càng bền chặt. Để bảo tồn, phục hồi và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể như lễ hội Cầu Ngư không chỉ là nhu cầu cấp thiết đặt ra cho nhân dân làng Phú Hội mà cần sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện về mọi mặt của tất cả các cấp chính quyền, các ban nghành trong toàn tỉnh.

 

C.T.V

 

Cái Thị Vượng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 198 tháng 03/2011

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground