Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lê Tri Kỷ - Nhà văn tiêu biểu nhất của ngành Công an nhân dân

Số phận oái ăm thay, trong vài chục năm nhà văn Lê Tri Kỷ cặm cụi âm thầm viết về ngành công an, nơi gắn bó với ông suốt đời vậy mà khi hai năm liền được giải thưởng văn học thì cả hai chỉ được đặt lên bàn thờ. Sau làn khói hương phảng phất kia là tấm ảnh Đại tá Trần Duy Hinh tức nhà văn Lê Tri Kỷ. Chắc hẳn vong linh ông dẫu có chút thảng thốt, vẫn sẽ cảm nhận được niềm vinh quang của thành quả riêng mình và lòng mến mộ của người đọc, của bạn bè đồng nghiệp. Năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân, ngày Quốc phòng toàn dân, tập truyện ngắn “Cuộc tình thế kỷ” của ông được tặng giải A của Hội đồng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang Hội nhà văn. Năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công an, tập truyện ngắn “Không thiện, không ác” của ông lại được Bộ nội vụ kết hợp với Hội nhà văn tặng giải A. Trong văn nghiệp của ông, truyện ngắn được coi là mạnh nhất.

Bây giờ thì ông đã là nhà văn quá cố. Nhưng hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Nội vụ và đông đảo bạn đọc đều coi ông là nhà văn tiêu biểu của ngành công an, người có công đầu khai phá và chăm chút xây dựng phong trào sáng tác và là ngòi bút tâm huyết về mảng đề tài vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, mảng đề tài mà nhiều năm trước đây ít được quan tâm của giới văn học nếu không nói là bỏ quên.

Lê Tri Kỷ sinh ngày 14.6.1924 tại thôn Lương Kim, xã Triệu An, Triệu Phong, Quảng Trị, được học hành tử tế, đã đỗ Thành cung thời Pháp thuộc. Sau cách mạng tháng Tám ông trở thành cán bộ giữ trọng trách trong ngành công an ở tỉnh nhà lúc mới ngoài hai mươi tuổi. Từ đó cho đến lúc vĩnh biệt cuộc đời, ngày 08.5.1993, chưa lúc nào ông rời khỏi ngành công an. Ông từng là Trưởng ban trật tự, rồi chánh văn phòng Ty công an Quảng Trị, Trưởng công an huyện Hải Lăng, rối phái viên kiểm tra của công an Trung ương, Phó phòng nội gián, Phó Ty công an tỉnh Bắc Giang trong kháng chiến chống Pháp. Trong chống Mỹ, ông làm việc ở Bộ Nội vụ, hoạt động công tác chính trị, phụ trách tuyên truyền, trưởng phòng sáng tác, phó giám đốc xuất bản công an nhân dân cho đến lúc nghỉ hưu.

Vào đời văn khá muộn màng, khi đã ngoài 35 tuổi, ông đã tạo nên cảm giác rằng, ông vốn sinh ra không phải để làm văn. Có thể do yêu mến nghề nghiệp, trong quá trình hoạt động, trái tim ông đã rung động khôn nguôi trước những tình cảm, những mảng đời của các chiến sĩ công an, trước những trường hợp éo le đầy kịch tính trong xã hội luôn biến động giữa cuộc chiến đấu sống còn giữa ta và địch và trên hết chính là trái tim người chiến sĩ công an cách mạng trong ông luôn trăn trở, luôn thắc thỏm giữa ranh giới cái thiện, cái ác trong con người, và như một định mệnh, ông cầm bút để nói hộ lòng mình.

Phải chăng, chính ông cũng không tự nhận biết rằng, đấy là tố chất quan trọng nhất để trở thành nhà văn chân chính. Quãng năm 1960, ông mới có sách xuất bản. Thoạt đầu ông viết truyện người thật việc thật, truyện ký rồi viết tiểu thuyết tư liệu. Ông đã để lại hàng chục đầu sách và kịch bản điện ảnh, sân khấu. Có thể kể ra những tác phẩm tiêu biểu sau đây: Giờ cao điểm, Phố vắng, Một người không nổi tiếng, Những tiếng nói thầm, Câu lạc bộ chính khách.v.v..

Ông viết một cách miệt mài, vừa viết vừa công tác giống như bất kỳ một cây bút nghiệp dư nào. Cho đến cuối đời, nhất là sau khi về hưu, ông viết hay hẳn lên. Có thể do không bị ràng buộc với công việc cơ quan, đầu óc rảnh rang thông thoáng hơn, và điều quan trọng nhất là do tài năng và bản lĩnh nhà văn chín hơn, kiên định hơn, ông đã vượt lên những đống tư liệu đồ sộ tích lũy được trong nhiều năm lăn lộn trong nghề, với tay bút già dặn kinh nghiệm, ông đã gửi gắm tư tưởng và tâm hồn mình trong hai tập truyện ngắn cuối đời: Không thiện, không ác, Cuộc tình thế kỷ. Suốt cả 18 truyện ngắn trong hai tập vấn đề và cốt truyện hầu hết là nói về ngành công an. Chúng ta sẽ không thấy những pha ly kỳ, những vụ án phức tạp gợi tò mò, những cuộc săn đuổi thủ phạm đầy gay gấn, lối viết truyện hình sự bình thường na ná thông tấn báo chí, mà nhà văn Lê Tri Kỷ tỏ ra cao tay hơn, cũng trên nền truyện như thế, ông nói về tình đời, tình người. Chưa có nhà văn nào viết về ngành công an được như ông, truyện của ông vừa gợi được sự sáng suốt trong lý trí, vừa tạo nên sự rung động đầy tính nhân văn của những trái tim thiết tha hướng thiện. Viết về ngành công an, một môi trường xem ra khô khan, xem ra cứng rắn, mà ông lại làm cho người đọc cảm nhận đầy đủ hơn. Không, không hẳn thế, người chiến sĩ công an còn có tấm lòng nhân hậu, ấm áp, còn có lòng yêu thương con người cực kỳ lớn lao mới có thể biến những công việc khô khan, những hành động cứng rắn thành thiện tâm được. Lê Tri Kỷ đã có công đem đến cho người đọc một hình tượng chiến sĩ công an chân thực. Chiến sĩ công an, trước hết là con người, cũng đau đớn, buồn vui, giận hờn yêu ghét như mọi người khiến ta cảm thông và gần gũi.

“Sức mạnh cô đơn” là một truyện ngắn hay, gần như tự truyện. Truyện xảy ra trong kháng chiến chống Pháp. Anh trưởng ty công an hai mươi bảy tuổi ở một tỉnh miền núi, sống độc thân. Trong đêm giao thừa, khi cán bộ nhân viên về quê ăn tết hầu hết, anh trưởng ty trẻ tuổi cảm thấy buồn và cô đơn. Anh chợt nảy ra sáng kiến cho gọi một nữ phạm nhân vốn là nữ sinh trong thành Hà Nội, lên nói chuyện đón giao thừa. Bị bắt cùng đám con gái buôn lậu, cô nữ sinh này khai là đi tìm anh trai là bác sĩ ở Vệ quốc quân, nhưng cô vẫn bị tình nghi là gián điệp bởi chẳng có giấy tờ, chứng cớ gì. Điều gì xảy ra trong cuộc gặp mặt bất thường giữa hai con người cô đơn này. Họ đều là trí thức, nam thanh nữ tú, nhưng ở hai phía đối địch, hai đầu nghi vấn. Chàng trai muốn khỏa lấp nỗi cô đơn bằng một cuộc nói chuyện có thể là lý thú. Còn cô gái lại linh cảm tới điều đáng sợ nhất đã tới. Cô chuẩn bị đến cả trường hợp quyết liệt nhất là thủ sẵn con dao bầu trong áo để quyết không chịu nhục. Họ gặp nhau thoạt đầu là một cuộc đối thoại khó khăn, nặng nề. Sau đó cô gái chấp nhận lời đề nghị của chàng trai là đi dạo trên phố huyện cách xa trại hàng chục kilômét bằng xe đạp. Anh đèo cô vừa đi vừa nói chuyện. Họ đi trong đêm giao thừa gió rét, trong bóng tối mênh mông. Khi đạp xe đi, khi cùng đi bộ, khi ngồi bên vệ đường nói chuyện. Họ như hai kẻ lang thang, đi để hiểu là mình tồn tại. Cho đến khi xe xuống dốc vấp phải vật cản, xe đổ nhào, mỗi người văng vào mỗi xó tối như bưng trong bùng nhùng cây cối rậm rịt, họ mới thầy cần có nhau biết nhường nào. Và điều gì tất yếu phải xảy ra. Chàng trưởng ty thoạt đầu chỉ linh cảm, về sau đi đến khẳng định cô gái hoàn toàn bị bắt oan và anh phải tự thú với mình là khó rứt bỏ hình ảnh cô gái này khỏi trái tim mình. Còn cô gái cũng vỡ oà ra trong một nhận thức mới. Thì ra anh trưởng ty công an Việt Minh này cũng không phải là người độc ác, thâm hiểm muốn lợi dụng hoàn cảnh để cưỡng đoạt cô. Anh là người có học tinh tế, đa cảm nhưng sống đàng hoàng và tốt bụng. Cô đã phải thốt lên “Ôi anh là điều bất ngờ nhất trong đời em’. Lê Tri Kỷ đã viết câu chuyện tình này hết sức tinh tế. Bằng một giọng văn mềm mại, uyển chuyển nhưng khá chặt chẽ.

Nếu ai đó chưa hiểu, hẵn sẽ ngạc nhiên rằng, viết về người chiến sĩ công an mà Lê Tri Kỷ phải để khá nhiều tâm sức giải oan, giải nghi cho con người. Dường như ông có mối lo lắng đến quặn lòng rằng, khi có quyền lực trong tay, nếu không sáng suốt, tỉnh táo trong nghiệp vụ, nếu không có trái tim nồng hậu và độ lượng, người chiến sĩ công an dễ mắc sai lầm, mà sai lầm lớn nhất là gây oan trái cho con người. Chúng ta rất dễ thấy nỗi lòng của tác giả biểu hiện rõ ràng nhất ở các truyện ngắn: Mata-Hari mới, Làng ven sông, Hãy làm ngơ cho thủ phạm, Khoảnh khắc làm người …Chuyện “Mata-Hari mới” chắc là chuyện có thật, truyện về vụ nghi oan cho cô Tuyết Minh một cô gái đẹp ở thị xã Lạng Sơn làm gián điệp cho Pháp. Câu chuyện giải oan cho cô gái đẹp mà cuộc đời nhiều trắc ẩn này phải hết sức dày công mới làm sáng tỏ, mà sự dày công này không phải bằng thủ đoạn nghiệp vụ hoặc tra tấn xét hỏi mà chỉ bằng tấm lòng người chiến sĩ công an. Sở dĩ truyện được xem là có thật bởi tác giả nêu đích danh các nhân vật lãnh đạo cao cấp như Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoà, Lê Giản. Dưới ngòi bút của Lê Tri Kỷ các nhà lãnh đạo cao cấp này được thể hiện đầy đủ phẩm chất đáng kính như sự sáng suốt, sự tận tâm và hơn hết là tầm nhìn sâu sắc vào các khía cạnh công vụ và khía cạnh tâm hồn con người.

Truyện “Khoảnh khắc làm người” là truyện hình sự, cô động mà đọc xong ta thấy sửng sốt về sự khám phá chút thiện tâm cuối cùng của một tâm hồn đầy tội lỗi. Nội dung truyện hình sự bi thảm ấy là như thế này: ở vùng quê nọ xảy ra liên tiếp tám vụ giết người khá giống nhau, nạn nhân là đàn bà đi qua cánh đồng bị giết bằng cách dìm đầu xuống nước. Vụ thứ tám bị phát hiện, công an hình sự bắt được quả tang chiếc túi xách của nạn nhân ở nhà một bác đạp xích lô. Sau một thời gian điều tra xét hỏi, cuối cùng bác xích lô nhận tội đã giết ngiười đàn bà thứ tám, còn bảy người bị giết trước bác hoàn toàn không biết. Dĩ nhiên trinh sát hình sự phải tiếp tục truy tìm thủ phạm. Nhờ phát hiện được một chiếc dép cao su chìm dưới bùn, công an tóm được thủ phạm và hắn đã công nhận giết bảy người. Dĩ nhiên hắn phải ra “đứng cột”. Trước lúc bịt mắt, được phép nói lời cuối cùng. Giây phút xuất thần ấy, loé lên chút ánh sáng làm người, lời nói cuối cùng của hắn là xin khai lại. Rằng chính hắn đã giết cả người thứ tám và nhanh trí vứt cái túi của nạn nhân ra giữa đường kúc bác xích lô đang đạp xe tới. Khổ thân cho bác xích lô, vì không chịu đựng nỗi trước các thủ thuật xét hỏi của công an nên đã nhận lời với hy vọng sẽ được khoan hồng. Khai lại, hắn không mong giảm án, chỉ muốn nói sự thật cuối cùng không muốn gây thêm oan khiên cho kẻ vô tội. Hãy xem đoạn văn kết thúc thiên truyện này của nhà văn Lê Tri Kỷ:

… Mười hai phát núng nổ rền.

Bị sợi dây to thít vào cọc, con thú – người đổ xuống theo lối thẳng đứng, từ từ và cuối cùng bất động lại trong tư thế bốn chân của loài thú, đầu gục trông xuống mặt đất.

Bỗng từ dưới chân đồi, năm sáu con người đủ lứa già, trẻ, con nít cầm tay nhau chạy túa lên, tiến thẳng tới cái xác con thú quỳ thụp xuống một loạt, vái lấy vái để, y như là tế một ông thánh tử vì đạo không bằng !

Một sự thoá mạ đối với bản án chăng?

Anh lính áp giải bước tới, định đuổi. Nhưng anh chỉ huy vừa kịp xuất hiện ra hiệu cứ để cho họ yên.

Ai nấy vừa nhận ra đó là gia đình bác đạp xích lô già.

Đọc truyện ngắn Lê Tri Kỷ, người ta nhận  ra sự nghiêm túc và sâu sắc của nhà văn. Truyện nào ông cũng đặt được vấn đề về nhân sinh về đạo lý con người. Truyện ngắn của ông phảng phất lối truyện ngắn cổ điển của Anh, của Pháp , chú ý tới cốt truyện. Có những cốt truyện phức tạp như “Giấy chứng nhận cho quỹ dữ” hoặc “Cuộc tình thế kỷ’ lối cốt truyện dễ chuyển thế sang kịch bản điện ảnh hoặc sân khấu. Lại có những cốt truyện giản dị như “Bí mật cho những cuộc đời’ hoặc “Trên đèo bông lau”. Truyện chỉ là cái cớ để chuyển tải những ý  tưởng đậm đà chất nhân văn, để làm lan toả những ý thơ. Đọc ông không ai tìm thấy dấu vết sự buông thả, sự dễ dãi trong từng câu, từng chữ - một đặc điểm của các cây bút lão thành được đào tạo chặt chẽ ngay từ thời còn học phổ thông. 

Trong số 18 truyện ngắn của ông in trong hai tập: “Không thiện không ác” và “Cuộc tình thế kỷ” chỉ có truyện “Đối thoại viết cho năm 2000” là độc đáo. Truyện dài đến 80 trang, chắc là truyện cuối đời của ông. Đấy không hẵn là truyện ngắn hoặc truyện vừa, nó là một mảng ghi chép những tâm sự của nhà văn với đứa cháu nội, có tên gọi âu yếm là Mít. Đọc đoạn văn này, tôi như thấy lại Lê Tri Kỷ bằng xương bằng thịt đang thủ thỉ trò chuyện với mình, giọng miền Trung ấm áp đôn hậu. Ông không tự trả lời mình mà tôi còn thấy được cả tấm lòng của ông, hiểu được những suy tư thắc thỏm của ông. Những câu hỏi về đất nước, về con người trong tương lai. Có cảm giác như đây là đoạn văn di chúc, một đoạn văn ông viết trong linh cảm là mình không còn mấy thời gian để tồn tại trên cõi trần này nữa. Ở vào hoàn cảnh đó ai cũng phải nói thật lòng huống chi là nhà văn đầy tâm huyết. “Đối thoại viết cho năm 2000”, vâng đúng thế! Ông viết cho Mít và đồ chừng đến năm 2000, cháu ông đã bước vào tuổi thanh niên. Ngay bây giờ chắc chắn Mít đã đi học, đã đọc tốt, song chưa hiểu được ông nội. Phải đến năm 2000 Mít đọc lại sẽ hiểu ông, thậm chí còn coi ông là nhà tiên tri. Không chỉ riêng Mít mà đông đảo bạn đọc, nếu đọc lại đoạn văn này hẵn sẽ kính trong ông hơn cả lúc sinh thời ông cặm cụi âm thầm viết.

Truyện ngắn của Lê Tri Kỷ dĩ nhiên còn những điểm yếu như bao nhà văn khác. Người viết bài này không phải là nhà nghiên cứu phê bình, chỉ là bạn văn. Bởi thế đối với nhà văn đã quá cố chỉ xin được nói những cảm nhận tốt lành. Xin hãy coi bài viết này là nén hương thắp cho người bạn vong niên, tôi hằng kính trọng.

X.T

Xuân Thiều
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 33 tháng 06/1997

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground