Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đường Chín – Dòng chảy từ quá khứ đến tương lai

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le chở xuống, cá chuồn gửi lên

 

Vùng đất huyện Hướng Hóa thông sang Savana-khet trực thuộc 2 châu Sa Bôi, Thuận Bình của phủ Triệu Phong, đạo Thừa tuyên Thuận Hóa đã đi vào lịch sử với những hoạt động ngoại giao từ nửa sau thế kỷ XV Triều Lê:
 

“Năm Tân Mão Hồng Đức 2 (1471) vua Nam Chinh, Tù trưởng châu Sa Bôi là Cầm Tích, tù trưởng châu Thuận Bình là Đạo Nhí đến chầu và dâng đặc sản. Sứ thần nước Ai Lao, trấn thủ đầu mục Quan Bình là bọn Lang Lệ đều đem sản vật địa phương đến tế”1.

“Thổ quan châu Thuận Bình là Đạo Nhí lại đến chầu. Bấy giờ, vua Thân Chinh vừa về đến Thuận Hóa, tri châu là Đạo Nhí cùng em là Đạo Đồng cùng bộ lạc hơn 100 người đem 5 thớt voi đến cống. Vì vua vừa bình được nước Chiêm, uy danh vang rúng đến cõi xa, cho nên các phiên quốc phía tây Trường Sơn đều cuống quýt kẻ trước người sau tranh nhau đến triều cống”2

Nhắc đến con đường “xẻ ngang Trường Sơn” xưa ấy, không thể không nhắc đến nguồn Viên Kiều, bởi vận mệnh nguồn này gắn chặt với đường ấy3:

“Nguồn Viên Kiều ở sơn phận huyện Hải Lăng. Đây là nơi cú trú các làng bản thổ dân châu Sa Bôi. Đặc sản có ngà voi, ngựa, trâu, thảm hoa, gai sợi, gấm thổ trắng có hoa, vải bông trắng4.  

“Nguồn Viên Kiều ở đầu nguồn huyện Hải Lăng. Cai quan áp thu thuế công thì nộp tiền 104 quan, chiếu mây 2 đôi, tạp hương 2 sọt nhỏ, đèn nến “mãn đường” 2 chiếc, 60.000 tàu lá nón”5.

Phong tục tập quán các dân tộc miền núi càng về sau càng được ghi chép tỉ mỉ hơn, ở vào đêm trước thực dân Pháp đặt xiềng xích thống trị trên đất nước ta, và so với người Việt, cái tương đồng vẫn nhiều hơn là cái dị biệt:

Dân tộc ít người ở nhà sàn, đốt rẫy, tỉa lúa, du canh, du cư, gặt hái không theo mùa, xuống khe suối bắt cá, vào rừng săn muông thú, đan nứa làm giỏ xách, dệt tơ làm váy áo, đem các thứ đồ dùng để trao đổi với người miền xuôi. Phong tục chuộng quỷ thần, thờ Phật, lấy tháng 10 làm đầu năm, nhà nhà nấu rượu, giết vật lễ thần cúng tổ tiên, trai gái tụ tập ca hát vui chơi. Rằm tháng 8 dân làng trẩy hội đến lễ chùa, gọi là hội An Bân, ngoài ra các ngày rằm khác lẫn tết Nguyên Đán đều không biết đến. Tục cưới hỏi dùng trâu và bạc nén, nhà trai giàu thì đưa lễ cho nhà gái, nấu rượu giết trâu lễ gia tiên rồi mời khách đến ăn uống, sau đó đón dâu về. Tục tang ma nhà nghèo đem chôn, nhà giàu làm lễ hỏa táng. Họ biết đẽo gỗ làm quan tài, khâm liêm đơn giản, chôn cất không phải chọn đất đặt huyệt mà chỉ lấy hướng mặt trời mọc lặn làm hướng đầu chân, làm lều tranh ở bên mộ một năm, sau mới bốc mộ cải táng. Chức sắc trong bản được gia truyền con nối. Dân làng có việc đến cửa quan thì đứng ngoài cửa bỏ khăn khoanh tay rồi quỳ xuống đi bằng đầu gối mà vào6.

Đường 9 hiện nay được nâng cấp trên nền của đường xuyên Trường Sơn cũ do người Pháp bức thiết bắt tay làm khi bắt đầu cuộc “khai thác Đông Dương lần thứ nhất” (1897 - 1902). Triển vọng trước mắt là to lớn, ngoài những thuận lợi về thiên nhiên như đã nói trên, hai mút con đường đều là những đầu mối đường bộ lẫn cảng biển và sông, tuyến đường còn thọc sâu vào bán đảo Đông Dương như sợi dải rút của chiếc hầu bao kinh tế. Chính quyền bảo hộ đã ấp ủ những dự án đầy tham vọng và không ngần ngại tung lời nói đi trước việc làm một bước nhằm gọi vốn đầu tư cho tuyến đường:

“Ngày 18 – 6 - 1918. Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp loại các tuyến đường bộ chính ở Đông Dương gọi là đường thuộc Sịa (Routes coloniales):

Đường 7 (dài 515 km) từ Luang Prabang đi Vinh qua Xiêng Khoảng, Mường Xén, Cửa Rào.

Đường 8 (dài 272 km) từ Viên Chăn đi Vinh.

Đường 9 từ Viên Chăn đi Huế qua Đông Hà”7.

Ngay trong nghị định trên, ta cũng đã thấy có những điều chưa chính xác nếu đối chiếu lại bản đồ. Đặc biệt đường 9 (thực sự chỉ từ Savanakhet đến Đông Hà) phải chăng chưa hoàn thành nên chưa có chiều dài cụ thể như hai đường kia?

Để vẽ lại con đường xuyên Trường Sơn xưa, ta phải nhờ đến những công trình thăm dò của người Pháp tiến hành từ năm 1893 và về mặt bản đồ học, đó là những tư liệu đáng tin cậy. Damprun đã công bố bản đồ của ông trong B.S.E.I năm 19048 và M.Dufrenil trong R.I năm 19089. Các bản đồ ấy xuất hiện trước lúc đường 9 nằm trên bản vẽ (hồ sơ Đường 9 cho biết đường này khởi công năm 1912 và thông xe sau năm 1923) nên ta có thể yên tâm đối chiếu với những bản đồ ra đời sau năm 1923 để tìm ra những điểm đồng nhất lẫn khác biệt. Chỉ có đoạn cuối của tuyến đường 9 trên đất Lào từ Mường Phìn (km 158) đến cửa khẩu Lao Bảo (km 84) đường mới dẫm trên nền đường cũ. Đoạn này bẻ một góc vuông theo hình một con sóng, chân Mường Phìn đỉnh là Na Bo rồi bắt đầu vượt sông, vì đường đi xưa cũng như nay đều là con đường độc đạo và xung yếu trẩy trên bờ bắc dòng Sê Pôn giăng bủa bởi một bên là suối và hai bên là núi cao trùng điệp.

Vào địa phận Quảng Trị, sau khi qua đèo Lao Bảo đường 9 đi giữa những thung lũng Khe Sanh, Rào Quán, rồi Đakrông, rồi bước chuyển tiếp bằng một hành lang hẹp dài hơn 10 km để qua thung lũng sông Hiếu. Đèo Lao Bảo từng mang nhiều tên, nhưng tên xưa nhất được biết đến là ải Viên Cảo và Khe Sanh, như đã nói ở trên, chính là nguồn Viên Kiều đã sớm đi vào Ô Châu cận lục năm 1555. Sau khi đến thung lũng sông Hiếu, đường 9 lại đổi hướng xuôi dòng về đông, song song với đường cũ và về tổng thể, cả tuyến đường trở thành một đường chéo góc nối hai cạnh của một hình bình hành. Đi như vậy là lòng vòng nhưng không có con đường tắt ngắn hơn bởi núi non là những bức trường thành thiên nhiên sẵn sàng thách thức những khách bộ hành gan dạ nhất. Vả lại vẫn còn những di tích dùng để đo mức độ cổ xưa của cung đường bằng hai bến tuần nổi tiếng - tuần là một công sở thực hiện nhiều chức năng hỗn hợp như phòng thuế vụ, trạm kiểm lâm, đồn biên phòng thời phong kiến - mang tên Chân Trâu (Ngưu Cước) và Trăng (Ba Lăng) ở km 41 và km 27 về hai đầu hành lang ngang hình thước thợ này. Chúng được lập nên từ đầu thời Nguyễn Sơ vào giữa thế kỷ XVI và sau này được mô tả cẩn thận trong Phủ Biên tạp lục năm 1776.

Đến chợ Phiên Cam Lộ đường xưa lại đi theo một nẻo khác. Âu cũng là điểm hẹn của lịch sử. Dưới đây là đoạn ký của Lê Quý Đôn khi ông đi trên hai con đường này: - Đoạn đầu từ chợ Sòng qua ngã tư Sòng đến Cam Lộ, tức là đường 71 và cũng là đường 9 thời xưa. - Đoạn sau từ Cam Lộ về Đông Hà theo đường 9A hiện nay; đoạn này thời đó chỉ là một lối mòn cheo leo hiểm trở: “Tháng 3 năm Bính Thân (1776) mới đến đây, nghe nói đốc Lĩnh Dĩnh võ hầu tiến công ngụy đảng Miên đức hầu Chu Mỹ ở vùng rừng núi huyện Hải Lăng. Sợ giặc trốn đi theo đường núi từ Cam Lộ sang Ai Lao, muốn đón lõng địch, tôi từ chợ Sòng đi về Tây nam, qua các xã An Xuân, An Bình, Phú Ngạn, Cam Đường, Lâm Lang, Đình Tổ Hạ, Khang Mỹ, qua sông đến Cam Lộ nghỉ một lát. Rồi từ Cam Lộ theo bờ sông đi xuống qua các xã Thượng Đô, Bích Giang, Thuận Đức, Thiết Trường, đường thật hiểm dốc, bên phải con đường đều là rừng núi, trèo non lội suối đến nữa ngày thì đến xã Đông Hà mới thấy đất bằng, có đông dân cư…10

Tại sao lại có hiện tượng một con đường xưa, quan trọng dường ấy mà cũng thiết thân dường ấy, sống một cách chan hòa và trọn vẹn với quá khứ cha ông nhưng ngày nay lại trở nên mờ nhạt, lạ lẫm và suýt nữa thì tuột vào vùng lãng quên trong chính chúng ta? Điều đó liên quan đến sự hiện hữu cùng tiêu vong của hai thực thể kinh tế mang tính chi phối đương thời là chợ Sòng và chợ Phiên. Đường 71 là đoạn thẳng ngắn nhất nối liền hai điểm hội tụ của hoạt động mậu dịch ấy, chứa những lợi điểm không thể chối cãi là bằng phẳng, trẩy giữa đồng bằng quang đãng không chứa một góc kín nào để tạo nên tệ cướp đường giựt chợ, không phải qua nhiều cầu khỉ và lội nhiều khe suối. Nhưng thời đã đổi và thế đã thay, chợ Sòng đã chết hẳn kéo theo con đường dùng để đi chợ ấy thành một con đường làng và kéo theo nữa là bao nỗi ngậm ngùi ngẩn ngơ nuối tiếc.

Như thế con đường cổ xưa xuyên rừng và đường 9 hiện nay không như hai thanh ray của một con đường sắt luôn song song thẳng tắp và gặp nhau như một điều tất yếu ở một điểm vô định phía xa. Từ km 0 - km 12 là đường mới. Đường cũ xuất phát ở ngã tư Sòng. Từ Cam Lộ đến Lao Bảo hai đường chập nhau lại làm một. Sự quyện chặt hòa lẫn vào nhau vẫn tiếp diễn một cách êm đềm trên đất bạn Lào cho đến Mường Phìn ở km 158. Sau đó là vụ ly thân, đường cũ tự tẽ ra, dong ruổi về phương Nam, đi vào vùng xanh tươi và ẩm ướt của thung lũng Xê Băng Hiêng, rồi chàng và nàng chỉ hội ngộ trùng phùng tại bến đợi cuối cùng là Savanakhet trên dòng Mê Công ở km 326.

Nghe đâu dự án tuyến cao tốc Liên Á đã phác thảo. Đó là con đường bắt đầu từ Singapore - Kuala Lumpur - Băng Cốc ở cực Nam nối với Bắc Kinh - Seoul - Vladivostok ở cực Bắc, khép kín vành đai bờ tây Thái Bình Dương, nối liền những nền kinh tế đã hóa rồng thành hổ giàu tiềm lực và hùng mạnh, nhất thiết phải xin Việt Nam một hành lang để quá giang. Nhưng đâu là đầu cầu để vào hành lang ấy? Thật không kinh tế một chút nào khi đi theo lộ trình đã sẵn Băng Cốc - Nôm Pênh - TP Hồ Chí Minh, đùn đẩy ngược xuống phía Nam theo hình chữ U làm dôi dư lên 2.000 km đường đất. Lộ trình lô-gích phải tuân thủ là Băng Cốc - Nakhon Ratchaxima rồi từ đó băng ngang cao nguyên Cò Rạt vùng Đông bắc Thái Lan quanh năm chìm ngập trong biển sương mù hùng vĩ. Từ Mục Đa Hán phải lao thêm nhịp cầu nối hai bờ Mê Công là tiếp liền đường 9. Không cần một phép màu độn thổ rút đất nào hết, chỉ cần dượt lại bản nhạc dạo đầu cổ như một lời niệm chú, tức khắc hiện ra mặt bằng đã sẵn do các cộng đồng tộc người ở đây trong đó có cha ông ta ra công khai phá từ xưa.

 

P.V

 

 

 

________________

(1) (2) Đại Việt sử ký toàn thư, tập III – H. Khoa học xã hội, 1992 – Tr.235(1); Tr.238 (2)

(3) Việc nhận diện nguồn Viên Kiều trong các thư tịch cổ tức là Khe Sanh ngày nay, tôi đã nói rõ ở một bài báo trong Cửa Việt số 1, 1990

(4) Theo Ô Châu cận lục

(5) Phủ biên tạp lục – H: Khoa học xã hội, 1977 – Tr. 209

(6) Theo Đồng Khánh địa dư chí lược

(7) Việt Nam: Những sự kiện lịch sử, tập II – Dương Kinh Quốc – H.KHXH 1982.

(8) B.S.E.I: Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises

(9)R.I: Revue Indochinoises (Tạp chí Đông Dương)

(10) Phủ biên tạp lục – H: 1977 – Tr. 108

Phương Văn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground