Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kẻ đi tìm bạn

TRUYỆN NGẮN dự thi

 

Không nhớ đã mấy đêm rồi tôi không ngủ, thi thoảng lại liếc lên cái đồng hồ chết đứng không buồn thay pin mỗi ngày cũng được một lần chạy đúng. Nghĩ đến một kẻ mắt cũng nhắm chặt nhưng đang thức trong một miền vô thức của riêng mình…

Chuẩn và tôi ngày nhỏ cùng uống chung một bầu sữa mẹ. Năm đó sinh xong, mẹ Chuẩn bị ốm nên tắc sữa. Rồi chúng tôi cùng lớn lên như hình với bóng trên một mảnh đất cằn khô sỏi đá. Cái nghèo đeo bám dân làng tôi. Thế nhưng, tôi và nó đều là những đứa ham học. Bố Chuẩn mất sớm. Hai mẹ con đùm bọc nhau. Sau giờ tan trường, nó phụ đóng ve chai chở đi nhập giúp mẹ. Tôi may mắn hơn nó. Mẹ tôi khỏe mạnh, bố tôi ngày xưa là bộ đội. Tôi lớn lên nhờ tình thương của mẹ và những câu chuyện thời chinh chiến của bố. Có lẽ vì hoàn cảnh ấy mà Chuẩn và tôi trông chững chạc hơn bạn bè cùng trang lứa. Ứớc mơ của chúng tôi là cùng vào phục vụ quân đội nên ngày đêm đèn sách miệt mài. Tôi học tốt môn Lý. Chuẩn thì thích cơ khí, điện tử. Hẹn nhau thi vào trường sĩ quan nhưng tôi lại lần nữa may mắn hơn nó. Chiều hôm trước ngày tôi lên đường nhập học, bố mẹ có làm mâm cơm nhỏ báo cáo ông bà và mời xóm giềng để mừng cho tôi. Tôi thấy Chuẩn rất buồn và ngượng ngịu trước những câu hỏi của mọi người. Tôi bỏ đũa rồi xin phép người lớn cho hai thằng đi chơi. Như mọi lần, chúng tôi thi thể lực bằng cách vật tay rồi bơi hai vòng dọc khúc sông. Hai thẳng ngoi lên bờ, rũ nước và nằm xoài ra bãi cỏ nhìn lên trời. Chuẩn đấm tôi một cái vào vai: chúc mừng mày. Tại mày chưa may mắn đó thôi, đừng nản, hẹn gặp nhau tại trường lục quân. Hai đứa tôi nói chuyện mà chẳng thèm nhìn nhau vì dường như đã hiểu nhau từng chân tơ kẽ tóc. Cứ thế, gối là cỏ, mùng là trời xanh, cười giòn tan nhìn những cánh diều chấp cánh. Tối hôm ấy, Chuẩn về sớm. Không giống mọi hôm hai thằng tán tếu đến khuya nó mới chịu đạp xe về. Đêm ấy thật khó ngủ, vừa bồn chồn cho ngày mai lên đường vừa thương cái dáng lem hem của Chuẩn trên chiếc xe đạp cũ. Tôi hiểu nỗi buồn của nó khi hai thằng thường ngày dính nhau như keo giờ sắp sửa lủi thủi một mình với ve chai trên con đường làng ổ gà ổ chó.

Chuẩn chở tôi ra ga. Hai đứa cùng đạp qua con đường đầy sỏi ngợp trắng hoa xuyến chi, nhìn những bông hoa biết cười tôi thấy thương Chuẩn hơn. Nó cũng như loài hoa này, lúc nào cũng lạc quan yêu đời dẫu rằng mảnh đất chưa bao giờ màu mỡ đối với nó.

Tôi chào Chuẩn bước lên tàu. Hất chiếc ba lô lên ngăn bỏ hành lý, lá thư trong ngăn trái ba lô rơi ra. Tôi vội vã nhặt, chạy ra cửa tìm Chuẩn. Hình như nó vẫn đứng ngóng tôi thò đầu ra ở toa nào đó vẫy chào nó. Tiếng còi tàu rú lên một hồi dài, con tàu sắt nghiến vào đường ray trườn những đường chậm rãi. Tôi cuống quýt thò tay ra cửa, gọi với theo Chuẩn: Chuyển hộ tới Mai cho tao!

Mai, cô gái hàng xóm chơi thân với chúng tôi từ thuở bé. Tôi viết lá thư đó vào đêm trước và không gửi được tận tay vì Mai đang đi thăm người thân ở xa. Cái cảnh Chuẩn chạy theo nhặt thư đem về cho Mai khiến tôi nhớ đến lời bố kể ngày còn đi lính gửi thư cho mẹ. Tàu đi ngang qua nhà ga, bố và những người lính khác xếp các lá thư hình máy bay rồi phi qua cửa toa, nhắn vội “Bạn ơi, chị ơi, em ơi chuyển dùm nhé!”. Lá thư chỉ đề địa chỉ, thậm chí còn chưa dán tem mà vẫn đến tay người thân. Có cô chị, cô em nhặt mấy bao thư mà mắt đỏ hoe, bởi họ biết đó có thể là lá thư cuối cùng mà người thân của các chiến sĩ được đọc… Còn Chuẩn, nó chạy theo nhặt lá thư chỉ vì nó biết tôi thích Mai mà chưa một lần nói ra hay chỉ đơn giản vì đó là tôi. Trong thư tôi thẳng thắn nói với Mai rằng tôi thích cô ấy, nhưng nếu Mai thấy không thoải mái thì chúng ta lại là bạn như chưa chuyện gì xảy ra.

Năm sau Chuẩn báo tin lên đường nhập ngũ. Cái tính chịu thương chịu khó, ham học hỏi của nó luôn khiến người khác quý mến. Sau một thời gian rèn luyện, kỷ luật tốt, lại thạo điện cơ máy móc nên cấp trên cho Chuẩn đi học công nhân cơ điện. Cũng tầm đó tôi lại được trường sĩ quan cử đi học thuyền trưởng. Vậy là lần nữa, chúng tôi cùng nhau học tập vì một mục tiêu chung. Để rồi, như một cái duyên chúng tôi lại công tác chung trên một mặt trận.

Người Mai yêu là Chuẩn. Mai đã thổ lộ điều này trong lá thư cô sinh viên năm hai trường cao đẳng sư phạm viết cho chàng sinh viên khoa cơ điện. Trong ngày cưới Chuẩn và Mai, tôi không về được vì phải trực bão. Trong trận chiến với thiên tai năm ấy, đội chúng tôi đã giải cứu được một ngư thuyền của dân mắc kẹt trước tình hình biển động, giông tố quá lớn mất liên lạc. Chuẩn không những không trách mà còn đánh điện chúc mừng.

Mai đã mang bầu đứa thứ hai. Mỗi khi nhớ lại lá thư ném vội qua cửa toa ngày ấy tôi lại thấy mình thật bồng bột. Có lẽ đó chỉ là cái cảm giác chống chếnh khi mới bước ra khỏi lũy tre làng xa cách bạn bè thân thiết mà ngộ nhận là thương. Đến khi gặp Tĩnh, cô y tá sốt sắng chữa trị vết thương cho tôi ngày ấy, tôi mới hiểu tình yêu thực sự của mình là ai. Trong tình yêu có sự chờ đợi, hy sinh và thấu hiểu. Tĩnh mồ côi mẹ sớm, cô ấy rụt rè khi về làm dâu một gia đình khá hoàn hảo như của tôi. Trải qua hơn hai lần chưa kịp mừng thì đành phải chia tay những đứa con ngủ quên không nhịp đập. Có lẽ nỗi vất vả của tôi chẳng thấm gì nỗi cô đơn của cô ấy mỗi khi màn đêm sập xuống cửa. Ngày cô ấy mong nhất trong tháng không phải là cái chiều thứ bảy tôi về thăm mà là ngày tiêm chủng cho bọn trẻ. Được ôm những đứa trẻ thơm mùi sữa mẹ trong tay làm cô ấy hạnh phúc và ấm áp. Rồi bọn trẻ ra về, cô ấy lại buồn và nhớ cái mùi con nít ấy. Những tâm sự này nếu hôm ấy tôi không dọn phòng và bắt gặp cuốn sổ nhật ký của Tĩnh thì có lẽ mãi mãi chẳng bao giờ tôi hiểu được nỗi niềm của cô ấy.

Lại một lần nữa tôi tin rằng những người cùng uống chung bầu sữa mẹ có một sợi giây gắn kết vô hình. Chuẩn được cử ra đảo công tác cùng tôi. “Chuyến này đuổi xong bọn ngang ngược, cắt phép về nhà gắng kiếm một đứa cho Tĩnh đỡ buồn. Nhìn to xác hơn tao mà kém thế…” Chuẩn nói rồi múc bàn tay thô ráp vào thằng nhỏ của tôi cười sằng sặc.

Mặt trời buông lưới vàng óng ánh. Những con tàu lại rẽ nước vươn khơi làm nhiệm vụ đánh đuổi tàu cá vi phạm quyền lãnh hải. Những trận chiến ngày một dài hơi và dai dẳng. Khi cơn gió nặng mùi hoàng hôn thì cũng là lúc các chiến sĩ đã thấm mệt. Rồi một cú húc mạnh bất ngờ làm con tàu BP030401 chao đảo, một nhân viên cơ điện đã bị va đập và chấn thương nặng. Nhân viên ấy chính là Chuẩn.

***

Chiều. Ngồi nhìn xác sóng phơi mình trên bãi đá bốc hơi, tôi nghĩ đến Mai chắc giờ này đang lềnh kềnh cái bụng bầu ngồi vắt tay lên ghế trước phòng hồi sức chờ đợi.

Nắng sệt hơn. Không khí trên đảo oằn đi. Ngày dài và đêm cũng tránh né bình minh. Chiếc đồng hồ vẫn điểm chín giờ mười tám phút. Mà thực ra đã quá nửa đêm…

Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa, từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình yêu quê nhà…

Có tin gì chưa Mai ơi…

Anh Chuẩn cử động tay rồi anh ơi!

Tôi bật dậy đấm mạnh vào lồng ngực rồi bấm máy gọi cho Tĩnh báo tin mừng. Đơn vị cho tôi vào bệnh viện thăm Chuẩn. Mai và gia đình đang ngồi ngoài hành lang chờ tin bác sĩ.

Anh ấy vừa mở mắt ra nhìn em rồi nhìn quanh, và lại nhắm chặt, gọi kiểu gì anh ấy cũng không mở mắt ra nữa, Mai hớt hải kể tôi nghe.

Chuẩn ơi tao đây. Tao và Mai đây. Hai đứa tao chờ mày lâu quá rồi. Mày ngủ lâu thế hay đang mãi chơi chốn nào, sao vô tâm vậy thằng tồi… Mai nó khóc, nó héo hắt vì mày. Mày không thương nó thì thương đứa bé trong bụng Mai bao ngày rồi ngủ đứng ngủ ngồi không chịu về nhà. Bọn mình là chiến sĩ mà, chết không sợ nhưng phải sống vì những người xung quanh còn chờ mình trở về.

Tôi cố nói to vào tai bên phải của Chuẩn. Còn Mai vẫn ngồi vuốt ve bàn tay trái của nó. Dường như Chuẩn nghe được tiếng của tôi và tiếng nấc nở của Mai. Những giọt nước mắt của Mai lăn trên tay nó, rồi các ngón tay động đậy, hàng mi thưa mấp máy, Chuẩn mở mắt nhìn chằm chằm vào tôi rồi nắm chặt tay Mai. Một giọt nước mắt rỉ ra mắc lại nơi khóe mắt nó:

Tao ngủ mấy ngày rồi? Vậy là đứa bỏ trốn là tao không phải mày à? Tao thấy ba đứa mình đi tắm sông. Mai về trước như mọi lần. Tao và mày thi lặn. Khi nào mày cũng dài hơi hơn tao nhưng lần này mày ngụp lâu quá. Tao tưởng mày đùa nên lên bờ trước. Đợi mãi không thấy mày lên. Chỉ thấy vài gợn nước dỗ dành vào hai bên bờ. Tao búng người lao xuống như một con ếch, ngụp lặn tìm mày. Tìm mãi, tìm mãi. Ngoi lên mở mắt ra chỉ thấy Mai chứ không thấy mày, tao lại lặn xuống…

Cả căn phòng không ai nói lời nào, chỉ yên lặng lắng nghe một người đã ngủ quên nửa tháng trời kể không ngừng về miền chiêm bao. Kẻ đi tìm bạn mà quên cả chính mình.

 

 

                                                                                                            N.D.H

 

 

 

NGÔ DIỆU HẰNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 296 tháng 05/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground