Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hạ độc

TRUYỆN NGẮN dự thi 

Mây chiều được nhuộm đỏ như mầu máu bầm vón từng cục. Phan nằm dưới rừng thông ngửa mặt lên trời mắt không hề chớp. Hệt như những kẻ chết oan không nhắm mắt. Nhưng Phan không chết mà hàng nghìn cây thông đang chết. Không. Chúng đã chết từ gốc lên đến gọn. Chất độc đã ngấm vào từng gân lá. Nếu nằm từ xa người ta sẽ thấy cả rừng thông đổ máu, lá cũng bầm tím như bầu trời những ngày này vậy. Phan như con sóc nhỏ yêu rừng, suốt bao năm nương tựa vào những tán cây để sống. Lúc bé thì ngày nào cũng lủi ra vườn của ông nội chạy chơi. Đói hái quả ăn, mệt thì nằm dưới tán cây mà ngủ. Ông tính tuổi Phan theo từng mùa quả trong vườn. Ông đo chiều cao của Phan bằng những vạch nhỏ trên thân cây trong vườn. Nhà ông nội đông con nhiều cháu, vui như bầy chim sẻ chiều nào cũng bay về. Chị Xiu có hai núm đồng tiền, lớn hơn Phan ba tuổi nhưng lại thấp hơn hẳn cái đầu. Chị lẽo đẽo theo Phan suốt ngày từ nhà đến trường lại từ trường về nhà. Chị thường nhờ Phan hái hoa bưởi, bồ kết để đun nước gội đầu. Hái quả về dầm canh chua. Hái những trái vải chín đầu mùa ăn chua rụt lưỡi. Xiu ghét ai trêu chọc những tổ chim trong vườn. “Đất lành chim đậu”, chị vẫn thường nói thế lúc với tay nhéo tai Phan vì cái tội bỏ đá vào tổ lừa chim mẹ. Anh Tèo con bác cả là người luôn hùa theo những trò nghịch ngợm của Phan. Hai anh em thỉnh thoảng lại sưng húp mặt vì cái thói trêu ong. Anh cũng là người dậy Phan chiết cây, ươm hạt mầm, làm tơi xốp đất, đi thụ phấn cho hoa bầu hoa bí trong vườn. Tuổi thơ của Phan trôi qua bình yên trong khu vườn nhỏ của ông. Cho đến khi ông nội yếu dần, người lớn trong nhà dấm dúi nhỏ tỏ bàn với nhau việc chia chác đất.

Ông có cả thảy tám người con. Hai người hy sinh nằm lại chiến trường, sáu người còn lại đều lấy vợ lấy chồng quanh xóm. Lúc còn khỏe giọng ông vang lắm. Kho được nồi cá ngon đứng ngoài cổng ới một tiếng là từng ấy nhà vác bát sang xin. Nhà đông con nên bếp ông nấu toàn nồi to. Lần nào ông cũng vét hết cho con cháu chỉ còn lại đáy nồi những thứ vụn để ăn. Bà mất sớm ông một mình thui thủi sớm hôm. Nếu không có đàn cháu nhỏ ngày nào cũng quanh quẩn ngoài vườn chắc ông sẽ đơn độc lắm. Các con bận việc đồng áng, một mình ông trông mười ba đứa cháu nội ngoại. Tụi Phan ăn cơm nhà ông nhiều hơn nhà mình. Có hôm được ông kèm học xong ngủ luôn ở đó. Mở mắt ra đã thấy chim kêu hoa nở, chòm râu ông trắng muốt như vầng mây ẩn trong những tán xanh. Qua đám giỗ của bà năm ấy, ông bỗng yếu dần đi. Không có ai qua nấu cơm cho ông. Nên có hôm tụi Phan phải tập tành vào bếp, cơm lẫn cả bụi tro. Thế mà ông vẫn cười, cây ngoài vườn vẫn xanh, chim vẫn hót.

Lúc ông yếu hơn, những người lớn trong nhà rỉ tai nhau nhỏ to gì đó. Nhà ông bỗng đông người, con cái quây quần vào ra đụng mặt nhau. Ai đến cũng bố ơi, bố à, con mua cho bố thứ này ngon lắm bố ăn đi. Nhưng ông đâu còn ăn được. Các con mang đến lại mang về. Bố Phan bình thường chẳng mấy khi sang đến cổng nhà ông mà lúc ấy cũng chăm qua lại. Cũng mua rượu thuốc, mổ gà hầm. Nhiều hôm nghe tin ông khó ở, bố bỏ cả làm chạy sang từ sớm. Thỉnh thoảng bố lại túm cổ Phan lại hỏi “mày có thấy ông nói chuyện gì không?” “Chuyện gì là chuyện gì hả bố?”. “Chuyện cái thằng ngu, suốt ngày chỉ biết chơi bời”. Phan vẫn không hiểu chuyện bố nói đến là gì cho đến một lần Phan nghe thấy bố mắng mẹ sa sả “đồ ngu. Cứ mải làm ăn nhỡ trong lúc ông hấp hối có dặn dò phân chia tài sản. Không có mặt ở đó để mọi người chia chác hết phần à”. Rồi thì cảnh tượng chia vườn ấy cũng diễn ra. Nó thật sự ám ảnh kinh khủng trong tâm trí tụi Phan. Ban đầu là những cuộc đấu khẩu nảy lửa. Người nào cũng cho rằng mình phải được phần hơn. Tụi Phan ngồi dạt ra góc nhà ngó ông nội nấc khan từng cơn một.

Tối đó bố Phan đi lại quanh nhà, bóng in lên tường trông chẳng khác gì con hổ dữ. Tiếng gầm ghè vang lên suốt đêm. “Chúng nó cứ thử ăn hơn tao một mét đất nào mà xem. Tao sẽ cho cả khu vườn này chết”. Buổi sáng hôm sau những người đàn ông hùng hổ vác cuốc ra chia đất. Những nhát cuốc va vào nhau chan chát. Vườn ông bỗng chốc xuất hiện những thông hào hệt như trong các bộ phim tài liệu về thời chiến mà Phan từng được xem trên tivi nhà hàng xóm. Những cành cây chìa sang phần đất nhà khác lập tức bị chặt phăng. Nhựa cây rỉ ra rỏ tong tỏng rồi khô lại nhìn như vệt máu bầm. Những lời nói bật ra như lưỡi dao sắc lẹm. Vài cuộc ẩu đả diễn ra trước mắt tụi nhỏ. Anh em trong nhà bỗng hóa kẻ thù mày tao chí tớ. Tụi nhỏ bị xé ra khỏi nhau. Ngơ ngác. Đứa này bị cấm chơi với đứa kia, anh từ mặt em. Vườn xẻ xong, nhà ông lạnh ngắt chẳng có người qua lại. Hôm cả vườn cây bỗng nhiên chết khô cũng là lúc ông trút hơi thở cuối cùng. Ngày đưa ma ông chỉ có những đứa trẻ trong nhà biết khóc.

 

Minh họa: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Bố lôi cả gia đình bỏ đi biệt xứ trên một chuyến tàu đêm. Xe trôi qua những miền đất lạ, cây cối ven đường đứng im lìm trong đêm như những người khổng lồ. Phan bật khóc vì nhớ ông, nhớ anh chị em của mình và trong đó có cả nỗi nhớ cây. Mấy bà cụ trong làng lúc ôm Phan vào lòng nựng nịu từng nói “thằng bé này người toàn mùi cây”. Chị Xiu cũng từng có lúc dí sát mũi vào mặt Phan, mắt tròn xoe bảo “hơi thở của em hệt như hơi thở của cây cối trong vườn”. Ông nội kể Phan được đẻ rơi ngoài đồng lúc mẹ đi làm cỏ lúa. Mẹ lên cơn chuyển dạ chỉ kịp chạy vào gốc cây gần đó là đẻ luôn. Lúc ông nội cùng mọi người chạy ra đã thấy thằng cháu nhỏ nằm trong ổ lá cây ngủ ngoan lành như trong vòng tay mẹ. Phan theo mẹ ra đồng mỗi ngày, nằm dưới những gốc cây mà ngủ. Lúc thức ngó cây lá rung rinh, bầy chim nhỏ ríu rít trong tán lá và mây bay thong thả trên trời. “Những lần thằng nhỏ ốm sốt quấy khóc không một ai dỗ nổi nhưng chỉ cần dí cái lá vào mũi cho nó ngửi là yên”. Lúc bắt đầu biết bò, Phan cứ thấy chỗ nào có cây là tiến đến. Có khi gặm cả vỏ cây ăn một cách ngon lành. Lớn hơn một chút, trong tay Phan lúc nào cũng thấy có lá cây. Để ngửi, để ăn, để chơi đùa thích thú. Trong nhà ai cũng nói nuôi Phan thực ra dễ lắm “cứ vứt nó với cỏ cây là chẳng phải nghĩ ngợi gì”. Ấy vậy mà vườn cây của ông đã chết. Ấy vậy mà năm mười tuổi, bố bứt Phan ra khỏi cây cối quê nhà để sống một cuộc đời tha phương nơi đất khách. Sân ga đó buồn tẻ biết chừng nào…

Kí ức chập chờn hiện về. Phan thấy mình vừa bước xuống sân ga lúc năm giờ sáng. Có tiếng gà nào đó cất lên phía xa xăm, sương mờ giăng bốn phía. Không ai nói với ai câu nào, cứ lầm lũi bước đi. Bố đi trước, mẹ con Phan lẽo đẽo theo sau. Nơi này không có cây, chỉ thấy cát và những bụi cỏ dại ven đường. Phan thấy bước chân mình chới với, phải cố gắng lắm mới có thể ghì lại nơi mặt đất. Tiếng của bố vọng lại phía sau “nơi này trước kia tôi từng chiến đấu, vẫn còn đồng đội cũ”. Mẹ con Phan men theo câu nói ấy mà đi. Đi từ lúc cát ướt sương đêm cho đến khi cát nóng dần lên dưới chân thì rừng xuất hiện. Phan như một kẻ hết hơi vớ được chiếc bình oxi để thở. Bỏ cát lại phía sau, quãng đường từ đó về nhà bác Thuận không phải đo bằng những bước chân. Mà đo bằng những thân cây lúc đi qua Phan xòe tay để chạm vào da thịt. Bác Thuận đón bố bằng cái ôm chặt tình đồng đội. Bữa cơm đầu tiên toàn những món rau rừng mà lần đầu tiên Phan được ăn. Kì lạ thay khi ăn chúng Phan không còn thấy cồn cào ruột gan như trước nữa. Căn bệnh đó Phan từng được ông nội đưa đi khám vài lần nhưng không tìm ra nguyên nhân. Bác Thuận nghe kể cười khà khà “chẳng bệnh tật gì đâu cháu ạ. Có chăng là cái bệnh thiếu rau. Cứ ăn nhiều rau vào là cơ thể khỏe mạnh. Như bác đây này, cả đời vào sinh ra tử giữa trốn rừng xanh vẫn sống khỏe re”. Phan ngước nhìn người đàn ông mới gặp, lòng cảm mến vô cùng. Đêm ngủ giữa núi rừng Phan tưởng như có thể nghe thấy những tiếng thở của cây. Nhẹ nhàng, bình thản và có mùi hương thật là dễ chịu. Chúng an ủi tâm hồn của một đứa trẻ đang chịu nhiều thương tổn.

Những ngày không phải đến trường Phan theo bố và bác Thuận vào rừng từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Hôm thì đi đào măng trúc, măng tre về cho mẹ đi bán lấy tiền đong gạo. Hôm thì đi lấy mật ong rừng. Cũng có khi vào tít trong rừng sâu hoặc trèo lên núi đá tìm lan. Mỗi chuyến đi đối với Phan đều vô cùng lý thú. Phan được bác Thuận dạy kỹ năng sinh tồn trong rừng phòng khi đi lạc. Cách tìm nguồn nước ở gần. Cách phân biệt lá cây, quả rừng, các loại nấm xem lành độc ra sao. Cách xác định phương hướng ban ngày và ban đêm. Cách tạo ra lửa khi không mang theo bật lửa hay hộp diêm. Cách đào bếp Hoàng Cầm như trong thời chiến. Những bài học đó càng giúp Phan gắn bó với rừng. Không có nỗi sợ hãi mơ hồ nào còn xen được vào tâm trí của Phan. Rừng giống như một ngôi nhà lớn bao bọc những phận người. Rừng nuôi Phan lớn lên bằng nước trong, măng đắng, rau lành và những giọt mật ong ngọt lịm.

Phan coi bác Thuận như người bố thứ hai của mình. Thực chất bác là người dạy Phan mọi thứ còn bố thì không. Những lúc vào rừng bố chỉ chăm chăm kiếm những thứ có thể ra tiền. Lúc bác Thuận mải dạy Phan nhận biết một loài quả độc thì bố đã trèo chót vót trên cao tìm tầm gửi. Lúc bác vội vàng hút máu độc ở vết rắn cắn trên chân Phan thì bố còn mải vui với nhành lan quý. Trong lúc hai bác cháu Phan bận đào gốc cây đã chết để trồng thay thế vào đó một mầm xanh mới. Thì bố còn bận tăm tia xem trong rừng có cây gỗ nào quý hay không. Bác Thuận thường bảo:

- Ăn của rừng thì phải trả cho rừng. Rừng cho mật cho hoa thì phải chăm sóc nó. Mang một cây gỗ chết về làm củi thì phải trồng vào đó một cây xanh mới. Đâu có ai ăn không mãi của rừng.

- Rừng tự lớn tự nuôi, mình không lấy thì người khác cũng lấy. Rừng của nhà nước chứ đâu phải của mình.

- Chú từng là bộ đội chiến đấu để giữ từng tấc đất, mét rừng. Thế mà giờ nói vậy thì hỏng bét. Ai cũng chỉ muốn lấy đi thì mấy mà rừng chết. Đời con cháu chúng ta làm gì còn rừng vàng biển bạc.

- Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Hơi đâu mà lo xa.

- Ấy chết. Có con trẻ ở đây chú đừng nói thế.

Phan làm một cái ổ trên cây để những lúc buồn lên đó nằm đọc sách. Có khi thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc mơ Phan thấy ông nội ngồi đan sọt dưới gốc cây vải. Những chùm vải đầu tiên đã chín bói lốm đốm đỏ giữa tán lá xanh. Ông dặn các cháu “nhớ để dành hái thắp hương bà xong sẽ được ăn”. Phan nằm dưới gốc cây ngửi thấy mùi vỏ quả quện vào mùi bọ xít. Những con ve sầu kêu inh ỏi, tưởng như tiếng của chúng có thể làm những đám mây bã bừa trên trời tan rã. Gió luồn qua khu vườn mát lành, cái nắng chói chang của mùa hè dừng lại bên trên những tán cây. Tỉnh dậy Phan thấy mình đang khóc. Khu vườn ấy giờ thế nào? Người ở lại liệu đã gây lại màu xanh? Phan sợ rằng ngay cả đất cũng chết trước lòng tham và sự thâm độc của con người. Nhiều năm trôi qua có một câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu óc Phan. Ai đã nhẫn tâm giết chết những tán cây thuở ấy?

- Tốt nhất là con không nên biết. Trong cuộc sống có những điều khi đã biết rồi lại ước mình không biết.

- Mẹ nói thế là mẹ biết ai đã hạ độc cả vườn cây đúng không ạ?

Mẹ không nói gì, tay thoăn thoắt bóc măng chuẩn bị luộc ăn bữa tối. Thứ măng đắng chấm muối vừng ăn dễ nghiện. Từ ngày theo bố rời quê mẹ sống một cuộc đời lầm lũi. Ngày nào cũng thức dậy từ mờ sớm chuẩn bị cơm nắm cho những người đàn ông đi rừng. Rồi mẹ tất tưởi địu trên lưng mình những gùi măng, gùi mật. Thỉnh thoảng mẹ còn hái cả rau rừng để bán cho những người dưới đồng bằng. Mẹ bán chừng nào hết thì về, trên lưng lại địu gạo, muối, cá khô hay vài ba lạng thịt. Mẹ chẳng để tay chân ngơi nghỉ lúc nào. Mẹ không hay nói chuyện cùng ai. Ngay cả với Phan mẹ cũng rất kiệm lời. Có khi giật mình Phan nghĩ mãi không nhớ ra lần cuối cùng bố mẹ nói chuyện với nhau là khi nào. Việc ai người ấy làm, ngày nào cũng như ngày nào đâu có gì phải trao đổi với nhau. Bố đi rừng về thì cơm đã dọn sẵn. Bố ăn xong buông đũa lên giường nằm còn mẹ thì dọn dẹp. Chỉ thỉnh thoảng thấy bác Thuận nhắc mẹ vào ăn cơm, mai xuống chợ nhớ mua ít thuốc lào, tối ngủ nhớ vén màn kĩ xứ này lắm muỗi. Có khi bác còn dặn “mai cô Xuân đi chợ nhớ mua mấy bộ quần áo mới. Quần áo cô đã cũ sờn cả rồi. Mua cho cả thằng Phan bộ cánh nào đẹp đẹp”. Mẹ không nói gì, ngước lên nhìn bác Thuận môi hơi run run. Cũng chẳng rõ là cười hay mếu.

Bố cũng thường im lặng cả ngày, chỉ nói vào những lúc tỉ tê chén rượu. Những lúc ấy bố hay hỏi về rừng. Rừng rộng bao nhiêu? Sao không ở qua đêm để vào sâu rừng thẳm? Trong rừng nghe nói còn sót lại vài cây gỗ sưa rất quý? Những lúc ấy bác Thuận chỉ cười, xua xua tay không bàn luận gì thêm. Thoát ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt, bác Thuận sống một mình. Bố mẹ anh em bác đều nằm xuống bìa rừng, máu trộn vào cỏ cây sau một vụ ném bom thảm khốc. Nên bác nguyện cả đời gắn bó với rừng. Những lúc rảnh Phan thích được nằm nghe bác thủ thỉ kể chuyện về thời chiến.

- Khốc liệt lắm, hồi ấy bác mới ngoài hai mươi chứ mấy. Cháu thử tưởng tượng mà xem suốt dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ này là bom rơi đạn lửa. Thế mà bác với bố mày tránh được bom đạn kẻ thù kể cũng là may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Giờ cứ nghĩ lại năm tháng ấy thấy danh lợi, tiền bạc chẳng đáng quái gì cháu à.

- Nhưng hình như bố cháu không nghĩ thế.

- Bố cháu ấy à? Khôn lỏi bỏ mẹ. Ngày xưa tí bác đấm cho một trận vì cái tội khôn quá hóa hèn. À mà thôi, bố cháu rốt cuộc vẫn là một người tử tế. Ít nhất là cho đến lúc này. Cháu phải thương lấy bố mẹ mình để sống cho thật tử tế.

Bác hay nói đến sự tử tế. Hoặc có thể bất cứ người lính nào từng đi qua trận chiến và ranh giới sống còn đều nhắc về sự tử tế. Tất nhiên là trừ bố. Phan nhiều lần muốn kể cho bác Thuận nghe về cái chết của một vườn cây nhưng rồi khựng lại. Phan cảm thấy xấu hổ dù đó chẳng phải việc mình làm. Nỗi ám ảnh cứ như cái dằm cắm sâu vào da thịt Phan không cách nào lấy ra nổi. Bố ngày càng dành nhiều thời gian ở trong rừng. Có hôm nhất quyết đòi ngủ lại. Nhiều khi bố đi một mạch cả tuần mới mò về. Không biết bố nghĩ ngợi tính toán gì mà lầm lì cả buổi. Rồi có vài người lạ đến nhà tìm bố. Trên cánh tay họ xăm một lưỡi rìu. Bác Thuận không ưa những người này. Một hôm bác hỏi bố:

- Chú giao du làm gì với mấy người bọn họ?

- Ôi, thấy hay hay thì chơi thôi bác.

- Hay ho gì những kẻ chuyên chặt phá rừng. Chưa biết tù mọt gông lúc nào đâu. Máu của rừng chảy biết bao nhiêu vì chúng nó.

Bố vẫn lén lút qua lại với đám người đó một thời gian dài mặc cho bác Thuận tỏ thái độ không vui. Một hôm bố bảo mẹ nắm cho ít cơm, mang theo cả bánh mì và gạo. Trước khi đi còn dặn “bác Thuận chỉ có một mình. Vết thương cũ cứ trái gió trở trời lại đau nhức. Cô ở nhà nhớ chăm sóc bác ấy cho tốt”. Mẹ ngước lên nhìn bố như hoài nghi gì đó, môi run run không rõ định nói gì. Bác Thuận gặp bố ở ngoài cổng còn dặn với theo “chú nhớ đừng có làm gì tổn hại đến rừng. Ăn của rừng không dễ đâu nghe”. Bố không nói gì, cắm mặt đi một mạch mất hút trong rừng thẳm. Bố đi hơn nửa tháng vẫn chưa thấy về. Bác Thuận có vào rừng nghe ngóng, lúc về bác nằm liệt giường không đi lại được. Tay vắt lên trán, ai hỏi gì bác cũng không nói. Nhưng mỗi lần Phan vào thăm thì ở hốc mắt bác chảy ra một dòng nước đục ngầu, chẳng biết có phải là nước mắt hay không. Mẹ ngừng đi chợ ở nhà cơm nước trông nom bác.

Đêm ấy bố về, đúng lúc mẹ đang đánh gió cho bác Thuận trong buồng. Bố lao vào làm um lên, vu vạ cho hai người dan díu với nhau lúc mình đi vắng. Mặc cho mẹ giãi bày, Phan can ngăn hết cách. Bác Thuận nói gằn từng tiếng trong cơn ho:

- Chú tưởng tôi không biết những việc chú làm à?

- Ông liệu hồn im miệng. Không cả xứ này sẽ biết ông vụng trộm với vợ đồng đội cũ của mình.

- Tôi không làm gì khuất tất mà phải sợ. Chỉ những đứa làm chuyện phi pháp mới phải sợ thôi.

- Ông bảo ai làm chuyện phi pháp hả? Ai? Ai?

- Cây gỗ sưa nhiều năm tuổi trong rừng mới bị chặt trộm không phải chú và đồng bọn thì ai? Ăn của rừng nuốt không trôi đâu.

Bố lao vào túm cổ áo ghì chặt bác Thuận xuống giường. Mẹ con Phan can ngăn mãi bố mới chịu buông ra. Sáng hôm sau Phan đến trường thấy người ta xúm lại nhỏ to, chỉ chỏ. Những lời rỉ rả lọt vào tai “gớm thật. Chồng đi rừng kiếm cơm, vợ ở nhà dan díu với bạn của chồng”. “Tưởng thế nào, vợ chẳng lấy. Ở mãi vậy giờ tòm tem cả vợ đồng đội cũ”. “Mà thằng con trai nhà đấy chắc khờ, chẳng nhẽ ở chung một nhà mà không biết chuyện bồ bịch nhì nhằng của mẹ hay sao?”. Những ánh nhìn mỉa mai khiến Phan uất nghẹn. Phan vứt sách vở lao về nhà chỉ muốn chúi đầu vào lòng mẹ. Nhưng mẹ không ở nhà, bác Thuận nói mẹ đã đi xuống chợ từ sáng sớm. Phan chạy đi tìm mẹ, chưa đến cổng chợ đã thấy đám đông xúm xít bên vách núi. Phan bủn rủn chân tay rẽ đám đông nhìn vào. Gùi mật ong để lại trên vách núi. Người ta nói mẹ đã lao xuống đó. Phan bàng hoàng nhìn xuống vực sâu, đá lặng câm, chỉ có những thân cây mọc trên vách núi cành lá rủ xuống như đang khóc. Bác Thuận vịn giường ngồi dậy, cố gắng lo đám tang được chu toàn. Phan không khóc nổi, chỉ hực lên vài tiếng rồi thôi. Đám tang của mẹ người khóc nhiều nhất lại là bố. Nước mắt thành dòng, nhòe nhoẹt. Bố càng khóc người ta càng trách người đàn bà đã lăng nhăng còn dại dột. Người ta xót thương một ông chồng hiền lành, yêu vợ thương con hết mực mà cuối cùng lại bị phản bội. Người ta xót cảnh gà trống nuôi con. Người ta xót tình đồng chí đồng đội. Thời chiến thì vào sinh ra tử có nhau, giờ thời bình lại vì một người đàn bà mà quay lưng phụ bạc. Phan thấy mình đang xem một màn kịch, thỉnh thoảng bất giác nhếch mép cười.

Mộ mẹ nằm ở ven rừng, chỗ có thể nghe thấy cây lá lao xao tình tự. Nỗi oan khuất của mẹ chỉ có đất lành và những tán cây mới có thể xoa dịu, vỗ về. Sau đám tang của mẹ, bố lôi Phan đi ngay trong đêm đó. Ngay cả một lời từ biệt với mẹ và bác Thuận, Phan cũng chưa kịp nói. Lúc bị bố kéo đi Phan đã nghĩ tại sao mình cứ phải chạy chốn trong buồn tủi thế này? Phan đã làm gì sai mà hết lần này đến lần khác phải bỏ những người mình thương yêu ở lại. Phan đã muốn kháng cự lại cái nắm tay chắc nịch của bố. Nhưng Phan không còn ai ruột thịt ngoài bố cả. Dẫu có hoài nghi, oán hận thì Phan cũng không thể dứt bỏ được máu mủ của mình. Tây Nguyên đã ở ngay trước mặt. Rừng lại giang tay đón bố con Phan lần nữa.

Lúc bố con Phan mới đến, rừng ở nơi này còn thưa thớt lắm. Bố con Phan ban đầu là đi làm thuê cho những hộ dân được giao đất giao rừng. Từ đào hố, trồng cây, phát rừng, chăm bón… chẳng việc gì là không làm cả. Phan bỏ học, quanh năm ngày tháng cắm mặt vào rừng. Đã có lúc Phan nghĩ mình sẽ trở thành người rừng. Sẽ vào sâu trong rừng làm một cái nhà trên cây và ở đó đến cuối đời. Phan tin rừng sẽ nuôi mình sống. Những thân cây hiền lành chẳng biết toan tính như con người. Cây cả đời chỉ biết dâng bóng mát cho đời, xanh đến kiệt cùng sự sống. Phan không muốn gặp gỡ hay kết thân với bất cứ ai. Để rồi đến một ngày nào đó lại phải chia xa. Bởi đâu ai biết trong đầu bố nghĩ gì? Và cuộc đời của Phan còn bao nhiêu lần chạy trốn?

Nhiều năm trôi qua, bố không còn đi trồng rừng thuê nữa khi cuối cùng cũng được giao đất giao rừng. Nhưng rừng non tái sinh vào tay bố không bao lâu đã bị chặt phá, đốt thành tro để trồng cà phê và những trụ tiêu. Mặc chính quyền đã nhiều lần can thiệp. Mặc cho Phan xót xa khi thấy diện tích rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp. Bố cười bảo “cây nào chẳng là cây. Vừa phủ xanh đất trống lại vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Lý lẽ của bố Phan không thuận nhưng cũng chẳng biết phải làm gì. Trong đầu óc bố chỉ có tiền. Vì đồng tiền bố sẵn sàng bất chấp cả lương tâm. Tấc đất tấc vàng. Bố nhìn thấy những cơ hội trước mắt nên càng ra sức chiếm đất rừng. Bố thuê những người dân tộc thiểu số về làm việc cho gia đình. Ngoài chăm sóc và thu hoạch cà phê, hồ tiêu thì bố còn xúi họ đi phá rừng chiếm đất của nhà nước. Phan nhìn thấy máu của rừng chảy mỗi ngày, lòng ri rỉ đau hộ phận cây.

Gần nghìn cây thông đã chết, máu đỏ bầm cả một góc trời. Rừng thông này là nơi mỗi lần nhớ mẹ Phan thường tìm đến. Ngồi nghe những cây thông rì rào kể chuyện. Thông vỗ về những nỗi đau trong Phan kể từ khi còn là một chàng trai mới lớn cho đến khi tóc trên đầu đã có vài sợi bạc. Những hẹn hò đầu tiên của một trái tim thổn thức yêu thương rừng thông cũng im lặng lắng nghe. Từ nụ hôn đầu đời đến tan vỡ chia xa cũng vẫn là hàng thông chứng kiến. Những cây thông vươn cao chọc trời nằm bên bờ suối, cách trạm kiểm lâm không bao xa. Lúc mới vào đây mỗi khi đi lạc muốn tìm đường về Phan hay trèo lên cây ngó bốn phía xem hướng nào có thông thì đi theo hướng đó. Người dân nơi đây coi khoảng thông xanh mát ấy là trái tim của rừng. Phan không bao giờ nghĩ có một ngày cây lá ấy không còn xanh nữa. Vậy mà có người lại lỡ hạ độc cả một rừng thông.

Mấy ngày nay cơ quan chức năng về điều tra cái chết của rừng thông. Nhiều người được gọi đến để làm việc, trong đó có cả bố Phan. Ông trở về nhà khuôn mặt không giấu nổi nỗi sợ. Vài người thậm thụt đến nhà chui vào phòng ông thầm thì gì đó. Phan chỉ nghe tiếng mấy câu “vụ này chắc sẽ làm lớn. Cầm tiền biến đi thật xa một thời gian. Bao giờ im thì về”. Phan hỏi thẳng bố:

- Là bố đứng đằng sau vụ triệt hạ rừng thông có đúng không?

- Im đi. Mày hết khôn dồn đến dại à? Ai bảo mày như vậy?

- Chỉ bố mới có dã tâm như thế.

- Im đi. Tao không làm gì hết.

- Chính bố đã hạ độc vườn cây của ông nội?

Bố quắc mắt nhìn Phan. Ánh nhìn như vệt dao sắc lẹm:

- Không phải tao. Mày điên rồi.

- Cũng chính bố và đồng bọn đã ăn cắp gỗ sưa, bị bác Thuận bắt thóp thì đi rêu rao chuyện bồ bịch khắp nơi đẩy mẹ đến đường cùng. Lần này thì con không thể đứng im nhìn bố hết lần này đến lần khác phạm sai lầm được.

- Mày định làm gì chứ?

- Con sẽ tố cáo tất cả những tội ác của bố.

- Khôn hồn thì câm miệng nếu không đừng có trách tao.

- Bố định làm gì con? Định hạ độc con như đã từng hạ độc những cây thông vô tội?

- Đừng có thách thức tao.

Nhưng bố chưa kịp toan tính thêm điều gì thì có lệnh bắt. Bố chạy trốn vào rừng thẳm sau khi mang theo hết tiền bạc trong nhà. Nhiều ngày sau người ta tìm ra xác ông nằm bên cạnh suối. Con suối này chảy qua rừng thông đã chết, những lá thông còn vương vãi theo dòng. Có lẽ nó mang theo những chất độc còn sót lại của rừng từng ngấm sâu trong đất. Lúc Phan đến thấy trong kẽ tay bố mình còn vương lại mấy nhành cỏ độc. Ông đã chết trên đống tiền cả đời tích cóp. Có lẽ trong cơn đói, rừng đã thiết đãi ông bữa ăn cuối cùng. Giống như cách ông vẫn đối đãi với cây suốt bao năm. Trong đầu Phan bỗng vẳng lên câu nói của bác Thuận năm nào. “Ăn của rừng phải trả cho rừng. Đừng để máu của rừng chảy đi vô nghĩa…”. Phan nằm dưới gốc cây tự nhiên nhớ về Xiu, về Tèo, về ông nội và khu vườn thơ ấu. Nước mắt Phan rỉ ra như máu của cây…

 

V.T.H.T

 

VŨ THỊ HUYỀN TRANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 300 tháng 09/2019

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/03

25° - 27°

Mưa

22/03

24° - 26°

Mưa

23/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground