Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngai vàng của chú Pushkin

“Ta nhớ biển trước khi cơn bão đến:

Ta ghen với từng con sóng trào dâng

Sóng trập trùng lớp lớp mênh mông

Mang tình yêu dưới chân nàng phủ phục... “

Hễ cứ đứng trước biển, những câu thơ ấy lại văng vẳng trong tâm trí tôi. Ghềnh đá đã hiện ra trước mắt. Bấy giờ đang mùa biển động, những con sóng liên tiếp chồm lên. Tôi chậm rãi bước đến mỏm đá cao nhất, ngay sát mép sóng. Đó là ngai vàng của chú Pushkin.

*

Cạnh ghềnh đá, biển ăn lõm vào tạo thành một vũng rộng, sóng êm và cát mịn màng. Đây vừa là nơi neo đậu, vừa là nơi tấp nập mua bán cá tôm khi thuyền về. Bọn trẻ con đang ngụp lặn, chơi đùa huyên náo. Bỗng chúng reo lên: “A, chú Pushkin, chú Pushkin”. Cả bọn chạy tới, xúm quanh người đàn ông dong dỏng cao, đội chiếc mũ tai bèo màu lính cũ kĩ. 

“Chú Pushkin đọc thơ đi!”

Người đàn ông cười ha hả, khẽ kiễng gót chân, chân kia khua một vòng hình cung trên bãi cát. Tay trái chống nạnh, tay phải ông ta với lấy cái mũ đang đội, rồi cúi gấp người chào điệu nghệ, y hệt như các quý ông trong phim nước ngoài mà bọn trẻ vẫn xem trên tivi. Rồi ông ta cất giọng sang sảng:

“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài...”

Bọn trẻ vỗ tay đen đét, đen đét. Đọc thơ xong, chú Pushkin rời đám trẻ con, đi đến từng chiếc thuyền, ghé vai vào vác những thùng cá lên bờ. Hết thuyền người này đến thuyền người khác, chú Pushkin đều xắn tay làm như là một nhiệm vụ mặc định. Chừng một giờ sau, khi ngư cụ, thuyền bè của ai cũng đã xếp đặt, neo đậu đâu ra đấy, chú Pushkin mới ngừng tay. 

Những thùng tôm, cua, cá đủ các loại tươi roi rói được ngư dân trong làng tập kết lại ở một khoảng cát quen thuộc. Vài người đàn bà là dân buôn bán đã đợi sẵn, họ thoăn thoắt ghi chép, cân kéo, tính toán, ngã giá xôn xao cả một góc biển. Hôm nay, thuyền ông Cường trúng mẻ hơn cả, gần sáu chục kí lô toàn những loại cá đắt tiền, được nhập vào nhà hàng để bán cho khách xộp, chứ không phải để mang ra bán chợ. Vợ ông, sau khi đếm lại tiền bán cá và cất cẩn thận vào cái túi áo trong, liền quay về phía người đàn ông đang cầm cái mũ tai bèo phe phẩy:

“Chú Pushkin ơi, hôm nay lấy cá hay lấy tiền nào?”

Chú Pushkin cười nhe cả hàm răng đã vàng ố:

“Nhà tôi vẫn còn cá nhiều lắm, ăn chưa hết”.

Nói xong, chú lại cười ha hả. Như thế, có nghĩa là chú thích lấy tiền. Ông Cường cũng cười khoai chí:

“Đi đâu mà vội, lên nhà tôi nướng cá, làm chén rượu cái đã”.

Thế là chú Pushkin nhanh nhẩu đội mũ rồi đi theo vợ chồng ông Cường. 

Chú Pushkin có thói quen ngồi uống xong một ly rượu là cười khà khà, lúc cao hứng lại đọc một câu thơ, chứ ít khi nói chuyện. Không ai nhớ chú Pushkin tên thật là gì. Mà cũng chẳng ai để ý tìm hiểu. Ai cũng vui vẻ gọi chú là Pushkin, chắc tại vì chú hay đọc thơ của Pushkin. Mà người trong làng, họ cũng không cần biết Pushkin là ông nào, chỉ nghe đồn đại vậy, thì biết vậy. Ban ngày, chú lang thang khắp nơi, ai nhờ gì làm đó, ai cho gì lấy đó. Đến giờ thuyền ghé bờ, chú luôn có mặt sẵn, luôn tay luôn chân, vừa làm vừa huýt sáo. Thù lao của chú có khi là vài con cá nhà buôn loại ra vì bị sứt đuôi, tróc vẩy trong lúc đánh bắt, có khi là đôi, ba chục ngàn đồng. Chú vui vẻ nhận hết, không kì kèo đòi hỏi. 

“Chú Pushkin, chú nhặt mấy con mực bị ươn này để làm gì?”

Thằng cu Hưng, con ông Cường tiến đến, ánh mắt của nó tò mò. Chú Pushkin ghé vào tai nó, cất giọng thầm thì:

“Nó là mồi câu cá xịn đấy”.

Mắt thằng bé sáng lên. Nó năn nỉ:

“Thiệt không chú. Chú cho cháu đi xem chú câu cá với!”

Chú Pushkin cười ha hả, rồi lại ghé tai nó thầm thì như là chuyện nghiêm trọng:

“Sáng sớm mai qua nhà chú!”.

Thằng bé nhảy cỡn, định hét lên nhưng chợt nghĩ ra điều gì đó, liền kìm nén cơn hào hứng. Sáng hôm sau, thằng Hưng len lén đến nhà chú Pushkin. Bấy giờ đang kỳ nghỉ hè, bọn trẻ con trong làng thoải mái đi chơi đùa cả ngày, chiều về lại tập trung ở bãi biển, tắm táp thỏa thuê. Người lớn, phần vì bận bịu chài lưới, phần vì quen với việc để bọn trẻ tự do. Chúng rủ nhau tắm biển, rủ nhau ngụp lặn, đứa nào cũng đen nhẻm, tung tăng bơi lội như những con rái cá. Lớn lên một chút, chúng sẽ dần dần được theo thuyền ra khơi, rồi phần lớn trong số chúng sẽ trở thành những ngư dân thứ thiệt. Trong làng, chỉ người già và phụ nữ làm những việc trên bờ, đàn ông khỏe khoắn đều theo thuyền ra khơi, trừ chú Pushkin. 

Minh họa: THANH THÁI

Khi thằng Hưng đến, căn nhà nhỏ của chú Pushkin vắng vẻ. Chú Pushkin đang cặm cụi ở sau vườn. Thằng Hưng rón rén bước theo tiếng động. Mắt nó sáng lên. Thì ra, chú Pushkin đang buộc cần câu. Một cái cần trúc dài chừng ba mét, vàng óng ánh. 

“Cần này của cu Hưng”.

Khỏi phải nói thằng bé sung sướng thế nào. Chỉ dăm phút sau, bóng hai người một lớn, một bé đã đổ dài trên bờ cát. Mùa hè, nước biển êm, ghềnh đá lộ ra rộng lớn. Chỗ nhô ra xa nhất của ghềnh cũng là nơi có mỏm đá cao nhất. Đó là một mỏm đá có cấu tạo đặc biệt, phía Đông phẳng và thẳng đứng, giữa chừng lại cắt vát, tạo thành một chỗ ngồi bằng lẵng, y hệt một cái ghế tựa mà thiên nhiên khéo tạc nên. Dân làng tin rằng, xa xưa, đó là ngai vàng của một vị thần, ngồi xoay mặt ra biển Đông trấn giữ bờ cõi. Người dân làng chài mỗi khi đi câu cá, bắt cua, bắt ốc ở ghềnh đá đều tránh ngồi lên mỏm đá, họ cho rằng như thế là phạm thượng, sẽ bị thần thánh quở trách. Chỉ có chú Pushkin là không nghĩ như vậy. Cái ghế đá to lớn kia là chỗ ngồi câu cá lý tưởng của chú. 

Chú Pushkin tận tình chỉ cho thằng Hưng cách câu cá. Đây này, chì cách lưỡi một gang tay. Mực cắt sợi nhỏ, móc vào thế này. Chỗ này nước sâu, cứ thả chìm xuống. Chỗ kia có hốc đá, khéo lại bị dính lưỡi vào. Phải để ý cái đầu cần trúc. Tay đừng nắm chặt quá, lúc cá ăn sẽ có tiếng “tách, tách” trong lòng bàn tay mình, như thế. Đấy. Giật đi. Ha há. Thằng bé nhấc lên một con cá vừa bằng cái bao thuốc lá. Cả hai cười vang đắc ý, chú Pushkin cao hứng hát lớn:

“Kia đại dương bao la, đây ghềnh đá của ta, ghế đá nơi ta ngồi, là ngai vàng của ta, ha ha ha… “

Thằng Hưng vừa giương cao cần trúc, vừa hát theo chú Pushkin. Sóng vỗ nhẹ nhàng vào, như hòa âm theo từng lời vang vang. 

*

Cứ sáng sớm, khi thuyền vừa rời bãi cát và lướt những con sóng đầu tiên, thằng Hưng lại theo chú Pushkin ra ghềnh. Càng ngày nó càng thể hiện sự tiến bộ và năng khiếu câu cá.

“Chú Pushkin ơi! Nếu không có mực thì câu bằng mồi gì ạ?”

Chú Pushkin cười ha hả, gác cần câu vào “ngai vàng”, nhặt một hòn đá nhỏ rồi vẫy tay ra hiệu bảo thằng bé đi theo. Khắp ghềnh đá, có những khe nhỏ. Mỗi lần sóng vỗ, nước tràn vào, ở đó có một loại “ốc mà không phải là ốc”.Chú Pushkin nói thế. Đó là một loại tôm “mượn hồn”, thân nhỏ và yếu ớt nên phải chui vào vỏ của những con ốc đã chết để trú ẩn. Chú Pushkin nhón tay một lúc đã được dăm bảy con, đặt lên một chỗ bằng phẳng rồi dùng hòn đá nhỏ gõ nhẹ, vỏ ốc vỡ ra. Chú nhẹ nhàng lôi con tôm ra móc vào lưỡi câu. 

Thằng bé hồi hộp “thử nghiệm” loại mồi câu mới. Chưa đầy một phút sau, chiếc cần tre đã rung nhè nhẹ. Thằng bé tập trung cao độ. Bỗng dưng, nó hét lớn. Có thứ gì đó kéo chiếc cần chúi xuống, mạnh mẽ chưa từng thấy. Chú Pushkin cũng hồi hộp không kém, chạy đến xem thằng bè ghì cái cần câu, sợi cước căng hết cỡ, di chuyển liên tục quanh mỏm đá rồi đột ngột khựng lại. Chú Pushkin với tay lắc nhẹ chiếc cần tre:

“Nó chui vào hang rồi, cầm chắc cần câu vào, hơi dùi xuống một tý. Thế, thế…”

Nói xong, chú Pushkin cởi áo, nhảy ùm xuống và mất hút dưới làn nước xanh thẳm. Thằng Hưng nín thở chờ đợi. Bóng chú Pushkin từ từ trồi lên, nhô đầu khỏi mặt nước. Chú nhìn thằng Hưng có vẻ bí hiểm, bất chợt, hai tay chú nhấc con cá đen bóng. Thằng Hưng hét lên khoái chí. Đó là con cá to nhất mà nó từng câu được.

“Cá Cồ đấy, con này phải hơn một kí”.

Thằng bé xòe hai bàn tay ra để đo bề ngang con cá. Chú Pushkin bảo, sóng êm thế này mà câu được cá Cồ là hiếm lắm. Đây là loại cá chỉ vào bờ vào những khi sóng to, gió lớn. Chúng nương mình theo những con sóng, vượt lên tận những mỏm đá để săn mồi. Bắt đầu từ tháng mười âm lịch, biển động, thuyền bè xếp lại, những thợ câu sành sỏi trong làng lại vác cần ra ghềnh đá để câu cá Cồ. Dĩ nhiên, chú Pushkin là một trong những thợ câu lão luyện, luôn dẫn đầu về số lượng và săn được những con cá khủng. Thằng Hưng say sưa nghe chú Pushkin kể chuyện câu cá Cồ, mơ màng nghĩ đến cảnh một ngày gần đây, nó cũng sẽ đương đầu với những cơn sóng lớn, giật lên những con cá to đen lùi lũi. Xa xa, những con thuyền nhỏ dần, thành những chấm đen, rồi mất hút giữa bao la. 

Thằng Hưng sẽ vẫn tiếp tục theo chú Pushkin rèn luyện kỹ năng câu cá, nếu không có một ngày... 

*

Buổi sáng hôm đó, chú Pushkin cặm cụi ở các khe đá để bắt những con tôm“mượn hồn”. Thằng Hưng lon ton cắp cần tre đi theo. Cách mỏm đá không xa, có vài chiếc xuồng nhỏ. Đó không phải là thuyền của ngư dân trong làng, có vẻ như đó là người từ nơi khác đến ghềnh đá thả câu. Không gian đang yên ắng. Bỗng từ phía những chiếc xuồng kia vang lên một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Đó là tiếng bộc phá. Thằng bé giật mình làm rơi cả cần câu. 

“Chạy đi, Hưng”.

Chú Pushkin hét lên. Rồi không đợi thằng Hưng kịp phản ứng, chú vừa chạy vừa la hét bằng một thứ âm thanh rùng rợn. Thằng bé hoảng hốt chạy cố đuổi nhưng không kịp. Chỉ chốc lát, bóng chú Pushkin đã khuất sau khóm phi lao, chỉ có tiếng la hét là cứ vọng ra ngoài bãi biển.

Sau lần đó, thằng Hưng bị ông Cường đánh một trận đòn nhừ tử vì cái tội theo chú Pushkin ra ghềnh câu cá. Thằng bé không hẳn không biết tội này, cả đám trẻ con trong làng cũng vậy. Chúng có thể xúm xít, nô đùa quanh chú Pushkin ở chỗ đông người, nhưng bố mẹ chúng luôn miệng cấm đoán gần gũi với người đàn ông mà vài người ác ý gọi là điên điên, khùng khùng này, huống gì là theo chú Pushkin ra ghềnh đá.

Chuyện chú Pushkin la hét khi nghe tiếng bộc phá cũng không có gì lạ. Mỗi khi trời nổi sấm sét, chú vẫn thường “lên cơn” như thế. Người thì kể rằng, đó là do hậu quả của bom đạn thời chiến tranh. Người thì lại kể chú Pushkin đi câu cá ở ghềnh đá lúc trời giông bão, bị sét đánh nhưng may mắn thoát nạn. Người này kể một đằng, người kia kể một nẻo, rồi tam sao thất bản chẳng biết thực hư thế nào. Chỉ biết, dân làng chài lâu nay đã quen với vẻ “tưng tửng” của chú. Có người cảm thông. Có người cảnh giác. Cũng có người lợi dụng sự nhiệt tình vô điều kiện của chú để sai vặt đủ thứ chuyện lớn nhỏ. Chú Pushkin vui vẻ đáp ứng hết, xông xáo cứ như chú là một thành viên không thể thiếu ở cái làng chài này vậy.

Những ngày cuối thu, dân làng chài hồ hởi chờ đợi ngày lễ cầu ngư. Đó là một sự kiện quan trọng hàng năm của làng. Nhà nào cũng chuẩn bị thịt thà, gà qué, hương hoa, lễ lạt đủ cả. Mỗi nhà lại góp một ít tiền để chuẩn bị mâm cỗ chung của làng. Từ chiều, bọn trẻ con đã có mặt sẵn ở bãi biển xem người chuẩn bị cúng bái. Chập tối, dân làng chài tập trung đông như hội, đốt lửa sáng một vùng. Sau khi những ông cụ già nhất làng thực hiện xong các thủ tục, từng người lần lượt vào thắp hương, khấn vái. Người ta cầu xin mưa thuận gió hòa, trời êm bể lặng, tôm cá năm nay sẽ nhiều hơn, đánh bắt trúng hơn. Khi các nghi lễ xong xuôi, đàn ông làng chài ngồi túm tụm giữa bãi cát, cùng uống rượu, hát hò thâu đêm. 

Chú Pushkin tất nhiên không thể vắng mặt ở những dịp như thế này. Chân tay chú thoăn thoắt bê bê, xách xách phục vụ sắp xếp mâm cỗ, miệng huýt sáo, đọc thơ liên hồi. Thoáng thấy thằng Hưng đứng xem người lớn cúng bái, chú ngoắc tay ra hiệu bảo nó đến gần, rồi nói thầm vào tai nó:

“Biển động rồi. Mùa cá Cồ rồi đấy, ha há...”

Thằng Hưng vừa nghe nói đã chộn rộn:

“Chú đã đi câu bữa nào chưa?” Chú Pushkin gật gật:

“Mới sáng nay, bảy con nhé, to như thế này”.

Vừa nói, chú Pushkin vừa xòe bàn tay diễn tả. Thằng Hưng khoái lắm. Nhưng chỉ vài giây sau, mắt nó xịu lại. Nó vẫn còn nhớ trận đòn hơn hai tháng trước. Trong suy nghĩ của một thằng bé mười tuổi chợt dâng lên một nỗi buồn, xen lẫn tức giận. Tại sao? Tại sao người ta lại cấm bọn chúng gần gũi chú Pushkin?

*

Đêm hôm đó, và cả mấy đêm hôm sau nữa, thằng Hưng cứ nằm mơ màng nghĩ đến cảnh đi câu cá Cồ. Trên chiếc ngai vàng của chú Pushkin, nó nhuần nhuyễn điều khiển chiếc cần trúc nương theo những con sóng lớn. Sóng và cá làm nó kích động. Văng vẳng bên tai nó là tiếng chú Pushkin đọc thơ. “Ta nhớ biển trước khi cơn bão đến...”

Ngày ngày, nó cặm cụi lau chùi cần câu, buộc lại dây cước, neo lại viên chì, gút lại cái lưỡi. Một buổi trưa, thoáng nghe bố mẹ nó bảo có công việc phải đi lên huyện đến chiều tối mới về, thằng Hưng hồi hộp toan tính. Đợi vợ chồng ông Cường đi khuất, nó cắp chiếc cần trúc chạy một mạch, hướng về ghềnh đá. 

Trời se lạnh. Sóng tràn lên ghềnh đá. Vất vả lắm thằng Hưng mới bắt được khoảng chục con “ốc mà không phải là ốc”. Nó cẩn thận đập vỏ, lôi những con tôm “mượn hồn” bỏ vào cái túi ni lông. Ngai vàng của chú Pushkin hiện ra trước mắt. Thằng Hưng nhìn quanh không thấy một bóng người. Nó hơi sợ. Nhưng rồi hình ảnh những con cá Cồ cứ hiện ra làm nó cứ xăm xăm bước tới. Đứng trên ngai vàng, nó bắt đầu quăng câu.

Hóa ra, câu cá Cồ không hề dễ như tưởng tượng của thằng Hưng. Sợi dây câu bị những con sóng lớn cuốn phăng hết chỗ này đến chỗ khác. Sóng lớn đập vào ngai vàng tung lên làm thằng Hưng ướt nhẹp. Khi sóng lớn thì phải gắn viên chì to hơn. Lời dặn của chú Pushkin chợt lướt qua dòng suy nghĩ. Nó lập tức lôi trong túi quần mấy viên chì rồi lúi húi chỉnh sửa “vũ khí”. Quả nhiên là có tác dụng. Chiếc cần tre trong tay nó cảm thấy nặng hơn, không bị sóng cuốn phăng đi như trước. Nó lại kiên trì quăng câu. Dưới làn sóng trắng xóa, bỗng nhiên có một lực kéo mãnh liệt níu lấy sợi dây cước. Thằng Hưng hồi hộp giật mạnh. Chiếc cần tre khựng lại trong tích tắc, rồi cong vút.

Con cá to và khỏe ngoài trí tưởng tượng của thằng Hưng. Nó phải dùng hai tay siết chặt cần câu, vừa tránh sóng, vừa chiều theo đường bơi quái đản của con cá. Mãi tập trung cao độ, Thằng Hưng không hề biết rằng, phía ngoài xa, một cơn sóng có biên độ cực lớn đang hình thành và tiến vào mỏm đá…

Cơn sóng lớn cuốn phăng thằng bé xuống biển.

Chiếc cần câu chơi vơi, rồi chìm nghỉm dưới lớp sóng. Hưng thấy khó thở, quay cuồng, ê buốt. Sóng vùi thân thể nó vào vách đá rồi lôi ngược ra xa. Chân tay nó quẫy đạp liên hồi. Giờ thì nó đã hiểu vì sao người ta cấm bọn trẻ câu cá ở ghềnh đá. Khả năng bơi lội tung tăng của chúng trở nên vô dụng trước sóng to và những vách đá lởm chởm, thẳng đứng. Hoảng sợ và vô vọng. Thằng Hưng thấy xung quanh tối tăm, nó chỉ còn cách dùng chút sức lực của một đứa trẻ để cố ngoi lên hít thở. 

Thằng Hưng giật mình. Bỗng từ đâu đó dưới mặt nước, một bàn tay to lớn chộp vào hông nó. Nó hét lên thảm thiết, nước mặn chát tràn vào mũi, vào họng. Chân tay nó vung vẫy loạn xạ. Rồi định thần lại, nó thấy mình không phải bị lôi chìm xuống biển. Bàn tay kia đang cố sức đẩy nó lên, đều đều theo nhịp những ngọn sóng, hướng vào phía bờ đá thấp. Thằng Hưng đón lấy bờ đá vừa tầm, đưa tay níu vào một cạnh nhỏ. Trong lúc nó đang loay hoay thì bàn tay chắc chắn kia đã cố sức đẩy nó trồi lên bờ đá.

Một cơn sóng lớn lại ập vào…

“Về đi, Hưng! Về đi, Hưng!...”

Thằng Hưng bò lổm ngổm, hoảng loạn tránh xa mép đá, rồi bất giác quay lại. Sau lưng nó, dưới những cơn sóng, tiếng chú Pushkin hét lên, rồi chìm nghỉm.

*

Liên tục trong một tuần liền, dân làng chài chia nhau đi dọc bờ biển và ghềnh đá để tìm thi thể chú Pushkin. Biển động dữ dội. Những con thuyền nằm sấp, im lìm trên bãi cát. Ngày qua ngày, việc tìm kiếm cứ thưa dần, họ tin chú Pushkin đã ở lại với biển và không muốn vào bờ nữa. Chỉ có thằng Hưng, cứ rảnh rỗi là lén chạy ra ghềnh đá, vừa sợ sệt, vừa mong nhìn thấy chú. 

Từng mùa lễ cầu ngư đi qua, người ta dần quên đi sự vắng mặt chú Pushkin. Chỉ có vợ chồng ông Cường, năm nào cũng mang thêm hương hoa, rì rầm khấn vái. Cái mỏm đá, ngai vàng của chú Pushkin, vốn dĩ đã được thêu dệt nhiều câu chuyện li kì, giờ lại càng thêm ma mị, linh thiêng.

*

“Ngày nay tôi đã ra biển rồi

Biển nhiều sóng to, gió lớn

Ngày nay tôi đã yêu rồi

Tình yêu nhiều khổ đau, cay đắng

Không gió lớn sóng to, không là biển

Chẳng nhiều cay đắng, chẳng là yêu”.

Một cơn sóng lớn ập vào làm tôi chợt giật mình. Tôi không nhớ đã đứng trên ngai vàng của chú Pushkin bao lâu. Sóng đập vào vách đá, tung bọt trắng xóa lên cao rồi phũ xuống làm tôi ướt đẫm. Trong tiếng gầm gào của sóng, vẫn rõ ràng xen lẫn âm thanh ấy, tha thiết nói với tôi:

“Về đi! Hưng”.

“Về đi!...”

L.P

 

 

LÊ PHONG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 303 tháng 12/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground