Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bến mơ

Từ hồi khuya tụi bán dạo singum, thuốc hút đã xuống phà trước để nằm vật vựa chờ sáng, “hứng lộc mới” của ngày là những chuyến xe chở cá tôm rau cải. Số còn lại xuống trễ thì kể như phải đợi đúng sáu giờ mới có thêm một chiếc phà mới chạy ra.

Sáu giờ, phà vừa cập bến, cửa phà chưa mở thì đám trẻ đã chui lỗ trống (giới bám phà sống gọi là lỗ chó) lên phà trước tiên. Số còn lại phải lần lần mới xuống hết được. Đám ăn xin dưới phà không nhiều, nhưng thường vạch áo nhau coi có nhiêu tiền mỗi lần phà ra giữa sông. Khuôn mặt hai đứa được xem tiền và bị xem tiền đều lộ ra hai vẻ buồn vui không nhất định. Khi thì đứa này, khi thì đứa kia. Tùy vào nhiều hay ít. Riêng Tửng thì “vô tư, vô tư” - câu cửa miệng, cũng là câu lột tả được khuôn mặt của Tửng những lúc đếm tiền.

Tửng là thằng con trai hai mươi hai tuổi mà lúc nào cũng như thằng mười bốn tuổi. Nó bị thiểu năng, không biết nhà ở đâu mà lưu lạc xứ này, hỏi, “nhà mày ở đâu Tửng?” Tửng rằng: “Nhà ta biệt thự Thiên Đình, kế bên con hẻm Nguyễn Bình phường Năm”. Vì câu trả lời đó, mà có lần cả đám đã hùn hạp tiền bạc đưa Tửng về thành phố, tìm ngôi biệt thự Thiên Đình trên con đường Nguyễn Bình phường Năm. Nhưng tìm khắp mấy hôm không gặp, đã vậy khi hỏi đường, người ta còn chửi cho cả bọn, “khùng tập thể”. Đám trẻ lôi Tửng trở về bến phà với nỗi buồn vui cười ra nước mắt.

 

Minh họa: THANH THÁI

 

Một bữa mưa, trời còn tối đen, từ trong bóng tối Tửng dắt tay một con nhỏ (nhìn chắc cũng, “tửng”) đi về phía cầu phà. Tụi nhỏ quấn mềm nằm bên gốc cây đa, ngó nhìn xa lạ. Bọn nó phủi mềm đứng dậy bước ra phía cầu tàu. Tửng vừa đi vừa cười nhè nhẹ. Bước tới, tụi nhỏ chận lại:

- Ê, Tửng, con này là con nào?

- Bạn tao.

- Dắt đi đâu đây?

- Đi chơi chung cho vui.

- Nố nô nồ. Xéo. - Vừa nói, tay thằng Đầu Đàn chỉ về phía con đường lộ dắt vào bến phà.

Tửng móc túi lấy năm mươi ngàn, được xếp ngay ngắn đưa cho Đầu Đàn. Đầu Đàn cầm lấy, đưa tay cân lên cân xuống, hất hàm:

- Nhiêu đây sao đủ?

Tửng cười:

- Vô tư, vô tư.

Thằng Đầu Đàn nóng:

- Biến!

Lúc này Tửng không cười nữa, xuống giọng: “Thôi, cho nó chơi chung đi, tội nghiệp. Tao lụm nó trong bệnh viện”.

Lúc đó, mấy đứa nhỏ ngồi ngoài băng đá chạy vào, thấy tình thế hơi căng. Đầu Đàn nói:

- Ờ, thôi được. Nhưng nó không được đi xin, nó phải bán vé số.

Tửng mừng rỡ: “Ừ, ừ, tao bán luôn nghe, chớ tao đi xin thì… kỳ quá”. Tửng ra dáng mắt cỡ. Đầu Đàn trố mắt nhìn, lấy tay sờ tráng Tửng rồi lăn ra nằm đường ôm bụng cười.

Nhưng bán vé số được mấy ngày thì Đầu Đàn phát hiện, để con nhỏ dưới phà, tụi đàn ông già sồn sồn dê nó hoài, cũng không được. Vậy là Đầu Đàn quyết định, để con nhỏ lên bờ, cạnh miếu Cô Năm - “dinh thự” của cả bọn trú mưa mỗi lúc giông gió. Nhiệm vụ con nhỏ mỗi ngày là mua đồ ăn cho cả bọn, sau đó giặt đồ và phơi đồ. Cả bọn thống nhất và đồng ý trong vui vẻ.

Tửng nói với Đầu Đàn, hay hỏi coi nhà nó ở đâu, đưa nó về? Đầu Đàn suy nghĩ trầm ngâm đúng chất “đầu đàn”. Rồi quyết, “ừ”. Chiều đó, lúc ăn cơm, cả bọn gặng hỏi:

- Nè, nhà mầy, ờ, à, nhà bạn ở đâu để tụi tui đưa về?

Con nhỏ nhìn ghì vào hộp cơm, lùa cơm thật nhanh không nói. Thằng Đầu Đàn hỏi lại:

- Nói coi, nhà ở đâu để đưa về cho?

Lúc này con nhỏ đứng dậy bỏ đi. Đầu Đàn bỏ hộp cơm bước theo, níu vai áo:

- Bộ điếc hả? Hỏi nhà ở đâu, để người ta đưa về?

Con nhỏ quay lại, mặt nó hơi mếu:

- Không có nhà, đừng hỏi nữa…

Lúc đó Đầu Đàn quay lại, mặt vô cảm: “Nó nói nó không có nhà. Trong đám, cấm thằng nào hỏi nữa nghe chưa”. Cả đám chú tâm vào hộp cơm ăn cho giải cơn đói, chỉ có Tửng là ngồi ngó bâng quơ.

Tửng học bán vé số thay cho ăn xin, thằng Đầu Đàn theo sát bên Tửng mấy hôm đầu, vì sợ bị người ta gạt. Nhưng qua kiểm tra, Đầu Đàn thấy rằng, Tửng đã bớt “tửng” nhiều, có thể tự bán vé số được. Lúc đó Đầu Đàn mới yên tâm trở lại với mớ vé số dày cộm của mình.

Mỗi ngày sau khi số đã xổ xong. Tửng chạy về miếu Cô Năm lấy quần áo đi tắm rửa. Từ dạo con nhỏ xuất hiện, cuộc sống cả đám như được xốc lên, có phần thơm tho hơn chút đỉnh. Tửng mỗi ngày mỗi tắm chứ không như trước phải đợi cả bọn lôi xuống bến phà đè ra kỳ cọ. Tửng biết mắc cỡ, nên mỗi lúc về gặp con nhỏ, Tửng hay ra dáng làm duyên e thẹn.

Tửng bán mỗi ngày lời được tám chục ngàn, trừ cho bốn mươi lăm ngàn cơm ba buổi thì còn dư ba mươi lăm ngàn. Cầm tiền đưa cho con nhỏ là lúc Tửng vui nhất trong ngày: “Cái này để dành, mai mốt Tết làm một nồi thịt kho hột vịt thiệt bự, cho cả nhà ăn. Mấy năm nay cả bọn thèm thịt kho Tết chảy nước miếng”. Con nhỏ nhìn Tửng cười, đôi mắt ánh lên biết bao nhiêu là ngọn lửa.

Một bữa sau khi ăn no, Đầu Đàn tự dưng lóe lên suy nghĩ, con nhỏ nói chuyện ngọt, chắc là hát hay. Đầu Đàn nằm gác tay lên tráng, kêu con nhỏ, “có biết hát hông, hát nghe chơi”. Con nhỏ ngồi giặt áo, cười cười, rồi hát thiệt: “Phận là con gái, chưa một lần yêu ai…”. Đầu Đàn khoái chí, ngồi dậy, vỗ đùi: “Ngon, con này hát ngon ghê. Phải mua cho tụi nó một xe kẹo kéo, để vừa hát vừa bán kẹo”.

Con nhỏ dừng tay, lên tiếng:

- Nhưng tụi tui làm gì có tiền làm vốn mà buôn bán.

Đầu Đàn dõng dạc:

- Ừ, tui sẽ cho mượn, à một mình tui thì không đủ, kể như trong anh em, ai có dư thì cho mượn làm vốn, khi nào bán có dư thì trả.

Tửng ngồi im nghe rồi vỗ tay. Tửng kêu con nhỏ lấy hết số tiền mà Tửng gửi ra làm vốn. Nhưng nhiêu đó thì không đủ. Đầu Đàn chạy vô miếu Cô Năm, lôi dưới đít tượng ra xấp tiền, đưa cho con nhỏ, “nhiêu đây nữa chắc đủ”. Con nhỏ nhận tiền, gật đầu:

- Gom hết thì chắc là đủ.

*

Xe kẹo kéo quả thật đem lại nhiều điều mới cho tụi nhỏ. Mấy bữa mưa to, vé số, singum ế, nhưng xe kẹo kéo ít khi nào ế. Đầu Đàn nói:

- Ráng để dành, mướn một cái nhà gọn gọn ở cho có nhà có cửa với người ta. Tết nhứt cũng có chỗ mà ăn Tết.

Tụi nhỏ nghe khoái chí, Tửng cũng khoái, Tửng mong một mái nhà từ lâu lắm rồi. Có nhà, Tửng sẽ không lo nỗi lo nửa đêm mưa thức dậy lấy tấm ni lông trùm. Tụi nhỏ thì mong có cái nhà sẽ ấm cúng hơn, không phải ngủ ngoài sương lạnh. Cái nhà là niềm tin tuyệt đối cho cả bọn “cày”. Bao nhiêu tiền đều đưa cho nhỏ giữ, không lâu sẽ có được một mái nhà!

Bữa Đầu Đàn nghe trên xe hơi phát radio rằng, có cuộc thi tiếng hát nào đó, mà thi đạt giải tới một trăm triệu. Đầu Đàn kêu con nhỏ đi thi đi, con nhỏ hát hay, sẽ trúng giải. Trúng giải ngoài việc có tiền nhiều, con nhỏ còn nổi tiếng và sẽ thành ca sĩ. Con nhỏ mà thành ca sĩ thì cả bọn sẽ thoát cảnh nghèo. Không còn đi bán dạo nữa. Bạn của ca sĩ mà, ai đời đi bán dạo. Con nhỏ nghe xong, mừng ra mặt. Nhưng nó suy nghĩ gì đó hồi lâu, nó lắc đầu: “Thi chi?”

Đêm đó, Đầu Đàn thấy tự dưng đau bụng, Đầu Đàn cố đứng dậy vô miếu thắp nhang vái Cô Năm độ. Vừa bước vô miếu, Đầu Đàn thấy con nhỏ ôm gối ngủ. Bộ đồ ngủ mới, không phải bộ đồ rách rưới như lúc trước nữa. Con nhỏ thở những hơi thở đều đặn, cái áo mỏng phập phồng. Ánh đèn nhỏ ở bàn thờ Cô Năm đủ chiếu ánh sáng mờ mờ chỗ con nhỏ ngủ. Đầu Đàn thấy con nhỏ đẹp làm sao. Lúc đó, Đầu Đàn nghĩ: “Với sức của mình, nó làm gì chống cự nổi”. Ý định đã lóe lên, nhưng khi sắp vén mùng bước vào, Đầu Đàn dừng lại. Lúc đó, Đầu Đàn thấy mình không xứng đáng. Và hơn hết, ý nghĩ, con nhỏ sẽ là ca sĩ, phải để con nhỏ trong trắng, như chính cái chất giọng của nó làm Đầu Đàn dừng đúng lúc. Trong đầu Đầu Đàn hiện ra vô vàn những ánh đèn lấp lánh nơi sân khấu, con nhỏ trong sáng bước lên, giọng hát trong như nước giếng. Đầu Đàn ngồi dưới sân khấu xem mà cảm giác sung sướng biết bao nhiêu. Nghĩ vậy, Đầu Đàn bước ra khỏi miếu, vẫn không quên khép cửa lại để gió đông đừng lùa vào làm con nhỏ lạnh.

Sáng, như thường lệ, Đầu Đàn thức trước, Đầu Đàn kêu cả đám thức dậy. Nhưng hôm nay chưa đến năm giờ mà Đầu Đàn đã gọi cả đám thức, giọng Đầu Đàn vừa kêu gào, vừa khóc. Đám trẻ ngồi dậy nhìn quanh rồi hỏi:

- Sư tỷ đâu đại ca?

Đầu Đàn mếu:

- Nó bỏ đi rồi, nó lấy đồ đạc đi rồi.

Con nhỏ bỏ đi thiệt rồi, xe kẹo kéo để trong miếu biến mất cùng với cái ba lô đồ của con nhỏ. Còn tiền, tiền đâu. Tửng đập tay lên trán:

- Trời ơi, tiền nó để trong ba lô.

Cả đám không nói gì, mà đi theo Đầu Đàn. Tụi nó chạy ra bến xe buýt. Tụi nhỏ hỏi:

- Đi đâu đại ca?

Đầu Đàn trả lời tỉnh như sáo:

- Đi kiếm con nhỏ đó.

Xe buýt chạy hết tuyến này, cả bọn lại lên tuyến khác. Trên xe, cả bọn ngủ gục lên gục xuống. Trên chuyến xe, radio phát bản tin thông báo cuộc thi tiếng hát phát thanh truyền hình đang tổ chức. Đầu Đàn nói với Tửng rằng, Đầu Đàn nghi lắm, nghi con nhỏ cuốn gói đi thi cuộc thi đó:

- Nó thi thì chắc ăn là đậu, là sẽ có tiền, cả trăm triệu chớ ít sao.

Đầu Đàn nói trong bụng rằng, canh me coi nào con nhỏ lên ti vi, coi nó có giải thì chạy đi đòi tiền nó liền. Nhưng trời ơi, liệu lúc gặp con nhỏ, biết có mở miệng đòi được hay không?

L.Q.T

 

LÊ QUANG TRẠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 305

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground