Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cảm nhận La Lay

 T

ừ thị xã Đông Hà, chúng tôi ngược đường Chín lên La Lay vào một ngày đầu hạ. ở Đông Hà nắng rát mặt, khí hậu oi bức thật khó chịu, nhưng khi lên đến Đakrông tiết trời dịu  mát  lại pha chút sương mù thật dễ chịu. Đã nhiều lần lên xuống vùng miền Tây Quảng Trị, nhưng chuyến đi này lại có một ý nghĩa khác trong tôi, nó nằm trong chương trình trại viết về ngành Hải quan Quảng Trị, những người lính bảo vệ cửa ngõ kinh tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Và với một tỉnh có 206 km đ­ường biên giới, tiếp giáp với nước bạn Lào qua hai cửa khẩu: Lao Bảo, La Lay; có quốc lộ Chín nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; có Khu kinh tế thương mạiđặc biệt Lao Bảo thì việc có mặt của những người lính Hải quan nơi phên dậu này lại là hết sức cần thiết.

Thêm một lần nữa được đắm mình vào núi rừng hùng vĩ của miền Tây, được đi trên đường Hồ Chí Minh trong những ngày tháng năm lịch sử. Cầu Đakrông, điểm rẽ từ đường Chín lên cửa khẩu La Lay, điểm hẹn của hai nhánh Trường Sơn Đông và  Đường Trường Sơn Tây  hùng vĩ. Con đường đã đánh thức vùng đồi núi hàng ngàn năm u tịch ở miền Tây Quảng Trị. Đ­ường Hồ Chí Minh vắt mình nh­ư giải lụa trên lư­ng Trường Sơn, đư­ờng đi qua những dòng thác bạc, có lúc lại chui vào những khu rừng rậm toàn những cây cao, rồi nó đột ngột lao thẳng vào vách đá như ­ một mũi tên xuyên  núi. Mây trắng bay lững lờ dọc triền núi như ­ một tấm voan mỏng quàng lên  màu xanh bạt ngàn của rừng núi trông thật thơ mộng. Nh­ư còn nghe vẳng đâu đây bài ca hùng tráng của những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nắng chói vàng rực lưng chừng núi,  rừng đại ngàn xanh thẩm... nh­ững triền đồi cỏ lau trắng xoá, cảnh vật nguyên sơ hoang dã làm sao... trong lòng rưng rưng tình thương cây nhớ cội, hoài niệm ngàn năm trư­ớc tổ tiên mình đã bư­ớc chân đến chốn này

            Chênh vênh bên các sư­ờn núi là các bản làng của ngư­ời Pa Cô, Vân Kiều, những đồng bào dân tộc đã sống trên đỉnh Trư­ờng Sơn. Họ đã góp công góp sức không nhỏ cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Hàng chục, hàng trăm tấn gạo đã qua đôi vai, đôi chân của họ, phục vụ lâu dài cho mặt trận. Bây giờ nhờ có con đư­ờng này họ gần lại với miền xuôi, gần lại với ánh sáng văn minh hơn.

***

La Lay,  một bản nhỏ xinh xắn của người Vân Kiều ở nơi tận cùng của Tổ quốc. Những ngôi nhà sàn lợp tôn thấp thoáng ẩn hiện giữa những nương rẫy xanh tốt sắn, ngô. ở Cục Hải quan Quảng Trị tôi đã được nghe các anh nói rất nhiều về thế trận lòng dân, về sự  phối kết hợp giữa các lực lượng trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và  tội phạm ở vùng biên này và sự  “xã hội hoá” trong công tác phòng chống buôn lậu  đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi của công tác này trên toàn tuyến biên giới. Việc phối hợp chặt chẽ với các cấp uỷ, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động kết hợp với công tác xoá đói giảm nghèo, đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn, xây dựng thôn bản kiểu mẫu cho đồng bào Vân Kiều, Pa Cô dọc theo vùng biên giới để họ cùng  tham gia phòng chống buôn lậu, không tiếp tay bao che cho các đối tượng buôn lậu đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Hỗ trợ, đỡ đầu cho các xã vùng  biên khó khăn là một trong những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Hải quan Quảng Trị trong những năm qua cùng với việc thực hiện tốt công tác chuyên môn đã rất chú ý đến công tác từ thiện này. ở những nơi có các đơn vị hải quan cửa khẩu đóng trụ sở công tác này càng được chú trọng hơn. La Lay có 42 hộ dânchủ yếu là người dân tộc Pa Cô. Năm 2005, nằm trong chương trình thực hiện đỡ đầu các xã vùng biên đặc biệt khó khăn, Hải quan Quảng Trị đã hỗ trợ đầu tư xây dựng  La Lay thành bản kiểu mẫu. Hải quan Quảng Trị  xây dựng cho bản 27 ngôi nhà Đại đoàn kết. Đó là những ngôi nhà sàn lợp tôn, chi phí để xây dựng mỗi căn nhà chừng 30 triệu. Chi cục hải quan La Lay, đơn vị đóng trên địa bàn hỗ trợ xây dựng cho bản trường tiểu học 2 phòng xinh xắn. Hệ thống hạ tầng giao thông ở thôn đã được hải quan hỗ trợ nâng cấp xây dựng. Hầu như không có một cái tết nào của đồng bào dân tộc ở đây mà Chi cục hải quan La Lay không đến chung vui. Niềm vui của đồng bào nơi vùng biên này cũng là niềm vui của các anh. Các ngày1/6 Quốc tế thiếu nhi, ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.... thì trụ sở của Chi cục trở thành điểm sinh hoạt văn hoá của bản.

            Cảm nhận về tình cảm gắn bó giữa những người lính hải quan và người dân nơi đây càng được khẳng định thêm khi tôi gặp  ông Côn Thọ - Trưởng bản La Lay. “Trước đây bản miềng nghèo lắm! Chỉ có nhà tranh vách nứa, từ ngày có cán bộ hải quan đỡ đầu bản miềng mới có được cái nhà ở ấm cúng”. Côn Thọ đã nói rành mạch như thế khi tôi hỏi về tình hình đỡ đầu các xã khó của Hải quan Quảng Trị ở bản này. Côn Thọ còn cho tôi biết thêm về tình hình của bản: Ngư­ời dân ở đây không còn  thiếu đói lúc giáp hạt. Nhận thức của ngư­ời dân đã có nhiều thay đổi, các tập tục tập quán lạc hậu đư­ợc xoá bỏ, an ninh trật tự xóm làng giữ vững, dân không đi gùi cõng hàng cho bọn buôn lậu. Những lúc đi nương, đi rẫy phát hiện hoặc nghi những người có hiện tượng buôn lậu dân bản đều báo cho các anh. ở cửa khẩu La Lay này hàng hoá qua về chủ yếu là hàng nông - lâm sản, nhiều vụ buôn lậu trâu bò qua biên giới  đã được bà con phát hiện và báo cho chi cục. La Lay còn là bản cam kết hộ gia đình thực hiện qui chế kết nghĩa Bản - Bản  hai bên biên giới. Cam kết này nhắc nhở người dân làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ trong xây dựng bản làng giàu đẹp, giữ gìn tình hữu nghị keo sơn hai dân tộc Việt - Lào.        

            Côn Thọ dẫn tôi đi thăm một số gia đình ở trong bản. Nhà tôi đến đầu tiên là của Côn Thoài. Gia đình này cũng  thuộc diện khó khăn, đã mấy chục năm nay sống trong túp lều lợp tranh tre nứa che nắng, che m­ưa và trong nhà không có một vật liệu gì đáng giá. Mơ ­ước về một ngôi nhà vững chãi để che mưa che nắng, yên tâm lao động sản xuất mà ông ấp ủ bấy lâu nay đã thành hiện thực và hạnh phúc ấy đ­ược nhân lên gấp bội khi gia đình ông dọn về ngôi nhà mới khang trang này. Từ ngày có nhà mới, Côn Thoài chí thú làm ăn, trong nhà có cái ăn cái để. Hay như gia đình ông Hồ Văn Reo cũng vậy. Ông  Reo tâm sự: “Từ ngày ở cái nhà Hải quan cho, cái rét của rừng hắn không vô nhà miềng được, miềng ấm cái bụng lắm”.

            Nhìn những ngôi nhà sàn lợp tôn xanh công vút của một bản đầm ấm và niềm vui ánh lên trong mắt của những người dân bản La Lay khi nói về những người lính hải quan tôi như phần nào hiểu được tình cảm thắm thiết của những người lính hải quan với những người dân ở bản.

            Không riêng gì La Lay mà ở huyện Đakrông này, từ năm 2003, thay mặt Tổng cục Hải quan, Cục hải quan Quảng Trị đã thực hiện đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình cho các xã đặc biệt khó khăn. Có thể kể một vài công trình do Hải quan đầu tư như: Xây dựng hệ thống thuỷ lợi Parua 194 triệu đồng; xây dựng đường dây điện Làng Cát 154 triệu; hệ thống thuỷ lợi thôn Voi - Tà Long 680 triệu; hệ thống đập dâng Khe Hiền 998 triệu; hệ thống thuỷ lợi Đa Bung 177 triệu; hỗ trợ xây dựng trung tâm giáo dục thường xuyên của huỵên; trường mầm non Hóc Lan.....

Việc chọn xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc ở bản La Lay cũng như các xã khó khăn dọc vùng biên này nằm trong cuộc vận động “Mái ấm cho ngư­ời nghèo nơi biên giới hải đảo” mà trung ­ương phát động. Đối với Hải quan Quảng Trị ngoài ý nghĩa làm công tác từ thiện, xoá đói giảm nghèo, cải thiện môi trường sống, việc làm này còn góp phần hạn chế tình trạng người dân gùi cõng hàng cho bọn buôn lậu và cũng là một hình thức để ngư­ời dân tham gia bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Làm tốt công tác này còn có ý nghĩa  tri ân với đồng bào dân tộc, những người không quản khó khăn hy sinh để bảo vệ phên dậu của Tổ quốc, bảo vệ an ninh biên giới .

***

Chúng tôi đến cửa khẩu La Lay đã xế trưa.

La Lay là cửa khẩu quốc gia. Cái tên cửa khẩu quốc gia bắt đầu hình thành từ năm 1999, như­ng trư­ớc đó nhiều năm rồi, lâu lắm rồi, cửa khẩu La Lay luôn là cửa khẩu quan trọng của Quảng Trị. Vì thế dù quốc lộ 14 (Đư­ờng Hồ Chí Minh) đ­ược rải nhựa từ 2004 thì hàng chục năm nay cửa khẩu La Lay qua nư­ớc bạn Lào đã trở thành quen thuộc với cánh lái xe chở gỗ và những mặt hàng lâm sản của nhiều công ty lớn ở Quảng Trị và cả nước cũng như­ những người buôn bán hàng tiểu ngạch. Nhiều vụ buôn lậu gỗ hoặc buôn bán động vật mà người dân địa phương thường gọi là những vụ “Trâu bay” qua biên giới phần lớn đều nằm ở cửa khẩu La Lay này. Nói vậy để thấy rằng cửa khẩu La Lay đã trở thành tuyến cửa khẩu thông thư­ơng nhiều năm qua của Quảng Trị. Quảng Trị luôn coi đây là một cửa khẩu quan trọng qua nư­ớc bạn Lào mà trực tiếp là tỉnh Salavan. 

            Nói là quan trọng như thế nhưng hôm chúng tôi đến, chứng kiến Trạm Liên hợp cửa khẩu quốc gia La Lay chỉ là một ngôi nhà xây cấp bốn, bốn bề lộng gió và nắng, một bãi đậu xe về mùa m­ưa thì sình lầy mà dấu tích của nó còn để lại là những sống đất gồ ghề lên xuống. Chủ một quầy tạp hoá duy nhất ở cửa khẩu này cho biết: Mấy anh chị  lên mùa này còn đỡ, mùa mưa sình lầy từ chỗ tôi qua trạm (khoảng 30m) không thể đi đ­ược. Và con đường từ cột mốc biên giới đi qua Lào mùa nắng bụi mù còn mùa mưa thì lầy lội là cả một vấn đề khó khăn cho những chuyến hàng qua về  biên giới.

            Có thể hình dung sự  thông thư­ơng trên hành lang kinh tế Đông Tây để thấy đư­ợc tiềm năng và lợi thế của cửa khẩu La Lay: Từ cửa khẩu Lao Bảo đi đến Savannakhet qua Thái Lan con đường ngắn nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Còn từ cửa khẩu La Lay đến thị xã Salavan khoảng hơn 150 km và đi quãng đư­ờng hơn 100 km nữa là đến thành phố Pake - tỉnh Champasak là một thành phố lớn thứ hai sau Viên Chăn, nh­ưng do đư­ờng giao thông không thuận lợi, phía bạn Lào phải đi vòng qua cửa khẩu Lao Bảo mất hơn 600 km nữa mới tới đến được thị xã Salavan. Điều này đã gây cản trở và gây thiệt hại rất  lớn về phát triển về kinh tế giữa hai tỉnh. Cùng với vị trí thuận lợi này so với các cửa khẩu khác qua nước bạn Lào, cửa khẩu La Lay chỉ đứng sau cửa khẩu Lao Bảo và cửa khẩu Bờ Y. Đây là con đường ngắn nhất so với các cặp cửa khẩu dọc miền Trung qua bạn, một thuận lợi rất lớn trong việc đầu t­ư phát triển kinh tế và thương mại, du lịch giữa hai nư­ớc và xa hơn nữa là các nước trong khu vực Đông Nam á .

             Từ khi nâng cấp lên cửa khẩu quốc gia đến nay hơn 10 năm, con đường tỉnh lộ 558 từ Tà  Rụt đến cửa khẩu La Lay hầu như­ không được nâng cấp sửa chữa đang ngày càng xuống cấp và bên phía bạn Lào cũng là những con đ­ường đất không đổ nhựa, về mùa mư­a không thể đi lạị được. Đã có cuộc họp Ban biên giới giữa hai tỉnh Quảng Trị - Salavan nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng để thúc đẩy giao l­ưu phát triển giữa hai nư­ớc và một con số về kinh phí đầu t­ư cho cửa khẩu này là 69 tỷ đồng đã đư­ợc thống nhất ở bàn hội nghị.   

            Nhà ở của cán bộ hải quan  Chi cục La Lay xây bờ lô mái tôn thấp lè tè. Khi chúng tôi đến, anh em ở đây phải cho nư­ớc chảy trên mái tôn để làm dịu bớt nắng nóng ở bên ngoài ùa vào. Lại nói thêm về nư­ớc, dù đã đ­ược cung cấp đường ống mấy cây số dẫn n­ước tự chảy từ trên đỉnh núi về xây các bể chứa, bể lọc, như­ng ở vùng núi cao suối sâu này trư­ớc đây những năm tháng chiến tranh ác liệt là nơi bị rải những loại chất độc chết ngư­ời. Liệu có còn những gì còn sót lại nơi đây mà những ng­ười lính canh giữ đ­ường biên này còn phải phải hứng chụi, mà thực tế ở đây các anh vẫn được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt đó thôi. Khổ nhất là những lúc trời mưa gió tắc đường ống, lại lần mò đi tìm sửa mới có nguồn nước để dùng. Không thông tin liên lạc đ­ược bằng đ­ường điện thoại vì không có đư­ờng dây, sóng thông tin liên lạc chập chờn, không có internet - một công cụ không thể thiếu trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. La Lay chưa có một công trình nào để làm nên danh phận của một cửa khẩu quốc gia. Vóc dáng của một cửa khẩu quốc gia có vẻ như­ còn lâu mới có được.

             Biên chế Chi cục hải quan La Lay có 12 người. Công việc chủ yếu đăng ký tờ khai quản lý người qua về, quản lý phương tiện hàng hoá xuất nhập khẩu qua về biên giới. Mặc dù vậy người lính Hải quan nơi đây không được một phút lơ là mất cảnh giác, hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm diễn ra trên địa bàn. Địa bàn ở đây lại hết sức hiểm trở, núi rừng thiên la địa võng mà các anh vẫn thường xuyên bám sát địa bàn, tích cực kiểm tra giám sát, quản lý đối tượng và từng loại hàng hoá qua về cửa khẩu. Biết bao hiểm nguy, gian khó và biết bao sự hy sinh thầm lặng của các anh đã đổ xuống để giữ cho biên giơí này được bình yên. Trong những con người bất chấp hiểm nguy ở Chi cục La lay này phải kể đến Lê Văn Thược. Anh là một con người nổi tiếng về sự dũng cảm gan dạ và giàu kinh nghiệm trong ngành Hải quan về việc truy đuổi bọn buôn lậu. Chỉ cần nhắc đến tên anh là dân buôn lậu vùng biên khiếp vía. Là người công tác lâu năm nhất trong ngành Hải quan, nhưng anh vẫn tình nguyện ở lại vùng thâm sơn cùng cốc này, có lẽ mọi người tin anh, cần anh. Gian khổ khó khăn là vậy nhưng khi chúng tôi muốn viết một chút gì đó về thành tích của các anh, thì anh Lê Minh Thành, Chi cục trưởng rất kịêm lời, anh chỉ cung cấp cho tôi những con số về lư­ợng khách xuất nhập cảnh và thu thuế qua của khẩu La Lay nhích dần trong mấy năm gần đây: năm 2006 thu 4,53 tỷ đồng, 2007 là 11,9 tỷ, 2008 đã là con số 27,7 tỷ... Có lẽ đó là những con số biết nói để trả lời cho các câu hỏi của tôi.

Buổi trưa, mây trắng bay lãng đãng qua dọc triền núi. Trên điểm cao hơn 500 mét so với mặt biển này tôi đã đến cột mốc biên cư­ơng R16, cảm giác sống mũi thấy cay cay khi bàn tay chạm vào cột mốc bằng đá xám tự nhiên xù xì khô ráp, cảm giác như­ sờ vào thời gian vời vợi trăm năm. Giang sơn tổ quốc thiêng liêng, mênh mông và đẹp vô ngần. Bất chợt tôi nghĩ đến lòng dân miền Tây, những người  Pa Cô ở bản La Lay, những người lính Hải quan, và cả  biết bao con ngư­ời ở đây đang thầm lặng dốc sức làm hết mình để xây dựng và bảo vệ vững chắc cho miền biên viễn xa xôi của Tổ quốc.

             Đoạn kết:

            Mỗi người đang mang một tâm trạng khác nhau khi sắp chia tay với những người lính hải quan La Lay. Đúng lúc, Đài phát thanh truyền hình Quảng Trị phát lại vụ án xét xử A Bun vận chuyển ma tuý cho bọn buôn lậu qua biên giới. Nhìn gương mặt ngơ ngác của bị cáo trước toà khi bị tuyên lĩnh mức án 7 năm tù không ai khỏi chạnh lòng. Phiên toà đã kết thúc, bảy năm đi tù A Bun để lại đằng sau là cả một gia đình nheo nhóc, tan nát thì mới hiểu hết giá trị của những việc làm và việc xây dựng thế trận lòng dân của Hải quan Quảng Trị trong công tác phòng chống buôn lậu, không tiếp tay cho bọn tội phạm. Việc làm quả lớn lao và mang lại sự bình yên an sinh cho xã hội.

  Từ La Lay, bên cột mốc R16, tôi nghĩ biên giới luôn luôn tr­ường tồn trong tim của những người con đất Việt. Nơi ấy cùng với lực lượng biên phòng, những người lính Hải quan đã làm hết sức mình để cho những áng mây trắng như­ hôm nay cứ mãi mãi bình thản bay qua đỉnh Trư­ờng Sơn hùng vĩ. Hồn vía nhập vào La Lay, tôi như­ đắm chìm trong yêu thư­ơng của nắng, của gió, của  cây và cả con người La Lay...

      T. L

 

 

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 178 tháng 07/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

16 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

17 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground