Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày 11 tháng 11 năm ấy

Quốc lộ 1 đi từ Bắc vô, qua hết Lệ Thuỷ là vào đất Vĩnh Linh. Từ đó chạy ô tô chừng hơn chục cây số nữa là đến chân cầu Hiền Lương. Đó, Vĩnh Linh có chừng đó đường đất. Bên tay trái là các xã đất cát, đất đỏ Ba zan, thứ chất đất làm miền quê phía bên này trù phú cây trái, chạy ra sát biển. Còn bên tay phải Quốc lộ 1 là các xã đất đồng và đồi, chạy dài lên các xã miền núi cho tới sát biên giới Việt Lào. Vĩnh Linh giới hạn ở phía Nam là con sông Bến Hải, phía Tây là dãy Trường Sơn, phía Đông là biển. Một vùng đất có diện tích vẻn vẹn có 620 cây số vuông. Từ biển lên biên giới trên dưới n¨m chục cây số. Con đường sắt Thống nhất đi qua Vĩnh Linh, chỉ qua bốn xã từ bắc vô là: Vĩnh Chấp - Vĩnh Thuỷ - Vĩnh Lâm - Vĩnh Sơn. Đã có một thời ba chú bé thiếu niên người Vĩnh Thuỷ được cả nước biết đến nhờ hành động dũng cảm chạy dọc đường tàu để báo hiệu cho một chuyến tàu khỏi bị nguy hiểm khi các em phát hiện ra đường ray bị hỏng.
Vĩnh Thuỷ là một xã vùng bán sơn địa: đất đồng, đồi và rừng. Cánh đồng Lâm -Sơn- Thuỷ rộng lớn là vựa cơm của ba xã Vĩnh Lâm (phía Đông cánh đồng), Vĩnh Sơn (phía Nam) và Vĩnh Thuỷ (phía Bắc và phía Tây). Đất Vĩnh Thuỷ bắt đầu từ bến đò Phúc Lâm, chạy dọc theo con sông Sa Lung chừng n¨m cây số là các thôn Lại Xá, Lại Đức, Xóm Thọ, Bến Tranh, sau lên thôn Linh Hải - một thôn ở điểm phía tây bắc của xã. Từ Lại Đức rẽ theo hướng nam, đi qua con đồi có tên là Bảy Tư, là các thôn Thuỷ Ba Đông (còn gọi là xóm Đông), Xóm Ga, Thuỷ Ba Tây, Xóm Cồn, Thuỷ Ba Hạ, cũng chừng năm cây số. Từ các thôn nói trên ®ất Vĩnh Thuỷ kéo dài về hướng tây là đất đồi, phủ đầy bây giờ là rừng cao su và các cây lấy gỗ. Trước đây nổi tiếng với cái tên chiến khu Thuỷ Ba, với câu chuyện truyền miệng về bắt cọp lừng danh một thời.
Điểm cao nhất của vùng đất này là đồi Bảy Tư, có độ cao so với mặt nước biển là 74 mét. Trong lúc đó vùng đất đỏ Bazan, có độ cao là 90 mét. Vì thế đứng trên đỉnh 74 không thể nhìn thấy biển. Nhưng đứng ở đỉnh 74 có thể nhìn thấy Cồn Tiên, Dốc Miếu ở bên kia bờ sông Bến Hải, và dãy cây cối tre dừa um tùm dọc con sông này.
Vĩnh Thuỷ cũng như các xã khác trên đất Vĩnh Linh đã nếm trải cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ từ ngày 17 tháng 2 năm 1965. Cuối 1965, máy bay Mỹ không chỉ bắn phá về ban ngày mà bắt đầu bắn phá vào cả ban đêm. Đầu và giữa năm 1966, chiến tranh bắt đầu ác liệt. Người dân Vĩnh Linh đã dỡ nhà để xây hầm chữ A kiên cố dưới lòng đất. Mọi sinh hoạt ăn, ở của người dân, học hành của học trò đều đưa dần xuống dưới mặt đất, để tồn tại. Thị trấn Hồ Xá lúc đó hầu như ngày nào cũng có bom. Đảo Cồn Cỏ, một hòn đảo gần 4 cây số vuông, nằm giữa biển khơi, chịu sóng chịu gió, chịu bom đạn hết sức ác liệt. Hễ máy bay đánh phá trong đất liền trªn kh¾p miÒn B¾c, vì nhiều lý do nào đó còn bom đạn chưa kịp trút hết là chúng bay qua Cồn Cỏ ghé vào trút nốt. Vĩnh Linh có cái tên đất lửa từ đó. Lửa đã cháy, đạn bom đã cày xới mảnh đất này không chỉ ngày một ngày hai mà là t¸m năm trời, suốt ngày suốt đêm chịu đạn pháo, chịu các loại bom, chịu cả chất độc màu da cam.
Bom có “bom bổ nhào”: tức là máy bay đến vần về trên mục tiêu, bổ nhào xuống và dội bom. Bom “toạ độ” là loại bom được máy bay bay ở tầm cao hàng ngàn mét, xác định toạ độ của mục tiêu ở dưới đất rồi thả xuống. Máy bay Mỹ bay thành tốp có khi hai hay ba chiếc. Chỉ nghe ù ù của tiếng máy bay trên tầng không, và nghe tiếng bom rơi rít. Nếu nghe được thế, thì có nghĩa là bom rơi một nơi nào đó, không phải xuống đầu mình. Còn nếu chỗ mình đứng là toạ độ đánh bom, thì không nghe gì trước đó cả. Đã nghe nổ, thì bom đã nổ bên mình, xung quanh sát mình rồi. Nguy hiểm của loại hình thả bom này là ở chỗ đó. Không lường trước được, và vì thế khó mà tránh kịp.
Bom rải thảm do pháo đài bay B-52 rải xuống. Một cái thảm được trải xuống đất thường là do một tốp hai hay ba chiếc B-52 gây tội ác. Tuỳ theo diện rộng hẹp của mục tiêu mà Mỹ rải 2, 3 hay nhiều hơn số thảm. Hôm nào trời trong không mây, khi bom từ bụng máy bay rơi xuống, đứng dưới đất nhìn lên có thể thấy một dàn lấp loáng các hạt nhỏ li ti sa xuống và lớn dần lên khi hạ thấp độ cao. Và bùng bục nổ kế nhau liên tục, không có khoảng cách giữa các tiếng nổ. Bầu trời trên vùng đất được chiếc thảm thần chết ấy trải ra là đen như đêm tối, vì khói của bom che lấp mất ánh sáng mặt trời, kể cả vào lúc giữa trưa trời quang mây tạnh. Ngồi dưới hầm ta có cảm giác như ngồi trong một chiếc xuồng hẹp nhỏ, nổi trên biển. Tai ù không có gì ngoài ùng ục. Ngực như bị nén lại. Khi cuộc ném bom kết thúc, chui ra khỏi hầm thì một quang cảnh làm ta bàng hoàng: hố bom kề hố bom, mà hố nào cũng to, sâu. Đất tung lên trời khi rơi xuống cũng tạo ra những hố đủ cho một người chui nấp ở dưới nó! Cây cối không còn gì sót lại. Lá bay xao xác trong không trung. Khói thuốc bom khét lẹt. Năm 1967, B52 đã rải thảm xuống Vĩnh Thủy.
Bom thả ban ngày, ban đêm, lúc chập choạng tối, vào giờ ăn cơm, bất cứ lúc nào. Ban đêm nếu là máy bay bổ nhào thì trước đó, máy bay thả pháo sáng ra. Nghe “bụp” một cái trên trời, biết ngay là pháo sáng đã phóng ra. Pháo sáng được một chiếc dù nhỏ nâng đỡ, lơ lững treo trên không trung của mục tiêu. Thông thường mỗi máy bay thả chừng hai cái pháo sáng. Pháo cháy sáng loá, soi rõ cả từng ngọn cỏ, lá cây trên mặt đất. Có thể nhìn rõ cả con kiến bò trên gân lá cây.
Bom thì có đủ loại. Theo trọng lượng, người Vĩnh Linh phân biệt nôm na là bom tạ, bom tấn. Về loại bom Mỹ thả ở Việt Nam thì có nhiều như: bom bi, bom sáng, bom chỉ thị mục tiêu, bom chống hầm, bom nổ chậm, bom sát thương, bom phá...Trong hơn t¸m năm đánh phá, Mỹ đã ném xuống miền Bắc Việt Nam hơn 9 triệu tấn bom (gấp hơn 1,5 lần số bom Mỹ ném xuống Triều Tiên, gấp 5,7 lần số bom Mỹ ném xuống Nhật Bản trong thế chiến thứ hai. Trung bình là 6 tấn bom/km2 và 45,5 kg/đầu người). Ở Vĩnh Linh, không biết có ai thống kê các con số tương tự hay không. Nhưng khi chiến tranh qua rồi, người ta thử tìm một mảnh vỡ của một viên gạch nung từ đất sét, cũng không tìm thấy. Gạch đã vỡ vụn vì bom, đạn cày đi cày lại không biết bao lần!.
Một quả bom sát thương sau khi nổ, nó để lại một cái hố không sâu, không to. Một cái hố khét lẹt mùi thuốc bom đã cháy, ám khói lẫn cả vào đất. Chung quanh cây cối hoặc cháy sém, hoặc bị xé nát tả tơi. Xa hơn một chút là cái cảnh cây tạt rạp ra tứ phía. Những cây xa hơn thì găm chi chít các mảnh to nhỏ, răng cưa có, nhọn sắc có. Cành, gốc bị băm bị chặt, ứa nhựa.
Những quả bom tấn thường được thả từ những máy bay ném bom hạng nặng ném theo toạ độ, hoặc rải thảm. Chúng để lại những cái hố vừa to vừa sâu. Có nơi nước ngầm trào ra nước xanh ng¾t. Trẻ con chăn trâu, có thể bơi lặn trong đó như một cái hồ bơi!
Bom khoan, hay bom chống ngầm thì không để lại hố to. Ở những bãi cỏ bò, có bộ rễ rộng, bom khoan không để lại gì trên mặt đất. Đi qua chỗ có bom nhiều khi bị thọt thỏm xuống hố, mất tích, mà người trên mặt đất không biết đâu mà tìm!
Bom napalm - là loại bom sát thương tệ hại nhất. Napalm là tên lấy theo các chữ đầu của muối nhôm Naphthelic và axit Palmitic. Đấy là  loại chất lỏng bắt cháy được sử dụng trong chiến tranh. Thực ra, napalm là chất làm đặc trong các loại chất lỏng này, loại chất mà khi trộn với xăng sẽ thu được một dạng keo cháy. Chúng được cho thêm vào chất dễ bắt cháy để làm cho nó thành dạng keo. Napalm được sử dụng  là loại napalm-B, có thành phần chính là benzen và polysterene. Napalm được trộn với xăng theo các tỷ lệ nhất định để đạt được độ bắt dính. Khi được dùng trong bom, napalm nhanh chóng hút hết ôxy không khí, đồng thời tạo ra một lượng lớn chất CO gây ngạt thở. Bom Napalm sử dụng ở Việt nam còn trộn thêm photpho trắng để làm nó cháy tốt hơn, cháy ngay cả ở dưới nước. Và chỉ một giọt là đủ, nó sẽ làm bỏng vào tận xương và gây tử vong bëi nhiễm độc phốt pho.
Bom bi là thứ bom bé nhỏ nhất về kích thước, nhưng khả năng sát thương của nó lại rộng lớn và đi vào từng ngõ ngách dưới đất nơi nó rơi xuống. Khi máy bay bổ nhào, bom bi được thả xuống dưới dạng một quả bom lớn, gọi là bom bi mẹ- trông nó giống như một cái thuyền độc mộc ngắn của người da đỏ. Khi rơi đến một khoảng cách nhất định nào đó gần mặt đất, bom mẹ tách ra làm hai mảnh, rơi chồng chềnh xuống trong không trung. Còn các quả bom bi con ở trong bụng nó thì là hằng hà sa số được bung ra. Một quả bom bi chỉ to bằng cái ca uống nước nhỏ, đằng sau là một chùm gồm các cánh thép không rỉ trắng loáng. Các cánh xoay đồng tâm với hướng rơi của bom, giúp định hướng cho quả bom rơi đúng đầu nổ xuống đất. Vì một lý do nào đó, như rơi vướng vào cành tre, bom bi không chạm hạt nổ, nên không nổ. Nó treo lơ lững như thế trên cành tre. Rồi bçng nhiên một lúc nào đó, tình cờ sau đó vài ba ngày, chỉ một cơn gió, nó bị hất rơi xuống đất, và chạm nổ. Tai hại là không ai lường được. Khi hàng loạt các quả bom tung xuống, tiếng nổ của nó không to, nhưng hàng ngàn quả nổ đồng loạt, nghe cũng nổi gai ốc. Khi lượng thuốc nổ bên trong lớp vỏ của bom bi cháy, phát nổ, vỏ bom sẽ vỡ ra, giải phóng các hạt bi tròn vốn đã nằm san sát trong cái lớp vỏ trơn tru và sơn màu bắt mắt của nó, ra bốn phía với tốc độ đủ để đâm lọt vào cột nhà bằng gỗ gụ. Con người bị bi găm vào, cái chỗ bị găm là một lỗ nhỏ tím đen. Sờ vào đó viên bi đã chạy chỗ khác rồi. Nguy hiểm của bom bi còn là ở chỗ đó nữa.
Khi chiến tranh kết thúc, sau cơn mưa, nếu đứng trên đồi Bảy Tư nhìn xuống ra hai bên chung quanh, có thể thấy những vòng tròn màu đục trắng to nhỏ khác nhau nằm kề nhau san sát. Đó là những hố bom đầy nước. Hố sát hố, không thể đếm xuể. Có những hố không phải hình tròn mà là số tám, hình hoa ba cánh, hoặc dị dạng, thì đó là không phải là hố bom đơn mà là hai, ba, hoặc nhiều hơn các quả bom đã rơi đè lên nhau nhưng không chồng khít. Ngày nay, hố bom đã được lấp để lấy đất trồng lúa, trồng cây. Nơi nào đất hoang thì chúng vẫn còn nằm đó, như những chứng tích của vũ khí mà người Mỹ mang từ bên kia dại dương, vượt nửa vòng Trái đất để rải ra phung phí tiền của như thế. Quả là nước Mỹ giàu có thật.
Pháo bắn vào đất Vĩnh Linh, theo cung cách bắn, có thể kể có: “pháo cầm canh”, và “pháo cấp tập”.
Pháo cầm canh bắn từ trong Nam ra, chủ yếu là hai căn cứ: Cồn Tiên và Dốc Miếu. Bọn ngụy, Mỹ cứ thế, lâu lâu chúng nó lại bắn một quả, hai quả ra nơi này nơi kia của đất Vĩnh Linh trong suốt cả ngày lẫn đêm. Đứng trên đất Vĩnh Linh, mà nghe “ùng” ở phía bờ Nam Bến Hải, là biết một quả pháo đã ra khỏi nòng. Nếu nghe tiếng rít của quả đạn trong không khí, thì biết là pháo không nhằm hướng mình. Tiếng rít nghe cao trên đầu, thì nghĩa là nó đi vượt qua mình, rơi vào nơi nào đó xa hơn. Nghe tiếng rít nhanh thì quả pháo chưa đến mình. Còn không nghe tiếng gì ngay sau cái “ùng” đó thì lo mà nhảy ngay xuống hầm an toàn! Hôm nào không gian ì ầm to nhỏ bom đạn nổ thì phải thật tinh tường mới phân biệt được tiếng nổ đầu nòng và tiếng rít của quả đạn. Nhưng ở trên đất Vĩnh Linh trong thời gian “lửa” đó, thì lúc nào cũng ầm ầm cả. Kinh nghiệm và bản năng giúp con người nhận ra chung quanh mình tiếng rít dù là rất nhỏ của thần chết, của kẻ thù, để tránh.
Pháo “cấp tập” còn gọi là “pháo bầy”. Pháo bắn từ bên kia giới tuyến sang, từ các hạm đội hải quân từ ngoài biển vào. Đúng như tên gọi của nó, pháo được bắn ra cùng một lúc có thể là vài chục khẩu, hàng trăm quả pháo đồng loạt, đổ vào một hướng, một mục tiêu. Tưởng tượng xem sẽ thế nào khi tiếng rít của hàng chục quả đạn pháo cùng một lúc, và sau đó là tiếng nổ! Nếu ở trong vùng mục tiêu thì chát chúa, ù tai, rung chuyển. Đằng sau nó là tiếng rít của mảnh pháo chém vào không trung, chém vào vật cản. Lại có thêm những tiếng rống của những con vật bị trọng thương như bò, trâu, chó mèo, ...ở bên ngoài, khi bị mảnh pháo chém phải.
Về loại hình và quy mô pháo kích thì tuỳ loại, thường pháo bầy là loại pháo to, cỡ ít nhất từ 105 li trở lên. Pháo càng to, tiếng gầm thét và tiếng rít trong không khí càng dã man. Về hình thức sát thương và phá hoại thì cũng gần tương tự như bom. Sợ nhất là loại pháo chờm. Nó nổ trên trời, cách mặt đất chừng năm đến chục mét. Mảnh nó chờm xuống như hình cái nơm. Các giao thông hào mở là không chống được sát thương của loại pháo này. Người Vĩnh Linh không biết sợ, nhưng biết ghét. Ghét nhất là pháo chờm và pháo cầm canh. Bọn Mỹ nguỵ lại hay dùng pháo chờm bắn cầm canh, để gây cản trở cuộc sống sản xuất, và chiến đấu của người dân Vĩnh Linh. Nhưng như người ta nói: vỏ quýt dày, có móng tay nhọn. Người Vĩnh Linh phải tồn tại, và đã tồn tại. Trí thông minh, bản năng đã giúp cho người Vĩnh Linh tìm ra cách để tồn tại, phát triển và chiến thắng.
Khi tôi đang còn ở quê. Người Vĩnh Thuỷ cũng như bao xã khác trên đất Vĩnh Linh phải chịu đựng những cái mà tôi nói đến ở trên. Chịu đựng chúng tất cả, khi thì đan xen, khi thưa, khi dày, nhưng cứ suốt ngày suốt đêm như thế. Người Vĩnh Linh đã đào địa đạo, đã đưa cuộc sống xuống dưới mặt đất, nơi sâu nơi nông có khác nhau tuỳ theo từng địa thế. Nhưng phải nói Vĩnh Thuỷ là một trong những nơi chịu đầu sóng ngọn gió nhất ở Vĩnh Linh. Tôi sinh ra và lớn lên ở đất Vĩnh Thuỷ. Cái lúc chiến tranh phá hoại của Mỹ ra Vĩnh Linh, tôi đang học lớp năm trường xã, mới có 13 tuổi. Năm 1965, 1966, 1967 là ba năm tuổi thơ của tôi, tôi đã chứng kiến hết tất cả những gì tôi nhớ và kể lại ở trên. Cuối năm 1967 tôi phải đi sơ tán để tiếp tục học ở một tØnh bạn, ít ác liệt hơn. Nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in các loại máy bay gầm rú, xé nát bầu trời quê tôi. Kết hợp với những hiểu biết bây giờ tôi có thể mô tả những loại máy bay đó.
Trước hết đó là các máy bay phản lực, ném bom có, bắn phá bằng rốc két có, như F-4, F-101, F-105, F-111, A-4. Đó là máy bay cánh quạt ném bom: AD-6, máy bay trực thăng: UH-1; máy bay trinh thám: L-19...
Loại phổ biến nhất, thấy hàng ngày nhất lúc bấy giờ là F-4.  F-4 Phantom II có tên lóng là Con ma – một loại máy bay tiêm kích – ném bom tầm xa siêu âm, hai người lái, hoạt động trong mọi thời tiết. Phantom II đã được dùng trong quân đội Hoa Kỳ từ 1960 đến 1996, và là máy bay tiêm kích ưu thế trên không chủ yếu cũng như là máy bay chiến đấu ném bom chính của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến trong chiến tranh Việt Nam. Giá một chiếc F-4 là  2,4 triệu Đô-la Mỹ (F-4E).
F-4 mang được trên 8.480 kg vũ khí gồm: tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, các loại bom có và không điều khiển, bom hạt nhân. Kinh nghiệm không chiến tại Bắc Việt Nam dẫn đến việc sử dụng Phantom II trong cả Hải quân và Không quân Hoa Kỳ như là máy bay tiêm kích ưu thế trên không chủ yếu. Cánh to và động cơ mạnh mẽ cho nó tính năng cạnh tranh chống lại những chiếc MIG nhỏ hơn, đồng thời sĩ quan hệ thống vũ khí (WSO - weapons systems officer/ phi công 2) giúp phát hiện máy bay đối phương trong tầm nhìn hay bằng radar.
Bay với tốc độ tối đa là 2.655km/h, tầm bay 5.190km, trần bay 17.270m. Ngày nào trên bầu trời Vĩnh Linh cũng có mặt bọn “con ma” này. Nó tới là v©n vª một hai vòng quanh mục tiêu. Nó rồ máy chúc đầu xuống ném bom rồi lao vút lên như gió. Phải nói trong con mắt của tôi bấy giờ nó có thân hình đẹp, cánh to, gọn. Nếu nó làm cái việc gì đó có ích thì chúng đáng yêu thật. Tiếng gầm động cơ của nó rất hùng dũng. Khi nó bay cao, tiếng loảng xoảng và có hồi âm vọng ở đằng sau đuôi rất đặc trưng. Nó bay ban đêm, không nhìn thấy nó tôi cũng biết đó là “con ma”.
Loại máy bay thứ hai đó là F 101. Loại này ít xuất hiện. Tôi thấy nó chỉ chừng dưới chục lần trên bầu trời Vĩnh Linh.
Kể đến tiếp là máy bay F-105. “F-105 Thunderchief” (Thần sấm), còn được gọi là "Thud", lµ mét kiÓu m¸y bay tiªm kÝch-nÐm bom siªu ©m. F-105 cũng được trang bị tên lửa và một khẩu pháo; tuy nhiên, nó thiết kế để xâm nhập với tốc độ cao ở tầm thấp, mang theo được một bom nguyên tử duy nhất bên trong thân. Bay lần đầu năm 1955, Thunderchief đưa vào hoạt động năm 1958. F -105 có một chỗ ngồi. F-105 được biết đến như một máy bay tấn công ném bom chủ yếu trong giai đoạn đầu ở Việt Nam. F-105 nặng 22.680 kg, có tốc độ hơn âm thanh ở độ cao mặt biển. Nó mang đến 6.700 kg bom và tên lửa. Một chiếc F-105G hai chỗ ngồi, có thùng nhiên liệu phụ 2.500 lít và các tên lửa chống bức xạ AGM - 45 Shrike. Giá máy bay là 2,14 triệu Đô la Mỹ, năm 1960. F105 có tiếng nổ rền đúng như tên gọi của nó. Hình dáng cũng bề thế, gai góc vì dưới bụng và cánh mang các tên lửa.
Máy bay F-111. “General Dynamics F-111” thay thế “Phantom” trong vai trò ném bom tầm trung. Đây là loại máy bay ném bom chiến lược tầm trung, trinh sát, và chiến đấu được thiết kế trong những năm 60. Phiên bản dành cho Không quân Hoa Kỳ được đặt tên chính thức là “Aardvark” tên lóng là “Con lợn đất” F-111 đi đầu về kỹ thuật sản xuất máy bay quân sự, có cánh cụp, cánh xoè, động cơ phản lực quạt ép có đốt sau, và radar theo dõi địa hình để bay nhanh ở tầm thấp. Giá một chiếc F-111 là 9,8 triệu USD (FB-111A).
Máy bay “Douglas A-1” (trước đây là AD). “Skyraider” (Kẻ cướp nhà trời) là máy bay ném bom một chỗ ngồi của Mỹ trong những thập kỷ 50, 60 và đầu 70. Là máy bay động cơ piston cánh quạt lạc loài trong thời đại phản lực. Nó có một loạt các tên lóng khác nhau: "Spad" "Able Dog", "Destroyer," "Hobo", "Firefly", "Zorro", "The Big Gun," "Old Faithful," "Old Miscellaneous," "Fat Face" (AD-5/A-1E, hai chỗ ngồi cạnh nhau), "Guppy" (AD-5W), "Q-Bird" (AD-1Q/AD-5Q), "Flying Dumptruck" (A-1E), "Sandy"  và "Trâu Điên" (Nam Việt Nam).
Chiếc máy bay tối ưu cho nhiệm vụ tấn công mặt đất, và có vỏ giáp bảo vệ các điểm trọng yếu chống lại hỏa lực từ mặt đất. Được sử dụng một gian ngắn trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, nó được dùng làm máy bay tấn công hỗ trợ mặt đất chủ lực của Không quân Mỹ, Không quân Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam
"Kẻ cướp nhà trời" được chuyển cho Không quân Nam Việt Nam (VNAF) và cũng được Không quân Mỹ sử dụng vào một trong những vai trò nổi bật nhất của Skyraider là hộ tống máy bay trực thăng "Sandy". Skyraider có bảy phiên bản chính, bắt đầu với AD-1, rồi AD-2 và AD-3, AD-4, AD-5N. Phiên bản AD-6 là một kiểu AD-4B cải tiến với thiết bị ném bom tầm thấp được nâng cấp, và AD-7 được nâng cấp với động cơ R-3350-26WB. AD được sử dụng bởi cả Không quân và Hải quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
A4D - (Chim ưng nhà trời) là máy bay cường kích ném bom được thiết kế ban đầu để hoạt động từ tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ. Nó được thiết kế và chế tạo bởi Douglas Aircraft Corporation (sau này là McDonnell Douglas) và có tên hiệu ban đầu là A4D theo hệ thống ký hiệu của Hải quân trước năm 1962. Giá máy bay 860.000 Đô la Mỹ cho những chiếc đầu tiên. Skyhawk là máy bay ném bom hạng nhẹ chủ lực của Hải quân Mỹ trong những năm đầu.
Máy bay L-19 (Cessna OE-I) có tên lóng là “Con chó bay" là phiên bản hiện đại nhất. L-19 được sử dụng ở Việt Nam để trinh thám. Nó là một máy bay trinh thám hạng nhẹ. Được sử dụng từ 1950 đến 1970. Máy bay có tầm nhìn đất tốt. Dài có 7,8m cao 2,23m.
UH-1. Trong các năm 1960, 1970 chiến tranh Việt Nam lần đầu tiên thử thách và đã cho thấy sức mạnh rất ghê gớm của loại vũ khí mới này: bộ binh trực thăng vận "kỵ binh bay" đi mây về gió, cơ động rất tốt có thể ngay chớp nhoáng đến được mọi nơi chiến sự và bí mật thâm nhập sâu vào vùng đối phương kiểm soát, thậm chí có thể sà thấp tung lưới bắt người dưới đất. Và trực thăng vũ trang được dùng làm vũ khí tiến công mặt đất và yểm trợ bộ binh cực kỳ hiệu quả... Với kinh nghiệm của cuộc chiến tranh này tất cả lục quân các cường quốc quân sự đều cố gắng xây dựng bộ binh trực thăng vận và các loại trực thăng chiến đấu khác nhau làm thay đổi sâu sắc hình thái chiến đấu chiến tranh hiện đại trên bộ. Đồng thời đây là loại máy bay rất thích hợp để bố trí trên chiến hạm Hải quân.
Vào giữa đến gần cuối năm năm 1966, trên bầu trời Vĩnh Linh, từ sáng sớm đến sắp tối, luôn luôn có một hoặc hai chiếc máy bay L-19. Nó vè vè trên bầu trời, khi thì lượn vòng, khi thì vút thẳng lên, rú máy, rồi phóng thấp xuống ngó nghiêng, dò xét. Phát hiện thấy cái gì nghi vấn dưới đất là phóng một quả đạn khói xuống đó. Sau đó chỉ chừng mươi phút là bọn máy bay ném bom bu lấy chỗ có đạn khói bay lên, rồi tha hồ ném đủ các loại bom mà chúng cho là thích hợp. Ngày nào cũng diễn ra cái trò như thế, đặc biệt là đối với xã Vĩnh Thuỷ. Trong vòng mấy tháng trời đất Vĩnh Linh chịu dưới sự giám sát, và bom đạn của tên chỉ điểm L -19. Hễ thấy hoả lực 12 ly 7 của dân quân bắn lên là nó lủi vào bên kia giới tuyến. Một lúc sau lại thấy chúng lò dò từ bên kia bờ Bến Hải bay qua, do thám. Quân dân Vĩnh Linh không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Cấp trên đã bàn phương án hành động để đánh trả. Quân dân Vĩnh Linh được hổ trợ của phía Bộ Tư lệnh Phòng không. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 214 được điều về Vĩnh Linh trong năm đó và trực tiếp bố trí trận địa ngay tại khu vực trung tâm của xã, để đánh trận bất ngờ, dập đầu con rắn độc bấy lâu gây hoạ cho quân dân Vĩnh Thuỷ.
Mấy đêm đầu tháng 11 năm 1966, dân quân, đoàn viên thanh niên xã Vĩnh Thuỷ tham gia đào hào, xây dựng trận địa thật, trận địa giả trong khu vực xã với tất cả sự khẩn trương đúng kế hoạch, đúng yêu cầu của một trận địa cao xạ và tuyệt đối bí mật. Lúc đó tôi đã 14 tuổi rưỡi, là đoàn viên thanh niên, nhưng tiếc là không được tham gia làm những việc đó. Chiều tối ngày 11 tháng 11, khi người anh trai của tôi, người trực tiếp tham gia xây dựng trận địa mới, về kể lại cho tôi nghe. Anh tôi nói, tối 10 tháng 11 có bao nhiêu là xe chở pháo, mỗi xe chở một khẩu 37 ly, vào nửa đêm hôm đó đã tập kết vào hết các bồn pháo đã được được chuẩn bị sẵn rất chu đáo. Bộ đội dân quân hôm đó đã lặng lẽ ém quân rất êm. Đêm đó tôi không hay biết gì về chuyện đó. Đúng là tuyệt mật mà.
Sáng hôm sau, ngày 11 tháng 11 năm 1966, một ngày đẹp trời đến tuyệt vời. Bây giờ viết những dòng này tôi còn nhớ như in cái ngày hôm đó. Tôi dậy sớm, chừng 6 giờ sáng, cơm nước xong xuôi, và chuẩn bị ra đồng. Cánh đồng Lâm - Sơn - Thuỷ đó. Dù mới hơn 14 tuổi, nhưng tôi đã biết làm tất cả mọi việc nhà nông, với lại, đang chiến tranh ác liệt, người già trẻ con đều đi sơ tán khỏi xã cả, nên công việc còn lại chỉ có dân quân, đoàn viên thanh niên đảm nhiệm. Các đơn vị dân quân trực tiếp chiến đấu thì ai vào vị trí nấy. Chúng tôi chưa cầm súng thì cầm liềm cầm hái, gặt lúa, làm đất, ... Tôi ra đến đồng thì ông mặt trời mới lên. Từ phía Vĩnh Sơn tôi đã nghe tiếng vè vè của cái thằng L-19 như mọi hôm. Chuyện nó vè vè, hay pháo bắn ra chỗ nọ, chỗ kia đối với chúng tôi quá quen nhàm và trở thành bình thường đến mức không ai để ý đến nữa. Người nào việc đó cứ thế mà làm. Chỗ tôi làm việc cách bìa rừng là mép của cánh đồng với các thôn xóm trong xã chỉ chừng chưa đến 2 cây số. Trên cánh đồng Lâm - Sơn - Thuỷ các nhóm làm việc đều phân tán ra với khoảng cách nhất định. Không tập trung một chỗ quá đông người. Khi đứng dậy thẳng lưng nghỉ ngơi đôi chút, tôi lại nhìn về phía Nam. Bầu trời xanh trong, thỉnh thoảng mới có những đám mây trắng nhỏ đứng yên không nhúc nhích. Nắng tháng 11 đã dịu mát. Gió nhẹ, dễ chịu. Đâu đó trong Nam, phía đường Chín, Lao Bảo, hay xa hơn vọng lại tiếng bom nổ, tiếng pháo bắn đì đoàng, và ù ù của các tốp máy bay, bay xa. Thằng L-19 vẫn vò vè ở đâu khoảng trên sông Bến Hải, đoạn chênh chếch miệt phía gần Bến Tắt gì đó, theo phán đoán của tôi. Khi nào nó vút lên lấy độ cao, thì tiếng động cơ của nó vè lên rõ hơn. Khi nó ở độ cao nhất định thì tiếng vè vè đều đều nghe đến khó chịu.
Tôi vừa cúi người xuống thì nghe tiếng vè của nó rõ hơn. Đúng là nó đang men ra phía xã tôi rồi. Tôi đã nhìn thấy cả cái máy bay rõ mồn một. Khi ở một góc thế nào đó tôi còn thấy cả cái đầu của tên phi công trên chiếc máy bay. Tôi để ý nhìn nó thường xuyên hơn. Nó lượn một vòng vào trong rồi quay ra lúc một gần khu vực trung tâm của xã. Nó hạ thấp xuống rồi bỗng nhiên chúc đầu xuống phóng một quả pháo mù vào một chỗ nào đó chừng giữa thôn Thuỷ Ba Tây. Tiếng nổ bụp một cái. Từ phía cây cối của cánh rừng, một làn khói bay thẳng lên thành một cột hơi bị tạt về phía Tây nam do gió. Nó chưa kịp chốc đầu lên thì cái im lặng từ sáng sớm đến giờ bỗng bị phá tan bởi một loạt pháo cao xạ: "chà roành chà roành chà roành..." liên tục như thế trong chừng hàng phút. Tôi thấy từng cục than đỏ vút lên từ dưới rặng cây từng chùm từng chùm bủa lấy thằng L-19. Và một làn khói đen đặc quánh phụt ra ở phía bụng nó. Nó rồ ga, cố vút lên nhưng không được, làn khói đen kịt bủa lấy nó. Nó lê cái thân vô phía Nam rồi mất hút. Tôi nghễn cổ nhìn về phía bên kia giới tuyến: một đụn khói bay cao lên đủ để tôi nhìn thấy. Tôi tự bảo với mình: Chết cha mày nhé, thế là rớt rồi.
Tôi đang hồ hởi mừng, thì bỗng nghe tiếng máy bay F4 từ ngoài biển lao vào: nghe lẹc rẹc lẹc rẹc trên đầu. Tôi biết ngay là F 4H. Có bốn chiếc. Nó chỉ lượn có nửa vòng rồi thằng đi đầu nghiêng người bổ nhào xuống chỗ có làn khói do thằng L-19 nhóm lúc nãy. Trời ơi, cái chỗ tôi đứng giữa đồng quan sát mới rõ, vì không bị chói ánh mặt trời. Mới đang khoảng gần chín giờ sáng thôi nên mặt trời đang thấp và sau lưng tôi. Tôi đang quay về hướng tây, nhìn về toàn bộ quang cảnh của toàn xã tôi. Ánh nắng chiếu vào cái thân béo mẩy và hai cái cánh có sơn một vòng tròn có ngôi sao và hai khung vuông hai bên rất rõ của chiếc F-4H. Khi nó vừa nghiêng cánh đầu chúc xuống, thì tôi lại nghe khúc dạo nhạc lúc nãy: chà roành, chà roành chà roành ... nối tiếp nhau, đều đặn, và các đạn pháo bay lên trông như những hòn than ửng đỏ vút lên hình quạt nan mà chỗ chụm lại là nơi thân máy bay. Tôi thấy sướng ran cả người, ...đã quá. Hai tay tôi cứ chắp lại và vút vút theo nhịp của mấy hòn than đó. Chiếc máy bay chúc xuống theo hướng đông đông bắc, thì bỗng cái cánh bên kia của nó đứt rời hẳn ra khỏi thân, lảng vảng lao xuống với những ngọn lửa bùng lên nơi chỗ bị toác. Nó đã bị trúng đạn cao xạ. Còn cả cái thân thì cứ thế chúi thẳng băng xuống đất. Hai cái dù đỏ vút ra xa cái thân máy bay và sau đó tí chút, dù bật ra. Lủng lẳng bên dưới là hai phi công đang từ từ rơi xuống đất. Thường thì tả nó lâu thế, chứ khi hai cái dù màu đỏ vút ra, tôi nhìn thấy nhưng mắt lại đảo qua cái thân của máy bay, nó đâm xuống khuất sau rặng cây, và một cột lửa bùng lên, rất gần và sau đó là khói . Trong lúc chiếc đầu trúng đạn đâm thẳng xuống đất thì thằng thứ hai cũng đã bốc lửa. Vì thằng thứ nhất vừa chúc đầu bổ nhào chưa kịp cắt bom, thì bị trúng đạn, thì thằng thứ hai cũng bổ nhào sau có chừng  mấy phút từ hướng bắc, chếch đông một ít. Tôi thấy nó không bị gãy cánh như chiếc đầu. Mà toàn thân nó bùng ra một luồng khói đen sì dưới bụng, và cũng cắm thẳng xuống cách thằng thứ nhất không xa mấy. Cũng có hai cái dù đỏ vụt ra và mở dù.
Trong lúc hai đụn khói chưa tan, tôi nghe tiếng của động cơ cánh quạt pạch pạch từ hướng biển vào. Có hai chiếc AD6: cánh bằng, một động cơ cánh quạt ở đầu, thân may bay màu bạc. Hai chiếc từ hướng đông bay vào, ngay trên đầu tôi. Cùng lúc đó tôi thấy từ trong nam có hai chiếc máy bay lên thẳng bay ra. Tôi đoán là chúng được điện ra để cứu thoát phi công. Bấy giờ trên bầu trời Vĩnh Thuỷ có 2 AD6, hai máy bay lên thẳng loại tôi cho là UH-1, và một tốp F4 đang lòng vòng trên tầng cao hơn. Khi hai AD6 mới đang còn trên cánh đồng thì dàn nhạc đã dạo rồi, lại: chà roành chà roành... mạnh hơn, mau hơn. Thằng AD6 đi đầu trúng đạn. Khói vây lấy bên cánh trái và dưới bụng. Nó chếch hướng vô Nam, và lê đến qua bên kia sông Bến Hải thì cột khói thẳng lên. Tôi nhìn thấy cột khói là tôi biết nó đã rơi. Khi chiếc AD6 đang trúng đạn, xung quanh chỗ tôi đứng mảnh đạn cao xạ rơi lõm bõm xuống ruộng. Tôi sợ rơi trúng đầu, nên bế luôn một bó lúa đội lên đầu. Cũng may là hôm đó không ai bị trúng mảnh đạn rơi xuống.  Chiếc AD6 kia vút lên cao. Máy bay được gọi bay vào vài tốp nhưng không có chiếc nào dám xuống thấp.
Tôi quan sát thấy hai chiếc máy bay lên thẳng, đang lượn lòng vòng tìm phi công. Có một chiếc hạ thấp xuống, tôi nghe có tiếng súng bộ binh rộ lên về phía nó. Nó thả thang. Đứng ngoài đồng, tôi nhìn rất rõ cái thang. Có nghĩa là nó đã nhìn thấy phi công. Có thể phi công rơi trên khu vực đồi không có dân, xa thôn xóm, và chúng nó liên lạc được với nhau. Nhưng thật lạ tôi thấy có hai đốm lửa bay cầu vồng về phía chiếc máy bay. Chiếc máy bay lên thẳng sợ nên lấy độ cao, trong lúc dưới bụng nó vẫn lòng thòng cái thang dây không có người. Tôi mừng vì nó đã không đón được thằng dưới đất. Thằng máy bay lên thẳng có thể trúng đạn bộ binh, nên nó lảng về phía nam và kéo theo một vệt khói đen. Mãi đến khi cột khói cao nhô lên khỏi rặng cây, tôi mới biết là nó rơi. Nó rơi bên bờ Nam.
Vậy là 5 chiếc đã bị rơi. Tất cả xảy ra trong vòng khoảng hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Trong khi sự việc diễn ra thế, các máy bay không dám tới gần và bổ nhào thấp nữa. Khi biết các phi công đã bị bắt, không thể cứu được nữa máy bay bắt đầu thả bom, bắn đạn xuống loạn xạ. Tiếng bom nổ, tiếng pháo cao xạ bắn đồng loạt ở tất cả các trận địa đã áp đảo máy bay. Từ sáng ngoài những chiếc bị rớt, bấy giờ những chiếc khác lại điên cuồng thả bom đạn xuống, trong đó có cả bom napalm. Cả một cánh rừng và mấy xóm nhà trong xã đã ngút cháy. Từng chùm trắng chất lỏng có pha phốt pho trắng cứ bắn đến đâu là ở đó bắt lửa, bùng lên, khói bay mịt mù trời đất. Khi thấy không còn làm gì được nữa, thằng UH-1 bay lên cao rồi lui về bên kia giới tuyến. Những chiếc máy bay khác bỏ cuộc rút ra biển.
Đến trưa thì hoàn toàn im lặng. Không pháo, không máy bay. Trưa tôi về nhà, ăn cơm, nghỉ trưa. Cái yên lặng nghe cứ rờn rợn, khó tả. Tôi quyết định ngủ lấy một chập. Khi tôi vừa dậy, đang ngái ngủ, chưa kịp ra giếng rửa mặt thì nghe có tiếng máy bay.
Một tốp A4D lợi dụng nắng chói phía tây, định tập kích vào trận địa cao xạ, thì bị dàn nhạc ngân lên: chà roàng chà roàng, cắc cắc. Một chiếc trúng đạn, kéo sau đuôi một luồng khói đen bay ra rồi rơi đâu ở ngoài đó. Khác với khi đứng ngoài đồng, tiếng cao xạ nghe không rõ và hoành tráng như lúc sáng. Khi chiếc A4 trúng đạn tôi cũng không nhìn thấy. Chạy ra chỗ trống thoáng, tôi mới thấy nó đang mang luồng khói đen sau đuôi cố bay ra phía biển, trong cái nắng của trưa tháng 11. Sau đó là im lặng. Chỉ có pháo từ Nam bắn ra phía sông Bến Hải, nhưng nghe thưa thớt, buồn tẻ, rời rạc. Tối hôm đó, nhà tôi có hai khách là hai anh bộ đội và hai khách nữa là hai tù binh Mỹ. Chừng khoảng gần chín giờ tối người ta giải hai phi công Mỹ vào, và cho ngồi vào hai chiếc ghế trong vườn chuối của nhà tôi. Chúng vẫn trong bộ đồ phi công. Tôi thấy có một phi công cầm trong tay một chiếc gậy kim loại rất đẹp. Tôi đoán người phi công đó chắc cũng phải hàm tá, còn người kia chỉ chắc là uý, vì không có cái gậy đó. Một lúc thì có thêm người đến và giải cả hai phi công đi. Tôi chạy ra sau con đường đi ngang qua xóm tôi, khi nghe tiếng máy của đoàn xe tải. Đó là đoàn xe chở pháo của tiểu đoàn pháo cao xạ mới lập công sáng và trưa nay. Họ chào dân, dân bắt tay họ, vui sướng với chiến thắng. Còn tôi buồn, vì họ đi mất rồi, ngày mai lại có những thằng L-19 khác, những tốp máy bay khác đến trả thù, thì xã tôi ra gì đây.
Những ngày cuối tháng 11, bọn máy bay không tung hoành như trước. Thằng L-19 khác có ra nhưng bay tít trên cao, lòng vòng vài vòng rồi biến.
Sau ngày 11 hôm đó, tôi mới biết cụ thể hơn cái cảnh bắt phi công và một việc lạ trong chiến tranh: súng cối bắn máy bay. Chả là hôm đó, một đơn vị dân quân xã tôi đang luyện tập về súng cối. Vì là chiến tranh nên lúc nào họ cũng mang đạn thật đi theo. Khi thấy máy bay lên thẳng thả thang dây, sợ nó giải thoát được tên phi công Mỹ dưới đất, mà vận động tiếp cận đến thì sẽ không kịp. Anh chỉ huy ra lệnh lấy đạn thật, rồi nạp đạn, lấy phương vị, thước ngắm và ra lệnh bắn. Hèn gì khi ở ngoài đồng, tôi thấy có hai hòn than đỏ bay cầu vồng từ một điểm sang chỗ chiếc máy bay gần đáp xuống đất. Chiếc máy bay lên thẳng bay lên, và chịu lưới lửa phòng không bộ binh bắn trúng, bay vào Nam rơi ở trong đó.
Tôi nhẫm đếm, vậy là đã rơi 1 thằng L-19: con chó bay; 2 thằng F-4: hai Con ma; 1 thằng AD: Kẻ cướp nhà trời; và một thằng A4D - Chim ưng nhà trời. Bắt sống những phi công còn sống.
Phía ta chỉ mất đạn dược bắn lên. Không hư hại một khẩu pháo, nghe đâu chỉ có một anh pháo thủ cao xạ bị vấp phải vỏ đạn, đau chân.
Ngoài Trung ương biết Vĩnh Linh thắng lớn đã có thư điện chúc mừng. Sau đó Bác Hồ có thơ khen:
Đánh cho giặc Mỹ tan tành
Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng 
Theo báo chí cho biết thì, Tổng Thống Hoa Kỳ gọi đó là "một ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ".
Chiến tranh đã qua đi hơn ba mươi năm rồi. Trên bầu trời của đất nước đã không còn tiếng gầm rú của may bay bổ nhào, trút bom. Trong không gian hoà bình không còn nghe tiếng rít của đủ loại đạn pháo, rốc két.
Cái ngày 11 tháng 11 năm 1966 đã đi vào lịch sử. Tôi vui mừng vì mình đã chứng kiến toàn bộ trận đánh hôm đó, tận mắt nhìn thấy mồn một các chi tiết của sự kiện. Tiếc rằng lúc đó không có máy quay vidéo như bây giờ. Tôi đã lục tìm tất cả tư liệu, xem có ai viết về cái ngày lịch sử đó không. Không có. Thế là tôi quyết định viết những dòng này. Có thể còn vụng về trong tả sự việc. Nhưng tôi cam đoan rằng đó là những gì tôi thấy, tôi nhớ, và không quên một chi tiết nào. Sự việc xãy ra khi tôi mới 14 tuổi rưỡi: đã 42 năm trôi qua rồi, cái ngày đó như vẫn hiện ra rõ mồn một trước mắt tôi. Cái cảnh chiếc F4 đầu tiên đứt cánh như hiện lại rõ ràng, và cái tia nắng mặt trời phản chiếu từ cái thân của máy bay đang đâm xuống vẫn sáng như đang sáng trong trí nhớ của tôi. Ngày 12 tháng 11, tôi đã cùng mấy đứa bạn cùng tuổi đi bộ lên nơi cái xác F4H rơi để tìm nam châm, và chọn các cuộn dây điện đủ các màu trong thân máy bay về đan lưới. Xác chiếc máy bay nát vụn, tung toé ra đến một nửa khu đất hoang trống khá rộng. Nó cách trận địa pháo cao xạ chừng hơn cây số hoặc hơn tí chút. Đấy mới gọi là máy bay rơi tại chỗ!
Xã Vĩnh Thuỷ - quê hương tôi tự hào vì có một ngày như thế, một chiến thắng trên đất quê nhà, và ngày nay xã lấy ngày này làm ngày truyền thống của xã, nhắc nhở lớp con cháu thế hệ ngày nay về một thời lửa đạn, gian khổ, nhưng kiên cường, về một chiến thắng vang dội của quân và dân Vĩnh Thuỷ đánh trả một cách đích đáng lại cuộc chiến tranh huỷ diệt của người Mỹ lên mảnh đất này.                                                           

                                     

T.N.T                            

Trần Như Thuộc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 183 tháng 12/2009

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground