Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quân tình nguyện trở lại chiến trường xưa

Những ngày cuối năm 2019, hơn 500 cựu Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã hành quân theo 4 hướng về thủ đô Viêng Chăn, tổ chức Đại lễ cầu siêu cho đồng đội đã hy sinh, thăm viếng nghĩa trang, tặng quà gia đình người dân các bộ tộc Lào đã cưu mang, giúp đỡ… Mỗi đồng chí Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam còn sống hay đã hy sinh là cả một kho ký ức sáng ngời tình đoàn kết, tình đồng đội mà chúng tôi không thể nào chép hết. Xin được kể lại vài câu chuyện nhỏ của các nhân chứng một thời kỳ gian khó, hào hùng và thấm đẫm tình người, không thể nào quên đó.

Giúp bạn, giúp mình

Qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), những cánh rừng Lào hiện ra ngoài cửa kính xe. Mùa khô, cỏ vàng cháy, vậy nhưng đôi thoảng vẫn có những vạt rừng xanh tươi đến kỳ lạ. Mùa khô là mùa chiến dịch, truy kích địch trên khắp chiến trường Lào. Cựu chiến sĩ Quân tình nguyện Nguyễn Hữu Thân và Đặng Minh Nhiên, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 43 (Nghệ An), thốt lên: Đất Lào, nơi chúng tôi đã trải qua gần 200 trận đánh tiễu phỉ giúp bạn, từ năm 1965 đến 1972. Bao nhiêu đồng đội chúng tôi đã hy sinh, nhiều đồng chí vẫn chưa tìm được hài cốt. Trận đánh ngày 16/2/1968, đơn vị chúng tôi đảm nhiệm tiến công tiêu diệt địch tại điểm cao A4 (huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng), địch dùng máy bay oanh tạc, 36 đồng chí hy sinh. Chúng tôi chiếm được mục tiêu, phát triển sang điểm cao Hai Vú rất khó khăn, và thêm nhiều đồng chí hy sinh.

Ông Nhiên kể: “Để có được chiến thắng, nhiều người dân Lào đã hết lòng giúp đỡ Quân tình nguyện Việt Nam. Anh Khăm Sính là một người đàn ông Lào chất phác, hiền lành, đã cung cấp nhiều thông tin về tình hình địch cho đơn vị chúng tôi. Nhiều lần, anh vượt vòng vây nguy hiểm, vượt rừng, đưa thông tin đến chỉ huy đơn vị. Và rất nhiều người dân Lào, già, trẻ, gái, trai đã bao bọc, bảo vệ và giúp chúng tôi làm nhiệm vụ. Cùng với chiến đấu tiễu phỉ, chúng tôi tổ chức học tiếng Lào, làm công tác dân vận ba cùng”.

Đoàn xe chở cựu Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam băng qua những khoảng rừng mênh mông hai bên Quốc lộ 8, Quốc lộ 13, hướng về thủ đô Viêng Chăn. Đường vắng, nhà dân hai bên đường cũng thưa thớt. Địa hình dần thấp xuống lưu vực sông Mê Kông. Các cựu Quân tình nguyện nói với nhau rằng mãi đến bây giờ họ mới được đi trên Quốc lộ. Ngày đang chiến đấu, Quân tình nguyện chỉ cắt rừng, lội suối, tránh địch phục kích… Và sông Mê Kông bất chợt hiện ra, rộng rãi, hiền hòa, lấp lánh nắng ban chiều. Rất nhiều trận đánh địch thâm nhập từ bên kia biên giới, truy kích, đã diễn ra dọc bờ sông Mê Kông phía Lào. Dòng sông này từng thấm đỏ máu Quân tình nguyện và bộ đội Pa-thét Lào.

Cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam gặp nhau tại Lào - Ảnh: Trần Hoài

Cựu chiến binh Quân tình nguyện Việt Nam gặp nhau tại Lào - Ảnh: Trần Hoài

Cựu Quân tình nguyện Nguyễn Đức Tuân, nguyên chiến sĩ quân y Đại đội 40, thuộc Trung đoàn 335, đăm đắm nỗi niềm muốn tìm hài cốt đồng đội là đồng chí Hạ, trung đội trưởng. “Anh Hạ hy sinh ngay trước mặt tôi, hứng chịu toàn bộ mảnh cối vào người, trong khi tôi ở cách sau chừng 5 m thì không hề hấn gì. Trong một lần truy kích địch ở Noọng Hét, tôi thấy giữa rất nhiều người dân bị địch giết có một đứa bé chừng hơn một tuổi đang ngậm chặt vú người mẹ đã chết. Bé khóc khan không ra tiếng, tôi chạy đến ôm bé vào lòng, đưa về trạm xá của mặt trận, rồi tôi theo đơn vị tiếp tục truy kích địch. Ước gì có phép màu để tôi gặp lại đứa bé ngày ấy…”.

Nghĩa tình son sắt

Cựu Quân tình nguyện Lê Thế Kỷ, nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, có người bạn là Khăm Sỷ Đuông Pa Sợt, cán bộ Pa-thét Lào. Năm 1971, ông Kỷ bị bệnh sốt rét nặng, được chuyển về Đội điều trị 22, đóng ở Khe Tang, Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Tại đây ông chứng kiến câu chuyện thần kỳ: Khăm Sỷ bị thương nặng, và được xác định đã tử vong, chuyển ra nhà xác. Nữ y tá Ngọc được giao nhiệm vụ lấy các bệnh phẩm, thấy tấm ga trắng đắp trên mặt Khăm Sỷ hơi động đậy, đến kiểm tra và phát hiện bệnh nhân còn sống, lập tức gọi cấp cứu… Mấy chục năm sau, Khăm Sỷ lúc này là Trung tướng Quân đội Nhân dân cách mạng Lào, đã liên tục trong 14 năm đi tìm người nữ y tá Việt Nam tên Ngọc. Nhờ nhiều đồng đội giúp đỡ, cuối cùng Trung tướng Khăm Sỷ đã tìm được nữ y tá Nguyễn Thị Ngọc ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn. Hai người gặp nhau mừng tủi, Trung tướng Khăm Sỷ ít tuổi hơn, xin nhận bà Ngọc là chị gái. Có lẽ vì nghĩa tình ấy, mà trong một lần Trung tướng Khăm Sỷ mời các bạn chiến đấu Quân tình nguyện Việt Nam sang thăm Viêng Chăn, ông nâng chén rượu, bày tỏ nguyện vọng được kết thông gia, tìm một cô dâu Việt Nam. Mọi người liền chỉ vào cựu Quân tình nguyện Cù Hoàng Quy, có con gái Cù Thị Phương, là cô giáo dạy học ở Đà Nẵng… Tưởng đùa vui, vậy mà chuyện lại thành: Chàng trai Khăm Coọc, từng du học ở nước ngoài, con trai Trung tướng Khăm Sỷ đã kết duyên cùng con gái của chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Giờ gia đình Lào - Việt này đã có con nhỏ, có cơ ngơi kinh doanh phát đạt ở thị trấn Xenon, tỉnh Savannakhet.

Đi cùng Quân tình nguyện trong dịp này còn có con trai, con gái các liệt sĩ đã hy sinh ở Lào. Anh Bùi Xuân Trọng (Hà Nội) có bố là liệt sĩ hy sinh ngày 23/5/1969. Hai bố con không biết mặt nhau. Anh Trọng cho biết đã 24 năm nay gia đình tổ chức đi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng đến giờ chỉ có vẻn vẹn thông tin: chiến sĩ Bùi Văn Kim, quê xã Cương Chính, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, thuộc Tiểu đoàn 41, Quân khu Tây Bắc, hy sinh tại bản Tháp, La Xay, Xiêng Khoảng. Liệt sĩ Kim được mai táng cùng 21 liệt sĩ khác, trong đó có liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Cà Văn Khum.

Cũng như trường hợp anh Trọng, chị Đinh Thị Nhưng ở xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, và bố là liệt sĩ Đinh Khắc Phú, chưa hề nhìn thấy mặt nhau. Bố hy sinh năm 1983, nhiều năm qua, cả nhà chị giữ gìn những bức thư của bố gửi về từ chiến trường như báu vật. Thư bố viết cho mẹ và chị gái, mà chị Nhưng ngỡ như bố gửi cho chính mình: “Em và con giữ gìn sức khoẻ, anh sắp được nghỉ phép, anh sẽ về…”. Vậy mà, bố mãi mãi không về. Chị Nhưng muốn tìm đến tận nơi bố hy sinh, nên gặp ai cũng hỏi: Bác ơi, bác có ở cùng Sư đoàn 324 với bố cháu không, bố cháu hy sinh ở đâu vậy, đã nằm xuống ở nơi nào vậy? Các cựu chiến binh đã già, tóc bạc, mắt nhoè ướt: Cháu ơi, sư đoàn có mười ngàn quân, rừng Lào mênh mông lắm. Thôi cháu hãy tin là bố cháu luôn ở bên cạnh mẹ con cháu, các con của cháu. Cháu ạ!

Sáng mùa đông 2019, thời tiết thủ đô Viêng Chăn lạnh hơn mọi năm. Tại chùa Bàng Long, sau khi nhận món quà là chăn màn, áo ấm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam giúp Lào, PGS.TS Saykhong Saynasine, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội hữu nghị Lào - Việt, cảm động nói: “Quân tình nguyện, chuyên gia và cả nhân dân Việt Nam đã từng giúp nhân dân Lào rất nhiều, hôm nay lại gửi chăn, áo ấm… Chúng tôi sẽ chuyển món quà quý này đến với các gia đình người dân Lào còn khó khăn, vất vả, nhất là những gia đình Lào đã từng cưu mang, giúp đỡ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ Quốc tế thiêng liêng, cao cả”.

Trong đêm giao lưu “Thắm tình hữu nghị Lào - Việt” tại thủ đô Viêng Chăn, mọi người rất ấn tượng với tiết mục múa “Lào Pheng” của bà Ngô Thị Kim Chinh, mà bà đã từng biểu diễn vào những năm 1966 - 1972 khi còn là diễn viên của Đoàn văn công Quân khu Tây Bắc. Mỗi mùa chiến dịch, đoàn văn công tổ chức các đội xung kích từ 6 đến 20 người, theo các đơn vị Quân tình nguyện vào phục vụ chiến trường. Có lần đội văn công xung kích của bà biểu diễn trong hang đá, được Hoàng thân Xu-pha-nu-vông biếu một thúng sắn luộc. Hoàng thân Xu-pha-nu-vông nói, đại ý rằng: Đất nước Lào còn gian khó, còn nghèo, nên tôi chỉ có sắn luộc biếu các cháu thôi. Mai này nước Lào hoà bình, phát triển, sẽ biếu các cháu văn công thức ăn ngon hơn! Những ngày qua bà Chinh đã nhìn thấy điều ấy, đất nước Lào đã đổi mới, đời sống người dân tốt hơn rất nhiều.

Những buổi sáng lạnh ở thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi đã chứng kiến hình ảnh cảm động khi các cựu Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trân trọng đặt vào bát của các nhà sư Lào khất thực những bánh lương khô, bánh kẹo, trái cây mà họ mang từ Việt Nam trong chuyến hành quân nghĩa tình tri ân này. Hình ảnh đó chỉ là biểu tượng nhưng qua đó chúng tôi hiểu tình cảm, sự gắn bó keo sơn hai dân tộc Việt - Lào mãi mãi son sắt, vững vàng như dải Trường Sơn, cùng dựa vào nhau, giúp đỡ nhau gìn giữ nền hòa bình, phát triển và thịnh vượng.

 

TUẤN HOÀNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 336

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/04

25° - 27°

Mưa

25/04

24° - 26°

Mưa

26/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground