Chợ Đông Hà nằm bên quốc lộ 1A thuận lợi cho du khách ghé thăm - Ảnh: Hồ Thanh Thoan
Chợ Đông Hà không phải là địa điểm lạ xa đối với người dân địa phương và du khách khi đến Quảng Trị. Là một trong những ngôi chợ lớn nhất nước, với kiến trúc độc đáo, khó bắt gặp ở một nơi nào khác, chợ mang dáng hình con thuyền lớn vươn ra biển rộng. Người Quảng Trị đôi khi đi xa, chỉ nhìn chấm phá qua một clip vu vơ nào đó trên mạng, lướt qua hình ảnh chợ Đông Hà đã thấy xốn xang lòng dạ. Chợ Đông Hà như một biểu trưng của tình yêu và niềm tự hào chung riêng của mỗi người dân Quảng Trị.
Tôi cho rằng, mỗi ngôi chợ đều mang ít nhiều hồn cốt văn hóa, truyền thống đặc trưng từ ẩm thực đến sản vật địa phương luôn đủ đầy, đặc sắc. Trong những cuộc đi xa, tôi đã đặt chân lên nhiều ngôi chợ ở những vùng đất lạ. Gần nhất có thể kể đến là ngôi chợ Đồng Hới (Quảng Bình), chợ Đông Ba (Huế) xa hơn như chợ Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), chợ Đồng Xuân (Hà Nội), xa nữa là những ngôi chợ ở đất nước Singapore, Malaysia... nhưng so sánh với chợ xứ mình vẫn chẳng đâu thương quý bằng. Cố nhiên, mọi sự so sánh trên đời đều khập khiễng, huống chi những nơi ta gắn bó luôn được ưu tiên yêu mến nhiều bởi chứa cảm xúc và kỷ niệm.
Lần đó, tôi và bé Quyên (công tác tại Sở Y tế tỉnh Quảng Trị) cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền đã thưởng thức sơ sơ nhưng cũng đủ hết thảy ẩm thực của Quảng Trị tại chợ Đông Hà. Đủ là đủ theo danh sách mà ông Biền đã tìm hiểu và liệt kê. Đầu tiên, ông Biền nói hình như món bún nghệ xào lòng ở đây có tiếng lắm. Hai chị em tôi dạ, vậy mình ăn thử. Nhìn thúng bún nghệ nóng hổi đặt trên cái bếp củi con con luồn qua đôi triêng gióng, nhà văn sống ở miền Nam đã trầm trồ khen ngợi. Ăn miếng nào ông khen ngon miếng đó, bún nóng và thấm nghệ, miếng lòng non thì béo ngậy, điểm vài lát ớt cọng rau thêm đậm vị. Dì bán hàng hào phóng, hỏi ông muốn ăn miếng bún dưới nồi không, dì mời. Đó là miếng bún cháy sém, nằm dưới đáy nồi, giòn ngon như cơm cháy. Lúc tính tiền, ông Biền ngạc nhiên vì dĩa bún ngon lành có giá chỉ năm ngàn. So với chốn Sài thành chộn rộn đắt đỏ, nhiều khi chưa bằng vé gửi xe. Bụng đã lưng lưng, chúng tôi còn thưởng thức thêm một dĩa bánh lọc trần, dĩa mít thấu và chén chè đậu ván. Nhà văn Đoàn Thạch Biền háo hức trầm trồ khi đi một vòng quanh chợ Đông Hà, ông say sưa chụp ảnh, khen ngôi chợ đẹp, đồ ngon, rẻ. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ lựa chọn dẫn ông đi tham quan chợ Đông Hà xem ra là đúng đắn. Lần đó, tôi còn nợ ông vì chưa mời ông đi thăm thú được nhiều nơi, chưa giới thiệu hết cái hay cái ngon cái đẹp của quê mình. May thay, những lao xao rộn rã của buổi chợ chiều tất bật đã phần nào gom nhặt một góc đời sống dung dị của Quảng Trị. Và mừng hơn, tôi giúp ông hiểu được phần nào ẩm thực của quê nhà.
Bún Hến - món ăn yêu thích của nhiều người khi ghé chợ Đông Hà - Ảnh: Thúy Linh
Từ kỷ niệm đó, sau này, tôi có phần “mạnh dạn” hơn khi lội chợ Đông Hà ăn hàng và phát hiện ra nhiều thú vị. Đừng tưởng chỉ có đàn bà mới ăn hàng, hóa ra nhiều người đàn ông, không phải mưu sinh ở chợ, vẫn tạt qua đây để ăn vài món ưa miệng. Chú Nghĩa ngồi bưng tô bún hến ở gánh hàng của chị H (chị bảo đừng nêu tên chị lên báo). Chiều mô chú cũng tạt qua chợ mần tô bún hến, ăn mấy chục năm rồi. Chú nói mấy quán ngoài đường có bán nhưng ăn không quen, ăn hàng của hắn quen rồi. Ngó cách chị H bỏ hến, bỏ nước, muối thêm cho chú, đủ hiểu chú ăn nhẵn mặt ở đây. Tôi hỏi chú ăn rứa về còn ăn cơm nữa không. Chú kêu có chơ, đồ chừng ni nhằm nhòm chi, về còn mần tô cơm nữa. “Bởi bao nhiêu người ghen tị với chú đó nghe, đại tá đại gia không bằng đại khỏe”. Tôi bật cười vì độ hóm hỉnh của chú và công nhận chú ăn khỏe thật. Tuổi của chú tầm hơn sáu mươi, nom người doi doi không mập, không ốm mà ăn vậy là khá nhiều. Loáng hàng bún, thấy chú qua hàng chè, chú kêu bữa thì thêm ly nước đậu. Ai bảo ở chợ không vệ sinh hay sợ đồ dổm, thật giả chi chừ khó phân biệt, nhà hàng sang trọng nhiều khi tụi hắn còn mần liều bây ơi, chú vừa húp xì xụp bát nước hến vừa hổn hển cười nói. Ở chợ phải bán đồ ngon vì ngoài khách quen đi chợ mỗi ngày, người bán đồ ăn ở chợ bán chủ yếu cho những bạn hàng. Ngày nào cũng chạm mặt, đồ phải ngon, tươi rẻ, chớ dở dễ chi bán được lâu hả bây, không khéo bị chửi cho nữa. Nghĩ cũng có lý, hèn chi, ai cũng nói đồ ăn ở chợ thường ngon hơn quán xá.
Với những người đi xa, ẩm thực quê nhà là hành trang khi rời quê hương xứ sở. Hình dung, những người Quảng Trị khi rong ruổi Nam Bắc hay tha hương đâu đó ở trời Âu, đất Á, một buổi chiều nghĩ về quê nhà trong cái lạnh se sắt, sau nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha, ngó bộ cũng dễ nhớ thêm vị bát chè đậu ván, thèm dăm cái bánh lọc, nhớ tô cháo bột cá lóc nhiều ném ớt hay dĩa bánh ướt thịt heo ngon mềm… Và cộng thêm vào đó, đôi khi hình ảnh một ngôi chợ nhỏ, có thể là chợ làng, chợ xép hay chợ tỉnh cũng gieo vào thương nhớ khôn nguôi.
Một góc nhỏ hàng quà vặt ở chợ Đông Hà - Ảnh: Thúy Linh
Như một nhân duyên, tôi lấy chồng, nhà chồng ở khá gần chợ Đông Hà. Nổi hứng lên, vừa đi bộ tập thể dục rồi ghé chợ cũng dễ dàng. Tôi thích những buổi chiều, tản bộ một hồi rồi tạt qua chợ, lui cui sau hàng cá, nhìn những con đò vừa cập bờ, o bán hàng tất tả vác lên từng thúng cá tươi xanh. Góc chợ chiều xôn xao trong ánh nắng cuối ngày tạo nên một khoảnh khắc đẹp, một khoảnh khắc bình yên mà đôi khi phải trải qua bất thường xáo trộn người ta mới thấu hiểu. Như đợt rồi, chợ Đông Hà phong tỏa dài ngày vì dịch Covid-19, toàn thành phố thực hiện giãn cách, ai ở đâu ở yên đấy. Hàng xóm của tôi là dì bán hàng tạp hóa ở chợ, dì nói mấy chục năm có mặt ở chợ Đông Hà để bán buôn, chưa bao giờ dì nghỉ lâu thế này. Bão lụt cũng chỉ nghỉ vài ngày, Tết nhất cũng vậy. Ngày chợ Đông Hà trở về bán buôn như bình thường, phải mất một thời gian sự lao xao chộn rộn mới trở lại.
Hay một bữa chiều nào đó rảnh rang, bạn thử ghé chợ Đông Hà, kéo chiếc đòn bên triêng bún nghệ o Hường hoặc “sang” hơn là vô nhà vòm, ngồi gác chân ăn ly chè bột lọc để nghe lòng mình chộn rộn những nếp nghĩ thương yêu về bao điều dung dị giản đơn. Và nếu có dịp, dẫn một người bạn hay con cháu ở xa về quê, tôi vẫn giữ ý định dẫn người ta lội chợ Đông Hà thăm thú và ăn hàng láng lẩy, thưởng thức trọn vẹn đủ đầy vị ẩm thực của quê nhà thương khó.