Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đất và người Cam Lộ

 

C

am Lộ trong dòng chảy lịch sử dân tộc là miền quê nằm ở trung tâm của  mảnh đất Quảng Trị từng được mệnh danh “Ô châu ác địa”. Suốt hàng mấy trăm năm, khi bước chân tiền nhân khai mở xứ Đàng Trong, nơi đây hứng chịu đằng đẵng nhiều cuộc chiến tranh và thiên tai. Đây cũng là vùng đất nắng gió khắc nghiệt đến nỗi một nhà thơ quê gốc ở vùng này từng thốt lên: Ơi gió Lào ơi, người đừng thổi nữa/ Những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người…

Tuy nghèo khó, nhưng chính sự gắn bó máu thịt với cả dân tộc trên từng chặng đã khiến cái tên Cam Lộ để lại dấu ấn trong tâm thức nhiều người về một vùng quê có bề dày văn hóa và giàu truyền thống cách mạng. Đó cũng là mạch ngầm nuôi dưỡng và khai phóng những tiềm năng trên mảnh đất này. Nếu ví thành phố Đông Hà như là tâm điểm trên bản đồ hành chính tỉnh Quảng Trị thì Cam Lộ chính là cửa ngõ phía tây bắc nối thành phố Đông Hà lên vùng cao Trường Sơn, nơi có cửa khẩu Lao Bảo thông thương với nước bạn Lào.

Cũng như nhiều miền quê khác trên đất Quảng Trị, việc hình thành những làng ấp đầu tiên ở đây là vào khoảng đầu thế kỷ 11 và do những cư dân xứ Đàng Ngoài theo các vị tướng công nam tiến mở mang bờ cõi. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học cho rằng danh xưng Cam Lộ xuất hiện lần đầu vào năm 1553 trong tác phẩm Ô châu cận lục của học giả Dương Văn An. Trong tác phẩm này ghi rõ: Làng Cam Lộ là 1 trong 27 làng thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương.

Sau hơn 200 năm kể từ khi Ô châu cận lục có những dòng vắn tắt về làng Cam Lộ, năm 1776 Lê Quý Đôn lúc bấy giờ giữ chức Tham Hiệp trấn quân cơ Thuận Hóa đã có chuyến tuần du vùng Dinh Cát - tức Ái Tử ngày nay đã ghé qua Cam Lộ và ghi lại trong Phủ biên tạp lục, nội dung đại ý: Cam Lộ có đường núi đi sang Ai Lao, đường cũng bằng phẳng, dân cư liền nhau… Xã Cam Lộ huyện Đăng Xương ở thượng lưu sông Hiếu Giang, phía đông thông với Cửa Việt, phía tây giáp với các làng bản người Ai Lao; đường sá của dân Man đều quy tụ vào đây, xa thì có nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, châu Cung Hợp...

Thời nhà Nguyễn, về mặt địa lý, Cam Lộ được xem là yếu địa, phên dậu phía tây bắc tỉnh Quảng Trị. Nơi đây, ngoài đường bộ còn có sông Hiếu là thủy lộ dùng để giao thương mua bán các xứ trong vùng và sang tận Ai Lao. Chợ Phiên vẫn còn cho đến ngày nay từng được ví “tiểu Trường An” đóng vai trò trung tâm thương nghiệp, hàng hóa sầm uất bao gồm voi ngựa, lâm thổ sản từ vùng cao đưa về, sản vật nông nghiệp tại chỗ cũng như muối, cá, các loại thủy hải sản từ miền biển Cửa Việt mang lên. Ngôi chợ này cũng từng được nhắc đến trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn như sau: Người buôn các xã thường mang mắm muối, cá khô, nồi sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến đến đất người Man đổi lấy nếp, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây, dó, vải, màn, thuê voi chở về chợ Phiên Cam Lộ để bán.

Đầu thế kỷ 20, năm 1904, người Pháp nhận thấy vị trí đắc địa của miền tây tỉnh Quảng Trị bèn cho khởi công xây dựng con đường cái quan - ngày nay là Quốc lộ 9. Có thể nói bắt đầu từ đây, Cam Lộ trở thành vùng đất quan trọng về mọi mặt không chỉ đối với Quảng Trị mà còn cho cả khu vực miền Trung, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.

Trong gian khó đời thường và những hi sinh mất mát bởi chiến tranh gây ra, người Cam Lộ đã bền gan vượt qua tất cả, để bảo vệ và xây dựng một quê hương giàu đẹp. Tất cả nhờ vào truyền thống văn hóa hun đúc qua hàng trăm năm, với niềm tin son sắt của miền quê sinh thành câu ca dao nổi tiếng: Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi xanh cây.

Người Cam Lộ thường tự hào bởi trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, thời kỳ nào nơi đây cũng được chọn làm thủ phủ và được ví như kinh đô kháng chiến. Thời Pháp thuộc đó chính là Thành Tân Sở nằm ở Cùa - vùng đất đỏ bazan nổi tiếng với vị hồ tiêu thơm nồng.

Ngày nay, dấu tích thành Tân Sở không còn nhiều nhưng những ghi chép lịch sử cũng đủ cho chúng ta hình dung về quy mô và vị thế quan trọng trong việc tạo ra ảnh hưởng, để từ đó khởi phát ngọn lửa yêu nước Cần Vương.

Ngược thời gian, vào cuối thế kỷ 19, khi quân Pháp ép buộc nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất năm 1874 thì ngay sau đó vua Tự Đức đã lệnh cho các địa phương ở miền Trung xây dựng các Sơn phòng nhằm vào kế hoạch kháng Pháp lâu dài.

Năm 1883, dưới triều vua Kiến Phúc, Nha Sơn phòng Quảng Trị, tiền thân của thành Tân Sở sau này được khẩn trương xây dựng dưới sự chỉ huy, đôn đốc của quan Phụ chính Đại thần Nguyễn Văn Tường và hoàn thành chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Công trình này có tầm quan trọng đặc biệt bởi sách Đại Nam thực lục chính biên chép rằng Cơ Mật viện của triều đình Huế đã từng xác định: Sơn phòng Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho Kinh đô. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học Đỗ Bang cũng cho biết: Vào thời điểm thiên đô ra Tân Sở vào năm 1885, hạm đội Pháp có mặt ở Đà Nẵng và Đồng Hới chờ bắt vua Hàm Nghi và phe chủ chiến thì con đường thượng đạo từ Tân Sở lên Lào để ra Bắc, vào Nam là sinh lộ duy nhất của triều đình kháng chiến nhằm duy trì hoạt động yêu nước…

Tuy tồn tại ngắn ngủi, nhưng tại Tân Sở vào tháng 7 năm 1885, chỉ sau 3 ngày xa giá từ kinh đô Huế về đây, vua Hàm Nghi đã kịp phát dụ Cần Vương lần đầu tiên, làm dấy lên phong trào kháng Pháp rộng khắp trên cả nước.

Thành Tân Sở nay còn lại rất ít vết tích. Nhưng trong tâm khảm người dân vùng Cùa tức hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa ngày nay, những ngày xa giá của vua Hàm Nghi đã để lại nơi đây ngọn lửa của tinh thần yêu nước. Và chính ngọn lửa yêu nước từ phong trào Cần Vương thời kháng Pháp đã đắp bồi thêm vào truyền thống đấu tranh của đất và người Cam Lộ giai đoạn về sau. Trước và trong Cách mạng Tháng Tám, nhiều làng xã trên mảnh đất này đã nhất tề đứng dậy, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngôi miếu thuộc làng An Mỹ, xã Cam Tuyền nay đã trở thành di tích lịch sử cách mạng. Nơi đây vào tháng 8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc tổng khởi nghĩa của Hồ Chủ tịch, quân lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và chỉ thị của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Quảng Trị kêu gọi toàn dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 22/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Cam Lộ đã có cuộc họp bàn kế hoạch chuẩn bị và phân công lực lượng về các địa phương chỉ đạo quần chúng. Từ đó, nhân dân các tổng trong địa bàn Cam Lộ đã hưởng ứng sâu rộng và đã chuẩn bị chu đáo từ cờ, băng rôn đến giáo, mác gậy tầm vông... kéo về huyện đường Cam Lộ giành chính quyền thắng lợi hoàn toàn vào ngày 24/8/1945.

Nếu ví miền Trung như chiếc đòn gánh giữa hai miền Nam, Bắc thì Quảng Trị có thể xem như là điểm tì vai trên chiếc đòn gánh. Không hẳn ngẫu nhiên thời đất nước chia cắt, Quảng Trị - vùng đất nằm dọc theo vĩ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến, phải gánh chịu nỗi đau ngày Bắc đêm Nam nặng nề và chiến tranh tàn phá ác liệt nhất. Riêng ở phía bờ Nam thì Gio Linh và Cam Lộ luôn dày đặc các căn cứ quân sự và tiếng đạn pháo gần như không dứt suốt ngày đêm. Gian khó và ác liệt là vậy nhưng cũng chính Quảng Trị là nơi được giải phóng sớm nhất trên chiến trường miền Nam và Cam Lộ cùng với Gio Linh lại là nơi được giải phóng sớm nhất trên chiến trường Quảng Trị.

Cuối tháng 3 năm 1972, từ kế hoạch của Bộ chỉ huy Chiến dịch, các sư đoàn 304, 308, các trung đoàn 48 và trung đoàn 27 đã phối hợp tấn công đồng loạt hệ thống phòng thủ của đối phương như đồi Phu Lơ - cao điểm 544, đồi Ca Rôn - cao điểm 241 và nhiều nơi khác như cao điểm 288, cao điểm 322, bên cạnh hướng chủ công tấn công thẳng vào huyện lỵ… Nhờ hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, sự hưởng ứng của nhân dân Cam Lộ, chỉ sau 3 ngày từ 30/3 đến ngày 2/4/1972, Cam Lộ đã hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này cũng đã mở màn và tạo điều kiện cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Nói đến chiến thắng giải phóng Cam Lộ vào năm 1972 không thể không nhắc đến nơi được xem là kinh đô kháng chiến thứ hai sau Thành Tân Sở, đó là Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cuối năm 1972, phần lớn Quảng Trị được giải phóng, tiếp đến đầu năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, cách mạng miền Nam phát triển mạnh mẽ và đó là điều kiện để Cam Lộ được chọn làm nơi xây dựng Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời vào tháng 5/1973. Tại đây, ngày 6/6/1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh long trọng, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp năm châu đã tới dự và đại sứ của các nước đã làm lễ trình quốc thư. Cũng tại đây, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm viếng, đặt quan hệ ngoại giao với một số nước trên thế giới để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ về mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam.

Sau ngày giải phóng, Cam Lộ xác xơ rừng núi, vườn ruộng tan hoang bởi đạn bom cày xới nhưng lại ngập tràn niềm vui của người dân được sống trong hòa bình. Gỡ từng mảnh bom, quả đạn, dọn từng góc vườn hoang hóa, chính quyền và người dân nơi đây luôn mang theo khát vọng dựng xây quê hương xứng đáng với truyền thống văn hóa - lịch sử hàng trăm năm để lại.

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng, Quốc lộ 9 đi ngang qua miền quê Cam Lộ đã trở thành con đường xuyên Á, là huyết mạch của Hành lang kinh tế Đông - Tây nối dài từ Mianma sang Thái Lan, qua Lào và về điểm cuối ở Việt Nam. Con đường này đã góp phần làm sáng lên bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Trị trong đó có miền quê Cam Lộ.

Nằm ở vị trí giao nhau giữa Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh, thị trấn Cam Lộ ngày nay đã thấp thoáng gương mặt đô thị hiện đại. Ngoài cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang trên cơ sở quy hoạch bài bản, nơi đây ngày càng đông vui, tấp nập mua bán bởi hàng hóa giao thương ở các nơi đổ về. Từ đây, hàng hóa tiêu dùng theo đường xuyên Á, hàng hóa nông sản miền tây Trường Sơn về xuôi cũng như hàng hóa vùng xuôi, miền biển ngược lên vùng cao. Là vùng bán sơn địa, Cam Lộ phát triển kinh tế bằng vào việc giải quyết bài toán chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vùng đồng bằng kéo dài một dải từ Cam Tuyền về các xã Cam Hiếu, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam An… dựa trên canh tác truyền thống tiếp tục đẩy mạnh thâm canh lúa nước và trồng các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày. Với sự đầu tư hiệu quả cho các công trình thủy lợi, người dân nơi đây đang từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nếu các xã vùng đồng bằng tập trung vào sản xuất lúa gạo, hình thành các vùng chuyên canh hoa màu thì vùng gò đồi lại tập trung vào việc trồng rừng và cây công nghiệp mang giá trị lợi nhuận cao. Hồ tiêu xứ Cùa từng nổi tiếng cả nước bởi vị thơm cay đặc trưng. Sử sách từng chép từ thời nhà Nguyễn đến cả sau này, thương lái thường mùa hồ tiêu nơi đây xuôi thuyền về Cửa Việt vào mang bán tận cả Sài Gòn - Lục tỉnh. Nhằm khôi phục thương hiệu hồ tiêu xứ Cùa góp phần phát triển kinh tế, hiện nay hàng trăm hộ gia đình ở hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa đã hình thành vùng chuyên canh lên đến gần 500 héc ta, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Bên cạnh hồ tiêu, cây cao su cũng được xem là “vàng trắng” của vùng gò đồi. Sau khi đưa vào trồng thử nghiệm, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, Cam Lộ đã hình thành vùng chuyên canh cao su lên đến hơn 3000 héc ta, rộng khắp nhiều xã. Từ những vườn cây cao su xanh tốt, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn ấp ủ giấc mơ đổi đời, trở thành “triệu phú nông dân”.

Từ một xuất phát điểm rất thấp của vùng quê bị chiến tranh tàn phá nặng nề, có thể nói Cam Lộ đã có được những bước đi rất dài trong việc tạo dựng mô hình nông thôn mới. Không chỉ có kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dựa vào thế mạnh từng vùng mà ngay cả các hộ gia đình cũng mạnh dạn đầu tư vào các mô hình mới như kinh tế nông trại, gia trại, sơn trại, ngành nghề, dịch vụ…v.v đã thể hiện năng lực, tư duy làm ăn mới, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Dựa vào thế mạnh của đất rừng và tài nguyên đá vôi, Cam Lộ bước đầu phát triển các ngành công nghiệp gắn với chế biến lâm sản và khai thác đá vôi dùng làm nguyên vật liệu cho ngành xây dựng. Trong tổng số 3 tỷ tấn trữ lượng đá vôi ước tính toàn tỉnh Quảng Trị, riêng mỏ đá Tân Lâm thuộc huyện Cam Lộ đã chiếm gần 400 triệu tấn. Hiện nay các công ty khai thác đá vôi ở Tân Lâm đang từng bước hiện đại hóa dây chuyền sản xuất, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường và đem lại nguồn thu đáng kể.

Có thể nói, chặng đường 40 năm sau ngày quê hương giải phóng, Cam Lộ đang dần hiện thực hóa bức tranh nông thôn mới. Những vùng sâu, vùng xa heo hút, giao thông cách trở như vùng Cùa, Cam Tuyền..v.v. ngày nay đã có hệ thống đường giao thông nông thôn thuận tiện, có điện thắp sáng, trường học và trạm y tế ở từng thôn xã.

40 năm, chưa phải là dài so với lịch sử hàng trăm năm qua trên vùng đất được mệnh danh là “Ô châu ác địa”. Nhưng đất và người Cam Lộ đã có được những dòng sử vẻ vang của miền quê dọc ven đường Hồ Chí Minh nối từ Bắc vào Nam, dọc ven quốc lộ 9 nối từ Đông sang Tây. Ở ngã tư hai con đường này, Cam Lộ chắc chắn có những bước tiến dài năng động hơn nữa, để không chỉ xây dựng quê hương giàu đẹp mà còn góp phần tạo dựng một quê hương Quảng Trị ngày càng khởi sắc trên con đường đổi mới của đất nước.

Quảng Trị, được nhiều người biết đến, tìm đến bởi nơi đây được coi là vùng đất thiêng, nơi hàng vạn liệt sĩ trên mọi miền đất nước nằm lại qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài hơn 30 năm. Đến với Quảng Trị, hẳn trong trái tim mỗi người Việt Nam, bên cạnh niềm tri ân còn có mong muốn tận mắt nhìn thấy vết thương chiến tranh dần khép lại. Và trên mảnh đất này những chiếc lá, những bông hoa đã tươi xanh và rực rỡ như khát vọng thanh bình của những người dân biết quá nhiều về cái giá của hi sinh, mất mát.

Cam Lộ là hình ảnh thu nhỏ, mang đầy đủ tính cách của đất và người Quảng Trị. Một hành trình đi ngang qua đây, bằng sự thấu cảm của lịch sử, chạm tay vào các di tích, chứng tích, gặp gỡ mọi người trong những câu chuyện tình cờ là cách để chúng ta hiểu thêm và yêu hơn vùng đất mang cái tên ngọt lành như một niềm thương.

 

P.X.H

Phạm Xuân Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 223 tháng 04/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground