Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Miếu Trảo Trảo trong tâm thức người dân Quảng Trị

T

rong quá trình đấu tranh với các thế lực thù địch, chinh phục tự nhiên để từng bước ổn định dân tình, xây dựng vương quyền trên vùng đất mớ, bên cạnh việc sử dụng vũ lực thì chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã dùng một phương sách, một chiến lược an dân, thu phục nhân tâm, đặt nền tảng cho việc xác lập một ý thức hệ trên vùng đất mới. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi thử phân tích sự hình thành và tồn tại của miếu Trảo Trảo trên đất Quảng Trị ở thế kỷ XVI.

Miếu “Trảo Trảo phu nhân” nằm trên một bãi cát ven sông Thạch Hãn về phía Tây, thuộc địa phận của làng Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong; cách quốc lộ 1A gần 1km về phía Đông. Địa điểm này nằm cách không bao xa khu vực Dinh Ái Tử của chúa Nguyễn Hoàng. Miếu thờ một vị nữ thần gọi là Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch tướng Hựu phu nhân.

Năm 1558, để tránh khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của người anh rể Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ vùng Thuận Hoá mang theo câu tham vấn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” trong ý đồ phân lập và cát cứ của mình. Khi đến tại vùng đất mới, chúa Nguyễn Hoàng đã đóng Dinh ở Ái Tử. Sự kiện đáng chú ý là ngay từ buổi đầu đến đất Ái Tử mưu nghiệp lớn của Nguyễn Hoàng, đã được thiêng hóa bằng câu nói những tưởng đơn giản của ông cậu - vị quân sư đầy tài ba là Thái phó Nguyễn Ư Dĩ/Kỷ, "ấy là điềm trời cho nước ấy", khi các cụ bô lão làng Ái Tử dâng lên vị trấn thủ bảy vò nước, như một lời tiên tri đồng thời cũng chính là sự gởi trao niềm tin, hy vọng về một xu thế mới của người dân; để rồi, đến năm 1570 chúa kiêm quản luôn xứ Quảng Nam. 

Từ một vùng "ác địa" dần dần trở thành vùng đất đứng chân của họ Nguyễn với những bước đi chắc chắn nhờ vào tài năng của một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc Nguyễn Hoàng. Sử cũ chép: Trong thời gian đóng thủ phủ ở Quảng Trị, chúa Tiên với chính sách cai trị khoan hòa "việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng để răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu, tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp"1

Trong bối cảnh ly loạn và phức tạp của thành phần cư dân trên vùng đất mới, vấn đề cấp thiết lúc này là phải thiết lập một trật tự xã hội, ổn định và gắn kết nhân tâm, tạo sức mạnh cộng đồng để định hình nên những nét riêng, dần dần thoát khỏi vòng kềm tỏa, ảnh hưởng của triều đình Lê - Trịnh. Do đó, tín ngưỡng dân gian là một biện pháp hữu hiệu, như một minh chứng đầy sức thuyết phục cho chiến lược thu phục nhân tâm đầy tài năng của chính trị gia lỗi lạc Nguyễn Hoàng.

Kế tiếp, năm 1572, quân đội nhà Mạc do một dũng tướng là Lập Bạo dẫn đầu đã tiến đánh doanh trại của chúa Nguyễn. Hai bên đánh nhau nhiều ngày mà không phân thắng bại. Một đêm chúa Nguyễn Hoàng được thần sông Trảo Trảo báo mộng hãy dùng kế “mỹ nhân”2 nhờ thế mà quân của chúa Nguyễn đã giành được thắng lợi. Và sau khi phá tan giặc, nhà Chúa liền phong cho thần sông làm Trảo Trảo Linh Thu Phổ Tế Tướng Hựu phu nhân, và cho lập miếu thờ.

Có thể, từ một sự kiện trong thực tế lịch sử, nhưng qua lăng kính huyền tích, thì tất cả như đã biến đổi hoàn toàn, không còn là một sự kiện lịch sử đơn thuần. Phải chăng là có chủ ý? Bởi nếu quả thật như vậy thì không những củng cố được uy danh của mình mà chúa Tiên còn thu phục được nhân tâm một cách mạnh mẽ, đầy sức thuyết phục.

          Nhìn nhận sự kiện này xa hơn trong diễn trình lịch sử và bối cảnh xã hội đương thời, có thể nhận thấy đây là một phương sách an dân hữu hiệu, phù hợp với tín ngưỡng cũng như tâm lý chung của người dân. Trước hết, tính chất chiến cuộc đã được phân định rạch ròi: Mạc là phi nghĩa, soán nghịch, tất thất bại! Việc thần sông trợ giúp chúa Tiên phá giặc là ủng hộ cho chân Chúa và chính nghĩa, có nghĩa là hợp lẽ thần, lại thuận lẽ đời. Người Việt định cư trên Ô châu ác địa phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, đối diện với bao điều bất trắc, ngay cả chính mình. Tâm lý bất an đó, là căn nguyên khiến cho họ dễ dàng tiếp nhận thờ phụng những vị thần bản địa, dù buổi đầu còn quá xa lạ ngõ hầu tìm được sự bình yên trên vùng đất mới. Tuy nhiên, trong ý thức của người cai trị cũng như dân chúng, ít nhiều vẫn có tinh thần phản vệ trước tín ngưỡng bản địa mà họ chưa thể bứt phá ra khỏi sự chi phối ảnh hưởng. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của một vị thần Việt được chúa Nguyễn chính thức thừa nhận mang nhiều dấu ấn bản lề. Trên nền tảng tín ngưỡng đa thần, bị chi phối mạnh mẽ của thế giới thần linh, người Việt dễ dàng tiếp nhận một vị thần mới có nguồn gốc hoàn toàn Việt phù hợp với đời sống tín ngưỡng của mình. Chúa Tiên phong cho thần sông là "Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu phu nhân", cho lập miếu thờ bên sông Ái Tử, không chỉ khẳng định thần linh phù trợ cho người Việt trên vùng đất mới, mà còn là một linh bảo chứng thừa nhận của thần linh cho người Việt, về cương thổ cũng như nhân tâm: chủ nhân chính thức của vùng đất, mà Nguyễn Hoàng là người có đủ đức độ (và đương nhiên cả tài năng) xứng đáng nhận được ân huệ đó. Trên thực tế, có thể nhận thấy rằng điều đó, trước hết, kịp thời trấn an quân tình trong bối cảnh Chúa chưa thực sự thoát hiểm, và ươm mầm trong nhân tâm một niềm tin, sự an ủi lớn, xoá dần những ám ảnh về những vị thần bản địa đầy quyền năng; thiết lập một vị thần mới, tạo gốc rễ bền chặt trên đất Ô châu. Chúa Tiên phần nào làm yên lòng quan - quân - dân, những tân dân chưa đầy một thế hệ, nên đầy khắc khoải nỗi niềm cố hương, kể cả tâm lý hoài Lê. Không phải ngẫu nhiên, chúa Tiên đã tạo dựng được niềm tin về một tương lai của vùng đất mới.

Dù với một huyền tích, nhưng sự ra đời của miếu Trảo Trảo phu nhân đã giúp chúa Tiên Nguyễn Hoàng từng bước bình ổn được nhân tâm cho quân dân vùng Thuận Hoá lúc bấy giờ, việc kết hợp giữa “vương quyền”  và “thần quyền” đã được Nguyễn Hoàng vận dụng một cách tài tình trên vùng đất mới. Và miếu Trảo Trảo phu nhân vẫn tồn tại trong tâm thức của mỗi người dân Quảng Trị như là một địa điểm linh thiêng - một nhân chứng của lịch sử.

H.N.T

 

1 - Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. NXB Văn hóa - Thông tin. 2007.  Tr.62.

2 - Đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu trảo trảo, lấy làm lạ. Khấn rằng: Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc. Đêm ấy, Chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước trình rằngMinh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát thiếp xin giúp sức. Tỉnh dậy Chúa ngẫm nghĩ rằngNgười đàn bà trong mộng báo ta nên dùng mỹ kế phải chăng là dùng kế mỹ nhân? Trong đám thị nữ có Ngô thị có sắc đẹp, có mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng lụa dụ Lập Bạo tới chỗ sông có tiếng kêu trảo trảo để giết. Ngô thị đến trại Lập Bạo nói rằng Chúa công thiếp nghe tin tướng công ở xa đến, cho thiếp mang quà mọn đến để cùng giảng hoà, đừng đánh nhau nữa. Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô thị, nhưng giả cách giận, nói rằng Ngươi lại đây làm mồi dử ta phải chăng. Ngô thị uyển chuyển thưa gửi, Lập Bạo liền tin, giữ lại trong trướng. Ngô thị nhân đấy mời Lập Bạo đến bờ sông cùng Chúa họp thề. Lập Bạo nghe lời. Ngô thị đem việc ấy mật báo trước. Chúa lập tức dựng một ngôi đền tranh ở bên bờ sông, chỗ có tiếng kêu trảo trảo để làm nơi họp thề và đào hầm đặt phục binh. Đến hẹn, Lập Bạo và Ngô thị ngồi thuyền nhỏ, chỉ vài chục người theo hầu. Khi đến bến, thấy Chúa cũng chỉ có mấy chục người theo hầu, Lập Bạo thản nhiên không ngờ, bèn lên bờ thong thả bước đến cửa đền. Thình lình phục binh nổi dậy, Lập Bạo sợ chạy xuống thuyền, bơi xuống nước bị bắn chết. Quân giặc đầu hàng, Chúa cho ở đất Cồn Tiền đặt làm 36 phường (miền tây huyện Gio Linh ngày nay). (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam Thục Lục. Tập 1. NXB GD. 2004, trang 30 - 31).  

 

Hoàng Ngọc Thiệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 225 tháng 06/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground