Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tình đồng hương

N

hững ngày cuối năm, trời Sài Gòn se lạnh. Mỗi sáng mai thức dậy, chợt thấy bồi hồi khi những vạt nắng ngoài sân đã pha màu tết, vàng hanh. Mỗi chiều, ngồi nhớ bâng khuâng theo lời gió xôn xao, trên những tàn cây trút lá bên hiên. Chợt buồn. Năm tháng lụn tàn!

Mới đó thôi, mà đã hơn nửa thế kỷ lưu lạc quê người. Trên bước đường trôi nổi khắp phương Nam, không biết bao lần tôi đã gặp những đồng hương để lại trong lòng mình những ân tình thấm đẫm, càng thêm gợi nhớ quê nhà.

Ngày đó, khi còn là chàng trai trẻ. Một hôm có việc phải về Cần Thơ, đến bến bắc Mỹ Thuận thì trời sẩm tối. Phà kẹt từ chiều bởi phải nhường ưu tiên cho đoàn xe nhà binh chuyển quân ra trận. Đang đứng bên cửa sổ, nhìn xuống lòng sông Tiền đục ngầu, mênh mông, nhạt nhòa trong cơn mưa cuối mùa. Bỗng một anh Trung sĩ từ trên một chiếc GMC nhảy xuống, tìm đến nói với người bán thuốc lá dạo: “Bán cho tui 3 đồng, 4 điếu ruby”. Rõ ràng là giọng Quảng Trị không lẫn vào đâu, tôi nghe mà lòng bồi hồi, vội gợi chuyện: “Trung sĩ là người Quảng Trị?”. Không trả lời, mà anh ta hỏi ngược lại: “Anh cũng người Quảng Trị?”. Tôi gật đầu, anh ôm chầm lấy tôi chẳng khác nào bằng hữu thân tình, cách xa lâu ngày mới gặp lại, nét mặt hớn hở như trẻ con:“Trật đi mô được, nghe giọng là biết đồng hương liền”. Anh đốt thuốc và chìa cho tôi một điếu. Rồi kể: “Tui học trường Nguyễn Hoàng, thi rớt tú tài nên bị động viên vào Đồng Đế. Ra trường, chẳng thân thế nên bị đưa về miền Tây làm lính trận”. Té ra, anh cũng cùng huyện Hải Lăng với tôi. Anh ở xã Hải Kinh, còn tôi Hải Dương, cách nhau một cánh đồng cò bay thẳng cánh. Chưa nói được gì thì phà cặp bến. Trước khi nhảy lên xe, hai chúng tôi bịn rịn ôm nhau một lần nữa, ước hẹn với nhau có ngày gặp lại ở quê nhà. Dạo đó làm gì có điện thoại di động như bây giờ, anh nhặt bao thuốc lá dưới sàn phà, xé làm đôi ghi địa chỉ của hai đứa. Tôi còn nhớ như in, anh tên là Trần Lợi, KBC 4496. Đoàn xe chuyển bánh, anh cố ngoái lại, vẫy tay chào tạm biệt đồng hương. Tôi bước lên cầu bắc mà lòng xao xuyến như vừa chia tay với một người ruột thịt, chẳng biết có còn gặp lại hay không! Trở về Sài Gòn, tôi viết thư cho Lợi ngay, trong thư toàn nhắc chuyện quê nhà với lòng hoài hương canh cánh. Tất nhiên, cuối thư tôi không quên cầu chúc cho anh bình an, chân cứng đá mềm. Hơn mười ngày sau, lá thư được chuyển trả lại cho tôi với dòng ghi chú trên phong bì: “Hoàn lại người gởi, người nhận đã tử trận!” Tôi nhớ, lúc đó mình đã cố nén, nhưng nước mắt cứ trào. Thế là Trần Lợi đã hồi hương, anh đã làm một chuyến trở về không hề hẹn trước.

Mười mấy năm trước đây, nhân một chuyến về Hà Tiên công tác. Lúc bấy giờ từ phía núi Tô Châu, nối liền với trung tâm thị xã, còn là chiếc cầu phao bập bềnh trên sóng nước. Buổi chiều, tôi từ khách sạn Đông Hồ thả bộ ra đầu cầu hóng gió thì gặp một anh xe ôm chào mời bằng giọng không Quảng Bình thì cũng Quảng Trị. Hỏi ra, thì đúng đồng hương. Quê quán anh ở làng Nại Cửu, huyện Triệu Phong. Năm 1979, đi nghĩa vụ quân sự, chiến đấu ở mặt trận 479 bên nước bạn Campuchia. Xuất ngũ, định ghé lại Hà Tiên chơi mấy ngày cho biết. Nào ngờ duyên số đẩy đưa, anh bén duyên với một người con gái nơi đây, rồi rứt ra không đành. Thế là thành vợ, thành chồng và ở lại luôn. Tên anh là Lê Trọng Tình, cái tên phản ảnh một cách chính xác với tính cách con người. Tôi rủ anh vào một quán cà phê ven sông lộng gió biển khơi. Anh rớm nước mắt khi nhắc đến thời thơ ấu quê nhà. Những lần sung sướng được mẹ cho đi theo lên chợ thị xã, đôi chân trần bé bỏng chạy lúp xúp sau gánh rau nặng trĩu của mẹ, thế mà lòng vẫn thấy háo hức vô cùng. Ngang qua chùa Tỉnh Hội, anh đã thẩn thờ vì lần đầu tiên được thấy một công trình đồ sộ đến thế. Trước sân chùa, dòng sông Thạch Hãn lượn quanh, trơ đáy những ngày hè rát bỏng ngọn nam Lào. Tình nói: “Ở đây ít đồng hương lắm, nên gặp anh, em mừng hết lớn. Dù anh em miềng mới gặp nhau lần đầu, nhưng em thấy chẳng khác nào ruột thịt. Quê miềng (mình) khổ lắm, nên tha phương mà gặp được đồng hương là không có chi bằng”. Giọng của Tình chân thật và rất đơn sơ. Nghe là nhớ củ sắn, củ khoai, mùi đất bùn đồng cạn. Là nhớ tiếng kẻo kẹt sau lũy tre còm, ngàn đời vang vọng nỗi nhớ không nguôi. Khi không còn giữ kẻ, Tình nói: “Anh cứ ở khách sạn cho thoải mái, nhưng còn ở đây ngày nào cứ ghé nhà em ăn cơm. Mỗi sáng, em sẽ ghé đón anh, muốn đi đâu, em chở đi. Không tiền nong chi cả. Thú thật với anh, trước đây vợ chồng em lo nuôi hai cháu cũng vất vả lắm. Trời thương, năm ngoái em trúng 5 tấm vé số đặc biệt, thế là đổi đời. Nhưng vẫn cứ giữ nghề chạy xe ôm như bình thường để tránh mắt thiên hạ. Có tiền, vừa rồi em đã đưa vợ con về thăm nội. Xây lăng, đắp mộ cho ông bà, không mả đố ả làm nên! Em cũng dựng lại mái nhà cho mẹ em ở với vợ chồng thằng út. Rứa cũng là phúc đức lắm rồi phải không anh”. Tình thật thà như đếm. Hôm đầu tiên ghé nhà anh ăn cơm, tôi có mua chút quà cho hai đứa nhỏ. Đứa con gái lớn được anh đặt tên là Lê Thị Nại Cửu, thằng út là Lê Triệu Phong, chắc là Tình nhớ quê lắm mới đặt tên con như vậy. Người Quảng Trị ở đâu cũng khó lòng mất gốc. Anh ghé vào tai tôi trách móc: “Anh cứ làm khách, anh tới ăn với vợ chồng em bữa cơm là em vui lắm rồi, bày chi quà cáp. Anh biết không, từ ngày lấy vợ đến nay, khách đến nhà em toàn là bà con bên vợ. Năm thi mười họa mới có một người bên mình, toàn là tha phương cầu thực. Chừ được đồng hương là nhà báo như anh đến thăm, em nở mặt nở mày với bên vợ lắm”.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với Tình. Một lần, trong thư Tình gởi cho tôi, cháu Nại Cửu viết ké mấy dòng: “Bác ơi, cháu vừa học xong năm thứ nhất khoa Công nghệ thông tin tại đại học Cần Thơ. Nhiều bạn bè cháu nói, cái tên Nại Cửu của cháu không đẹp nhưng lạ. Riêng cháu, cháu rất tự hào, vì tên đó là tên của quê hương”. Xúc động, xúc động lắm! Sẽ là một điều bất hạnh cho những ai không có quê hương để tự hào. Năm ngoái, Tình gởi thiệp mời đám cưới con gái đầu lòng. Con bé vừa tốt nghiệp đại học. Kèm theo thiệp mời là mấy lời nhắn gởi của anh: “Anh cố gắng về chung vui với vợ chồng em. Cháu rất ngưỡng mộ bác và cứ nhắc bác hoài. Em rất mừng vì cháu mang nặng dòng máu quê miềng, học giỏi và chịu khó lắm. Cháu nói: “Con không muốn đổi đời nhờ vào may, rủi như ba. Là người Quảng Trị, con sẽ cố gắng vươn lên bằng chính sức học của mình để khỏi phụ lòng hy sinh của ba mẹ. Chính bác đã nhiều lần nói với con như thế trong những lá thư bác gời cho ba...”

Tôi dự định, thế nào cũng phải về Hà Tiên dự đám cưới của cháu Nại Cửu. Tiếc thay, phút chót lại gặp phải một cơn bạo bệnh, thế là không đi được, khiến lòng bứt rứt vô cùng.

Mới đây, Dương Ngạn, một người bạn cũ, cùng học với nhau thời tiểu học ở quê nhà, hiện đang định cư tại Canada về thăm quê. Một buổi tối, trước khi rời Việt Nam, anh mời tôi và vài anh em khác một bữa cơm chia tay. Sau bữa ăn là một chầu nhậu hoành tráng. Khi đã thấm hơi men, mấy thằng già sinh tật, nổi hứng rủ nhau đến một quán bia ôm ở miệt Tân Định để nối tiếp cuộc vui. Sẵn rượu ngon, lại thêm gái đẹp bên cạnh, khiến tiếng nói cười nổ dòn như sấm. Bỗng nghe cô gái ngồi bên cạnh cất giọng trọ trẹ, Dương Ngạn ngồi thẳng người lại hỏi: “Em quê ở mô?”, dường như nhận ra đồng hương, cô gái đáp rất hứng khởi: “Quê em ở Cam Lộ, Quảng Trị, nhưng đã theo cha mẹ vào Bà Rịa từ nhỏ”. Bất chợt nổi cơn thịnh nộ. Dương Ngạn dằn mạnh ly rượu xuống bàn, rồi chỉ thẳng vào mặt cô gái đáng thương, lớn tiếng: “Em là đồ vô hậu, đi bán bia ôm chớ có phải làm quan, làm gia chi mà ai hỏi cũng đem quê hương, gốc gác ra khoe cho thêm nhục. Tại sao ngồi với khách lại không biết giấu đi? Người Quảng Trị mình, dù ở bên Tây, bên Mỹ hay ở Việt Nam ít đứa nào như em, đói thì đi làm công nhân, làm thuê làm mướn chớ… ?”. Vô cớ bị mắng mỏ, cô gái vẫn nhẫn nhục, cố trần tình: “Em xin lỗi, cho em xin lỗi. Em vào đây chỉ ngồi bàn với khách để kiếm tiền boa, chớ không làm bậy. Thường, em chỉ nói giọng Nam, nhưng hôm nay gặp mấy anh, biết là đồng hương nên mừng quá em mới nói giọng quê mình. Mấy anh tha lỗi”. Rồi cô gái ôm mặt khóc tức tưởi và tôi cũng nghe rung động trong lòng. Tha phương, cuộc sống càng nhọc nhằn thì càng thấy ấm áp khi gặp đồng hương. Cô gái này cũng thế mà thôi. Sự việc xảy ra đột ngột khiến tiệc nhậu không còn hứng thú. Thấy cô gái cứ khóc, Dương Ngạn cũng rơm rớm nước mắt. Anh đổi cách xưng hô và nói bằng giọng hối hận: “Chú xin lỗi cháu. Chẳng qua, đi xa lâu ngày, chú quá nhớ thương quê mà nổi nóng với cháu thế thôi. Nhớ từ rày về sau, nếu vì hoàn cảnh mà tiếp tục làm nghề này thì đừng bao giờ nói ra quê mình cho ai biết”. Cô gái ấp úng: “Cháu biết mà, nhưng hôm nay gặp mấy chú, mừng quá nên quên”.

Trước khi tính tiền ra về, Dương Ngạn đứng dậy, móc ra tờ 100 đô Mỹ trao cho cô gái, anh nói một cách chân thành: “Chú biếu cháu”. Cô gái một mực từ chối. Tôi xen vào: “Cháu nhận đi, đây không phải là tiền “boa” mà là tấm lòng của chú Ngạn gởi cho một đồng hương”. Chúng tôi nói mãi, cô gái mới chịu nhận một cách miễn cưỡng. Bước ra cửa, Dương Ngạn nói với chúng tôi: “Tội nghiệp, con nhỏ còn mang nặng trong hồn sự trong sáng của người quê mình”.

Tôi ở Sài Gòn, nơi tụ họp rất đông người Quảng Trị với đủ mọi thành phần xã hội, chẳng thể nào biết nhau hết được. Vì cơ duyên, nên một nhóm anh em đồng hương chúng tôi thường liên hệ với nhau, như đạo diễn Lê Cung Bắc, các anh Lê Hải, Lê Thiêm, Ngọc Trường, Đức Phân, Nha Sĩ Vững... lâu lâu không gặp nhau là thấy nhớ, cứ điện thoại gọi nhau hẹn hò ơi ới... Tha hương lâu ngày, thế mà Ngọc Trường cứ giữ nguyên cái giọng Quảng Trị không một chút pha tạp. Có lần, ngồi trong quán “Nhà Tôi” trên đường Lê Quý Đôn, tôi vô tình đánh rơi ly nước xuống sàn. Phản ứng tự nhiên, Ngọc Trường buộc miệng: “Anh mần em giựt chắc!”. Cả bàn cười thích thú, Lê Cung Bắc cười lớn nhất: “Cái thằng Trường thật dễ thương, nghe nó nói mà tưởng như mình đang ngồi ở Chợ Sãi, Diên Sanh hay Đông Hà mô đó”. Có một người không phải gốc gác Quảng Trị, nhưng lại thường xuyên gặp gỡ với nhóm chúng tôi, đó là nhà thơ Đỗ Trung Quân. Nhiều lần Quân nói trong xúc động: “Mấy anh hơn tôi vì còn có riêng một quê nhà để nhớ. Còn tôi thì không. Thôi thì cứ coi như tôi cũng là dân Quảng Trị vậy”.

Quả thật, năm tháng sống tha phương mà gặp được đồng hương thì cuộc đời ấm áp lắm thay.

Đ.T.H

 

 
 
ĐOÀN THẠCH HÃN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 209 tháng 02/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground