Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ái Tử - Nơi khởi nghiệp của một vương triều

Có người nghĩ rằng sở dĩ Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hóa là vì “đuổi chưa tiện tha làm phúc”. Ông ta chắc đã tính nước hai: “Ném đá giấu tay” như kiểu “đào tạo từ xa” cho êm chuyện. Bởi lẽ “máu chảy ruột mềm” bà Ngọc Bảo, vừa mất cha vừa mất em lẽ nào không ôm chân ông ta mà van xin. Anh em Trịnh Tùng còn nhỏ cũng ngã vào lòng mẹ chịu tang ông ngoại và cậu ruột. Tang tóc thế, Trịnh Kiểm chùng lòng khoảnh khắc. Các thuộc tướng tâm phúc của Nguyễn Kim mới sa vào tay Trịnh Kiểm chừng nào còn gợi nên lẽ thu phục lòng quân trong con người đa mưu túc kế ấy. Các nhà vua Lê Trang Tông và Lê Anh Tông tuy là làm nhưng vì buổi đầu mới trung hưng còn được nể. Và, một điều không thể không tính đến nữa là trong triều nhiều con mắt, ngoài nội lắm lỗ tai. Lời gièm, tiếng oán qua hai cái chết vô lý của cha con Nguyễn Kim đang là thời sự. Công luận nhiều khi cũng làm chùng dây cung. Nhất là sau khi nghe Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc “Giữ chùa thờ Phật mà ăn oản”, nghĩa là chưa đến lượt, đừng có mà chen ngang, Trịnh Kiểm như tỉnh cơn mê tham vọng bá quyền. Thế là từ lăm le xóa sổ Nguyễn, độc chiếm hào quang phò Lê, để tranh thủ lòng người, Trịnh Kiểm sắm vai chính nhân quân tử, dâng biểu xin vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ Thuận Hóa. Khoảnh khắc hy hữu đó như một phép lạ để tạo nên cơ may cho Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng thoát ra khỏi vòng cương tỏa “thập tử nhất sinh”.
 

Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân và của do đấy mà ra, buổi quốc sơ nhờ đấy mà nên nghiệp lớn. Nay lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, sợ có kẻ dẫn giặc về cướp, ví không được tướng tài trấn thủ vỗ yên thì không thể xong. Đoan quận công là con nhà tướng, có tài trí mưu lược, có thể sai đi trấn ở đấy, để cùng với trấn thủ Quảng Nam cùng nhau giúp sức thì mới đỡ lo đến miền nam1

Ái Tử thuộc xã Triệu Ái. Trà Bát về sau gọi là Trà Liên với Dinh Cát thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Những ngày nghỉ hưu, vô công rồi nghề, một vài lần ra Quảng Trị thăm Nguyễn Bình, bạn đồng nghiệp thuở hàn vi, hai chúng tôi có khi đã lang thang dọc bờ sông Thạch Hãn rồi tìm một chỗ bên Ghềnh Phủ Phước Châu ngồi nhìn sông, nhìn cát, nhìn những mái nhà thấp thoáng giữa dải bờ xanh mới hồi sức sau một thời khói lửa. Ở địa điểm này, sông Thạch Hãn uốn cong như cái éc (Éc là thổ ngữ quê tôi). Tiếng phổ thông gọi là cái vai cày. “Cái vai cày” lật nghiêng án ngữ ba phía Bắc, Đông và Nam. Sông Ái Tử dân gian thường gọi là Rào Ái nằm chéo phía Tây như một đường huyền. Vậy là bốn phía có bốn hào nước sâu đủ làm nên chướng ngại thiên nhiên bảo vệ vị tướng họ Nguyễn thất cơ đang đi tìm lẽ sống.

Với Vũ Xương, Minh Linh dân cư đông đúc mà sầm uất hơn, Châu Hóa thịnh vượng lại có sẵn công đường dinh thự hơn. Cầm được Trấn tiết vua Lê như là đã có trong tay lá bùa hộ mệnh, Nguyễn Hoàng vẫn ý thức được rằng tính hợp pháp của ông trên cương vị Trấn thủ chỉ để giao tiếp với những ai thiện chí nơi nhiệm sở mà không hề có giá trị gì với bọn tay chân bất lương mù quáng nằm vùng của thế lực đối lập. Vả lại, Ái Tử là một vùng hoang mạc nghèo, dưới con mắt Trịnh, chẳng có chi đáng ngạiNgười của Trịnh không để mắt đến mà chắc chi họ được yên thân tá túc, người của Mạc cũng khó dung thân. Vị tướng thất cơ lỡ vận Nguyễn lại được cư dân sở tại hồ hởi tiếp đón, hồ hởi cưu mang. Bởi lòng trắc ẩn dân gian thường hay đứng về phía người hiền gặp nạn.

Chọn Cửa Việt để vào Ái Tử mà không chọn Cửa Tùng để vào Minh Linh hay Cửa Eo để vào Châu Hóa đã thể hiện rõ sự tinh tế của một vị tướng trẻ vừa bước sang tuổi 34. Bởi, Ái Tử, Trịnh coi là cửa tử. Ái Tử, Nguyễn tìm ra cửa sinh. Cái nhìn từ hai phía tại một nơi không lấy gì làm đắc địa là may cho Nguyễn, là mù cho Trịnh. Và, một điều có lẽ ít ai lưu ý là chính tại mảnh đất mà các Nho sinh thời Mạc chê thiếu tình mẫu tử bởi “bán con cho người” thì vị chúa Nguyễn đầu tiên lại nhìn thấy tiền đồ mai sau của dân tộc mình, của dòng họ mình. Thế rồi với 12 năm Ái Tử (1558 - 1570), 30 năm Trà Bát (1570 - 1600), 26 năm Dinh Cát (1600 - 1626) chia hai. Cha, chúa Tiên nửa trước. Con, chúa Phật nửa sau (nhiều tư liệu viết là chúa Sãi). Cả ba Thủ phủ này tồn tại 68 năm (1558 - 1626), để lại ba dấu tích Thủ phủ đầu đời xứ Đàng Trong hằn rõ những nét băn khoăn trăn trở vừa nhấp nhô vừa nhấp nhổm. Tuy vậy, chính tại đây (chúng tôi gộp chung là Ái Tử) với cái tâm, cái tầm kinh bang tế thế, và với tài thao lược của một vị tướng, chúa Tiên Nguyễn Hoàng không những đã vượt qua tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” mà còn thiết kế để từng bước thực hiện công cuộc mở nước chuẩn bị xây dựng một Vương triều hoàn chỉnh trên lãnh thổ quốc gia thống nhất trọn vẹn mà các Vương triều trước chưa vươn tới. Và, tại mảnh đất Ái Tử cát trắng nắng vàng này từ những ngày đầu mới làm quen với xứ lạ, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng đã cho cải đổi một số địa danh trên đất Thuận Hóa. Trong số đó có Kim Trà thành Hương Trà, Thụy Lôi thành Phú Xuân.

Kim Trà (Trà Kệ Mới) vốn là Trà Kệ trước năm 1306. Giữa lòng Trà Kệ có sông Huê chảy từ đầu nguồn ra cuối bãi. Huê tiếng Chăm là thơm tiếng Việt. Người đầu tiên nói tới điều này là Tiến sĩ Po Dar Ma. Kim Trà thay Trà Kệ thì sông Thơm thay sông Huê. Sau năm 1558, Hương Trà thay Kim Trà thì Hương Giang mới thay sông Thơm để có thêm địa danh Hương Thủy.

Vậy là, các địa danh Hương Trà, Hương Thủy, Hương Giang ngày nay đều ra đời từ Ái Tử ngày xưa.  Ái Tử làm nên tên đẹp của một dòng sông mà ít khi ta nghĩ đến. Tôi đinh ninh thế. Chùa Thiên Mụ đứng trên đồi Hà Khê có Hương Giang - Hương Thủy Hải phía trước, có Thất Thế Giới Sơn - Sumeru phía sau, ở buổi đầu thế kỷ XVII cũng khởi sự từ mảnh đất gió cát Ái Tử, 412 năm trước. 

Ngồi bên mép Ghềnh Phủ Phước Châu một thuở sầm uất trên bến dưới thuyền, nhìn sang đụn cát Cồn Cờ, nhìn ra Cửa Việt mới nhận rõ thế tiến, thế lùi của một tài thao lược khi sức còn non, lực còn mỏng. Binh bộ đứng trên cồn cát làm điểm tựa cho Trấn thủ. Binh thuyền nép bên cửa sông phòng khi bất trắc rút lẹ ra khơi bảo toàn sinh mệnh. “Quân tử phòng thân”. Hai chúng tôi tâm đắc điều này. Không phòng thân sao được. Khi một kẻ đã ôm tham vọng giành bá quyền phò Lê, để chờ thời cơ mà làm bá chủ thiên hạ thì sự tồn tại của một thế lực thứ hai là cái gai phải nhổ. Mối quan hệ một mất một còn sau tai nạn Nguyễn Kim là cái chết oan nghiệt của Nguyễn Uông. Hơn ai hết, Nguyễn Hoàng thấu hiểu điều đó. Sự gặp gỡ rủi may, vận mệnh và hồng phúc gia đình hằn lên từ việc lựa chọn Ái Tử hoang mạc để xây dựng đất đứng chân ban đầu của Đoan Quận Công vào tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558).

Theo Nguyễn Bình, cái lý chọn Ái Tử bắt nguồn từ cái thế của Đoan Quận Công trong những ngày vừa chạy khỏi Tây Đô vừa ngoái đầu nhìn lại dè chừng. Trịnh Kiểm biết Nguyễn Hoàng không vào cửa Thuận để lên Hóa Châu, nơi đó đã có sẵn dinh thự thành quách với quan lại thuộc quyền của ông ta đang chờ, cũng không vào Cửa Tùng nơi mà người của Trịnh đã chiếm giữ trước. Có nghĩa là Nguyễn Hoàng không vào bẩy. Ái Tử, dưới con mắt Trịnh là một địa điểm tầm thường không gợi nên cơ ngơi sào huyệt. Nhờ thế, mười ba năm đầu, Nguyễn Hoàng tạm yên thân xây dựng tình hòa hiếu thủy chung với cư dân sở tại, nơi mà ngay từ khi mới đặt chân lên cát ông đã nhận được sự đón chào nồng ấm.

Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội2

Không hiểu sao, tôi thường loay hoay với thời đoạn 13 năm của hai vị chúa Nguyễn buổi đầu ở xứ Đàng Trong. Ấy là 13 năm Hạ Khê Hầu Nguyễn Hoàng nơm nớp trước mũi kiếm anh rể (1545 - 1558) tại Tây Đô. Tiếp theo là 13 năm Ái Tử (1558 - 1571), Đoan Quận Công dù đã chạy ra khỏi tầm gươm giáo rồi, dẫu dè chừng vẫn phải ngoái lại, quay về với tâm trạng như còn thảng thốt lo âu lại đau đáu bổn phận. Bởi chung quanh Trấn phủ mới khai sinh đang ở dạng doanh trại, tay chân anh rể đã bài binh bố trận đâu ra đó rồi. Chạy hẳn sẽ bị khép tội bất trung, không còn cớ phò Lê khó tồn tại. Đứng lại, sinh mệnh khó bảo tồn bởi nóng lạnh của một tấm lòng nham hiểm. Đã chạy được xa tầm gươm nhưng lại cố thể hiện cho thật rõ lẽ tùng phục một cách mẫn cán cúc cung. Tôi nghĩ đến Việt Vương Câu Tiễn trong tâm trạng Nguyễn Hoàng ở  thời đoạn 13 năm thứ hai này. 13 năm Ái Tử + 22 năm Trà Bát với 8 năm Đông Đô đủ để ông lập thế bảo toàn và dựng nghiệp. Tiếp theo là 13 năm sau ngày rời Đông Đô (1600 - 1613), Đoan Quốc Công biết là không thể cùng Trịnh phò Lê cho trọn ý tưởng của thân phụ mình, buộc lòng tìm một hướng đi riêng. Quyết định ly khai khỏi Vương triều Lê - Trịnh thể hiện trong thời đoạn mười ba năm thứ ba này. Hai thời đoạn 13  năm tiếp theo là của chúa Phật Nguyễn Phúc Nguyên với Trấn thủ Quảng Nam (1600 - 1613) để quen việc và có tầm nhìn xa rộng hơn, có mối bang giao quảng đại hơn và 13 năm với 13 mùa vào Hạ (1613 - 1626), Chúa Phật nán lại chịu tang cha rồi mới lùi xuống sông Bồ vừa tránh xa phía Bắc vừa chuẩn bị tư thế thực hiện di huấn của thân phụ mình.

Chuyện ngày đó đã lùi xa chúng ta ngót năm thế kỷ, khó biết được nguồn cơn ai được dân trọng, ai bị dân khinh. Nhưng truyền thuyết về bảy vò nước ngọt người dân sở tại chắt chiu giữa sa mạc dâng lên chính là dâng cả cõi lòng. Chuyện bà Trương Trà chưa vội khâm liệm thi thể chồng tử trận mà ngay lập tức mặc áo lính để xông pha tên đạn diệt bằng được kẻ thù của chồng cũng là kẻ thù của xứ Đàng Trong đâu ra đó rồi mới quay về tổ chức tang, nếu chỉ một mình thì chắc gì đã giết được Văn Sơn, đuổi được Văn Lan làm nên lịch sử lễ. Chuyện cung nhân Ngô Thị Ngọc Lâm can đảm, mưu trí một mình vào trướng phủ kẻ thù làm thuyết khách. Biết là phải hy sinh nhưng biết là vì đại nghĩa.

Đọc những mẫu viết quá cô đọng về các bà đánh giặc, tự nhiên tôi hình dung nên khí thế xung thiên “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của Ái Tử những năm sóng gió - Bà Trương Trà. Thì ra, chuyện cũ thường là giản lược. Bà Trương Trà, bà Ngọc Lâm là hình tượng của người dân xứ Thuận, xứ Hóa thuở bấy giờ mà Ái Tử đại diện đứng bên chúa. Lẫm liệt của bà quả phụ Trương Trà, khôn ngoan của bà Ngô Thị Ngọc Lâm là mẫu số chung phẩm chất Ái Tử nửa đầu thế kỷ XVI vậy.

Chuyện xưa. Qua năm thế kỷ đã mòn. Nhưng địa danh Cầu Ngói, Trảo Trảo, Diêm Trường, Thế Lại, Cồn Cờ, Bãi Trận,… thì vẫn còn nguyên đó. Xem ra, lịch sử từ cổ chí kim đều rành rọt một điều là dân đứng với ai thì bên đó thắng.

Phế liệu hữu cơ không chịu tồn tại với nắng mưa gió bão. Phế liệu vô cơ, chủ yếu là ngói gạch, sành sứ, sỏi đá thì “vẫn cần có nhau” nhan nhản như là ký tự của một pho huyền sử chung quanh chỗ chúng tôi ngồi.

“Chúa vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng lên, thực là xây nền từ đây3.

Sông Thạch Hãn chảy đến khúc quanh này vừa vấn vương vừa bịn rịn. Âm thầm mà rỉ rả. Dòng nước xoáy lại ôm chầm lên những tảng đá nổi rồi lặng lẽ buông ra như một lời từ biệt làm tôi liên tưởng đến hai con sông trên thân Thuần Đỉnh. Đó là Thạch Hãn Giang và Vĩnh Định Hà. Thuần Đỉnh là đỉnh thứ sáu trong chín đỉnh đồng được nhà vua Nguyễn Thánh Tổ cho đúc vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), hiện đặt trước sân Thế Tổ miếu trong Hoàng Thành Huế.

Hình tượng sông Thạch Hãn bằng chín tảng đá nổi giữa dòng với tên sông đúc bên bờ tả ngạn cùng những làn sóng lùa từ phía Đông vào lại có cả cửa lạch của một chi lưu mà hai chúng tôi từng chỉ cho nhau thuở mày mò điền dã, hệt như nơi chúng tôi đang ngồi bên Ghềnh Phủ Phước Châu nhìn ra phía rì rào của biển mà tiếng sóng dường như vẫn còn nhắn gửi điều gì xa xăm lắm.

Nguyễn Bình thẳng tay chỉ về phía làng Cổ Thành bên bờ hữu ngạn, nơi đó cửa sông đào Vĩnh Định (1825) nhận nước Thạch Hãn chuyển dọc các làng cát xuống nối với Phá Tam Giang cũng có nghĩa là nối với Kinh thành Huế. Ngoài “sứ mệnh” cung cấp nguồn sống cho đất đai, hoa mầu, gia súc, gia cầm,… sông Vĩnh Định như một dải lụa xanh nối Ái Tử với Phú Xuân. Không nhiều lời. Vĩnh Định Hà nhận nước từ Thạch Hãn Giang, như Phú Xuân nhận ân huệ từ Ái Tử sao mà sâu lắng thế!

Mười ba năm (1545 - 1558) thảng thốt dưới tay anh rể vừa ngoan ngoãn phục tùng vừa đề phòng né tránh đã thoát nạn. Ba mươi năm tiếp theo (1558 - 1570) như đã tự tin chững chạc vừa phòng Bắc vừa tránh Nam vừa lo ngoài vừa sợ trong đã làm nên Ái Tử. Và, mười ba năm Dinh Cát sau ngày từ Đông Đô chạy về nghiễm nhiên chuẩn bị hướng đi riêng cho con cháu mình. Bởi tám năm ra Đông Đô, cho dù đã được nhà vua Lê Thế Tông ban phong làm “Trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Chưởng phủ sự Thái úy Đoan Quốc Công” với lời khen “Ông trấn thủ hai xứ, dân nhờ được yên, công ấy rất lớn”, cho dù đã giúp Trịnh đánh Đông dẹp Bắc, cho dù đã là đề điệu của một khoa thi Hội,… chúa Tiên Nguyễn Hoàng vẫn không thể vượt ra khỏi sự kiềm chế nghiệt ngã của Trịnh Tùng. Mà sự đời thì bao giờ cánh phò thịnh thường đông hơn cánh phò suy. Biết là khó đảo ngược thế cờ, Nguyễn Hoàng dường như trăn trở giữa tư tưởng trung quân ái quốc với sự tồn vong của một dòng họ. Có lẽ trong thời gian này ông đã về Trung Am (Vĩnh Bảo) yết kiến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và lĩnh hội lời khuyên “Hoành Sơn nhất đái. Vạn đại dung thân”.

Xứ Đàng Trong ra đời từ lời khuyên đó.

Dịp may như là vận mệnh. Tháng 10 năm Giáp Ngọ (1594), Nguyễn Hoàng được vua Lê phái lên Sơn Tây phối hợp với Nguyễn Hữu Liêu tiễu phạt tướng Vũ Đức Cung làm phản và, năm sau với cương vị Đề điệu khoa Ất Mùi (1594), ông lại được Nguyễn Hữu Liêu cho xem quyển của một sĩ tử bị biếm.

 Nguyễn Hữu Liêu, vốn là vị tướng đã đuổi bắt Lê Anh Tông tại Nghệ An năm 1573 khi nhà vua này định chạy vào miền trong, chắc là với Nguyễn Hoàng, vì vậy Lê Anh Tông mới bị Trịnh Tùng giết. Nếu không có biến cố Sơn Tây và khoa thi Hội - Ất Mùi thì Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Liêu khó mà ngồi với nhau.   

Xem quyển, nhận ra thiên tư dĩnh ngộ của một tài năng có chí dời non lập biển, Nguyễn Hoàng tâm đắc như thể “buồn ngủ gặp được chiếu manh. Đói bụng lại có cơm canh sẵn sàng” nên đã thầm lặng đi tìm chủ nhân của nó.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt Nguyễn Hoàng là bức tranh Lưu Bị đến Long Trung thỉnh cầu Gia Cát Lượng hạ sơn ra giúp nhà Hán, treo trên vách phòng trọ của Đào Duy Từ nên đã ứng khẩu đọc hai câu thay lời chào xã giao:

Vó ngựa sườn non đá chập chùng

Cầu hiền lặn lội biết bao công.

Với năng khiếu nhạy bén của một tâm trí thông minh bẩm sinh, Đào Duy Từ nhận ra vị khách này không phải là hạng tầm thường nên đã đáp lễ bằng hai câu tiếp:

Đem câu phò Hán ra dò ý

Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng.

Nguyễn Hoàng nhận biết vị sĩ tử trước mắt mình là một tài năng nên đã nối thêm:

Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở

Biên thùy vạch sẵn một dòng sông”.

Đào Duy Từ dường như đã hiểu ý vị khách vong niên này, vừa cúi chào đáp lễ vừa đọc tiếp hai câu kết để bày tỏ lòng mình:

Ví chăng không có lời Nguyên Trực

Thì biết đâu mà đón Ngọa Long”.

Nguyễn Hoàng thật sự tâm đắc. Qua bài thơ ngẫu hứng xuất khẩu nối vần, tân, chủ nhận ra nhau. Trước khi rời tệ xá của anh con trai họ Đào, vị khách Thuận Hóa đã nói lời từ biệt:

Lão phu về trước, xin đắp sẵn đàn bái tướng chờ tiên sinh. Năm nay lão phu hơn 70 tuổi, nếu có thất lộc cũng xin di ngôn cho con cháu phải đón tiên sinh về dạy bảo”. 

Toàn bài gom lại như sau:                 

Vó ngựa sườn non đá chập chùng

Cầu hiền lặn lội biết bao công.

Đem câu phò Hán ra dò ý

Lấy nghĩa tôn Lưu để ướm lòng.

Lãnh thổ đoán chia ba xứ sở

Biên thùy vạch sẵn một dòng sông”.

Ví chăng không có lời Nguyên Trực

Thì biết đâu mà đón Ngọa Long4.

Biết nói gì hơn. Âu cũng là vận nước. “Canh Tý, năm thứ 43 (1600)... mùa hạ, tháng 5, chúa từ Đông Đô trở về. Bấy giờ chúa đã ở Đông Đô 8 năm, đánh dẹp bốn phương đều thắng. Vì có công to, nên họ Trịnh ghét. Gặp lúc bọn tướng Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga và Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An (nay thuộc Nam Định), chúa nhân dịp đem quân tiến đánh, liền đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ, do đường biển thẳng về Thuận Hóa, để hoàng tử thứ năm là Hải và hoàng tôn là Hắc ở lại làm con tin”5. 

Vừa nhìn trời vừa bâng quơ nhìn sông trôi, tôi hỏi Nguyễn Bình hình như cơ ngơi Trà Bát bề thế hơn Dinh Cát phải không? Lâu nay tôi cũng nghĩ thế! Nguyễn Bình nói tiếp. Có lẽ sau ba mươi năm mọi công trình kiến trúc dinh thự thành quách Trà Bát đều đã xuống cấp. Đại trùng tu tất cả chắc tốn kém lại phải mất rất nhiều thời gian mà nhu cầu xây dựng cơ ngơi mới với quy mô vừa phải nhưng vững chắc hơn lại cấp thiết. Dinh Cát mang rõ nét phòng thủ hơn Ái Tử và Trà Bát. Giả thuyết bởi suy tư không lấy gì làm bằng. Nhưng phế liệu gạch đá như là ngôn ngữ của một thời Dinh Cát còn bày ra đó.

Các địa danh Cồn Cát, Cồn Kho, Mô Súng, Tàu Tượng, Tiền Kiên, Tả Kiên, Thành Ao, Bãi Trận, Đò Xưởng, Ghềnh Phủ Phước Châu, chùa Liễu Bông (Liễu Ba) nơi đã từng thờ tượng ngài quân sư Nguyễn Ư Dĩ (cậu của Nguyễn Hoàng)… Chỉ chừng đó thôi, bỗng nhiên dấy lên trong tâm tư cả hai anh em chúng tôi, tình cậu cháu giữa Nguyễn Hoàng với Nguyễn Ư Dĩ và tình cậu cháu giữa Trịnh Tùng với Nguyễn Hoàng. Chân - ngụy, chính - tà, thiện - ác và luật nhân quả dường như cũng bật sang hai phía trái, phải của một dòng sông bên lở bên bồi.

Cát Ái Tử không xa lạ với Nguyễn Bình, nhưng tôi vẫn cứ ngỡ ngàng giữa thấp cao, nhấp nhô, đứt nối bởi từng thửa ruộng rời rạc như những chấm nhỏ trên da một chú hươu sao. Cây lúa phải en cát mà lên. Thế Nguyễn Hoàng thời đó như thân phận cây lúa non giữa hoang mạc vậy. Bởi thời gian và gió bụi, quá khứ đã phôi pha, mà dấu chân ông như thể vẫn hằn lên trên các địa danh theo hướng tay chỉ của Nguyễn Bình.

Những điều như thế gợi lên trong tôi về sự may rủi của một dòng họ, vận thịnh suy của một quốc gia có bóng dáng trong bước ngoặt của một danh tướng mang dòng máu các vị khai quốc công thần Đinh, Lý, Lê xuất thân từ Gia Viễn, Gia Miêu.

“Ái Tử, dấu chân trên cát” không còn, nhưng trong ký ức nhân gian thì vẫn hằn sâu mãi mãi!

M.K.Ư - N.V.Q.T 

 

 

______________

Tài liệu tham khảo

Đại Nam Thực Lục, tập 1. Nxb Giáo dục, H, 2007


 

MAI KHẮC ỨNG - NGUYỄN VŨ QUỲNH THI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 229 tháng 10/2013

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

13 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

13 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

13 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

13 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground