Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ăn tết trên vườn cũ

 

T

hôn Thượng Phước nằm về phía Tây của xã Triệu Thượng, gần vùng giáp ranh, nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và Mỹ ngụy trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đối với cách mạng, vùng này là “bàn đạp” đứng chân để đưa các lực lượng “thọc sâu” vào đồn bốt địch quanh thị xã Quảng Trị và các vùng lân cận phía Đông đường số I. Từ năm 1964, quân ta giải phóng hoàn toàn các thôn An Đôn, Nhan Biều, Xuân Yên và Thượng Phước. Đến năm 1969, địch núng ra lấn chiếm, gom dân thôn Thượng Phước về tập trung ở sát đường số I thuộc địa phận thôn Nhan Biều để chúng dễ khống chế, quản lý dân, hòng cắt đứt mối liên lạc, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Nhân dân hàng ngày đấu tranh để được trở về vườn cũ làm ăn. Địch kiểm soát rất gắt gao, từ vắt cơm trưa, bình nước uống, gánh phân đem đi bón ruộng, chúng đều xáo tung lên để kiểm soát. Bọn Mỹ ngụy ở La Vang thường đặt ống nhòm quan sát về hướng Thượng Phước, và đồi trọc phía trên dốc Cơn Thang. Nếu chúng thấy một hiện tượng khả nghi là gọi pháo “dọt” về liền. Nhân dân thả trâu bò cho đi ăn cũng góp nhiều khó khăn.

Địch rút kinh nghiệm Tết Mậu Thân (1968) do đó các ngày tết của năm 69, 70, 71, 72 dịch luôn đề phòng gắt gao hơn. Chúng nói vùng này là chỗ dựa cho Việt cộng ém quân để chờ tấn công đợt hai, nên chúng luôn mở nhiều đợt càn quét lên phía Tây thôn Thượng Phước và phía tây xã Triệu Ái để bảo vệ quân địch ở thị xã Quảng Trị ăn tết.

Cán bộ ta hoạt động bám địa bàn, bám dân, "một tấc không di, một ly không rời", đó là khẩu hiệu và mệnh lệnh của Đảng, cho nên một du kích, một cán bộ bám địa bàn hàng ngày thấy bóng một người dân về làng cũ làm vườn là trong lòng vui phơi phới, biết chắc ngày ấy địch không đi càn (được hòa bình).

Nhất là ba ngày Tết, số cán bộ ở chiến khu về tăng cường ở địa bàn đều xa nhà cả, còn anh em du kích và cán bộ xã hàng ngày được gặp người thân đỡ buồn hơn. Tối lại móc võng ngủ ở các bụi tre, gốc mít, lùm cây thỉnh thoảng nghe tiếng pháo cầm canh vọng lại, tiếng ếch nhái ở các thửa ruộng hoang kêu ộp oạp, ộp oạp gợi lên nỗi buồn da diết. Ở Quảng Trị vào các dịp gần Tết thường hay mùa rét liên miên. Suốt ngày áo quần ướt sũng, lạnh buốt xương tủy, vậy mà ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, mỗi người chỉ có một tấm ni long đứng quanh gốc cây xoài, cây mít núp mưa. Trong các vườn của dân chỉ trơ trọi nền nhà trống vắng, không có một tiếng chó mèo kêu, không có một tiếng gà gáy sáng, chỉ có những con chim cuốc lẻ đôi kêu nhau buồn bã.

Độ sáu giờ tối, trong tổ phân công nhau người xuống bờ sông Thach Hãn múc nước, người nhóm lửa nấu cơm người đi nhổ cải, hái rau đậu của dân "thả lỏng" cho ăn thoải mái, nhưng cấm không ai được làm hư hoa màu của dân. Ăn xong, mỗi người đem soong nồi, phân tán dấu ở các đám cỏ tranh, bụi tre, và xóa hết dấu vết của bếp lửa, từng que cũi cháy dở cũng ném thật xa, nhặt và lấp kín những hạt gạo, hạt cơm rơi trên mặt đất. Xong xuôi, mỗi người nhận một vắt cơm cho ngày mai. Tối hôm sau tiếp tục lặp lại công việc bình thường như chiều hôm trước. Có những đêm tôi móc ở đầu dây võng vắt cơm gói trong mảnh dù pháo sáng, đêm ngủ quên chú chuột mò đến ăn hết, thế là vắt cơm “chống càn” mất toi, tôi phải nhịn đói cả ngày. Không phải mình tôi mà mọi người đều có lần vấp phải, đó là chuyện thường ngày ở xã.

Chúng tôi thuộc loại “B trục” nghĩa là không có một chế độ gì cả, chỉ có một ít phụ cấp sinh hoạt phí tính theo tiền Sài Gòn cũ tương đương với 45 lon gạo một tháng, ai bám được dân thì no, ai không bám được dân thì đói. Nguyên tắc xã đề ra, ai về bám địa bàn hoạt động đều phải vào thôn ban đêm gùi gạo ăn và dự trữ được hai tháng; mỗi cá nhân có tối thiểu 2 cái võ đạn pháo 105 ly, hoặc vài cái võ két đạn đại liên để làm “Kho chứa gạo”. Thế là tôi đi cùng hai anh du kích xã bò lên đồi pháo cũ của Mỹ phía trên dốc Cơn Tháng để nhặt vỏ đạn. Chọn được sáu cái không móp, có nắp, đủ dùng cho ba người. Rồi cúi khom lăn cho vỏ đạn lăn xuống dốc, thao tác thật nhanh nếu chậm, địch ở La Vang đặt ống nhòm thấy nó "dọt" pháo thì nguy. Thế là đã có "kho chứa". Tất cả “gia tài”nào gạo, mì chính, muối...đều tống vào hết ống đạn, rồi vác đi nhét xuống bờ ruộng, lấy cỏ tủ lại thật kỹ khi nào cần lấy lên dùng.

Tuy địch khống chế ở vùng “Trắng” như vậy nhưng từ sáng mồng 1, 2, 3 Tết chúng tôi quan sát từ xa đã thấy từng nhóm người lũ lượt trở về làng cũ. Ông  già đội khăn đóng, áo dài đen, quần trắng tay ôm hoa, hương, còn phụ nữ gánh lễ vật về cúng vườn. Tất cả các nền nhà cũ điều trải lá chuối thay chiếu. Các cụ đi cúng am miếu xong về cúng tại nền nhà cũ của mình.

Đúng giờ hẹn trước, anh Thành xã đội trưởng, chị Tám Bí thư xã, phân công từng nhóm ba, bốn người đi các vườn chúc tết nhân dân. Một địa bàn nhỏ mà đủ loại lực lượng “đứng chân”, nào là trinh sát, đặc công, công an, binh địch vận, dân vận, du kích và cán bộ xã… Chúng tôi đi lần lượt hết vườn này sang vườn khác, ngồi quây quần xung quanh “Mâm lá chuối” ăn mứt bánh, uống trà rất vui vẻ. Các mẹ, các chị nói: Đêm 30 Tết ngồi nấu bánh chưng thấy trời đổ cơn mưa, tao lo sáng mồng một Tết không đi cúng được để gặp tụi bây là buồn lắm!

Tôi hỏi: - Nếu các mẹ, các chị rủi gặp địch tuần tra thấy trong gánh có xôi, gà, bánh thì sao?

- Chớ thiếu chi cách nói, thiếu chi con đường, nhưng tui đã nắm chắc tình hình rồi. Mặt trận giải phóng miền Nam đề nghị hai bên ngừng bắn ba ngày cho dân ăn Tết cổ truyền - Bọn lính mừng rơn, dại chi nói đi lùng sục đầu năm xui xẻo. Chúng cắm trại một trăm phần trăm. Có đứa đi phép về thăm vợ con cha mẹ ba bữa Tết. Còn nhân dân, cơ sở của cách mạng thì rủ nhau về cúng ở vườn cũ. Chủ yếu cúng để cho mấy đứa bây ăn, chơ ông bà có ở mô trong cái nền nhà trống hoang này!

Đang nói, đột ngột mẹ dừng lại nhìn quanh: - Nầy, nhìn xem có sót đứa mô chưa ăn để phần cho nó với kẻo tội nghiệp. Chị Tám nói: - Dạ phân tán đi các vườn đủ cả bác ạ!

* Thơ ca cũng là vũ khí tấn công

Năm nào đến gần Tết, cán bộ binh địch vận lo sáng tác ca dao, hò để in truyền đơn đưa vào trong hàng ngũ địch bằng mọi hình thức, thả rộng rãi, gửi qua bưu điện, và đưa cho vợ con, cha mẹ đưa tận tay khi lính về ăn Tết. Nếu là cỡ tướng tá như Nguyễn Văn Giai, Hoàng Xuân Lãm, thì bỏ truyền đơn vào bì thư dán tem gửi qua bưu điện: Kính gửi Chú Nguyễn Văn Giai - Tư lệnh sư đoàn 3 bộ binh. Hoặc kính gửi chú Hoàng Xuân Lãm - Tư lệnh vùng 1 chiến thuật v.v… Nội dung trong là câu ca dao:

         - Con gà nho nhỏ

            Xới cỏ vườn cam

            Nghe tin Mỹ - ngụy đi càn

            Gà toan chạy trốn

            Vườn cam “Hóa mìn”!!

            - Con gà nho nhỏ

            Xới cỏ vườn cam

            Nghe tin “Binh biến” về làng

            Gà vui vỗ cánh, cam vàng ngọt sao!

Nếu là lính thì cũng bỏ truyền đơn vào bì thư đưa cho vợ con giao tận tay khi lính về ăn Tết, như các loại lính chủ lực cộng hòa, biệt động quân, thủy quân lục chiến, thiết giáp, pháo binh, giang thuyền chẳng hạn thì gửi câu:

- Gió xuân lay cánh mai vàng

Đón mừng binh lính tìm đàng về quê!

Gia đình sum họp đề huề

Hợp hòa dân tộc, mọi bề ấm êm

Xóa chuyện cũ, càng vui thêm

Đời anh sáng lại như đêm trăng rằm!

Nắm chắc từng loại lính về ăn Tết là khâu quan trọng. Nếu biết gia đình đó có người đi lính “địa phương quân” còn gọi là lính "nghĩa quân" thì gửi câu:

Gà vỗ cánh gọi bình minh

Đường quê vang tiếng “nghĩa binh” về làng

Xuân về chim hót, “lá đàn”

Mùa cây sây trái, muôn vàn hương thơm

Lính về tốt họ đẹp thôn

Quê hương giải phóng ruộng vườn xanh tươi...

Mục đích là làm cho binh lính ngụy hoang mang dao động, tấn công cả trên ba mũi giáp công: Chính trị, binh vận, vũ trang - yêu cầu là nội ứng binh biến, rã ngũ, vác súng trở về với nhân dân.

* Trao đổi nghiệp vụ:

Hàng ngày các lực lượng của ta ẩn nấp ở đâu chẳng ai biết, nhưng khoảng độ năm giờ chiều là đã thấy lù lù đi ra giữa đường cái để chuẩn bị đi vào thôn gùi gạo, làm công tác vận động quần chúng. Riêng mấy anh bộ đội đặc công thì lo bôi màu toàn thân (hóa trang) vằn vện như da báo để chuẩn bị bò vào sân bay Ái Tử.

Một anh hỏi tôi: - Chị làm công tác binh địch vận có cần nhờ anh em chúng tôi, thì đưa truyền đơn đây chúng tôi vào rải trong sân bay Ái Tử giúp chị.

Tôi trả lời: - Để các anh lo việc quan trọng hơn, nếu để các anh rải truyền đơn, sáng mai địch thấy, sẽ biết "Việt cộng" bò vào sân bay, nó sẽ gác chặt chẽ hơn thì các anh khó hoạt động đấy. Tôi có cách riêng gọn nhẹ hơn mà cũng góp phần với các anh làm cho lính ngụy hoang mang dao động đi đến rã ngũ.

- Chà cũng ghê nhỉ? Phụ nữ Quảng Trị mà !...

- Trời rét mà các anh bôi màu, lại bận áo mỏng không sợ lạnh à?

- Chưa đến giờ "làm việc", anh em tôi còn bận áo quần, chứ đến giờ “hành động” thì đâu có bận được áo quần! Một anh tinh nghịch cười phá lên làm tôi xấu hổ! Một anh khác chen vào thanh minh:

- Thật đấy chị ạ! Chứ không phải nó nói đùa đâu! Cái "nghề" này khi vào “trận” là phải cởi hết áo quần chỉ được bận cái quần nhỏ hai mảnh thôi. Áo quần gói lại dấu ở ngoài, chỉ ở trần bò vào không vướng dây thép gai. Địch rào hai ba lớp dây thép gai bùng nhùng, mỗi đoạn có treo một cái lon làm như cái đục đạc treo ở cổ ngựa. Nếu đụng một dây là sẽ phát ra tiếng kêu lách cách, leng keng theo hệ thống dây chuyền liên hoàn, bọn lính gác báo động tức thì một loạt pháo sáng bắn lên sáng rực cả bầu trời… thì anh em chúng tôi "treo niêu” chứ làm ăn chi được nữa.

- Thế thì dây thép gai nó cào cấu da thịt các anh đau lắm!

Các anh cười: - Đau hoặc chảy máu còn hơn nhiệm vụ chưa hoàn thành mà bận áo quần vào để vướng dây thép gai, địch phát hiện, đồng đội thương vong thì sẽ bị kỷ luật nặng hơn!

- Thế tại sao phải bôi nhiều màu, mà không bôi màu xanh hoặc đen?

- Chỉ một màu xanh, hoặc đen khi đèn pha địch chiếu vào dễ phát hiện hơn còn nhiều màu mờ mờ ảo ảo dù có đèn pha chiếu thì tên lính gác bị hoa mắt không thấy rõ mục tiêu, khó phát hiện. Có lần tôi leo lên một cột điện, sơ ý hắt ra tiếng động, địch bắn pháo sáng, tôi ép mình xoay theo chiều ánh sáng cho hợp với màu trên thân hình tôi, bọn địch không nghe động tĩnh gì, pháo sáng cũng ngừng bắn. Tôi từ từ tụt xuống đất bò ra ngoài tìm đồng đội, tìm gói áo quần bận vào, rút lẹ! Nhưng cũng có khi trời quá tối, lại gặp mưa to gói quần áo dấu một nơi, khi ra mò tìm mãi không có phải ở trần rút về căn cứ mới có áo quần thay.

Cứ thường lệ, đến bảy giờ tối, chúng tôi chia tay nhau đi về các hướng, nhiệm vụ của ai nấy lo, đi mò mẫm trong đêm. Và hẹn gặp lại nhau chiều hôm sau để nhận nhiệm vụ mới, nếu có chút rảnh rỗi nói chuyện tếu vui vẻ như mọi ngày.

Nguyễn Thị Thúy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 53 tháng 02/1999

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground