Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ấn tượng sắc màu lễ hội Quảng Trị

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, hoạt động lễ hội tại Quảng Trị nhằm mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, hướng đến bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể do con người sáng tạo ra, là nơi giáo dục, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong nhân dân để biết quý trọng và gìn giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống mà cha ông đã tạo dựng.

Lễ hội Quảng Trị đa dạng, phong phú với các loại hình: Lễ hội dân gian truyền thống; lễ hội tôn giáo; lễ hội lịch sử cách mạng và lễ hội văn hóa du lịch. Đây là bức tranh lễ hội đa sắc màu, là nét đặc trưng của đất và người Quảng Trị.        

Quảng Trị có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, là nơi giao thoa của các luồng văn hóa từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Trải qua những biến thiên của lịch sử, trên mảnh đất Quảng Trị sớm tích tụ những tinh hoa thời đại để hình thành nên những giá trị tinh thần, tô điểm, làm phong phú cho cuộc sống trong sinh hoạt văn hóa ở mỗi cộng đồng dân cư. Quá trình diễn tiến sinh hoạt văn hóa đó đã sớm hình thành nề nếp được sắp xếp định kỳ và lưu truyền thành thông lệ, là dấu ấn của những hoạt động quy tụ đông đảo quần chúng nhân dân. Lễ hội được hình thành trên những giá trị văn hóa tinh thần đó, là nền tảng để sáng tạo giá trị di sản văn hóa, làm thăng hoa ý nghĩa cuộc sống, trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội.

Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á - Ảnh: Võ Đình Long

Lễ hội Nhịp cầu xuyên Á - Ảnh: Võ Đình Long

Lễ hội dân gian truyền thống Quảng Trị mang đậm nét của nền nông nghiệp lúa nước, thường được tổ chức vào mùa xuân, như “lễ hội cầu mùa”, “cầu thần”, “cúng giàng”. Để xin ơn trên ban cho một năm mới bình an, tươi đẹp, no đủ, sung túc, hạnh phúc, tiêu biểu như: Lễ hội chợ đình Bích La, lễ cầu ngư, lễ rước lộc, hội cù, hội vật, hội đu, hội chèo cạn, đua thuyền,… Lễ hội cầu mùa, mừng lúa mới, cơm mới, nhà mới đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô hướng đến vụ mùa bội thu, no ấm, hạnh phúc.

Nhiều năm qua, khi nghiên cứu các lễ hội dân gian truyền thống, các cấp, các ngành chuyên môn đã định hướng việc tổ chức lễ hội đúng với thực chất nguyên bản vốn có, đồng thời hạn chế tình trạng thương mại hóa lễ hội, lãng phí, mất thẩm mỹ, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan môi trường. Qua khảo sát thực tế đã tiến hành phục dựng thành công một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Ariêuping, Arapựt, mừng lúa mới của người Bru Vân Kiều, Pa Cô… Việc nghiên cứu và phục dựng Nghệ thuật Bài chòi góp phần vào công tác bảo tồn di sản không gian văn hóa Nghệ thuật Bài chòi miền Trung- Việt Nam và vừa qua đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đến nay Nghệ thuật Bài chòi được khôi phục và tổ chức trong các lễ hội mùa Xuân tại các làng quê Quảng Trị. Hội xuân còn có kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng (Vĩnh Tú - Vĩnh Linh) là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được hình thành trong lao động sản xuất, làm nên bức tranh làng quê thêm khởi sắc, sôi nổi, hào hứng vào mỗi dịp tết đến, xuân về.

Lễ hội tôn giáo tại Quảng Trị có những nét đặc sắc riêng, ngoài những lễ hội truyền thống chung còn có hai lễ hội tôn giáo đặc biệt: Lễ giỗ Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang vào ngày 18 tháng 2 Âm lịch là ngày hội về nguồn để chư Tăng, Ni và Phật tử đồng hương Quảng Trị khắp nơi có cơ hội quay về đất Tổ. Lễ kiệu La Vang ngày 15/8 hàng năm để tôn vinh Đức Mẹ Maria “hiện ra” tại La Vang hơn 200 năm về trước theo truyền thuyết của người Công giáo. Cứ 3 năm một lần có một Đại hội với quy mô lớn, lượng khách hành hương gần xa đến dự hội làm cho vùng đất đầy gió và nắng Hải Lăng trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng trong nước và thế giới.

Hình thành muộn hơn nhưng lễ hội lịch sử cách mạng đóng vai trò quan trọng trong những sự kiện trọng đại của Quảng Trị. Để thể hiện khát vọng thống nhất, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, nhiều hoạt động lễ hội cách mạng đã được tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện gây xúc động mạnh mẽ cho nhân dân và du khách đến tham gia, điển hình như: Lễ hội "Thống nhất non sông", Lễ hội "Huyền thoại Trường Sơn", Lễ hội "Khúc tráng ca về một dòng sông", Lễ hội "Thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn",… Hàng năm, hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đã đến Quảng Trị để tìm hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng, về thăm lại chiến trường xưa và tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Nhất là vào các dịp lễ lớn như: Ngày Chiến thắng (30/4), Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12),... lượng khách về mảnh đất Quảng Trị anh hùng, thân thương tăng cao gấp nhiều lần.

Là vùng đất từng chứng kiến quá nhiều sự khốc liệt của chiến tranh, chịu đựng quá nhiều sự hy sinh mất mát, cho nên hòa bình đã trở thành khát vọng cháy bỏng, là mong muốn chung của nhân dân Quảng Trị cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam. Hiện nay tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị các công việc để tổ chức Lễ hội “Vì Hòa bình” nhằm tôn vinh các giá trị của hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Lễ hội văn hóa du lịch tại Quảng Trị có sự hội tụ sắc màu về giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng miền trong tỉnh, là động cơ đánh thức tiềm năng, khai phá những thế mạnh đang tiềm tàng để đưa Quảng Trị sánh kịp với các tỉnh thành trong khu vực. Nơi chiến tranh đi qua, thiên tai khắc nghiệt, điểm xuất phát thấp, Lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á mở ra một thời kỳ mới về sự hội nhập, giao lưu văn hóa phát triển kinh tế, mời gọi cả nước, các nước trong khu vực tìm hiểu về vùng đất Quảng Trị để có những động thái tích cực trong việc hướng đến chung tay xây dựng hợp tác đôi bên cùng có lợi. Lễ hội văn hoá du lịch là cơ hội để phát huy thế mạnh Quảng Trị, là biểu tượng của toàn cảnh bản sắc văn hóa Quảng Trị, từ nông thôn đến thành thị, vùng biển cho đến miền núi cao. Tất cả những gì được nhân dân sáng tạo, gìn giữ được thể hiện trong các hoạt động lễ hội nhằm giới thiệu cho mọi người về vùng đất, sản vật, văn hóa, con người Quảng Trị đa dạng và phong phú. Thông qua lễ hội hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch được xây dựng, tạo điểm nhấn hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư đến với Quảng Trị.

Hoạt động lễ hội tại Quảng Trị được thực hiện chủ yếu theo phương thức xã hội hóa nhằm phát huy nội lực, cộng đồng hóa trách nhiệm cho từng phần việc, từ tự phát dẫn đến tự giác và trở thành mục tiêu để khi thực hiện đều có bàn tay khối óc, công sức của tất cả mọi người. Trong các hoạt động lễ hội và những sự kiện lớn, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, công ty, doanh nghiệp đã chọn những nội dung, tính chất phù hợp để triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao, góp phần thành công trong hoạt động lễ hội. Nhờ tính cộng đồng tham gia mà lễ hội Quảng Trị có phạm vi lan tỏa nhanh, từ nét sơ khai ban đầu đến những quy mô, chất lượng, hiệu quả và được mọi tầng lớp quần chúng hưởng ứng đón nhận.

Lễ hội Quảng Trị là một bức tranh toàn cảnh về những giá trị di sản văn hoá của quá khứ được bảo lưu cho đến ngày hôm nay, từ những giá trị văn hóa bình dị, mộc mạc, đơn sơ nhưng vô cùng phong phú, đa dạng, trở thành mối dây liên kết giữa quá khứ, hiện tại và định hướng cho tương lai. Lễ hội Quảng Trị được hình thành trên ý thức, nguyện vọng của nhân dân và được các cấp, các ngành chỉ đạo, qua đó khi tiến hành tổ chức luôn được hưởng ứng, đồng thuận là động lực thúc đẩy nâng cao đời sống gắn kết tinh thần cộng đồng, tình đoàn kết ở mỗi địa phương, khu dân cư, khu vực trong thời kỳ đổi mới.

Cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, với những quan điểm mang tính định hướng về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc thể hiện trong các quy định của nhà nước đã mang lại luồng sinh khí mới trong quá trình bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội. Thông qua lễ hội là cách gìn giữ bền vững, lâu dài, sâu sắc nhất những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, độc đáo, đa dạng quý báu đang đồng hành trong đời sống nhân dân. Lễ hội Quảng Trị hàm chứa nhiều sức sống, giàu ý nghĩa, là thông điệp gửi đến cho mai sau những giá trị tinh thần vĩnh cửu, trường tồn trong một thế giới hòa bình, con người luôn khát vọng vươn đến những lý tưởng cao đẹp.

L.V.H – T.T.Đ

Lê Văn Huỳnh – Trần Thị Đào

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground