Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Anh ba lô đi bộ đội

 

T

hế là địch lại ném bom tiếp ở rừng Câu Nhi. Đã nhiều lần rút kinh nghiệm, ở rất bí mật, đi rất bí mật mà sao nơi cư trú vẫn bị lộ. Có cái gì đây ! Nếu một lần, thì có thể cho rằng chúng ta chưa tích cực bảo mật, nhưng đây lại là lần thứ hai, thứ ba rồi. Bản thân từng anh em chỉ biết làm đúng những thứ kỷ luật đầy đủ với cơ quan, còn việc phát hiện nguyên nhân đã có cấp trên, đã có quân báo, tình báo, công an, kể cả dân ở những vùng đóng quân.

Chúng tôi phải ở trên núi cao, ở triền dốc. Lý luận lúc bấy giờ, thứ nhất là bí mật - lẽ tất nhiên!. Nhà phải là dưới những tầng lá rậm, tránh những con đường qua lại của nhân dân, nhưng điều cần thiết là phải có suối. Suối cho việc ăn uống, tắm rửa giặt giũ. Chỉ khổ là áo quần không biết đến bao nhiêu ngày mới khô, mà có khô thì sờ tay vào cứ âm ẩm thể nào đấy! Rừng mà buổi sáng buổi tối hơi sương cứ vây bọc, tưởng chừng thở cả bụi nước vào mũi, Điều thứ hai, nghe cũng có vẻ hợp lý là bom địch có rơi xuống, cũng sẽ lăn lông lóc đã rồi mới nổ, có nghĩa là ta đã ở bên trên! Hầm tránh đạn, tránh bom, thì sẵn cây rừng hạ xuống là cái mộc đữ. Nói chung cũng tránh được nhiều thương vong. Cho nên cái hôm chúng ném Câu Nhi ấy, anh chị em không việc gì phần nhờ cây rùng che đỡ, phần nhờ các kiểu hầm "xuôi mái”.

Lại phải rời địa điểm. Phong Thu là nơi chúng tôi đến. Hành quân đêm ở rừng thì quả là gian khổ. Đường sá chỉ là đường mòn nhỏ vừa một người đi, hai bên là cây lá rậm rạp, thành ra đơn vị là một con rắn dài. Mà các vị “lính Bộ” bao giờ cũng luộm thuộm, thậm chí kiểu cách, dềnh dàng. Chất máy "Tiểu” học sinh, trí thức còn đầy trong gien họ, dù đã bị lắm trận đòn chỉnh huấn". Chỉ

ước một cốc sữa vào những lúc vượt dốc không còn đủ hơi thở đã bị ó lên là nặng tư tưởng "hưởng lạc". Nhưng rồi quen tất, và cùng chấp nhận, vì ai cũng thấy được cái đích lớn cần đạt tới: Độc lập, tự do! Họ vượt qua những cửa ải được, bởi vì ai cũng  có một sự so sánh, so sánh cái bản thân với cái toàn thể, so sánh quá khứ với hiện đại, với tương lai - dù tương lai chưa đến thật. Trong mỗi một người đều như cái năng khiếu tiên tri cho tiền đồ dân tộc, núi sông, đồng ruộng, đất đai. Và những tin tức chiến thắng khắp vùng, khắp nước càng giúp cho cái  nhận thức tiên tri càng được củng cố, phát triển. Mạnh nhất là cái tính cộng đồng, đồng đội như một liều thuốc đầy phản xạ, kích thích và lây truyền. Cán bộ gọi đó là giáo dục chính trị. Vì thế, những nguồn vui, trẻ, rất trẻ mang tích nghịch ngợm đánh bạt được mọi thứ suy nghĩ gian khổ.

Đêm, đi rừng, buộc chiếc khăn trắng vào cánh tay thành một điểm sáng dẫn đường. Người này nối tiếp người kia. Chiến sĩ hay cán bộ nữ thường được “ưu tiên” đi vào giữa hàng. Chả là “em sợ cọp lắm”, tưởng chừng như cọp nó không có quyền “xuyên hông” cướp lấy những “bông hồng đơn vị”! Chúa rừng xanh đâu biết sợ những nữ chúa rừng xanh!

Hành quân đêm này qua đêm khác. Cơn buồn ngủ không thèm nhận những mục tiêu khăn trắng nữa. Thì lại đặt tay lên ba lô nhau mà đi. Và một lần đơn vị hoảng vì cánh tay ấy. Nghĩa là giữa chừng - thường đơn vị hành quân bị ngừng phải dừng lại. Cánh tay anh chàng đi sau trong cơn buồn ngủ ríu mắt đã rời khỏi chiếc ba lô đằng trước. Nhưng kỷ luật hành quân đã thành một quán tính, cánh tay kia bật lên ngay. Khốn khổ, không phải là chiếc ba lô dẫn đường mà là một cành cây chắn ngang. Và chàng ta yên trí với mạch nối đội hình, và cũng yên trí - ngủ!!! Ngủ đứng! Chỉ có lính mới có kiểu ngủ ấy trên đời hay trái đất này thôi! - Chúng tôi thường tán, kháo nhau như vậy (Chúng mình là những nhân vật thời đại của nhân loại mà (!). Và có lệnh đi tiếp, như kéo nhau mà đi. Nhưng anh chàng “ngủ kỷ với cành cây ba lô” thì cứ hoàn toàn vẫn ở tư thế nghiêm không động cựa trong giấc nồng say tít. Nửa giờ trôi qua, một giờ trôi qua, đơn vị đã mất đi nửa số quân. Đằng trước cứ tưởng cái đuôi rồng rắn vẫn bò trườn. Nhưng nửa đường sau cứ bực dọc “sao cứ bị chôn chặt mãi với thâm sơn cùng cốc”.

- Chuyền lên trên, hỏi sao không đi mà đứng mãi, hay là đợi sáng cho rõ đường. Nhiều câu hỏi cứ tràn lên.

May sao từ trên đã có liên lạc chạy đi tìm để nối lại khúc đuôi kia.

Lại những câu chuyện không lường trước được.

Chuyền lui sau, cởi quần, qua suối sâu!

Những chàng trai lính thì cứ “tự nhiên như người Hà Nội” rồi (Thời ấy đã du nhập câu nói ấy) nhưng lại là cái khổ cho những “bông hồng đơn vị”. Áo quần có bao nhiêu đâu, nữ cũng như nam, nhưng “bán thân bất” “toại - nguyện” thì khó chịu thật. Nhưng bóng đêm là vị thần phù hộ. Họ cũng thế, và đành quên mất giới tính trên ngàn vạn bước trường chinh! Ôi, nhưng có suối nào đâu, một cây số, có khi năm bảy cây số, đường cứ khô không khốc, chỉ có đất đá lởm chởm kể cả gai góc.

- Toàn là quỷ sứ!

Rồi tất cả đều nhận chung cái đáp số bài toán - toán trừ: Cười trừ!

Vẫn đến trọn vẹn với địa điểm mà Nguyễn Du đã viết ở trong Kiều:

Rừng “Phong, Thu đã nhuộm màu quan san!

Đó là một cách nói hoa mỹ của lính chúng tôi! - Những anh chàng có “Máu văn nghệ”!

                                           ***

Cũng là rừng. Phong Thu cách đường số một gần hai cây số. Có con sông chảy qua, về gần Phò Trạch rồi xuôi xuống đồng bằng. Có cái Đồn nằm trên đường số một, nơi ngày xưa là một ga tàu. Chỉ có con đường nhựa ấy là huyết mạch giao thông của địch, nên gần như hoàn toàn chúng kiểm soát về ban ngày. Từng đoạn một, có đủ các loại lô cốt, hầm ngầm đầy lính ngụy canh giữ.

Hai ngày về Phong Thu là hai ngày bắt tay vào làm nhà, đào hầm. Vẫn phải càng bí mật quân sự hơn nữa. Nhà vẫn kín đáo nấp mình trong cây lá. Kẻ địch tinh quái đủ mọi thứ dò la bằng biệt kích, gián điệp và máy bay bà già chụp ảnh. Có lần chúng tôi thu được những tấm ảnh từ một đồn chỉ huy bị tiêu diệt, chụp nơi của chúng tôi. Trong cái chằng chịt cây lá che phủ tưởng không thể nào phát hiện, bỗng thấy thò ra mấy đôi chân mang dép cao su lẫn với những vệt lỗ chỗ của bóng lá bóng cành. Thì ra chúng tôi đã bị lộ, bởi vì anh em đôi khi vô tình ngồi sưởi nắng, quên mất những con mắt trinh sát.

Nhưng chưa ấm chỗ đã có tin:

- Địch tập trung ở Phò Trạch!

Có anh chủ quan:

- Nghi binh đấy mà!

Thật có khi cả Bộ chỉ huy hay quân báo cũng không nắm được chúng sẽ tiến về đâu! Báo động, chuẩn bị thì cứ thi hành, nhưng trong ý nghĩ quả có khinh thường mà cũng đâu có chán nãn! Bị ném bom đuổi theo mãi sau gót chân mình thì bực thật! Chẳng phải là đơn vị chiến đấu như ở đồng bằng, dù có bị tập kích đi nữa, thì còn có đủ sức để đánh trả. Với cái khí thế luôn luôn sẵn sàng, có khi là những chiến thắng giòn giã nếu không bị kẹt trong tình thế bị động hoàn toàn.  Nhưng đơn vị chúng tôi lại hoàn toàn là “phóng văn tình” - lính văn phòng ấy, thì súng đâu, đạn đâu, cả cái “sự quân sự” có ông còn mù tịt. Nên chỉ có tránh, có rút là thượng sách.

Hai ngày đào hầm, làm nhà định “an cư” thật công toi, khi buổi sáng thứ ba, mấy chiếc ca nô đã ngược sông và  đổ bộ. Cái con mụ “bà già” đáng ghét cứ vè vè trên đầu. Rút không kịp một số bị mất tài liệu, một số bị địch bắn và bắt.

Khi vượt bơi sông nhiều cậu đã thành táo quân. Rõ khổ gần đến nửa tháng sau mới thay đổi được kiểu thời trang vua Bếp, nhờ anh em quyên góp lại.

Rừng Câu Nhi, rừng Phong Thu không còn là nơi an toàn nữa. Chúng tôi được lệnh ngược lên Ba đa - vùng người thượng Vân Kiều.

Đường lên Ba đa quả là một con đường vật lộn bằng tư tưởng chứ không phải bằng bàn chân. Không còn đủ sức để ngắm ngợi “non sông gấm vóc” lúc này nữa! Mãi những năm về sau, những cánh rừng đầy hoa ngời ngời như dát bạc, những tầng lá vàng óng màu kim nhủ, mới lại cứ hiện lên trong đầu như được xem lại một cuốn phim quay chậm. Thật lạ lùng với những thác nước treo từ ngàn cây, thật hợp với cái tên Thác Giàng với nghĩa tiếng Việt là Thác Trời. Khó hiểu cho bộ phận nào của não đã làm cái việc của máy ảnh ấy, hay cái tuổi hoa niên đã dâng hiến cái thụ pháp diệu kỳ! “Nếu không có cuộc kháng chiến, cuộc đời sẽ nghèo đi biết chừng nào!". Lại những phát biểu đầy tính triết lý của những người không một đồng vốn lưng túi... rất đúng “lời nói chẳng mất tiền mua”!

Ba đa là một bản nhỏ. Như đã có nó từ ngàn xưa. Rải rác mỗi nơi một nhà, tuy ít nhưng cũng có ấm cúng quy tụ. Những mái tranh cũ kỹ như màu của đất, của đá. Nếu có những ngọn khói chiều, khói sớm vươn, chắc chẳng ai nhận ra một bản làng. Bản rất nghèo. Điều kiện kháng chiến, càng ít giao lưu, như có một cái cửa vô hình đóng khép lại!

Chúng tôi bắt đầu củng cố và bổ sung lại con số tròn của đơn vị đã bị mất mát hy sinh. Suối dọc, suối ngang, đèo dài, đèo ngắn, dốc cao thấp tạm thời ân xá cho những bàn chân phồng rộp. Xem như một cuộc hồi sức !

***

Đơn vị chúng tôi có bốn nữ. Nhân và Thủy đẹp hơn cả. Nhân có cái đẹp của người thành phố. Ở rừng, không trang sức, không son phấn (trừ những buổi

có vai diễn văn nghệ) nhưng cái đẹp bẩm sinh cộng với cái chất thị thành đã tạo ra trong dáng đi, trong phong cách ăn mặc cái nếp riêng khó lẫn lộn. Còn Thủy lại đẹp bằng sự mộc mạc, chẳng diêm dúa, như bông hoa đồng nội lặng lẽ không mấy chút phô trương. Và với cái sàn nứa miền thượng, bếp lửa lưu niên lưu cửu, mái nhà, rui kèo, đều chứa tối trong màu bồ hóng quê kệch, thì con người như đồng hòa trong không khí đó. Dễ thương, dễ gần hơn là phải! Không bình luận, nhưng môi trường như đã dành riêng cho Thủy - đó là điều đơn vị công nhiên nhận thức. Và bà mẹ già miền Thượng bỗng như được thêm hoa thêm nụ trong căn nhà thưa vắng với một người con trai độc nhất: anh Ba - Lô. Tên của anh là như thế. Chúng tôi không hiểu nghĩa của cái tên, mà chỉ vui ngộ nghĩnh nó trùng với tên cái vật dụng mình mang trên lưng tròn năm, tròn tháng!

Mẹ Ba Lô ở trần suốt ngày để thỏng đôi vú đã nhăn nhúm như hai quả mướp héo. Bà đeo những vòng bạc ở tai, rất nhiều dây cườm ở cổ.

Tính bà tốt hay giúp đỡ bộ đội, nhất là bốn chị. Mỗi lần họ đi họp về khuya, bà đứng đợi ở cửa thang, rồi chạy vào bếp tro, bới ra mấy củ sắn nướng, phân phát cho từng người. Ngày khác, vài quả chuối chín dấm từ một xó sàn. Nhưng mỗi lần như thế, bà lại dặn: "Mẹ cho bốn chị thôi, đừng cho ai ăn nữa nhá!". Cũng không ai để bụng cái cách thương yêu vị kỷ của bà mà thường nghĩ như một điều tự nhiên của giới tính nhưng các chị có lúc dại dột hay dành cả phần mình mang cho anh em cùng đơn vị. Chúng tôi đã gắn bó với nhau, gắn chặt nhau trong sinh hoạt và trong tình cảm. Ai cũng hiểu và chia xẻ, hiển nhiên thành một mối tơ tự giác, mà chắc chắn suốt cuộc đời không ai quên được. Người ta có thể thắng trước gian khổ bằng cái thương yêu không cân không lạng. Điều ấy nuôi người lính như một chất dinh dưỡng không dễ ai và ở đâu cũng pha chế được. Nhưng mỗi lần chia xẻ cho nhau những gì bà mẹ giấu diếm cho, tặng, chúng tôi lại cũng giấu giếm bà để bà không mấy phiền lòng, khi bà chưa tận hiểu cách sống của chúng tôi. Cứ như thế, và cứ như thế!

Con trai lớn của bà, Ba Lô đi phát rừng, làm rẫy suốt ngày. Tối lại về ngủ. Ít nói chuyện với ai, cả với bà mẹ. Anh như một cây lim rừng, khỏe mạnh, đen xám như màu những chiếc cột trong căn nhà sàn. Cũng ở trần suốt ngày, chỉ đóng khố, không ngượng nghịu với tất cả con gái. Tóc cắt ngắn, răng mài nhẵn đến lợi. Ba Lô biết cắt tóc. Có sắm chiếc kéo, chiếc lược dùng để cắt dùm xung quanh và để họ cắt dùm Ba Lô.

Anh em lên đây, tóc đã dài nhiều. Có anh tóc phủ cả gáy. Có anh râu vây kín mồm. Ai cũng mong được gặp con dao, chiếc kéo. Nhưng giữa rừng sâu, đó là của hiếm. May sao rừng sâu ít để ý đến cái râu cái tóc của con người ở đây, nhất là người lính.

Một buổi chiều, Ba Lô cắt tóc cho một anh thanh niên trong xóm. Tin ấy chuyền đi, trong đơn vị như nghe được tin chiến thắng. Vài ngày sau, những đầu tóc gần thành đàn bà lũ lượt tìm đến Ba Lô. Thế là Ba Lô được cắt tóc cho bộ đội. Bây giờ Ba Lô đã nói chuyện với anh em. Anh em được nói chuyện với Ba Lô. Giữa người miền núi và người miền xuôi, không có sự cách biệt giữa anh bộ đội và người dân càng gần gũi thêm.

***

Tôn là người vui tính trong đơn vị. Tôi cũng đến nhờ Ba Lô cắt tóc. Tôn có họ xa với Nhân, nên thỉnh thoảng Tôn hay đến Nhân chơi. Ở đơn vị ngoài cái quan hệ thân ái hình thành tự nhiên khi chung sống, thì cái mối quan hệ họ hàng như một nỗi vui mừng lớn và quý hiếm. Trước nhất, ai cũng thấy mừng là người bà con mình đã được xếp vào hàng ngũ kháng chiến đầy tính tiên phong và tiến bộ. Dám tự hiến mình vào nơi nguy hiểm bom đạn cho Tổ quốc, cái vinh dự ấy chỉ được chứng minh bằng sự dũng cảm, vì đó là cái thời lính tự nguyện mang cơm nhà, áo quần nhà đi góp sức nhau mà đánh giặc. Đội hình tuy mang vẻ ô hợp, súng trường, súng kíp, dao găm mã tấu tự kiếm, tự sắm nhưng lại mang một cốt cách thống nhất, một ý chí, một tinh thần. Cái sức mạnh kỳ diệu dân tộc tạo nên sức tập hợp mạnh mẽ là thế. Khi quân đội lớn mạnh dần, thì các thứ của riêng dâng hiến đã nhường cho chế độ cấp phát.

Gặp Ba Lô, Tôn hay đùa vui để nghe Ba Lô nói. Ba Lô nói tiếng Kinh chưa sỏi lắm, tiếng nào khó, Ba Lô lấy tay làm bộ điệu để biểu hiện hay chen lắp bằng tiếng mẹ đẻ Vân Kiều của mình. Đôi khi Tôn nói Ba Lô lại cười sặc sụa, hóa ra dần mới hiểu trong tiếng Kinh có nghĩa bình thường, nhưng cũng từ ấy tiếng dân tộc lại mang một nghĩa khá thô, không đẹp! Ngôn ngữ nào mà chả thế! Kinh nghiệm đó dạy thêm cho chúng tôi sự thận trọng. Điều thú vị bắt gặp ở Ba Lô là sụ chân thật, thẳng thắn.

Lần đó, Ba Lô ở nhà. Có cả Nhân, Thuỷ, Kỳ, Lan. Lan nhỏ thường chỉ ngồi nghe, không góp chuyện. Tôi bỗng hỏi Ba Lô:

- Anh Ba Lô có thích đi bộ đội không?

- Cũng có thích, nhưng không ai ở nhà với mẹ!

- Thì mẹ ở nhà một mình!

- Mẹ, hắn ở nhà một mình, hắn buồn!

Mắt Ba Lô nhìn khắp người Tôn, như có ý muốn mình được như thế.

Tôn lại tiếp, không thể nào ngăn cái tính thích nghịch đùa:

- Thế thì Ba Lô hỏi vợ rồi để vợ ở nhà với mẹ.

- Không ai hắn ưng cho! Ba Lô cười sởi lởi, không giấu giếm đôi hàm răng ngắn hơn lợi.

- Tại Ba Lô không hỏi đó thôi.

- Không biết mô mà hỏi.

- Thế bây giờ Ba Lô có muốn hỏi vợ không? Tôn nhìn vào bốn người bạn nữ, mắt cứ hấp háy như để trêu họ. Thủy, Nhân, Kỳ hiểu ý nghịch ngầm của Tôn. Rồi họ cùng cười. Lan nhỏ, chưa hiểu hết, lại cười to hơn. Tôn nhìn Ba Lô ngần ngại. Và nói ngay:

- Thế bây giờ tôi làm mối cho Ba Lô nhé! Nhưng Ba Lô phải cho tôi ăn chuối đã.

- Ừ, có làm mối mới cho ăn chuối. Ba Lô cũng cười với cái vẻ thoải mái và bạo dạn.

- Tôi làm mối chị Nhân cho nhé. Đồng ý không?

Ba Lô quay sang nhìn người Nhân. Nhân ngượng đỏ cả mặt, phát vào chân Tôn mấy cái.

- Anh Tôn quỷ lắm! Rồi Nhân cũng cười, không thấy đó là một sự trắng trợn.

Ba Lô vẫn thản nhiên, nhìn lại mẹ ngồi đằng sau, nói bằng một tràng tiếng

của mình chỉ có hai người hiểu. Xong, quay lại phía Tôn.

- Không cho đồng chí Tôn ăn chuối đâu!

- Sao thế? Tôn vừa hỏi vừa cười như nắc nẻ.

- Chị ấy giàu Ba Lô nghèo. Chị ấy không làm rẫy làm nương được! Nhân, Thủy, Kỳ, Lan đều im lặng. Ai nấy đều cảm động trước câu nói của Ba Lô. Nhân và Ba Lô có cái gì đó không hòa đồng được. Hơn nữa Ba lô là người thiểu số. Người Nhân đẹp, áo quần Nhân đẹp! Ba Lô chỉ mặc khố!

***

Hai hôm nay, Ba Lô không cắt tóc cho ai. Chỉ cho mượn kéo và lược. Cứ buổi trưa, Ba Lô ngồi ở dưới gốc cây, hút thuốc. Mắt nhìn vào ngôi nhà sàn của mình. Thấy Nhân lên xuống thang gác, Ba Lô quay đi không nhìn.

Tôn lại đến với Ba Lô. Hai người cùng hút thuốc. Ba Lô hút ống điếu dài. Cái tẩu làm bằng đất sét, nung chín, đen thẫm, luôn được cầm trong bàn tay, láng bóng. Cần tẩu bằng rễ trúc xoi rỗng ruột bằng que thép nung đỏ. Ba lô cho biết làm những cần rễ trúc để uống rượu cần hay cho những người miền xuôi cắm hút những điếu ống thuốc lào làm khó hơn nhiều. Phải nướng một viên bi nhỏ bằng thép thả vào, nó chạy và cháy những mắt bên trong, rồi dốc ra, rồi tiếp tục nướng bỏ vào cho đến tận cuối cần. Có thể cần rễ trúc vẫn giữ độ vươn cong. Làm không cẩn thận viên bi nhỏ ấy có thể rơi vào chân tay bỏng cả da, cháy cả thịt.

Tôn chỉ cuốn thuốc theo kiểu sâu kèn. Giấy thì xin ở văn phòng. Đó là những tờ pơ luya đánh máy bị hỏng.

Trông mặt Ba Lô có vẻ buồn. Tôn không muốn đụng vào sự suy nghĩ của

Ba Lô. Nhưng một hồi, không bỏ được cái tính cố hữu nghịch ngợm, Tôn lại hỏi Ba Lô:

- Sao Ba Lô buồn vậy?

- Ba Lô chẳng có buồn đâu!

- Thế bây giờ Tôn làm mối người khác cho Ba Lô nhé! Ba Lô có yêu Thủy không?

Ba Lô cúi xuống một chốc, lại ngẩng đầu lên, đôi mắt như sáng ra:

- Nhưng Thủy không biết có yêu không? Ba Lô nói thẳng thắn, không ngập ngừng:

- Có đấy! Tôn không nhìn Ba Lô mà trả lời, Tôn tiếp:

- Nhưng Ba Lô phải mặc áo quần, và đi bộ đội Thủy mới yêu!

Ba Lô đột ngột hỏi:

- Một bộ áo quần của đồng chí Tôn bây giờ giá bao nhiêu?

- Của Tôn là Chính phủ phát đấy.

- Thế trước kia, đồng chí cũng có mặc áo quần chứ?

Tôn thấy Ba Lô thật ngớ ngẩn. Tôn không cười nữa. Tôn thương người bạn thiểu số chất phác này lắm.

Sau mấy buổi trưa gặp Tôn, Ba Lô bây giờ đã đổi khác. Vẫn cái khố, miếng vải dài lòng thòng xám kệch, nhưng người Ba Lô đã có chiếc áo sơ mi ngắn tay, che kín bộ ngực nở. Ba Lô đã mặc áo. Chẳng những thế mà còn lại quấn thêm ở cổ chiếc khăn quàng lắm màu, nghe đâu - đổi ba xấp thuốc lá cho một đồng chí tân binh. Quen với một Ba Lô đống khố cắt tóc ấy, anh em hơi thấy khác thôi! Duy Tôn hiểu Ba Lô rồi.

Những ngày tiếp theo, Ba Lô ít đi rừng. Thích ở nhà, nhất là những ngày có Thủy một mình. Ba Lô ngồi ngắm Thủy hàng giờ, không nói. Thủy lại càng không hiểu. Bà mẹ Ba Lô cũng không hiểu.

Một hôm Tôn ra tắm ở suối. Thủy xuống gánh nước. Tôn bỗng cười lớn:

- Chị Thủy, biết rồi nhá! Hoan hô!

Thủy càng không hiểu:

- Anh bảo gì cơ? Anh Tôn là chúa đùa nghe?

Tôn ra vẻ quan trọng, nói nhỏ:

- Thủy biết sao mấy hôm nay Ba Lô lại mặc áo không?

- Thì cấm anh ấy tiến bộ à!

Không đâu! Có chuyện đấy! Nó yêu...

Ai?

- Thủy, chứ còn ai nữa!

- Cái anh này quỷ lắm, ai ai cũng buộc vào!

Vừa lúc Ba lô cũng ra suối. Anh đứng bên bờ nước, nhìn Tôn nhiều hơn nhìn Thủy. Tôn hiểu ý, nói với Ba Lô:

- Gánh hộ chị Thủy với anh Ba lô kìa?

Ba Lô không ngần ngại:

- Tôi gánh được lắm, rồi quay sang Thủy:

- Đưa tôi gánh hộ cho chị Thủy

Thuỷ thành thật, đưa gánh nước cho Ba Lô quảy lên dốc. Ba Lô đi trước, Thủy theo sau. Thủy nhìn Ba Lô, cười một mình:

Anh chàng thiểu số này ngớ ngẩn thật.

Tôn nhìn theo hai người, cười vang lòng suối.

***

Giữa một buổi sinh hoạt tối, Thủy về nhà sớm. Bà mẹ hỏi Ba Lô:

Các chị kia đã về chưa?

- Chưa, mẹ ạ!

- Ừ , tốt đấy !

Thủy không hiểu bà mẹ muốn nói gì. Chỉ thấy bà đến bếp nhấc ra một chiếc nồi. Bà đặt mấy cái bát trên tấm mâm con. Bà gọi Thủy lại:

- Con lại ăn cùng mẹ, mẹ thương Thủy lắm!

Bà múc cháo ra bát. Rồi bà gắp cả một con gà trong nồi cháo ra nữa. Bà lại tiếp

- Phần con đấy, mẹ thương Thủy lắm!

Thủy ngồi, nhưng không ăn.

- Không, mẹ ăn đi, con không ăn đâu.

Mẹ làm gà cho Thủy ăn đấy đừng cho các chị khác ăn. Mẹ thương Thủy lắm!

Thủy buồn cười bởi câu nói được nhắc mãi. Nhưng Thủy đoán bà mẹ có ý định gì khác. Chắc lại là chuyện Ba Lô.

- Không, mời mẹ thôi!

Mẹ thương Thủy thôi. Thủy ở đây với mẹ mãi !

Thủy hiểu rồi, và lại cười thầm cho mình hơn nữa.

- Không, mời mẹ thôi. Chúng con khi nào cũng ăn chung với nhau đoàn kết.

Bà mẹ Ba Lô thấy không được vừa ý. Bà lại phải sớt ra mấy bát, và lấy dao chia con gà ra nữa. Bà lại đẩy cái bát lớn nhất về phía Thủy :

- Thế thì Thủy ăn trước, rồi cho các chị ấy sau.

- Vâng, con đợi các chị ấy.

Khuya. Thủy, Nhân, Kỳ, Lan được một bữa cháo gà bồi dưỡng, đồng thời được một bữa cười bí mật! Nhân đùa:

Được đấy, mình bị “chê", thì Thủy hãy cho chị em nhờ với, giữa rừng giữa rú mà!

***

Lệnh chuyển quân, tiến về gần đồng bằng hơn cho chiến dịch mới. Đơn vị tập họp dưới mấy cây lớn ở lưng dốc Ba đa. Nắng chiều để dài theo sườn núi. Những chỗ mặt trời chiếu sáng rực rỡ như được tràn lên bằng những tấm màn lớn màu vàng, những chỗ khác tối đậm lại, chuyển sang màu lam biển.

Im lặng. Cái im lặng tiễn biệt giũa quân và dân, giữa những người thiểu số và người miền xuôi diễn ra trong một không khí trầm mặc. Ai cũng thấy như mất mát một cái gì. Đơn vị sau nhũng ngày tháng nghỉ ngơi, bổ sung, tiếp sức đầy sinh lực và khí thế của người lính xuất quân. Đồng chí đơn vị trưởng đứng giữa hai mảng người. Bộ đội lắng nghe. Đồng bào lắng nghe. Hai khối người nhìn sang nhau đầy thương yêu, quyến luyến. Có người nghếch mặt về phía những ngôi nhà những lối đi lâu nay đã quen thuộc. Chút hắt hiu nơi thôn bản như truyền vào những người lính một chút buồn hắt hiu, quạnh vắng. Mỗi người như sắp mang theo một bóng rừng Ba đa, nơi họ dừng chân, nơi họ được cứu hộ. Thủy, Nhân, Kỳ, Lan đứng cuối hàng. Tôn đứng gần đấy, nói khẽ qua Thủy:

- Chị Thủy không nói gì với Ba Lô kìa!

Thủy không nói gì. Nhưng Thủy biết có một người đang đứng nhìn Thủy: Ba Lô. Ba Lô đang nhìn Thủy thật. Ba Lô như buồn lắm. Ba Lô hôm nay không những không đóng khố, mà lại mặc quần. Một chiếc quần xanh cũ, có đôi ống chật cứng. Mẹ Ba Lô cũng đứng đấy. Bà đứng hơi chếch về một bên để nhìn rõ Thủy hơn. Bà không chú ý đến chuyện anh đơn vị trưởng lắm.

Bà nhìn ra xung quanh, những người già, những em bé đều giữ cái trật tự lây truyền từ cái khối người quân sự kia.

- Chúc đồng bào ở lại khỏe mạnh! Tiếng anh đơn vị trưởng kết thúc buổi nói chuyện ngắn.

- Chúc bộ đội lên đường mạnh khỏe.

- Banh xoanh... banh xoanh... khỏe mạnh... Banh xoanh. Tiếng Vân Kiều của những người không biết tiếng Kinh cũng vang lên chen lẫn, đồng nghĩa.

Giờ xuất phát bắt đầu. Từng tiểu đội chuyển động rồi lặng lẽ bước xuống dốc núi. Tiểu đội Thủy đi cuối cùng. Thủy lại đi cuối cùng tiểu đội. Bà mẹ Ba Lô cứ chạy theo nắm lấy quai ba lô của Thủy:

- Thủy không ở mãi với mẹ à? Mẹ thương Thủy lắm. Rồi bà khóc. Thủy dừng lại bên bà mẹ đầy lòng thương yêu thiên vị. Ba Lô chạy đến chỗ mẹ đứng. Anh nhìn Thủy, rồi bỗng nhiên nước mắt đổ xuống tràn lên đôi má. Không một tiếng động. Xung quanh nhiều người chạy đến: Không ai nói gì hơn. Thủy bật ôm lấy bà mẹ, đầu Thủy đặt lên tấm vai trần nhăn nheo. Thoáng lẫn lộn hai hình bóng trong mắt Thủy, một người mẹ đang trong vòng tay và người mẹ ở một miền quê xa. Có cái gì đó nhòa thành một mà mình đang được gắn chặt. Nước mắt của Thủy giọt từng dòng trên lưng mẹ. Thủy khóc, Thủy không khóc riêng với bà mẹ nữa, Thủy đang khóc với cả Ba Lô, một Ba Lô khỏe mạnh vững chãi, và cũng đang đầy nước mắt chân thật quý mến người lính con gái ở nơi nào không biết...."Thủy!.!" Tiếng gọi đằng trước vọng lại. Tiểu đội đã xa Thủy một đoạn dài.

Thủy xốc lại ba lô mình, như cố để có một cử động mạnh. Thủy mím chặt môi một hồi, như để ngăn cái xúc động sắp trào ra. Và Thủy nói:

- Chào mẹ nhé, con cũng thương mẹ lắm! Rồi quay sang phía Ba Lô:

- Chào anh Ba Lô nhé, Thủy đi đây! Thủy cố chạy, như cố tránh một sự níu kéo, một sự yếu mềm bắt Thủy phải xa đồng đội.  

Những phút đó, mẹ Ba Lô đã vịn vào đứa con thân yêu của mình. Bỗng Ba Lô như bứt ra, bàn tay giơ cao vẫy vẫy theo những hàng người đang khuất dần trong đó có Thủy:

- Đồng chí Thủy, Ba Lô cũng đi bộ đội!

Cái bàn tay xinh xinh, trăng trắng, nho nhỏ mờ dần, mờ dần .

Bóng Ba Lô đổ xuôi theo con dốc dài, như cố theo Thủy mãi...

***

Hơn một năm sau, câu chuyện về Thủy và Ba Lô đã bị quên trong trí nhớ chúng tôi, như chúng tôi đã đi xa rừng Ba đa. Chiến trận này sang chiến trận khác đã đưa bàn chân chúng tôi qua khắp các đơn vị. Nhiều hình ảnh như những vật lưu niệm cứ chồng lên nhau, cái sau đè lên cái trước, nếu không có một tia bóng nào gợi nhớ, thì chắc mãi mãi chìm sâu theo dĩ vãng. Khổ nhất cho những người bị bệnh tâm thần, họ như bị đánh mất toàn bộ số vốn tài sản không cứu vớt nổi. Lắm người sau những lần ra viện quân y, may lắm mới nhặt nhạnh lại đôi chút của rơi. Chiến tranh tàn phá không chỉ cái cụ thể ta thấy, hay sờ mó được, mà nó còn tàn phá cả cái thẳm sâu của chiều dày sự sống! Con người khi nằm xuống không để lại, không gửi lại đủ một lời về mình, về đồng đội? Dĩ nhiên, chúng tôi không hề chuẩn bị cho cái hành trang tương lai ấy. Hy sinh là cái tận cùng của kết thúc, nhưng không hề là cái đích !

Tình cờ một hôm, Tôn về công tác ở một đơn vị đóng ở đồng bằng. Trong câu chuyện, anh chỉ huy mách với Tôn:

Đơn vị tôi, anh biết không, có một đồng chí thiểu số người miền núi chiến đấu hăng lắm. Anh ta xông xáo như một con hổ rừng, có khi vượt trước cả mệnh lệnh chỉ huy. Được cái tốt, lần nào cũng đạt được kết quả. Anh em trong đơn vị yêu mến cái chân thật, cái gan dạ lúc nào cũng ở hàng đầu. Nhưng cái kiến thức bề rộng thì đang còn thiếu nhiều. Anh chưa đủ những khái niệm. Chỉ khi nào nói về rừng thì chúng tôi gọi đó là chuyên gia của rừng. Anh phân loại các loại thú rừng như một nhà khoa học.

- Con gấu à, có nhiều đấy: gấu chó này, gấu lợn, gấu ngựa. Dữ nhất là gấu ngoặt. Sóc à, cũng lắm thứ! Con cà neng có đôi sọc trắng chạy theo dọc lưng, con sóc bông, và cả con sóc bay nữa! Có đồng chí miền xuôi bắt được, cho vào nước sôi, nhúng để làm lông, hóa ra kéo tuột cả da, cả thịt, con sóc chỉ còn lại được vừa đúng quả ổi con. Miền núi người ta lùi vào trong tro nóng, cắt cái đuôi đi để lộ ra cái lò ở cuối. Lấy cái ống nứa nhỏ cho vào đấy, thổi như thổi bong bóng. Lớp da bị phồng lên từ cuối lên đầu mỏng dính. Cứ thế mà lột ra, chẳng mất một tí thịt nào.

Nghe anh chỉ huy kể, Tôn thấy thật thú vị.

Nhưng anh ta cũng ngây thơ lắm. Hỏi đã thấy biển chưa, anh nói: "Biển là cái con sông tròn, nhưng chắc không lội được như suối". Và bây giờ đã hiểu nhiều lắm rồi. Có dép mà anh vẫn hay đi chân đất. Anh bảo "đất khác, dép khác đi trên dép không biết đất tốt, đất xấu. Lắm lúc xung phong anh chạy bằng đôi chân trần. Anh em khuyên nên đi dép, câu nói anh thật mới lạ "cho đất cùng giết giặc với mình, hắn chạy theo mình, rứa mới thương đất … nước!".

Tôn tìm gặp. Ba Lô ngờ ngợ nhìn. Cuối cùng reo lên và cười bằng lợi vì hàm răng đã bị cưa mài nhẵn từ lâu:

- Đồng chí Tôn, đồng chí Tôn, tôi là Ba Lô đây. Anh nhớ tôi ở Ba đa không?

Nhớ rồi, nhớ lắm chứ. Tôn hỏi tiếp ngay:

- Ba Lô còn nhớ Thủy không?

Ba Lô bây giờ đã khác, mang bộ quân phục gọn gàng đúng khổ? Màu xanh lá cây ôm chặt lấy cái thân hình chắc nịch khỏe mạnh. Hai ống tay áo xắn lên quá khuỷu, để trần hai cánh tay đầy tròn bắp thịt bóng nhẫy. Mắt rất sáng dưới đôi lông mày thành hai vệt đậm gần giao nhau như một nét kẻ mực tàu dưới cái trán vuông. Đôi môi hơi dày, đặc điểm của miền núi thỉnh thoảng mở ra không dấu nụ cười chất phác và gần gũi.

Nghe câu hỏi về Thủy, Ba Lô không chần chừ:

- Nhớ mãi, nhớ mãi! Ngừng một lát, Ba Lô lại cười:

- Nhưng đồng chí Tôn ạ, mẹ vẫn ở một mình trên rừng Ba đa đấy !.

- Mẹ để cho Ba Lô đi bộ đội không nhớ sao ?

- Hắn nhớ mình lắm, nhưng mình phải đi bộ đội, vì hồi ấy giặc tới ném bom phá cái bản Ba đa của mình mà.

- Ba Lô vẫn chưa lấy vợ à?

- Đánh giặc xong rồi lấy vợ cũng được - Mẹ bảo thế!

- Đồng chí Ba Lô!

T.H

 

Tấn Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 76 tháng 01/2001

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground