Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Anh Nguyễn Vức

Vùng quê Triệu Phong cũ vào đầu thế kỷ XX – nơi của Khổng sân Trình đã vãn xế bóng – vẫn còn vài vị giáo học truyền bá chữ nghĩa thánh hiền. Từ Đại Áng xuống Lập Thạch có giáo Liêm, giáo Phùng. Qua Dương Lệ Đông có bác học Luân, xa hơn có giáo Thâm làng Vệ Nghĩa. Học Luân – ông nội của đồng chí Trần Hữu Dực hay giáo Thâm – Bố của GSTS Hồ Ngọc Đại bây giờ đều là những ông giáo tiến bộ. Dạy học không phải là nghề mà để truyền bá cách mạng.

Thời ấy họ đã dạy học trò cũng như con cháu: “Ra đường chào người khác, cảm ơn người trên chỉ cầm đứng thẳng, gật đầu là được. Cấm ngặt việc vòng tay, khom người, quỳ gối”. Chống tư tưởng nô lệ đến thế là cùng. Về sau các vị đều vào tù vì tội làm cách mạng.

Cuối năm 1931 – 1934, tôi gặp giáo Thâm ở nhà lao Quảng Trị. Bấy giờ đám chính trị chúng tôi sau cao trào 30 – 31 hết thảy đều bị bắt. Các anh Trần Hữu Dực, NguyễnVức, Lê Chưởng, Hoàng Hữu Chấp, Trần Mạnh Qùy, Lê Thế Hiếu… có mặt đây cả: "Tuyệt thực, chưởi bới, chúng giơ súng, mình giơ bụng, đấu tranh, anh em giúp đỡ nhau trưởng thành lên rất nhiều. Bọn cai ngục cấm tiệt việc gửi thư, không nhận được tin tức gì bên ngoài cả, anh tù đấu tranh. Thay vì không viết được thư, giáo Thâm làm bài thơ khẩu khí ngang tàng, khí phách. Xin chép ra đây để biết lớp trước tôi ảnh hưởng tốt đẹp, sâu nặng đến thế hệ chúng tôi và sau này nhường nào”.

Ai bảo thân ta đến thế này

Nhắn cùng làng nước vợ con hay

Khi đi, lính tráng theo chầu chực

Lúc nghỉ, quân gia đứng đặc dầy

Thầy đội thầy cai doanh trước mặt

Quan tuần quan án nắm trong tay

Bốn mươi bốn tuổi già chưa mấy

Đã tỏ non sông rạng mặt mày!

Hoặc giả: “Cũng thành cũng lũy cũng lâu đài. Chỉ khác hơn cụ một cái xai. Cơm ngày hai bữa nhờ thầy bếp. Đái ỉa hôm mai cậy thầy cai”… đều là thơ ca cách mang trong tù của thầy giáo Thâm làng Vệ Nghĩa, lớp sau chúng tôi còn thuộc nằm lòng.

Sau địch cho viết thư. Tôi không viết mà làm bài thơ Lượm thuốc tàn. Bài thơ này có đưa anh Vức nhuận sắc:

Xưa kia lưng lối cũng mê man

Hết lọng nên chỉ phải lượm tàn

Hy vọng miếng thừa ơn đất để

Tình cờ điếu nữa lộc trời ban

Bóc da rút ruột lăn vào một

Bụm miệng nung than sướng quá ngàn

Thắt ngặt bấy lâu đành nhịn nhục

Bây giờ khói đã thấm nơi gan.

Ý tôi muốn nói đấu tranh thắng lợi, hả lòng hả dạ rồi, cũng như việc thèm thuốc, lượm thuốc tàn trong tù vậy. Y Thi kéo tôi về hỏi chuyện anh Vức: Sao từ Đại Áng cậu Vức không theo học giáo Phùng, giáo Liêm ở Lập Thạch, gần nhà lại chỗ bà con bên ngoại mà chọn Dương Lệ Đông đò ngang cách trở, phải chèo ghe qua thụ giáo bác học Luân?. Tôi giải thích: - Ở chỗ gặp gỡ này đây mới là cái may trong số phận đời người và cũng là cái hay của lịch sử - nơi anh Vức sớm tiếp thu tinh thần yêu nước rồi Chủ nghĩa Mác – bước ngoặt để anh gắn bó một đời với đấu tranh cách mạng.

Anh Vức sinh năm 1906, hơn tôi đúng 6 tuổi khi ở Bắc về biết anh mất năm 1971, thọ ít, 65 tuổi. Mộ chí anh nằm phía dưới đường ray, bên trong cầu Trung Chỉ phần đất Đại Áng. Nguyễn Vức còn co tên là Nguyễn Sĩ  Vức, quê Đại Áng, Triệu Lương, trước thuộc Triệu Phong nay thị xã Đông Hà, không phải ở Lập Thạch, Triệu Lễ như tác giả Thanh Sơn đã nhầm ( xem biên niên về các Bí thư tỉnh Tỉnh ủy Quảng Trị. Tạp chí Văn hóa Quảng Trị số 17). Đành rằng có thời kì sau cách mạng tháng Tám thành công Triệu Lương, Triệu Lễ nhập vào thành xã triệu Hòa, sau tách nhưng tên hai làng Đại Áng, Lập Thạch giữ nguyên không hề thay đổi. Phan Quốc Sắc biết chuyện này có viết thư cho tôi, sau thấy báo Cửa Việt đăng lại nhiều bài đính chính, rúa là được, cảm động vô cùng. Riêng anh Vức còn phải đính chính. Anh học rất sớm, 14 tuổi đã nổi tiếng hay chữ, thường các bài văn đều được thầy nhuận sắc, đương thời bác học Luân vẫn khen: “Thằng Vức con ông Thơ bên Đại Áng rất thông minh”. Bởi có tư chất mẫn cảm ấy mà lúc đi học anh Vức đã nghịch ngợm, gan lỳ - dân gian gọi "nghịch ngầm". Lúc hoạt động có thận trọng hơn nhưng tính tình rất thẳng thắn. Thẳng đến cố chấp, hay định kiến với những kẻ mắc sai lầm, sai trái. Hơn nữa, anh có cái tật y hệt tự cao, tự phụ, e hết đến đời không kịp sửa đổi. Đồng chí Lê Chưởng (chồng chị Lê Thị Diệu Muội) lúc làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95, anh Vức còn lại đội trưởng – Dẫu trước đó anh làm chính trị viên Đại đội Lê Hồng Phong, vẫn là cấp dưới - ấy thế mà vẫn luôn mồm bảo: “Cái thằng Chưởng, thằng dốt quá!” hay “Chưởng ơi mi vô đây tao bảo…” mỗi khi có việc. Ấy là cái gàn, cai bướng, cái ngang phè phè của anh Vức. Nhiều khi tôi nghĩ: hay anh lớn tuổi, thuộc lớp đàn anh, tài cao học rộng…? Nhưng cũng thật lạ: Ngôi nhà của anh bánh ít, cách tân đến độ kỳ quặc, mái dựng đứng dốc hơn mái nhà thờ, lúc thợ lợp ngói kêu trời không thấu. Được cái đi ngang đi dọc, khách lạ trong vùng ai ai cũng đều đoán ra ngôi nhà ông Vức. Anh Dực ở đây rất nhiều năm, bác Lê Duẩn ở đây hơn một năm (1937-1938) lúc làm xứ ủy Trung Kỳ và cũng là nơi hội họp một thời của Tỉnh ủy Quảng Trị lúc anh làm Bí thư.

Khi chúng tôi còn rất trẻ, vào năm 1929 anh Vức đã được anh Dực cảm tình, đưa vào tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Một hôm anh Dực giới thiệu với tôi: “Anh Vức là người tổ chức của ta”. Từ đó tôi thường liên lạc với anh. Đầu năm 1930, anh Dực bảo chuyển một lá thư cho anh Vức. Không rõ trong thư nói gì, nhìn không thấy chữ nhưng khi dùng Tanh tuya điôt bôi vào thì chữ hiện ra (2). Anh Vức đọc xong đốt ngay. Về sau tôi đoán rằng, anh Dực đã chỉ thị cho anh Vức một việc quan trọng. Thành lập một căn cứ hoặc chi bộ ở Đại Áng. Vì chưa đầy tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3 – 1930, Chi bộ Đại Áng đã được thành lập. Anh Vức làm Bí thư vì anh là người đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, truyền bá vào Đại Áng sau lan ra khắp vùng.

***

Đi vào hoạt động anh Vức có nhiều lợi thế. Ngoài văn hay chữ tốt, anh là người có khiếu nói, có tài hùng biện, biện luận. Khi diễn thuyết khả năng thuyết phục của anh rất lớn. Một trong những tài của anh là tổ chức ra nhiều hội biến tướng, trá hình nhằm che mắt địch, tập hợp quần chúng tranh đấu. Hội làm xâu, làm vàn hình tổ chức đổi công tương trợ nhưng đàng sau tổ chức này là cách tập hợp lực lượng nông dân tài tình đấu tranh với địa chủ. Công gặt từ nửa bó lúa (1/4 bó) đấu tranh để được nửa gánh, lại tự bó tức được lúa nhiều hơn. Kể cả công gặt thuê cũng đòi giờ giấc ngày công 8 tiếng. Tiến lên, đòi chia ruộng đất, hoãn nợ, hoãn thuế, chống sưu cao thuế nặng. Cương lĩnh của Đảng đối với quyền lợi người dân lao động từ đó thấm sâu. Nhiều Hội như Hội cứu tế, Hội người lớn tuổi, Hội buôn, những người có học ra đời, giúp cán bộ Đảng vừa khống chế, phân hóa và lôi kéo nhiều phần tử trong chính quyền tay sai, buộc nhiều hoạt động của chúng phải mang lại quyền lợi thiết thực cho dân nghèo. Ảnh hưởng anh Vức ngày càng lớn, nhiều địa chủ trong vùng hoặc bỏ bớt đặc quyền đặc lợi, hoặc trở thành những người tiến bộ góp công góp của cho nhiều tổ chức. Hội cứu tế bình dân là một ví dụ. Suốt đời tôi không bao giờ quên cái hội đỏ trá hình này. Dưới danh nghĩa Hội hiếu, lập thành 24 người, sắm bộ đồ đưa đám chăm lo việc tang kiểu Hội Bảo thọ bây giờ. Bất lợi là ai trong vùng nhà khó có người chết không lo nổi, hội tự nguyện đến giúp vừa chu đáo, vừa không tốn kém. Bộ đó đưa đám được khắc lên hai câu: “Xã hội tức tĩnh, bình dân cứu tế” lên hai tấm bừng. Sau có người chỉ điểm, quan phủ bắt lên, bố anh Vức đi thay, chịu ra án một năm án thục, án lập hội không xin phép và bộ đồ đám bị đục đi 8 chữ trên. Lúc bố tôi mất, tôi và anh Lê San vừa ở tù ra, bọn hương lý trong làng lấy  cớ tù Cộng Sản làm khó dễ không cho chôn cất. Nhà lại không có tiền, tôi bơi bộ qua sông tìm anh Vức. Bác Thơ ( bố anh Vức) dỗ dành tôi: “Bình tĩnh cháu à, hễ liệu không xong đưa chú về đây bác chôn cất cho”. Tôi vừa về thì anh Vức cũng kịp về theo, mang qua 24 đồng Đông Dương bảo tiền của Hội cứu tế bình dân do bố anh phúng 20 đồng, bố anh Hồ 4 đồng. Số tiền tương đương 120 thúng lúa. Trên danh nghĩa thầy địa, anh Vức đã đứng ra dàn xếp lo liệu đám cho bố tôi. Câu chuyện là thế nhưng tôi xem lạ: Ngoài tình cảm đồng chí ra còn có sự quan tâm chu đáo của tổ chức, của Tỉnh ủy. Anh Vức thay mặt Tỉnh ủy giúp anh em tôi (đều tỉnh ủy viên). Thế mà hết một đời anh em tôi không sao trả nổi.

Mít tinh, biểu tình, đưa yêu sách cũng là thiên tài tổ chức của anh Vức hồi bấy giờ.  Một đêm cuối tháng 3-1931, diễn ra một cuộc mít tinh lớn ở Đông Lai (gần Điếu Ngao), nhân dân vùng Lương Lễ có đến 500 người đến dự. Vũ khí chỉ gậy gộc giáo mác, đội tự vệ được thành lập. Tự vệ đi đầu và chia ra bảo vệ khu vực mít tinh. Cán bộ diễn thuyết hô hào ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh bằng cách biểu tình, tố cáo tội ác, vạch rõ âm mưu của địch và kêu gọi đảng viên giữ vững khí tiến cộng sản. Mít tinh xong, sáng hôm sau mật thám Tây về chỉ còn lại tàn thuốc và dấu chân người. Tuy tổ chức thành công, anh bị tên Xạ Viết chỉ điểm, bắt anh đến nửa tháng sau mới cho về.

Một đêm tháng 4 – 1931, tổ chức biểu tình. Từ Đại Áng đến 300 người vượt qua bến Cồn lên phủ Triệu Phong khất thuế. Đoàn qua đến chợ Thuận trời sáng, các nơi như An Dạ, An Lưu, Bích La, An Cư không kịp kéo đến nên phải giải tán, sợ ít người thực dân Pháp sẽ dễ dàng đàn áp tiêu diệt. Khi về ở bến Lập Thạch nước lớn, đoàn bị chết trôi 2 người. Bị bọn ma tà mật thám chỉ điểm, bắt hết đảng viên (Quang, Cáo, Việt, Phiệt, Hồ, Vức), riêng anh bị kết án 3 năm tù giam. Ra tù anh càng hoạt động ráo riết hơn. Thời mặt trận dân chủ, chi bộ hoạt động bán công khai, chuyển hướng đấu tranh như biểu tình chống thuế, đòi bỏ thuế chợ, thuế đò, thuế sông. Đòi các quyền tự do đi lại, tự do báo chí, nghiệp đoàn, hội họp. Nhiều cuộc mít tinh được tổ chức ở mã cồng Tham (giữa đồng Vĩnh Phước) có đến hàng trăm người dự. Đặc biệt vụ đón Gô Đa, anh vừa là người lãnh đạo vừa là người trực tiếp tổ chức quần chúng hội họp, mít tinh, thỉnh cầu dân nguyện. Sự chuẩn bị cho phong trào đón Gô Đa khá chu đáo, diễn ra giữa ban ngày, hơn 400 người không có vũ khí tập trung giữa đồng Chùa sau đó kéo lên tỉnh đưa yêu sách. Anh Vức trực tiếp đưa bản dân nguyện và đánh điện tín về bên Pháp đòi giảm sưu cao thuế nặng, tố cáo chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương không thực hiện quyền dân sinh dân chủ. Tháng 8 – 1937 anh vào tỉnh ủy viên sau làm bí thư. Năm 1939 cơ quan Tỉnh ủy từ Long Hưng chuyển ra ở Tân Phố. Khi chiến tranh thế giới bùng nổ, thực dân Pháp tìm đủ mọi cách tăng cường bóc lột và đàn áp. Chúng lùng bắt ráo riết đảng viên, đặc biệt những người đã đứng ra hoạt động công khai thời dân chủ. Cuối năm 1940 anh lại bị địch bắt giam, cuối năm 1942 được thả về.

Có thể nói hai thời kỳ (30 – 31 và 36 – 40) là hai thời kỳ hoạt động sôi nổi nhất trong cuộc đời anh Vức. Ở Quê anh, làng Đại Áng đã có nhiều lúc tổ chức ra được chính quyền mới gần tựa như Xô viết Nghệ Tỉnh, hình thức đó có thể gọi là làng đỏ. Cách mạng tháng Tám thành công tôi có biết anh làm Chủ tịch Mặt trận Việt minh tỉnh. Sau chuyển qua làm chính trị viên Đại đội Lê Hồng phong. Đại đội trưởng  của một trong 3 đại đội Trung đoàn 95 bấy giờ. Từ đó do công việc khác nhau, tôi chuyển qua công tác mậu dịch, không có dịp tiếp xúc, biết thêm gì về anh nữa.

***

Năm 1954 ra miền Bắc, gặp chị Hà vợ anh Đặng Thí là người phân bổ công tác cho cán bộ miền Nam tập kết. Tôi đổ mồ hôi hột, khi tìm hết danh sách không thấy anh Vức tập kết ra. Sau biết anh Trương Công Kỉnh bố trí anh Vức ở lại. Cũng có yên tâm đôi chút nhưng tình cảm vấn vương lòng tôi còn nuối tiếc.

Anh vẫn trá hình là thầy địa, thầy thuốc, thầy cúng để hoạt động cách mạng cho đến cuối đời. Lúc chết anh vẫn làm nhiệm vụ, là người của tổ chức, của Đảng đã được truy tặng liệt sĩ. Tôi biết thím Nguyễn Thị Thất, bà mẹ có 3 con: Nguyễn Hóng, Nguyễn Phiệt và Nguyễn Vức đều là liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ. Nhà nước sẽ truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng cho thím.

Y Thi ghi

--------------

(1)     Hết lọng: hết trơn, hết nhẵn (tiếng địa phương

(2)     Tanh tuya điốt: là thuốc sát trùng có nhiều ở địa phương. Cách viết thư này là lấy nước cơm viết lên giấy để khô. Nước cơm tinh bột gạo mà bôi Tanh tuya điốt vào xảy ra phản ứng, giấy trắng hiện ra những dòng chữ màu xanh lá cây, đọc được

 

 

 

Lê Hoạch
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 8 tháng 05/1995

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

12 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

12 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

12 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

12 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground