Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Báu vật Champa trên đất Quảng Trị

* Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1

Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 được nhân dân làng Trà Liên (xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) phát hiện năm 1980 trong quá trình đào bới khu đất của làng. Khu đất này nguyên xưa là một ngôi tháp của người Chăm đã bị đổ nát nằm trên một vùng cát thuộc xóm Nam Bồi, làng Trà Liên, xã Triệu Giang; cách quốc lộ 1 gần 2km về phía đông, cách sông Thạch Hãn gần 1km về phía tây bắc. Sau đó hiện vật này được chuyển về lưu giữ tại phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Hải (nay là phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Phong). Đến tháng 11 năm 1996, phòng Văn hóa - Thông tin huyện Triệu Phong chuyển giao cho Bảo tàng Quảng Trị bảo quản và phát huy tác dụng.

Phù điêu có hình bán nguyệt (đúng hơn là một hình tam giác cân không đỉnh), được làm từ chất liệu đá sa phiến thạch, có kích thước cao 1,21m; dày 0,2m đường kính đáy 1,54m. Phù điêu bị vỡ một góc bên trái. Toàn bộ nội dung của phù điêu được tập trung thể hiện ở một mặt, đóng trong một khung hình vòm được khoét lõm sâu hơn 10cm. Mảng phù điêu chiếm gần hết 2/3 bề mặt.

Phù điêu của tấm lá nhĩ chạm hình thần Surya - thần Mặt trời và hai trợ thủ, cả ba cùng trên một chiếc bệ cao có nhiều đường gờ giật cấp (như chiếc thuyền). Thần Surya đứng giữa, đầu đội một Kirita - mukuta hai tầng, tầng dưới của chiếc mũ tạo hình những cánh sen, phần trên trông như một búi tóc với nhiều bậc. Toàn thân mang áo dài kẻ sọc dày, bó sát người, phủ tận cổ tay, chân. Lưng đeo một dải đai (dải Bà La Môn), thắt một vòng đơn giản trước bụng; hai dải đai thỏng xuống phía trước, dài tận chân. Khuôn mặt nghiêm nghị, lông mày rậm, sống mũi cao, miệng rộng. Hai tai đeo đồ trang sức to nặng, trễ xuống quá cổ. Hai tay cầm hai búp sen giơ lên ngang vai. Hai trợ thủ ngồi hai bên, phía dưới chân của thần, mỗi vị cầm một cái trượng (trong như đang chèo thuyền), trong tư thế đang cố sức để chống đẩy cỗ xe đi lên phía trước; khuôn mặt tươi tắn, miệng rộng, môi dày. Bên dưới chiếc bệ có hình bảy đầu ngựa tượng trưng cho 7 ngày; ứng với mỗi đầu ngựa là một đôi chân trước, tạo ra 14 chân cả thảy. Mảng phù điêu còn rất nguyên vẹn, bố cục hài hòa, kỹ thuật chạm khoét sâu vào thớt đá với trình độ cao làm cho các hình tượng nổi lên rất rõ nét mà thoạt nhìn có vẻ như là tượng bán phù điêu. Đáng chú ý là bên góc phải có một đường rãnh chạy từ trên xuống theo đường vòng cung bọc lấy phía ngoài một cách khá tự do trong khi lẽ ra nó phải uốn theo đường vòng cung. Sự sai sót này làm cho ta có cảm giác những người thợ Chăm trong khi tạo tác đã luôn theo cảm hứng sáng tạo của mình chứ hoàn toàn không theo một đồ án đã có sẵn từ trước. Mặt sau của phù điêu để nguyên khối đá. Do phù điêu được dùng để trang trí trong khám thờ trên vòm cửa chính tháp Chăm Trà Liên nên mặt sau không được chú trọng nhiều.

Theo quan niệm của người Chăm, Surya - thần Mặt trời do căn tự “sur” hay “svar” nghĩa là “sáng chói”, là nguồn sống của vũ trụ, là minh trí của tất cả sinh vật, biểu thị bởi mười hai nguyên lý tối cao (Âditya). Thần Mặt trời là một vi thần mình màu đồng đỏ, tóc và râu màu vàng, ngự trên một chiếc xe có bảy con ngựa kéo, có khi lại do rồng Nagar kéo và chiếc xe chỉ có một bánh. Thần Mặt trời đội vương miện và đeo vòng, tất cả đều tỏa hào quang chói lọi khắp nơi.

Mặt trước Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1

Mặt trước Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1

* Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2

 Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2 được cán bộ Bảo tàng Quảng Trị phát hiện vào năm 1992 tại địa điểm di tích tháp Chăm Trà Liên (làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong). Khi phát hiện, Phù điêu được đặt ở tư thế dựng đứng, mặt quay về hướng đông. Đến tháng 12 năm 1999, dân làng Trà Liên đã đồng ý chuyển giao cho Bảo tàng Quảng Trị lưu giữ, bảo quản. 

Bức phù điêu này cũng có hình bán nguyệt, được làm từ chất liệu đá sa phiến thạch. Hiện trạng còn khá nguyên vẹn, chỉ có một số chi tiết chạm khắc trên bề mặt có phần bị sứt mẻ.

Toàn bộ nội dung của phù điêu tập trung thể hiện ở 3 mảng: Hai mảng chính thể hiện bởi hai hình tượng của Siva và Uma được chạm nổi trong hai khung hình bán nguyệt khoét lõm xuống so với bề mặt; một mảng phụ khác thể hiện hình tượng cây vũ trụ với kỹ thuật chạm chìm nằm phía trên đầu, giữa hai mảng chính.

Hình tượng thần Siva được chạm nổi, ngồi trên một chiếc bệ rộng 0,32m, dáng thư thái, tĩnh tại, chân trái gập ngữa trên bệ, chân phải gập đứng, bàn chân chống trên mặt bệ, đầu gối ngang ngực. Tay trái thả lỏng uốn theo thân người và đùi. Tay phải gác nhẹ lên đầu gối phải, bàn tay nắm một chuỗi hạt (9 hạt). Cổ tay và bắp tay có đeo đồ trang sức. Bụng, ngực nở vừa phải. Cổ cao, nhìn kỹ như có ba ngấn và đeo những vòng trang sức thỏng xuống ngực. Thần mặc một sampot ngắn có thắt lưng, vạt trước khá dài chảy tràn qua bệ. Mình và đùi để trần. Khuôn mặt trang nghiêm, mắt hơi vuông, miệng hé cười, môi dày, mũi to, hai cánh mũi nở. Các đường nét trên mi mắt được thể hiện khá kỹ, đôi lông mày cong hình chữ S nằm ngang giao nhau ở sơn căn, tại đây nổi rõ con mắt thứ ba. Tai được tạo khá to, đeo những đồ trang sức dài thả xuống tận ngực. Trán ngắn, hẹp, tóc trán chải bảy nếp tạo thành một kirita - mukuta ba lớp. Đỉnh mukuta có hình vành trăng khuyết ôm quanh búi tóc tròn.

Mặt trước Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2

Mặt trước Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2

Hình tượng Uma ngồi trên một bệ cao 0,3m trong tư thế rất thoải mái. Hai chân gập về phía sau. Nửa thân dưới được bao phủ trong một sarong dài có trang trí bằng những đường kẻ song song. Nửa thân trên để trần lộ ra hai vú căng tròn. Hai cánh tay dài thon thả, tay trái chống lên mặt bệ; tay phải tựa khuỷu lên đùi, cánh tay vắt chéo ngang qua tay trái, ôm lấy eo bụng. Trên cánh tay và cổ tay đều thấy đeo vòng trang sức. Khuôn mặt hiền từ, đôn hậu. Cổ cao ba ngấn. Tai dài chấm vai. Đầu đội một kirita - mukuta hai tầng.

Theo quan niệm của người Chăm, Nữ thần Uma là vợ hay chính là hóa thân của thần Siva, còn có tên khác là Bhagavati - một vị thần được sùng kính ở Champa dưới tên gọi là Ponagar hay Po Inư Nagar (thần mẹ xứ sở). Hình tượng tán cây vũ trụ được tạo tác theo dạng thân cây thẳng đứng tạo thành như một tường ngăn cách giữa Siva và Uma. Cành và ngọn cây xòe đều một cách cân xứng ra hai bên và rủ xuống thấp. Hai vòm tán cây tạo ra ở hai bên gốc cây hai khoảng lõm gần như đối xứng nhau qua cái thân cây. Những chiếc lá to tạo thành cành ngọn của cây có hình dáng như một đóa hoa nhọn có ba cánh (một ở giữa và hai ở hai bên). Những đường chéo song song trên thân cây tạo cho cây vừa có vẻ dáng vươn cao thanh tú và vừa có một mối gắn kết hữu cơ từ gốc cây lên đến các cành, các lá và tới tận ngọn cây.

Hai phù điêu lá nhĩ này đều thuộc thành phần trang trí kiến trúc đền tháp của người Chăm cổ.

Căn cứ vào các đường nét, các chi tiết và kỹ thuật thể hiện trên phù điêu, các nhà nghiên cứu cho rằng: Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 1 và Phù điêu lá nhĩ Trà Liên 2  thuộc phong cách nghệ thuật Đồng Dương - niên đại vào khoảng nửa cuối thế kỷ IX. Cả hai hiện vật này đều mang tính độc bản; có giá trị đặc biệt và có hình thức độc đáo. 

Hiện vật thuộc thành phần trang trí kiến trúc đền tháp Chăm được chạm khoét sâu vào thớt đá với trình độ cao, rất tinh xảo nên có thể khẳng định đây là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách ổn định trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Champa - phong cách nghệ thuật Đồng Dương. Vì vậy có thể xem đây là một tác phẩm điêu khắc có niên đại sớm của nghệ thuật Champa.

Hiện vật có hình thức độc đáo được thể hiện ở chỗ đây là loại hình phù điêu chạm khắc hình tượng các vị thần tiêu biểu của người Chăm - thần Surya, thần Siva, nữ thần Uma đạt đến trình độ thẩm mỹ cao, sắc nét đã làm toát lên hình ảnh uy nghi, nghiêm nghị của thần. Hiện vật cũng thể hiện sự kỳ tài của người Chăm trong kỹ thuật tạo tác trên đá cách đây hơn 1.000 năm. Chỉ bằng những dụng cụ thủ công, cư dân Chăm cổ đã khắc họa những đường nét tinh xảo, công phu, tỉ mĩ hình ảnh của những vị thần trên các phù điêu mang đậm yếu tố tín ngưỡng.

Với những giá trị nổi bật như vậy nên hai bức phù điêu này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/12/2016.

* Tượng UMA Dương Lệ

Trong truyền thuyết Champa, Uma là vợ hay chính là hoá thân nữ của thần Siva còn có tên là Bhagavati - một vị thần được sùng kính của cư dân Chăm dưới tên Po Narga hay Po Yan Inư Nagar (thần mẹ xứ sở). Pho tượng này được tìm thấy trên nền phế tích của một khu thánh địa Champa tại làng Dương Lệ Đông, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong. Dân địa phương cho hay là sau khi phát hiện được pho tượng thì làng đã cho lập một miếu thờ trên nền tháp đổ với tên gọi là Miếu Bà Giàng để thờ pho tượng được thần hoá là Bà Giàng này. Năm 1985, ngôi miếu bị hoang phế, pho tượng được phòng Văn hoá thông tin huyện Triệu Hải (cũ) mang về lưu giữ và đến năm 1997 thì chuyển về Bảo tàng Quảng Trị.

Tượng Uma Dương Lệ là một pho tượng tròn, cao toàn thân 0,60m; đầu cao 0,32m; vai rộng 0,29m; vòng eo 0,37m; vòng ngực 0,51m; chân xếp bàng rộng 0,48m; nặng 125kg. Tượng tạc một vị nữ thần trong tư thế đang tọa trên bệ đài. Hai chân đặt chéo lên nhau, phần tay đã bị mất nhưng dựa vào tư thế và hai dấu vết ở phần đùi chúng ta có thể khẳng định hai tay của pho tượng được đặt trên hai đùi trong thế thiền định. Toàn bộ tượng có chiều cao 0,60m. Phần đầu đội một cái mũ rất lạ, ít gặp trên những tượng Chăm thường thấy. Nó không phải là cái kirita-mukuta tỉ mỷ và kiêu kỳ mà là một kiểu mũ chóp trơn, đơn giản, không kiểu cách, chỉ có ba đường viền làm cho mũ đỡ "trơ" chứ không nặng về mục đích trang trí; viền bờ mũ phía trước trán, viền bờ mũ phía sau gáy và đường gờ vắt ngang qua đỉnh đầu từ bờ vai trái sang bờ vai phải. Ba đường viền cũng thật đơn giản ngoài ra hầu như không thấy một trang sức nào.

Mặt trước tượng Uma Dương Lệ

Mặt trước tượng Uma Dương Lệ

           Nét mặt của pho tượng bầu bĩnh, cân đối, dịu dàng. Trán khá rộng. Ðôi tai dài được chạm tỷ mẫn lộ rõ những đường vành, dái tai to. Ðầu ngẩng cao, mặt hướng thẳng về trước. Ðôi mắt đăm chiêu như đang nghĩ ngợi điều gì đó xa xăm. Môi trên mỏng, môi dưới dày vừa phải, khóe miệng hở, tạo ra cảm giác như đang cười tươi tắn. Toàn bộ khuôn mặt toát lên vẻ thanh tú, nhẹ nhàng, duyên dáng.

Phần thân phía trên không có trang phục, ở tư thế lõa thể làm lộ rõ đôi vú căng tròn nhô hẳn ra phía trước, phía dưới có mặc váy phủ từ rốn xuống dưới dạng các dải tua mềm mại tạo cho váy không quá kín nhưng cũng không quá hở, chỉ vừa đủ để làm lộ đôi bắp đùi thon thả của pho tượng - biểu lộ một sức sống tràn trề, một ấn tượng mạnh mẽ về nghệ thuật. Giáo sư Lương Ninh cho rằng: “Ðây có thể là pho tượng tròn vào loại đẹp nhất của nghệ thuật Champa”1.

Pho tượng được tạc từ đá sa thạch, hạt mịn, màu nâu sẫm. Toàn bộ pho tượng toát lên vẻ tự nhiên, tươi mát, sống động, duyên dáng song rất thanh tú, trầm tĩnh và trí tuệ. Phần đầu bị gãy đã được gắn lại, trên cánh mũi bị sứt một mảnh nhỏ; hai cánh tay đã mất; phần thân có sứt một mảng nhỏ ở vú trái, hai bên đùi và bàn chân.

Căn cứ vào các đường nét, các chi tiết và kỹ thuật thể hiện, các nhà nghiên cứu xếp pho tượng vào phong cách Trà Kiệu (cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X), một phong cách vào giai đoạn giữa trong tiến trình nghệ thuật Champa ở Quảng Trị2.

Tượng Uma Dương Lệ là hiện vật gốc, độc bản tiêu biểu cho loại hình tượng thờ trong các công trình kiến trúc đền tháp của người Chăm tại Quảng Trị cũng như trong khu vực Trung Trung bộ. Trong tâm thức người Chăm, Uma là vị thần tối thượng được người dân tôn sùng và xem là nữ thần quan trọng nhất trong hệ tín ngưỡng dân gian. Chính vì vậy, tại tất cả các khu đền tháp họ đều tạc tượng Bà để thờ phụng. Tuy nhiên, dù thể hiện cùng một vị thần nhưng mỗi pho tượng lại mang một sắc thái, một phong cách riêng khó trùng lặp. Cách thức thể hiện pho tượng nữ thần Uma Dương Lệ đang ngồi thiền định là duy nhất trong nghệ thuật điêu khắc cổ Champa. Hiện vật được thể hiện bằng thủ pháp điêu luyện với những đường nét chạm khắc tinh xảo làm cho tác phẩm mang hình dáng chắc, khoẻ nhưng không kém phần duyên dáng, gợi cảm. Điều đó để khẳng định rằng đây là hiện vật tiêu biểu cho một phong cách ổn định trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Champa - phong cách nghệ thuật Trà Kiệu (cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X). Đây là một trong những pho tượng thờ được biết đến trong nghệ thuật, văn hóa Chăm, là một cứ liệu tiêu biểu chứng minh cho sự tồn tại của các đền tháp Chăm trên vùng đất Quảng Trị.

Tượng Uma Dương Lệ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018.

Dấu ấn văn hóa của lớp người tiền trú cho phép chúng ta cảm nhận về vương triều vàng son một thời với những thành tựu vô cùng rực rỡ. Vì lẽ đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng như phi vật thể tồn lưu dưới nhiều hình thức của các nền văn hóa nói chung và văn hóa Champa nói riêng trong lịch sử là một việc làm cần thiết nhằm góp phần bảo vệ và tôn vinh các giá trị văn hóa trên vùng đất Quảng Trị.

Chú thích

1 Lương Ninh. Một số hiện vật nghệ thuật Chăm. Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992, tr. 283.

2 Lê Đức Thọ. Văn hóa Chămpa Di tích và huyền thoại (tỉnh Quảng Trị). Nxb Thuận Hóa Huế. Tr. 220.



Tùy Phong

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground