Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bước qua

 

C

ó lẽ cái nắng, cái gió mặn mòi của biển đã làm cho anh Mai Văn Dàn già đi nhiều so với tuổi của mình. Nhưng bên trong nước da rám nắng ấy là cả một tấm lòng nhân hậu cao cả mà người đời phải ngã mũ cảm phục, quí mến và trân trọng bởi anh đã bước qua “lời nguyền” của ngư dân biển để giành lại mạng sống cho không ít người bị đuối nước trên vùng biển Cửa Việt – Gio Linh – Quảng Trị.

Anh Mai Văn Dàn được nhiều người cảm kích, coi là ân nhân có vóc người vừa phải, nước da ngăm đen, nhưng phong thái hoạt bát. Bằng giọng nói rắn rỏi chân chất miền biển pha chút hài hước của một cựu binh trong quân ngũ, anh Mai Văn  Dàn xúc động kể cho chúng tôi nghe câu chuyện… anh bước qua lời nguyền của ngư dân biển:

 Anh Dàn sinh ra và lớn lên ở thôn Hà Lộc (nay là khu phố 7 thị trấn Cửa Việt). Cũng như những đứa trẻ nơi miền quê cát trắng chỉ có thể bám lấy nghề đi biển mà sống, sau những buổi cắp sách đến trường làng, anh theo bố tập tềnh đi biển, rồi trở thành ngư dân rường cột của gia đình. Đến tuổi quân ngũ, gác lại nghề biển để gia nhập lính Bảo vệ Thủ đô, rồi một năm sau anh tình nguyện lên mặt trận biên giới ở Bắc Giang.

Lật lại ký ức hai mươi lăm năm về trước, khi đang ở mặt trận biên giới Bắc Giang, anh phải nuốt nước mắt khi hay tin người cha và chú ruột đã bị cơn “cuồng phong” bất ngờ ập đến cướp đi sinh mạng tại vùng biển quê nhà. Nếu không vì quan niệm “thần biển”, hay còn gọi là “hà bá” đã “kêu” ai thì người ấy “dạ”, ai đến cứu nghĩa là chống lệnh “bắt người” của “hà bá” thì… người thân của anh không ra đi mãi mãi.

Sau khi xuất ngũ trở về bám lấy nghề đi biển, câu chuyện “lời nguyền” quá nghiệt ngã kia đã khiến những ngư dân miền biển chân chất bỗng trở nên nhẫn tâm khi thấy người sắp chết đuối mà không cứu cứ ám ảnh anh mỗi khi ra khơi xa mưu sinh bám biển. Anh tự nhủ với lòng mình rằng sẽ bước qua “lời nguyền” của ngư dân biển khi có người sắp chết đuối…

Và rồi cái gì đến phải đến. Hôm ấy anh đang chuẩn bị kiểm tra lại con thuyền của mình cho chuyến ra khơi đánh cá. Bất ngờ phát hiện một phụ nữ trong đoàn khách ra tắm biển sắp bị chết chìm, anh vội lao thuyền ra rồi như con rái cá nhảy ùm xuống biển đưa nạn nhân lên thuyền sơ cứu chở vào bờ. Đó là lần đầu tiên anh thỏa ước nguyện bấy lâu để gạt đi nỗi ám ảnh đè nặng trong lòng mỗi khi đứng trước biển nhớ về người cha quá cố của mình. Cứ thế, mấy chục năm gắn bó với miền biển và nghề đi biển, anh không nhớ hết đã cứu được bao nhiêu người. Lần gần đây, anh Mai Văn Dàn lại cứu đuối kịp thời cho cô gái tên Hồng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau đó chị gái của Hồng nhân chuyến vào công tác tại Quảng Trị đã đến thăm “ân nhân” của em gái mình. Cảm kích trước sự quả cảm của anh Dàn, Đội cứu sinh và Ban quản lý bãi tắm Cửa Việt, cơ quan chủ quản của hai nạn nhân ở Hà Nội đã gửi thư vào cảm ơn khen ngợi Đội cứu sinh và Ban quản lý bãi tắm Cửa Việt, đặc biệt là anh Dàn!. Rồi trường hợp cô gái tên Ly ở khu phố 1, thị trấn Khe Sanh được anh Dàn phát hiện và ứng cứu kịp thời, nên sau khi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị mới hồi tỉnh và qua cơn nguy kịch.

Lão ngư Dàn gia nhập Đội cứu sinh thuộc Ban Quản lý bãi tắm Cửa Việt cách đây năm năm. Theo anh, biển Cửa Việt rất hiền, đa số người gặp nạn đều trong tình trạng đã uống nhiều bia rượu, hoặc chủ quan bơi ra khỏi vùng nước an toàn đã được giăng phao, cắm cờ báo hiệu... Với bề dày kinh nghiệm, anh Dàn cho biết, cứu đuối ở biển khó hơn ở sông, hồ gấp nhiều lần. Để cứu đuối ở biển, ngoài thông thuộc luồng lạch, còn phải biết quan sát con nước và ước lượng dòng chảy để lao ra “đón đầu” vớt nạn nhân lên cứu đuối kịp thời.

Một kỷ niệm mà vợ chồng anh Dàn không thể nào quên xảy ra cách đây sáu năm. Khi đang đánh bắt hải sản thì phát hiện một cô gái đang bị cuốn trôi. Sau khi cứu nạn nhân lên thuyền, người này thiết tha xin ở lại trên thuyền…Một lúc sau hai vợ chồng mới “tá hỏa” khi một chiếc thuyền chở gã thanh niên cầm dao lăm lăm lao đến đòi “xử”. Đến khi lên giải trình với công an, gã thanh niên nhận lỗi là do mải mê “chè chén” trên bờ, rồi nghe người ta nói người yêu bị một lão ngư bắt lên thuyền chở ra biển, nên gã lao đến dí dao vào cổ một ngư dân khác yêu cầu chở ra biển để “xử” Mai Văn Dàn.

Ngư dân nơi anh đang sinh sống còn kiêng kị nhất là vớt xác người chết lên thuyền vì sợ vướng “phong long”, nhưng với anh thì không nghĩ vậy: “Tui nghĩ miềng làm được việc phúc đức thì gia đình, con cái được bình an và cuộc sống của miềng thanh thản hơn…”.

Những người được Mai Văn Dàn giành lại mạng sống hẳn ít ai biết được rằng, việc làm nhân nghĩa ấy của anh là cả một quá trình “giằng co” giữa “cái thiện và cái ác”, giữa “lời nguyền” theo quan niệm của cư dân biển với triết lý nhân đức... Vợ con anh nghe người ta “lời ra tiếng vào” việc bước qua “lời nguyền” của anh nên rất sợ và lo lắng. Bởi vậy, sau mỗi lần cứu người đuối nước hoặc vớt xác trên biển là anh lại an ủi để vợ con an tâm bằng suy nghĩ chân chất đời thường mà thắm đượm tình người: “kệ họ miềng làm việc phúc đức cho đời thì trời không phụ miềng mô…” Là nói vậy nhưng sau mỗi lần cứu được người thoát chết đuối, anh đều ghi lại tên tuổi họ, rồi tự bỏ tiền mua ít lễ vật cúng Lễ thế hồn cho vợ con anh yên lòng.

Trước hành động nghĩa hiệp không tính toán thiệt hơn của lão ngư Mai Văn Dàn, năm 2012 anh vinh dự được trao danh hiệu Hiệp sĩ giao thông. Chương trình do công ty Total Việt Nam Phối hợp với ủy ban an toàn Giao thông Quốc gia, Kênh VOV giao thông (khu vực miền Bắc) của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – Kênh giao thông đô thị thực hiện.

Câu chuyện bước qua “lời nguyền” của anh và tôi trên bờ biển chiều cũng đã cạn dần, hoàng hôn theo những con sóng hun hút khơi xa, chỉ còn lại tiếng gió lao xao hòa cùng tiếng thở phào nhẹ nhõm của anh sau một ngày biển không nổi giận cho tôi cảm giác thật yên bình. Khoảng lặng giữa chúng tôi trôi qua chốc lát rồi anh thốt lên nỗi niềm trong thương nhớ với người cha rằng: anh đã bước qua “lời nguyền” của biển để đem lại sự sống và hạnh phúc cho không ít gia đình trên vùng biển Cửa Việt thân thương này; giá như mấy mươi năm trước cư dân vùng sông nước quê anh dám bước qua “lời nguyền” của biển…

L.T 

 
Lê Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 226 tháng 07/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground