Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Các tuyến thương mại mậu dịch ở Quảng Trị thời chúa Nguyễn

Sự giao thương về kinh tế, hay có thể nói là nền kinh tế thương nghiệp đã hình thành trên vùng đất Quảng Trị ngày nay từ khá sớm trong lịch sử. Các tài liệu khảo cổ đã chứng minh một cách khá thuyết phục tuyến giao thương xuôi - ngược, biển - rừng, Đông - Tây qua sông Hiếu và đường thượng đạo xuyên sơn - con đường công cụ, đường hương liệu, đường muối đã hình thành từ rất sớm vào thời hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, cách ngày nay chừng hơn 5.000 năm. Dưới thời vương quốc Chămpa, nhờ có ưu thế của các hệ thống sông Hồi/Minh Lương, sông Cái/Thạch Hãn và 2 cửa biển là Tùng Luật/Cửa Tùng và Việt Hải/Việt Yên/Cửa Việt nên các cảng thị (cảng sông cận biển) đã sớm hình thành; lại có tuyến đường thượng đạo xuyên Trường Sơn trên trục hành lang Đông - Tây cùng với một số sản phẩm mang tính hàng hóa đặc trưng của nông nghiệp, mà nhất là các loại nông, lâm, thổ sản nên việc buôn bán nội địa và giao thương với bên ngoài đã phát triển hơn so với nhiều nơi khác trong khu vực; trở thành một vùng có quan hệ giao thương mạnh mẽ với các tuyến thương mại mậu dịch được xác lập và đóng một vai trò quan trọng có tính quyết định trong sự phát triển kinh tế, xã hội.

Trên cơ sở các luồng thương mại và mậu dịch cũng như những sản phẩm hàng hoá mà người Chăm đã thiết lập từ trước và được duy trì dưới thời Trần - Lê, từ thế kỷ XVI, các nhóm cư dân trên vùng đất này đã biết tiếp nhận, tận dụng và khai thác một cách có hiệu quả để tổ chức các hoạt động thương mại nhằm ổn định và nâng cao đời sống; tiếp tục duy trì và phát triển nền kinh tế theo một chiều hướng mới.

Cùng với sự khao khát đi tìm miền đất hứa đã lôi cuốn lần lượt các nhóm cư dân Việt rời quê hương bản quán để vào vùng đất mới ngày càng đông là sự có mặt của nhiều nhóm cư dân người Hoa (Minh Hương) nhập cư vào Thuận Hóa do phải chạy trốn khỏi chính quốc, lưu lạc sang Ðại Việt. Họ đến vùng đất mới và hợp lực, chung sức khai phá, làm ăn sinh sống. Với sự lao động siêng năng, cần cù, chịu khó của cư dân ở đây kết hợp sự khuyến khích của nhà nước phong kiến mà từ đó hình thành nên những xóm làng trù phú. Tình hình kinh tế Quảng Trị, trong đó có thương nghiệp phát triển theo sự ổn định của cư dân và sự phát triển của xóm làng. Bên cạnh vai trò quan trọng của các thương cảng/thương điếm Tùng Luật/Cửa Tùng (song hành cùng chợ Do, chợ Cầu, chợ Kênh/Kêng) và Mai Xá/Phường Hàng - Phó Hội/Hà Tây/Cửa Việt (song hành với chợ Sòng, chợ Sãi, chợ Phiên) là những trung tâm thương mại cũ tiếp tục phát triển nhộn nhịp và mở rộng cả về luồng giao thương, sản phẩm hàng hoá lẫn quy mô thì một số ngôi chợ làng, chợ vùng mới cũng đã bắt đầu được dựng lên.

Những người buôn chuyến đã có đất làm ăn trên các tuyến thuộc vùng Minh Linh theo sông Minh Lương và kênh Hàm, kênh Sen. Ngoài các sản phẩm hồ tiêu, dầu trẩu, dầu rái... ở vùng Bái Trời (xứ Cồn Tiên), vùng đất đỏ Minh Lương hay các loại nông sản, sản phẩm muối, thuỷ hải sản của các làng đánh cá ven biển là hàng hoá chính để trao đổi với thị trường bên ngoài thì một số lò sản xuất đồ gốm cũng đã mọc lên dọc sông Minh Lương như: lò gốm Phước Lý, lò gốm Sa Lung, với những sản phẩm đồ gốm, sành gia dụng phong phú về chủng loại đã tạo thêm sức hấp dẫn cho các thương nhân. Các tuyến giao thương theo đường thuỷ dọc sông Hiếu, sông Thạch Hãn định hình và ngày càng nhộn nhịp, tấp nập bên cạnh tuyến giao thương đường bộ trên đường Thiên lý Bắc - Nam. Thương nhân nội địa, thương nhân trong Nam, ngoài Bắc xuất hiện ngày càng nhiều ở các chợ vùng. Các mặt hàng được ưa chuộng và được các khách thương chú ý nhiều nhất là các sản phẩm lâm thổ sản cùng các mặt hàng thủ công quý hiếm.

Những ghi chép của sách “Ô châu cận lục” cho thấy nhiều nơi trên vùng đất Quảng Trị có rất nhiều sản phẩm hàng hoá khá nổi tiếng: các nguồn Viên Kiều, Cảo Cảo và một số địa phương thuộc huyện Hải Lăng, Võ Xương có các loại ngà voi, ngựa, trâu, trầm hương, tốc hương, bạch mộc hương, nhung nai, nhựa thông, mật ong, vỏ cây gai, sợi gai tước, da thú, thổ cẩm hoa, vải bông trắng, vải bông xanh, đồ gốm thuộc các lò địa phương; đầu nguồn Ô Lâu có trà lưỡi sẻ (trà tước thiệt, nay gọi là chè Mỹ Chánh); vùng Minh Linh, Hải Lăng và Võ Xương đều có hồ tiêu1. Các sản phẩm này đều phải nộp thuế cho nhà nước. Bên cạnh đó, một số làng có các sản phẩm nghề thủ công có tiếng như: giấy làng Phương Lang, rượu mật ong làng Tùng Công...

Ðể chống với thú dữ, giặc cướp, phòng tai nạn, người buôn đi thành từng đoàn “buôn có bạn, bán có phường”, thường đi bộ (gánh, gùi) hoặc đi thuyền. Mặc dù vậy, vào thời gian này, tình hình xã hội ở vùng châu Thuận và châu Minh Linh rất bất ổn nên giặc cướp nổi lên liên miên: “Phước Toàn là đất châu ÔĐi buôn qua đó quẩy bồ về không”.

Chính điều này đã tác động không nhỏ, làm hạn chế rất nhiều việc giao thương trên đường Thiên lý Bắc - Nam.

Trái lại, đường thượng đạo xuyên sơn lên miền Tây ngày càng được khai thông nên việc giao lưu buôn bán với người Thượng khá thuận tiện; đặc biệt việc giao lưu với người Lào được đẩy mạnh. “Qua những điều ghi chép trước đây, có thể hình dung được 4 khu vực cư dân Việt Nam có nhiều quan hệ với Lào. Khu Tây Bắc Việt Nam, khu Tây Thanh Hóa - Nghệ Tĩnh, khu Tây Quảng Bình và khu Cam Lộ - Triệu Phong2Các chuyện cổ Vân Kiều “Thầy mo ngửi”, “Sự tích núi Tamau Pa rả” còn giữ lại những hình ảnh “Người lái buôn Lào... bèn đem hai con voi chở đầy xấn váy mới, có chiêng bằng, chiêng núm, nồi bảy, nồi bung mang đi thi đố (thầy mo ngửi của Vân Kiều)” hoặc “Họ (người Vân Kiều vùng thượng nguồn Xê băng hiêng) phân nhau mang số đá quý về Mường Lùm (tức vùng Lào) bán đổi lấy các vật phẩm quý lạ3.

Tuy vậy, đến giữa thế kỷ XVI, hoạt động giao thương ở Quảng Trị tuy có phát triển nhưng vẫn chỉ tập trung ở một số vùng trọng điểm và về cơ bản đó là những nơi mà người Chăm đã thiết lập từ trước. Lý do là vì nền kinh tế còn lạc hậu, nghèo nàn, cộng thêm với tình hình chính trị bất ổn, cánh tay của chính quyền Ðàng Ngoài cũng chưa vươn đến vùng đất mới... Thương nghiệp Quảng Trị chỉ thực sự khởi sắc và phát triển một cách đồng bộ, đa chiều, đa tuyến và đa dạng sản phẩm hàng hoá chỉ vào thời các chúa Nguyễn.

Năm 1558, Nguyễn Hoàng trong khi chạy trốn khỏi lưỡi gươm oan nghiệt của người anh rể Trịnh Kiểm để mang theo mưu đồ cát cứ vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Ái Tử, Trà Bát đây còn là vùng dân cư thưa thớt, kinh tế kém phát triển. Theo mô tả của sử cũ, trên con đường giao thông chính - đường Thiên lý chạy dọc Thanh Hóa đến tận Hải Vân chỉ có bốn cái quán nhỏ. Cả xứ chỉ có ba cái chợ4.

Trong thời gian đóng thủ phủ ở Quảng Trị (1558 - 1636), chúa Tiên Nguyễn Hoàng và chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã áp dụng chính sách cai trị khoan hòa “việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng để răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu, tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư, lạc nghiệp5. Để thiết lập và củng cố nền chính trị, trong thời gian này, thủ phủ nhà chúa đã được di chuyển đến ba lần: lần thứ nhất ở Dinh Ái Tử (1558 - 1570), lần thứ hai ở Dinh Trà Bát (1570 - 1600) và lần thứ ba ở Dinh Cát (1600 - 1626). Huyện Minh Linh thuộc phủ Tiên Bình, huyện Vũ Xương đổi thành huyện Ðăng Xương cùng với huyện Hải Lăng thuộc phủ Triệu Phong và đều nằm trong trấn Thuận Hoá. Sau khi chúa Nguyễn dời kinh đô vào Phú Xuân thì vùng đất Quảng Trị được gọi là Cựu Dinh của xứ Thuận Hóa thuộc cương vực Ðàng Trong của các chúa Nguyễn. Từ năm 1765, vì kiêng thuỵ hiệu Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát nên huyện Vũ Xương được đổi là huyện Ðăng Xương. Ðơn vị hành chính của Cựu Dinh bao gồm: Huyện Hải Lăng có 5 tổng: Hoa La (19 xã, 2 phường, 1 thôn), An Thư (5 xã, 1 thôn), An Dã (21 xã, 1 phường), Câu Hoan (6 xã, 1 thôn, 1 phường), An Khang (16 xã, 1 thôn, 2 phường), huyện Ðăng Xương có 5 tổng: An Phúc (15 xã, 1 phường), An Lưu (22 xã, 2 phường, 2 giáp), An Cư (26 xã), An Ðôn (22 xã, 8 phường, 5 giáp), An Lạc (22 xã, 18 phường) thuộc phủ Triệu Phong, và huyện Minh Linh có 5 tổng (An Xá: 17 xã, 1 thôn, 1 phường), Minh Lương (21 xã, 13 phường), Bái Trời (20 phường), Thủy Ba (16 xã, 1 thôn, 2 phường), Yên Mỹ (15 xã, 1 thôn, 12 phường) thuộc phủ Quảng Bình6.

Buổi đầu dựng nghiệp Ðàng Trong ở vùng đất Quảng Trị, chúa Nguyễn Hoàng đã quan tâm phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực mọi mặt; đồng thời có những chính sách khuyến khích phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội. Năm 1572, sau khi đánh thắng được đội quân nhà Mạc do tướng Mạc Lập Bạo chỉ huy tại sông Ái Tử, thu được 60 binh thuyền, thay vì bắt giết đám tù binh này, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã đưa đám tù binh này lên xứ Bái Trời - Cồn Tiên để lập ra 36 phường7 thuộc tổng Bái Ân. Đây có thể coi là chính sách “kinh tế mới” để phát triển đồn điền trồng hồ tiêu và dầu trẩu, dầu sơn, vốn được người Chăm trước đây trồng và khai thác và là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của xứ Thuận Hoá thời bấy giờ.

Dưới thời chúa Nguyễn, ruộng đất ở Quảng Trị được khai phá thêm ngày càng nhiều. Ngoài 36 phường Cồn Tiên, nhiều làng xã mới đã được thiết lập thêm. Ruộng đất có các loại: tư điền, quan điền và quan điền trang. Tổng số quan điền là 4.570 mẫu (chiếm 73% số quan điền vùng Bình Trị Thiên). Chúa Nguyễn cho sửa sang và mở mang thêm đường sá, các con sông được đào vét, chợ búa mọc lên khắp nơi... Năm 1651, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cho nạo vét đoạn kênh Bào Phố/Bàu Phố/Cẩm Phổ; năm 1668, cho đào lại kênh Sen; năm 1861, đào kênh Trung Ðơn, kênh Mai Xá và mở cảng Mai Xá để nối thông với xứ Bái Trời - Cồn Tiên, tiện cho việc buôn bán; năm 1686 đào kênh Hà Kỳ. Ðặt biệt, các chúa Nguyễn rất chú trọng đến việc mở cửa giao thương, buôn bán với bên ngoài. Thuyền buôn một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Hà Lan đã vào Cửa Việt buôn bán với dân Quảng Trị và Đàng Trong. Sử cũ chép rằng: “tàu buôn các nước thường nhóm họp nơi lỵ sở của chúa, trấn trở nên một nơi đô hội lớn8.

Ngoài ra, để thúc đẩy việc buôn bán, trao đổi kinh tế hàng hóa theo trục hành lang Đông - Tây và giữ yên miền biên viễn phía Tây, chống lại nạn xâm lấn, cướp phá thường xuyên của các bộ lạc Lạc Hoàn - Vạn Tượng (Ai Lao) theo đường thượng đạo và sông Hiếu, từ năm 1622, chúa cho đặt dinh Ai Lao để trấn giữ và giám sát việc mua bán9.

Bên cạnh những trung tâm thương mại dịch vụ, cảng thị, thị tứ ven biển, ven sông được hình thành trên cơ sở những thương cảng cổ từ thời Chămpa và nhiều thế kỷ trước như: thương cảng Tùng Luật ở Vĩnh Linh, thương cảng Mai Xá/ Phường Hàng ở Gio Linh, thương cảng Phó Hội/ Hội phố ở Triệu Phong với sự tấp nập buôn bán của thương nhân nội địa và nước ngoài thì một hệ thống chợ làng, chợ tổng, chợ mai, chợ chiều, chợ phiên đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hoá và phát triển kinh tế, xã hội đã ra đời.

Hệ thống các chợ ở Quảng Trị thường được thiết lập trên các trục đường giao thông, hay ven các con sông lớn, nơi thuận tiện cho việc đi lại trao đổi, buôn bán. Sách “Phủ biên tạp lục” cho biết một số chợ nằm trên các tuyến đường cái quan đi qua địa hạt Quảng Trị thời bấy giờ có các chợ: chợ Huyện, chợ Do, chợ Cầu, chợ Kênh/Kêng, chợ Mai Xá, chợ An Định, chợ Kinh Môn (Minh Linh); chợ Sòng, chợ Phiên (Thành Hóa); chợ Hà Tây, chợ Chùa, chợ Thuận, chợ An Lợi, chợ Hôm Lập Thạch, chợ Hôm Ái Tử, chợ Sãi, chợ Cạn, chợ Thạch Hãn (Vũ Xương/Đăng Xương); chợ Như Lệ, chợ Kẻ Diên, chợ Ngô Xá, chợ Kẻ Lạng, chợ Câu Nhi, chợ Mỹ Chánh (Hải Lăng). Ngoài các chợ lớn kể trên còn khá nhiều những chợ làng khác.

Việc buôn bán trao đổi hàng hóa ở Quảng Trị không chỉ dừng lại trong phạm vi nội địa của vùng Quảng Trị mà còn mở rộng ra cả Đàng Trong, vươn ra tới Đàng Ngoài; không chỉ trong nước mà còn với cả các nước trong khu vực như: Ai Lao, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước phương Tây khác. Ở vùng đồng bằng Quảng Trị, chợ Hôm Ái Tử, chợ Sãi, chợ Thuận (nơi cận kề với dinh chúa Nguyễn) chợ Sòng, chợ Huyện/Châu Thị, chợ Cầu, chợ Kênh/Kêng... buôn bán đông vui, nhộn nhịp, tấp nập trở thành những nơi đô hội.

Những hoạt động giao thương nhộn nhịp này đã làm cơ sở cho thương cảng sông Tùng Luật (hệ sông Minh Lương), Mai Xá Thị/Phường Hàng và Phụ Luỹ/Phó Hội - Hà Bá/Hà Tây (hệ sông Thạch Hãn, Hiếu) trở thành nơi “trên bến dưới thuyền”, thành các thương điếm (emporium), cảng thị và là nơi tàu buôn của các nước thường xuyên lui tới, ăn hàng.

Bốn tuyến giao thương quan trọng (cơ bản là thông qua đường thuỷ kết hợp đường bộ) của vùng Quảng Trị thời chúa Nguyễn là:

- Tuyến Tùng Luật - vùng nội địa Minh Linh (Vĩnh Linh và Gio Linh nay) qua sông Minh Lương/Hiền Lương và sông Cánh Hòm/Kênh Hàm/Kênh Ba Lòng, nối với Bố Chính (Quảng Bình) qua Kênh Sen/Liên Thuỷ.

- Tuyến Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao xuyên hành lang Đông - Tây qua sông Thạch Hãn - Hiếu Giang và đường Thượng đạo xuyên Trường Sơn.

- Tuyến Cửa Việt - Dinh Cát/Trà Bát/Ái Tử - vùng nội địa Võ Xương/Đăng Xương và Hải Lăng đến vùng các tộc người thiểu số qua sông Thạch Hãn và hệ chi lưu Vĩnh Định, nối các vùng thuộc Thừa Thiên.

- Tuyến nội địa Hải Lăng qua sông Ô Lâu và hệ chi lưu Vĩnh Định nối các vùng thuộc Thừa Thiên.

Trong 4 tuyến này, tuyến Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao và tuyến Cửa Việt - Dinh Cát - Ba Lòng là hai con đường mậu dịch đóng vai trò quan trọng nhất.

Trên tuyến Cửa Việt - Dinh Cát - Ba Lòng theo sông Thạch Hãn thì Bến Trấm được coi như một trạm trung chuyển, trạm dừng chân của các chuyến đò dọc chuyên chở người và hàng hóa từ thượng nguồn về xuôi và ngược lại. Nhưng điều quan trọng hơn, đây là nơi hội lưu giữa tuyến đường bộ và đường thủy đi từ vùng đồng bằng lên vùng núi thuộc thung lũng Ba Lòng. Từ Bến Trấm trở về phía Đông, ngoài đường sông Thạch Hãn còn có đường đi bộ xuyên qua các làng dọc hai bên bờ. Vì thế, bên cạnh việc đi lại và vận chuyển bằng đường thủy thì việc đi lại và vận chuyển bằng đường bộ cũng phát huy khá tốt. Tuy nhiên, từ Trấm trở lên thượng lưu thì chỉ có con đường duy nhất là đi theo đường thủy bằng các chuyến đò dọc. Trên địa hình từ Trấm lên vùng thượng nguồn Ba Lòng, do địa hình đồi núi ngăn cách, hiểm trở nên từ xưa đến nay không có đường bộ. Người và hàng hóa từ đồng bằng lên vùng núi theo hai đường thủy, bộ lên đến Bến Trấm; sau đó đi thuyền ngược lên theo sông Thạch Hãn. Đồng thời, người và hàng hóa từ thượng nguồn về xuôi chỉ theo một đường thủy duy nhất; sau khi đến bến Trấm thì có thể chuyển sang bằng cả hai phương tiện đường bộ và đường thủy.

Ở bờ Nam của khu vực này, thời chúa Nguyễn, nhà nước có đặt một sở tuần để thu thuế gọi là sở tuần đường sông Viên Kiệu; đến thời Gia Long thì bỏ vì thấy rằng: “xứ này không có đường bộ, dân các sách man không có đường đi lại, ngoài đường chính chỉ có thuyền người Kinh đi về làm ăn mà thôi, nên khi lập ra sở tuần đường sông chỉ làm nhiễu dân, vì thế mà gần đây bỏ đi10. Dịch lên phía thượng nguồn, từ thời chúa Nguyễn, trên đoạn này có đặt một trạm thu thuế đầu nguồn gọi là Tuần Ngưu Cước (còn gọi là Tuần Chân Trâu). Sở tuần này nằm cách đầu nguồn (tức cách thị trấn Krông Klang hiện tại) “phía Đông nam chừng 10 dặm” (7.200m), ở khu vực gọi là nguồn Trang, phía trên bến Lương Mai11 (tức phường Mai Hoa/Mai Lĩnh).

Con đường mậu dịch theo sông Thạch Hãn từ phía biển Cửa Việt lên Chợ Thuận, chợ Sãi sau khi đi qua một loạt các chợ làng, chợ vùng ven sông (chợ Hà Tây, chợ Chùa, chợ Gia Độ, chợ An Lợi, chợ Hôm Lập Thạch, chợ Hôm Ái Tử), rồi lên chợ Thạch Hãn (về sau gọi là chợ Tỉnh) đến chợ Như Lệ và từ đó nối với chợ Đá Nổi ở phía thượng nguồn Ba Lòng. Con đường này thông qua chợ Đá Nổi còn nối với tuyến đường thượng đạo xuyên sơn trên lộ trình đường bộ để về chợ Phiên Cam Lộ qua đèo Cùa.

Tuyến đường buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất nhất ở Quảng Trị thời chúa Nguyễn là tuyến đường Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao. Luồng thương mại này chủ yếu là tuyến đường bộ và đường thủy. Ghe thuyền vào Cửa Việt mang hàng hóa của vùng biển và các nơi khác, rồi dọc theo sông Hiếu, sông Thạch Hãn trao đổi với vùng trung du và vùng núi; đồng thời thông qua cửa khẩu Ai Lao, thu gom nguồn hàng từ Lào, từ vùng núi đem về trao đổi với vùng đồng bằng và vùng biển “tạo nên luồng buôn chuyến trên bộ dưới thuyền từ biển lên Lào và ngược lại rất tấp nập’’12Cam Lộ trở thành cửa khẩu cực kỳ quan trọng và từ đó chúa Nguyễn kiểm soát toàn bộ vùng núi phía Tây; đặc biệt là Ai Lao và cửu châu Ky mi. Đây có thể coi là con đường thương mại nhộn nhịp nhất trong vùng Tân Bình, Thuận Hoá.

Lê Quý Ðôn mô tả tuyến đường này như sau: “Xã Cam Lộ huyện Ðăng Xương ở thượng lưu sông Ðiếu Ngao, dưới thông với Cửa Việt, trên tiếp với các nguồn Sái đất Ai Lao, đường sá của dân Man đều ra từ đây. Ở xa thì nước Lạc Hoàn, nước Vạn Tượng, phủ Trấn Ninh, châu Quy Hợp, các bộ lạc Lào đều có đường thông từ đây, rất xung yếu. Từ xã ấy vào một ngày đến phường An Khang, có sở tuần gọi là tuần Ba Giăng, cũng gọi là đồn Hiếu Giang. Theo lệ các lái buôn đến đồn xin giấy đi vào đầu nguồn mua trâu, bò, thóc, gạo cùng các thứ sản vật, mỗi năm nộp thuế 120 quan tiền. Từ tuần ấy đi hai ngày rưỡi đến đất nước Ai Lao, bên sông Cái. Họ Nguyễn có đặt dinh, đóng 6 thuyền quân ở đấy, quân đều là lính mộ gọi là dinh Ai Lao. Bên hữu sông xã Cam Lộ có tuần Cây Lúa, cũng như lệ tuần Hiếu Giang, thuế hàng năm rất ít. Từ đấy thông qua đạo Mường Vanh và nước Vạn Tượng. Bên tả đồn Hiến Giang có tuần Ngưu Cước, cũng như lệ tuần Hiếu Giang, thuế hàng năm 120 tiền13. Từ đây, người ta có thể dễ dàng đến Savanakhet ở phía Tây, hay Khemmat ở phía Tây nam hay Mukdahan ở phía Tây bắc. Rất có thể đó cũng là con đường mà Vientian sử dụng để đến Huế triều cống14.

Các mặt hàng bán cho dân miền núi ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Chuyện cổ Vân Kiều cho biết “Họ (ở vùng thượng nguồn sông Xê Băng Hiêng) mang số đá quý về vùng Khăm Blâu (tức là Cam Lộ) bán đổi các vật phẩm quý, lạ của đồng bằng. Họ mua được nhiều bát dĩa bằng sành sứ, các vật dụng bằng đá hoa... thứ nào cũng đẹp. Nhưng quý hơn cả là họ mua khá nhiều lưỡi rìu, rựa, dao, lưỡi cuốc... các thứ người vùng Khăm Blâu thường dùng để xới đất, chặt cây làm nương, làm rẫy15.

Cũng theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Ðôn thì vào thế kỷ XVII - XVIII, sản phẩm hồ tiêu ở Quảng Trị có 2 loại: tiêu trắng và tiêu đen, được coi là một thứ hàng hoá rất nổi tiếng, được khách thương nước ngoài ưa chuộng và là một loại đặc sản, một mặt hàng độc quyền của các chúa Nguyễn.

Hồ tiêu sẵn ở các phường và xã Mai Xá, tổng Bái Trời huyện Minh Linh, mọc đầy rừng, leo vào các cây mà mọc, tháng 9 có hoa, tháng 11 kết quả, tháng 5 thì hái, tháng 6 thì thu xong... Xưa Đoan Quận công từng sai người y theo giá mà mua chở về cùng với vây cá, yến sào để đổi cho khách buôn lấy hóa vật, bèn làm thành lệ. Họ Nguyễn cứ hàng năm vào thượng tuần tháng 5 thì sai đội trưởng thuyền Tân nhất cùng tinh binh ra địa phương hạ lệnh cho dân, tuỳ vườn nhiều ít mà chia bao, họp số định giá mua lấy, mỗi gánh hồ tiêu chỉ trả 5 quan tiền, chở về phố Thanh Hà bán cho khách tàu, không cho dân địa phương bán riêng”. “Hồ tiêu cứ cho 100 cân làm 1 tại, giá 5, 6 quan, khách Bắc và khách Mã Cao thường buôn về Quảng Đông16.

Bên cạnh hồ tiêu, nhiều loại sản vật khác trong vùng cũng là những thứ hàng hoá được khách thương mua để mang đi trao đổi. Cũng tại tổng Bái Trời, vùng huyện Gio Linh ngày nay, có gỗ dầu sơn lấy hạt giã nhỏ, chưng qua, rồi ép thành dầu, nếu đem chưng lại thành cao thì dùng để sơn đồ vật; nếu cho thêm trần hoàng thì có màu vàng, cho ngân châu thì có màu sắc son đẹp, trộn với vôi và vỏ tre non cạo nhỏ mà giã thành cao, lấy dẻ lưới rách trộn lẫn vào, dùng để xăm lỗ thuyền rò thì rắn như đá17.

Ở Cam Lộ huyện Ðăng Xương, có dầu rái sản xuất từ cây dầu rái, dùng để thắp sáng; “cây to vài người ôm, lá như lá cây trâm, khoảng tháng 5, tháng 6, đẽo cây thành lỗ, đốt qua đi cho se lại rồi lấy đồ mà hứng nhựa dầu chảy vào, ba ngày lấy một lần, mỗi năm lấy ở một phía, ba năm thì thôi, đợi da cây liền lại, lại đẽo lỗ khác mà lấy. Sắc dầu trắng mà dính có thể dùng để thắp... cho ít phấn kẽm vào thì có thể sơn đồ đạc18.

Cam Lộ cũng là vùng đất lạc. Nhiều nơi dùng lạc ép thành dầu để ăn hoặc thắp sáng, dân Ðàng Trong gọi là dầu phụng. Huyện Hải Lăng có loại chiếu mây. Xã Ái Tử, huyện Ðăng Xương có nghề nấu đường trắng, đường đen19. Xã Xuân Mỵ, xã Di Loan huyện Minh Linh, xã Tường Vân huyện Võ Xương nổi tiếng với nghề nấu muối, có hàng mấy trăm lò lệ thuế thời chúa Nguyễn thu mỗi năm ở xã Xuân Mỵ là 168 sọt thuế, 5 sọt lễ, xã Di Loan 60 sọt thuế, 5 sọt lễ, gọi là thuế diêm điền20. Đầu nguồn Viên Kiệu huyện Hải Lăng có loại chiếu mây nổi tiếng. Hai huyện Minh Linh và Ðăng Xương có loại gỗ mít sắc vàng dân dùng làm cột nhà bền đẹp. Theo linh mục Nguyễn Văn Ngọc, “rượu ngon ở làng Liêm Công, trầm hương ở Kinh Môn, tôm hùm cá hồng phơi khô ở làng Mục Xá, Liêm Luật và Tùng Luật. Dân Thủy Ba có nghề bắt cọp sống21.

Nhiều làng làm nghề thủ công trên vùng đất Quảng Trị phát triển mạnh trong những thế kỷ XVI - XVIII và đã cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm hàng hoá đặc biệt tạo điều kiện cho nội thương và ngoại thương thời kỳ này càng có cơ hội để phát triển. Tiêu biểu là các loại: chiếu cói của làng Lâm Xuân; đồ đan lát ở làng Lan Đình; đồ mộc ở làng Cát Sơn, Cang Gián; đồ gốm, sành ở làng Sa Lung, Phước Lý (Minh Linh); đồ sắt công cụ ở làng Đông Hà, Thượng Đô vải ở làng Lập Thạch; đồ mộc ở làng Gia Độ; bún ở làng Thượng Trạch; nón ở làng Bố Liêu (Đăng Xương); rượu ở làng Kim Long; bánh ướt ở làng Phương Lang, vải ở làng Trâm Lý (Hải Lăng)... Một số làng quanh khu vực chợ Sòng chuyên làm các nghề thủ công với những sản phẩm hàng hoá phong phú: giấy của làng Phổ Lại, quạt giấy của làng Phương Ngạn, đồ khảm trai, khảm bạc của làng An Xuân, bún của làng Cẩm Thạch...

Sản phẩm của cây lúa và các loại môn, khoai cũng có nhiều mặt hàng nổi tiếng. Vùng Minh Linh có khoai sáp đường, môn sáp, khoai đầu hùm, khoai gừng (tên theo “Phủ biên tạp lục”); vùng Hải Lăng có khoai nưa. Vùng nào trên đất Quảng Trị xưa cũng có nhiều giống lúa và nếp ngon, được nhân dân ưa chuộng. Trong tất cả các mặt hàng về gạo như ba bả, chiêm/ chăm xạ, chiêm hót, chiêm bạc, nước mặn, hẻo, nhự, vàng, tám, trĩ, nếp kỳ lân, nếp hương bầu, nếp mây, nếp mít, nếp ông lão, nếp râu... nổi tiếng nhất vẫn là gạo hẻo thơm, nhự. Ở Mai Xá thuộc huyện Minh Linh22 và các huyện ở Triệu Phong có nhiều loại gạo này, hạt nhỏ, trắng dẻo, thơm ngon, có thể so sánh với gạo tám thơm ngon ngoài Bắc.

Những sản phẩm hàng hóa của rừng cũng rất phong phú như mộc nhĩ, măng khô, mật ong, ngà voi, sừng tê, đuôi trĩ, lông công, tộc hương, bạch tộc hương, hoàng tiết, da trâu, xương hổ, nhung, nai, quế, gỗ, tre, mây... Ðây là những mặt hàng nổi tiếng được thương khách nước ngoài ưa chuộng và cũng là các sản phẩm hàng hoá chính yếu trên con đường giao thương Tây - Đông, ngược xuôi - CON ĐƯỜNG HƯƠNG LIỆU.

Việc giao lưu buôn bán trong xứ Thuận - Quảng được mở rộng hơn. Hàng hóa từ Quảng Bình vào, Huế ra, trao đổi, buôn bán tấp nập khắp các chợ trong vùng. Các mặt hàng trao đổi như: vải vóc, nón lá, mắm muối... đến cả những thứ hàng tươi rau, quả, các loại cá... “Trầu không thì cứ 60 lá làm một liền, 10 liền giá làm 20 đồng, khách buôn thường buôn (từ Quảng Trị) vào Phú Xuân và ra Khang Lộc, Bố Chính. Cau cũng rẻ, 10 quả to chỉ giá 3 đồng tiền23.

Số thuế thu được ở Quảng Trị dưới thời các chúa Nguyễn qua mô tả của Lê Quý Ðôn trong “Phủ biên tạp lục” về lệ thuế đầu nguồn ở tuần An Khang trên sông Hiếu chứng tỏ việc buôn bán đã trở nên thịnh đạt. Có nhiều loại thuế, trong đó quan trọng nhất là thuế đồn, thuế thổ ngơi và tiền công phác. Thuế đánh theo bậc.

Thuế đồn, voi tư một con nộp thuế 2 quan, tiền công phác 1 quan, đầy tớ tư một đứa cũng giống thế; vàng một lạng tiền thuế và tiền công phác mỗi thứ 3 tiền; bạc một hốt tiền thuế 8 tiền, tiền công phác 4 tiền; tiền 1 quan, tiền thuế 24 đồng, tiền công phác 12 đồng; sáp ong cân nặng 1 quan, kén cân nặng 1 quan, đồng nát cân nặng 1 quan, nồi đồng 1 cái, bông 1 sọt, thuế cũng giống thế; vỏ gió, trầu cau, vỏ gai, hạt vừng, gạo thóc, đậu ngô, mỗi gánh cũng đều như thế; mây một gánh nộp thuế 30 sợi; lợn 1 con thuế 40 đồng, tiền công phác 12 đồng; trâu 1 con thuế 2 tiền, tiền công phác 1 tiền; gỗ tạp 1 bè, hương tạp 1 gánh thuế và tiền công phác đều 3 tiền; ván thuyền 1 tấm thuế và tiền công phác mỗi thứ 30 đồng; một con voi hoặc một thuyền sang ngang chở đồ tạp vật thuế và tiền công phác mỗi thứ 3 tiền; bông, kén tiền thực thì không cho chở bằng voi...”24 v.v...

Tổ chức thu thuế cũng được thiết lập ở đầu nguồn khai thác hoặc ở những trung tâm giao lưu hàng hóa như ở các sở tuần, các đồn... Ở huyện Ðăng Xương có nguồn Cảo Cảo với các tuần Ba Giăng, An Khang, Cây Lúa, đồn Hiếu Giang. Ở huyện Hải Lăng có nguồn Viên Kiệu, huyện Minh Linh có nguồn Cổ Lâm v.v...

Chúa Nguyễn ở Ðàng Trong cũng đã có những chính sách mở mang các cửa biển tiếp xúc với các nước khác ở trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á cũng như Châu Âu, giao thương buôn bán với họ để thu dụng những tài năng, những phẩm vật, những gì mới lạ về kỹ thuật và khoa học. Từ khi Nguyễn Hoàng ở Dinh Cát (Ái Tử), thuyền buôn bán các nước đã vào Cửa Việt, rồi theo sông Quảng Trị đến buôn bán ở dinh Chúa. Từ Chúa Sãi trở đi, chúa nào cũng đặc biệt khuyến khích người Tàu, người Nhật, người châu Âu đến buôn bán ở xứ mình. Nhờ đó, thuyền buôn của một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Hà Lan, Indonesia... đã vào Cửa Việt và đi vào sâu trong nội địa.

Từ năm 1604 đến năm 1616, có 186 thuyền buôn Nhật đến buôn bán với Ðàng Ngoài, Ðàng Trong, Chăm, Campuchia, Phi luật tân, Nam Trung Quốc, Mã lai... thì đã có 42 thuyền đến các cảng ở Ðàng Trong, trong đó có Cửa Việt25.

Các quan hệ thương mại này thường xảy ra suôn sẻ, nhưng có lúc cũng có trắc trở. Dưới thời chúa Nguyễn Hoàng, vào năm 1585, ở Cửa Việt, quân đội nhà Chúa đã tiến đánh 5 chiếc thuyền lớn n­ước ngoài khi thâm nhập vào vùng biển Quảng Trị. Sử triều Nguyễn về sau ghi lại rằng: “Bấy giờ giặc Tây Dương hiệu Hiển Quý đi 5 chiếc thuyền lớn, đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ 6 lãnh hơn 10 chiến thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc, Hiển Quý sợ chạy”26. Như­ng thực chất đó là thuyền buôn Nhật Bản thư­ờng xuyên đến buôn bán ở Thuận Hoá vào giai đoạn mà nhà Chúa mở cửa giao thương với bên ngoài.

Thuyền Nhật đem đến bán vũ khí như: gươm, giáo, áo giáp, diêm sinh, đồ dùng bằng đồng, sắt, các loại vải vóc quý, lược, kim khâu... Ðó cũng là các mặt hàng mà thuyền buôn của những nước phương Tây đưa đến. Lái buôn nước ngoài mua trầm hương, ngà voi, vây cá, yến sào, quế, sừng tê giác, hồ tiêu, dầu sơn, dầu trẩu, gỗ quý, tơ, dứa, mít..., có nhiều thứ Quảng Trị có thể cung cấp được ít hoặc nhiều. Thuyền nước ngoài khi cập bến phải khai báo, dâng lễ vật và nộp thuế.

Ðặc biệt việc buôn bán với người Lào ngay từ buổi đầu, các chúa Nguyễn đã có thái độ cởi mở. “Họ Nguyễn trước thường sai người đem cho nước Lạc Hoàn và nước Vạn Tượng các đồ dùng, họ vui lòng đổi chác, tùy thời dâng đồ cống, thông mua bán, công tư được đầy đủ27. Tính chất của quan hệ thương mại Việt - Lào là bình đẳng, đôi bên cùng có lợi vì hai nước có những điểm tương đồng về chính trị - kinh tế. Việc buôn bán tạo ra cơ hội để củng cố thêm mối gắn bó giữa dân cư Quảng Trị và các bộ tộc Lào, đem lại cho nhà nước phong kiến những khoản thuế lớn. Quan hệ trao đổi hai chiều được thể hiện thông qua các mặt hàng thiết yếu theo tính chất mua và bán của các thương nhân: “Người buôn ở các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, hoa xuyến, thoi bạc, các đồ lặt vặt, đến đất Man đổi lấy các thứ hàng hóa thóc, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây, vải man, màn man28.

Việc đi lại buôn bán chủ yếu là đi bộ, gùi, gánh, lùa (trâu, bò). Người Lào cũng dùng voi chở hàng về chợ Cam Lộ, một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh 20 bát29. Nói chung, voi vừa là phương tiện đi lại vừa là mặt hàng chúa Nguyễn cần dùng để phục vụ cho nhu cầu quân sự. Năm 1774, P. Loavtơ ghi trong “Hồi ký về xứ Côsanhsin”: “Hoàng thành (Huế) có khoảng... 400 thớt voi chiến30.

Đội ngũ thương nhân người Việt ngày một đông. Có những nhóm thương nhân và những đội thuyền buôn của Quảng Trị, trong đó nổi bật là các thương nhân và đội thuyền làng Cát Sơn đã thực hiện các chuyến buôn xuôi Nam, ngược Bắc theo đường biển và đã thu được những mối lợi đáng kể31.

Ở Quảng Trị, việc buôn bán với Trung Quốc tuy các tài liệu ghi chép lại cho đến nay không nhiều và chúng ta cũng không có điều kiện để tiếp cận; nhưng thông qua việc phát hiện hàng loạt các địa điểm ven các thương cảng sông, biển và nhiều nơi trong nội địa với một số lượng lớn tiền cổ bằng đồng của Trung Quốc, có nơi đến hàng mấy tấn - vốn do các thương nhân chôn giấu trong quá trình lưu thông, buôn bán - đã cho thấy vùng này là địa bàn được các tàu buôn và thương nhân người Hoa chú ý và từng có mối quan hệ giao thương phát triển. Cảng Cửa Tùng, Cửa Việt, Mai Xá, Phó Hội... chắc chắn đã là những thương cảng khá sầm uất trong các thế kỷ XVI - XVIII. Chính vì vậy mà đội ngũ thương nhân người Hoa ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong đời sống thương nghiệp cả nước nói chung Quảng Trị nói riêng. Họ có vốn lớn, nhiều kinh nghiệm buôn bán và thường xây dựng nhà, cửa hiệu ở những điểm thuận lợi tại các chợ lớn như: chợ Sãi, chợ Sòng, chợ Phiên Cam Lộ... Ở đây họ lập những phố chợ, dân địa phương gọi là những phố chợ của người Khách (Khách hộ)... Đáng tiếc là do sự tàn phá của chiến tranh nên đến nay, các nhà cửa, phố xá của người Hoa tại các trung tâm buôn bán này đã không còn, nhưng sự tồn lưu đến nay của ngôi nhà cổ trên khu đất của chợ Cầu xưa (bên nách đình làng Hà Thượng) cũng có thể coi là một bằng chứng.

Đến thế kỷ XIX, do chính sách “bế quan tỏa cảng” của các vua nhà Nguyễn, nhất là từ thời Minh Mạng trở đi, vua ra lệnh cấm thuyền của Tây Dương chỉ được vào đổ ở bến Ðà Nẵng, chứ không được đến buôn ở cửa biển khác và lệnh cho các quan ở các cửa biển không để cho tàu Tây Dương trà trộn vào các cửa biển khác nên hàng hóa ở Quảng Trị cũng như nhiều nơi khác phải chở vào Ðà Nẵng để thông thương với bên ngoài. Và cũng từ đó các tuyến thương mại mậu dịch chỉ còn có ý nghĩa nội địa; các cảng thị, thương điếm dần dần giảm vị thế và mất hết vai trò.

Như vậy, suốt từ cuối thế kỷ XVI cho đến cuối thế kỷ XVIII, nhờ những chính sách phát triển kinh tế xã hội, nhất là chính sách mở cửa giao thương với bên ngoài của các chúa Nguyễn nên vùng đất Quảng Trị đã có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế thương mại. Với những ưu thế có được từ tự nhiên và các nguồn hàng hóa, các tuyến thương mại mậu dịch trên địa hạt Quảng Trị đã được xác lập một cách đa chiều và phát huy một cách hiệu quả, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả Đàng Trong. Sự khôn ngoan trong việc tận dụng, khai thác thế mạnh về con đường mậu dịch bằng việc thiết lập các chợ đầu mối - trung tâm thương mại, trên tuyến hành lang Đông Tây để nối Đàng Trong với các nước trong khu vực theo đường bộ và mở cửa ra phía biển để phát triển ngoại thương bằng việc thiết lập các cảng thị, thị tứ trong sông (chứ không phải là cảng biển), đồng thời thúc đẩy sản xuất để phát triển hàng hóa từ các tuyến mậu dịch nội địa mà chúa Nguyễn đã gây dựng và để lại trên vùng Quảng Trị sẽ là bài học lịch sử bổ ích không chỉ của hôm nay và cả mai sau.

L.Đ.T

 

__________________

Chú thích:

1 Dương Văn An. Ô châu cận lục. Bản dịch của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc. Nxb Thuận Hoá, Huế, 2001, tr.27, 29, 71

2 Dẫn theo: Nhiều tác giả. Tìm hiểu lịch sử văn hóa nước Lào. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội 1978, tr. 91.

Mai Văn Tấn. Con voi thần, trong tập Truyện cổ Vân Kiều - Tà Ôi. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1987, tr. 36.

4 Xem: Nguyễn Quang Ngọc. Tiến trình lịch sử Việt Nam. Nxb Giáo dục2000. tr. 138.

Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1977, tr. 50.

Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 80 - 82.

7 Quốc sử quán triều NguyễnĐại Nam thực lục tiền biênTập I. Nxb Sử học, 1962, tr. 34-36.

8, 9 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục, tập 1 (Tiền biên). Nxb Giáo dục. Hà Nội, 2001, tr. 31 và 41.

10 Lê Quang Định. Hoàng việt nhất thống dư địa chí. Phan Đăng dịch và chú giải. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005, tr. 351.

11 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam nhất thống chí. T1. Nxb Thuận Hóa. 1992, tr. 147.

12 Sở KH - CN - MT Quảng Trị. Ðịa chí Quảng Trị. Đông Hà, 1996, tr. 263.

13 Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 108.

14 Li Tana. Xứ Đàng trong, lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18. Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1999, tr. 175.

15 Mai Văn Tấn. Con voi thần, trong tập Truyện cổ Vân Kiều - Tà Ôi. Sđd, tr. 36.

16, 17, 18, 19, 20, 21 Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 321, 322 - 324, 329, 339 - 342.

22, 23 Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 324 và 342 - 343.

24 Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 108.

25 Thành Thế Vỹ. Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVI - XVII và XIX. Nxb Sử học. Hà Nội, 1961, tr. 46.

26 Quốc sử quán triều Nguyễn. Ðại Nam thực lục tiền biên. Sđd, tr. 37.

27, 28, 29 Lê Quý Ðôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 206 - 207.

30 Dẫn theo: Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/1991, tr. 75.

31 A. Laborde. La Province de Quang Tri (Tỉnh Quảng Trị). B. A. V. H, tập VIII, năm 1921. Nxb Thuận Hoá. Huế, 2001, tr. 206.

Lê Đức Thọ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 288 tháng 09/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground