Chiều Mường Hịch - tranh sơn dầu của Đặng Tiến
Ông anh tôi là giáo học, cũng có chơi đàn nguyệt. Một đôi lần tôi thấy nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sang uống trà. Hai người hòa đàn. Thỉnh thoảng dừng lại, để người nhạc công điêu luyện hướng thêm cho bạn vài ngón nhấn, nhả. Ông thường mặc bộ áo quần cánh trắng may bằng vải quyến, khuy cài bên nách theo lối cổ. Lúc đi đâu, thay tấm áo lương (the) đen dài chấm gối. Tuy vậy, dạo này Nguyễn Hữu Ba đã sáng tác tân nhạc và được giới nhạc biết tên. Cánh học sinh thích thú bài Lửa rừng đêm ông viết theo tiết tấu rumba thời thượng lúc bấy giờ. Một lần tôi thấy trên bàn làm việc của ông anh họ có cuốn Tự học đàn nguyệt, tác giả không ai khác nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Tôi say sưa đọc cuốn sách. À, thì ra học đàn nguyệt đâu có quá khó khăn. Tôi lén lấy cây đàn của ông anh treo trên vách xuống, rồi theo hướng dẫn trong sách, so dây và mày mò tập. Bắt đầu từ bài Kim tiền. Sanh ra đạo làm trai/ Chăm lo học/ Cho đặng nên người/ Để đua trí đua tài/ Với người ta/ Đường còn xa… Đến nay còn nhớ mấy câu đầu. Vốn liếng cổ nhạc của tôi rồi cũng chỉ đến đấy. Một hôm ông anh về sớm hơn thường lệ, bắt gặp thằng bé nghịch cây đàn quý, cho luôn một bớp tai.
Nguyễn Hữu Ba theo cách mạng từ những ngày đầu Tháng Tám 1945. Trong không khí nô nức phong trào văn hóa kháng chiến, ông tham gia Đoàn Xây dựng ở Huế và sáng tác một số ca khúc đầy hào khí. Kháng chiến bùng nổ, mặt trận Huế vỡ. Qua người cháu của ông, tôi được biết nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sơ tán ra quê (thôn Đạo Đầu, huyện Triệu Phong – Quảng Trị), từ đó cùng anh em lên chiến khu Ba Lòng. Quân Pháp oanh kích và cho bộ binh tiến công vào căn cứ kháng chiến. Vì hoàn cảnh, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba trở vào Huế tiếp tục nghề dạy đàn. Tại đây ông sáng tập Tỳ Bà Trang (sau đổi là Tỳ Bà Viện) chuyên đi sâu nghiên cứu, khai thác nhạc dân tộc. Ông dành cả tâm huyết cho sự nghiệp, nhằm mục tiêu “trong khi bồi bổ nhạc mới, chấn hưng và cải tổ nhạc cổ truyền”. Chốn cố đô thời ấy lưu truyền câu hò mái nhì do nhà thơ Hoàng tộc nổi tiếng xứ Huế, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng tác ngợi ca công việc ông làm:
Con chim hoàng anh đậu cành dương liễu
Con chim hoàng điểu đậu nhánh mai hoa
Giữa Thần Kinh(1) có Viện Tỳ Bà
Nhạc sư có Nguyễn Hữu Ba nước mình.
Nước nhà thống nhất, ông được chính quyền cách mạng phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1984) và trao Huân chương Độc lập hạng Hai (1997), ấy là sự long trọng ghi nhận công lao một cuộc đời lao động nghệ thuật cần mẫn và khiêm nhường.
Tên tuổi Nguyễn Hữu Ba ít được biết rộng rãi ở miền Bắc. Những ngày kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc chúng tôi hầu như không được tin về ông. Mãi đến đầu những năm 1970, giao lưu với nước ngoài mở rộng, tình cờ một hôm đọc tờ tạp chí từ Pháp gửi sang, có bài Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu nhạc cổ truyền Việt Nam. Giáo sư nói khá nhiều về đóng góp của người đồng nghiệp Nguyễn Hữu Ba. Số tạp chí ấy có mấy phụ bản in trên giấy láng, một trang in ảnh nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba mặc áo the dài đội khăn xếp hòa tấu nhạc cụ dân tộc cùng mấy nữ nghệ sĩ. Dòng ghi chú cho biết ảnh chụp trong một đêm lưu diễn tại thành phố Osaka, Nhật Bản(2). Qua đó tôi biết người nhạc sĩ đồng hương thuộc lớp đàn anh vẫn luôn say sưa với sự nghiệp chấn hưng và truyền bá nhạc dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, vẫn qua người bạn là cháu của ông, tôi lần ra địa chỉ nhà riêng và tìm đến thăm nhạc sĩ. Ngôi nhà xây nho nhỏ, một trệt lầu, sạch sẽ khang trang song không che giấu mức sống thanh bạch của nhà chủ. Dĩ nhiên ông chẳng làm sao nhớ được cậu bé nhà hàng xóm trong Thành Cổ Quảng Trị, song vẫn tiếp khách ân cần và trọng thị. Dạo này đời sống gia đình nghệ sĩ đang khó khăn. Hai vợ chồng không có việc làm, mà người nghệ sĩ làm gì có của nổi của chìm như ai. Hơn thế ông bà còn phải chăm sóc người con đau yếu. Phong thái ông vẫn từ tốn, nho nhã, giọng nói vẫn dịu dàng như bao giờ. Tự nhiên tôi buột miệng:
- Ai dám nghĩ có thời anh Nguyễn Hữu Ba sáng tác rumba…
- Anh cũng biết? – Ông hơi ngạc nghiên.
Tôi cười, không đáp mà khe khẽ hát ông nghe mấy câu mở đầu bản Lửa rừng đêm cánh thiếu nhi vẫn hát trong trong những “đêm lửa trại”, qua bao nhiêu năm tôi vẫn nhớ lời: Bạn cùng ta/ Nắm tay múa ca/ Cho đời bừng sáng/ Dưới làn sương đêm/ Trong ánh lửa bập bùng…
Ông cười. Đôi mắt trở nên xa xăm.
Sau phút lặng yên, ông chuyển sang chuyện khác, làm tôi hơi bối rối: “Anh từ Hà Nội mới vào, có cần gì tôi không?”
Biết tôi thích âm nhạc và đang muốn tìm mua một dàn máy nghe nhạc, song sợ bốc phải của dỏm, ông nhiệt tình: “Tôi cũng không biết gì nhiều. May tôi có người học trò, mới chuyển sang buôn đồ điện tử. Để tôi giới thiệu, người ấy chọn giúp anh”.
Vậy là ông hăng hái dẫn tôi ra phố. Đến gần cầu Trương Minh Giảng, ghé vào một quầy hàng điện tử; đúng hơn là dăm bộ máy, loa lổn nhổn bày luôn trên vỉa hè. Dàn nhạc Akai to đùng, chạy băng cối, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba mua giúp cho lần ấy ở hè đường, tôi mang ra Hà Nội dùng mãi mới thay.
Tôi kể ông nghe, ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, tôi từng đứng giữa thị xã, xế trước Cửa Tiền, nhìn vào bên trong Thành Cổ lở lói thương tích, mà cố mường tượng đâu là con đường không lát vỉa hè nơi có mấy nếp nhà nhỏ mình từng sống những ngày ấu thơ. Và chợt hiện lên rành rành trong trí cành sầu đông trước nhà người nghệ sĩ nghèo cùng tấm bìa van xin lũ học trò tinh quái: “Xin đừng níu cây, mà tội!”.
P.Q