Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chi bộ lâm thời và “Kế hoạch sơ tán có một không hai”

Mùa xuân năm nay bà Lê Thị Túy, người thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bước vào tuổi 73 và vinh dự đón nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn giữ được nét trẻ trung, nhanh nhẹn của một thời thiếu nữ vàng son.

Những người còn lại trong đoàn quân đưa trâu, bò ra miền Bắc sơ tán vui vẻ nhớ chuyện xưa.  Ảnh: Lâm Quang Huy.

Những người còn lại trong đoàn quân đưa trâu, bò ra miền Bắc sơ tán vui vẻ nhớ chuyện xưa. Ảnh: Lâm Quang Huy.

Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng của mình, bà minh mẫn kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi, hào hùng góp một phần công sức nhỏ bé vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước.

Bà Túy kể rằng: Tháng 5/1967, tôi học xong cấp hai phổ thông nay là bậc Trung học cơ sở, cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ ra miền Bắc bước sang năm thứ ba. Ba năm học cấp hai là ba năm đường tới trường đi dưới chiến hào. Khi Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại, chúng chỉ ném bom vào ban ngày nên việc học tập được chuyển vào ban đêm. Sang năm học 1965 - 1966 Mỹ ném bom ác liệt suốt ngày đêm nên lớp học trở lại ban ngày dưới hầm, chia nhỏ không quá hai mươi lăm bạn một lớp.

Học xong cấp hai tôi đã bước qua tuổi 16 rồi về địa phương, xung phong ngay vào dân quân tập trung, cùng các anh chị, chú bác, tham gia phục vụ chiến đấu và sản xuất của Hợp tác xã ở những khu vực trọng điểm địch đánh phá ác liệt đầy nguy hiểm. Ngày sản xuất, chiến đấu bắn máy bay Mỹ bay thấp bằng súng bộ binh, đêm tuần tra canh gác bảo vệ xóm làng hoặc tham gia đào trận địa pháo cho bộ đội cơ động chiến đấu trên địa bàn. Thường xuyên tham gia chuyển tiếp thương binh từ mặt trận Bắc Quảng Trị ra và nhận nhiệm vụ bốc dỡ vũ khí trang bị ở các đoàn xe ô tô từ hậu phương tiếp tế cho Vĩnh Linh cùng chiến trường Gio Linh, Cam Lộ…

Công việc dồn dập, liên tục, cuốn hút tôi thực hiện bằng tất cả nhiệt tình của “tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu” với động cơ “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”. Trong lúc quên cả tuổi hoa niên, bám trụ lại quê hương đang ngập chìm trong khói lửa đạn bom chiến tranh thì bạn bè cùng lớp đã lần lượt đi sơ tán ra hậu phương miền Bắc để tiếp tục học lên Trung học phổ thông hoặc được gọi vào học ở các trường Trung cấp chuyên nghiệp… Từ thực tế công tác tại địa phương tôi được Chi bộ Lai Bình xét đưa vào diện đối tượng kết nạp Đảng khá sớm so với bạn bè cùng trang lứa…

- Hồi đó chi bộ có thông báo cho bà biết mình được chi bộ công nhận là đối tượng Đảng và ai là người được phân công theo dõi giúp đỡ để trở thành đảng viên không? Chi bộ có đưa ra nhiệm vụ cụ thể gì để thử thách ý chí, lòng trung thành lý tưởng với Đảng của bà không?

Bà Túy cười hiền rồi kể tiếp:

- Cơ bản quy trình như bây giờ. Trong một cuộc họp thường kỳ vào tháng 7/1967 tôi được chi bộ mời tới dự thính và thông báo tôi là đối tượng Đảng. Việc giao nhiệm vụ để thử thách thì không biết. Lúc đó, nhiệm vụ nào được giao trong thời chiến cũng quan trọng và đầy tinh thần trách nhiệm mới hoàn thành được. Tuy nhiên tôi nhớ mãi nhiệm vụ này: Cuối tháng 11/1967, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, kế hoạch sơ tán học sinh từ 6 - 15 tuổi gọi tắt là Kế hoạch 8 (K8), kế hoạch sơ tán người già và phụ nữ có 3 con nhỏ gọi tắt là Kế hoạch 10 (K10) từ Vĩnh Linh ra các tỉnh hậu phương miền Bắc đã kết thúc. Do lực lượng lao động giảm một nửa và đa số tập trung cho chiến đấu, phục vụ chiến đấu nên sản xuất nông nghiệp của Khu vực Vĩnh Linh giảm mạnh. Nhu cầu trâu, bò dùng cày kéo trong sản xuất nông nghiệp cũng giảm theo. Giai đoạn 1967 - 1968 máy bay ném bom chiến lược B52 của Mỹ ném bom rải thảm hủy diệt Vĩnh Linh, máy bay ném bom chiến thuật rải nhiều bom sát thương, bom bi và đàn trâu, bò là mục tiêu lớn nên đã bị sát thương hàng loạt. Thực tế một số xã ở vùng giới tuyến quân sự tạm thời, đàn trâu, bò coi như đã bị xóa sổ.

Trước tình hình đó, để bảo tồn sức kéo cho địa phương sau khi chiến tranh kết thúc, Khu ủy Vĩnh Linh chủ trương gom toàn bộ trâu, bò còn sống sót sau các trận bom trong khu vực, tổ chức một kế hoạch sơ tán, đưa đàn trâu, bò ra hậu phương (theo nhiều người lớn tuổi thì kế hoạch sơ tán đàn trâu, bò là Kế hoạch 9 (K9) nhưng hiện nay chưa có văn bản xác thực).

Để thực hiện “Kế hoạch sơ tán có một không hai” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ này, Khu ủy Vĩnh Linh giao cho xã Vĩnh Chấp thành lập một đoàn gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, do ông Nguyễn Văn Phú làm trưởng đoàn và thành lập chi bộ lâm thời do ông Trần Phóng làm bí thư. Đoàn có nhiệm vụ hộ tống đàn trâu, bò gồm 760 con sơ tán về hậu phương. Địa bàn mà Khu vực Vĩnh Linh lựa chọn là xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh và được lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên chấp thuận cho làm điểm đóng trại chăn nuôi sơ tán.

Xác định nhiệm vụ đưa trâu, bò về hậu phương quan trọng như nhiệm vụ chiến đấu nên Khu vực Vĩnh Linh cử thêm hai cán bộ thú y của Ủy ban Nông nghiệp Khu vực tham gia đoàn để chăm sóc đàn trâu, bò và liên hệ với các địa phương đoàn sơ tán đi qua xử lý các tình huống đột xuất.

Bà Túy cho biết: Đoàn hộ tống gồm 34 người nhưng chỉ có 5 chị em phụ nữ và bà là người ít tuổi nhất (17 tuổi). Sau một thời gian thu gom tập hợp được 760 con trâu, bò trong toàn khu vực về tập kết ở ngã ba Miếu Cổ Kiềng trên đường 15, nay là nhánh Đông đường Hồ Chí Minh thuộc xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh. Đúng 8 giờ sáng ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Mùi đoàn xuất phát rời Vĩnh Linh. Không bản đồ, không la bàn, không ai trong đoàn biết đường, không giao liên, tiền trạm, vừa đi vừa hỏi và men theo đường 15 ra Bắc. Bình thường, đi người không đã khó, đằng này 34 người lùa theo đàn trâu, bò dằng dặc gần ngàn con, thành đội hình như một tiểu đoàn bộ đội hành quân.

Trước khi đi, chúng tôi được quán triệt là thời gian thực hiện nhiệm vụ khoảng 15 ngày cho đoạn đường 150 km. Cấp trên quán triệt: “Ra tới nơi ổn định lán trại, chỉ để lại một bộ phận chăn nuôi trâu, bò, số còn lại trở về Vĩnh Linh tiếp tục chiến đấu sản xuất”. Vì vậy mỗi người trong đoàn chỉ mang theo 15 ngày lương thực, hai bộ quần áo và một số đồ dùng cá nhân tối thiểu. Thực tế không như kế hoạch, ngay ngày đầu hành quân đã gặp rất nhiều sự cố. Vào địa phận huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được khoảng mười cây số thuộc xã Trường Thủy bị máy bay Mỹ ném bom gần đó, tiếng nổ và tiếng rú của máy bay đã làm đàn trâu, bò bỏ chạy tán loạn. Đoàn dừng lại tạm nghỉ và chia nhau vào rừng, vào trong dân tìm, xin đủ số trâu, bò chạy lạc về, mấy ngày sau mới tiếp tục hành quân. Dọc đường, đoàn cứ định hướng, men theo đường mòn, băng rừng, vượt suối, nhằm hướng Bắc mà đi. Trâu, bò cũng như người, vừa đi vừa ăn, tối đâu ngủ đó, trâu, bò nghỉ thì người tranh thủ mắc võng ngủ xung quanh vừa canh gác vừa để hôm sau báo thức cho cả đoàn thức dậy đúng giờ. Trong lúc các anh nam giới đảm nhiệm những công việc nặng nhọc thì năm chị em đảm nhiệm phần hậu cần. Hàng ngày chị em luân phiên dậy từ ba giờ sáng để lo cơm nước đùm bới mang theo cho đoàn ăn buổi trưa và tối. Việc dừng lại dọc đường để nấu cơm không dễ, phần vì không có thời gian, phần vì máy bay Mỹ quần thảo trên đầu suốt ngày, khói lửa bất thường nổi lên giữa tuyến đường có rất nhiều binh trạm, kho tàng, đơn vị quân đội trú quân, hành quân vào ra sẽ rất nguy hiểm.

Đi khoảng mười ngày, một con bò cái trong đoàn sinh con bê đầu tiên, đoàn trưởng Nguyễn Văn Phú lấy ba lô quấn con bê rồi vác theo trên vai, đến đoạn nào mệt quá, đi không nổi, cả đoàn dừng lại để bò mẹ cho bê con bú, người tranh thủ nghỉ ngơi. Trên chặng đường hành quân, 16 con lần lượt ra đời, tăng thêm gánh nặng cho đoàn, tuy nhiên không phải bê, nghé nào cũng may mắn sống sót. Nhiều bê, nghé dù được đoàn hỗ trợ tận tình, nhưng vì sức yếu, đường xa, trâu, bò mẹ cũng kiệt sức không đủ sữa nên không thể sống để đến điểm cuối cùng.

Trong cuộc hành trình cam go có những sự việc làm bà Túy nhớ mãi: Sau khi đã lần lượt vượt qua các trọng điểm khét tiếng là cầu Phú Cường, ngầm Phú Hòa... Đến bến phà Long Đại, cả đàn trâu, bò dồn lại không chịu bơi qua sông. Phà Long Đại là trọng điểm Mỹ ném bom hết sức ác liệt trên tuyến đường chiến lược 15 ở Quảng Bình, từng được mệnh danh là “bến phà Long Đầu”. Dừng ở đây giờ phút nào nguy hiểm phút đó. Trong lúc cả đoàn dồn sức ép lùa đàn trâu, bò bơi qua sông thì trên bầu trời máy bay Mỹ ập tới. Chúng lượn vòng rồi thả bom, bắn rốc két xuống bến phà dữ dội. Trâu, bò nghe tiếng nổ chạy tán loạn. Ông Nguyễn Văn Phú, trưởng đoàn cùng ông Nguyễn Viết Đảm, cán bộ của Ủy ban Nông nghiệp Khu vực và các ông Nguyễn Văn Viện, Nguyễn Văn Thuyền, Võ Văn Khiếu thành viên của đoàn đã liên hệ với lãnh đạo xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh và bộ đội bến phà nhờ giúp đỡ. Xã Xuân Ninh và bộ đội huy động sáu thuyền cùng hai trung đội dân quân tới giúp xỏ mũi, liên kết những con trâu khỏe nhất đàn thành sáu nhóm rồi dùng thuyền áp tải nhóm trâu, bò này xuống nước qua sông trước cho cả đàn bơi theo. Cuộc vượt sông thành công ngoài mong đợi. Nhưng sông sâu nước xiết, đàn trâu, bò đông nên không quán xuyến hết, qua xã Hiền Ninh bờ bắc sông Nhật Lệ, kiểm đếm thấy mất ba con đã bị nước cuốn trôi. Đoạn đường từ xã Vĩnh Khê, huyện Vĩnh Linh đến Phà Long Đại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình dài hơn 60 km, dự kiến đi một tuần, đoàn đi ròng rã gần một tháng.

Đoạn đường tiếp theo là từ xã Hiền Ninh trở ra, đoàn phải đi theo đường dân sinh với dốc đá cao, rừng núi khá hiểm trở nên luôn giữ khoảng cách với đường chiến lược 15 để đảm bảo an toàn và giữ hướng hành quân. Đây là chặng đường khó khăn gian khổ nhất. Đi càng xa về phía Bắc, cả người và trâu, bò đều đuối sức dần. Hàng ngày số trâu, bò bị đau chân do bể móng vì đi liên tục trên đường lèn đá, không đi tiếp được, số yếu sức thỉnh thoảng rơi xuống vực sâu chết và bị thương ngày càng tăng. Đã có lúc trong đoàn nảy sinh tư tưởng chán nản muốn bỏ nhiệm vụ quay lại Vĩnh Linh vì thấy đàn cứ hao hụt từng ngày biết ra đến nơi còn được mấy con. Chi bộ nắm bắt tâm tư của anh em liền họp và xác định quyết tâm: “Dù đàn trâu, bò chỉ còn vài trăm con cũng phải đi đến đích”.

Do kế hoạch lương thực chỉ mang theo mười lăm ngày, nhưng một tháng đoàn mới ra khỏi huyện Lệ Thủy nên lương thực hết. Tuy vậy đoàn chủ trương vẫn tiếp tục lên đường, gặp làng bản của dân thì vào xin từ khoai sắn đến từng nửa lon gạo. Rất nhiều lần, đường sơ tán trâu, bò ra trùng với đường giao liên của bộ đội hành quân vào, chúng tôi phát hiện có những bếp dã chiến của bộ đội còn than nóng và những nồi cơm ăn dở được đổ ra vệ cỏ để lấy soong quân dụng mang đi cho kịp giờ hành quân. Sờ thấy cơm còn ấm, vậy là mừng rơi nước mắt, anh em trong đoàn gom lại chia nhau ăn với muối trắng ngon lành. Cũng không ít lần, gặp những đoàn bộ đội đã đi qua trước đó, cơm nguội các anh bỏ lại đã gần thiu, cũng đành lấy dao găm gọt lớp ngoài rồi hấp lại để ăn.

Cái ăn đã vậy, cái mặc mới thực sự nan giải. Chỉ mang theo hai bộ quần áo mỏng đã cũ, một mảnh dù pháo sáng làm chăn. Các anh nam giới còn đỡ, 5 chị em nữ trong đoàn cực khổ hết chỗ nói. Sau một tháng chui rừng cùng đàn trâu, bò, lau lách lá sắc như dao cạo, gai rừng cứng tựa kim cang nên áo quần cả đoàn rách bươm xơ mướp, lòi hết da thịt. Không có kim chỉ để khâu vá quần áo đành lấy dây rừng buộc túm từng chỗ rách để mặc. Sau tết Mậu Thân thời tiết miền núi đá vôi phía Tây Quảng Bình rất lạnh, mưa rét, ẩm ướt, áo quần không lúc nào khô. Đêm xuống, năm chị em ôm nhau mà cái rét vẫn tê buốt tim gan, cái đói quặn thắt, không sao ngủ được.

Bà Túy kể tiếp: - Một buổi sáng, tôi với anh Ngà dậy sớm ra suối rửa mặt, chợt nhìn thấy mấy cọng rau muống úa vàng từ thượng nguồn trôi xuôi theo dòng nước, hai anh em nhận định và bàn nhau về báo cáo với trưởng đoàn cử người lội ngược dòng có thể gặp thanh niên xung phong và bộ đội, nếu gặp được sẽ xin quần áo cho mấy chị em và gạo, thực phẩm cho cả đoàn.

Đúng như dự đoán, mấy anh em chúng tôi gặp được một đơn vị thanh niên xung phong đóng quân ven suối trong rừng. Các anh chị rất mừng vì lâu lắm họ cũng không gặp được dân, chúng tôi cũng rất mừng khi tìm được các anh chị giữa núi rừng Trường Sơn hoang vắng như một sự cứu cánh nhiệm màu. Nghe chúng tôi trình bày, các anh chị biết chúng tôi từ tuyến lửa Vĩnh Linh ra liền gom góp cho chúng tôi quần áo cũ, gạo, muối và nước mắm cô đặc. Trước khi chia tay các anh chị thấy tôi còn quá trẻ, mũm mĩm, dễ thương mà phải thực hiện một nhiệm vụ nặng nề ngoài sức tưởng tượng, liền đề nghị tôi hát tặng các anh chị một bài hát. Vốn có chút năng khiếu văn nghệ, tôi liền hát một lúc ba bài: “Đường cày đảm đang” của nhạc sĩ An Chung, “Lá thư hậu phương” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và “Bài ca may áo” của nhạc sĩ Xuân Hồng… Các anh chị thanh niên xung phong nghe chăm chú, xúc động và khen: “Phụ nữ Vĩnh Linh tuyến lửa không chỉ dũng cảm, đảm đang mà văn nghệ cũng rất cừ...”.

Được tiếp thêm sức, đoàn tiếp tục lên đường. Đến xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, thêm một số trâu, bò và bê, nghé quá yếu không theo kịp, đoàn cử ba người ở lại chăm sóc cho đến khi phục hồi rồi đi tiếp. Khi đến đèo Tân Ấp, thuộc xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình thì bị máy bay Mỹ ập tới oanh tạc. Chúng ném bom sát thương, bom bi và bắn cả rốc két vào giữa đàn. Cảnh tượng hết sức thê thảm, đàn trâu, bò chạy tan hoang, chết 47 con, chưa kể số bị thương. Đây là thiệt hại lớn nhất trong suốt chặng đường sơ tán.

Giải quyết xong hậu quả của trận bom, đoàn hành quân đến xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đến nơi, đoàn liên hệ ngay với địa phương nhờ giúp đỡ, triển khai làm nhà ở cho người, làm chuồng trại cho trâu, bò. Kỷ niệm đầu tiên ở nơi sơ tán của đoàn là chuồng trại trâu, bò vừa làm xong ban ngày thì ban đêm voi rừng kéo về quần nát tan hoang, phải làm lại tất cả. Các đêm sau đoàn cắt người canh gác, liên tục đốt lửa xung quanh để xua đuổi. Sau này, hỏi dân mới biết xã Cẩm Mỹ là xã miền núi, có diện tích rộng chiếm tới một phần tư huyện Cẩm Xuyên. Nơi đoàn sơ tán ở dưới chân dãy núi U Voi là vùng rừng nguyên sinh với nhiều loài cây gỗ quý và động thực vật hoang dã phong phú, có cả voi, gấu, lợn rừng và hổ báo.

Ổn định nơi ăn chốn ở, đoàn tiến hành kiểm kê tổng đàn, tất cả còn lại hơn 400 con ốm yếu, gầy gò. Sau gần ba tháng đi bộ trên đoạn đường gần 200 km dưới mưa bom bão đạn, 360 con trâu, bò đã chết dọc đường vì bệnh tật, tai nạn và bom đạn. Tuy nhiên trong hoàn cảnh khó khăn ấy vẫn có 16 con bê, nghé ra đời dọc đường nhập đàn tới đích. Về con người, dù điều kiện khắc nghiệt, ác liệt, vất vả nhưng nhờ sức trẻ và may mắn nên suốt hành trình không một ai trong đoàn bị thương vong, ốm đau. Đoàn cử 14 người ở lại làm nhiệm vụ chăn nuôi đàn trâu, bò tại nơi sơ tán, 20 người, trong đó có 5 chị em, vượt đạn bom, rừng núi trở lại Vĩnh Linh làm nhiệm vụ chiến đấu, sản xuất.

Bà Túy bùi ngùi: - Sau khi chia tay anh em ở lại, đoàn chúng tôi từ Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên trở về Vĩnh Linh chỉ đi hết 5 ngày. Về tới nhà thấy tôi gầy gò hốc hác trong bộ quần áo bộ đội cũ rách bươm, mạ tôi ôm lấy tôi khóc òa. Xa ba mạ ba tháng mà tôi cảm giác như mấy năm. Sáng hôm sau mạ tôi lặng lẽ lên cửa hàng hợp tác xã mua bán, mua vải theo phiếu may cho tôi một bộ quần áo mới… Có lẽ do chi bộ lâm thời báo cáo lại quá trình tôi tham gia đưa trâu, bò đi sơ tán nên Chi bộ Lai Bình trong phiên họp tối 19/5/1968 đã xét và biểu quyết đồng ý kết nạp tôi vào Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 22 tháng 7 năm 1968, Đảng ủy xã Vĩnh Chấp ra Nghị quyết chuẩn y kết nạp đảng viên mới của Chi bộ Lai Bình, lúc đó tôi vừa tròn 18 tuổi. Tôi tiếp tục tham gia dân quân du kích, bám trụ vừa chiến đấu vừa sản xuất ở địa phương, tham gia dân công hỏa tuyến, đến năm 1970 tôi kết hôn. Chồng tôi là một sĩ quan quân đội cùng quê, lúc đó ông ấy đang chiến đấu ở tiền tuyến. Một mình tôi vừa gánh vác công việc xã hội vừa lo công việc gia đình, nuôi con nhỏ, xuyên suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước sang thời kỳ trước đổi mới.

Nhìn lại quãng đường đã qua, thêm một lần nữa bà Lê Thị Túy tự hào bày tỏ:

- Có lẽ chiến công lớn nhất của đời mình là hoàn thành nhiệm vụ hậu phương vững chắc để chàng Thiếu úy trẻ của tôi chiến đấu ngoài mặt trận yên tâm công tác, phấn đấu trở thành Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam. Và thành công nhất là sinh ra 5 đứa con, hai trai ba gái, nuôi chúng khôn lớn trưởng thành, đến nay cả 5 người con noi gương bố mẹ trở thành những cán bộ, đảng viên xuất sắc.

TỐNG PHƯỚC TRỊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground