Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chị Mơ

C

húng tôi vượt sông Trà Lý vào một chiều cuối hè 1951. Chị gaio liên đưa chúng tôi về trạm, nghỉ tạm một đêm, chuẩn bị vượt đường 10 vào sáng hôm sau để xuôi về vùng du kích Vụ Tiên (Thái Bình), từ đó vượt sông Hồng về căn cứ Liên khu 3 đóng ở Xích Thổ.

Sau sáu tháng trở lại địch hậu tả ngạn sông Hồng để củng cố và phát triển cơ sở văn hóa nghệ thuật kháng chiến, vượt qua nhiều thửa thách ác liệt, chúng tôi đã hoàn thành nghĩa vụ và đang trên đường về Khu.

Cũng phải nhắc lại một chút lịch sử. Sau cuộc tấn công Thu Đông lên Việt Bắc thất bại thảm hại, phá sản trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, bọn xâm lược Pháp quay về đồng bằng Bắc bộ, mở rộng vùng chiếm đóng, ra sức bình định chiếm lĩnh khu nhân tài vật lực của ta hòng hất lực lượng ta ra vùng rừng núi.

Một bộ phận không nhỏ lực lượng của ta buộc phải sơ tán về hữu ngạn sông Hồng trước đó vốn có nhiều vùng tự do, nay gần như bị Pháp bao vây, kìm kẹp với hệ thống đồn bốt, đường 5, đường 10, đường 39, sông Hồng, sông Luộc...

Trước tình hình đó, theo đề nghị của liên khu ủy 3 và chỉ thị của trung ương chúng tôi được điều động ra Liên khu 3 để tăng cường cho bộ phận lãnh đạo văn hóa nghệ thuật kháng chiến. Ở Việt Bắc có các anh Nguyễn Tuân, Xuân Diệu; ở liên khu 4 ra có tôi và anh Chế Lan Viên; hợp cùng anh Đồ Phồn và Nguyễn Đức (Tân Thạch) thành ban thường vụ Chi Hội văn nghệ liên khu 3 và Hà Nội, do anh Nguyễn Tuân, tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam trực tiếp làm tổng thư ký chi hội.

Tôi còn nhớ rõ cuộc họp liên chấp hành Liên khu 3 và Liên khu 4 tại một địa điểm ở Thanh Hóa. Sau khi đã được thường vụ Liên khu ủy 3 phê duyệt, ban thường vụ chi hội đã họp và phân công. Anh Đặng Xuân Thiều thay mặt khu ủy chủ trì cuộc họp. Anh Nguyễn Tuân được phân công phụ trách chung; anh Đồ Phồn phụ trách thường trực cùng anh Nguyễn Đức và theo dõi phong trào Hữu Ngạn; anh Xuân Diệu theo dõi văn nghệ bộ đội; anh Chế Lan Viên do nhu cầu công tác của Bình Trị Thiên ở lại LK4. Còn lại mình tôi. Tôi nhớ anh Thiều cứ đắn đo mãi trong việc phân công một ủy viên thường trực phụ trách địa hậu tả ngạn sông Hồng với những yêu cầu như phải trẻ, xông xáo, quen công tác trong lòng địch... "Thưa anh trong thường vụ tất cả các anh dều lớn tuổi và được phân công thích đáng, còn việc phụ trách trong hậu địch đó là phần của tôi, xin anh cứ giao nhiệm vụ".

- Anh Trần Hoàn lo việc này thì tốt quá rồi. Nhưng chắc anh chưa nắm được tình hình, địa bàn, thông thổ của đồng bằng. Anh Thiều nói:

- Thưa anh, từ bé đến giờ tôi chỉ biết đồng bằng Bắc bộ qua sách vở. Tôi cũng biết rõ, ở địch hậu Tả Ngạn chắc không có hậu cứ rừng núi như Bình Trị Thiên chúng tôi, nhưng ở đây có dân, có đất; ta bám được dân được đất thì bám được địch mà chiến đấu.

- Anh Hoàn nói đúng, anh có rất nhiều kinh nghiệm ở địch hậu Bình Trị Thiên rồi, chắc anh sẽ làm được.

Những mặp mắt động viên của các anh Nguyễn Tuân, Đồ Phồn, Xuân Diệu và lời nhắc nhở của Lưu Trọng Lư (Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ LK4) hôm tiễn tôi ra LK3, đã tạo cho tôi một niềm tin ở công việc sắp tới. Lúc ấy tôi mới 22 tuổi.

Thế là chuyến công tác vào địch hậu Tả Ngạn được tiến hành ngay trong Thu Đông 1950. Cùng đi với tôi, có thi sĩ Huyền Kiêu Ủy viên BCH Hội, Vũ Trọng (sau này là Ủy viên Thường vụ Hội Điện ảnh Việt Nam), Nguyễn Đình Thiết (con trai cụ Nguyễn Đình Nghị). Khó tính nhất là nhà thơ Trần Hữu Kiều mà biệt hiệu là Huyền Kiêu, người đã từng sống nhiều với Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Lê Đại Thanh, Lộng Chương thời kỳ Liên khu 3 còn nhiều vùng tự do với Cống Thần, chợ Đại, Đồng Sâm...

Được sự giới thiệu của Liên khu ủy, chúng tôi đã được tỉnh ủy Thái Bình do anh Lê Tự làm Bí thư, Tỉnh ủy Hải Dương do anh Sơn làm Bí thư, Tỉnh ủy Hưng Yên do anh Vũ làm Bí thư tạo mọi điều kiện giúp đỡ, đã cùng địa phương lập được phân hội Văn nghệ Thái Bình (Giang Đức Tuệ, Nắng Hồng); Hưng Yên (Hoàng Luyện); Hải Dương (Trần Đắc, Thái Ly, Hoàng Nam, Vũ Huy), chịu hai trận càn hút chết là trái Quýt ở Tiên Duyên Hưng, Trái Chanh ở Ninh Giang, Thanh Miện, đồng thời được sống những giờ phút Tả Ngạn sông Hồng phối hợp hành động với Việt Bắc khi quân ta giải phóng biên giới, mở rộng khu căn cứ du kích ở Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương và lần này được trở về Liên khu 3 hội nghị tổng kết công tác.

* * *

Buổi tối, chúng tôi đang chuẩn bị vào giường thì đồng chí trạm trưởng giao liên đến.

- Các anh chưa đi ngủ à? Đi ngủ sớm để mai đi chứ!

- Vâng, chúng tôi cũng "đang" ngủ đây - Tôi cười đáp.

- Ngày mai đi vất vả lắm các anh ạ, mà lại căng thẳng nữa đó - Anh nhìn chúng tôi như thách đố.

- Các anh chị đi thì chúng tôi theo được. Xin cứ yên tâm vì "cấp trên hạ lệnh một khi", "chúng tôi cấp dưới tức thì làm theo".

- Ấy chết, chúng tôi làm sao mà là cấp trên được. Đoàn của các anh do Tỉnh ủy giới thiệu về khu, chúng tôi phải có trách nhiệm đưa đến nơi đến chốn chứ.

- Thế tình hình xung quanh đây có gì phức tạp không?

- Phức tạp thì lúc nào chả phức tạp. Càn quét nhỏ thì bọn trên tỉnh và bọn địa phương không ngày nào không làm, nhưng nó có việc của nó, ta có việc của ta, không việc gì phải lo các anh ạ.

Sáng hôm sau, chúng tôi thức dậy sớm, sửa soạn hành trang chuẩn bị xuất phát. Chờ mãi mới thấy đồng chí trưởng trạm đến cùng một đồng chí giao liên.

- Xin chào các anh - Anh trưởng trạm nói. Đồng chí gioa liên này sẽ đưa các anh đến một chỗ nghỉ tạm để bàn giao cho người của trạm Vụ Tiên lên nhận. Người đó sẽ đưa các anh vượt đường 10 về Vũ Tiên. Đề nghị các anh thu gọn hành trang, hóa trang một chút cho giống người đi làm đồng vì chúng ta phải vượt đường ban ngày. Các đồng chí theo đồng chí giao liên này.

Chưa kịp hỏi thêm thì đồng chí giao liên đã đi ra khỏi nhà. Chúng tôi vội vã nối đuôi theo sau. Nguyên tắc giữ bí mật trên đường đi không cho phép chúng tôi hỏi thêm câu gì. Nhưng nhìn lại cách ăn mặc của cả nhóm, tôi cứ băn khoăn mãi về trường hợp anh Huyền Kiêu. Người anh đã to như hộ pháp, chiếc tay nải cũng không nhỏ chút nào, tuy đã cố gắng hóa trang cho già đic hút ít, nhưng không dấu nổi vẻ mặt trí thức thành thị, trắng trẻo lạc lõng giữa vùng đồng chiêm đặc "nông dân" này. Sau hơn một tiếng băng qua làng và đồng ruộng, chúng tôi được đưa vào một trạm nhỏ kín đáo ở chợ Thiềm, ở đó đã có một thiếu nữ nhỏ nhắn túc trực đòn tiếp. Đồng chí giao liên mời chúng tôi ngồi và trịnh trọng giới thiệu:

- Xin giới thiệu đây là chị Phạm Thị Mơ giao liên của huyện Vũ Tiên vừa vượt đường 10 sáng nay lên và bây giờ có trách nhiệm đưa các anh về dưới đó.

Chúng tôi tò mò nhìn người hướng đạo mới của đoàn. Cô còn rất trẻ khoảng 17, 18 tuổi. Chiếc áo nâu ôm sát thân hình khỏe khoắn. Ẩn trong chiếc khăn mỏ quạ xinh xắn là một đôi mắt thông minh, có vẻ ranh mãnh và một nụ cười rất dễ cảm tình.

- Chào các anh. Em sẽ đưa các anh đi. Các anh có hỏi gì thì hỏi ở đây, còn đã ra đi là chỉ có "ngậm miệng ăn tiền" thôi đấy.

Như được dịp bung ra những thắc mắc sẵn có, mọi người nhao nhao:

- Đây ra đường 10 còn bao nhiêu cây số?

- Trên đường 10 có bốt không?

- Tình hình đường dây hôm nay có gì lạ không?

- Ăn mặc thế này có được không?

- Qua đường 10 giữa ban ngày liệu có lộ không?

Mơ bình thản cầm chiếc nón phe phẩy nhẹ nhàng, nhận gói công văn và thư được bàn giao cho vào tau nải rồi nhìn chúng tôi trả lời khá chững chạc:

- Báo cáo các anh, đây ra đường 10 chỉ còn mộ cây số. Đây là vùng giáp ranh trục giao thông. Chúng ta phải đi qua một đọn gần bốt La Uyên khoảng bốn năm trăm mét gì đó rôi qua một chiếc cầu bắc qua một con sông xuống thẳng chợ Lụa. Tình hình hôm nay cũng có "động". Có tin chúng tập trung quân đi càn nhưng chưa biết cụ thể đi hướng nào. Song nó càn mặc nó, mình đi mặc mình. Ta cứ chủ động làm theo kế hoạch của mình và đi đến đâu sẽ có tin của cơ sở thông báo và có cách đối phó. Các anh tin ở em. Không sao đâu mà lo. Nhưng mọi người phải sẵn sàng, nhanh nhẹn ứng phó kịp thời. Ai đi được chân đất thì giấu bớt dép vào tay nải. Đề nghị bỏ hết các gậy chống vì qua đường dễ lộ. Và tất cả nhất nhất làm theo mệnh lệnh của em. Bây giờ chuẩn bị lên đường.

Tôi nhìn cô giao liên bé nhỏ, lòng thầm phục.

Không biết từ bao giờ viên tướng Đờlát-đờ-Tátsinhi lão luyện người Pháp, (từng đại diện cho nước Pháp chứng kiến sự kiện ký kết đầu hàng của phát xít Đức) sang làm tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Việt Nam, với các chủ trương tập trung quân Âu Phi để xây dựng lực lượng cơ động chiến lược mạnh, phát triển ngụy binh với quy mô lớn xây dựng thành quân đội quốc gia thực hiện âm mưu "dùng người Việt đánh người Việt", chỉ huy tên tướng Đờ-la-na-ret xây dựng phòng tuyến boong ke thiết lập vành đai trắng bao quanh trung du và đồng bằng Bắc bộ để đối phó với chủ lực của ta và khống chế kho nhân tài vật lực của ta, chị Mơ đã bao lần vượt đường 10, đưa công văn, cán bộ, bao nhiêu lần bị phát hienj, bao nhiêu lần chạy càn mà người vẫn bình thản, tự tin đến thế. Thái độ của chị Mơ đã trấn tĩnh được cả đoàn mặc dầu tuổi đã lớn, kinh nghiệm nhiều song gần như mỗi người chúng tôi đều như đứa trẻ sẵn sàng chập nhận bị chỉ huy và chỉ biết vâng lời một cách ngoan ngoãn.

Đoàn người đi im lặng, lách qua những xóm nhỏ, đường ruộng lẫn với những người đi làm đồng, mất hút vào xóm cây cối xanh um và đột nhiên đổ ra mặt đường 10. Chị Mơ quay lại ra hiệu đi nhanh. Không ai bảo ai chúng tôi bám sát gót. Con đường 10 trải nhựa bóng loáng từ Tân Đệ về thị xã Thái Bình trong ngon như một miếng mỡ. Phía bên trái là bốt La Uyên, phấp phới lá cờ quẻ li đang bay. Mặt đường vắng ngắt. Chúng tôi vọt sang phải băng qua đường và vượt chiếc cầu xi măng nhỏ để táp vào thôn ven làng. Sự kiêu hãnh và "anh hùng rơm" không biết ở đâu trỗi dậy khiến tôi dừng lại trên cầu nhìn về phía bốt La Uyên hát một câu:

"...Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa, cả đo thành nghi ngút cháy sau lưng..."

(Bài thơ của Chính Hữu-Nhạc Lương Ngọc Trác)

Mơ quay lại cau mặt, tỏ vẻ giận dữ:

- Đề nghị đừng hát, lộ bây giờ. Và đi nhanh chân cho.

Tôi thực sự tỉnh vì thấy cách tiếu nguy hiểm của mình, ân hận vì đã không hình dung hết tác hại của việc làm xốc nổi của mình nếu lộ đường dây (một đường dây đã phải mất bao nhiêu xương máu công sức, xây dựng cơ sở, điều tra nắm quy luật đường đi của địch mới duy trì được mấy năm nay). Tôi bỗng thấy mình nhỏ bé, ích kỷ và như người mắc lỗi bị cô giáo quở trách, ăn năn hối lỗi, cúi gằm mặt đi. Mãi hai tiếng sau, vượt qua được hiểm nguy về tới chợ Lựa tôi mới dám gia nhập vào CLB tiếu lâm mà Huyền Kiêu, Vũ Trọng là những thành viên nói tếu dí dỏm nhất.

Đêm chợ Lựa rất yên tĩnh. Sau một ngày đi mệt mỏi và yên tâm là đã thoát hiểm chúng tôi đánh một giấc say sưa. Khoảng 4 giờ sáng, cả đoàn bỗng nhiên thức giấc. Đã có tiếng í ới gọi nhau, tiếng trâu bò, tiếng lợn gà giục giã aamvang cả xóm. Hỏi ra mới biết đã có dấu hiệu địch tập trung càn ở khu vực Nam đường 10, đúng vào đoạn đường chúng tôi sắp đi qua. Tôi đang nghĩ miên man không biết xử trí thế nào thì Mơ đến. Cả bọn quây quần lại, cô nói:

- Hôm nay đích xác có tin địch sẽ đi càn phía này. Bây giờ quay lại lên đường 10 thì khó, vì chắc bây gườ chúng đã dàn quân trên đường 10 rồi, nguy hiểm lắm. Nếu đi thẳng xuống Quang Thẩm, vùng du kích huyện Vũ Tiên mà chạm trán với địch thì không biết sẽ ẩn nấp ở đâu? Trạm chúng tôi đã quyết định, ta cứ thổi cơm ăn và sẵn sàng. Chờ sáng động tĩnh ra sao sẽ giải quyết. Hướng chính là chúng ta sẽ nấp hầm ở ngay thôn Lựa này. Qua ngày rồi hẵng hay. Đề nghị các anh sắp xếp đồ đạc gọn gàng. Tài liệ gì mật cần thủ tiêu thì giải quyết nhanh chóng hoặc gửi cho tôi đưa cho trạm cất giấu. Chúng tôi lặng thinh vì mộ lẽ dễ hiểu là in tức thì mù tịt mà tình hình địa phương lại hông am tường. Huyền Kiêu bật hỏi: Cứ đi luôn có được không? Gặp càn thì theo dân mà chạy. Mơ đáp gọn như đinh đóng cột: Không được. Vì đi luôn có chắc thoát không hay rơi vào bẫy của nó. Còn chạy "nổi" theo dân thì trên không cho đâu, trong khi mình đã có hầm."

Bên ngoài trời đã sáng. Tiếng đồng bào thưa thớt dần. Bọn chúng tôi xếp gọn tay nải quấn vào người. Mơ đưa mọi người đi vòng vèo trong xóm, xuyên qua mấy nhà và dừng lại trước mộ khu vườn rậm, kín đáo, nhìn trước nhìn sau xem động tĩnh rồi đến lật một tảng đất bên một bụi chuối, trên đó có trồng một cây chuối con để lộ ra một miệng hầm đen hun hút. Hóa ra, đó là cửa hầm. Chúng tôi lần lượt xuống hầm. Tôi rồi đến Huyền Kiêu, Vũ Trọng, Nguyễn Đình Thiết... Tiếng Mơ gọi với đủ cho chúng tôi nghe: "Các anh bò vào trong đi vì hầm còn dài lắm. Chịu khó các anh nhé. Em còn phải ngụy trang miệng hầm và đi đây, xong càn, em sẽ về mở cửa hầm và đón các anh lên.

Ở địch hậu, riêng tôi đã có dịp nấp hầm bí mật. Thời kỳ hoạt động ở Bình Trị Thiên, tôi đã có dịp nấp giữa chiếc tường đôi và nằm ép dưới khoang thuyền đánh cá. Về địch hậu Tả ngạn, khi hoạt động ở Tiên Hưng, tôi được cho xem một hầm bí mật nấp hai người. Thật là những công trình sáng tạo công phu, phải làm trong nhiều tháng. Nhưng ở đây là hầm giao thông. Cửa hầm có ngụy trang nhưng cũng sơ sài. Hầm thì được đào sâu và dài, đủ cho những đoàn khách đông ẩn nấp khi có động. Mà đã là hầm giao thông thì nhiều khách đã xuống và khó có thể giữ được bí mật.

Nghĩ vậy, tôi hơi lo. Chuyền tai cho Huyền Kiêu, tôi đề nghị mọi người chuẩn bị đề phòng nếu bị địch bắt thì phải làm gì?

Con đường hầm chìm trong một màu đem tối om đến ngạt thở. Thỉnh thoảng le lói một chút ánh sáng xanh như ánh trăng lọt vào cái lỗ thông hơi bé tí. Từ ngoài vọng vào như trong mơ, tiếng gà cục tác xa lơ xa lắc.

Bỗng một tràng súng vang lên và tiếp đó là tiếng liên thanh, lựu đạn nổ giòn. Có tiếng chân người rầm rập, tiếng la hét ầm ĩ của bọn lính dõng.

- Đây là chỗ bọn Việt Minh hay qua lại đây? Phải sục hầm.

- Làm nhanh lên vì trưa phải hợp điểm ở Quang Thẩm rồi đấy.

Chúng tôi nắm tay nhau. Có lẽ lần đầu từ khi về địch hậu, với tư cách là bí thư chi bộ, tôi mới nói nhỏ với các anh em:

- Các đồng chí ơi, kiên quyết giữ vững tinh thần. Nếu bị bắt thì thà chết chứ nhất định không khai báo nhé.

Căn hầm như chật lại. Lòng hầm đủ cho một người chui lọt một cách khó khăn. Càng vào sâu bùn và nước lỏng bỏng phía dưới. Chúng tôi nhích dần và khá chật vật. Bỗng nhiên từ trên mặt đất, có tiếng cuốc bổ đều đều từng nhát, từng nhát một và tiếng xì xào bàn tán. Huyền Kiêu thì thào: "Hình như chúng nó đang cuốc hầm rồi".

Chúng tôi ngồi im bặt đếm từng tiếng cuốc cứ như tiếng búa tử thần gõ đều đều vào trái tim của mỗi người.

- Bò vào nữa, vào trong nữa cho xa hơn, nếu không nó bỏ lựu đạn vào thì chết cả nút. Tôi bảo.

Chúng tôi trườn vào trong, nhích từng bước trong bóng tối. Bỗng một tiếng nổ đinh tai. Gió từ phía miệng hầm thốc vào rất mạnh. Chúng tôi như lặng người ra.

- Có anh việc gì không?

Thiết là người cuối cùng nói: Không việc gì nhưng phải bò vào sâu chút nữa.

Chúng tôi nhích vào, người nào người nấy căng thẳng. Vẫn lại tiếng cuốc đều đều từng nhát một vang lên từ mặt đất. Chúng nó lại tiếp tục đào, chúng tôi lại nhích dần vào trong.

Bỗng Vũ Trọng chuyền lên: Đề nghị ông Huyền Kiêu bò vào trong đi một chút, nếu không tôi ngạt thở không sống được. Huyền Kiêu vẫn không nhúc nhích. Hóa ra nhà thơ của tôi lúc bấy giờ đã ngạt thở, vớ được một lỗ thông hơi, nên dừng lại hít vội hít vàng. Xem chừng không chịu nổi, Trọng như rít lên:

- Ông Huyền Kiêu có bò lên không, nếu không tôi hét lên bây giờ.

Tôi quay lại nắm vai Huyền Kiêu - Bò lên, bò lên nữa đi, hầm còn sâu, các đồng chí oqi hãy giữ vững tinh thần.

Dường như Vũ Trọng cũng đã thoát được cơn hiểm nghèo, có dịp nghếch mũi vào lỗ thông hơi, nên im lạng không nói nữa.

Lại một tiếng nổ chát chúa thứu hai. Gió lại thổi thốc vào, lần này tạt mạnh hơn. Địch đã thả xuống hầm quả lựu đạn thứ hai. Mùi lưu huỳnh khét lẹt. Chúng tôi tìm mọi các quạt để khói không tạt vào sâu trong hầm, và nhích vào từng bước như sâu đo.

Rồi tất cả rơi vào im lặng. Không gian chìm lắng. Không nghe cả tiếng cuốc bổ vào đất nữa. Không còn nghe thấy cả tiếng tụi lính đi càn la hét. Chúng tôi ngồi im và chờ đợi. Như thể đang chìm vào cõi âm huyền bí. Rất lâu sau mới nghe thấy một tiếng vọng nhỏ lọt vào qua cái lỗ thông hơi nghe như tiếng gió thoảng. Không cảm thấy đói rét. Cả bọn chừng như thấm mệt, mơ màng trong một giấc ngủ chập chờn và không ai nói với ai câu nào. Thời gian trôi đi chầm chậm. Có tiếng ngáy đầu đều của một ai đó mệt quá ngủ quên. Xung quanh yên lặng như tờ. Bỗng Vũ Trọng thì thầm chuyền lên:

- Ông Hoàn ơi, ông xem đã mấy giờ, nghe chừng có vẻ yên lặng lắm.

Tôi vội bật chiếc máy lửa. Chiếc kim đồng hồ Vi-le chỉ vào khoảng hai giờ chiều. Thế là đã gần 8 giờ trôi qua. Quả nhiên trên mặt đất gần như không có tiếng động trừ một tiếng gà trưa gáy não nùng. Tôi nhích dần lên một lỗ thông hơi, ghé sát tai để lắng nghe. Sau khi nghe tôi thông báo, mọi người gần như yên tâm và chắc mẩm chúng đã rút. Huyền Kiêu nôn nóng giục:

- Thử bò ra xem sao?

- Không được - Tôi bảo - Có gì thì cũng phải chờ cô Mơ quay trở lại đón đã.

Thế là đành phải ngồi chờ. Thời gian đi chậm như rùa. Nhưng không phải như lúc phải nghe tiếng cuốc đào trên hầm mà lần này mọi người đã tin mình sẽ được thoát nạn. Chờ hơn một tiếng vẫn không thấy động tĩnh. Cả bọn sốt ruột. Từ lỗ thông hơi vọng vào những tiếng lao xao. Có tiếng người khỏa chân ngoài bờ ao, rửa bùn, vỗ quần áo đồm độp. Có tiếng khóc tỉ ti vì mất trâu bò, có tiếng gọi nhau í ới.

Tôi ghé sát tai vào lỗ thông hơi. Và khoét to lỗ để nghr rõ tiếng động bên ngoài.

Rõ ràng, đã có dấu hiệu giặc đã đi qua, và dân làng chạy càn đã quay về. Còn nghe rõ tiếng một bà mẹ gắt con gái đã không kịp cho đôi lợn xuống hầm nên đã bị giặc bắt mất.

Rồi không chịu đựng được sự chờ đợi quá lâu và cũng không rõ cô Mơ có thoát được càn hay không để quay trở lại, bọn tôi lại khoét to chiếc lỗ thông hơi và trườn mình chui ra khỏi hầm, để không phải bò ra hầm theo lối cũ.

Trời đã về chiều. Bốn chũng tôi lấm lem cả người, lếch thếch bước lên. Gần một ngày đầm nước, mọi người thấm lạnh. Công việc đầu tiên là ra cầu ao rửa mặt mũi chân tay, rồi vội vã hỏi đường về trạm tìm cô Mơ.

Đồng bào đã quay về làng. Dường như không có ai bị tai nạn. Nhưng một số nhà bị đốt cháy. Trâu bò lợn gà bị bắt một số. Một số hầm tránh pháo trong nhà bị đào bới lung tung. Tại trạm giao liên vẫn chưa có ai về. Xẩm tối, cô Mơ về đến nơi. Cả bọn mừng rỡ ôm chầm lấy.

- Các anh không việc gì chứ?

- Không, thế cô đi đâu?

- Em phải hóa trang và "chạy nổi" vòng quanh để theo dõi. Khi chúng nó rút xuống Quang Thẩm, em bị kẹt, phải lách qua thôn bên, mới vòng lên được.

- Thế bây giờ địch rút chưa?

- Chúng nó xuống Quang Thẩm từ trưa càn quét và đụng độ với du kích ta. Anh em chiến đấu quyết liệt và buộc chúng rút về từ 3 giờ chiều. Chưa rõ thiệt hại ra sao? Chúng em đã có người về Quang Thẩm rồi. May quá không có ai việc gì. Em lo quá.

Từ khi gặp lại Mơ chúng tôi vui cả lên. Giữa "đất khách quê người", "lạ nước lạ cái" thế này mà bám được một gioa liên vững vàng như Mơ, khác nào sắp chết đuối vớ được cọc.

"Máu tếu" trong người lại thôi thúc tôi hát lên một câu dõng dạc:

"Súng chuốt, gươm lau

Mắt người sáng quắc

A ha nhà xiêu mái sập"

(Thơ Chính Hữu - Nhạc Lương Ngọc Trác)

Mơ bỗng nhiên nhìn tôi, hiền hậu nhưng rất kiên quyết.

- Lại anh Hoàn, anh ơi, sướng cái gì mà hát hở anh. Anh xem bao nhiêu người đang khóc vì mất trâu, mất bò, mất nhà, mất cửa. Bao nhiêu người đang còn đi tìm cha mẹ, con cái lạc chưa thấy về, sướng cái nỗi gì mà hát hở anh? Cả đoàn may ra thoát nạn nhưng cả khu vực này, còn biết bao nhiêu người đã không thoát khỏi tai nạn này đó sao?

Tôi khựng lại. Cả đoàn bỗng dưng im lặng. Lại một lần nữa, tôi thấy cái nhỏ bé tầm thườn của mình trước suy nghĩ đầy trách nhiệm của một cô giao liên bé nhỏ. Tôi càng thấy rõ cái biến tướng tinh vi của thứ chủ nghĩa cá nhân trong người mình và cả trong bọn chúng tôi. Tiếng là đi vào với dân, nhưng thực ra trong tâm hồn vẫn "đồng sàng dị mộng", mới vui cái vui nhỏ bé, cục bộ của người khách qua đường thoát nạn, mà không thông cảm hết những đau khổ của người dân phải chịu đựng gian khổ, đối mặt ngày đêm với quân thù. Cũng rất may, trời đã tối đen, giấu được cho tôi sự xấu hổ, đang trào lên làm nóng bừng cả khuôn mặt.

* * *

Tối hôm ấy, chúng tôi về Quang Thẩm. Qua Mơ, chúng tôi đã biết cuộc chiến đấu anh dũng của du kích Quang Thẩm chống càn. Thêm một tin buồn: Đồng chí Ba Đen, Chủ tịch huyện Xuân Trường, Nam Định từ bên kia sông Hồng sang đóng nhờ trụ sở ở Vũ Tiên đã bị địch giết hại.

Sáng hôm sau, Mơ đến chia tay chúng tôi, trước khi vượt đường 10, đưa khách lên Thư Trì và tiếp tục đón người từ Thư Trì vượt đường 10 về chợ Lựa, Vũ Tiên như thường lệ.

Chúng tôi quay vòng xung quanh Mơ, quyến luyến không rời. Trước mắt chúng tôi, Mơ không còn là cô gái ngây thơ, xinh xắn mà là một ân nhân, một chiến sĩ kiên cường và dũng cảm. Phút chia tay thật bùi ngùi.

- Cám ơn cô Mơ nhé. Rất cám ơn. Lúc nào  có tin vui nhớ báo về Khu cho bọn tôi biết với nhé.

- Cố gắng kiếm mộ tấm chồng cô Mơ nhé.

Mơ nhìn chúng tôi bùi ngùi:

- Thôi, em đi đây! Chúc các anh về Khu yên lành nhé. Có sáng tác được bài hát, bài thơ nào, nhớ gửi cho chúng em với. Đừng có quên cái trạm giao liên này nhé. Riêng anh Hoàn đừng giận em nhé. Xin anh nhớ cho hoạt động trong vùng địch không chủ quan được đâu. Các anh đi qua thì dễ, còn chúng em ở lại ngày ngày phải chịu nhiều đắng cay lắm đấy.

Tôi nhìn Mơ gật đầu thầm cảm ơn.

* * *

Từ đó tôi không có dịp gặp lại Mơ nữa. Mãi cho đến tháng 10 - 1997 tình cờ tôi gặp lại cô ở Thái Hà ấp, quận Đống Đa, qua Thiếu tướng Đức. Nay ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hà Nội, một người bạn của tôi ở chiến trường Trị Thiên trong thời đánh Mỹ. Ông Đức là thông gia của cô Mơ.

Năm tháng qua đi, nay tình cờ gặp lại nhau, những kỷ niệm chiên stranh từ 47 năm về trước nối đuôi nhau hiện về. Mơ cho biết, sau đợt đó, cô tham gia bộ đội ở khu Tả Ngạn làm y tá, vừa chiến đấu, vừa học tập, sau đó trở thành bác sĩ. Mơ đã có chồng là giảng viên một Phân hiệu trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, mô phạm và chững chạc. Gia đình chị sống hạnh phúc và đã trở thành ông bà nội, ngoại.

Nhắc lại chuyện cũ, chọ Mơ cười:

- Lúc bấy giờ, em còn là "chíp hôi", có biết gì mấy đâu. Cứ việc trên giao là làm và vì sống với dân trong vùng địch, nên có kinh nghiệm. Chuyến đưa đoàn các anh về Khu cũng là chuyến chúng em nhớ đời. Gặp bác Đức, nay là thông gia nhà em, chúng em cứ hỏi thăm anh mãi, và cũng không biết anh còn nhớ đến lũ "chíp hôi" thuở ấy nữa không?

Tôi nhìn cô Mơ thuở nào, nay đã là bà Mơ, cười:

- Làm sao mà quên được, bởi vì không có ngày ấy, làm sao có bây giờ chị Mơ nhỉ!

Và chắc cô "chíp hôi" thuở ấy chưa bao giờ biết được rằng những bài học cô dạy cho tôi trong chuyến đi ngắn ngủi ấy, đã theo tôi gần 50 năm qua. Và không ít lần giúp tôi, trong những giai đoạn thăng trầm của cuộc chiến đấu sau này, biết thêm phải sống thế nào cho xứng đáng là người cán bộ của nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu.

                                                                                                             12.1997

                                                                                                                 T.H

Trần Hoàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 40 tháng 01/1998

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground