Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chị Tư Rọ - Còn sống còn thương nhau rứa đó

Đêm ở trung tâm thị trấn, chúng tôi ngồi cùng nhau trong cái rét Nàng Bân, khơi lại chuyện ngày xưa của những cô gái đội bom giữ làng. Đó là những bông hoa nở giữa mưa bom bão đạn ở miền đất thép Vĩnh Linh mà bà hay nhắc: “ả Thâm, ả Hải, ả Đôi, ả Xâm, ả Dung…”.

Y tá nơi địa đầu Giới tuyến - Khu vực Vĩnh Linh:  Y tá cấp cứu -”Chị Tư Rọ” và Võ Thị Đôi (ả Đôi) - y tá hộ sinh (bên trái) - Ảnh: Đ.D.L

Y tá nơi địa đầu Giới tuyến - Khu vực Vĩnh Linh: Y tá cấp cứu -”Chị Tư Rọ” và Võ Thị Đôi (ả Đôi) - y tá hộ sinh (bên trái) - Ảnh: Đ.D.L

Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Vĩnh Linh trở thành túi bom, phải hứng chịu mưa bom từ trời, đạn pháo từ biển bắn vào và từ bờ Nam bắn ra... Tiếng nổ dày đặc, khói bụi phủ kín bầu trời, làng mạc bị quần thảo suốt ngày đêm. Mặt đất bị san phẳng, lòng đất thành làng hầm trú ẩn.

Để duy trì lực lượng chiến đấu lâu dài và tái thiết lại quê hương sau chiến tranh, người già yếu, học sinh, trẻ nhỏ đều sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Thanh niên, thanh nữ, đàn ông khỏe mạnh ở lại bám trụ, đón tiếp từng đoàn máy bay bụng chứa đầy bom, vít cổ lần lượt từng chiếc xuống. Máu chảy. Xương tan. Đất đỏ Vĩnh Linh lại càng thêm đỏ. Từ năm 1965 đến 1972, vùng đất này phải chịu gần 4.000 lượt B52, với 560.000 tấn bom, 727.000 loạt đạn đại bác. Một con số khủng khiếp, một sức chịu đựng khủng khiếp. Nếu chia đều thì mỗi người dân ở Vĩnh Linh phải hứng chịu 7 tấn bom, 80 quả đại bác.

Lúc này có sự sống ở đây là một kỳ tích. Thế mà từ trong đổ nát, những cô gái Vĩnh Linh mang túi cứu thương lao đến từng chiến hào, công sự. Trong đó có một người con gái với cái tên “kém duyên”, nhưng chứa đầy lòng hi sinh, quả cảm: “Chị Tư Rọ”. Tìm hiểu mới biết đằng sau tên gọi ấy là cả một câu chuyện đầy cảm động.

“Chị Tư Rọ” là con gái đầu trong gia đình có 7 người con. Những năm chiến tranh khó khăn, chị gánh vác một phần công việc ruộng vườn, chăn nuôi, bồng em… và cả việc “chia em phần hơn”. Đến bữa ăn, chị ăn ít rồi đứng dậy nói: “Tức rọt” rồi (nghĩa là quá no và thấy tức ruột).

Cậu em thấy chị hay nhường, với tật nói chớt nó thắc mắc rằng: “Chưa ăn cũng “Tư rọ”, ăn rồi cũng “Tư rọ” (tức rọt). Lâu dần “Tư Rọ” (tức rọt) trở thành tên của chị.

Trưởng thành trong các phong trào của đoàn thể khi 17 tuổi, chị với nhiều vai: cô dân quân du kích, nữ y tá, rồi hóa thân vào nữ diễn viên của đội văn nghệ Hồ Xá Trung với “tiếng hát át tiếng bom”... Ngoài những lúc trực tiếp cầm súng, mang túi cứu thương, lúc nào cũng thấy chị lạc quan, yêu đời. Chị ca hát, xướng các điệu nhảy sạp trong các hoạt động khích lệ tinh thần quân dân.

Chị minh mẫn nói chuyện khi tôi khơi lại thời tuổi đôi mươi với giọng đầy quả quyết: “Bây không hình dung nổi mô”. Rồi chị chỉ ngược cánh tay lên phía đường 20: “Từ đây lên đến đó bố trí một loạt hầm pháo cao xạ, bộ đội chủ lực và dân quân du kích địa phương kết thành lũy. Nó đánh cả ngày, đây như chỗ trút bom rứa. Có khi đang ngồi trong hầm nghe tiếng bom chui xuống phầm phập, rồi nổ choang choác, căn hầm chao đảo, đất rơi lả chả. Súng 12 ly 7, trung liên của dân quân bắn trả, đồng thời pháo cao xạ của bộ đội cũng dồn dập đan chéo làn đạn đuổi mấy tốp F105 tháo chạy”.

Trong mưa bom, bão đạn, đội văn nghệ vẫn duy trì tập luyện. Không khí chiến tranh như tan vào các bài ca “Chị hai năm tấn” “Cô gái vót chông” “Tiếng đàn ta lư”... và các điệu nhảy sạp rôm rả. Chị kể rằng, điều kiện tập luyện thiếu thốn lắm. Váy áo được 1 cái cứ mặc đi mặc lại, cái thì cũ vá chắp, cái thì sờn bạc màu. Rồi chị tự hào: “Vui lắm, nhờ rứa mà có để ý chi bom đạn, chết chóc mô”. Tôi tò mò hỏi: Máy bay trút bom liên tục thì có cách nào tránh được? Chị Tư huơ huơ tay rất hào sảng: “Đêm hôm bom nó tránh mình chứ mình tránh chi được. Ngày thì nhìn bom mà chạy, chạy không kịp thì bay lên”. Tưởng mình nghe nhầm tôi gặng hỏi lại: Bay lên là thế nào? Chị cười móm mém, giọng vẫn tếu táo như thời thiếu nữ: “Là tan xác đó!”.

 Tôi cũng cười, cả nhà cười. Rồi câu chuyện cứ thế mở ra nhiều điều thú vị từ cận kề cái chết khi nghe chị kể tiếp: “Kể thì bây không tin, chứ hồi đó chơi với bom như bây chơi đồ chơi rứa đó. Máy bay trên đầu thì cũng kệ, chờ nó bổ nhào cắt bom rồi mới chạy. Thấy bom rơi có hình tròn như một dấu chấm là biết đang rơi trúng đầu, phải chạy đi chỗ khác, còn hình dài dài thì kệ hắn. Cứ thế nhìn bom tọa độ trên trời, đạn pháo mặt đất bắn lên như xem bắn pháo hoa”. Chị nói tỉnh bơ, thế mới biết sự đối đầu giữa da thịt với đạn bom thời đó lại “cân sức!”.

Chị Tư Rọ nay đã ở tuổi 80 và rất đẹp lão! Ngày ấy bà cũng chịu nỗi đau ly tán như nhiều người khác: Chồng hi sinh khi đứa con đầu lòng chưa đầy 1 tuổi. Mẹ thì ở lại tuyến lửa chiến đấu, con thì sơ tán theo kế hoạch K8. Đến giờ bà còn thở ra rồi chép miệng nói về đứa con thơ: “Tội! Thương đó, mới 4 tuổi, khun (khôn) lắm… nhưng phải thả lại bà nội chăm, cho đến ngày cậu em bỏ hắn một đầu gióng sương chạy ra Tân Kỳ. Hắn có chịu đi mô! Đến nơi chia tay, hắn níu ống quần kéo trì lại không cho mạ về. Biết là không cưỡng được việc chia tay, hắn vừa đi vừa quay lại mếu máo: “Con đi mạ ở nhà đừng chết nghe mạ”. Rứa là tau òa khoóc. Hắn tưởng mạ khoóc là do mình nói mạ chết. Nó chịu rời tay mạ rồi nói lời chiều chuộng: “Rứa thì mạ không chết mô”. Cậu sương (gánh) hắn đi mất. Tau quay về trân trân nhìn dấu chân tròn tròn của nó trên nền đất vừa bước ra, sụp xuống khóc tức tưởi”. 

Có lẽ mốc son lịch sử tạc vào kí ức đậm nhất đối với người Vĩnh Linh trong cuộc chiến bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa là huyền thoại về K8. Đây là cuộc trường chinh vĩ đại mang sứ mệnh sinh tồn. “Chị Tư Rọ” là một trong bảy y tá hộ tống đoàn cuối cùng sơ tán ra Thái Bình.

Khi nghe bà kể chuyến băng rừng lội suối suốt 4 tháng trời mới về đến nhà để đưa đoàn sơ tán K8F ra tận Thái Bình, tôi mới hình dung những chuyến xe tải chở đầy con trẻ lao đi trong đêm tối, để lại đằng sau tiếng gọi con ri rỉ cào xé tim can, da diết nghẹt lòng. Những chuyến xe đầy những “hạt giống” trốn khỏi vùng đất sẽ bị hủy diệt… và chuyến xe số 9 cố chạy trong tuyệt vọng dưới chùm pháo sáng, dưới loạt bom tọa độ dội xuống… Những đứa trẻ đang kêu mạ mạ trong cơn mớ ngủ mãi mãi thiếp đi!

Bà cũng chính là cô y tá cùng đồng đội có mặt trên cung đường sinh tử Vĩnh Linh, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Gia Ninh, Võ Ninh, Dốc Sỏi, Quán Hàu, Sông Gianh, Tam Đa, Đường 22 ngã 3 Kỳ Lâm, Chợ Tràng, Đồng Lộc để hộ tống 400 người lớn và trẻ nhỏ.

Là cô y tá kiêm luôn bảo mẫu, khi đến các trạm hoặc điểm dừng chân, điều bà lo nhất là sức khỏe và việc cấp dưỡng cho mọi người. Bà nhớ lại: “Những ngày băng rừng lội suối rất khổ, nhất là mùa mưa. Một người lớn phụ trách 3 cháu, có khi đêm tối gặp máy bay oanh tạc phải tản mác, rồi lạc nhau, người quay lại tìm mới là câu chuyện khủng khiếp, rắn rết, mưa rét. Các chị y tá phải băng bó vết thương, tắm rửa cho các cháu, khó nhất là đóng luôn vai người mẹ để ôm ấp, vỗ về sưởi ấm khi nhớ nhà”.

Rồi bà chép miệng: “Thương o Tiệp - Y tá xã Vĩnh Thủy, dọc đường đi bộ đến rạc chân, hắn mơ được ngồi xe: “Chị Tư ơi, cả tháng đi bộ rồi, ước chi có chiếc xe chở miềng một đoạn hè”. Thế mà khi gặp được xe goòng chở hàng, em nó trèo lên chưa được, sẩy chân rồi bị cán. Nó hi sinh, đến chừ nhớ lại còn chộ đôi mắt hắn chới với nhìn chị rồi ngửa đầu trên thanh ray. Rứa mà trọn 4 tháng mới về lại Vĩnh Linh, bố mẹ ở nhà ùa đến hỏi thăm tình hình các con ngoài đó thế nào, tui phải trả lời: Thưa các anh chị, các chị yên tâm, các cháu khỏe, ngoan, học tập rèn luyện tốt, được bà con thương yêu như con đẻ…”. Kể đến đây, bà nghẹn lời bởi trong đó có nói dối, nói dối và phải nói dối! Vì một số cháu không còn, đã mất khi trên đường sơ tán! Hay lúc bà phải nói dối thằng cu Nậy ngoài Thái Bình là: “Ba mạ cháu khỏe, nói cháu cố mà chăm ngoan rồi ba mạ ra đón về. Thực tình thì ba mạ hắn bị bom đánh trúng hầm chết cả nhà…”.

Đất nước thống nhất, “Chị Tư Rọ” lại phục vụ bà con lối xóm chữa bệnh. Hệ thống làng hầm ở Vĩnh Linh đã vô hiệu hóa phần nào đạn bom nhưng để lại di chứng về đường hô hấp cho người dân. Bà lại tiếp tục những mũi tiêm cứu người. Đêm đêm, cơn ho của bà con kéo dài từng tràng, khò khè khó thở, bà lại đi, khẩn trương như lúc lao vào trận địa. Chỉ có một cái kim tiêm chung, tiêm cho cả làng. Mỗi khi tiêm xong bà bỏ tất cả vào cái nồi nhôm nho nhỏ đổ nước đun sôi, và trước khi tiêm cũng nấu như vậy, đó là công đoạn gọi là tiệt trùng. Giờ nghĩ cũng vi diệu!

…Mỗi ngày bà đi quanh làng Hồ Xá một vòng, ưu tư tìm gì đó trong ký ức. Bà níu tay lên cổng nhà cậu em nhìn vô nói: “Qua nhà ả ăn cau”. Hai chị em lại ngồi với nhau như thường lệ: “Nì, cậu ăn miếng ni ngon, để ả miếng nớ cho”. Hai người chăm chút cánh trầu, nhìn trời đất thanh bình mãn nguyện. Cậu em nhìn chị gái trách: “Đến giờ vẫn “cái tật” nhường nhịn”.

Cái rét Nàng Bân làm câu chuyện thêm ấm áp, gợi lại bao điều. Bao nhiêu ký ức tràn về, chuyện chung riêng đều có. Bà tự hào được sống trong thời đó, được tồn tại cho đến ngày nay. Cái được và cái mất đều là một sợi chỉ xuyên suốt làm lành lặn cuộc đời bà. Trong chiến tranh có tình đồng chí, tình bạn và tình yêu đã tạo ra vòng hoa lửa ngăn quân thù. “Nhớ lắm mấy “eng ả” những người cùng trận tuyến: ả Thẻo, eng Liên, eng Kiếm, ả Dung, eng Thiệu, ả Hiền, eng Quỳnh, ả Xâm... với hai người em Ký, Cư đã ở lại chia lửa cùng chị. Khi người không tránh được bom đạn, thì không có chuyện giá như, còn sống là thương nhau rứa đó”!

ĐOÀN DUY LONG

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground