Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chị và em

H

è 1968

Nhà mình ở Bố Trạch, Quảng Bình. Chiến tranh phá hoại do không quân Mỹ thực hiện ra miền Bắc ngày càng khốc liệt, sự sống được tính bằng ngày. Mạ và năm chị em sống trong một căn hầm chữ A làm bằng gỗ, tre tháo từ căn nhà lợp rạ cạnh căn hầm của Hội nhà báo tỉnh Quảng Bình. Mỗi lần bọn “Thần sấm”, “Con ma“ Mỹ nhào lộn ném bom xuống cầu sắt và cầu đường bộ bắc qua sông Dinh nối hai bờ Nam Trạch và Đại Trạch thì mạ và chị dồn các em vào một góc hầm rồi choàng tay ôm như muốn che chắn. Em chuồi  ra khỏi vòng tay mạ lao tới cửa phụ của căn hầm trồi người lên và đếm: hai quả, bốn quả!. Những quả bom đen trũi lao vun vút rồi một loạt tiếng nổ trầm đục cùng những đụn khói đen cuộn lên. Mạ nhào tới kéo chân em: “xuống đi, xuống đi con, mạ xin!” Chú Phan Văn Khuyến - nhà báo, qua hầm nhà mình nói: “Chị cho mấy đứa qua bớt hầm tụi em, như thế thì tốt hơn.” Lần nào mạ cũng phân trần: “không được mô chú, ông nhà  tui bộ đội ở xa, hai đứa lớn thì đang học trường học sinh miền Nam ngoài Bắc. Năm đứa ni ở với tui, mạ con phải ở chung một hầm. Nếu có phúc thì cùng sống, lỡ có xui thì cùng chết chứ chia ra không may mạ chết con ở với ai, còn nếu không may nữa  con chết, mạ sống làm chi, ngày ông nhà tui về, tui ăn nói làm răng?

Có lẽ ba rất hiểu mạ, nên từ Nam Đàn, Nghệ An nơi Bộ tư lệnh Quân khu Bốn đóng quân, ba nhờ các chú bộ đội có dịp ghé thăm và bàn với mạ bố trí cho chị và em ra Nghệ An với ba. Lúc này người dân Quảng Bình, Vĩnh Linh cũng đang lũ lượt sơ tán khỏi vùng đất "tọa độ chết" ra Tân Kỳ (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa)... Mạ đồng ý, vậy là em - lúc đó 12 tuổi và chị 18 tuổi đã có một chuyến đi bộ ra Hà Tĩnh, để từ Hà Tĩnh đi tiếp ra Nghệ An. Chuyến đi dưới bom đạn của tàu bay và pháo hạm Mỹ đầy nước mắt và khổ cực. Em còn nhớ cái buổi chiều chị em mình đi qua đèo Ngang, trời mưa lất phất, nhìn xuống bên tay phải, vực sâu hun hút nhìn lên bên trái vách núi dựng đứng. Một cây ổi mọc ngay lề đường với vài ba trái xanh, nhỉnh hơn ngón chân cái, em dừng lại hái, chị chạy lui kéo tay em “đi thôi em, đứng lại là chết, pháo Mỹ ngoài biển sắp bắn vô rồi” “em đói lắm chân em chảy máu không đi được nữa mô“, “vậy để chị cõng”, “nhưng chân chị cũng chảy máu tề, thôi để em đi”…

 Sau gần một tuần hai chị em cũng đã đến được Thạch Hà (Hà Tĩnh) và tạm trú ở đó chờ tin Ba. Những ngày thiếu thốn và đói khát "cơm vừng một bát" bắt đầu…

Xuân 1975

Ba đang là Đoàn trưởng Đoàn 200 – Quân khu Bốn, Mạ và ba em sau mấy năm ở Thanh Chương đã chuyển về Quỳnh Lưu - Nghệ An. Chị đã tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội và đang làm giáo viên ở Trường cấp 3 Thuận Thành, Hà Bắc. Cuộc chiến tranh chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt, ngày toàn thắng đang đến gần. Cả miền Bắc dồn hết sức người, sức của cho trận chiến đấu cuối cùng giải phóng miền Nam. Em đang là sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội viết đơn xin nhập ngũ với một tâm niệm cháy bỏng được tham gia giải phóng quê mình. Chị hay tin, tìm đến khu ký túc xá của trường Tổng hợp ở Thanh Xuân thăm em trước ngày em lên đường, đặt vào tay em một ít tiền và tờ giấy trắng có bốn câu thơ của chị:

Bấy lâu ngồi giảng đường Đại học

Hôm nay đứng trước cửa cuộc đời

Miền Nam gọi em liền có mặt

Chị tự hào về em, Khâm ơi !

Đêm đầu tiên mặc áo lính ở sân bay Hòa Lạc em không ngủ được.

Tết 1980

Ba đã nghỉ hưu, ba mạ và các em đã trở về quê Quảng Trị dựng nhà trên mảnh đất quê hương. Căn nhà mà rường cột được làm bằng ghi lỗ nhặt nhạnh từ phi trường Ái Tử và mái lợp bằng cỏ tranh cắt quanh Thành Cổ đổ nát được dựng lên gần  ngôi trường Bồ Đề chi chít vết bom đạn. Em đang là học viên đào tạo sĩ quan tại Trường sĩ quan Không quân ở Nha Trang. Chị là giảng viên của trường Cao đẳng sư phạm cùng với chồng, con đang lập nghiệp ở Sài Gòn. Trước Tết mấy tháng em và Hoa Trung (giờ là đại tá phó Chính ủy Trường sĩ quan Không quân) nhảy tàu chợ, trốn vé vào Sài Gòn thăm chị, và cũng để được ăn một bữa cơm thật no do tự tay chị nấu. Tuy nhiên khi Tết đến thì khóa sĩ quan của em phải trực chiến, sẵn sàng lên đường, dọc dài biên giới súng thù còn nổ. Thơ chị viết :

TẶNG EM

 

Ba mẹ ở xa chỉ có chị là gần

Em không về Tết buồn đi một nửa

Giao thừa qua rồi chị vẫn mong tiếng em gọi cửa

Tiếng pháo thưa dần càng xé ruột gan

 

Cái Tết này chị không được đón em

Chỉ có Hoa Trung về đây với chị

Ăn miếng bánh chưng quê nhà giản dị

Nâng ly rượu mời, chị chỉ nghĩ về em

 

Kỷ niệm ngày xưa cứ hiển hiện lên

Một bát cơm vừng chị em lót dạ

Những tháng xa nhà niềm vui ít quá

Chị em mình chỉ dựa vào nhau

 

Cuộc đời này đâu chỉ có nỗi đau

Chị đã có gia đình, em đã thành người lính

“Quả hồng” ngày xưa em không còn mơ ước đến

Nhưng suốt cuộc đời này trong chị vẫn là nỗi đau

 

Tết đã qua rồi em chẳng về đâu

Chỉ biết gửi em vài dòng kỷ niệm

Dù nơi xa xôi chân trời góc biển

Trong trái tim chị em mình không thể vắng nhau .

 

Tết 1986

Em được phong quân hàm Đại úy và điều chuyển từ Quân chủng Không quân sang Tổng cục Hàng không dân dụng. Tạm biệt những chuyến bay trên tàu bay AH-26 của quân sự, lần đầu tiên em bay cùng Being 737 đường bay Hà Nội – Sài Gòn. Qua dải đất miền Trung máu thịt, em nghĩ về  mạ, về chị em mình và em tự bạch:

 

QUA CỬA SỔ MÁY BAY

 

Tôi chưa một lần lặn xuống đại dương

Để biết được mình thấy gì lúc đó

Tôi đã lên cao tít giữa trời

Nên tôi biết điều này rất rõ

 

Nơi độ cao gần mười ngàn mét

Qua cửa sổ máy bay, đất nước tuyệt vời

Tôi nhìn thấy trời xanh, mây bạc

Và tôi nhìn thấy mẹ của tôi

 

Người đang phơi những nong ớt đỏ

Vị ớt nồng cay ở mắt tôi

Tôi bật gọi: Mạ ơi! lúc đó

Người ngước lên thoáng nở nụ cười

 

Ghét bỏ mọi chiều cao giả tạo

Mọi hư vinh, gian dối, lọc lừa

Người bền bỉ với miền Trung nắng, bão

Để cho tôi được có bây giờ.

 

* * *

Năm tháng qua đi, khổ đau cay đắng qua đi, chỉ riêng nghĩa tình còn đọng lại trong mỗi ký ức của chị em mình. Đó là niềm tin, là lẽ sống mà chị và em đã trải nghiệm và học được hàng ngày từ nhân cách, ứng xử của ba mạ với bà con ruột thịt, xóm giềng, bạn bè, đồng đội.Em bỗng nhớ lại cuộc gặp xúc động, nghẹn ngào sau đúng bốn mươi năm xa cách giữa chú Phan Văn Khuyến nguyên Phó Tổng biên tập báo Quảng Bình và mạ tại nhà mình ở Sài Gòn tháng 9/2008. Chị tuổi 90, em tuổi 80 mừng mừng, tủi tủi. Bom đạn chiến tranh đã tránh chị, tránh em, khó khăn gian khổ cũng đã vượt qua để sống đến ngày này gặp lại, chị em trào nước mắt. Ngay sau đó chú Khuyến đã viết tặng mạ một bài thơ dài, xin trích ra đây một khổ thơ cuối để tạm kết bài viết về chị em mình trong những tháng ngày gian khổ:

Dù đi đâu cũng nhớ Quảng Trị quê mình

Nhớ những nơi chở che một thời tình nghĩa

Nghe sâu lắng bao ngày dâu bể

Thêm đậm đà hương vị miếng trầu thơm

                                                                                                                                                                    T.V.K

 

TRẦN VINH KHÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 207 tháng 12/2011

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground