C |
uối năm 1946 theo kế hoạch của Tỉnh ủy, việc chuẩn bị đón một cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đã được vạch ra, trong đó có một việc là Tỉnh và các Huyện phải tìm cho mình một số căn cứ vững chắc để cuối cùng rút lui. Đó phải là chổ tương đối ổn định nhằm tạo điều kiện giữ được liên lạc giữa Tỉnh, Huyện và xã đảm bảo sự chỉ đạo được thông suốt liên tục. Căn cứ đó gọi là Chiến khu hay là An toàn khu. Vị trí của các căn cứ này là hướng vào các vùng cao, dân cư thưa thớt, đường đi lại khó khăn trở ngại cho việc di động quân của địch lúc đi càn vây ráp.v.v…và thuận lợi cho việc tránh né của ta.
Hồi đó tôi đang phụ trách phong trào ở huyện Triệu Phong, Bí thư huyện ủy Triệu Phong là anh Nguyễn Quang Xá (sau này là Bộ trưởng Trưởng ban trọng tài của văn phòng Phủ Thủ tướng) có mời một cuộc họp bàn và cử người đi tìm chiến khu cho huyện - anh Xá làm trưởng đoàn, cùng đi có tôi, anh Đệ ở Uỷ ban huyện; anh Giảng ở Nông hội và anh Đồng thanh niên. Sau hai ngày đi tìm hiểu một số vùng chúng tôi chọn làng Trấm, một vùng cao của xã Phong Sơn. Đây là một làng có nhiều đồi núi, dân ở rất mỏng, dằng sau đó là rừng rậm chạy dài suốt theo chiều dài ngược triền sông Ba làng sau lưng vùng "chả cá". Đầu làng có một bến đò gọi là bến Trấm sau này trở thành bến đò quen thuộc của cán bộ đi về CK tỉnh. Tuy đã chịn và đã làm việc với địa phương thống nhất chuẩn bị, nhưng đoàn vẫn chưa thật thỏa mãn, vì con đường tuy khó đi nhưng chưa phải là điều kiện lý tưởng để cản địch và đảm bảo an toàn khu. Sau chuyến đi ấy, chúng tôi cũng có ý định sẽ đi tiếp một vài nơi khác. Chưa kịp đi thì địch đã về đóng chiếm thị xã Quảng Trị và bành trướng dần về huyện lỵ Triệu Phong. Chỉ trong một tháng chúng đã đi sâu vào chiếm đóng ở một số xã công giáo như An Lộng, Bố Liêu, một số nơi đông dân và vùng xung yếu như chợ Bãi, Bồ Bản và đặt nhiều đồn, bốt án ngự con đường lớn từ chợ Sải về Cửa Việt. Nhiều bốt gác được bố trí ở góc đường liên huyện. Thực hiện NQ của tỉnh ủy "mọi hoạt đồng chuyển dần vào bí mật, một số cần thiết phải bán công khai. Lựa chọn cán bộ trung kiên của ta ra làm tề ngụy cho địch, biến vùng địch đóng thành vùng của ta về ban đêm. Đào tạo một số cán bộ cấy vào làm việc cho địch, xây dựng một lực lượng vũ trang du kích mạnh cho các xã, đồng thời chỉnh đốn lại cơ sở và thay đổi phương thức hoạt động trong vùng địch và sau lưng địch, làm sao để cán bộ đi, về với dân chúng được thông suốt…" Rất nhanh, thế trận cài răng lược trong toàn huyện chỉ vài tháng đã hình thành…
Huyện ủy và UB huyện Triệu Phong sau mấy lần chiến đấu xáp địch, chống lùng sục, đã có một số kinh nghiệm. Nghiên cứu nắm chắc địa hình địa thế trong huyện, huyện ủy quyết định xây dựng thử chiến khu ở vùng đồng bằng, ngay sau lưng dịch để tiện bề trực tiếp chỉ đạo chiến đấu. Sau nhiều lần bàn, huyện quyết định lấy xã Triệu Trạch, một xã đang hoàn toàn tự do làm căn cứ - vùng đóng trụ sở là "Chợ Cạn" (thuộc thôn Thượng Trạch, bên dưới thôn Đạo Đầu).
Sở dĩ gọi là chợ Cạn vì ở cuối thôn có một cái chợ chiều nho nhỏ (bà con biển hay đưa tôm cá lên bán và trao đổi một số sản phẩm khác của các vùng lân cận). Chợ chỉ lèo tèo vài ba lều quán nằm giữa một vùng cát mà xung quanh có nhiều thửa ruộng nước sâu nên bà con gọi là chợ Cạn, và thôn Thượng Trạch từ đó cũng mang tên thôn chợ Cạn.
Vùng chợ Cạn (thôn Thượng Trạch) là một địa thế dồng bằng đất pha cát, có nơi toàn cát, dân cư sầm uất làm ăn chủ yếu là nghề nông (đồng chua nước mặn) và cũng có một số nghề thủ công và bún bánh,… dân nghèo, văn hóa thấp, nhưng tinh thần chống địch vững vàng…các xã xung quanh phần lớn là xã tự do, nhiều thôn giáp ranhvới cùng địch - phía Đông là biển, chợ Cạn cách biền độ 8 -10 cây số một đê quai nhìn ra bãi cát đến làng biển. Đê cao hơn mặt đất từ 3 - 4m trồng toàn cây sú, cây vẹt đã thành một dãy sủ nhò nên người ta thường gọi là đê sú. Qua khỏi đê sú là một vùng cát bao la đến 7, 8 cây số chiều rộng, chạy dài mãi từ Cửa Việt ra đến Cửa Tùng (Vĩnh Linh) theo chiều dài của biển, nhìn ngút cả tầm mắt.
Đi hết chiều rộng của bãi cát là một dãy làng mạc của người "kẻ biển" cũng chạy dài theo chiều dài bãi cát được che chắn bởi một rừng phi lao dày đặc rộng độ vài chục mét. Ra khỏi rừng phi lao là bãi biển cát trắng ngần mịn như nhung và biển Đông bao la bát ngát, xanh thẳm giáp chân trời…
Về ở đây trong một thời gian ngắn chúng tôi xác định đây là một vị trí lý tưởng đặc biệt. Các cơ quan có thể ở lại làm việc ở đây và xây dựng thành chiến khu ở vùng đồng bằng sau lưng địch. Là một chiến khu đặc biệt phải có những quy định cho cán bộ về hoạt động đặc biệt linh hoạt và tạo thế ổn định trong bối cảnh tình hình không ổn định theo quy luật thời chiến. Từ đó trở đi mỗi cán bộ phải có hành trang thật gọn nhẹ: một "ca táp" có hai ngăn bằng bao cói (bao đệm) ra đời - một ngăn đựng tài liệu giấy bút, một ngăn đựng đồ cá nhân (chỉ một bộ áo quần và đồ dùng hằng ngày). Xếp hai ngăn lại cài một sợ dây có sẵn tự đeo lên vai - đó là hành trang duy nhất - còn tất cả đều cho vào thùng tôn hoặc vào chum vại v.v… chôn cất ngụy trang dưới lòng cát sâu.
Thấy huyện và các ngành của huyện về đóng ở đây, một số bà con các xã bị chiếm cũng tản cư về làm ăn, buôn bán… Vùng này dần dần trở thành đông đúc, vui vẻ.
Các ngành của huyện ở rải rác trong nhà dân. Riêng huyện ủy và các đoàn thể ở nhà anh Bùi Hỷ, một cán bộ tham gia cách mạng từ năm 1930 quê ở thôn Hà My lấy vợ ở làng này và ở luôn ở đây. Chị vợ có nghề làm bún, nhà có ba gian trên cho chúng tôi mượn cả còn nhà ngang nhỏ ở dưới chân đê thì bề bộn vừa cối giả gạo, vừa lò làm bún, vừa giường ngủ và cả bàn ghế con con cho chúng tôi và khách đến ăn bún vào buổi sáng và cũng là nơi ở của gia đình anh.
Căn nhà trên chúng tôi để hai gian làm việc vừa đánh máy, vừa in li tô vừa là nơi làm việc. Còn một gian làm hầm - một cái hầm lớn rộng có nhiều ngách, chứa được nhiều người để tránh đạn ca nông là chủ yếu. Chúng tôi làm việc chủ yếu là về đêm từ 7 giờ 30 tối đến 12 giờ. Bốn giờ sáng phải dậy dọn thu giấu đồ đạc, ăn uống vội vàng bát bún nước mắm là sẵn sàng trong tư thế chiến đấu. Tất cả từ chiếc chiếu, nông nia nằm ngồi chúng tôi cũng vùi chôn trừ mấy cái phản. Sinh hoạt hết sức đơn giản, đoàn thể nào tự túc nấy, chỉ có huyện ủy có một cấp dưỡng kiêm đủ thứ, còn ngủ thì đã có nong, nia, cánh phản, mặt bàn v.v… nhà thì mở cửa cả ngày đêm, khách đến khuya cứ tự nhiên dọn đồ ra ngủ… Việc tiếp xúc với dân, đi lại vùng địch, giao thông, quan hệ rất trôi chảy, nhanh, nhạy, kịp thời.
Tiếng đồn chiến khu chợ Cạn giữa vùng đồng bằng phong phú, nổi tiếng khắp trong tỉnh và một số tỉnh bạn. Bọn địch tức lắm, đã bao lần lăm le muốn nhổ ngay cái gai chướng này, nhưng nhiều lần chúng đi càn, mình đều được tin trước nên kịp chuẩn bị chống lại được. Lần nào chúng hành quân về chợ Cạn cũng đều bị du kích các xã làm chướng ngại cản đường, đoạn vào được làng thì đã vườn không nhà trống. Đóng chiếm làng, ở lại đêm thì không dám… vì sợ phục kích bất ngờ… lúc nào cũng khoảng ba giờ chiều chúng đã lo kéo nhau chuồn về đồn. Vì vậy quy luật của chúng: bốn giờ sáng là xuất hành và ba giờ chiều là rút, để về kịp đồn chậm nhất lúc 6 giờ.
Còn chúng tôi và bà con ở chợ Cạn cũng theo quy luật đó mà sắp xếp quy luật sống, làm việc một cách rất linh hoạt. Nói chung làm việc đêm, sáng chạy giặc là cơm bữa… Thường là 4 giờ đến 5 giờ 30 sáng tại lò làm bún của chị và sân sau của nhà chị cho ra tới đường la đầy người tụ tập ăn sáng - bún nước mắm, bánh khoái, bánh sắn… ăn xong, nếu có tụi giặc về lùng thì mệnh ai nấy đi, chổ tập kết là bãi cát có rất nhiều núi cát gần làng biển (sát làng Gia Đẳng) ở đó có một số cây cao. Liên lạc viên sẽ trèo lên đó canh gác, nghe ngóng và báo tin cho tất cả mọi người biết. Nếu giặc đi ra phía làng Bảo An thì mình cứ ung dung ngồi ở bãi cát Gia Đẳng, nếu giặc về Gia Đẳng thì bà con lại chạy tránh ra Bảo An hoặc ra phía huyện Hải Lăng.
Cái cảnh súng nổ cứ nổ, giặc lùng cứ lùng, người người nằm rạp sau núi cát, ăn quà sáng, quà trưa là chuyện bình thường. Cả người bán lẫn người ăn quà có một quy ước là "sống về trả, chết xúy xóa". Có lúc bà con còn tập trung sau các núi cát, bàn chuyện nhà, chuyện mua bán, làm ăn, chuyện công việc.v.v…Cả nhân dân và cán bộ đều chạy như nhau. Nằm sau núi cát, trời nắng chang chang nhưng gió bốn bề thổi, không khí trong lành, lại có bóng núi cát che nên cũng quên bớt cái nóng nực khi chạy trên cát bỏng. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng rao khoan nhặt "Ai ăn bánh cuốn không? Ai ăn hè đậu đen không? Bánh khoái, bánh sắn, xôi cơm nắm không?" Và … tiếng rao làm cho mọi người có lúc quên luôn tình huống mình đang chạy giặc. Thật là sống động và lãng mạn làm sao! Người ta vừa nằm vừa ăn, vừa lom khom bán, lại vừa chuyện trò vui vẻ. Cảnh chạy giặc thật kỳ lạ và nên thơ biết mấy! Không thể hình dung nổi. Cả nước có mấy chiến khu như thế? Và cả thế giới này có mấy cảnh chạy giặc như thế này? Rất tiếc mình không là văn nghệ sĩ, thi sĩ để giới thiệu cho cả nước những tuyệt tác chiến tranh của dân mình, tuy bình thường giản dị nhưng rất anh dũng chiến đấu, hy sinh không tiếc bản thân mình. Đồng thời đã có những giờ phút lãng mạn, thần tiên tuyệt vời sống động, những giờ phút mà ý thơ, cản đẹp thiên của Tổ quốc đã tôn hồn của con người lên ngang tầm vóc yêu cầu đất nước. Viết đên đây tôi có cảm giác ngất ngây nhớ nhung… như vừa thưởng thức một khúc nhạc tình yêu hay nhất.
Cán bộ và dân chạy từ 4 giờ sáng đến 3 giờ chiều bụng vẫn no. Cũng rất buồn cười là khi về thì chuyện rôm rả vui mừng như đã qua một ngày nguy hiểm. Ai nấy mới xác định là mình đang sống. Về đến làng việc đầy tiên là au nợ ăn của ai thì lo thanh toán xong rồi đi đào bốc xoong nồi lên, chuẩn bị nấu ăn, rồi rải tài liệu ra làm việc…
Chiến khu chợ Cạn tồn tại được 5, 7 tháng gì đó tiếng tăm vang khắp nơi, đồn nhau, nhiều người dân ở các huyện khác Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng cũng sơ tán ở đó. Thậm chí một số cán bộ các huyện ở tỉnh Thừa Thiên khi bị khủng bố nặng cũng tạm lánh ra đây. Vùng này trở thành một vùng sầm uất có người mua bán cả hàng có từ trong vùng địch như thuốc Tây và một số đồ gia dụng khác. Chợ chiều của vùng chợ Cạn trước chỉ lèo tèo vài chiếc lều quán lưa thưa nay đông vui, nhiều hàng hóa.
Rồi một hôm như mọi hôm khác có tin địch lùng. Mọi công việc theo quy tắc đã được chuẩn bị theo thường lệ. Ăn uống xong 5 giờ 30 sáng, chúng tôi và nhân dân cùng chạy ra chỗ cũ. Khác với các lần khác, địch đi rất nhiều ngả từ nhiều đồn bốt phối hợp. Địch ở đồn Cửa Việt băng qua tấn công làng Bảo An. Đồn Bồ Bản, An Lộng thì về lùng vùng đồng bằng giáp biển. Đồn Thị xã và chợ Sải thì càn về vùng chiến khu chợ Cạn. Tất cả hợp thành một lực lượng lớn đi về ba phía tiến về các làng và xuyên thẳng ra biển…
Lúc đó 10 giờ sáng. Chúng tôi và dân chúng vừa chạy về đang ngồi nghỉ dưới các chân núi cát thì được liên lạc báo tin địch đã ra khỏi đê rú đang tiến về phía chúng tôi. Chúng đi thành nhiều hàng dọc, tạo ra một thế trận hàng ngang rộng, thấp thoáng thấy màu áo quần xanh đốm, và một số Tây trắng cao to, ở trần trùng trục, mặc quần lót đỏ rực. Huyện ra lệnh loa lên cho đồng bào biết chạy tản ra phía Hải Lăng và báo gấp cho dân các làng biển chuẩn bị chôn dấu đồ đạc và né tránh. Chúng tôi ở cơ quan huyện chạy ra làng biển, băng qua rừng phi lao ra đến bờ, đúng lúc ngư dân đã sẵn sàng thuyền và chài lưới. Chúng tôi cùng họ lên ba thuyền lớn dong ra khơi. Đi biển không quen, vài đứa chúng tôi bị say sóng,nôn mửa phải nằm bẹp xuống ván thuyền.
Hôm đó bọn địch đứng trên bờ biển tức tối nhìn ra khơi, một đoàn thuyền chài thấp thoáng nhưng phải bó tay vì chẳng có cách nào. Chúng đã đốt khá nhiều nhà cửa, bắt lợn, gà và một số dân chúng - xong là rút. Nhưng lần này quyết trả thù, chúng bố trí lại một lực lượng có vũ trang mạnh mẽ ẩn vào giữa đê rú kín mít. Đồng bào mình chạy tán loạn khi không còn tiếng súng và trời đã tối liền lục tục rủ nhau về như mọi khi. Về đến gần đê rú hơn 4 giờ, tưởng giờ này chúng không dám ở lại. Bất ngờ, một loạt súng trường súng máy cùng rền nổ…và từ trong đê rú nhiều toán lính địch xông ra vây gọn cả đám dân chúng đang hớn hở về, không hề một chút nghi ngờ cảnh giác. Chúng vây bà con lại bắt xếp hàng. Lần đầu tiên một cảnh thảm sát nặng nề đã xảy ra. Hơn 200 người đàn ông, đàn bà, trẻ con đã bị chúng bắn chết, trong đó có một số cán bộ xã thôn. 6 giờ tối chúng tôi mới về đến xóm biển. Cho liên lạc đi dò mới biết tin trên. Đau đớn nhất là chúng tôi về gần nhà phải đi qua bãi xác người, người chết đủ tư thế, ngồi, nằm nghiêng, nằm ngửa, quỳ, bò… Chúng tôi phải lách tránh từng người để bước đi. Về đến trụ sở, chưa kịp ăn uống gì, đồng chí bí thư đã phải triệu tập ngay cuộc họp bất thường với xã sở tại và phân công một số người lo giải quyết tình trạng trên. Người thì lo kiểm tra giấy tờ, hành trang, đánh số từng người và số khác thì lo khâm liệm chôn cất, báo người nhà đến nhận…
Đêm đó cơ quan và cả thôn xóm, thành nhà có tang tóc, người đi lại hỏi han, đèn thắp đến gần sáng. Chúng tôi ai cũng bùi ngùi, chẳng ai thiết ngủ. Đó là kỷ niệm đau đớn nhất của cán bộ, Đảng viên chúng tôi và nhân dân toàn huyện Triệu Phong trong năm đầu kháng chiến. Hai ngày sau, thường vụ huyện họp kiểm điểm, xem xét lại tình hình. Trên cơ sở rút kinh nghiệm, một số thiếu sót, sơ hở… bố trí lại lực lượng canh phòng, xây dựng tăng cường lực lượng vũ trang, tổ chức võng gác vòng trong vòng ngoài "chiến khu chợ Cạn" theo nguyên tắn nhất định, đề phòng cả gián điệp xâm nhập. Các làng xã "vườn không nhà trống" triệt để hơn, phong trào "ba không" được phổ biến học tập từ các cháu thiếu nhi trở lên. Các làng biển luôn luôn sẵn sàng ghe, nước, để ra khơi lúc cần. Từ đó trở đi, chiến khu chợ Cạn trở thành một căn cứ vững chắc. Có thêm một tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn 95 bố trí về. Tiểu đoàn 14 do đồng chí Lư làm tiểu đoàn trưởng phối hợp tác chiến với du kích các xã vành đai sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên các trận đấu vây ráp của địch vẫn thường xảy ra. Dân chúng và cán bộ vẫn phải chạy tránh. Các bãi cát mênh mông, trắng phau co nhiều núi cát cao bằng cái nóc nhà vẫn tiếp tục là chốn thần tiên cho chúng tôi tạm thời lánh nạn, gặp gỡ, nghỉ ngơi, buôn bán, làm việc ngày này, tháng khác suốt cả thời kỳ chiến tranh chống Pháp. Ở đó lúc trời nắng to, cát bỏng như nước sôi. Bình thường chân đi lún tới mắt cá, lúc mưa lút đến bắp chân, và lúc lạnh tê cứng cả người, nhưng không hề có ai đói, khát, kêu ca… Ai đã từng một lần chạy giặc về đây ắt không quên những phút chiến đấu gay go, có lúc tưởng không còn sống. Càng không thể quên những phút gặp gỡ làm việc giữa cán bộ và dân, giữa cấp trên và cấp dưới. Đặc biệt là cảnh mua bán và ăn quà "chịu", "sống sẽ trả, chết xúy xóa" là cái luật kỳ lạ thân thiết biết chừng nào. Không thể nào quên được giữa tiếng súng đì đụp xen lẫn tiếng rao êm êm bình thản "Ai chè đậu xanh, ai bánh cuốn…" Một cảnh sống, sống động, mang đầy sức sống tự tin vào ngày mai, mang đầy sắc thái bình yên thần tiên trong chiến đấu. Hàng ngàn người cùng sinh hoạt giữa khoảng không bao la dưới bóng che của các núi cát. Một cảnh tượng sống đầy lãng mạn và đầy kịch tính làm sao. Tôi không phải là một nhà văn nên không tả nỗi hình ảnh này nhưng cũng cảm nhận được rằng mình đã có thời tahnh niên hạnh phúc vì đã được sống và chiến đấu trong những tình huống thật tuyệt vời và đầy hấp dẫn của dân tộc. Tôi nhớ chiến khu chợ Cạn rất nhiều. Chợ Cạn, hai tiếng thân thương trìu mến mãi mãi in đậm trong lòng tôi.
Tháng 4.1997, tôi cùng đoàn đồng hương của tỉnh về thăm quê nhân kỷ niệm 25 năm chiến thắng Quảng Trị. Một số trong chúng tôi có về thăm chợ Cạn.
Làng Thượng Trạch có vùng "Chợ Cạn" lịch sử trên đây nay không còn một dấu vết gì của ngày xưa nữa. Là một làng như trăm ngàn làng khác sống thanh bình, nghề nông là chính. Đê qua biển vẫn còn nhưng rú không còn nữa. Thay phảiddi lộn xộn giữa bãi cát mênh mông, nay đã có con đường bê tông nhỏ chạy từ xóm phố chợ Cạn ra tận làng Gia Đẳng. Bà con làng biển đi chợ Cạn bán cá, bán tôm đã đỡ một phần gian khổ. Ủy ban xã Triệu Trạch đóng ở một ngôi nhà ngói nhỏ ngay xóm phố. Tất cả, tất cả đầy hiền hòa, êm ả giữa thời đại yên bình có lẽ không còn mấy người đã từng sống và nhớ đến những cảnh động trời đã diến ra ở đây hàng ngày cách đây hơn nửa thế kỷ. Đứng trên bờ đê, trông ra bãi cát, rừng phi lao ngút ngàn với biển cả, lòng tôi trào lên một cảm giác khó tả. Hai giọt nước mắt bất giác rơi xuống miệng mằn mặn, không rõ vì nhớ cảnh cũ người xưa hay mừng cho cuộc sống thanh bình ở đây hôm nay. Có lẽ cả hai. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là nhớ nhân dân và chiến khu "Chợ Cạn" xưa. Ôi! Thương nhớ và tự hào "chiến khu chợ Cạn" một thời vang bóng đã đi vào lịch sử!
T.T.T.H