Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chợ Phiên, Chợ Đình – Nét văn hóa độc đáo của người dân Quảng Trị

Chợ - một phần văn hoá không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chợ làm nên những tập quán, tạo lời ăn tiếng nói, hình thành phong thái ứng xử. Dù ngày mai nền kinh tế thị trường có biến đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào, tin rằng chợ - với sức mạnh nội tại bền bỉ của nó - vẫn trường tồn.

Tháng năm qua cuốn theo biết bao kỷ niệm và làm mới lên cuộc sống của biết bao con người. Nhưng có lẽ, trong tâm khảm rất nhiều người vẫn khắc sâu những hình ảnh êm đềm thân thuộc về một làng quê có những phiên chợ xưa như trong cổ tích.

Như một bóng cây giữa con đường làng thênh thang tràn trề nắng, chợ quê làm mát lòng bao kẻ thị thành khi đang lang thang đâu đó bỗng nhiên bắt gặp. Không thể không dừng lại trừ trường hợp bất khả kháng.

Nó không chỉ là chợ, nó là ký ức. Nó không chỉ là chốn bán mua, nó là ấm áp tình người, là trong veo cả con cá lá rau đến cái tiếng lao xao chào hỏi trả giá thân thuộc như trong nhà. 

Không gian phiên chợ không chỉ là không gian mua sắm mà còn là không gian của ngày hội. Tới phiên chợ, người già quên thời gian, người trẻ đi ngược lịch sử, các em bé tạo ra các câu chuyện khác về một thế giới ở giữa thực và ảo. Người mua, kẻ bán, khách gần, khách xa, mua hồ hởi, bán phấn khởi, thăm quan thích thú, ai cũng đạt được mục đích của mình, để rồi trở lại đời thực với ấn tượng khác, dự định khác, cái nhìn khác… Quả thật đi chợ, cũng là lúc con người ta chìm đắm trong một biểu cảm của một sắc thái Việt, một thứ văn hoá sống động chứa chất đầy một tính duy cảm.

Với mỗi người dân Việt Nam, chợ phiên mãi là nét văn hoá của một thời để nhớ. Chợ phiên chứa đựng trong sâu thẳm những kỷ niệm của quá khứ và những nét văn hoá xưa không dễ gì quên được. Những phiên chợ đã trở thành một phần trong đời sống văn hóa, đi vào tiềm thức của mỗi người với những hình ảnh mộc mạc, thân quen và cũng rất tự nhiên như tâm hồn, bản tính người Việt. Các phiên chợ chính là nơi lưu giữ những phong tục truyền thống, đặc trưng của mỗi vùng miền khác nhau. 

Chợ - Chùa, Chợ - Đình, Chợ -Cầu, Chợ - Quán,... cũng luôn gắn liền với các biểu tượng văn hóa Việt Nam, gắn với nhu cầu tâm linh của người Việt. Chợ không chỉ biểu thị mối quan hệ ứng xử giao đãi theo chiều ngang mà còn biểu thị mối quan tâm theo chiều dọc nội tâm nữa. Đây là đặc điểm tự cân bằng, tự thích ứng rất mềm dẻo hài hòa của dân tộc Việt Nam. Mọi việc mua bán sinh hoạt của người trần đều diễn ra dưới sự chứng giám của thần linh và của thiết chế xã hội. Mỗi vùng đất có một cái chợ riêng cho mình và lưu giữ độc quyền một giá trị.

Có thể vì thế mà chợ phiên, chợ đình có sức lôi cuốn, hấp dẫn một cách đặc biệt không chỉ đối với người dân địa phương mà cả người ngoài và còn là kỷ niệm khó quên của những người xa quê hương.

Trong khuôn khổ bài viết này xin giới thiệu hai phiên chợ đặc biệt của người dân Quảng Trị, đó là Chợ phiên Cam lộ và Chợ đình Bích La – Triệu Đông – Triệu Phong.

Đình làng và Chợ phiên Cam Lộ: Khu di tích này nằm cạnh trục đường 71 về phía Bắc trên địa phận xóm Ðông Ðịnh, làng Cam Lộ, thị trấn Cam Lộ; cách quốc lộ 9 hơn 1km về phía Ðông bắc; cách trung tâm huyện lỵ Cam Lộ khoảng 2 km về phía Ðông nam.

Ðình làng và chợ Phiên là sản phẩm song sinh của hình thái sinh hoạt văn hóa và kinh tế của cư dân làng Cam Lộ từ khi vùng đất này được hình thành và kiến tạo. Nguyên thủy của ngôi đình làng có quy mô kiến trúc nhỏ bé, nằm trong khu vực có các miếu thờ thần Cao sơn, Cao các. Khoảng giữa thế kỷ XVI đình làng Cam Lộ được chuyển về khu vực hiện nay. Năm Gia Long 12 (1814), ngôi đình được dựng lại quy mô với kiểu dáng kiến trúc của một ngôi nhà rường 5 gian, 2 chái khang trang và có tiếng là ngôi đình lớn trong vùng.

Những năm kháng chiến chống Pháp đình bị sử dụng làm nơi đóng quân của một trung đội lính Âu Phi; sau đó bị hư hại phần lớn. Năm 1957, làng cho tu bổ lại và thu hẹp chỉ còn 3 gian, 2 chái. Năm 1969 thì xây thêm nhà vỏ cua phía trước có cấu trúc còn lại như hiện nay. Sau năm 1975, chính điện ngôi đình bị hư hại chỉ còn tiền đường phía trước, làng lại cho trùng tu vào năm 1987. Hiện tại, vì trải qua nhiều lần tu bổ nên ngôi đình làng Cam Lộ đã không còn giữ được nguyên bản.

Kiến trúc đình Cam Lộ hiện còn gồm 2 ngôi nhà ghép song ngang chia làm 2 phần: tiền đường và hậu liêu. Tiền đường là một ngôi nhà làm kiểu mái bằng có sự kết hợp với một số chi tiết khác của một kiến trúc truyền thống kiểu vài chồng. Hai phần chái thay bằng 2 mái đua đổ bằng. Hậu liêu xây bít cả 3 phía. Hai đầu hồi xây tường phẳng, không có chái, kết cấu kiểu vài chồng của một ngôi nhà rường nhưng chỉ phân bố 2 hàng cột. Kiến trúc nhìn chung không có giá trị gì lớn về nghệ thuật.

Chợ Phiên nằm trước mặt ngôi đình, trên một khuôn viên non chừng 1ha. Ðây là một khu chợ nổi tiếng của vùng trị thiên có từ thế kỷ XV - XVI. Nguyên xưa, chợ được nhóm họp ở cạnh bờ sông thuộc xóm Ðông Ðịnh. Do bị hỏa hoạn và ngập lụt cho nên chợ được chuyển về trước mặt đình và tồn tại từ đó cho đến ngày nay.

Chợ Phiên Cam Lộ hình thành do nhu cầu trao đổi hàng hóa giữa miền xuôi với miền ngược, giữa đồng bào kinh với các nhóm dân tộc thiểu số miền Tây Quảng Trị và các bộ lạc của nước bạn Lào. Nằm bên bờ sông Hiếu, lại ở trên khu vực thuộc địa hình trung du, tiếp giáp giữa vùng đồng bằng và miền núi nên chợ Phiên trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, thị trường giao lưu, trao đổi chính giữa miền xuôi với miền ngược thông qua cả tuyến đường bộ lẫn đường thủy từ khá sớm trong lịch sử. Không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường bên ngoài cũng thông qua tuyến lưu thông Cửa Việt - Cam Lộ - Ai Lao để duy trì và phát triển luồng buôn bán, trao đổi. Ðặc biệt, dưới thời chúa Nguyễn, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế hợp lý, thị trường Quảng Trị nói riêng và Ðàng trong nói chung ngày càng thu hút được nhiều nguồn hàng từ khắp các nơi trong đó có chợ Phiên Cam Lộ. Thuyền buôn Nhật, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha...vào Cửa Việt ngược theo sông Hiếu lên; lái buôn và thương nhân các nơi như: Lạc Hoàn, Vạn Tượng (Ai Lao) qua cửa khẩu dinh Ai Lao sang và vùng Trấn Ninh, Quỳ Hợp (Thanh Nghệ) vào. Thông qua việc trao đổi buôn bán giữa các vùng miền trong nước và quốc tế, chợ Phiên Cam Lộ đã trở thành trung tâm buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền với nhiều cửa hiệu sầm uất. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này đã tạo điều kiện để hình thành “con đường muối”, “con đường hương liệu” (trâu, voi, trầm hương, các đặc sản lâm thổ sản, nông sản...) và chính nó là tiền thân của con đường 9 sau này.

Gọi là chợ Phiên vì chợ nhóm họp theo phiên/kỳ. Cứ mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 (âm lịch) cùng với cách thức trao đổi trong một không gian có cả chợ lẫn đình đã làm cho chợ Phiên không chỉ thuần túy là một thị trường buôn bán, mà còn là một không gian hoạt động văn hóa.

Khu vực chợ Phiên và đình làng Cam Lộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, đánh dấu những bước phát triển của phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Năm 1928 một phân nhánh “Hưng nghiệp hội xã” của tổ chức “Thanh niên Cách mạng đồng chí hội” được thành lập ở Cam Lộ do Hoàng Thị Ái (nữ đảng viên Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị) phụ trách trực tiếp giao dịch với đồng chí Lê Thế Hiếu. Phân hội này đặt cơ sở tại chợ Phiên, mở một quầy hàng bán tạp hoá để giao dịch và làm cơ sở tài chính, cơ sở liên lạc cho Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội ở Quảng Trị.

Tháng 1/1937, trong phong trào đòi dân sinh dân chủ một cuộc biểu tình gồm 400 người dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hồ Xuân Lưu (đảng viên Cộng sản) đã kéo nhau về chợ phiên trực tiếp gặp tri huyện Hoàng Dũ Châu để đưa yêu sách đòi giảm thuế, xoá nợ, đòi tự do đi lại, hội họp, ngôn luận ...

Ðầu năm 1938 tại cơ sở Ðồng Nguyên ở chợ Phiên, các đảng viên và quần chúng cách mạng đã tổ chức một cuộc hội thảo về các quyền tự do và bàn phương hướng tuyên truyền chính sách của Ðảng. Ngoài ra, tại khu đình làng và chợ Phiên suốt thời kỳ 1945, Huyện uỷ Cam Lộ đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, căng biểu ngữ, treo cờ Ðảng, diễn thuyết tuyên truyền và phát động quần chúng đấu tranh.

Khu đình làng và chợ Phiên Cam Lộ với bề dày lịch sử văn hoá của nó rất xứng đáng với niềm tự hào của nhân dân Cam Lộ nói riêng, Quảng Trị nói chung.

Khu Đình, Miếu và Chợ Đình Bích LaKhu đình, miếu và chợ đình Bích La nằm trên ngã ba một con đường liên thôn, ở một địa thế khá đẹp đầu làng Bích La, xã Triệu Ðông, huyện Triệu Phong; cách tỉnh lộ 64 chừng 2 km về phía Ðông nam.

Ðịa điểm này được bao quanh hai phía bởi cánh đồng rộng trải dài. Phối trí toàn cảnh của khu di tích trông khá hữu tình nhờ một con hói chạy vòng quanh bao lấy hai phía với nhiều cây cối um tùm mọc lan ra hai bên bờ. Quả là thuật phong thủy ở đây đã được người xưa của làng Bích la khéo sử dụng để phát huy hết mọi khả năng vốn có của một thế đất địa linh nhân kiệt. Ðây chính là nơi tọa lạc của ngôi đình làng và một khu miếu thờ các vị thần linh của làng Bích La.

Trong khuôn viên của khu đình, mặt trước là một hồ nước rộng, ở giữa hồ có một cù lao nhỏ nổi, xung quanh có nhiều cây cối tỏa bóng xuống mặt nước. Cạnh hồ về phía phải là hai ngôi miếu thờ nữ thần là bà Thủy và bà Hỏa. Khu vực chính ở phía sau gồm tòa đại đình và một cụm miếu thờ các vị thần bao gồm cả nhân thần và nhiên thần.

Ðiểm nhấn của quần thể này là ngôi đại đình bố trí theo chiều dọc nằm ở rìa ngoài của khu vực chính. Nguyên xưa ngôi đình được xây dựng rất khang trang và có quy mô lớn nhất nhì trong vùng. Ðó là một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt. Trong chiến tranh ngôi đình bị đổ nát cùng với tất cả các ngôi miếu. Năm 1990, nhờ vào sự đóng góp tiền của của một nhà họa sĩ có tên tuổi đang sống ở nước ngoài là ông Lê Bá Ðảng nên ngôi đình đã được dân làng cho tu bổ lại. Tuy vậy, đáng tiếc là do điều kiện kinh phí hạn hẹp và không được sự hướng dẫn của ngành chức năng nên kiến trúc của ngôi đình đã không còn giữ được những yếu tố của một ngôi đình cũ mà đã được hiện đại hóa bằng bê tông, cốt thép, xa rời với thức kiến trúc truyền thống, làm mất đi vẽ đẹp của ngôi đình làng. Cũng từ lần trùng tu này, khu miếu thờ cũng được xây mới.

Khu miếu thờ nằm ở phía bên phải của ngôi đình, trong một khuôn viên có cổng, thành bao bọc. Cả thảy gồm có 10 ngôi miếu và án thờ được bố trí theo hình chữ U. Lần lượt từ bên trái sang gồm có: án thờ tiên tổ của 14 tộc họ - miếu Tiến sĩ thờ hai vị tiến sĩ là Cảnh Huy Bá và Cảnh Phiến Bá - miếu khai khẩn thờ Cai Tri phó tướng Tiên Lộc Hầu - miếu Thành hoàng bổn thổ (đây có lẽ là một vị nhiên thần) - miếu Cao Các đại vương (đây là một vị thần rừng, thần trời) - miếu Cao Sơn (thần núi), miếu Lôi Sơn (thần sấm sét) - án thờ xã tắc đàn (đàn thờ thần Nông và cũng là đàn tế trời) - miếu bà Chúa Ngọc (vị thần Chàm Po yan Ynư Naga - Thiên Y ana ngọc diễn phi) - án thờ Trung đình bảo vệ (thần bảo trợ vùng đất và con người của làng, có lẽ là Thổ địa). Từ cách thờ cúng đa dạng trong khu miếu thờ ở làng Bích La, có thể thấy một điều gì đó khá đặc biệt và điển hình trong quan niệm triết lý về vũ trụ quan và nhân sinh quan của người dân làng Bích La/Triệu Phong/Quảng Trị xưa.

Bên cạnh ngôi đình làng và các miếu thờ, trong khu vực đình làng Bích La còn là nơi diễn ra một hình thức lễ hội truyền thống khá điển hình và đặc trưng của các làng quê Quảng Trị. Ðó là lễ hội chợ đình Bích La. Cũng như nhiều ngôi đình làng khác trên đất Quảng Trị có không gian phía trước dành cho hoạt động nhóm họp chợ để trao đổi buôn bán trong phạm vị của một làng hoặc một khu vực; tuy vậy, chợ đình Bích La mang những đặc thù riêng.

Chợ đình Bích La thực chất là một hoạt động lễ hội truyền thống mà ở đó quan hệ giao lưu, trao đổi hàng hóa được thể hiện dưới góc độ của mối quan hệ mang tính tập tục, văn hóa chứ không đơn thuần mang tính kinh tế, thương mại. Thời gian họp chợ được diễn ra vào ngày mùng 3 Tết nguyên đán. Từ 3 giờ sáng, toàn thể dân làng già trẻ, gái trai nô nức đi dự lễ, thắp hương và dâng hoa cho tổ tiên ông bà vào dịp đầu năm; đồng thời mang theo hoa quả, thực phẩm, nông sản và những loại đồ chơi cho trẻ con do họ tự làm (những con tu huýt được nặn từ đất sét, những con giống làm từ bột nếp, quạt giấy...) đến chợ để trao đổi gọi là mua lộc, bán tài. Ngoài ra, trong lễ hội còn diễn ra các loại hình vui chơi như: đánh cờ người, hát bá trạo, hò đối đáp... Những năm gần đây, nhân dân quanh vùng cũng đã tìm về dâng hương hoa để cầu tài, phúc, lộc cho một năm mới. Có thể nói, lễ hội chợ đình làng Bích La là một dấu ấn văn hóa của cộng đồng cư dân nông nghiệp, nó đã đi vào tâm thức của mỗi một người từ bao đời nay.

Khu đình, miếu và chợ đình Bích La với một phong cảnh hữu tình của vùng quê Quảng Trị, cùng với hệ thống quan niệm về thiên - địa - nhân được thể hiện trong thờ cúng và các hoạt động lễ hội của chợ đình là một trong những giá trị tiêu biểu trong kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất Quảng Trị.

N.V.D

Nguồn: Cổng thông tin du lịch Quảng Trị

NGUYỄN VĂN DƯƠNG

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground