Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chùa làng trong tâm thức của người Việt Quảng Trị

Q

uảng Trị - vùng đất có bề dày về lịch sử và văn hóa, nơi được xem là điểm dừng chân đầu tiên trên bước đường thiên di về phương Nam của quốc gia Đại Việt, đặc biệt là từ sau sự kiện vua Chăm nhường đất cho nhà Trần (năm 1306) thì các lớp cư dân người Việt vùng Thanh - Nghệ đã đến đây định cư và từng bước thay thế cho lớp người tiền trú. Trong quá trình lịch sử ấy đã có nhiều yếu tố văn hóa truyền thống được hội tụ trên mảnh đất này mà Phật giáo chính là một yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt trong tâm thức của người Việt Quảng Trị. Khi người Việt ra đi từ đất Bắc mang theo niềm tin Phật giáo vào Quảng Trị thì họ cũng chính là người đã tạo ra các công trình tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc mang cốt cách của đạo Phật mà điển hình đó là hệ thống các ngôi chùa làng. Đây chính là nét đẹp của sự gắn kết Phật giáo và dân tộc, biểu hiện sự hòa quyện giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Không phải làng nào, xóm nào cũng có trường học của Khổng giáo nhưng ngược lại ở đâu cũng có ngôi chùa của Phật giáo. Ngôi chùa đã tự mình âm thầm thắp hương màu nhiệm giữa đời sống dân gian, ngoài chức năng làm thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ của người dân trong vùng, ngôi chùa còn có chức năng chủ yếu và hết sức quan trọng đó là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ, là chốn tu hành của các nhà sư, là nơi dành cho mọi người đến quy y tam bảo để đến với cõi Phật.

Hiện diện ở Việt Nam khoảng từ đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên và đến thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIII) Phật giáo đã trở thành quốc đạo. Tuy nhiên, tại vùng đất Quảng Trị thì sự truyền bá và phát triển của Phật giáo phải bắt đầu từ khoảng thế kỷ XIV - XV, khi cư dân Việt từ vùng đồng bằng Thanh - Nghệ di cư vào đây khai phá thành lập làng xóm.

Tạo lập giữa buổi phân thời sôi động, ở vào giai đoạn lịch sử mà vùng đất Đàng Trong vừa mới mở mang củng cố, các ngôi chùa làng ngay từ buổi đầu thành lập đã hội tụ trong mình đầy đủ các tính chất của giá trị nhân bản truyền thống và cả những ẩn tàng kỳ bí của một vùng đất mới khai lập, những ngôi chùa làng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự cộng cảm, cộng đồng giữa các cư dân mới với bộ phận cư dân bản địa trên vùng đất Quảng Trị lúc bấy giờ.

Trong tâm thức của mỗi người dân Quảng Trị nói riêng, người dân Việt Nam nói chung thì ngôi chùa làng luôn là nơi gửi gắm niềm tin, một biểu tượng tín ngưỡng cộng đồng theo ảnh hưởng của Phật giáo. Người Việt luôn quan niệm “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Vì thế khi họ rời cố hương vào định cư sinh sống trên vùng đất mới còn hoang sơ hoặc điêu tàn sau chiến tranh loạn lạc, họ lại gặp rất nhiều các đền tháp, các tượng thờ uy nghi, đồ sộ của một nền văn hóa bản địa đã gây nên nỗi sợ hãi trong lòng những người lưu dân, càng khiến họ nâng cao ý thức cố kết, cùng nhau chung sức tạo lập một ngôi đình, nếp chùa, phụng thờ Phật Thánh, thần linh để mong được phù hộ, độ trì cho cuộc sống của họ được bình an nơi vùng đất mới. Bên cạnh những tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc từ đất Bắc như thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như các thờ cúng khác có liên quan đến việc tiếp nhận văn hóa Chăm được người Việt sùng bái và lấy đó làm chỗ neo đậu về tinh thần thì Phật giáo là niềm tin mãnh liệt để những lớp lưu dân gửi gắm số phận mình trước những mối đe dọa vô hình trên quê hương mới.

Mặc dù chưa có những tài liệu chính xác về việc hình thành nên một hệ tư tưởng, một tông phái nhất quán hay việc xây dựng một số ngôi chùa cổ mang tính Quốc tự trên vùng đất Quảng Trị vào thời kỳ này nhưng có thể khẳng định rằng, các yếu tố Phật giáo dân gian đã chiếm lĩnh trong đời sống tinh thần của người dân tại các làng xã. Các ngôi chùa cổ nhất của Quảng Trị hiện được biết qua tài liệu là những ngôi chùa làng được xây dựng từ thế kỷ XV như Chùa làng Câu Nhi (nay gọi là chùa Quan Khố) ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng được xem là một trong số những ngôi chùa được dựng sớm nhất. Chùa làng Lan Đình ở xã Gio Phong, huyện Gio Linh cũng là ngôi chùa làng được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV. Chùa làng Gia Độ ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong đã được tác giả Dương Văn An kể đến trong tác phẩm Ô Châu Cận Lục (năm 1555). Và các chùa khác như chùa An Thái ở xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ; chùa Đâu Kênh ở xã Triệu Long, huyện Triệu Phong; chùa Xuân Lâm ở xã  Hải Lâm, huyện Hải Lăng cũng được tạo lập vào khoảng thế kỷ XV - XVI…

Ban đầu do điều kiện kinh tế buổi đầu lập nghiệp còn chồng chất khó khăn, vì thế người ta chỉ dựng những ngôi chùa bằng tranh tre, nứa lá để phụng thờ Phật thánh. Tuy nhiên, trải qua thời gian cũng như thiên tai, địch họa trong các thế kỷ XV, XVI đã xóa nhòa tất cả.

Sang thế kỷ XVIII, một số ngôi chùa làng đã được nâng cấp, mở rộng và được xây dựng lại với những nguyên vật liệu bền vững hơn. Từ đó về sau này, những ngôi chùa làng sau khi xây dựng đều được ghi niên đại xây dựng và tái lập. Vì thế, dù trải qua nhiều biến động của lịch sử thì cho đến nay hầu hết các ngôi chùa đều vẫn xác định được mốc tạo lập. Tiêu biểu như Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang ở Thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong được tạo lập vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII; chùa Diên Thọ ở xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng được tạo lập dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (năm 1759); chùa Bình Trung ở xã Gio Châu, huyện Gio Linh do vị Tham chánh chính đoán sự Đông triều Hầu là Trần Đình Ân cho dựng sau khi từ chức về làng (năm 1704); chùa làng Trung Kiên ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong do Hòa thượng Nhất Định lập vào những năm cuối thế kỷ XVII. Ngoài ra, dưới thời các chúa Nguyễn, nhiều ngôi chùa làng ở khắp mọi nơi trên đất Quảng Trị đã được xây dựng từ sự đóng góp của các Phật tử trong các khuông hội Phật giáo.

Theo phong tục của người Việt, ngôi chùa bao giờ cũng phải có quy mô nhỏ hơn đình làng. Dạng chùa làng xưa thường kết cấu phổ biến theo kiểu nhà rường 1 gian và 2 chái kép. Người ta có thể bố trí trục thờ tự theo chiều ngang của ngôi nhà hoặc cũng có thể bố trí theo chiều dọc (nghĩa là lấy đầu hồi làm hướng chính). Chùa làng thường dành một gian chính để thờ Phật. Theo quan niệm Phật giáo truyền thống thì chư Phật ngự trị cả mười phương và ba cõi: quá khứ, hiện tại và tương lai nên hầu hết đều tôn trí 3 pho tượng Phật Tam thế: Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc ở án cao nhất tại gian chính điện. Phía trước có thể có thêm một tiền án thấp hơn để tôn trí các tượng Bồ tát Quan Âm, Phổ Hiền, Thế Chí hoặc Địa Tạng. Nhưng trong tâm thức dân gian, chư Phật, chư Bồ tát vốn từ bi, hỷ xả cho nên không can thiệp vào việc trừ tà ma, yêu quái, vì thế chùa làng còn thờ thêm Quan Thánh Đế Quân để mong ngài hàng phục tà ma, yêu quái, hộ trì cuộc sống bình yên cho dân làng. Đặc biệt, trong các ngôi chùa làng đều có án thờ ngài thủy tổ các họ đã có công khai canh, khai khẩn, thành lập và phát triển làng xã. Án này thường bố trí ở phần hậu điện, trên hết thờ chư vị thủy tổ các họ chính cư trong làng, với từng bài vị cụ thể hoặc chỉ có 1 bài vị tổng hợp: phụng vị Thập nhị tôn phái Thủy tổ liệt vị chi linh. Phía dưới thấp hơn là án thờ các vong linh “ký tự” hoặc “giỗ hậu” trong chùa.

Chùa làng là một trong những cơ sở thờ tự chung của cộng đồng làng do một người thủ từ lo việc hương khói. Một số chùa làng lại có thể mời một vị cư sĩ tại gia có am hiểu kinh kệ, khoa nghi cầu cúng giữ cương vị “thầy chùa” của làng. Thầy chùa có thể ở ngay tại nhà tăng hay hậu liêu của chùa, giúp dân làng xem ngày, chọn giờ hoặc giúp cho việc hộ niệm trong tang lễ, cúng giỗ…

Để bảo đảm cho sinh hoạt thờ cúng, bảo trì chùa làng thì trước đây, các làng đều có một phần ruộng đất canh tác để lấy hoa lợi làm chi phí chính cho chùa.

Trong các dịp lễ tết lớn thì chùa làng cũng tổ chức các lễ hội như lễ tết Nguyên Đán, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan… Hàng tháng, vào mỗi kỳ sóc vọng chùa làng lại rộng mở cho các tín đồ đến tụng kinh niệm phật. Ngoài các lễ trên thì cứ 3 hoặc 5 - 6 năm (tùy điều kiện từng làng) hoặc cũng có thể đột xuất vào các dịp trùng tu chùa, đình, am miếu, tô tượng hay đúc chuông, chùa làng lại tổ chức những lần đại lễ trai tiếu bạt độ giải oan hay trai đàn chẩn tế để cầu giải thoát cho vong linh tiên tổ.

Ngoài ra, chùa làng cũng đảm nhận việc cúng tế của các gia đình trong làng như các nghi thức cầu cúng trong tang lễ. Trong quan niệm của người Quảng Trị thì việc tang ma là một việc đại sự vì thế dù giàu hay nghèo khi trong gia đình có người khuất núi thì gia đình cũng phải cố gắng tổ chức cho tươm tất. Có thể trong cuộc sống thường nhật họ chỉ là người dân lương, không quy y cửa Phật, ít có tín niệm về đức Phật nhưng khi trong gia đình có tang ma ông bà, cha mẹ họ vẫn nhiệt thành cầu thỉnh thầy chùa đến hộ niệm cho tang lễ. Họ nhờ thầy chùa trị quan, nhập liệm cho người đã chết, sau đó là các lễ thành phục, cúng sáng, cúng ngọ, cúng chiều và tụng kinh siêu độ, cho đến ngày trước hôm an táng là những lễ: triêu điện, tịch điện, cúng thí thực và lễ cầu siêu. Ngày đưa đám là lễ khiển điện, triệt linh sàng, di quan, lễ tế đồ trung và trị huyệt, an thố và hoàn tất với lễ an linh, phản khốc, tạ Phật hoàn kinh. Sau chôn cất là các lễ cúng tuần, từ tuần 1 đến tuần thứ 7, cúng 100 ngày, lễ cúng tiểu tường (giỗ đầu/nửa khó) và đại tường (giỗ thứ 2/hết khó) mới chấm dứt chu kỳ cầu cúng theo nghi thức Phật giáo để vong hồn thoát khỏi việc xét xử ở 10 địa ngục của Thập điện Minh Vương.

Trong các thiết chế thờ tự của cộng đồng làng xã, nếu như ngôi đình làng là không gian chỉ dành cho nam giới làm việc và tế thần thì chùa làng lại là không gian hiền hòa và rộng mở cho tất cả mọi người. Các hoạt động sinh hoạt, tụng niệm, lễ bái cầu cúng ở chùa càng phù hợp với thiên hướng và tâm lý của người phụ nữ. Tất nhiên gắn bó với chùa làng gồm đủ hạng người trong làng từ nông dân, tiểu thương cho đến quan viên chức sắc. Người nghèo có thể đến chùa với một ít lễ bạc lòng thành; người khá giả có thể cúng dường nhiều hơn… nhưng tất cả hòa đồng trong một môi trường phụng thờ Phật, Thánh, tiên tổ chung của cộng đồng làng. Ngày xưa, dưới các triều đại phong kiến, đa số những người đỗ đạt, được làm quan trong triều đình đều có lòng biết ơn, ngưỡng mộ Phật, Thánh, tiên tổ của mình cho nên trong những dịp về thăm làng họ thường góp phần công đức hỗ trợ cho việc trùng tu, tôn tạo, đúc chuông, tô tượng hoặc sắm các bộ đồ tự khí cho chùa… Đối với những người vô tự thì họ lo cúng ruộng đất, tự khí cho chùa để khi quy tiên sẽ được nhà chùa lo cho việc giỗ hậu. Đối với những người nghèo khổ thì lại đóng góp công sức vào việc thổ mộc hay làm công quả đồng áng cho chùa…

Những ngôi chùa làng trong các làng quê đã lan tỏa tầm ảnh hưởng rất sâu rộng trong nếp sinh hoạt của dân làng ví dụ như việc hạn chế sát sinh, con người thường hướng nhiều về việc thiện, hay việc ăn chay vào những ngày sóc vọng, ngày vía Phật… cũng do giới cấm sát sinh thâm nhập trong dân. Đặc biệt, trong tổng thể những tác động tích cực, tốt đẹp của ngôi chùa làng thì tiếng chuông đại hồng chung gióng lên mỗi sớm mỗi chiều như là sự thức tỉnh kẻ mê, rửa trăm lầm lỗi, thông suốt được vạn thiện. Tiếng chuông chùa là một âm thanh hòa bình an lạc, lan tỏa trong không gian tĩnh lặng của làng quê vào những thời khắc sẩm tối và hừng sáng, gợi lên trong lòng người tín mộ những cảm niệm tỉnh thức, hướng thiện. Lần lữa từ đêm này sang đêm khác, tiếng chuông ngân nga, đồng vọng trở thành tiếng gọi thân quen trong lòng những người lớn tuổi vào những lúc chờ giấc ngủ hay thao thức đợi sáng đã gợi lên những hoài niệm, nghĩ suy để rồi lắng đọng một cảm niệm thuần lương.

Ngày nay, tiếng chuông chùa làng đã nhường chỗ cho tiếng chuông chùa của chùa giáo hội. Vai trò của chùa làng dần dần đã chuyển hóa sang chùa khuôn hội hay thay thế bởi chùa khuôn hội nhưng ảnh hưởng của nếp chùa dân gian trước thế kỷ XX đã được khẳng định. Cùng với những thiết chế khác của làng quê, ngôi chùa làng đã góp phần tác tạo một môi trường sống thuần hậu, là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Quảng Trị nói riêng, người miền Trung nói chung.

N.T.N

NGUYỄN THỊ NƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 231 tháng 12/2013

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

6 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground