Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện kể của thầy giáo đi B

K

hoảng 10 giờ sáng ngày 15 tháng 10 năm 1998 khi tôi đang làm việc tại phòng thì cô văn thư vào báo “Thầy có bạn cũ đến thăm”. Tôi vội sắp xếp giấy tờ để gặp khách, thì ông bạn đã đứng ngay trước cửa phòng lớn tiếng hỏi “Đây có phải là phòng của ông Trưởng phòng Lê Gia Hà không?”. Nghe giọng nói vừa nhìn rõ mặt nên tôi trả lời. “Là thầy Đỗ Tất Duyện người làng Nghĩa An, Cam Thanh phải không?” ông bạn bảo “Cậu này khá đấy”!. Thế rồi chúng tôi ôm chầm lấy nhau mà mắt cay, tim đập loạn xạ.

Đã hơn 35 năm mới gặp nhau, chúng tôi vốn là những giáo viên của Khu vực Vĩnh Linh – nơi tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa những năm 60 của thế kỷ trước. Anh Hồ Tất Duyện được điều động vào Nam ở địa bàn Quảng Trị cùng đoàn khoảng 25 giáo viên mà hồi ấy gọi là đi B. Tôi được phân công đưa học sinh ra Bắc theo Kế hoạch K8 lúc đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt Vĩnh Linh, đi học đại học, vào quân đội tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Trở lại công tác ở Quảng Trị từ 1976 đến 2001 thì nghỉ hưu. Mỗi người mỗi ngã đến bây giờ mới được gặp nhau. Quý hóa cảm động biết bao nhiêu. Tôi rủ ông bạn ra “quán bia 4 bà”, cái quán bia “khổ” thuộc đất của chợ Đông Hà bấy giờ để giãi bày tâm sự. Bia vào, lời ra, lòng xốn xang bao niềm trắc ẩn. Nhìn ông bạn với bộ đồ lính bạc màu, mái tóc xác xơ, vết thương hằn sâu ở cổ, khi nói phải đặt tay vào chỗ lõm của vết thương mới nói được rõ lời. Tôi không cầm được nước mắt, nắm chặt tay anh và muốn anh kể cho nghe chuyện những năm tháng đã qua thời máu lửa của anh và bạn bè thời đi B năm xưa. Anh ngậm ngùi kể: “Mày có biết không? Tao và mấy chục thằng giáo viên quê ở phía Nam Quảng Trị được điều động đi Nam, chỉ qua một đợt huấn luyện ngắn, rồi được cấp phát các thứ cần thiết vượt tuyến vào Nam”. Một số cậu được phân công lên vùng núi, vừa phục vụ chiến đấu vừa tham gia giảng dạy các loại lớp học vùng chiến khu, vùng giải phóng. Còn hầu hết được phân công về đồng bằng – nơi Mỹ ngụy kiểm soát, ai về quê nấy để tiện bề hoạt động vì đã thuộc thông thổ. Tao được phân về làng Nghĩa An bờ bắc sông Hiếu. Đêm đầu tiên về làng thật sự hồi hộp, xúc động. Hơn mười mấy năm xa quê tao vẫn dễ dàng tìm về đúng ngõ nhà mình. Khi nhìn thấy mẹ đứng đầu hiên nhà tao vừa khóc vừa vội chạy đến với mẹ, mẹ tao nhảy ra và gọi: “Ôi! Có phải thằng Duyện đấy không?...” Vừa ôm con vừa khóc vừa run sợ. Mẹ tao bảo: “Ôi con ơi! Chúng nó vừa mới đến đây, đi mau đi không thì khổ cả nhà đấy.” Bà vội buông tay và đẩy tao đi. Thương mẹ quá mà phải bỏ chạy, ra khỏi nhà tao tìm đến nhà bà cô là mẹ Hồ Sỹ Thoảng, bà thấy tao cũng òa khóc và vội xua xua cháu chạy mau đi, chúng nó vừa mới đi khỏi đây mấy phút cháu ơi. Thương cô rồi thương cả mình nữa, biết đi đâu bây giờ?... Tau liều mạng đến một nhà bà con đang làm trong bộ máy chính quyền ngụy của thôn. Ông bà nhận ra tao và cho tau trốn trong lậm (nơi cất giấu tài sản gia đình) và nuôi tau hàng tháng liền. Sau khi bắt được liên lạc với cơ sở và tìm về đơn vị, rồi vừa gây dựng cơ sở, tổ chức phong trào quần chúng, diệt ác, chống địch với các hình thức thích hợp của cuộc kháng chiến. Có một chuyện không bao giờ quên được. Đó là dạo tháng 10 năm 1967, trong đêm tối trời mưa tao vào một gia đình bà con nhưng thuộc người của chính quyền ngụy ở địa phương kiếm lương thực. Khi hai đứa đi vào phía bếp thì bà chủ nhà thấy tao và hoảng hốt kêu: “Ôi cậu ơi! Bọn lính đang ngồi nhậu trên… nhà nguy hiểm quá!” Tao bình tĩnh nói. Không sao, anh em tôi chỉ xin gia đình góp ít lương thực cho đơn vị, xong là chúng tôi đi ngay. Bà chủ nhà bảo: Cậu đưa túi đây tôi lấy gạo cho và sai người nhà lấy đồ nhậu xuống cho bọn tao. Hai thằng cầm sẵn AK thủ thế và ăn ngon lành mấy thứ trong đĩa vì bụng đang đói. Ăn trong bóng tối, xong việc bọn tau đi ra. Ra đến ngoài đồng làng cậu bạn bảo “Sắn ở quê cậu ngon thật”. Tao mới thấy thương cậu bạn quá chừng vì phần đĩa phía tao toàn thịt gà, còn phía cậu chỉ có sắn. Đi hết cánh đồng, đến chân đồi đã thấm mệt nên cậu bạn đề nghị ngồi nghỉ và xin bật lửa hút thuốc, tao chưa kịp can thì lửa đã bật lên và khi cậu bạn đang mồi thuốc thì một loạt đạn bay tới, cậu bạn chết tại chỗ! Cõng bạn về và khóc hết nước mắt! Chao ôi nó còn quá trẻ. Nhiều thằng vào đợt với tau như: thằng Ninh, thằng Chẫm, thằng Đông, thằng Minh… lần lượt ngã xuống tại đất quê nhà có thằng bây giờ vẫn chưa tìm thấy phần mộ, thật tội nghiệp chúng nó quá! Toàn đợt chỉ sống sót ba thằng trong đó có tau là thương binh.

Tôi hỏi chuyện anh sau chiến tranh, anh lần lượt kể: Mày biết không, khi Quảng Trị giải phóng, xong việc đi B, tao mới trở lại ngành làm ông giáo làng như thuở nào, nhưng ác nỗi, vết thương ở cổ làm tao mất tiếng thì còn giảng văn, giảng phú gì được. Nên tao đành để các cha phân công việc. Lúc đầu tao được cử làm Bí thư xã mình. Đánh nhau giành lại được đất thì phải lo cho dân như điều mình được dạy. Người theo ta hay theo địch thì bây giờ cũng sống một làng, phải thương lấy nhau mà sống cho ra sống. Tao nghĩ vậy và cùng mọi người làm được điều đó. Ít lâu sau, các cha lại bắt tao đi làm cán bộ tuyến huấn của huyện Bến Hải; cái huyện được sát nhập từ 3 huyện: Vĩnh Linh – Gio Linh – Cam Lộ. Tỉnh to, huyện to để làm được việc lớn chỉ nói được dăm ba điều theo sách và tự nghĩ ra được của kẻ công chức bình thương; nên cuộc sống cũng chẳng khấm khá gì. Một nếp nhà cấp 4 nho nhỏ ở thị trấn Hồ Xá, vợ con, gia đình cùng sống đạm bạc như mọi nhà sau chiến tranh. Chỉ buồn một nỗi do tao bận lăn lộn với “gánh nặng giang sơn” nên việc nhà, nuôi dạy con cái phó mặc cho vợ. Các con tau học hành thuộc dạng “làng nhàng”, có đứa khá hơn tao cho đi sư phạm, may ra còn giữ được cái nghiệp làm thầy nhưng thi thiếu nửa điểm so với chuẩn. Cũng định cậy nhờ cậu bạn của thời chăn trâu cắt cỏ đang làm sếp giúp, nhưng xem ra chẳng được. Hạnh phúc không ở phía mặt trời, việc trần gian không thấu nơi Thiên đình đành để cháu đi làm thợ phụ hồ vậy. Cũng may, các cháu chỉ là dân lao động, biết cái cay xót của mồ hôi nên cũng biết yêu thương cha mẹ, sống có đạo nghĩa cho xứng với con cháu họ Hồ của làng Nghĩa An. Họ Hồ của tao là một tộc họ có tiếng của làng cả nước đấy. Riêng tao cũng là một đứa may mắn từng trải qua lửa khói chiến tranh mà được sống sót đến bây giờ để cùng mày nói chuyện thế sự cho vui. Phúc đức lắm chứ chơi đâu!

Chia tay dạo ấy cho đến nay mới được gặp lại ở buổi họp mặt các giáo viên đi B trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị vừa rồi. Gặp tôi anh vội nói: “Mày biết không, vừa rồi mới họp mặt giáo viên đi B tại Quảng Trị mấy vị quên tao – may mày nhắc họ mới gọi đấy.” Tôi nói: “Thôi có đến họp mặt là vui rồi” và hỏi anh chuyện gia đình, chuyện cuộc sống. Anh bảo: “thì cũng như các dạo tao đã kể với mày đấy thôi. Chỉ có cái thân tao bây giờ như mày thấy đó. Một ông thầy đầu bạc phếch của thời xa xưa, một lão thương binh già hằn sâu vết tích thời sinh tử năm nào chứ có gì khác đâu”. Nhưng thôi, cái gì rồi cũng qua đi. Được gặp nhau, hâm nóng thêm tình người và thấm thêm lẽ đời là được rồi.

Nhìn bạn, nghe bạn nói rồi nghĩ đến mình – một ông già 75 tuổi với nhiều trải nghiệm khắc nghiệt, bao buồn vui thấm đẫm sự đời và bất chợt nhớ mấy câu thơ trong bài thơ: Đọc lại Nguyễn Du của nhà thơ Bằng Việt:

“Nhất sinh từ phú tri vô ích

Mãn giá cầm thư đổ tự ngu…”

(Một đời chuyên từ phú, biết rằng vô ích

Đèn sắch đầy giá, chỉ tự mình làm mình ngu)

(Mãn)

“… Một đời gọi mãi: Người ơi!

Một đời khát vọng, một đời bồng bênh

Mê say là chuyện đã đành

Đến khi tĩnh lại nhân tình trắng phau

Áo cơm se sắt mái đầu

Thương nhau mà giận, ngó nhau mà buồn…”

Thi hào Nguyễn Du hay người thường như chúng ta cũng chỉ biết vậy.

L.G.H 

 

Lê Gia Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 224 tháng 05/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground