Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện kể về ông Phiên ở chiến khu Ba Lòng

Năm 1948, ông Trương Quang Phiên được cử làm chủ tịch tỉnh Quảng Trị, thay vị tiền nhiệm nhận công tác khác ở các tỉnh phía bắc Liên khu IV. Nhận cương vị mới được vài ba tháng, ông gặp một sự kiện khá rắc rối cần phải suy nghĩ nhiều mới tìm ra hướng giải quyết. Số là một hôm đội cảnh vệ dẫn một đoàn khách đến nơi ông làm việc, một túp lều tranh ẩn náu dưới một lùm cây rậm rạp.

Đoàn khách có sáu cụ già, dáng thanh tao nho nhã, ăn bận theo lối cổ. Ông Phiên giật mình phát hiện đó là các vị quan to trong triều mà ông thường thấy khi sống ở Huế. Không biết tại sao trong thời điểm chiến tranh ác liệt này các cụ lại đến đây. Bên ngoại ông Phiên là dòng quan lại, dòng cụ tổ Hoàng Hữu Xứng, nên ông không xa lạ lắm với tầng lớp áo mũ này. Ông Phiên niềm nở chào hỏi các cụ, mời các cụ yên vị, dùng trà rồi nhẹ nhàng tìm hiểu lí do chuyến thăm. Một vị quan thay mặt cả nhóm phát biểu:

- Một năm qua chúng tôi sống quá khổ sở ở quê nhà. Chúng tôi không muốn đến sống trong các vùng Pháp chiếm đóng, không muốn làm gì cho giặc. Nhưng sống ở quê cũng không yên vì một mặt Pháp hay càn quét đốt nhà, bắt người; mặt khác dân quân địa phương coi chúng tôi là những kẻ khả nghi, sẵn sàng theo giặc. Cũng có người bị họ bắt rồi được thả về. Gần đây chúng tôi nghe tiếng ông chủ tịch là người khoan dung, độ lượng, yêu nước thương dân nên chúng tôi rủ nhau đến đây nương náu vùng kháng chiến, nhờ ông che chở. Chúng tôi sẵn sàng làm việc gì mà ông giao phó.

Thu hoạch đậu xanh trên cánh đồng ven sông Ba Lòng- Ảnh C.N

Thu hoạch đậu xanh trên cánh đồng ven sông Ba Lòng- Ảnh C.N

Ông Phiên bày tỏ xúc động trước quyết tâm tham gia kháng chiến của các vị quan lại cũ, hứa sẽ báo cáo cho chính phủ trung ương biết. Ông cũng hứa sắp xếp nơi ăn ở cho các cụ chu đáo và sẽ mời các cụ tham gia một số công việc ngang tầm của các cụ. Trước mắt ông để các cụ ở tạm nhà khách của tỉnh, cũng là một túp lều tranh khuất trong một lùm cây rậm.

Những ngày sau đó ông Phiên và toàn bộ nhân sự của Ủy ban tỉnh dốc sức tìm mọi cách đảm bảo cho các vị khách đặc biệt này một cuộc sống không đến nỗi quá gian khổ. Thời đó ở chiến khu không chỉ có bộ đội và cán bộ mà còn có nhiều người dân đến kinh doanh, buôn bán, sản xuất xung quanh các cơ quan nhà nước. Ông Phiên cho người liên hệ với các gia đình buôn bán khá giả, đề nghị họ giúp cho bữa ăn của các cụ không đến nỗi quá đạm bạc. Khi tản cư lên vùng núi, cơ quan văn hóa thông tin có mang theo nhiều tài liệu lưu trữ bằng chữ Hán và tiếng Pháp. Thế là ông Phiên giao cho các cụ việc phân loại tài liệu, đánh giá kỹ từng thứ một. Các cụ phấn khởi với công việc “vừa tầm” này, nhất là các vị giỏi chữ nho. Nhưng các cụ không hạn chế mình vào công việc sách vở, các cụ cũng muốn tham gia trồng rau xanh, trồng ngô, trồng khoai như các cán bộ cơ quan tỉnh.

Cuộc sống vui vẻ trôi chảy được khoảng hai tuần thì các cụ nhất loạt bị bệnh sốt rét quật ngã. Các cụ bắt đầu bỏ ăn và đi lại khó khăn. Ở chiến khu thầy thuốc rất hiếm, vậy mà ông Phiên vẫn cử một vị y sĩ giàu kinh nghiệm hàng ngày đến chăm lo cho các cụ, cử người đi mua các thứ thuốc cần thiết. Bệnh sốt rét làm người ta yếu đi rất nhanh, da dẻ vàng khè, mi mắt trắng đục. Một tuần trôi qua, với cánh trẻ thì bệnh thường thuyên giảm, nhưng các cụ không có dấu hiệu gì lạc quan. Ông Phiên vô cùng lo lắng. Những lúc không bận công việc, ông tha thẩn đi ra đi vào với vẻ mặt trầm tư. Một đêm tôi thao thức không ngủ được vì thấy cha tôi (Trương Quang Phiên) mà tôi gọi là cậu cứ lúi húi viết gì đó đến tận hai ba giờ sáng. Tôi ngồi dậy chăm nhìn ông một lúc lâu. Ông thấy lạ nên ngừng viết, nhìn tôi hỏi:

- Con không ngủ được à? Cố ngủ đi rồi sáng mai cho con đi thăm các cụ khách.

Tôi không nói gì nhưng vẫn ngồi im như tượng.

Năm đó tôi 13 tuổi. Hai năm trước tôi thi đỗ tiểu học. Nhưng rồi vì chiến tranh tôi bỏ học đi tản cư khắp nơi rồi lên chiến khu ở với cha.

- Lại đây con, cậu cho xem cái này, cha tôi nói với một giọng trìu mến.

Tôi hiểu tâm trạng của ông. Vào lúc khó khăn đang dày vò, có một kẻ để tâm sự là điều hay, dầu kẻ đó là một đứa trẻ.

- Con đọc cái này đi, ông nói.

Tôi vừa run vừa đọc một lá thư thoạt đầu làm tôi choáng váng không tin vào mắt mình nữa. Thư viết:

Kính gửi Ngài Nguyễn Hoài, cựu đốc học Quảng Trị.

Thưa Ngài,

Trước hết tôi xin gửi đến Ngài lời chúc sức khỏe chân thành nhất. Tôi mong Ngài quan tâm giúp cho tôi một việc. Khoảng hơn một tháng trước đây, các cụ quan lại cũ của triều đình có tên sau đây lên chỗ chúng tôi gia nhập hàng ngũ kháng chiến:

Thượng thư TVL

Tham tri TĐK

Tham tri LVM

Tuần vũ ĐTH

Bố chánh NKB

Án sát HHĐ

Chúng tôi rất xúc động trước bầu nhiệt huyết của các cụ, hân hoan đón tiếp các cụ và đã cố gắng hết sức đảm bảo cho các cụ một cuộc sống không quá gian khổ. Tuy nhiên như Ngài biết chỗ rừng núi của chúng tôi không thích hợp với người già. Chỉ một thời gian ngắn là các cụ bị bệnh sốt rét dày vò và ngày càng nguy kịch. Chúng tôi cố gắng hết sức nhưng chắc không có phương tiện chạy chữa hữu hiệu. Vì vậy tôi muốn chuyển các cụ về bệnh viện tỉnh và mong được Ngài ra tay giúp đỡ. Nếu Ngài thuận lòng thì tôi cho người dùng thuyền chở các cụ về bến đò cách thị xã một cây số về phía tây. Ngài sẽ cho người đón họ về bệnh viện tại bến đò. Có điều tế nhị là các cụ tuy thuận cho tôi đưa về bệnh viện tỉnh nhưng không muốn giáp mặt loại người Pháp nào, lính tráng cũng như thầy thuốc. Tôi nghĩ là Ngài cảm nhận được điều đó. Chúng tôi sẽ liên hệ với gia đình các cụ, tìm cách cho họ đến bệnh viện chăm sóc các cụ và lo liệu mọi khoản chi phí nếu cần. Sau khi các cụ đã hồi phục, xin Ngài quan tâm sắp xếp cho họ và gia đình được sinh sống trong các vùng không có chiến sự, ngõ hầu tạo cho các cụ những ngày cuối đời yên bình, thanh thản. Tôi xin nhắc lại là ba hôm nữa, vào khoảng 10 giờ sáng, các cụ sẽ đến bến đò.

Kính gửi Ngài lời chào trân trọng và lời cám ơn trước.

Trương Quang Phiên, nguyên trợ giáo Trường Tiểu học Vĩnh Linh.

- Con đọc xong chưa? Cha tôi hỏi.

- Xong rồi ạ.

Cha tôi giải thích cho tôi rõ ông Hoài hiện là tỉnh trưởng Quảng Trị về phía Pháp. Ông vốn là người tốt, nhưng không hiểu sao lại theo giặc. Chắc phải có một lí do đặc biệt nào đó.

Tôi bỗng dưng khóc nức nở không kìm nén đuợc. Cha tôi phát hoảng:

- Sao vậy con, làm sao mà khóc?

Tôi nghẹn ngào không nói được, mãi lúc sau mới vừa khóc sụt sịt vừa nói:

- Biết cậu thoáng thế này thì chị Nam Chi của con năm ngoái không phải chết.

- Sao con nói gì lạ thế?

- Chị Nam Chi bị thương hàn, ai cũng khuyên mẹ đưa chị vào bệnh viện tỉnh nhưng mẹ không dám làm vì trái với lí tưởng kháng chiến của cậu, mẹ nói thế.

Cha tôi buồn rầu im lặng một lúc rồi ôn tồn nói khẽ:

- Con nghĩ không đúng đâu. Hai chuyện khác nhau hoàn toàn đó. Đúng là chị Nam Chi của con chết cho lí tưởng của cậu như mẹ nói. Một thủ lĩnh kháng chiến như cậu không thể cho con gái vào chữa trị ở bệnh viện do quân địch cai quản. Còn bây giờ cậu đưa các cụ này về bệnh viện tỉnh cũng do lí tưởng mà làm. Con thấy không? Nếu để các cụ có mệnh hệ gì ở đây thì uy tín kháng chiến sẽ ra sao?

Ba hôm sau, mọi việc diễn ra như cha tôi dự kiến. Đêm trước ngày hẹn, ông cho thuê hai chiếc thuyền chở các vị thượng quan cũ xuôi dòng từ Ba Lòng về thị xã. Đi theo các cụ có bốn cảnh vệ và một y tá. Vì cả hai phía có thỏa thuận nên thuyền đi thông suốt, không có ai ngăn cản. Thuyền đến bến sớm hơn dự định một giờ nên chưa có xe đưa ngay về bệnh viện, quân ông Hoài có hai tiểu đội chờ sẵn, dìu các cụ vào một quán trọ tạm nghỉ. Cảnh vệ và y tá kháng chiến quay thuyền về lại Ba Lòng.

Dân chúng quanh bến đò tò mò muốn biết các cụ là ai mà bên này bên kia rầm rộ đưa đón như vậy. Họ lặng lẽ theo dõi từng cử chỉ của các cụ. Điều làm họ nhớ đời là đến bữa ăn trưa, các cụ từ chối mâm cơm thịnh soạn toàn món ngon của quân ông Hoài chuẩn bị. Các cụ tỉnh bơ ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ, lấy mo cơm nắm muối vừng mang sẵn từ chiến khu về và ung dung ăn một cách ngon lành. Ăn xong các cụ đem trái bầu khô đựng nước chè xanh cũng từ chiến khu về ra uống mỗi người một ngụm có vẻ sảng khoái. Dân chúng tròn xoe mắt chưa hết ngạc nhiên thì xe cứu thương của bệnh viện đã xuất hiện, hú còi inh ỏi, đưa các cụ về thị xã. Từ hôm đó trở đi không còn tin tức gì về các vị quan theo kháng chiến này nữa. Nhưng ai cũng tin rằng các cụ đã trải qua những năm cuối đời trong sự yên bình thanh thản. Dầu ở đâu các cụ luôn luyến tiếc những ngày làm dân kháng chiến ở chốn rừng sâu.

TRƯƠNG QUANG ĐỆ

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground