Tổng Bí thư Lê Duẩn và các con trai: Lê Hãn, Lê Kiên Thành, Lê Kiên Trung (1978) - Ảnh: TL
Để dò thấu về “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” trong quan hệ giữa hai cha con, tôi gợi chuyện:
- Ông gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc đó là Bí thư thứ nhất) lần đầu tiên vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào?
- Lần đầu tiên tôi gặp ông là năm 1959. Lúc đó, bố tôi sắp mất. Bố tôi bảo tôi ra gặp mấy chú ở ngoài trung ương, nói là đừng ai vào tiễn biệt, chuyện đơn giản thôi, việc Đảng việc Nhà nước mới quan trọng nhất. Tôi vào gặp ông. Đến gặp thì ông thư ký nói là anh Ba đang họp, có việc gì cứ chuyển lời qua cho ông, ông sẽ nói lại với anh Ba. Tôi nói không, không, việc này là việc riêng. Tôi đi ra, tôi về. Tôi ra đến cổng, ông Lê Duẩn đuổi theo, bảo ở lại. Ông hỏi cháu là đứa nào? Tôi bảo cháu con ông Thâm. Ông hỏi cháu tên gì, tôi nói tên Đại. Ông nói Đại bây giờ lớn lắm rồi, Đại thật rồi, bây giờ thế này, cháu ở lại với chú ở đây đã, chú đang họp. Trưa ấy, lần đầu tiên, tôi ăn cơm với ông và các vị trong Bộ Chính trị đấy. Ông giới thiệu đây là con đồng chí.
Từ ký ức đó của ông Hồ Ngọc Đại về lần gặp đầu tiên với Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi liên tưởng, lần giở cuốn “Lê Duẩn Tiểu sử” do NXB Chính trị Quốc gia xuất bản và bắt gặp những dòng viết về mối quan hệ đồng chí giữa Tổng Bí thư Lê Duẩn với bố của ông Hồ Ngọc Đại thế này: “Thấy phong trào quần chúng lên mạnh, bọn cầm quyền phản động ở tỉnh và các phủ tìm cách làm giảm uy tín và hạn chế hoạt động của các cựu chính trị phạm. Điển hình là ngày 16/12/1936, khi xét xử vụ kiện ở làng Vệ Nghĩa, tên tri phủ Triệu Phong đã dùng roi mây đánh cụ Hồ Ngọc Thâm, một cựu chính trị phạm ngay giữa công đường, khiến cụ tự cắn lưỡi để phản kháng. Nhân cơ hội đó, đồng chí Lê Duẩn chủ trương cho con trai cụ Hồ Ngọc Thâm (tức ông Hồ Ngọc Cừ - chú thích của người viết) kiện tên tri phủ lên Công sứ Quảng Trị, Khâm sứ Trung Kỳ và Bộ Thuộc địa Pháp, đồng thời trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ Triệu Phong phát động quần chúng đứng lên đấu tranh chống bọn quan lại đàn áp các cựu chính trị phạm. Kết quả, tên tri phủ Triệu Phong buộc phải xin lỗi cụ Hồ Ngọc Thâm” (Lê Duẩn Tiểu sử, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 91).
Trở lại với mạch chuyện ông Đại kể:
- Lúc đó, tôi đang ở Hải Phòng. Thỉnh thoảng, chủ nhật, tôi lên thăm nhà ông Lê Duẩn, có khi ăn cơm, nói chuyện. Từ năm 1962, tôi chuyển về Hà Nội và ở với ông. Ông rất là thân tình. Ông bảo bây giờ bố cháu không còn nữa. Bố cháu một đời chung thủy với cách mạng. Bây giờ cháu đến với chú. Lúc đó tôi chưa lấy vợ, mấy năm sau tôi mới cưới vợ mà. 4, 5 năm sau. Ông coi tôi như con cháu trong nhà thân tình. Ở với ông có một cái hay là ngay từ giờ phút đầu tiên, ông đã có thiện cảm. Hai bên ngay phút đầu tiên đã gần nhau, lạ thế. Tôi ở với ông là thoải mái nhất đấy. Từ lần gặp gỡ đầu tiên cho đến phút cuối cùng tiễn ông ra đi. Cả hai bên đều rất thoải mái, không có vấn đề gì cả, trao đổi rất thẳng thắn, rất thật. Ông đối với tôi vừa yêu mến, vừa tin cậy, hai cái quan trọng nhất. Cho đến giờ phút cuối cùng. Tôi ở với ông những ngày tháng ông ốm, mấy tháng trời tôi ở liền với ông, hằng ngày, hai cha con ăn với nhau, ở với nhau, thật thân tình.
- Trong đời, ông có nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư Lê Duẩn?
- Ông rất thật. Một người rất thật. Ông không bao giờ nói dối cả. Tôi ở với ông quan trọng nhất là ông rất thật. Những chuyện gì ông nói với tư cách của ông là như cá chém câu, nói rất thật. Ông là một người cộng sản đích thực, một trăm phần trăm là cộng sản, thuần túy là cộng sản, cộng sản đúng nghĩa. Cho nên ở với ông tôi thấy, cuộc sống nó yên lành và hai nữa có giá trị - Ông Đại nhắc lại, như muốn để nhấn mạnh - Cuộc sống yên lành, có giá trị. Ông tâm sự với tôi nhiều chuyện. Ông là một nhân vật lớn. Thực sự, cả tư duy lẫn lối sống, cả cách nghĩ, cách nói. Tôi ở với ông mấy chục năm không có chuyện gì. Ông đối với tôi rất thân tình. Nhiều khi đi đâu, ông bảo: “Đại có rỗi đi với ba”. Có khi tôi rỗi tôi đi, khi không rỗi tôi không đi. Có lần tôi nói tôi bận không đi được. Ông bảo Đại không đi, nó thật thà lắm, nó có việc. Ở với ông tôi rất thật. Không có xã giao, không đối phó, hết sức thật, chân thật. Ông cũng thích như thế. Cho nên ở với ông mấy chục năm, tôi với ông coi như hoàn toàn là thống nhất. Tôi chịu ông về cả ba mặt, về một lãnh tụ - người cha và một người thầy, người bạn. Mặt nào ông cũng hết sức tử tế. Tôi cư xử trong từng việc một theo ba tư cách ấy. Có tư cách tôi nghe theo, có tư cách tôi nói lại, có tư cách tôi trao đổi.
Tôi hỏi ông Đại nửa đùa, nửa thật:
- Có khi nào ông cãi lại bố vợ không?
- Có. Có lần, có việc tôi không đồng ý. Có việc như thế và ông cũng chịu đấy. Thời kỳ có người muốn cử tôi làm thứ trưởng ấy. Ông bảo người ta có thiện chí đấy. Ban Tổ chức Trung ương, mấy ông Lê Đức Thọ, ông Tố Hữu, mấy ông ấy có thiện chí đấy. Lúc ăn cơm, hai cha con ăn với nhau ông nói thế. Ông nói thêm: “Ba thấy người ta có thiện chí và ba thấy việc ấy có tiền đồ”. Tôi hỏi: “Thế ba quan niệm thế nào là tiền đồ”. Thì ông thôi, ông im lặng. Năm phút sau, yên tĩnh, ông trở lại nói: “Ông Đại làm bao nhiêu năm nay có nghề rồi”. Tôi hỏi: “Ba quan niệm thế nào là nghề?”. Ông bảo rằng, ba với Đại đang ăn cơm đây, muốn ra khỏi cái phòng này, không phải tìm chỗ sáng sáng nơi cửa sổ mà là chỗ tối tối kia kìa, nơi cửa ra vào, cái chỗ đang khép, đấy, nếu có nghề là như thế đấy. Tôi nói: “Nếu như thế con phải mất 30 năm”. Tôi hỏi lại ông: “Ba mất bao nhiêu lâu”. Ông bảo: “10 năm”.
Theo lời kể đó của ông Đại, nghề trong quan niệm của Tổng Bí thư Lê Duẩn là tìm ra một lối đi riêng, độc đáo: Lối ra không nằm ở chỗ dễ thấy một cách trực quan, mà lối ra nằm chính ở chỗ cánh cửa đang đóng. Lối tư duy thật độc đáo, khác biệt.
Trong mạch suy ngẫm về những tư tưởng mới, về tư duy sáng tạo lớn của Tổng Bí thư Lê Duẩn, tôi hỏi ông Đại:
- Tổng Bí thư Lê Duẩn từng chia sẻ gì với ông về tư duy đổi mới, xây dựng đất nước mạnh giàu?
- Ngay từ sau chiến tranh, ông đã muốn quan hệ với Mỹ. Hồi bấy giờ, sau chiến thắng năm 1975, tôi đã là tiến sĩ khoa học rồi đấy. Ông nói với tôi là ba làm chính trị quan hệ với Mỹ phức tạp lắm, Đại làm khoa học quan hệ sớm với Mỹ đi. Ngay từ thời kỳ đó đấy, 1975, 1976. Tôi lên gặp bà Bình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Tôi nói: “Chị tạo điều kiện cho tôi quan hệ với Mỹ”. Chị Bình nói: “May mà cậu nói với chị… ”. Cho nên thôi. Tôi về tôi kể lại với ông, ông cười. Ông mới lắm. Tôi đi với ông, có lần một vị Bí thư Thành ủy khoe với ông là hợp tác hóa làm xong rồi. Ví dụ cắt tóc. Ông bảo cắt tóc làm gì mà hợp tác hóa làm khổ người ta, người ta ở đâu làm đấy, tiện cho người ta. Vị Bí thư Thành ủy này bảo với tôi là ui dà, mình không ngờ khoe với cụ, cụ mắng cho trận. Tư tưởng của ông khác hẳn. Ông nhìn ra lối làm ăn lớn. Xã hội hiện đại khác xã hội ngày xưa. Những đổi mới ở Hải Phòng là nhờ ông ủng hộ. Đổi mới ở trên Vĩnh Phúc ông cũng ủng hộ. Với ông, làm chủ tập thể là quan trọng nhất, là tư tưởng cơ bản nhất. Ông thấy dân chủ là quan trọng. Tư tưởng về làm chủ tập thể là tư tưởng đúng và hiện đại. Mọi người đều như nhau cả. Cái quan trọng nhất trong tư tưởng của ông là mọi người dân đều như nhau, không phân biệt bằng giai cấp, không phân biệt bằng giàu nghèo. Các cá nhân đều như nhau hết. Cách tư duy của ông khác hẳn. Ông là người dân chủ triệt để đấy, theo cái nghĩa là dân chủ triệt để, không phải là dân chủ nửa vời. Dân chủ triệt để tức là người dân nào cũng như người dân nào. Không có phân biệt gì hết. Tư tưởng lớn là ở chỗ đó.
Nhớ đến điều Tổng Bí thư Lê Duẩn từng yêu cầu “vừa thiết lập sự làm chủ tập thể của cả cộng đồng xã hội Việt Nam, vừa phát huy cao độ quyền tự do chân chính của cá nhân, khơi dậy mọi năng lực sáng tạo của cá nhân, thống nhất hài hòa cá nhân với xã hội” (Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 367), tôi chia sẻ với ông Đại:
- Khi đề cập đến làm chủ tập thể, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói đến phạm trù cá nhân đấy.
- Đúng rồi. Trao đổi với nhau là ông trân trọng cái đó.
- Khi nói đến làm chủ tập thể, Tổng Bí thư Lê Duẩn có nói đến làm chủ bản thân: “Chế độ làm chủ tập thể đưa Nhân dân lao động lên làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân” (Lê Duẩn, Nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 516, 517) - Tôi tiếp tục gợi chuyện ông Đại.
- Đúng rồi. Cá nhân. Cho nên, một trong những điều lý thú giữa tôi với ông là về mặt triết học thống nhất được với nhau. Thỉnh thoảng, ông trao đổi với tôi về làm chủ tập thể, tôi biết là tư tưởng ấy nó mới.
Ở nhiều năm với một nhân vật đặc biệt, tư duy luôn mới và sáng tạo như vậy, dĩ nhiên ông Đại học tập được nhiều điều, đặc biệt là học bằng tâm phục, khẩu phục. Ông Đại xúc động nói với niềm cảm phục: “Tôi ở với ông, tôi phục ông, chịu ông, chịu về tư duy đấy. Những cái khác đã đành rồi, nhưng về tư duy, ông có những cái khác biệt. Nói ông là người thầy, chính là thầy thực sự đấy chứ không phải vì văn bằng đâu. Trình độ tư duy của ông cao, sắc sảo, đúng. Tôi ở với ông tôi học được ông nhiều lắm. Tư duy chính trị của ông hoàn toàn khác, không phải tư duy cai trị. Tư duy của ông là tư duy cùng làm chủ. Tư tưởng như thế là tư tưởng lớn về triết học. Ông là người hay đấy. Ông đọc triết, ông đọc hay thế này, ông đọc mỗi tác giả ông lấy ra một vài câu, toàn câu đích đáng cả. Ông là người rất đặc biệt”.
- Đã có những cuốn sách viết về Tổng Bí thư Lê Duẩn nhưng chưa đủ để nói hết về tầm vóc của một con người lỗi lạc. Ông có chia sẻ với ý kiến cho rằng, cần phải có thêm những công trình nghiên cứu công phu, những cuốn sách viết sâu về Tổng Bí thư Lê Duẩn?
- Đúng vậy. Với thời gian, người ta sẽ thấy thêm, hiểu thêm về ông. Tâm nguyện của ông là giành được độc lập tự do rồi, dân phải hạnh phúc, dân phải đi lên, dân phải làm chủ đất nước, vận mệnh. Bác Hồ quý ông. Có hai cái may: Bác Hồ có ông Lê Duẩn và ông Lê Duẩn có Bác Hồ. Bác Hồ nhận ra ông Lê Duẩn. Đất nước mình có hai người hay, kế tiếp nhau.
Khép lại buổi trò chuyện với ông Đại, bỗng nhớ lại chuyện ông Đại kể bố vợ khi nói về nghề đã ví dụ rằng, nghề chính là tìm lối ra ở chỗ cánh cửa đang đóng. Đấy là tư duy của “ngọn đèn hai trăm nến”, tư duy rọi chiếu lối ra trong gian khó trăm bề. Cùng chung niềm cảm phục với ông Đại và cả với muôn lòng dân Việt về tầm phát sáng của “ngọn đèn hai trăm nến”, tôi nói:
- Nghĩ lại mới thấy, thuở đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lãnh đạo đất nước đánh Mỹ bằng trí tuệ là chính chứ đâu chỉ bằng súng đạn.
- Đúng rồi - Ông Đại nói với tất cả niềm cảm khái sâu sắc của lòng mình - Ông là người mà tôi cho đất nước mình may có một người như thế!