Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đất rừng xanh thắm

C

ánh đồng Già – Voòng của xã miền núi Vĩnh Trường, huyện Gio Linh trông giống như chiếc quạt xòe ra hai bên đại lộ Hồ Chí Minh chạy từ thị trấn Bến Quan huyện Vĩnh Linh vượt sông Bến Hải rồi vươn xa vào phía Nam. Ít ai đồ rằng trên những lối mòn lịch sử xuyên dưới những cánh rừng đại ngàn còn in dấu chân của các nghĩa sĩ Cần Vương hơn 100 năm trước, hay vết xích xe tăng của những binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng miền Nam nay đã trở thành một đại lộ thanh thang mang tầm cỡ thời đại. Những ngọn đồi bát úp với những tên gọi nghe huyền bí như tên gọi của một thời tiền sử như Xà Luộc, Leng Keng, Vơng Vơng… nay đã thức dậy với màu xanh bạt ngàn của cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, rừng nguyên liệu… Thấp thoáng trong sương sớm là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn - tượng đài bất tử của khát vọng thống nhất non sông của dân tộc Việt Nam với hơn một vạn cán bộ chiến sĩ của khắp mọi miền đất nước về yên nghỉ giữa đất rừng của Vĩnh Trường. Xa hơn chút nữa là những thôn bản bình yên của đồng bào dân tộc Vân Kiều với những ngôi nhà ngói, nhà xây và những ngôi nhà sàn cất theo lối kiến trúc truyền thống của người xứ núi. Buổi sáng, tiếng chim quyên quy giục giã cỏ non nhú lá, mấy chú dê non tung tăng dưới ánh mắt trời. Trên khắp các ngã đường của thôn bản tấp nập các em học sinh người Vân Kiều cổ quàng khăn đỏ tung tăng cắp sách đến trường như vẽ vào bức tranh buổi sớm của xã miền núi Vĩnh Trường một gam màu mới…

 Cô giáo Hường – quê vùng sông nước Gio Việt, đến năm học 2010 – 2011 đã có năm năm thâm niên cắm bản. Năm 2006, tốt nghiệp Trường cao đẳng mẫu giáo mầm non Đà Nẵng, trở về Gio Linh cô tình nguyện lên nuôi dạy các cháu con em đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Vĩnh Trường. Đến nay cô giáo Hường được xem là con em của dân bản, với thói quen chạy xe máy vượt đèo Kù Rang để vận động bà con dân bản cho con em đến trường, hoặc thăm nom các cháu bị ốm phải nghỉ học. Và hôm nay cũng như mọi ngày, cô giáo Hường lại chuẩn bị một ngày đến lớp trên chiếc xe máy đã tróc hết màu sơn. Trước cô giáo Hường đã có nhiều thế hệ giáo viên miền xuôi lên dạy cái chữ Cụ Hồ cho đồng bào dân tộc Vân Kiều của hai xã miền núi của huyện Gio Linh, trong đó có xã Vĩnh Trường. Nhiều người trong số họ đã mãi mãi nằm lại với đất rừng vì sốt rét ác tính, vì bom đạn còn sót lại của chiến tranh. Dân bản thường bảo:

- Người Vân Kiều học được cái chữ của Cụ Hồ như con chim bay giữa trời.

Quả đúng như vậy thật!

Nhờ học được cái chữ của Cụ Hồ nên nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều của xã miền núi Vĩnh Trường như ông Hồ Vê, Hồ Hà, Hồ Hằng, Hồ Pừng… không những nhận thức được lý tưởng cách mạng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên cường bám trụ đánh Mỹ đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc, mà còn trở thành những cán bộ đảng viên gương mẫu được dân quý, dân tin. Sau ngày quê hương được giải phóng, được học cái chữ của Cụ Hồ, nhiều con em của dân bản như Hồ Văn Sơn, Hồ Thị Lam, Hồ Hải Sâm, Hồ Thị Mừng, Hồ Thị Hiền… không những trở thành điển hình sản xuất giỏi làm gương cho đồng bào dân tộc Vân Kiều noi theo mà còn trở thành những cán bộ chủ chốt của địa phương, lãnh đạo dân bản đổi mới sản xuất để xây dựng quê hương ngày một thêm giàu đẹp. Đặc biệt, nhiều con em của đồng bào Vân Kiều xã Vĩnh Trường còn phấn đấu thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Nhiều người trong số họ đã trở thành kỹ sư lâm nghiệp, giáo viên, nhạc sĩ. Trong lần về thăm quê hương, Hồ Thị Khai tốt nghiệp trường Cao đẳng văn hóa Hà Nội đã sáng tác bản nhạc nền cho điệu múa Tạc Xình truyền thống của dân tộc mình. Điệu múa Tạc Xình là tiết mục văn nghệ được cán bộ, đồng bào Vân Kiều các xã miền núi yêu thích nhất trong các buổi liên hoan văn nghệ mừng Đảng mừng Xuân.

Cũng đáng mừng thật. Cái vốn văn hóa lâu đời, đặc biệt là các làn điệu dân ca, các điệu múa truyền thống của đồng bào Vân Kiều đã bị thời gian và chiến tranh làm cho mai một nay đã được chính con em dân tộc mình khôi phục và phát huy đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Và đêm đêm trong các thôn bản bình yên như Khe Chứa, Khe Tre, Xóm Cồn, Già Voòng, Trường Thành các làn điệu dân ca như Oát, Ca-bi-cha-chấp… lại dìu dặt cất lên tô điểm cho cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều xã miền núi Vĩnh Trường ngày một thêm khởi sắc.

Trong những năm qua, thông qua nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án, huyện Gio Linh đã ưu tiên đầu tư cho các xã miền núi của huyện như Linh Thượng, Vĩnh Trường xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, trong đó có sự nghiệp giáo dục. Nhờ vậy, đến nay trường tiểu học của xã Vĩnh Trường đã được cao tầng hóa, có trung tâm nuôi dạy trẻ theo phương pháp bán trú. Thôn bản nào cũng có nhà nuôi dạy trẻ đạt tiêu chuẩn. Một trăm phần trăm con em trong độ tuổi của đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Vĩnh Trường được tiếp nhận vào nuôi dạy ở các cơ sở mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học. Nhờ đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, năm 2010 xã Vĩnh Trường được công nhận phổ cập tiểu học.

Nhờ đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục nên trình dộ dân trí của xã Vĩnh Trường ngày một nâng cao, lại được tập huấn kỹ thuật nên đồng bào Vân Kiều xã Vĩnh Trường đã thực hiện chuyển giao công nghệ trong sản xuất cây lúa nước, trồng cao su tiểu điền, trồng cây ăn quả một cách có hiệu quả. Và trên những ngọn đồi bát úp, dưới các lòng thung xung quanh đại bản doanh của Bộ tư lệnh 559 năm xưa, đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Vĩnh trường đã trồng được 107 ha cao su tiểu điền, 1860 cây ăn quả, 215 ha rừng nguyên liệu và gieo cấy 55 ha lúa nước mỗi năm. Và những người du kích kiên cường bám trụ đánh Mỹ trong chiến tranh như Hồ Về, Hồ Hà, Hồ Pừng… cũng như thế hệ sinh ra sau khi đất nước được thống nhất như Hồ Văn Sâm, Hồ Văn Ly, Hồ Thị Mừng, Hồ Thị Hiền… đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi với thu nhập 50 triệu đồng mỗi năm. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã Vĩnh Trường đã đạt gần 6 triệu đồng/ năm.

Kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Vân Kiều xã miền núi Vĩnh Trường đầu tư xây dựng đời sống văn hóa ngày càng tiến bộ. Đến nay, cả 5 thôn bản trong toàn xã đã phát động toàn dân đoàn kết xây dựng đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa. Cảnh quan thôn bản ngày càng xanh sạch đẹp làm cho nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thêm ấm cúng, gần gũi.

Ông Hồ Vê – đảng viên lão thành, nguyên bí thư Đảng bộ xã Vĩnh Trường bồi hồi nhớ lại:

- Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, xã Vĩnh Trường gặp bao nhiêu khó khăn chồng chất. Đất ruộng sản xuất bị tàn phá, trâu bò cày kéo bị giết hại, đặc biệt 2/3 đồng bào dân tộc Vân Kiều không biết chữ. Trước thực trạng đó, cùng với việc khắc phục hậu quả chiến tranh, để khôi phục sản xuất đảm bảo ổn định đời sống lương thực, xã Vĩnh Trường còn tập trung vận động đồng bào đi học bổ túc văn hóa để xóa mù, cho con em đến trường để học cái chữ. Nhiều cán bộ, sĩ quan thuộc Bộ tư lệnh 559 đã tự nguyện làm giáo viên bình dân học vụ để dạy cái chữ của Cụ Hồ cho đồng bào dân tộc Vân Kiều. Năm 1956, khi hai huyện Gio Linh – Vĩnh Linh sát nhập thành huyện Bến Hải, nhiều đồng bào dân tộc của xã Vĩnh Trường đã đọc thông, viết thạo. Nhờ học được cái chữ của Cụ Hồ nên đồng bào dân tộc Vân Kiều xã Vĩnh Trường rất tiến bộ trong sản xuất, trong tổ chức đời sống sinh hoạt, trong phòng chống bệnh tật. Năm 2009, trở lại thăm chiến trường xưa, đại tá Trần Quang Vinh – người tỉnh Bắc Giang, nguyên sĩ quan thuộc Bộ tư lệnh 559 đã hết sức ngạc nhiên và vui mừng khi gặp lại cô bé Vân Kiều được chính mình dạy cho những chữ cái đầu tiên và trước khi chuyển ra Bắc cô bé đã viết được câu “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng thiếu niên nhi đồng?”.Cô bé Vân Kiều đó chính là bà Hồ Thị Lam – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vĩnh Trường bây giờ. Cảm động thật!

Nói xong, ông Hồ Vê đưa mắt nhìn rưng rưng ra nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn trước mặt. Chính những người lính, những người giáo viên miền xuôi và cả cô giáo Hường hôm nay, cũng như máu xương của hàng vạn cán bộ chiến sĩ đã góp phần làm cho đất rừng Vĩnh Trường ngày một thêm xanh thắm.

N.N.P

 

 
 
NGÔ NGUYÊN PHƯỚC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 207 tháng 12/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground