Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Dấu ấn Champa qua một số danh xưng ở Quảng Trị

*Vài nét về người Chăm ở Quảng Trị

Quảng Trị là một vùng đất có lịch sử định cư lâu đời; là địa bàn có vị trị đặc biệt trong các thời kỳ lịch sử; là nơi phân định ranh giới của nhiều triều đại phong kiến. Quảng Trị cũng là địa bàn cộng cư của người Việt, người Chăm, một số cư dân tộc người thiểu số. Sự gắn kết, hội nhập trong quá trình lịch sử đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên, do những biến động lịch sử và tiếp xúc văn hóa - tộc người, ngày nay ta khó có thể xác định được số liệu về cư dân Chămpa trên địa bàn. Nói cách khác, sự hiện diện của người Chăm trên đất Quảng Trị không còn được rõ ràng như ở các khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và một số địa bàn ở Nam Bộ. Mặc dù vậy, dấu ấn văn hóa Chămpa, sự ảnh hưởng của “cơ tầng” văn hóa, ngôn ngữ Chămpa trong đời sống cộng đồng cư dân ở Quảng Trị là điều có thể khẳng định.

Champa là gọi theo tiếng Phạn hoặc tiếng Chăm. Người Hán trước đây thường gọi là Chiêm Ba hay Chiêm Thành. Chămpa là một quốc gia cổ từng tồn tại từ năm 192 đến năm 1832. Cương vực của Chămpa xưa chủ yếu vùng duyên hải Trung Bộ, lúc mở rộng nhất trải dài từ Hoành Sơn (Đèo Ngang), đến Bình Thuận ngày nay. Về nguồn gốc tộc người, nhiều nghiên cứu cho rằng, người Chăm có nguồn gốc Mã Lai -Polynesia di cư đến đất liền Đông Nam Á từ Borneo vào thời kì Văn hóa Sa Huỳnh (khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên). Như vậy, cư dân Chămpa có nguồn gốc từ thế giới Đa Đảo mà giống người chiếm đa số và ưu thế là người Indonesien. Người Chăm trong thời vương quốc Chămpa lịch sử bao gồm hai bộ tộc chính là bộ tộc Dừa (Narikelavamsa) và Cau (Kramukavamsa). Bộ tộc Dừa sống ở Amaravati và Vijaya trong khi bộ tộc Cau sống ở Kauthara và Pandaranga. Sau này, người ta thường chia dân cư Chăm thành ba nhóm: Chăm Hroi, Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, Chăm Nam Bộ. Họ sống tập trung trong các thôn xóm riêng biệt gọi là palei.

Chămpa là một quốc gia thuộc thể chế quân chủ, nhưng không theo hình thức nhà nước phong kiến “trung ương tập quyền" mà là một dạng nhà nước liên bang gồm một số tiểu vương quốc kết hợp lại. Có người cho rằng, vương quốc Champa có thể được kết hợp từ bốn tiểu quốc (hay bị chia nhỏ thành bốn địa khu) là Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga. Mỗi tiểu quốc (hay địa khu) đều có thể chế chính trị theo hình thức tự trị. Vương quốc Chămpa đã trải qua nhiều thời kì, nhiều triều đại, với nhiều lần dời đô do những biến cố về lịch sử và quyền lãnh thổ ở từng thời kì khác nhau.

Về văn hóa, trải qua gần 20 thế kỉ tồn tại và phát triển, người Chăm đã tiếp nhận những yếu tố văn hóa ngoại lai để sáng tạo nên một nền văn hóa đặc trưng với nhiều loại hình, phản ánh đầy đủ, sinh động đời sống tộc người; làm nên một nền văn minh Chămpa nổi tiếng, đặc biết là kiến trúc và công nghệ gốm sứ. Qua những di tích đền đài người Chăm để lại dọc dãy đất miền Trung Việt Nam, các nhà nghiên cứu đánh giá là người Chăm đã đạt tới trình độ cao về nghệ thuật kiến trúc. Vào thế kỉ thứ VII, người Chăm đã biết xây tháp mà hôm nay những nhà khoa học trên thế giới vẫn thán phục và đặt nhiều câu hỏi xung quanh nghệ thuật kiến trúc này. Các tháp Chăm, đặc biệt, khu đền tháp Thánh địa Mĩ Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (1999), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng khác ở Đông Nam Á, như Angkor (Campuchia), Pagan (Myanmar), Borobudua (Indonésia).

Cũng do biến động của lịch sử, các di tích Chămpa trên đất Quảng Trị (cả di tích văn hóa vật thể và phi vật thể) không còn được vẹn nguyên, rõ ràng, đầy đủ như ở các khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và một số địa bàn ở Nam Bộ, Tây Nguyên. Mặc dù vậy, từ kết quả của các cuộc khai quật các di chỉ, đặc biệt là di chỉ Bình Trà ở Vĩnh Linh; lòi Rú Bàu Đông và Cồn Chùa ở Gio Linh, có thể phản ánh phần nào lịch sử hình thành, phát triển văn hóa Chămpa (từ Văn hóa Sa Huỳnh - từ cuối thời kì đá mới đến sơ kì kim khí). Đến nay, dấu tích nền văn minh Chămpa  còn hiện diện khá nhiều ở Quảng Trị, đặc biệt là di tích văn hóa vật thể. Đó là các miếu cổ, thành lũy, mộ táng và đặc biệt là hệ thống các công trình dẫn thủy cổ, được xếp bằng đá ong tại khu vực Tây, Đông Gio Linh và Cam Lộ. Một số nơi còn dấu tích của các công trình đền tháp như ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng. Tại một số phế tích tháp Chăm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một số tượng linga, tượng nữ thần Uma, tượng bò thần và phù điêu thấn Siva… Nhìn chung, văn hóa Chămpa ở Quảng Trị là những dấu ấn từ những di tích đền tháp, những biểu tượng tôn giáo, và những chứng tích còn ghi dấu qua một số tên gọi (danh xưng) qua địa danh. Tuy nhiên, danh xưng vùng này lưu lại không nhiều, được tìm thấy dấu vết qua tên gọi của người Chăm cổ mà không có sự kế thừa, phát triển thành những tên gọi chính thức. Nói cách khác, đây là những yếu tố văn hóa “cơ tầng” Chăm, chịu ảnh hưởng của “cơ chế vận hành” văn hóa - ngôn ngữ của các nền văn hóa khác, đặc biệt là văn hóa người Việt.

Qua dấu vết của các lớp văn hóa đã tìm thấy, chúng ta có thể thấy được đặc điểm nổi bật của văn hóa Quảng Trị là sự hội nhập qua các thời kì và sự ảnh hưởng của nó đến các tầng ngôn ngữ đang chồng xếp lên nhau, hoặc giao thoa nhau. Đó là các sự kiện văn hóa của người Việt cổ, văn hóa Hán, văn hóa Chămpa được đan xen với văn hóa Việt hiện đại hay sự giao thoa giữa văn hóa người Việt với văn hóa một số tộc người thiểu số thuộc các dòng hoặc nhóm tộc người, ngôn ngữ khác trên địa bàn.

Một góc huyện Đakrông, Quảng Trị-Ảnh Bảo Nhi

Một góc huyện Đakrông, Quảng Trị-Ảnh Bảo Nhi

Thử tìm cơ tầng ngôn ngữ Chăm qua một vài danh xưng ở Quảng Trị

Ngôn ngữ Chăm thuộc họ Nam Đảo (Austronesian), dòng Mã Lai - Đa Đảo (Malayo - polynesian); là họ được xác định có khoảng 500 ngôn ngữ thành phần với khoảng hơn 150 triệu người sử dụng. Họ ngôn ngữ này lại có thể chia thành hai nhánh: nhánh phía đông và nhánh phía tây. Nhánh phía tây lại có thể chia thành hai nhánh nhỏ (tiểu nhánh): tiểu nhánh Đông Indonesian gồm những ngôn ngữ sử dụng ở Tân Ghine, ở đảo Maluccan,…và tiểu nhánh Hesperonesian, gồm hai nhóm là nhóm Tây Indonesian và nhóm Bắc Indonesian. Nhóm Tây Indonesian được chia thành hai tiểu nhóm: tiểu nhóm gồm các ngôn ngữ Nam Đảo được sử dụng ở Indonesia, Brunei, Malaysia,...và tiểu nhóm Nam Đảo lục địa hay còn gọi là tiểu nhóm Chàm. Tiểu nhóm này gồm ngôn ngữ Chăm và ngôn ngữ của các tộc người thiểu số như Êđê, Jrai, Chru, Raglai, cư trú tại vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và một số địa phương, quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á lục địa. Ngôn ngữ tiểu nhóm Chăm được hình thành bởi cơ tầng Mã Lai - Đa Đảo và cơ chế Môn-khmer.         

Đối với Quảng Trị, theo cách phân chia các vùng phương ngữ trong tiếng Việt, tiếng Quảng Trị cùng với tiếng Quảng Bình và tiếng Thừa Thiên Huế tạo thành tiếng địa phương Bình Trị Thiên, phân biệt với tiếng địa phương Nghệ Tĩnh trong phương ngữ Bắc Trung Bộ. Tiếng Quảng Trị mang những đặc điểm chung của vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ nói chung mà gần hơn là tiếng địa phương Bình Trị Thiên. Đó là hiện tượng biến âm xảy ra hàng loạt ở các yếu tố cấu tạo nên âm tiết (âm đầu, vần). Hiện tượng này cũng thấy rõ ở sự khác nhau giữa ngôn ngữ vùng Bắc và Nam Quảng Trị. Ngoài ra, hiện tượng đa dạng về về các biến âm trong nội bộ tiếng địa phương cũng có hiện tượng đặc biệt. Hiện tượng này không chỉ xảy ra giữa các làng, xã khác nhau mà còn xảy ra trong phạm vi một làng. Về từ vựng, tiếng Quảng Trị cũng như vùng Bình Trị Thiên nói chung còn lưu giữ một số từ cổ tồn tại song song bên các lớp từ mới cùng nghĩa (mụ - bà; nốôc - thuyền; trốôc - đầu,...). Song song với sự phát triển, biến đổi về địa lí, lịch sử và hành chính, đặc biệt là tiếp xúc văn hóa - tộc người, các yếu tố của văn hóa ở Quảng Trị tất yếu có sự biến đổi theo. Có thể khẳng định, dưới tầng văn hóa, ngôn ngữ Việt là các lớp văn hóa, ngôn ngữ khác như Chăm, Hán, Vân Kiều, Tà Ôi (Pacoh). Sự chồng xếp lên nhau bởi nhiều lớp ngôn ngữ trên một số không ít đối tượng trên địa bàn đã làm cho chúng ta khó nhận diện ra các yêu tố đó được tạo ra bởi “cơ tầng” và được vận hành theo “cơ chế” nào. Bởi vậy, khi tìm hiểu nghiên cứu một danh xưng nào đó ở Quảng Trị chúng ta phải tìm hiểu trên cơ sở nét đặc trưng về địa lí, lịch sử, dân cư, văn hóa, ngôn ngữ của vùng đất này qua các thời kì khác nhau, trên cơ sở đó nhằm bóc tách những yếu tố chồng xếp lên nhau để có thể nhận diện được yếu tố ngôn ngữ - văn hóa ban đầu mà đối tượng mang tên. Tuy nhiên, vấn đề là hết sức khó khăn bởi sự phức tạp của diễn tiến lịch sử và quan trọng hơn là sự hiểu biết của người viết còn hạn chế, trong khi tư liệu về vấn đề này còn ít.

Mặc dù vậy, chúng tôi cũng mạnh dạn thử đi tìm cơ tầng ngôn ngữ Chăm qua một số danh xưng trên địa bàn, chủ yếu là các địa danh (tên riêng đối tượng địa lí) hoặc các thành tố của địa danh. Chúng ta biết rằng, về cấu tạo, địa danh bao giờ cũng gắn liền với thành tố chung, và cùng với thành tố chung làm thành một phức thể địa danh. Nói cách khác, địa danh luôn đi liền với thành tố chỉ loại hình của địa danh đó. Việc chúng ta cần tìm kiếm là “tính lí do” của tên gọi đối tượng địa lí đó, trong lúc muốn làm rõ “tính lí do” của một địa danh thì phải làm rõ thành tố chung (tức thành tố chỉ loại hình của địa danh đó). Có thể dẫn cụ thể một số trường hợp như sau:

- Thành tố Cam (trong Cam Lộ và các xã trực thuộc huyện có thành tố Cam). Chúng tôi cho rằng Cam là một yếu tố gốc Chăm (Cam tức là Chăm, Chàm). Lộ là một yếu tố gốc Hán, với việc chỉ một khu vực hành chính xưa (đạo, châu). Danh xưng Cam Lộ có từ thời vương quốc Chămpa. Tên gọi khác có yếu tố Cam (Cam Chính, Hiếu, Nghĩa, Thanh, Thành, Thủy, Tuyền) là những địa danh được định danh sau này trên cơ sở dựa vào thành tố Cam (thành tố gốc).

- Thành tố Tràtrong các tên làng, như Trà Liên, Trà Lộc, Trà Trì, là một yếu tố gốc Chăm, hay nói một cách khái quát hơn là một yếu tố của ngôn ngữ gốc Nam Đảo. Đây là điều rất thú vị, bởi chúng ta phải kết hợp lí thuyết loại hình ngôn ngữ với các hiện tượng giao thoa ngôn ngữ trong quá trình tiếp xúc văn hóa - tộc người để xem xét vấn đề. Trong các ngôn ngữ thuộc dòng Mã Lai - Đa Đảo ở Việt Nam, có êa (nước, suối - Êđê); ia, ya (nước, suối - Jrai). Các từ này cũng có thể được dùng như là xứ, xứ sở. Chúng tôi cho rằng, đây là hiện tượng đồng âm mà trong nhiều ngôn ngữ đều tồn tại. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, từ nước được hiểu là một chất lỏng (H20), cũng có thể dùng với nghĩa quốc gia, dân tộc (nước Việt Nam). Từ việc sử dụng các thành tố chung của các tộc người bản địa cùng sử dụng nhóm ngôn ngữ (ia, ya, êa,) cho phép ta nghĩ đến một thực tế, nơi con người đến cư trú (xứ sở) tất yếu gắn với (hoặc gần) nguồn nước. Và vì vậy, nướcxứ sở được sử dụng là nơi cư trú của họ (Êa Drang, Ya Drang - xứ sở (nơi) nhiều chim phượng hoàng). Với âm trà là do người Việt (người Kinh) đọc trại âm ia, ya, hoặc êa mà thành. Như vậy, có thể nói, trà ở đây được hiểu là xứ sở, nơi chốn (một thành tố chung của địa danh). Tuy nhiên khi người Việt đặt trước một thành tố khác để chỉ loại hình (sông, cầu, thôn,…) thì trà trở thành một thành tố của tên riêng. Lúc này, thành tố trà không liên quan đến nghĩa của loại hình địa danh đó nữa. Nói cách khác, người ta không quan tâm đến “tính có lí do” của địa danh đó. Thành tố trà xuất hiện nhiều nơi với sự có mặt của người Chăm (Trà Khúc, Trà Bồng,.. ở Quảng Ngãi; Trà Mi, Trà Kiệu,…ở Quảng Nam; Trà Bá ở Gia Lai; Trà Lân ở Nghệ An, v.v…). Ở đây cần phân biệt với yếu tố trà trong Trà Bàn ở Bình Định. Trà Bàn là do đọc trại từ Chà Bàn. Đây là tên khác (do người Việt gọi) kinh đô Vijaya (kinh đô Champa sau khi rời bỏ Indrapura vào năm 1000, và trước khi chuyển về Bal Ywa, Bal Lai, Bal Caung…và sau đó đến Bal Canar ở Phan Rí),

- Thành tố Cửa trong Cửa Việt, Cửa Tùng,…Chúng tôi cho rằng đây là yếu tố gốc Chăm, với lí do: Thứ nhất, vùng duyên hải được người Chăm thích chọn làm nơi cư trú và làm ăn. Các thành tố loại hình của địa danh thường xuất hiện sớm và về cơ bản có nguồn gốc bản địa. Vì vậy, người Chăm không dùng yếu tố môn (tiếng Hán) để chỉ đối tượng này. Thứ hai, là tộc người sử dụng ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo, người Chăm sẽ chọn dùng Keluar (một từ thuộc ngôn ngữ Nam Đảo, với nghĩa là lối ra vào, lối thoát, cửa ngõ). Điều này ta thấy rõ ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, chẳng hạn thủ đô của Malaysia là Kuala Lumpur (Kualacửa sông, cửa biển). Thứ ba, người Việt đã phát âm Keluar thành cửa, thậm chí vùng Nghệ An đã phát âm thành Cửa Lò. Thực tế thì vùng miền Trung (nơi sinh sống chủ yếu của người Chăm hoặc ảnh hưởng nhiều văn hóa Chămpa) là hay dùng yếu tố này (Cửa Lò, Cửa Hội ở Nghệ An; Cửa Sót, Cửa Nhượng ở Hà Tĩnh; Cửa Nhật Lệ, Cửa Hòn La, Cửa Hòn Chùa,.. ở Quảng Bình; Cửa Từng, Cửa Việt ở Quảng Trị, Cửa Thuận An, Cửa Tư Hiền ở Thừa Thiên Huế, Cửa Đại ở Quảng Nam, Cửa Nam Ô ở Đà Nẵng,…), trong lúc ở Nam Bộ hay dùng bến hơn. Hơn nữa, đây là vùng đất mới, và giao thương chủ yếu là với người Trung Hoa nên các yếu tố cửa chủ yếu dùng theo tiếng Hán (môn). Các yếu tố cửa ở vùng Bắc Bộ xuất hiện sớm, tuy nhiên không nhiều, và sử dụng theo tiếng Hán. Trong 56 đối tượng được gọi là cửa biển trên toàn quốc thì có 30 đối tượng là ở miền Trung.

- Thành tố rào (chỉ con sông nhỏ) trong một số địa danh khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó có Quảng Trị là một từ rất cổ. Trong tiếng Nôm, rào chỉ có nghĩa là rào giậu, hàng rào, rào đón. Trong tiếng Hán cũng không thấy từ này. Chúng tôi đang ngờ rằng đây là một từ gốc Chăm, trên cơ sở từ Danaw bị đọc trại đi. Từ này cũng hầu như chỉ xuất hiện bởi khu vực miền Trung nhằm chỉ một đối tượng là sông. Vùng nam Nghệ An và đông bắc Hà Tĩnh (nơi có nhiều cư dân gốc Champa sinh sống), trước đây khi còn ít ảnh hưởng tiếng phổ thông thì chỉ gọi đối tượng này là rào (không gọi sông), và tất cả mọi trường hợp đều sử dụng với tư cách thành tố chung (chỉ loại hình) của các địa danh có thành tố rào. Ở Quảng Trị hay Thừa Thiên - Huế cũng tương tự. Một số địa danh có thành tố là rào đứng ở vị trí thứ nhất hoặc thứ hai thì đều là những yếu tố rất cổ, rất khó giải mã (Rào Trăng- Thừa Thiên Huế; Rào Gang- Nghệ An; bàu Bợc Rào- Quảng Trị). Thực tế thì vùng miền Trung (nơi sinh sống chủ yếu của người Chăm hoặc ảnh hưởng nhiều văn hóa Champa) là hay xuất hiện yếu tố này. Một số địa danh ở Quảng Trị có thành tố rào hiện nay (rào Cạn, rào Vịnh, rào Cụt, xóm Rào,…) đều do thời nay dựa vào thành tố chung (rào) để đặt tên.

- Danh xưng Đak Rông (Dak Krông). Hiện nay trong giao tiếp, trên các phương tiện truyền thông và trong các văn bản, Dak Rôngcòn được gọi và viết là Đa Krông (Từ điển đơn vị hành chính Việt Nam, NXB Từ điển Bách khoa);Đakrông(các văn bản chính thức hiện nay của tỉnh Quảng Trị. Vừa qua, đã có một số ý kiến bàn về vấn đề này. Thậm chí có người cho rằng danh xưng này có nguồn gốc ngôn ngữ Nam Đảo (dựa vào yếu tố krông cũng như mối quan hệ của nhóm Chăm Hroi với các sắc dân Tây Nguyên, đặc biệt là người Bahnar). Chúng tôi xin có vài ý kiến trao đổi vấn đề này như sau: Các tộc người sử dụng ngôn ngữ thuộc dòng Môn - Khmer có từ dak, dar chỉ khái niệm nước. Từ dak hay dar có thể là nước, suối nước, dòng nước, hồ nước, giống như êatrong từ ngữ của các tộc người sử dụng ngôn ngữ thuộc dòng Mã Lai - Đa Đảo, và cũng có thể được dùng như là xứ, xứ sở, nơi cư trú. Trong khi đó các tộc người thiểu số Trường Sơn Tây Nguyên của Việt Nam đều sử dụng yếu tố krông chỉ khái niệm sông. Yếu tố này còn là phổ biến đối với mọi miền đất nước với các biến thể như khoong, khloong, klông, kroong và một số biến thể khác trên cơ sở cách phát âm của các tộc người khác nhau, (trong đó khloong, kroong là những biến dạng gần nhất của từ gốc), đã được Hoàng Thị Châu miêu tả trong Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông. Và, cũng như trường hợp ia, ya, êa, chúng có thể được dùng như là xứ, xứ sở, nơi cư trú. Danh xưng (địa danh Dak Rông) lại nằm trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số cư trú, mà cụ thể là Bru - Vân Kiều (còn gọi là Bru, Vân Kiều, Ma Coong, Trì, Khùa) và Tà Ôi (Pacoh), trong lúc các tộc người này lại sử dụng ngôn ngữ dòng Môn-khmer (tức cùng hệ dòng với hầu hết các tộc người thiểu số còn lại ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên ngoài Êđê, Jrai, Chru, Raglai). Với các tộc người thiểu số Tây Nguyên, khi cần sử dụng để chỉ một khái niệm riêng biệt, như nước (êa, ia, ya - tiếng các tộc người nói ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo; dak - tiếng các tộc người nói ngôn ngữ Môn-khmer), nhưng khi cần sử dụng để chỉ một khái niệm sông suối hay sông nước nói chung, họ lại kết hợp hai yếu tố lại với nhau. Ví dụ: êa krông, hay dak krông (nói chung về sông ngòi, sông suối). Như vậy, trường hợp trên đây sẽ xảy ra hai khả năng: thứ nhất, nếu viết và đọc Dak Krông thì đây là từ chỉ sông nói chung, chưa phải là tên riêng; thứ hai, nếu viết và đọc Dak Rông sẽ có đầy đủ hai thành tố (chung và riêng) trong phức thể địa danh.

Bởi cùng dòng ngôn ngữ, các tộc người sử dụng ngôn ngữ Môn-khmer khu vực này đều là ngôn ngữ đơn lập, và điều ngạc nhiên là có rất nhiều từ giống nhau về nghĩa từ vựng, ngay giữa tiếng Việt và tiếng Bahnar cũng vậy. Các cặp từ như con/kon, công/kông, rông/rông đều có nghĩa giống nhau. Thành tố rông trong tiếng Bahnar (một ngôn ngữ rất gần với tiếng Bru-Vân Kiều và tiếng Tà Ôi) không mang nghĩa là rộng. Tuy nhiên khi sử dụng trong sự kết hợp với các danh từ, ý nghĩa đó lại được thể hiện, chẳng hạn, nhà rông (nhà lớn, nhà rộng, nơi sinh hoạt cộng đồng). Khi hỏi nhận thức về ý nghĩa của địa danh này, không ít người Pacoh cho rằng Dak Rông có nghĩa là dòng sông lớn, sông rộng.

Từ một số cứ liệu trên đây, chúng tôi cho rằng, Dak Rông là một địa danh được định danh bằng tiếng Bahnar-một ngôn ngữ đơn tiết, dòng Môn-khmer (một tộc người có ảnh hưởng sâu đậm với nhóm Chăm Hroi - nhóm Chăm dùng kí tự Latin, trong lúc Chăm Islam thì dùng kí tự A Rập), và có thể khẳng định đây không phải là địa danh gốc Chăm, hoặc thành tố nào trong đó là gốc Chăm, bởi tiếng Chăm là một ngôn ngữ đa tiết thuộc dòng Mã Lai - Đa Đảo. Xuất phát từ đặc điểm này, chúng tôi thể hiện tộc danh Champa theo hình thức của ngôn ngữ đa tiết.

Cũng từ việc xác định nguồn gốc ngôn ngữ của địa danh (đơn lập), chúng tôi cho rằng, hai âm tiết (cũng là hai hình vị) phải được viết tách rời nhau (Dak Rông). 

*Thay lời kết

Trên đây là vài nét sơ lược với mong muốn là tìm ra “cơ tầng” Chăm trên một số đối tượng là danh xưng (chủ yếu là địa danh) trên địa bàn Quảng Trị, nơi mà lịch sử ghi dấu ấn đậm nét của một tộc người có nền văn minh phát triển hơn một ngàn năm. Do khuôn khổ một bài viết, và quan trọng hơn là kiến thức hạn chế, chúng tôi chưa có khả năng để trao đổi rộng hơn, sâu hơn những nội dung đề cập. Rất mong được độc giả và các nhà khoa học cùng tham gia trao đổi.

                                                                                                                     

Trần Văn Dũng

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground