ơn nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, trong mắt người Quảng Trị, vùng đất Cùa thuộc miền Tây huyện Cam Lộ được xem là xứ hồ tiêu và nức tiếng cùng với các loại sản vật như mít ngọt, chè xanh, măng khô, mộc nhỉ… Từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, hạt hồ tiêu của xứ Cùa được các thương nhân mua rồi theo sông Hiếu chở về Cửa Việt Yên, đưa vào bán tại Sài Gòn – Lục tỉnh. So với toàn huyện Cam Lộ thì xứ Cùa có vị trí số một về các loại nông sản đặc sản. Và đời sống của người nông dân xứ Cùa thì phong phú và nhiều cái hay lắm…
Cuộc đất giàu sản vật, chẳng những nó tạo ra vật chất nuôi nấng con người mà nó còn sinh ra một nếp sinh hoạt sôi động của các vùng nông thôn trong cuộc sống thường ngày. Cái phần đời mà cuộc đất giàu sản vật sinh ra ấy chính là chợ Cùa – nguồn văn hóa nội sinh, đặc trưng của xứ Cùa. Nói như các nhà thơ, đó là hồn quê. Người nông dân xứ Cùa vốn có gốc rễ là con dân của xứ đàng ngoài theo các cuộc di dân vào đàng trong, thấy cuộc đất xứ Cùa giàu sản vật mang lại cho họ đời sống phong phú và sôi nổi nên đã dừng lại lập ấp, khai canh, góp phần xây dựng nên xã Cam Chính, Cam Nghĩa ngày nay. Cái hồn quê phong phú và ấm cúng ấy đã nhập vào và sưởi ấm hồn người trong buổi đầu sinh cơ, lập nghiệp. Thế rồi, tình yêu quê hương đất nước đến từ đời nào không sao biết được, chắc chắn nó đến trước khi người dân xứ Cùa nắn nót con chữ của bài học đầu đời về tình yêu Tổ quốc…
Cuộc đất giàu có của xứ Cùa chẳng những làm cho cuộc đời của người dân ấm no, tâm hồn họ đẹp ra mà nó còn góp phần hình thành nên một trung tâm buôn bán, giao thương khá sầm uất ở miền Tây huyện Cam Lộ. Giờ đây, bất cứ ai đến huyện Cam Lộ đều tận dụng mọi cơ hội để đến thăm chợ Cùa. Bởi vì, chợ Cùa không chỉ là nơi buôn bán, giao thương sầm uất mà còn là một địa chỉ du lịch hấp dẫn với căn cứ thành Tân Sở - Kinh đô kháng chiến của phong trào Cần Vương hơn 100 năm trước, nơi mà nhà vua yêu nước và nghĩa quân của mình đã để lại nhiều dấu tích lịch sử nay đang được huyện Cam Lộ và ngành văn hóa phục dựng và tôn tạo.
Nằm ở trung tâm miền Tây của huyện, chợ Cùa đã trở thành một chứng nhân lịch sử chứng kiến bao đổi thay của quê hương đất nước. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi đến những năm tháng khôi phục đất nước vững bước đi lên trên con đường đổi mới, hội nhập, chợ Cùa vẫn giữ vai trò trung tâm giao dịch, buôn bán lớn nhất của miền Tây huyện Cam Lộ. Đến nay những kiến trúc ban đầu của chợ Cùa không còn nữa. Sau chiến tranh, năm 1975 do nhu cầu trao đổi hàng hóa và buôn bán của nhân dân trong vùng, chợ Cùa được đầu tư xây dựng lại. Tuy được xây dựng lại, nhưng chợ Cùa không hề lạc lỏng với cuộc sống của người dân quê nơi đây. Có lẽ chính dấu ấn lịch sử của căn cứ Tân Sở với những di tích còn sót lại sau bao dâu bể của đời người đã làm nên sức hấp dẫn riêng có của chợ Cùa.
Bà Nguyễn Thị Thành, một tiểu thương trong một gia đình có ba thế hệ buôn bán ở chợ Cùa đã tâm sự: “Tôi bắt đầu nghề buôn bán cùng gia đình tại đây khi mới 15 – 16 tuổi. Từ ngày đất nước còn nghèo, lạc hậu cho đến nay chợ luôn là trung tâm thương mại của vùng miền Tây huyện Cam Lộ. Ở đây không thiếu một thứ gì từ củ hành củ tỏi, hạt hồ tiêu, mớ rau, con cá, hoa quả bốn mùa… cho đến bánh kẹo, vải vóc, giày dép, đồ mộc gia dụng, đồ điện tử, đồ lưu niệm, máy móc,…” Còn anh Phan Tư, chủ một cửa hiệu bán đồ điện tử thì phấn khởi nói: “Thời kỳ đổi mới, hội nhập cũng làm cho chợ đổi thay nhiều lắm. Với các loại cây trồng, con nuôi mới, đặc biệt là cây cao su, cây hồ tiêu nên người nông dân ngày một giàu hơn, họ mua sắm nhiều loại hàng đắt tiền như ti vi, tủ lạnh, quạt máy, bình nước nóng lạnh. Nhờ đó mà doanh thu của tôi năm nào cũng tăng. Để thỏa mãn nhu cầu mua sắm của dân, các chủ hàng ở chợ Cùa phải đầu tư mở rộng kinh doanh và đưa về nhiều hàng mới. Dân giàu thì nước mạnh. Giới kinh doanh ở chợ Cùa phấn khởi lắm!”
Nhìn bên ngoài ai nghĩ chợ Cùa chật chội, nhưng khi vào bên trong thì mới thấy chợ Cùa khá rộng. Đến đâu khách hàng cũng choáng ngợp trước sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn của các loại hàng hóa, nhất là các sản vật độc đáo của xứ Cùa như hồ tiêu, chè xanh và nhiều lâm sản quý như mật ong, mộc nhỉ, cùng với nhiều mặt hàng tiêu dùng của thời hiện đại…
Chợ Cùa chia thành các khu vực riêng như quần áo, vải vóc, đồ điện tử, lương thực, thực phẩm tươi sống…, từ hàng cao cấp cho đến bình dân, nên khách hàng có thể dễ dàng mua bán, trao đổi. Trước mặt chợ là một dãy kiốt bán hàng và các đại lý bán các loại vật tư nông nghiệp, vật tư xây dựng, đồ mộc gia dụng, máy cơ khí thuận tiện cho khách hàng đến mua để phục vụ cho sản xuất, xây dựng và sinh hoạt. Tuy là chợ ở vùng nông thôn nhưng các lối đi trong chợ khá thông thoáng, sạch sẽ, người bán hàng lúc nào cũng tươi cười, niềm nở nên ai đến đây cũng thấy hai lòng, dễ chịu.
Hiện chợ Cùa có trên 300 hộ tham gia kinh doanh. Các hộ tham gia kinh doanh ở chợ Cùa không chỉ có người của các địa phương như Cam Chính, Cam Nghĩa mà còn có bà con tiểu thương của thành phố Đông Hà, thành phố Huế, thị trấn Cam Lộ. Đặc biệt ở xã Cam Chính có nhiều hộ cả gia đình đều tham gia kinh doanh ở chợ với nhiều ngành nghề khác nhau như bán hàng tạp hóa, sản xuất đá lạnh, kinh doanh thực phẩm khô và tươi, ăn uống, giải khát, may mặc, bán hàng lưu niệm, sửa chữa cơ khí… Nhờ vậy, chợ Cùa không chỉ là nơi làm giàu cho nhiều gia đình mà còn là điểm tham quan du lịch quan trọng nhằm giới thiệu những đặc sản của vùng đất và con người miền Tây huyện Cam Lộ với bạn bè cả tỉnh, cả nước và cả khách quốc tế.
Tôi cho rằng đấy là một tính hiệu vui, một hướng đi mới cần xem xét thấu đáo với tinh thần phát huy nội lực để góp phần đổi mới nền sản xuất nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới như NQ của Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Tuy vậy, so với tiềm năng kinh tế, văn hóa của khu vực miền Tây huyện Cam Lộ thì quy mô và cơ sở hạ tầng của chợ Cùa còn quá khiêm tốn. Do chợ được xây dựng lại đã quá lâu nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đình chợ hẹp trong lúc hàng hóa và các hộ kinh doanh ngày một tăng.
Do đó, đã đến lúc xã Cam Chính và ngành công thương của huyện cần phải có giải pháp đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới chợ Cùa để vừa phục vụ cho việc trao đổi hàng hóa, kinh doanh thương mại của nhân dân trong và ngoài địa phương, vừa thành điểm du lịch cho khách trong và ngoài nước đến tham qua di tích thành Tân Sở.
Là vì, với tôi, mọi cuộc làm ăn không chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế mà phải tính đến hiệu quả xã hội. Đã đến lúc các nhà kinh tế, các nhà xã hội học và các nhà văn hóa phải nhảy vào xem xét cho tường tận. Công bằng mà nói, chợ Cùa đã góp phần làm cho nền kinh tế của khu vực miền Tây huyện Cam Lộ nói riêng, của cả huyện Cam Lộ nói chung trở nên năng động, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của vùng trung du và miền núi của đồng bào dân tộc Vân Kiều Pa Cô, Ba Hy,…
Tôi rời chợ Cùa khi mấy ngọn gió xuân len lén kéo về làm nôn nao. Tôi sẽ mua mấy ký măng khô và mộc nhỉ để cả gia đình và bạn bè cùng thưởng thức đặc sản của chợ Cùa mà kể chuyện quay về nguồn trong tính toán làm ăn của người và đất xứ Cùa.
N.N.P