D |
o đi công tác xa nên đám tang anh tôi không có mặt. Năm ngày sau tôi mới đến viếng anh và chia buồn cùng gia quyến. Tại nhà anh vào thời điểm ấy tôi lại bắt gặp rất nhiều đồng đội, đồng chí của anh. Với họ tôi cũng quen biết và một thời là đồng nghiệp của nhau.
Linh tính mách bảo tôi có chuyện gì đây. Sau khi dâng hương và đặt lễ cho anh, vài lời chia buồn cùng gia đình tôi sà vào đám bạn bè đang có mặt tại đấy. Tôi thấy trên khuôn mặt của họ có cái gì đó hung hăng, thiếu đi cái nét vốn có của những đau buồn truyền thống và cổ điển. Nỗi băn khoăn ấy được giải đáp ngay sau câu nói của anh Thiếu:
- Nghĩa tử là nghĩa tận, tôi biết vậy. Nhưng anh Động chết rồi mà vẫn chưa yên với tôi đâu.
Tôi không ngờ câu chuyện nghiêm trọng đến thế. Tiết tháng 5 oi nồng. Cái nắng đầu hạ chói chang và rát bỏng. Bầu trời không một gợn mây. Xa xa nghe ì ầm một vài cơn giông nặng trĩu. Không khí như đặc quánh lại. Chúng tôi ngồi đó người hầm hập lưng ướt đẫm mồ hôi.
- Bình tĩnh đã nào anh Thiếu. Chuyện còn có đó. Nóng nảy vào lúc này e chưa hay. Đã thấy sai rồi đừng để nó sai thêm. Một lần đau khổ là đủ.
Anh Nghĩa ngồi lấp vào sau cánh cửa ra vào nói lời can ngăn ấy. Trong số người có mặt anh thuộc loại lớn tuổi hơn cả. Anh nói với một lượng đủ nghe, thủng thẳng và đều đều.
Phía gian kế bếp của ngôi nhà, chị Thất vợ người quá cố nằm bẹp dí xuống giường và khóc không thành tiếng. Một vài bà cụ trong xóm đang chăm sóc, động viên, an ủi chị.
Ngoài sân tuy chiếc rạp dựng lên trong ngày tang lễ đã được dỡ bỏ nhưng còn đó những hố cọc chưa san lấp, những dây những lạt chưa quét dọn. Trên sân trên vườn còn vương vãi những tro, trấu, rơm, củi...bề bộn, ngổn ngang... Tôi có cảm giác tang lễ ở gia đình này chưa có hồi kết thúc.
Như một người xa lạ giữa đám bạn bè đã có thời quen biết và bởi vậy nên ngoài tôi ra có lẽ không còn một ai nữa phải đặt câu hỏi:
- Có chuyện gì vậy các anh? Tôi có được biết để cùng các anh chia sẻ không?
Vẫn anh Nghĩa, như đang muốn giải bày câu chuyện sao cho gọn gàng, dễ hiểu nên sau câu hỏi của tôi anh liền nhẹ nhàng giải thích:
- Cũng có chuyện đấy. Anh biết được thì tốt quá. Chuyện đã xảy ra 27 năm rồi, thời chúng tôi mới 25-30 tuổi. Với lại lúc ấy chiến tranh đã ác liệt lắm rồi...
Với giọng kể đều đều, kể khúc chiết, anh nhớ vanh vách. Minh chứng cho nhận xét này là cả bọn ngồi im lặng, không một ai ngắt lời và cũng chẳng ai nói chen điều gì thêm hoặc điều bớt với anh...
Hồi đó, anh nhớ lại, chúng tôi gồm những người đang ngồi đây và anh Động đã quá cố công tác với nhau một đơn vị. Tuy khác phòng, ban nhưng sinh hoạt một chi bộ. Chiến sự ngày một leo thang, mức độ bom đạn ngày càng ác liệt, cơ quan phải di chuyển luôn. Nói là cán bộ dân sự nhưng thường xuyên phải xa gia đình, có đồng chí một năm mới gặp vợ con một lần. Mọi sinh hoạt của cơ quan và gia đình đều đảo lộn. Tuy vậy công việc vẫn chạy đều, anh em sống với nhau vẫn mực yêu thương đoàn kết. Rồi bất ngờ một sự kiện động trời đã xảy ra là cô Chấn, ở tuổi 22, chị nuôi của cơ quan, chưa một lần kết hôn, không một ngày đi ra khỏi cơ quan mà tại sao lại đang mang bầu ở tháng thứ bảy... Hỏi cô Chấn thì cô chỉ khóc. Động viên thế nào thì cô ấy cũng chỉ im lặng.
Im lặng là điều đáng sợ và chính sự im lặng ấy là một trong những nguyên nhân gây ra tai họa cho một nghị quyết của chi bộ chúng tôi lúc bấy giờ...
Anh kể tiếp sau câu bình luận ấy: Lúc đó là cương vị Bí thư chi bộ, tất nhiên tôi phải đứng ra giải quyết. Chi bộ ngày ấy muốn sinh hoạt đều phải ngoài giờ hành chính, nghĩa là phải họp vào ban đêm. Có đến ba đêm chúng tôi ngồi lại với nhau từ 7 giờ tối cho đến 10, 11 giờ đêm. Và như anh biết vào thời bấy giờ hai chữ hủ hóa là ghê gớm lắm, ai bị vào hai tiếng ấy coi như hết đời. Trong cơ quan thì không biết giấu mặt vào đâu, ra ngoài đường chỉ biết cúi mặt nhìn đất, về nhà thì ê chề hết nói. Đã có người vì bức xúc mà tự sát. Đã có gia đình tan đàn xẻ nghé, con cái bỏ học không dám đến trường. Với đảng viên thì chịu hình thức kỷ luật có thể nói là nặng và chỉ có nặng trở lên...
Ba đêm mà không ai tự giác. Cuối cùng rồi chi bộ cũng tập trung phê phán và lên án đồng chí Bùi Đình Thiếu, một đảng viên trẻ, có trình độ học vấn cao, lại chưa vợ và cũng là người có nhiều mối quan hệ với cô Chấn nhất.
Tôi nhớ có những chất vấn: “Tối ấy đồng chí Thiếu làm gì và đi đâu mà hơn 11 giờ đêm mới về?” Thiếu trình bày: -“Tôi đọc thơ cho Chấn nghe.” “Phải rồi thơ lài cái chi? Thơ là hủ hóa”. Có đồng chí đứng lên đập bàn quát mắng: “Thế còn đêm 13 tháng 6 đồng chí làm gì mà khi về miệng còn huýt sáo?” Thiếu nói: “Tôi giúp Chấn học chữ. Thấy Chấn tiến bộ nhanh nên tôi mừng.” – À ra thế, đồng chí đem cái chữ của tổ tiên ra mà che giấu hành vi đồi bại. Hú hí với nhau thì có chớ học hành cái nỗi chi...”
Cứ thế và theo đà đó, chi bộ đã quyết: đồng chí Bùi Đình Thiếu đã thiếu rèn luyện, vi phạm đạo đức lại còn ngoan cố thiếu thành khẩn khai báo nên hình thức kỷ luật là khai trừ 2/8, cảnh cáo toàn Đảng bộ là 5/8, mặc dầu Thiếu trước sau vẫn kêu oan và đề nghị chi bộ xem xét lại.
Anh nhấp một ngụm nước rồi nói tiếp: Đó là một nghị quyết cách đây đã 27 năm, khi anh Thiếu mới 25 tuổi. Tôi có phần trách nhiệm không nhỏ vào việc này. Nhưng thời gian đã quá dài, vết thương đã được hàn miệng, nhiều người đã quên đi chuyện xưa...Nhưng oái ăm thay, ngày anh Động ngã xuống, câu chuyện 27 năm trước lại xoay ra chiều ngược lại...
Dễ có đến ba phút anh mới nói tiếp được: Hôm gia đình làm lễ phục tang, bất ngờ có một đoàn gồm bốn người: Một nam, một nữ và hai cháu vào nhà trình một lá thư của anh Động viết cách đây ba tháng giới thiệu rằng đó là con, là dâu và cháu nội của anh với cô Chấn xin về chịu tang.
Gia đình, họ hàng anh một phen chao đảo và theo thông lệ lại phải họp để nghị quyết...Người vui, kẻ buồn. Chị Thất vợ của anh thì ngã quỵ xuống từ phút ấy.
Nhóm đồng chí đồng đội ngày xưa nhanh chóng loan tin cho nhau và hôm nay họ đều có mặt chỉ trừ anh Động và cô Chấn.
Tôi nghĩ các đồng chí ạ, lỗi lầm đã rõ, người sai đã chết rồi. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận, lấy chữ đại xá làm đầu...Anh nói câu cuối cùng ấy trong một trạng thái bàng hoàng nhưng tỉnh táo và cũng tình nghĩa.
Trong không gian chật hẹp của ngôi nhà, khói hương còn mờ mịt trên bàn thờ, chuyện anh Nghĩa kể làm tăng thêm không khí nặng nề, mệt mỏi...
Chúng tôi ngồi im không ai nói với ai lời nào. Bên kia giường, chị Thất thi thoảng nấc lên những tiếng thở dài não nuột. Trên trần nhà một đôi thạch sùng đuổi nhau đòi ân ái đã làm cho mọi con mắt phải nhìn về chúng.
Có lẽ, sự chờ đợi phân minh phải trái đã dồn nén trong 27 năm chịu đựng, anh Thiếu nói trong nước mắt:
- Đêm ấy sau khi nhận bản án oan nghiệt tôi đã đi lang thang khắp rừng. Đêm không trăng không sao. Trời tối đen như mực. Nghĩ cuộc đời tôi rồi cũng giống như đêm nay. Không ai hình dung được nỗi khổ tâm của tôi trong 27 năm qua đâu. Bảy năm sau vụ án tôi mới cưới vợ và mới hôm qua đây thôi vợ tôi còn nhắc lại cái án ấy. Cha tôi trước khi nhắm mắt còn gọi đến bên Người và hỏi thực hư về câu chuyện. Bạn bè tin vào cái nghị quyết oan trái ấy thi thoảng vẫn gợi ý tôi đi tìm cô Chấn và cháu...
- Nghe anh Động mất tôi đến viếng anh như một người bạn. Chỉ khi đến đây tôi mới chứng kiến câu chuyện này từ đầu đến cuối. Bây giờ ai là người đứng ra minh oan cho tôi?
Dù anh Động đã chết tôi vẫn nói anh ấy sống thiếu trung thực, tội lỗi do mình gây ra mà vẫn im lặng để đồng chí mình chịu oan. Anh không xứng đáng là một đảng viên, không xứng đáng là đồng đội của tôi. Anh đã gây ra đau khổ cho tôi và chị Thất. Tóm lại anh đã lừa dối Đảng...Anh Thiếu càng nói càng lạc giọng với thái độ đầy tức giận với người quá cố và cả với đồng chí của anh nữa...
Người viết mấy dòng này biết anh Động sau ngày đất nước thống nhất. Tôi thấy anh là một cán bộ đảng viên mẫn cán. Trong công tác anh không có sáng kiến gì to lớn nhưng cũng là người luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tác phong, lối sống cũng bình thường không có gì phải chê trách. Nếu nói anh có gì khác người thì có lẽ đó là một con mắt lé của anh. Bởi vậy anh có biệt danh là “Động lé”.
Và hôm nay, anh Động ơi, tôi biết nói gì? Giá như ngày ấy anh tự nói lên...
Trại Cửa Tùng năm 2000
L.B.T