Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đêm bình thơ ở Cồn Mớc

T

rong số những học sinh các lớp đầu của trường Lê Thế Hiếu, vào những năm 1950-1952, có rất nhiều người làm thơ. Làm thơ là niềm vui, nhưng cũng là trách nhiệm. Làm thơ cho báo tường, để đọc trong các buổi hội họp, để phục vụ các đêm lửa trại hay các buổi mít tinh. Cũng có khi làm thơ để tham dự các giải văn học hay đăng báo. Tôi còn nhớ bạn Minh Quang có bài thơ về chiến thắng Việt Bắc được Hội văn nghệ Quảng Trị trao giải nhất năm 1952. Bạn Lê Hữu Dinh có nhiều bài đăng trên Tạp chí văn nghệ Liên khu IV. Ta tạm gọi đó là thơ “bề nổi”. Bởi lẽ, bên cạnh dòng thơ chính thống này còn có một dòng khác, hoàn toàn riêng tư, các tác giả làm cho mình rồi cất giữ kín đáo, hoạ hoằn mới cho người khác đọc. Dòng thơ ấy là “dòng chìm”, biến mất theo thời gian nếu không được ai để tâm tìm tòi nghiên cứu. Tôi may mắn còn giữ được cuốn nhật ký ghi những ngày xa xôi gian khổ đó và cuốn nhật ký giúp tôi phục hồi một sự kiện “dễ thương” về thơ của cánh vị thành niên thời đó.  

   Không ai bảo ai, các tác giả thơ “chìm”, gồm một số trọ vùng Cồn Mớc, một số ở rải rác khắp các xóm lân cận, đều đưa thơ mình cho thầy dạy Văn, tức là thầy Hồ Lư đọc. Họ biết thầy Lư tính tình phóng khoáng, nhân ái, thông cảm với vui buồn người khác. Thầy Lư nhiệt tình nhận các bài thơ “chìm” đó, không khen cũng không chê, góp ý đôi chút về mặt kỹ thuật. Thầy cũng không nói cho ai biết về dòng thơ kín đáo ấy, ngại có người cuồng tín qui cho các tác giả những tội lỗi không đáng phải chịu.

Một hôm nhà thơ Lương An, một nhà thơ nổi tiếng ở Quảng Trị thời kháng chiến chống Pháp ghé thăm trường.. Thầy Lư mời nhà thơ về nhà trọ đàm đạo văn chương và ngủ qua đêm. Tình cờ Lương An tìm thấy trong sổ tay của thầy Lư những bài thơ “chìm” của học sinh. Đọc lướt qua vài bài nhà thơ rất xúc động và đề nghị thầy Lư cho gặp các tác giả ngay trong đêm ấy để trao đổi tâm tình.

Các tác giả khi được thầy Lư mời đên nhà đều lo lắng, băn khoăn, không biết sự việc có nghiêm trọng phiền hà gì không. Nhưng khi được thầy Lư và nhà thơ Lương An niềm nở đón tiếp, tất cả đều yên tâm. Họ bỗng thấy lâng lâng khoan khoái thấy thơ mình sắp được một nhà thơ có tiếng bình luận.

Nhà thơ Lương An bắt đầu bằng việc nhận xét khái quát về thời cuộc. Trong chiến tranh khốc liệt, mọi thứ phải ngừng lại, dành chỗ cho những việc trước mắt: đánh giặc, tiếp tế lương thực cho bộ đội, đi phá đường ray vv. Các bài thơ “chìm” không có gì sai trái, có điều không phải lúc ra công khai, thế thôi. Nếu nước ta yên bình như nước Nga hiện nay thì thơ ‘chìm” tha hồ nổi, lại có ích và là những tác phẩm có giá trị. Bây giờ ta tạm coi như đang sống hoà bình và thưởng thưc một tí các vần thơ “chìm” xem sao.

Nhà thơ Lương An xếp dòng thơ “chìm” theo ba hướng: Thơ nhớ nhà, thơ tình và thơ triết lý tìm hiểu bản thân mình. Thuộc vào loại thơ “nhớ nhà” có các bài sau, đáng tiếc là nhật ký của tôi không ghi rõ tên tác giả. Bản thân tôi chỉ biết chắc được bài đầu của Minh Quang, còn các bài khác không nhớ được ai làm nữa.

NHỚ

 

Tôi ở dưới miền xuôi

Lên rừng xanh theo học.

Cha mẹ tôi già rồi

Sống chuỗi ngày thảm khốc.

 

Ôi quê hương xa vời

Một đi không trở lại!

Khói lửa vẫn ngút trời

Đau thương càng tê tái….

 

Ôi quê hương xa vời

Liễu xanh và cát trắng.

Mẹ nhìn mãi chân trời

Tìm đứa con xa vắng….

 

 

CỘT ĐIỆN

 

Một chiếc cột điện gầy nhẳng

Đúng chơ vơ bên đường tàu hoang vắng

Tôi từ trong rừng bước ra

Dừng lại nhìn cảnh buồn thầm lặng.

 

Những dây điện kia đi về đâu?

Có đến tận nhà ta bên phố đầy hoa phượng?

Có đến tận mái trường xưa vang tiếng cười sung sướng.

Tuổi thơ giờ đi xa

Còn ta

Với mưa gió dãi dầu…

 

 

CÁNH CHIM CHIỀU

 

Khi ta ra đi, dòng sông trôi phẳng lặng.

Khi ta ra đi, khói chiều thành mây trắng

Khi ta ra đi, có cánh chim chiều cô đơn

Tiễn chân ta tần ngần, gập ghềnh từng chặng.

 

Giờ đây ta nhớ cánh chim chiều da diết

Đến bao giờ mới thấy lại dòng sông?

Giờ đây rừng xanh và tiếng dế kêu tha thiết

Cánh chim chiều đã về chốn mông lung…

 

Nhà thơ Lương An cho rằng bài “Nhớ” thật dễ thương, ngây thơ chất phác. Đó là thơ của một cậu bé nhớ mẹ nhớ cha nhớ làng nhớ xóm. Nhà thơ đoán quê của tác giả thuộc vùng ven biển với liễu xanh cát trắng. Nỗi nhớ thật da diết. Thơ có uỷ mị, tiểu tư sản không? Bề ngoài thì làm người ta buồn nhớ khôn nguôi, nhưng bên trong chính là tiếng nói giục dã khiến ta phải quyết tâm nhanh chóng làm quê nhà thoát tay giặc. Sâu xa mà nói là vậy đó. Nhưng dầu sao vẫn phải cất giấu đã, để rồi xem…Bài “Cột điện” đúng là của một anh thị dân nhớ phố phường, nhớ hàng đèn đường, nhớ những tầng lầu mái ngói. Phản xạ của anh ta tự nhiên: thả tâm hồn theo theo dây thép về với phố xa, với mái trường rộn rã tiếng cười. Dây thép đây là tiềm thức, là cái sâu lắng của tác giả. Lương An cho biết ông từng ở thành phố nhiều năm, và mỗi lần nghe tiếng còi xe từ xa vọng lại là thấy lòng nhức nhối. Bài “Cánh chim chiều” chắc chắn của một anh có quê chạy dọc sông Thạch Hãn, thuộc bờ Nam. Quê anh ta quá êm đềm ngày trước với khói lam chiều và những cánh chim không mỏi. Lương An chia sẻ hoàn toàn với các tác giả trẻ những tình cảm mãnh liệt ấy. Tuy nhiên ông thấy các tác giả đều có chút bi quan về ngày mai. Gần như ai cũng nhớ nhà một cách tuyệt vọng. Không, dầu kháng chiến còn lâu mới kết thúc nhưng ta phải tin là có ngày mai. Các tác giả cũng có phần cường điệu trong nhiều chi tiết, chẳng hạn Minh Quang nói “Cha mẹ tôi già rồi…”. Lương An cho biết vào thời điểm bình thơ đó cha Minh Quang mới 47 tuổi còn mẹ Minh Quang 43! Cử tọa cười vang và Minh Quang phải chấp nhận cái cường điệu vô tình của mình.  

Thuộc về dòng thơ tình yêu có hai bài. Một bài nhan đề “Một thoáng sầu”  của một gã si tình mê một cô hàng cà phê ở Đá nổi, thuộc chiến khu Ba lòng. Anh chàng lượn qua lượn lại hàng ngày mà không dám tỏ tình yêu. Cho đến lúc nàng đi xa không còn dấu  tích và anh chàng sống trong tuyệt vọng. Bài thứ hai của một anh giỏi tiếng Pháp, mượn đâu được cuốn Eugénie Granget của Balzac và ngấu nghiến trong vài ngày. Rồi làm thơ cảm tác “Khóc Ơ-giê-ni”.

 

         MỘT THOÁNG SẦU

 

Một ngày, lại một ngày

Ta thơ thẩn trên con đường cũ

Ta dừng lại một giây, một giây

Ngắm nhìn suối tóc đen quyến rũ.

 

Cho đến khi

       Cả đất trời khắc khoải

Nàng ra đi

        Không hẹn ngày trở lại.

 

Một người đã đi xa,

Thế gian bỗng nhạt nhòa! (*)

 

 

(*) Hau câu cuối mượn ý của nhà thơ Pháp Lamartine.

 

 

 

 

          KHÓC Ơ-GIÊ-NI

 

Cuộc đời ơi, mi làm sao còn ý nghĩa

Khi mối tình duy nhất đã tan đi?

Chỉ còn lại toàn những điều mai mỉa,

Sắc đẹp, giàu sang, phú quý, để làm chi?

 

Cuộc đời ơi, tình yêu là tất cả,

Là linh hồn, là thế giới, là mai sau.

Không có tình yêu, còn gì đâu nữa?

Cả ánh sáng mặt trời cũng tắt ngấm từ lâu!

 

 

     Lương An cười sảng khoái khi đọc xong bài “Một thoáng sầu”. Ông nói không hiểu sao ông như sống lại những ngày trẻ trung và cũng tha thẩn trước nhà người thương. Dầu  bài thơ không nói rõ nhưng ông khẳng định ông biết cô gái có suối tóc đen đó. Ông không ngờ gặp được kẻ si tình ở chốn này. Ông hứa sẽ tìm tung tích cô gái rồi báo cho chàng si tình biết. Chớ quá tuyệt vọng!

     Về Eugénie Grandet, Lương An cho biết ông cũng có cảm giác như tác giả bài cảm tác. Đúng, tình yêu là tất cả. Mọi thứ trên đời không thay thế được tình yêu. Chỉ có điều…nói như vậy hiện nay khó có người chấp nhận. Đành vậy thôi. Ta chờ xem.

 

      Buổi bình thơ dừng lại với bài “Đồi sim” của một “triết gia” có nhiều suy tưởng về cuộc đời.

 

         ĐỒI SIM

 

Tôi lang thang giữa đồi sim lặng lẽ,

Cảnh chiều hôm thoáng qua làn gió nhẹ.

Tôi bỗng dưng cảm thấy bàng hoàng:

Mỗi mình tôi tồn tại giữa nhân gian!

 

Chỉ mình tôi, tôi cười và tôi hát

Những bài ca tôi thích tự thuở nào.

Ôi, “Con thuyền xa bến” và “Biệt ly” dào dạt,

Tôi ngâm bài “Tiếng thu” trong cây lá xạc xào.

 

Tôi hét to vào khoảng trống bao la,

Tôi muốn có yêu thương, thân ái, hài hoà.

Không súng nổ, không bom rơi, không khói lửa,

Cho cây đời xanh lá khắp gần xa!

 

 

 

      Lương An đọc xong, trầm ngâm một lúc rồi bảo ông nhớ tới chuyện “Trái tim Đan-Kô” của Maxime Gorki. Tác giả tưởng mình cá nhân cô đơn, thoát mọi ràng buộc cuộc đời nhưng thực tế tác giả hết lo những điều mong muốn nhân danh con người, con người trong tiếng Nga là tchilavek! Thế đó, người nông cạn nghĩ rằng tác giả tự do cá nhân nhưng suy cho kỹ tác giả có quả tim của Đan-Kô, sẵn sàng chiếu sáng cho đoàn người vượt qua đêm tối trên đường tìm tự do, công lý. Lương An hy vọng thầy Lư có dạy bài “Trái tim Đan-Kô” cho học sinh, có tác dụng tạo ước mơ cho tuổi trẻ, tạo tính nhân văn cho lớp trẻ.

Để kết thúc buổi bình thơ, đúng vào lúc đêm khuya trời tối như mục, nhà thơ Lương An cho rằng những bài thơ “chìm” là sản phẩm cần thiết cho cái nổi, Cái chìm làm chỗ dựa vững chắc cho cái nổi. Một ngày thanh bình nào đó không xa thơ “chìm” sẽ thành thơ nổi, nói lên cái chung của mọi người, không còn là cái riêng tư phải che giấu nữa. Nhìn cho đúng sự vật thì cái chìm cái nổi có giá trị như nhau. Các tác giả trẻ vui mừng vì lời kết luận hào hiệp và nhìn xa trông rộng của nhà thơ. Họ ra về trong một niềm lạc quan khó tả.

Nhà thơ Lương An khi nói lời chia tay tỏ ý hy vọng sẽ có dịp về trường bình thơ với các tác giả “chìm” hay “nổi” lần nữa. Nhưng rồi năm học kết thúc, mỗi người đi một ngả . Không biết những tác giả thơ “chìm” dạo đó có tiêp tục làm thơ nữa hay không. Chỉ biết họ đều lớn lên, trưởng thành và đảm nhiệm nhiều vị trí đáng kể trong nhiều ngành hoạt động của đất nước. Hình như họ cũng không có cơ hội trao đổi với nhau về thơ ca hay sáng tác văn chương.

Không biết giờ đây, học sinh Lê Thế Hiếu có làm thơ về những chuyện riêng tư như lớp đàn anh ngày trước hay không. Và nếu họ làm, họ có gửi gắm cho các thầy dạy văn tâm sự của họ không? Và liệu các thầy dạy văn có nhờ các nhà thơ tên tuổi trong tỉnh đến bình thơ của đám vị thành niên như trước không? Hiện nay, cuộc sống thanh bình cho phép người ta nghĩ đến những gì sâu kín trong tâm hồn. Nếu lịch sử lặp lại, mà điều đó có vẻ chắc chắn, thì thật là điều hay, bởi lẽ cuộc đời rất đa dạng và tiếp cận cuộc đời trong sự đa dạng của nó là điều cần thiết.

T.Q.Đ

 

Trương Quang Đệ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 194 tháng 11/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground