Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Địa lý hành chính Đông Hà qua các thời kỳ lịch sử

T

rước khi thuộc về người Việt (đầu thế kỷ XI và nửa đầu thế kỷ XIV), vùng đất Đông Hà hiện nay về cơ bản là một phần của đất châu Ô (phía nam sông Hiếu) và châu Ma Linh (phía bắc sông Hiếu) của vương quốc Chămpa. Sau năm 1069, một phần đất của Đông Hà hiện tại nằm phía bắc sông Hiếu thuộc châu Ma Linh sát nhập vào bản đồ Đại Việt. Để hợp thức hóa lãnh thổ, năm 1075, nhà Lý cho đổi châu Ma Linh thành châu Minh Linh (1), đặt quan cai trị, chiêu mộ nhân dân đến khai thác. Tuy nhiên, thời gian này do hoàn cảnh chiến tranh liên miên nên người Việt vẫn chưa vào đến vùng đất phía bắc sông Hiếu .

Cuối thời Trần, suốt thời Hồ, thời thuộc Minh và đầu đời Lê sơ, vùng đất Đông Hà hiện nay là một phần của huyện Lợi Điều thuộc châu Thuận, trấn/ phủ/ lộ Thuận Hoá (2) (và có thể là một phần của huyện Dạ Độ thuộc châu Minh Linh (từ năm 1407 đổi thành châu Nam Linh), trấn/ phủ/ lộ Tây Bình/ Tân Bình ở phía bắc sông Hiếu). Tuy nhiên, trên thực tế, vùng đất Đông Hà thời kỳ này chủ yếu là các làng Chăm còn ở lại sống cộng cư với các nhóm chiến binh Việt. Các làng Việt và cư dân Việt còn rất thưa thớt. Phải đến sau năm 1471, với chiến dịch của Lê Thánh Tông đánh chiếm kinh đô Vijaya, kéo biên giới Đại Việt vào tận Phú Yên, kết thúc sự tồn tại của vương quốc Chămpa; đồng thời mở ra một trào lưu di dân mạnh mẽ của người Việt tiếp tục vào khai phá vùng Thuận - Quảng, thì vùng đất Đông Hà hiện nay mới đồng loạt xuất hiện nhiều làng/ xã của người Việt.

Từ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), sau khi vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã, trang sách thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước, châu Nam Linh đổi làm huyện Minh Linh (gồm 8 tổng, 63 xã), thuộc phủ Tân Bình. Châu Thuận cải đặt thành hai huyện: Hải Lăng (gồm 7 tổng, 75 xã) và Vũ Xương (8 tổng, 53 xã) cùng với 2 châu: Sa Bôi (10 tổng, 68 xã) và Thuận Bình (6 tổng, 26 xã) ở miền Tây, thuộc phủ Triệu Phong nằm trong thừa tuyên Thuận Hóa (3). Đông Hà vào thời Lê - Mạc thuộc huyện Vũ/ Võ Xương (tương ứng với huyện Triệu Phong nay), châu Thuận, thừa tuyên Thuận Hoá. Theo sách “Ô châu cận lục”, vào giữa thế kỷ XVI, huyện Võ Xương có 59 xã/ làng thì trên đất Đông Hà đã có các làng/ xã như sau: Hướng Ngao (sau đổi là Điếu Ngao), Hạ Đô, Thượng Đô (sau đổi là Thượng Nghĩa), Trung Chỉ, Thượng Độ, Hạ Độ (sau đổi là Đại Độ), Nghĩa Đoan (sau đổi là Nghĩa An), Vĩnh Phước, Thiên Áng, Tiểu Áng (sau đổi thành Đại Áng), Lai Cách (sau đổi là Lai Phước), Vĩnh Phúc/Vĩnh Phước, Liên Trì (sau đổi là Tây Trì) (4).

Đông Hà thời các chúa Nguyễn theo Lê Quý Đôn trong sách “Phủ biên tạp lục” là đất của hai tổng An Đôn và tổng An Lạc thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hoá.

Thuộc tổng An Đôn có các xã, phường sau: Vĩnh Phúc (tức Vĩnh Phước), Lai Phúc (tức Lai Phước), Vân An, Đại Áng, Trung Chỉ, Lập Thạch, Phưng Lương, Phú An, Lãng Phúc, Điếu Ngao, Đông Hà, Liên Trì (tức Tây Trì), Đông Vu (tức Đông Lai), Thượng Đô (tức Thượng Nghĩa), Thiết Trường tử chính, Thiết Trường hạ phường, Sơn Trập, Sơn Bàng, An Trung ngũ giáp.

Thuộc tổng An Lạc có các xã phường sau: An Lạc, Nghĩa An, Thanh Lương, Đình Tổ, Thượng Độ, Hạ Độ (tức Đại Độ), Thiết Trường (tức Thiết Tràng) (5).

Năm 1801, Nguyễn Ánh sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, (tháng 8 năm 1801) đã cho tổ chức sắp xếp lại các địa danh hành chính trong cả nước. Trong bối cảnh đó, Quảng Trị cũng được sắp xếp lại bằng việc Gia Long cho lấy hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương thuộc phủ Triệu Phong và huyện Minh Linh thuộc phủ Quảng Bình, đặt thành dinh Quảng Trị. Công đường và lỵ sở của dinh Quảng Trị được đặt tại khu vực Trà Bát - Ái Tử nằm sát nách các xã thuộc vùng đất Đông Hà ở phía nam. Riêng phía tây lại đặt đạo Cam Lộ, mọi việc cống Man, thuế Man ở đạo Cam Lộ đều lệ vào Quảng Trị (6).

Đất Đông Hà lúc đó phần lớn thuộc huyện Đăng Xương. Phía tây huyện Đăng Xương là đạo Cam Lộ. Đất của phường Đông Thanh (có thể là cả Đông Giang) hiện nay lúc đó thuộc đạo Cam Lộ. Thành đạo Cam Lộ lúc đó đóng ở làng Nghĩa An. Thành được đắp bằng đất bốn mặt thành tạo thành một chiến luỹ kiên cố (7).

Năm 1827, Minh Mạng đổi dinh Quảng Trị thành trấn Quảng Trị và đặt Cửu châu ở Cam Lộ. Năm 1831, đổi trấn Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị và cải đạo Cam Lộ làm phủ Cam Lộ, đặt chức tri phủ kiêm lý châu Hướng Hoá mà thống hạt cả Cửu châu.

Năm 1836, nhà Nguyễn cho lấy đất các xã phía nam huyện Minh Linh và phía tây huyện Đăng Xương thành lập huyện Địa Linh; huyện lỵ đóng ở làng Kim Đâu (xã Cam Giang). Các làng/ xã thuộc thị xã Đông Hà hiện nay lúc đó một phần thuộc phủ Cam Lộ, một phần thuộc huyện Địa Linh và một phần thuộc huyện Đăng Xương.

Năm Tự Đức thứ 3 (1850), đổi huyện Hướng Hoá làm huyện Thành Hoá năm thứ 5 (1852) trích lấy đất 3 huyện Địa Linh, Đăng Xương và Hải Lăng, gồm 32 xã, thôn đặt một tổng Cam Đường (sau đổi là Cam Vũ), bổ vào huyện hạt. Năm thứ 6 (1853) bỏ phủ Cam Lộ, đặt tri huyện Thành Hoá lãnh 10 tổng, 99 xã, thôn, phường ấp (8).

Như vậy, thời điểm mà các làng/ xã trên địa bàn Đông Hà hiện nay thuộc tổng An Lạc, huyện Đăng Xương được trích lấy nhập vào huyện Thành Hoá (sau này là huyện Cam Lộ) là vào năm 1852. Trung tâm huyện lỵ Thành Hoá đặt tại thành Vĩnh Ninh (9) (nay thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ).

Dưới thời Đồng Khánh (1886 - 1888), cho lập huyện Do Linh và Thuận Xương (thay cho Địa Linh và Đăng Xương), đất Đông Hà thuộc về hai huyện Thuận Xương và Thành Hoá.

Qua tư liệu “Đồng Khánh địa dư chí lược” biên soạn trong thời gian 1886 - 1888 thống kê các làng/ xã huyện Thành Hoá khá chi tiết với 4 tổng người Việt là: tổng Cam Lộ, tổng An Lạc, tổng Bái Ân và tổng Mai Lộc cùng với Cửu châu (chín châu) Kymi.

Trong số 4 tổng này thì vùng đất Đông Hà thuộc tổng An Lạc với 26 xã, thôn phường, giáp; bao gồm: xã An Lạc, xã nghĩa An, xã Kim Đâu, xã Đại Độ, xã Phổ Lại, xã Thượng Độ, xã Đình Tổ, xã Đông Lai, xã Thượng Nghĩa, xã Phi Hưu, xã Thanh Lạng, xã Hoan Thịnh, xã Tây Trì, xã Đông Hà, xã Trúc Kinh, xã Trúc Khê, phường An Xuân, phường Cẩm Thạch, phường Phú Hậu, phường Mỹ Hoà, phường Thiết Tràng thượng, phường Thiết Trường hạ, phường Phổ Lại, phường Tuy Lộc, phường Bằng An, giáp An Thái (10) .

Các xã, thôn của vùng Đông Hà hiện nay thuộc tổng An Đôn, huyện Đăng Xương bấy giờ có: Đại Áng, Vân An, Lai Phước, Lãng Phước, Câu Ngao, Lưng An, Trung Chỉ, Lập Thạch, Phương Gia, Vĩnh  Phước, Phú Lễ.

Các xã của vùng Đông Hà hiện nay thuộc tổng An Lạc, huyện Thành Hoá bấy giờ có: An Lạc, Nghĩa An, Đại Độ, Thượng Độ, Đình Tổ, Đông Lai, Thượng Nghĩa, Thanh Lương, Tây Trì, Hoàn Thịnh, Đông Hà, Thiết Tràng.

Năm Duy Tân thứ 2 (1908), lại đặt huyện Hướng Hoá. Tỉnh Quảng Trị lúc đó có hai phủ; 6 huyện và 9 châu Kymy (11).

Dưới thời Pháp thuộc, mặc dù Quảng Trị ở Trung kỳ là đất “bảo hộ”, nhưng chính quyền thực dân Pháp đã quản lý rất chặt chẽ. Về phân chia đơn vị hành chính, sau năm 1885, tỉnh Quảng Trị gồm có 2 phủ, bốn huyện và mười châu; trong đó phủ Cam Lộ kiêm lý châu Hướng Hoá và thống hạt 9 châu miền núi là Mường Vang, Tầm Bồn, Tá Bang, Na Bôn, Ba Lan, Xương Thịnh, Thượng Kế, Mường Bổng, Làng Thìn, phủ Triệu Phong kiêm lý huyện Thuận Xươngvà thống hạt ba huyện Chiêu Linh (2), Do Linh và Hải Lăng.

Ngày 3/5/1890, toàn quyền Đông Dương ra một sắc lệnh giải thể tỉnh Quảng Trị sáp nhập vào tỉnh Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị và đặt dưới quyền cai quản của Công sứ Đồng Hới, đất Đông Hà khi ấy thuộc tỉnh Bình Trị. Ngày 23/1/1896, toàn quyền Đông Dương lại ra nghị định tách Quảng Trị ra khỏi địa hạt thuộc quyền công sứ Đồng Hới, hợp cùng với Thừa Thiên đặt dưới quyền khâm sứ Trung Kỳ, đặt một phó công sứ đại diện cho khâm sứ ở Quảng Trị; đất Đông Hà lại thống thuộc phủ Thừa Thiên.

Đối chiếu nhiều nguồn tư liệu cổ với địa bàn thị xã Đông Hà ngày nay, có thể thấy vào cuối thế kỷ XIX vùng đất Đông Hà nằm trong địa giới của phủ Cam Lộ và huyện Thuận Xương thuộc phủ Triệu Phong, trong đó gồm các làng/ xã An Lạc, Nghĩa An, Đại Độ, Thượng Độ, Đình Tổ, Đông Lai, Thượng Nghĩa, Thanh Lương, Đông Hà, Tây Trì, Thiết Tràng thuộc tổng An Lạc phủ Cam Lộ; và các làng Đại Áng, Vân Yên, Trà Lương, Lạng Phước, Điếu Ngao, Trung Chỉ, Lập Thạch, Vĩnh Phước, Phương Gia, Phú Lễ thuộc tổng An Đôn, huyện Thuận Xương, phủ Triệu Phong.

Năm 1900, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách Quảng Trị thành tỉnh riêng biệt trở lại. Đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị lúc này có bốn phủ và một huyện, gồm: Phủ Triệu Phong (lấy huyện Thuận Xương lập thành), phủ Hải Lăng (lấy huyện Hải Lăng lập thành), phủ Vĩnh Linh (lấy huyện Vĩnh Linh(12) lập thành), phủ Cam Lộ và huyện Do Linh. Từ đó vùng đất Đông Hà cũng đạt được sự ổn định lâu bền trong tỉnh Quảng Trị.

Năm 1904, thực dân Pháp cho mở con đường thuộc địa Đông Dương (Routes Coloniales) mà nay là Quốc lộ số 9. Năm 1923, xây dựng cầu Đông Hà dài 154,50 mét, bắc qua sông Hiếu nối liền nam bắc sông. Tháng 4/1927, tuyến đường sắt xuyên Việt đoạn Quảng Trị - Đà Nẵng, Vinh - Đông Hà hoàn thành, đưa vào sử dụng thì Đông Hà chính thức có điều kiện để trở thành một đầu mối giao thông, một vị trí quan trọng đối với Quảng Trị nói riêng và cả miền Trung nói chung.

Đến năm 1908, ba tổng người Kinh thuộc phủ Cam Lộ được tách thành huyện Cam Lộ, 9 tổng còn lại của phủ Cam Lộ chủ yếu là người dân tộc thiểu số lập thành huyện Hướng Hoá (13). Với việc phân chia này, các đơn vị hành chính tỉnh Quảng Trị bao gồm 3 phủ là: Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh và 3 huyện là Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hoá cùng thị xã Quảng Trị. Vào thời điểm này, vùng đất Đông Hà ngày nay là các làng thuộc huyện Cam Lộ và một phần thuộc phủ Triệu Phong.

Ngày 5/9/1929 Khâm sứ Trung Kỳ kiêm Chủ tịch Hội đồng Thượng thư triều đình Huế là Gia-bui-j (Jabouille) ra nghị định thành lập thị trấn Đông Hà (Centre de Dong-ha) và được Toàn quyền Đông Dương Pát-xki-ê (Pasquier) ở Hà Nội chuẩn y vào ngày 6/11/1929 (14).

Từ đó quá trình đô thị Đông Hà bắt đầu được hình thành và phát triển. Thị trấn Đông Hà là một đn vị hành chính có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng về tính chất và vị trí lại có vai trò quan trọng trên các mặt: chính trị, quân sự, kinh tế... cho cả miền Trung và Đông Dương nên dưới thời Pháp thuộc thị trấn Đông Hà được đặt ngang cấp phủ, huyện, dưới quyền của viên Tuần phủ Quảng Trị, và do Công sứ Quảng Trị kiêm nhiệm trong việc quản lý. Đứng đầu thị trấn Đông Hà lúc bấy giờ có viên Bang Tá, có đội lính Khố xanh, lỵ sở của cơ quan hành chính thị trấn đóng trong khuôn viên của UBND thị xã Đông Hà ngày nay.

Việc phân chia đơn vị hành chính ở thị trấn Đông Hà từ khi thành lập đến năm 1945 còn hết sức giản đơn với qui mô nhỏ, với hai phường có tên gọi là phường Đệ Nhất và phường Đệ Nhị (ngày nay là khu đất thuộc phường I, nằm ở trung tâm thị xã mà trục lộ chính bắt đầu từ ngã ba giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 9 chạy dọc lên theo phía tây). Mỗi phường có một Phường trưởng đứng đầu. Diện tích chỉ khoảng chừng 1 km2, với hơn 300 hộ và khoảng 2.000 nhân khẩu, phân bố trong hai phường Đệ Nhất và Đệ Nhị. Sự phân chia hành chính thị trấn Đông Hà thành hai phường không thay đổi từ khi thành lập đến năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám  thắng lợi, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Các huyện, thị trong toàn tỉnh tiến hành hiệp xã, bãi bỏ cấp tổng, sát nhập nhiều thôn, làng lại với nhau thành những xã lớn; đơn vị hành chính cấp tổng (cũ) bị bãi bỏ để thành lập đơn vị hành chính mới là cấp xã. Đến tháng 11/1945, hệ thống chính quyền từ huyện thị đến cơ sở được thiết lập, kiện toàn và đi vào hoạt động. Lúc này toàn địa bàn Đông Hà có 7 xã và thị trấn Đông Hà, gồm:

- Xã Cam Ninh, gồm 6 thôn: An Lạc, Tây Trì, Đông Lai, Thượng Nghĩa, Tràng Tre, Vĩnh Ninh.

- Xã Cam Đình, gồm 3 thôn: Thượng Độ, Đình Tổ, Đại Độ.

- Xã Cam Tường, gồm 3 thôn: Nghĩa An, Thanh Lương, Hoàn Thịnh.

- Xã Cam Hà, gồm 3 thôn: Đông Hà, Tây Trì, Thiết Tràng.

- Xã Từ Hiệp, gồm 3 thôn: Điếu Ngao, Đại An, Lương An và Phường Gióc.

- Xã Lập Phúc, gồm 4 thôn: Lập Thạch, Long Phước, Phú Lễ, Vân An.

- Xã Đại Phước, gồm 3 thôn: Trung Chỉ, Đại Áng, Vĩnh Phước.

- Thị trấn Đông Hà, gồm khu vực đất đai phường I hiện nay (15).

Đến giữa năm 1946, lại có sự sắp xếp sát nhập các xã nhỏ lại với nhau để phù hợp với tình hình mới, các đơn vị hành chính vùng Đông Hà từ 7 xã chỉ còn lại 3 xã và 1 thị trấn, gồm:

- Xã Cam Giang sát nhập từ 2 xã Cam Ninh, Cam Đình cộng thêm khối vạn đò Trọng Đức; trực thuộc huyện Cam Lộ.

- Xã Cam Thanh sát nhập từ xã Cam Hà, Cam Tường; trực thuộc huyện Cam Lộ.

- Xã Phong Hanh sát nhập từ các xã Lập Phúc, Từ Hiệp, Đại Phước; trực thuộc huyện Triệu Phong.

- Thị trấn Đông Hà vẫn giữ nguyên đơn vị hành chính như cũ và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tỉnh (16).

Cuối năm 1949 đầu năm 1950, để phù hợp với tình hình mới, tăng thêm sức mạnh chiến đấu liên hoàn của các xã, cuộc hiệp xã lần thứ ba được tiến hành, các xã được mở rộng thành những xã lớn hơn:

Xã Đông Thanh nhập thêm các làng của xã Cam An như Mỹ Hoà, Trúc Sơn, An Bình, Cam Lộ Hạ, Phú Ngạn thuộc Cam Lộ.

Xã Đông Giang nhập thêm các làng phía dưới đường quốc lộ 1 của xã Cam An như Trúc Kinh, Trúc Khê, Phổ Lại, Phú Hậu, Kim Đâu, Cẩm Thạch, An Xuân, Phi Thừa thuộc Cam Lộ.

Xã Phong Hanh gồm phường II, Triệu Lương, Triệu Lễ nhập thêm các làng như: Hà Xá, Phước Mỹ, Tam Phố, Kiên Phước, Trung Yên và đổi thành xã Triệu Hoà.

Đông Hà thành một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh (17).

Ngày 18/9/1950, theo Quyết nghị số 1104-QN/P5 của UBKCHC LK4, các xã thuộc huyện Cam Lộ hợp nhất thành 3 xã:

1. Xã Vĩnh Hộ, do Cam Thuỷ và Cam Mỹ hợp thành.

2. Xã Cam Lộc, do xã Cam Lộc và Cam Hoà hợp thành.

3. Xã Cam An, do xã Cam Giang và Cam Tường hợp thành (18).

Từ 1946 đến 1954, Đông Hà nằm trong vùng Pháp chiếm đóng. Thời kỳ này có hai sự điều chỉnh địa giới hành chính:

- Một là, ngày 9/01/1951, Thủ hiến Trung Việt ban hành nghị định số 19-NĐ-PC  tạm sát nhập 11 làng, xã gồm: Tuy An, Cẩm Thạch, An Xuân, An Bình, Phú Hậu, Phổ Lại xã, Phổ Lại phường, Cam Lộ, Tây Trì, Đông Hà, Nghĩa An, nguyên thuộc huyện Cam Lộ vào trung tâm Đông Hà, tỉnh Quảng Trị .

- Hai là, ngày 22/03/1951, Thủ hiến Trung Việt lại ban hành nghị định số 433- NĐ-PC tạm sáp nhập làng Lạng Phước - nguyên thuộc tổng An Đôn, phủ Triệu Phong vào trung tâm Đông Hà, tỉnh Quảng Trị (19).

 Sau ngày 20/07/1954, hiệp định Genève được ký kết, sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 trở thành biên giới quân sự tạm thời, chia cắt nước Việt Nam thành hai miền Nam - Bắc. Theo đó, tỉnh Quảng Trị bị chia làm hai: khu vực Vĩnh Linh (phần phía bắc sông Bến Hải) thuộc tỉnh Quảng Trị được tổ chức thành một đơn vị hành chính riêng ngang với một tỉnh và tạm thời đặt khu vực Vĩnh Linh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương (Nghị định số 551-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 16/6/1955) (20); còn phần lớn diện tích và dân cư Quảng Trị ở phía nam sông Bến Hải thì thuộc chính quyền Sài Gòn. Cấp đơn vị hành chính các huyện gọi là cấp quận. Ngoài các đơn vị hành chính cấp quận mang các tên cũ như: Triệu Phong, Hải Lăng, Do Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, còn có thêm một quận và một nha hành chính được lập mới là: quận Trung Lương và nha hành chính Ba Lòng. Thị xã Quảng Trị cải đặt thành nha đại diện hành chính Quảng Trị; thị trấn Đông Hà cải đặt thành nha đại diện hành chính Đông Hà.

Ngày 29/04/1968, chính quyền Sài Gòn thành lập tại tỉnh Quảng Trị thêm một quận mới, lấy tên là quận Đông Hà, quận lỵ đặt tại xã Đông Hà. Quận Đông Hà gồm 7 xã: Đông Hà, Đông Hoà, Đông Phong, Đông Thạnh, Đông Xuân, Đông Lễ, Đông Lương (21).

Sau tháng 8/1972, một phần đất của tỉnh Quảng Trị từ phía bắc sông Thạch Hãn trở ra được giải phóng. Ngày 27/1/1973, hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Quảng Trị hình thành hai vùng: vùng giải phóng chiếm 85% đất đai, khoảng 13 vạn dân trong đó có Đông Hà, vùng tạm bị chiếm  là 15% đất đai còn lại của tỉnh, với hơn 17 vạn dân. Cam Lộ được Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMN Việt Nam chọn đặt thủ phủ, Quảng Trị trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế - xã hội.

Từ đó, Đông Hà được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị, là trung tâm chính trị, quân sự và ngoại giao của một tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Các cơ quan của tỉnh, một số cơ quan của Trung ưng làm nhiệm vụ tiền phương, các Bộ tư lệnh và Binh đoàn chủ lực đều có mặt ở địa bàn. Đông Hà còn là nơi tiếp nhận, trạm trung chuyển vật tư của Trung ương cho tỉnh và toàn miền Nam. Vì vậy, mọi hoạt động của Đông Hà đều có mối quan hệ và tác động đến quá trình phát triển của tỉnh.

Ngày 11/4/1975, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh uỷ Quảng Trị, thị xã Quảng Trị và thị xã Đông Hà được sát nhập thành một đơn vị hành chính lấy tên là thị xã Quảng Trị (22); bộ máy quản lý hành chính đặt tại Đông Hà. Tuy nhiên, trên thực tế, tên thị xã Quảng Trị chỉ tồn tại một thời gian ngắn, sau đó vẫn gọi là thị xã Đông Hà.

Sau khi đất nước thống nhất (4/1975), từ tháng 2/1976, thực hiện Nghị quyết 245-NQ/TW ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp tỉnh và Nghị quyết số 19/NQ ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định về việc giải thể khu vực Vĩnh Linh để sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên mới được thành lập, bao gồm tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh (của miền Bắc) và tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên của miền Nam (23). Theo đó, một số huyện, thị xã, xã, cũng được sáp nhập lại với quy mô lớn hơn. Đông Hà là thị xã trực thuộc tỉnh Bình Trị Thiên.

Giữa năm 1976, thị xã đã đón nhận và di chuyển một bộ phận dân cư ở bãi cát Diên Sanh (còn gọi là Khu Thị tứ) đi xây dựng vùng kinh tế mới ở phía tây nam huyện Gio Linh lập nên xã Quảng Tân vào ngày 13/8/1976 (gồm 376 hộ với 2.594 nhân khẩu) trực thuộc thị xã Đông Hà đại bộ phận còn lại (trên 4.000 nhân khẩu) di chuyển ra Đông Hà cùng với dân của làng Đại An, một bộ phận của làng Đại Áng (thuộc xã Triệu Lương huyện Triệu Phong) lập thành tiểu khu 5. Toàn bộ dân vạn chài ở 2 vạn Trọng Đức và Ngã Ba (gồm 341 hộ, 2.181 khẩu) được chuyển lên định cư trên đất liền và cùng với dân làng Thiết Tràng lập thành phường IV (ở phía tây - nam thị xã). Do vậy, đến năm 1976, Đông Hà có 5 tiểu khu được gọi tên bằng số. Từ tháng 7/1977, các tiểu khu gọi là phường; bao gồm : Phường I, phường II, phường III, phường IV và phường VI.

Ngày 15/8/1981, xã Quảng Tân thuộc thị xã Đông Hà bị giải thể để sát nhập toàn bộ xã Quảng Tân và xã Do Phong thuộc huyện Bến Hải.

Ngày 11/9/1981, theo Quyết định 64-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, địa giới của thị xã Đông Hà được điều chỉnh và phân định lại. Các xã Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thành, Cam Thuỷ, Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa thuộc huyện Bến Hải; các xã Triệu Lương, Triệu Lễ thuộc huyện Triệu Hải được tách ra để sát nhập vào thị xã Đông Hà. Sau khi được mở rộng, thị xã Đông Hà bao gồm các phường I, phường II, phường III, phường IV, phường V, và các xã Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thành, Cam Thuỷ, Cam Hiếu, Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa, Triệu Lương, Triệu Lễ (24).

Ngày 1/07/1989 tỉnh Quảng Trị được tái lập. Thị xã Đông Hà được chọn làm thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị.

Trải qua nhiều cuộc biến động lịch sử và qua nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, đến nay, thị xã Đông Hà - trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị gồm có 9 phường và 84 khu dân cư. Có diện tích tự nhiên là: 72,5 km2; dân số 80.000 người, bao gồm:

- Phường I: Có 10 khu dân cư (nguyên là đất của làng Tây Trì). Phường II: Có 10 khu dân cư (nguyên là đất của làng Điếu Ngao). Phường III: Có 8 khu dân cư (nguyên là đất của làng Đông Hà). Phường IV: Có 5 khu dân cư (nguyên là đất của làng Thiết Tràng và 3 vạn đò: vạn Đông Hà, vạn Ngã Ba, vạn Trọng Đức). Phường V: Có 11 khu dân cư (nguyên là đất của làng Đại An, một bộ phận của làng Đại Áng thuộc xã Triệu Lương huyện Triệu Phong cũ, cùng với dân khu Thị tứ - thị xã Quảng Trị cũ di chuyển ra sau ngày 20/8/1976). Phường Đông Giang: Có 11 khu dân cư (xã Cam Giang, huyện Cam Lộ cũ; gồm các làng: Thượng Độ, Thượng Nghĩa, Đông Lai, Vĩnh Ninh, An Lạc, Đại Độ, Đình Tổ và xóm Đồng Hoang). Phường Đông Thanh: Có 11 khu dân cư (xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ cũ; gồm các làng Nghĩa An, Thanh Lương). Phường Đông Lương: Có 8 khu dân cư (xã Triệu Lương, huyện Triệu Phong cũ; gồm các làng Trung Chỉ, Đại Áng, Vĩnh Phước, Lai Phước, Tân Vĩnh). Phường Đông Lễ: Có 10 khu dân cư (xã Triệu Lễ, huyện Triệu Phong cũ; gồm các làng: Lạng Phước, Phú Lễ, Lập Thạch, Vân An, Lương An, Phưng Gia).

                                                                                                                   N.B

 

 

(1) Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1. Nxb Khoa học xã hội. Hà nội, 1993, tr. 274, 278 và tr. 90 - 91.

(2) Học giả Đào Duy Anh trong sách Đất nước Việt Nam qua các đời (Nxb Thuận Hoá, 1994, tr. 159 - 160) cho rằng: Huyện Dạ Độ là vùng phía Đông huyện Do Linh và phía Đông huyện Triệu Phong nằm ở hạ nguồn sông Thạch Hãn ngày nay. Huyện Lợi Điều là vùng đất thuộc huyện Thành Hóa/ Cam Lộ. Căn cứ vào đường ranh giới là sông Hiếu giữa châu Minh Linh và Châu Thuận chúng tôi cho rằng thời kỳ này, vùng đất Đông Hà hiện tại thuộc hai huyện Dạ Độ và Lợi Điều. Sự phân định này còn chờ kết quả nghiên cứu chính thức về sau.

(3) Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 41 và 44.

(4) Dương Văn An. Ô châu cận lục. Bản dịch và hiệu chú của Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc. Nxb Thuận Hoá, Huế, 2001, tr. 52 - 53.

(5) Lê Quý Đôn. Phủ biên tạp lục. Sđd, tr. 81.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 1. Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992. tr. 92.

(7) Cam Lộ phủ chí. Lê Tiết Nghĩa sao lục và hiệu đính. Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nguyễn Xuân Hoà sưu tầm và dịch. Nay chưa xác định được vị trí thành đạo Cam Lộ ở làng Nghĩa An.

(8) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí, tập 1. Sđd. tr. 103.

(9) Sách “Đại Nam nhất thống chí, tập 1” (tr. 118) chép về thành Vĩnh Ninh: Chu vi 138 trượng linh, cao 6 thước 5 tấc, dày 1 trượng 5 tấc, mở 3 cửa , hào rộng 1 trượng, sâu 5 thước. Năm Minh Mệnh thứ 11, đắp luỹ đất, gọi là thành Vĩnh Ninh. Năm thứ 12 đổi làm thành phủ Cam Lộ. Năm Thiệu Trị thứ 3, ba cửa thành xây bằng gạch và đá. Năm Tự Đức thứ 6, bỏ phủ Cam Lộ đổi thành làm bảo, bổ viên quản cơ Định Man giữ bảo, cùng viên tri huyện Thành Hoá đóng giữ.

(10) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đồng Khánh địa dư chí lược. Bản dịch của Văn Thanh. 26 trang đánh máy trên giấy khổ A4 (Hiện lưu ở Bảo tàng Quảng Trị).

(11) Cụ thể là:

                - Phủ Triệu Phong có 4 huyện: Thuận X­ương, Hải Lăng, Vĩnh Linh và Do linh.

                - Phủ Cam Lộ có 2 huyện: Thành Hoá và Hư­ớng Hoá.

                - Chín châu Kymi là: Mư­ờng Vang, Na Bí/Bôn, Thư­ợng Kế (3 châu này nguyên là đất của châu Sa Bôi cũ), Tầm Bồn, Mang/M­ường Bổng, Ba Lan, Tá Bang, Xư­ơng Thạnh, Làng Thìn/Thời (6 châu này nguyên là đất của châu Thuận Bình cũ). Những châu này về sau thuộc về lãnh thổ n­ước Lào.

(12) Tên cũ là huyện Minh Linh, đổi tên thành Chiêu Linh từ khi vua Hàm Nghi. Từ khi vua Thành Thái lên ngôi vào ngày 01/02/1889 vì kiêng huý ngự danh (tên khi trở thành vua) của vua là Chiêu nên đổi thành Vĩnh Linh.

(13) Annuaire Administrative de lIndochine (viết tắt là AAIC), 1908, p. 437.

(14) Journal Officiel de lIndochine Francaise (viết tắt là JOIC), Hanoi, 1929, p. 4278.

(15) + (16) BCH Đảng bộ thị xã Đông Hà. Lịch sử Đảng bộ thị xã Đông Hà (1930 - 1999). Sđd, tr. 114.

(17) BCH Đảng bộ thị xã Đông Hà. Lịch sử Đảng bộ thị xã Đông Hà (1930 - 1999). Sđd, tr. 154.

(18) Quyết nghị 1104-QN/P5 ngày 18/9/1950 của UBKCHC Liên khu 4. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà nội, 1997, tr. 44.

(19) Nghị định 19-NĐ-PC ngày 9/02/1951 và Nghị định 433-NĐ-PC ngày 22/03/1951. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945 - 2002). Nxb Văn hoá Thông tin. Hà Nội. 2003, tr. 81.

(20) Nghị định số 551-TTg ngày 16/6/1955 của Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dẫn theo Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Sđd, tr. 58.

(21) Nghị định số 377-NĐ/NV ngày 29/4/1968 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa. Dẫn theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính   1945 - 1997.Sđd, tr. 204.

(22) BCH Đảng bộ thị xã Quảng Trị. Lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Trị (1930 - 1995). Sđd. tr. 279.

(23) Theo: Nguyễn Quang Ân. Việt Nam - những thay đổi về địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945 - 1997. Sđd, tr. 234.

(24) Quyết đinh số 64-HĐBT của hội đồng Bộ trưởng ngày 11/9/1981. Dẫn theo Nguyễn Quang Ân. Việt Nam – những thay đổi về địa danh và địa giới hành chính (1945 – 2002). Sđd, tr.316

 

Nguyễn Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 178 tháng 07/2009

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

2 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground