Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Điểm cao 544 – Trận đánh mở màn chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972

Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trên hướng tiến công chiến lược Trị - Thiên, từ ngày 30 - 3 đến ngày 1 - 5 - 1972, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và tiếp tục tiến công nhằm giải phóng tỉnh Thừa Thiên. Trước nguy cơ thất bại nặng nề của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Nhà trắng đã quyết định “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, dùng không quân và hải quân chi viện hỏa lực mạnh mẽ cho quân đội Sài Gòn ngăn chặn cuộc tiến công của quân ta vào Thừa Thiên, đồng thời mở cuộc phản công lớn đánh chiếm lại Quảng Trị. Vì vậy, Quảng Trị đã trở thành chiến trường trọng điểm, diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa quân và dân ta với đội quân Mỹ - ngụy đang nuôi tham vọng thay đổi cục diện chiến trường có lợi, để làm áp lực trên bàn Hội nghị Paris. Do đó, cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị, Thành Cổ và những vùng đất đã giành được của quân và dân ta trở nên vô cùng ác liệt và đã chiến thắng vẻ vang, góp phần cùng quân dân cả nước giành những thắng lợi quyết định trong năm 1972.
 

Xin được đề cập tới trận đánh mở màn chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị năm 1972 tại điểm cao 322, 288, Phu-lơ (điểm cao 544) phía Đông Nam của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, Mặt trận B5

Đầu tháng 3 - 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang trong giai đoạn quyết liệt, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp quyết định thay đổi hướng tiến công chiến lược chính sang chiến trường Trị - Thiên; miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên chuyển thành hướng quan trọng; đồng thời sẵn sàng đưa một bộ phận chủ lực thọc sâu xuống đồng bằng khi có thời cơ. Có sự thay đổi như vậy là vì chiến trường Trị - Thiên sát với hậu phương chiến lược miền Bắc, ta có thể tập trung lực lượng và bảo đảm vật chất cho một chiến dịch quy mô lớn, dài ngày. Thêm nữa, cho đến lúc này, Bộ Chỉ huy của quân đội Mỹ vẫn cho rằng hướng tiến công chiến lược chính của ta vẫn là chiến trường Tây Nguyên nên đã điều động phần lớn các sư đoàn dự bị chiến lược và các lực lượng chủ lực của Quân khu 2, quân đội Sài Gòn lên cao nguyên trung phần.

Ngày 11 - 3 - 1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên; đồng thời xác định chiến dịch tiến công Trị - Thiên có nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tiêu diệt phần lớn lực lượng quân sự địch ở Trị - Thiên, cơ bản tiêu diệt cho được hai sư đoàn và đánh thiệt hại nặng một sư đoàn khác.

- Phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng ở nông thôn đồng bằng, đẩy mạnh phong trào đô thị và công tác binh vận; tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, đánh bại kế hoạch bình định của địch.

- Giải phóng phần lớn địa bàn Trị - Thiên, có điều kiện thì kiên quyết giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên; tiêu diệt, phân tán, giam chân, thu hút lực lượng địch, phối hợp với các chiến trường khác giành thắng lợi chung cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972.

Quán triệt và thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao, các đơn vị tham gia chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị khẩn trương bắt tay vào làm công tác chuẩn bị mọi mặt. Điểm cao 544 của địch được quân ta chọn là mục tiêu mở màn cho chiến dịch Trị - Thiên. Đơn vị vinh dự được nhận nhiệm vụ này là Trung đoàn 27 của Mặt trận B5 - một đơn vị có bề dày truyền thống và kinh nghiệm chiến đấu.

Căn cứ 544, được các nhà khoa học quân sự Mỹ gọi là Phu-lơ, nằm trong hệ thống phòng ngự kiên cố vòng ngoài của địch ở phía Bắc Đường 9, trên một điểm cao khống chế phía Tây Bắc. Tuyến phòng ngự này của địch được cấu trúc vững chắc, có lực lượng tinh nhuệ chốt phía trong và có hàng rào điện tử Mc.Namara bên ngoài, có sự chi viện chặt chẽ và kịp thời của hỏa lực. Đây là căn cứ rất lợi hại. Địch sử dụng căn cứ này để bảo vệ Quảng Trị. Ngoài ra, để đối phó với ta, tướng Hoàng Xuân Lãm, Tư lệnh Quân khu 1, kiêm Vùng chiến thuật 1 của Việt Nam Cộng hòa quyết định tăng cường thêm pháo binh, xe tăng, thiết giáp cho các căn cứ ở Quảng Trị, trong đó có căn cứ Phu-lơ (điểm cao 544).

Rút kinh nghiệm những trận đánh trước, lần này, cán bộ chỉ huy Trung đoàn 27 quyết định: 3 tiểu đoàn tấn công điểm cao 544 và Đồi Tròn từ phía Tây và Tây Bắc. Tiểu đoàn 3 được phân công luồn sâu vào phía Đông Nam khu vực điểm cao 322 và 288, hình thành thế bao vây, chia cắt căn cứ này trước khi có lệnh nổ súng của Mặt trận. Phương án tác chiến cụ thể là: Các trận địa pháo của Mặt trận tăng cường và của Trung đoàn 27 đặt ở điểm cao 425 và đồi D4 (phía Bắc điểm cao 544) đánh dồn dập vào căn cứ địch. Tiểu đoàn 2 tổ chức phá các lớp hàng rào bằng vũ khí mới FR kết hợp với mìn, bộc phá đánh mở cửa ở phía Tây Bắc. Sau khi pháo ta chuyển làn vào phía Nam, các mũi bộ binh tiến công lên trung tâm trong quá trình chiến đấu và để một đại đội tăng cường làm lực lượng dự bị cho trung đoàn. Tiểu đoàn 3 nhanh chóng chuẩn bị trận địa phục kích từ điểm cao 322 đến cầu Thiện Xuân trên Đường 9 để đánh địch rút chạy và quân ứng cứu cho điểm cao 544. Tất cả các lực lượng phải bảo đảm thời gian nổ súng hiệp đồng đúng giờ theo quy định của chiến dịch, nhất là hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh.

Phương án tác chiến và cách đánh của Trung đoàn do đồng chí Phạm Minh Tâm, Trung đoàn trưởng, trực tiếp báo cáo với Bộ Chỉ huy chiến dịch. Bộ Tư lệnh chiến dịch chuẩn y phương án, cách đánh của Trung đoàn 27 và căn dặn thêm: Đưa Tiểu đoàn 3 vào khu vực điểm cao 322, 288 là tạo nên sự bất ngờ rất lớn cho địch. Trung đoàn phải chỉ huy chiến dịch chiến đấu đạt hiệu suất cao đối với mũi thọc sâu, chia cắt này. Vào chiến dịch này, Tiểu đoàn 3 chủ công có nhiệm vụ luồn sâu, phục kích để hiệp đồng tác chiến với các mũi, các hướng khác. Hai đại đội tăng cường tổ chức chiếm lĩnh trận địa, giữ được bí mật hoàn toàn. Giao nhiệm vụ quan trọng này cho Tiểu đoàn 3, Ban Chỉ huy Trung đoàn 27 rất tin tưởng Tiểu đoàn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đêm 29 - 3 - 1972, phân đội cuối cùng của Tiểu đoàn 3 đã chiếm lĩnh xong trận địa. Để giữ bí mật, tạo thế bất ngờ cho toàn chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đã phải trải qua những giây phút căng thẳng ngay trước trận địa chiến đấu của mình.

Đúng 7 giờ ngày 30 - 3 - 1972, đạn pháo trên 5 chiếc xe tăng của địch từ Cam Lộ bắn như dội lửa vào đội hình của đơn vị. Hai chiếc trực thăng vũ trang thả pháo khói xuống đội hình phục kích của ta, làm hai chiến sĩ bị thương. Một số chiến sĩ tưởng trận địa đã bị lộ, đề nghị cho ĐKZ và đại liên nổ súng. Tiểu đoàn trưởng lao ngay đến các trận địa đang xảy ra tình huống đó để xem xét cụ thể trước khi ra mệnh lệnh. Kiểm tra xong, tôi phán đoán: địch bắn để “dọn đường” và thăm dò lực lượng ta. Trận địa vẫn chưa bị lộ.

Đúng như ta dự đoán, 9 giờ, bộ binh địch từ phía điểm cao 105 hành quân lên cách trận địa Đại đội 1 khoảng 200 mét, rồi dừng lại. Tổ trinh sát của Tiểu đoàn 3 phát hiện có một tốp dân đang đi thẳng vào trận địa của Đại đội 1, phần lớn là người già và trẻ em. Người cầm đòn gánh, dao rựa, người bế con trên tay, mấy tên lính đi sau chốc chốc lại chĩa súng vào từng người hăm dọa. Bọn lính phía sau vẫn ngồi nghỉ, tốp dân phía trước cứ đi. Họ càng đi, càng dồn lại tưởng như người nọ dìu người kia, ai nấy mặt mày hốc hác, áo quần rách tả tơi. Mỗi lần lính thúc súng vào lưng, trẻ con lại khóc thét lên, người già bổ sấp, bổ ngửa.

Tình huống thật bất ngờ, ta nhận định: địch bắt dân đi trước để tìm lực lượng ta, nếu phát hiện, chúng sẽ cho pháo và máy bay đánh phá đội hình, sau đó bọn lính sẽ ào lên nổ súng. Tôi chỉ thị ngay cho Đại đội 1: “Tuyệt đối giữ bí mật, có bị lộ cũng không được nổ súng vào dân”.

Trận địa Đại đội 1 vẫn im lặng. Bộ đội tưởng như phải nín thở khi tận mắt nhìn những người dân đang mệt mỏi và lo sợ lê từng bước qua trước mũi súng của mình. Đoàn người rời khỏi trận địa Đại đội 1, lọt sang sườn phía Bắc của dãy đồi quân ta bố trí trận địa phục kích. Các chiến sĩ thấy trong người nhẹ nhõm và điều sung sướng nhất là trận địa vẫn giữ được bí mật, an toàn.

Chính trị viên Tiểu đoàn 3 Trần Xuân Gắng cùng mấy người chiến sĩ đến gặp đoàn người. Lúc đầu họ lấm lét sợ hãi, có người định bỏ chạy, nhưng sau khi nghe giải thích về chính sách khoan hồng và đối xử nhân đạo của cách mạng, họ mới yên tâm. Họ cho biết thêm, bọn chỉ huy Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn bắt họ đi trước, lính theo sau lên thay cho lính ở căn cứ Phu-lơ. Ai thấy quân giải phóng thì chạy về báo, sẽ được thưởng tiền.

Để lừa địch mắc vào đúng “bẫy” mà chúng dựng lên, Tiểu đoàn 3 bí mật cho đoàn người rời khỏi trận địa của mình. Quân địch phía sau tưởng là dân không gặp quân giải phóng, nên chúng tiếp tục hành quân lên căn cứ Phu-lơ.

10 giờ 30 phút, đội hình hành quân của địch lọt hẳn vào trận địa phục kích của Tiểu đoàn 3. Còn 20 phút nữa mới đến giờ mặt trận quy định nổ súng nhưng thời cơ đã đến, địch hành quân rất chủ quan còn bộ đội ta vẫn giữ bí mật bất ngờ. Mọi việc diễn ra thuận lợi. Sau khi cân nhắc kỹ, tôi vừa báo cáo cấp trên, vừa quyết định cho đơn vị nổ súng. Bị đánh bất ngờ, bọn địch bị tiêu diệt. Lính ở điểm cao 544 càng hoảng hốt, hoang mang, tạo thêm thuận lợi cho các đơn vị của Tiểu đoàn 2 nhanh chóng tiến công tiêu diệt điểm cao 544, chia cắt bọn địch ở điểm cao 544 và Đồi Tròn với khu vực Cam Lộ.

Mệnh lệnh nổ súng lập tức được truyền đi. Loạt mìn định hướng ở bộ phận khóa đuôi của Đại đội 1 vang lên. Cùng lúc đó, 6 khẩu cối 82mm của Tiểu đoàn 3 bắn dồn dập vào đội hình 2 đại đội địch đang lội qua sông Cam Lộ. Đại đội 1 chia thành 2 mũi: Trung đội 1 đánh thẳng từ yên ngựa của dãy đồi 322 xuống, Trung đội 2 và Trung đội 3 vòng sang phía Nam điểm cao 288 và một mũi khác của Đại đội 2 tiến ra mép sông Cam Lộ chặn địch.

Tất cả đều đồng loạt nổ súng. Đại đội địch đi đầu bị bao vây một cách bất ngờ và bị tiến công trên cả ba hướng. Những tên lính sống sót cố co cụm lại để chống trả, chờ hai đại đội ở phía sông Cam Lộ lên giải vây. Trước tình hình đó, tôi chỉ huy cho lực lượng còn lại của Đại đội 2 xuất kích và điều ngay Trung đội cối 82 mm của Đại đội 4 chiếm lĩnh điểm cao 288 và bắn trực tiếp xuống bọn địch ở phía sông Cam Lộ, tạo thế cho Đại đội 1 đánh dứt điểm toàn bộ các cụm địch đang nằm rải rác ở phía Nam dãy 288. Bọn địch bị bất ngờ khi cối 82 mm của ta từ điểm cao 288 đánh trúng đội hình địch đang hành quân. Làm cho địch càng hoảng hốt hơn khi các chiến sĩ của Đại đội xuất hiện đánh thốc từ điểm cao 288 sang. Tiếng nổ của súng AK, B40, B41, cối 60mm cứ lan dần xuống bờ sông Cam Lộ, nơi bọn chỉ huy của Tiểu đoàn 2 ngụy đang tập trung hai đại đội phía sau lên phản kích để mở đường lên điểm cao 544 và cố giữ địa bàn cho bọn lính sống sót dừng chân, chờ xe tăng, thiết giáp từ Cam Lộ ra chi viện. Lúc này, tôi quyết định phải đánh nhanh, diệt gọn, cắt hẳn con đường tăng, làm chủ hoàn toàn khu vực 322, 288 để đưa lực lượng xuống Đường 9. Tôi quyết định Đại đội 1 và Đại đội 2 tập trung hỏa lực đánh hất địch ra phía bờ sông. Đại đội trưởng Đại đội 2 quyết tâm chặn địch lại đoạn từ bờ sông nối với trục đường tăng ở chân dãy 288 để vừa tiêu diệt sinh lực địch vừa đánh chiếm bàn đạp cho cả tiểu đoàn tiếp tục thọc sâu xuống phía Nam.

Nhiệm vụ đó sẽ khó khăn hơn, nếu để địch điều xe tăng lên đột kích, vì vậy, phải đẩy nhanh tốc độ trận đánh để xóa sổ Tiểu đoàn 2 địch ngay ở khu vực này. Cối 82mm của Đại đội 17 đi cùng Tiểu đoàn 3 đánh thẳng vào bọn chỉ huy ở phía Nam dãy 288. Các mũi xuất kích của Đại đội 1 và Đại đội 2 tiếp tục hình thành thế bao vậy, nhằm tiêu diệt gọn địch. Phút chót của trận đánh tiêu diệt hoàn toàn lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 2 địch đã chuẩn bị xong. Quân địch vẫn vừa lùi, vừa chống trả, chờ quân phía sau lên chi viện. Nhưng chúng không ngờ rằng, trong khi Tiểu đoàn 3 của ta truy kích địch ra tận bờ sông Cam Lộ, một mình chiến sĩ Nguyễn Viết Mão của Đại đội 1 đã bắt 12 tù binh, trong đó có thiếu tá Hà Thúc Mẫn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 địch; đồng thời cũng là lúc Bộ Tư lệnh chiến dịch phát lệnh nổ súng chiến đấu hiệp đồng trên toàn Mặt trận. Lúc đó là 11 giờ 30 phút ngày 30 - 3 - 1972.

Giai đoạn 1 của chiến dịch bắt đầu. Đúng lúc địch đang thay quân, ta nổ súng mở màn tiến công giải phóng Quảng Trị. Tất cả các căn cứ địch nằm trong “hàng rào điện tử Mc.Namara” đang rung lên sau những tiếng nổ như sấm của các loại đạn pháo ta. Trận đánh của Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 có sớm hơn so với thời gian quy định nổ súng của Mặt trận, song ai cũng thấy Tiểu đoàn 3 đã nổ súng đúng thời cơ, đánh bất ngờ, đạt hiệu suất chiến đấu cao, tạo điều kiện thuận lợi cho Tiểu đoàn 1 và 2 đánh điểm cao 544 và Đồi Tròn. Trung đoàn 27 Tiểu đoàn 3 đã làm chủ hoàn toàn khu vực điểm cao 322, 288 phía Đông Nam điểm cao 544 và Đồi Tròn, chặn đứng lực lượng chi viện phía sau của địch, chia cắt thế liên hoàn của điểm cao 544, Đồi Tròn với Cam Lộ và điểm cao 241. Lúc này, Tiểu đoàn 2 đang lần lượt đánh chiếm các mỏm đồi Đ1, Đ2, Đ3, Đ4 ở phía Bắc điểm cao 544 để làm bàn đạp. Chuông điện thoại trong Sở Chỉ huy Trung đoàn 27 vang lên. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Bùi Xuân Các báo cáo: Đại đội 5 đã chiếm xong đồi Đ2, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 hiểu ngay hướng tiến công chủ yếu của Tiểu đoàn 3 đang phát triển thuận lợi. Tiểu đoàn trưởng báo cáo tiếp diễn biến ở các hướng khác của Tiểu đoàn: Các đơn vị ở hướng Tây Bắc đồi Đ1, một đại đội làm lực lượng dự bị bố trí ở đồi Anh Hùng (một mỏm núi phía Tây điểm cao 544).

Nghe Tiểu đoàn 2 báo cáo xong, Trung đoàn trưởng nhận định: địch ở điểm cao 544 và Đồi Tròn sẽ hoang mang khi Tiểu đoàn 3 địch đã bị tiêu diệt ở các điểm cao 322, 288. Pháo, cối của ta đang đánh phá dữ dội các căn cứ. Trung đoàn phải tranh thủ thời cơ này để mở cửa, tiêu diệt điểm cao 544. Trung đoàn trưởng chỉ thị cho Tiểu đoàn 2 dùng một bộ vũ khí FR mở một cửa ở hướng Tây Bắc điểm cao 544 (theo phương án, Tiểu đoàn 2 sẽ mở 2 cửa ở hướng Bắc và Tây Bắc), tập trung lực lượng đột kích mạnh vào hướng đó, giảm bớt thời gian vây lấn phía ngoài. Trong khi đó, ở hướng Tây, ta sử dụng bộ vũ khí FR để phá các lớp hàng rào; ở hướng Bắc, Đại đội 5 chuẩn bị sẵn sàng hai khẩu súng phun lửa để đánh phối hợp.

Đúng 22 giờ 30 phút ngày 30 - 3 - 1972, trinh sát Tiểu đoàn 3 báo cáo về Sở Chỉ huy Tiểu đoàn: Địch xung quanh điểm cao 544 đang rút chạy. Cùng lúc đó, ở hướng Tây, Đại đội 6 nhận được lệnh mở cửa bằng vũ khí FR. Trời tối đen như mực, chốc chốc pháo sáng địch bắn lên cháy le lói trên đỉnh cứ điểm 544. Đội hình tiến công của các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 3 đã sẵn sàng nằm trước cửa mở. Mỗi người dắt sau lưng một mẩu gỗ có chất lân tinh phát sáng để dễ nhận ra nhau. Tiểu đoàn trưởng xem lại đồng hồ, rồi phát lệnh nổ súng. Chiến sĩ Nguyễn Văn Thanh cho tổ vượt lên, anh nhanh chóng kiểm tra lại nụ xòe lần cuối cùng, rồi điểm hỏa. Lửa cháy sáng rực. Những khối bộc phá ống đã được liên kết, nổ ầm ầm, bay vùn vụt trên mặt đất. Các loại hàng rào của địch bị bung ra. Toàn bộ đội hình của Tiểu đoàn 3 vượt qua cửa mở, tiến sâu vào căn cứ địch. Bọn địch đang hoảng hốt trước bộ “rồng lửa” của ta mở toang cánh cửa nhanh chóng ở hướng Tây, thì ở hướng Bắc, hai khẩu súng phun lửa của Đại đội 5 do Đại đội trưởng Phạm Xuân Ngạn chỉ huy kết hợp với súng B40, B41 áp sát hàng rào bắn xối xả vào các vị trí bên trong cứ điểm 544. Những chuỗi chớp lửa sáng lên. Các chiến sĩ bộ binh luồn qua các lớp hàng rào đã bị thiêu cháy, đánh ào ạt vào sở chỉ huy của địch. Cả hai hướng xung phong, đánh chiếm các mục tiêu trong toàn bộ cứ điểm 544. Khoảng một đại đội địch còn lại trên căn cứ bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân địch bị thất bại, xác địch nằm rải rác khắp trận địa pháo, giàn rađa, hầm ngầm, lô cốt.

Chỉ sau 10 phút chiến đấu, bộ đội ta đã cắm lá cờ Giải phóng lên nóc hầm chỉ huy của địch tại điểm cao 544. Tiếng súng trên điểm cao 544 lặng dần và tắt hẳn. Thỉnh thoảng các đám cháy từ nhà bạt, hầm ngầm lại bùng lên soi rõ lá cờ giải phóng quân và các chiến sĩ đang vận động như những con thoi để truy quét và gọi lính ngụy còn sống sót ra hàng. Căn cứ Phu-lơ (điểm cao 544) đã được giải phóng “mắt xích quan trọng trong hàng rào điện tử Mc.Namara” bị chặt đứt hoàn toàn. Phòng tuyến Bắc Quảng Trị của Mỹ - ngụy sụp đổ nhanh chóng. “Hàng rào điện tử Mc.Namara” cũng tan tành sau 3 ngày, đêm bị quân ta tiến công liên tục. Đến lúc này, Mỹ và Sài Gòn mới phán đoán ra hướng tiến công của ta và bắt đầu tập trung lực lượng ra Quảng Trị để đối phó. Sáng hôm sau, một hãng tin phương Tây đã phát đi bình luận: “Tướng Giai (Tư lệnh Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn) đã để lọt vào tay quân giải phóng hai căn cứ tiền tiêu cực kỳ quan trọng ở Bắc Đường 9 một cách nhanh chóng…”. Một hãng tin khác nói mỉa mai hơn: “Dường như căn cứ Phu-lơ và Đồi Tròn bỏ ngỏ khi bị quân Bắc Việt nổ súng, và hiện nay tất cả các căn cứ của hành lang chiến lược đang bị tấn công,… Liệu tướng Giai và tướng Hoàng Xuân Lãm sẽ đối phó ra sao với tình hình đang xấu đi trong lúc này ở Vùng chiến thuật 1”.

Có thể nói:

- Về nghệ thuật chiến dịch, đây là nghệ thuật tạo ưu thế chiến dịch và duy trì ưu thế trong quá trình chiến dịch cho đến khi dứt điểm giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị; là nghệ thuật chọn đúng hướng tiến công chủ yếu. Lúc đầu ta định chọn hướng Tây Nam (Động Ông Do, điểm cao 365 và La Vang), vì ở đây địch yếu và tương đối sơ hở nhưng trên hướng này ta chuẩn bị được đường sá để triển khai lực lượng cơ động, binh khí, kỹ thuật và chuyển vận tiếp tế hậu cần. Hướng Tây và Tây Bắc tuy địch tương đối mạnh, có công sự, trận địa kiên cố nhưng vẫn có sơ hở, ta lại chuẩn bị được hệ thống đường chiến lược, chiến dịch bí mật để triển khai lực lượng lớn, nhất là binh khí, kỹ thuật.

- Ta xác định khu vực tiến công chủ yếu bao gồm các mục tiêu: Điểm cao 544, Đồi Tròn, Động Toàn, điểm cao 241. Chỉ trong 5 ngày (theo dự kiến là 7 ngày) ta đã phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự kiên cố bên ngoài của địch. Đó là nghệ thuật vận dụng phương pháp tác chiến chiến dịch tiến công thích hợp, kết hợp tiêu diệt địch và phá thế phòng thủ của chúng, vì vậy phải vừa đột phá mạnh, vừa luồn sâu vu hồi, bao vây chia cắt địch, dùng tiến công quân sự kết hợp với nổi dậy của quần chúng trên những địa bàn đông dân cư.

- Trong chiến dịch này, thành công của nghệ thuật chiến dịch còn thể hiện ở sự chỉ đạo chiến thuật chặt chẽ và linh hoạt nhằm đánh bại các biện pháp tác chiến phòng ngự chủ yếu của địch. Những hình thức chiến thuật chủ yếu được vận dụng thành công như tập kích hỏa lực mạnh và trúng, đáp ứng yêu cầu bao vây tiến công tiêu diệt địch trong thời gian ngắn; tiến công bằng hiệp đồng binh chủng, đột phá liên tục, đánh đến đâu bám trụ đến đó, kết hợp với luồn sâu, thọc sâu, chia cắt nhằm tiêu diệt quân địch co cụm lớn có xe  tăng, thiết giáp làm nòng cốt; thọc sâu, tiến công nhanh trong hành tiến.

Phân tích những nét đặc sắc của nghệ thuật tiến công căn cứ điểm cao 544 và Đồi Tròn trên hướng Tây Bắc Quảng Trị cần xuất phát từ đặc điểm là có sự chuyển hướng từ vị trí là hướng phối hợp thành hướng chủ yếu bị chậm nên thời gian rất gấp cùng một lúc phải giải quyết hàng loạt vấn đề lớn trong công tác chuẩn bị cho một chiến dịch tiến công quy mô lớn, hết sức phức tạp, nhưng Tiểu đoàn 3 chủ công của Trung đoàn 27 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

 

N.H.H 

Nguyễn Huy Hiệu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 212 tháng 05/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground