Hồi tôi còn học lớp Đệ Nhất (tương đương với lớp 5 bây giờ) tại trường Tân Dân - Nam Đàn, một đêm lên Rú Dồi thuộc xã Nam Hùng xem Văn công Quân đội diễn. Tôi nhớ mãi có một nam diễn viên được giới thiệu là Lúa Xanh lên độc tấu. Anh nói giọng Huế trọ trẹ, nhẹ nhàng, trơn tru... thật dễ thương!. Sau mấy đêm xem diễn ở Rú Dồi tôi được nghe một cô gái thuộc loại hoa khôi của làng Bố Đức đã mê anh Lúa Xanh và quả quyết rằng: Lúa Xanh chính là nhà thơ Phùng Quán. Lớn lên, có dịp tôi thẩm tra lại thì đúng như vậy! |
... Theo lời hẹn, khoảng 4 giờ chiều tôi tới chỗ anh làm việc, sau đó sẽ về nhà anh trọ ở làng Nghi Tàm nghỉ đêm. Từ dưới sân bước lên tam cấp nhìn sang trái là chỗ anh làm việc. Gọi là chỗ làm việc cho oai chứ ngoài chiếc bàn, chiếc ghế mộc ra thì chẳng còn cái gì. Hồi đó anh đang dính vào vụ “Nhân văn giai phẩm” nên tôi cũng không hỏi anh đang được giao công tác gì? Trước cổng của Bộ bổng nhiên nghe lao xao, tiếng người cãi vã nhau ồn ào như vỡ chợ. Tôi hỏi anh tại sao không ra xem để biết việc gì đang xảy ra. Anh im lặng ấn vai tôi ngồi xuống cạnh và hỏi: - Em có mang tập bản thảo theo đó không?
- Dạ, có!
- Được rồi! Lát nữa về, hai anh em ta ghé vào chợ Mơ mua thịt chó. Ở đó có ông lão còng, thịt chó ông bán tuyệt lắm! Miếng thịt do ông cắt rất đẹp, có đủ da, mỡ, nạc. Chiếc dao thái thịt đúng là dao nghề. Sắc, sáng và sạch! Rượu thì mua cũng của một bà còng trong xóm. Lũi, đằm và thơm ngạo nghễ!
Hết giờ làm, hai anh em đạp xe về. Ra khỏi cổng, anh ghé tai nói nhỏ: Lúc nãy em bảo anh ra xem việc lộn xộn xảy ra ngoài cổng Bộ. Anh không ra vì biết rằng sẽ có đứa muốn lập công, thấy có anh nó lại báo cáo rỉ tai sự việc xảy ra là do bọn Nhân văn xúi dục. Vô phúc, mình đang yên tự nhiên tai vạ ập tới. Không phải đầu cũng phải tai! Mà này, nói bọn mình là xét lại thì không đúng! Xét cho công tâm thì bọn mình vẫn rất cổ hủ!
Đêm đó, mỗi người ngồi trên một chiếc ghế do anh làm, nguyên liệu là nhặt các cành ổi đổ xuống bên bờ Hồ Tây. Chỗ để tay, gác chân, kê đầu... dịu dàng lắm! Vừa uống rượu với thịt chó vừa đọc thơ. Bỗng anh bảo: Đoạn này có mấy chữ phải chữa. Của em viết là:
Thửa ruộng bên cầu Tre lúa đã chín rồi
Bom vẫn ném xuống cầu Tre không ngớt
Đêm đêm lòng người đau nhức
Thương hạt lúa mình giặc đốt bên cầu Tre
Câu thơ lỏng quá, lơi quá, hiền lành quá... không gây chấn động! Phải làm cho người đọc bị ý, bị nhạc, bị chữ, cả bị sự trái khoáy cố tình, vô duyên một cách dễ thương... làm cho điên đầu không yên. Anh chữa là:
Thửa ruộng bên cầu Tre lúa đã chín nục
Bom vẫn ném xuống cầu Tre không ngớt
Đêm đêm lòng người đau nhức
Thương hạt lúa mình giặc giết bên cầu Tre
Như vậy chữ “lúa đã chín rồi ” thành “lúa đã chín nục” và chữ “giặc đốt” thành “giặc giết”. Anh chỉ chữa hai chữ mà tôi phát lạnh. Trời ơi! Anh Quán! Sao anh lão luyện, thâm trầm kỳ cục vậy?
Lại tiếp tục nhấp ngụm lũi, anh nói tiếp: Ở bài “Tiếng tù và” em tả con trâu ve chưa làng mạc lắm:
Xóm tôi ở có con trâu ve
Dáng đẹp như trong ca dao cổ
Không có ruộng nào ve cho là sâu
Không có đất nào ve cho là cứng
Đã là ca dao cổ thì phải tỏ nó ra, vẽ nó lên, lôi nó dậy... cho người ta nhìn và công nhận nó là trâu ca dao cổ. Anh đề nghị em thế này:
Xóm tôi ở có con trâu ve
Dáng vóc đẹp như trong ca dao cổ
Sừng cánh ná
Dạ bình vôi
Tấm lưng phẳng đặt đọi nước đầy không đổ!
Các bạn thấy không? Đoạn thơ chữa xong câu trâu sao mà đồng áng vậy!
Anh Quán ngà ngà: - Rượu đằm, thịt béo, thơ thật và ảo! Ngủ được rồi! Thế là ngẹo đầu bên chiếc ghế ổi đánh một giấc ngon lành như câu thơ của một nhà thơ tài danh khác đã viết: Giấc ngủ hồn nhiên của đất của trời!
C.T