Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gặp đồng chí trưởng ban liên lạc "đoàn Do An anh hùng"

V

ào một buổi sáng thu 2001, trời xanh trong, tôi tìm đến nhà anh Đặng Hữu Tuệ ở đường Lê Đại Hành thị xã Ninh Bình. Anh Tuệ đi vắng, chị Nguyễn Thị Tuyết Vân – vợ anh tiếp tôi. Chúng tôi nói chuyện xã giao. Nghe giọng nói miền trung vui tính của chị, tôi hỏi: “Có phải xưa chị cùng đơn vị với anh?” Chị Vân cười bảo: “Không! Em ở đơn vị bạn, bị thương rồi đến điều trị chỗ anh Tuệ, anh ấy là bác sỹ mà anh”. Tôi nói vui: “Tức là chữa xong vết thương thì tình yêu đến?” Chị cười e lệ, nhưng nói thì lại mạnh bạo đúng cái lúc anh Tuệ về: “Anh ấy chữa khỏi vết thương cho em xong, thế là anh ấy “cuỗm” em luôn”. Chúng tôi cùng cười vang. Vậy là vừa quen nhau mà đã vui như tết.

Đã biết tác phong người lính, không vòng vo, tôi đưa anh xem thẻ, chị cáo bận ra ngoài phố, tôi nói:

- Được biết anh là Trưởng ban liên lạc Ban chiến đấu trung đoàn 90 – Trung đoàn Do An anh hùng – Ninh Bình. Anh có thể cho độc giả Ninh Bình quê hương, độc giả Quảng Trị có vùng Do An lừng danh, mà các anh là những người trực tiếp chiến đấu cùng với dân quân Quảng Trị trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, biết về chiến công của trung đoàn được không ạ?

Anh Tuệ dè dặt, hình như anh ngại: “Nhưng tôi là bác sỹ thì kể làm sao được hả đồng chí?”

- Là bác sỹ nhưng anh là Chủ nhiệm Quân y Sư đoàn, là cán bộ lãnh đạo, các hội nghị bàn bạc về công tác tổ chức, chiến lược chiến thuật tác chiến, ý đồ của cấp trên như thế nào phải có anh dự để lường trước thương vong của bộ đội ta chứ. Thiếu anh sao được.

Thấy anh Tuệ lặng im tôi nói thêm:

- Tôi cũng được biết một chút xíu là sư đoàn 324 ngày đó ở vùng tuyến lửa nóng bỏng, Quân khu 4 có các Bệnh viện dã chiến số 42 đóng ở chân núi Đại Huệ, 43 ở vùng nông trường Quyết Thắng, 41 ở Đồng Hới, 48b ở sát sông Bến Hải, 48c ở Vĩnh Chấp, rồi 80 vân vân...mà lưu lượng mỗi bệnh viện như vậy có khả năng điều trị từ 500 đến 1000 thương binh cùng một thời điểm. Tôi nghĩ, nếu như vậy thì anh biết tình hình trên chiến trường hơn ai hết. Có đúng không anh?

- Đúng vậy! đồng chí khá lắm – Anh Tuệ cười gật gật – Vậy là đồng chí khơi dậy được sự nhiệt tình của tôi. Các trận đánh lại trở nên sống động trong ký ức của tôi rồi đây. Thôi được! Tôi nhớ đến đâu kể đến đó. Được không?

- Tốt quá. Hai chúng tôi cùng cười vui.

- Trước hết – anh Tuệ nói – Đồng chí hãy mường tượng cái sơ đồ này đã rồi tôi nói mới có hệ thống được. Phía Bắc vào Nam có chiều dài từ sông Bến Hải đến Sông Mỹ Chánh, khoảng 30-40 km theo dọc đường Quốc lộ 1A, đường Công Chánh, đường 76, là hệ thống chốt Cam Lộ, Dốc Miếu, Cồn Tiên đồng chí thuộc chưa?

- Tôi thuộc rồi.

- Còn từ Đông sang Tây dài khoảng 60 km dọc theo đường 9 từ Cửa Việt, Đông Hà – Tân Lâm Cà Lu, Đầu Mầu lên Hướng Hóa, Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo, đồng chí rõ chưa?

- Tôi rõ rồi.

- Đấy! Vấn đề là ở cái khu vực này đây! Đồng chí biết không? Ngay từ ngày đầu can thiệp trực tiếp vào miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã hết sức coi trọng tuyến phòng thủ Bắc đường 9 này. Chúng đã tập trung tiền của để xây dựng ở đây một vành đai thép, kiên cố và có hàng rào gì chắc đồng chí đã biết?

- Thưa có phải. Đó là hàng rào điện tử Mắcnamara?

- Đúng vậy! Để xúc tiến ý đồ một mặt chúng củng cố mở rộng và xây dựng vững chắc sân bay Đông Hà, Ái Tử, La Vang và Tà Cơn của mặt trận. Mặt khác, chúng đẩy mạnh hành quân càn quét và dồn dân vào các ấp chiến lược, san bằng làng mạc thuộc hai huyện Do Linh và Cam Lộ. Đổ hàng ngàn tấn dây thép gai, chôn bom mìn để làm chướng ngại vật, thả hàng ngàn máy ghi âm laze điện tử để ghi tiếng động theo dõi sự hoạt động của ta.

Anh Tuệ còn nói rằng về binh hỏa lực, vào những năm 1966-1967 chúng đã dồn ra khu vực Bắc đường 9 tới năm tiểu đoàn bộ binh ngụy, 13 tiểu đoàn Mỹ, 9 tiểu đoàn pháo binh. Với 142 khẩu pháo cùng nhiều xe tăng, xe bọc thép. Còn bọn ngụy quân, ngụy quyền thám báo, ác ôn, tề điệp...thì không biết bao nhiêu mà kể.

Với hệ thống phòng thủ kiên cố, có hàng rào điện tử Mắcnamara này chúng tuyên bố “một con chuột cũng không chui qua lọt” và chúng yên tâm trọng tuyến này sẽ cắt đứt hoàn toàn sự chi viện của miền Bắc và miền Nam qua đường con mòn Hồ Chí Minh. Đồng thời đảm bảo sự chi viện cho quân ngụy Lào trên đường 9 để làm nhiện vụ đánh tát sườn quân ta và bảo vệ vững chắc cho Đông Hà, Quảng Trị, thành phố Huế không bị thất thủ.

Chúng thì vậy còn ta thì sao?

Chấp hành chỉ thị của cấp trên. Tháng 6 năm 1966 Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu IV của ta quyết định mở mặt trận Bắc đường 9. Đồng chí thấy không? Ta cũng rất mạnh đây chứ? Khu trọng tuyến được chia làm hai khu vực: Phía đông bắc đường 9 trên phân công cho Sư đoàn 324 đảm nhiệm. Phía tây bắc đường 9 Sư đoàn 325 đảm nhiệm. Tương kế tựu kế, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, ta lợi dụng ý đồ của chúng để diệt chúng.

- Bằng cách nào vậy? – Tôi hỏi.

- Bằng cách kéo thêm chúng về đây, rồi cột chân chúng ở đây, tạo một cái túi đựng lính Mỹ vừa tiện để ta thịt chúng dần cho gọn, vừa giúp các chiến trường Nam  Bộ đánh Mỹ tốt hơn.

- Tài tình quá.

- Đó là đường lối chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, lo chả tài. Chúng tôi cùng cười vui. Anh Tuệ càng tỏ ra phấn chấn. Trung đoàn 90 chúng tôi lúc đó thuộc sư đoàn 324 – anh Tuệ kể tiếp – Do ông Đổng Văn Phiêu làm Trung đoàn trưởng, ông Võ Dược làm Chính ủy. Cũng như các trung đoàn khác đánh địch ở từng vùng của mình, trung đoàn tôi được phân công đánh căn cứ quân sự Đầu Mầu. Đây là một căn cứ rất quan trọng của địch nằm ở phía Bắc đường 9, tức phía Tây đường liên tỉnh 88 và 61, có kiến trúc phòng thủ kiên cố và có nhiều hỏa lực mạnh, có đài quan sát từ xa. Mất Đầu Mầu là chúng mất luôn tất cả đường 9 và Đông Hà, còn Cửa Việt sẽ bị đe dọa trực tiếp. Bằng chiến thuật đặc công, C18 đã bí mật luồn qua nhiều hàng rào điện tử, tháo gỡ bom mìn áp sát sở chỉ huy, khu kho, khu thông tin. Vòng ngoài C2D8 cũng bí mật áp sát hàng rào bằng 3 mũi.

Đúng 3 giờ 30 phút sáng 5/7/1966 chúng tôi dùng bộc phá đánh thẳng vào khu trung tâm làm cho chúng kinh hồn.

Bị đánh bất ngờ, các ổ để kháng của địch chẳng biết lối nào mà lần, mắt nhắm mắt mở bắn loạn xạ ra tứ phía như lạy ông tôi ở bụi này.

- Tức là tụi nó xin được chết phải không anh?

- Đúng vậy! Thừa thắng C2D8 cứ các cụm hỏa lực của chúng mà nện mà đồng loạt xung phong, cùng C18 tiêu diệt toàn bộ quân địch trong căn cứ.

Bằng tinh thần chiến đấu táo bạo và chính xác, quân ta đã làm chủ trận địa. Lá cờ của mặt trận giải phóng tung bay trên căn cứ Đầu Mầu. Nhưng! Bị đánh đòn phủ đầu và mất Đầu Mầu, địch vô cùng hoang mang và cay cú nên suốt ba ngày đêm sau đó, chúng dùng máy bay lên thẳng và pháo binh thi nhau đánh phá ác liệt vào căn cứ, hòng đập nát lực lượng của ta. Rạng sáng ngày 9/7 một tiểu đoàn Mỹ và một đại đội ngụy cùng 7 xe tăng chia làm hai mũi phản kích vào căn cứ mà ta bố trí chờ sẵn. Ở hướng trung đội phó Ái phụ trách, quân ta chờ địch vào còn cách 10m, xạ thủ súng máy xiết cò và diệt toàn bộ tốp đi đầu. Đội hình địch tán loạn, ta xông lên tiêu diệt và bắt sống tàn quân. Ở hướng đường 61, khi thấy quân ta nổ súng chạy lại đường 88 và đường 91 bị trung đội đồng chí Xu chặn đánh diệt 42 tên. Bảy xe tăng liền quay đầu chạy thục mạng về Đông Hà thì bị trung đội B40 khóa đuôi chặn đánh ở Khe De làm cháy hai chiếc, thủng hai chiếc, chúng phải dùng 10 trực thăng võ trang bắn vào đội hình ta rồi hạ xuống đồi không tên lấy xác và cứu thương.

Trên hướng bãi mút Cù Đinh Ba De các tiểu đoàn 7 và 9 phối hợp cùng đơn vị bạn pháo kích vào các cao điểm 241, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đông Hà, Cam Lộ gây cho địch nhiều thiệt hại.

- Cấp trên giao cho trung đoàn anh đánh Đầu Mầu đâu phải là ngẫu nhiên. Phải không anh?

- Anh hỏi câu đó là rất nhạy cảm! – Anh Tuệ vui nên gọi tôi là anh.

- Anh khen quá lời.

- Không phải đâu! Vì trận đầu này không phải chỉ thuần túy là đọ sức về mặt trận quân sự, mà còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều về tư tưởng. Trước đây về mặt tâm lý còn rất nhiều nặng nề, đó là tư tưởng ngại Mỹ. Tâm lý đó không chỉ ở các chiến sỹ mà ngay cả sỹ quan của ta, có điều là không ai nói ra thôi. Đánh xong trận Đầu Mầu đã giải tỏa được hoài nghi đó, rằng đánh thằng Mỹ to xác, được trang bị quá đầy đủ trang thiết bị hiện đại không phải là khó, không có gì ghê gớm và không đáng sợ. Có thế ta mới đi vào đánh lớn được chứ anh.

Như anh biết. Bước vào mùa khô năm 1967, Mỹ và tay sai rất lúng túng. Trên mặt trận đường 9, qua đụng đầu trực tiếp với chủ lực của ta, chúng thấy sợ nên ra sức đưa thêm tới khu chiến các đơn vị con cưng “át chủ bài” của quân lực Hoa Kỳ, toàn cấp sư đoàn, lữ đoàn và phương tiện cao nhất, đẩy mạnh hoạt động tình báo bằng quân thám báo xuyên rừng cộng với trinh sát trên không phận, kết hợp với các đài quan sát mặt đất để phát hiện lực lượng ta. Đồng thời chúng liên tục dùng B52 dội bom tọa độ vào những nơi nghi có lực lượng ta và đánh phá với mật độ bom dày đặc trên các trục giao thông và hai bên ven bờ sông Bến Hải.

Ngày 20/6/1967 Bộ Tư lệnh mặt trận B5 chính thức giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 90 chúng tôi tổ chức một trận đánh có hiệp đồng binh chủng lớn vào Do An, và phải đánh diệt gọn để làm chủ chiến trường. Do yêu cầu như vậy nên Trung đoàn 90 được tăng cường một số tiểu đoàn pháo, một tiểu đoàn cao xạ, một tiểu đoàn công binh và một tiểu đoàn thông tin, lại có hai trận địa pháo tầm xa và tên lửa đặt bên bờ Bắc để bắn áp chế trận địa pháo của địch. Tên lửa thì bắn B52 và C130 hoạt động ở tầm cao. Bộ chỉ huy Trung đoàn phân công Tiểu đoàn 8 làm chủ công mũi nhọn mạnh đánh thẳng vào Do An. Tiểu đoàn 7 bí mật hành quân giấu kín đội hình ở phía đường 76, có nhiệm vụ đột kích phía Nam đánh địch từ Long Sơn, Hảo Sơn rồi tiến đến Do An. Tiểu đoàn 9 vừa làm dự bị cho Trung đoàn vừa dùng bộ phận đánh hiệp đồng phát triển theo hướng đông vào Do Bình, Xuân Hải rồi cũng tiến vào Do An. Ba mũi giáp công tiêu diệt địch.

Từ ngày 20/6 đến 30/6 Trung đoàn vừa làm công tác tổ chức quán triệt nhiệm vụ cho các đơn vị theo tinh thần trên, vừa đi vừa khảo sát lại hiện trường.

5 giờ sáng ngày 2.7.1967 một cuộc hành quân càn quét lớn của Mỹ có xe tăng đi kèm, theo đường 76 rầm rầm vào khu An Nha. Các trận địa phục kích của ta chờ cho địch vào gọn địa hình. Lập tức đài quan sát trận địa của tiểu đoàn 8 do đồng chí Nhiếp tiểu đoàn trưởng chí huy đã gọi pháo bờ Bắc dập cấp tập vào giữa đội hình địch. Khi pháo ta vừa dứt C1D8 do đại đội trưởng Giao và chính trị viên Lư chỉ huy cùng C3D7 lập tức xuất kích xung phong đánh giáp lá cà tiêu diệt toàn bộ quân địch. Bị đánh đau, chúng huy động nhiều tốp máy bay phản lực và trực thăng đến oanh tạc bắn phá vào trận địa ta. Nhưng chúng đã bị ta bắn cháy và bắn thủng nhiều chiếc. Sáng mồng 3 và 4 tháng 7 địch cay cú liền huy động 2 tiểu đoàn là D2 và D3 thuộc F3 thủy quân lục chiến Mỹ cùng một số lực lượng ngụy dẫn đầu có xe tăng yểm trợ phản công ta theo hai hướng. Phát huy kết quả chiến thắng, pháo binh và bộ binh ta hiệp đồng chặt chẽ đồng loạt 3 mũi giáp công D7, D8, D9 tiến công ào ạt và dũng mãnh, chính xác về phía quân địch, có đồng chí một mình đã sử dụng 4 loại hỏa lực tiêu diệt hàng trung đội Mỹ, có đồng chí một mình dùng B40 bắn cháy 4 xe tăng Mỹ. Quân ta thừa thắng xốc tới đã tiến thẳng vào Do An giáng những đòn sấm sét tiêu diệt địch và hoàn toàn chiến thắng trên chiến trường.

Kết thúc buổi nói chuyện anh Tuệ nói: Tính từ 5/7/1967 đến 31/12/1967 Trung đoàn 90 chúng tôi đã đánh 159 trận, diệt 6.665 tên, bắt sống 55 tên trong đó có 40 tên Mỹ, phá hủy 30 xe tăng, bắn rơi 35 máy bay Mỹ...được thưởng Huân chương quân công giải phóng hạng 2 và được Bộ Tư lệnh tặng danh hiệu “Trung đoàn thiện chiến Do An”.

- Và sau đó Trung đoàn còn được mang thêm một cái tên vinh quang nữa?

-  Đúng vậy! Sau này chúng tôi được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương “Đơn vị anh hùng”. Từ đó chúng tôi được mang thêm một cái tên vinh quang nữa: “Trung đoàn thiện chiến Do An anh hùng”.

Hai chúng tôi bỗng cùng nâng cốc chúc mừng chiến thắng Do An. Trong đầu tôi như rộn lên “Tiếng trống trận từ Do An vọng tới. Đàn ta-lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng”. Trận Do An, cũng như bao trận khác của Trung đoàn 90 trên mặt trận đường 9 là sự kết tinh của tinh thần chiến đấu dũng cảm phi thường, của quân và dân ta ở mặt trận thép nóng bỏng bắc Quảng Trị. Đó là một bản anh hùng ca còn vang mãi trong bản trường ca vĩ đại của dân tộc Việt Nam. “Quảng Trị!” Ôi cái tên sao mà yêu quý.

                                                 N.H.V

Nguyễn Hữu Văn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 86 tháng 11/2001

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground