Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giai điệu Khe Sanh ngày mới

K

he Sanh của 45 năm trước từng vang lên dòng giai điệu sử thi, ngùn ngụt hào khí chiến thắng:

“Khe Sanh rực cháy bốt đồn giặc tan

Đồn Làng Vây hôm nao nơi đây quân giặc phơi thây

Trời Tà Cơn reo vui khắp nơi bóng cờ sao bay”

Đúng như lịch sử đã ghi nhận, ngày 9/7/1968, sau 170 ngày đêm chiến đấu anh dũng, mưu trí và kiên cường, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân Giải phóng miền Nam kiêu hãnh tung bay trên sân bay Tà Cơn. Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – quê ở Triệu Phong, Quảng Trị - là một người luôn đau đáu với quê hương, từng viết: “Hoa là giấc mơ của Đất. Âm nhạc là khát vọng của Đất. Văn học nghệ thuật đều ẩn chứa khát vọng của con người nhưng sách vở hoặc tranh vẽ quảng bá tới được công chúng rộng rãi không phải là dễ dàng, còn tiếng hát thì theo gió, theo khí trời mà vang động tận cõi lòng của muôn người. Mảnh đất nào dồn nén âm ỉ những khát vọng thì trước hết, đấy là mảnh đất sinh dưỡng của âm nhạc vậy”.

Bằng khát vọng của Đất, giấc mơ của Đời, Khe Sanh – Hướng Hóa đã vươn lên bằng nội lực và sức sống bền bỉ của mình, nỗ lực xây dựng huyện nhà thành một “Huyện miền núi kiểu mẫu” theo lời dạy của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác ca khúc nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Khe Sanh do Báo Lao Động tổ chức, các nhạc sĩ thuộc Phân hội Âm nhạc Quảng Trị có dịp trở lại mảnh đất này và tận mắt chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của vùng đất bazan được đánh thức tiềm năng sau 45 năm giải phóng. Và một dòng giai điệu Khe Sanh ngày mới cũng ào ạt tuôn trào từ cảm xúc chân thành của những người con sinh ra từ vùng đất Non Mai Sông Hãn.

Ngút ngàn trước mắt chúng tôi là màu xanh của sắn, cao su và cà phê. Từ cứ điểm Làng Vây cho đến sân bay Tà Cơn, từ thung lũng Khe Sanh cho đến vùng Lìa xa ngái, màu xanh cây trái nói lên sự hồi sinh mãnh liệt trên vùng đất từng là đất chết. Giai điệu Khe Sanh ngày mới được viết ra mà âm hưởng chiến thắng ngày xưa là chỗ dựa tinh thần quý giá.

Lấy cảm hứng từ chiếc đàn Ta lư từng âm vang trong lửa đạn, các nhạc sĩ Thanh Liêm, Trần Tích đã viết các ca khúc: “Khe Sanh mùa xuân” và “Khe Sanh vang mãi tiếng đàn”. Nếu Thanh Liêm mượt mà giai điệu“tiếng đàn Ta lư vọng núi rừng Tà Cơn, Làng Vây”, thì Trần Tích lại rộn ràng phá cách: “Đàn ơi vút lên xua tan màn đêm tối tăm, cà phê nở trắng rừng, cao su xanh bạt ngàn”.

Nhìn những trang trại cà phê trĩu quả ở Pa Tầng, Hướng Phùng, hàng ngàn hecta sắn xanh tươi cả một vùng Lìa, Hướng Lộc; những phố núi nghiêng nghiêng mờ sương của Khe Sanh, Lao Bảo lung linh trong ánh điện Rào Quán đã bật dậy trong ta niềm thương mến, tự hào.

Hệ thống các di tích chiến tranh: Tà Cơn, Làng Vây, Lao Bảo nay trở thành điểm đến hòa bình, hấp dẫn khách du lịch. Tất cả những điều đó đã được các nhạc sĩ cảm hứng viết nên các ca khúc. Đó là: “Nồng nàn nắng mới Khe Sanh” (Lê Đình Trí), “Bừng sáng Khe Sanh” (Văn Lượng), “Khe Sanh ngày mới” (Phan Thảng), “Bình minh ở phía hoàng hôn” (Hoàng Hữu Lộc), “Lời phố núi” (Lê Thanh Ngọc ), “Khe Sanh phố núi của tôi” (Trần Kiềm), “Khe Sanh chiều phố núi” (Phan Thạch Hùng), “Khe Sanh ngày mới” (Lê Phương Bắc), “Tháng 7 Khe Sanh” (Phan Anh Tiến), “Khe Sanh vang mãi bản hùng ca” (Hoàng Anh).

A mam là một loại kèn đặc biệt của người Vân Kiều – Pakô, được sử dụng trong khi đi Sim (trai, gái tìm hiểu nhau). Nhạc sĩ trẻ Văn Sỹ đã để “nhịp tim hòa tiếng kèn A mam, theo con suối Ra Xeng, La La, vọng vang phố núi Khe Sanh” để viết “Chuyện tình A mam”. Còn Xuân Vũ, dựa vào ý thơ của Nguyễn Văn Dùng đã biến hóa sang trọng thành giai điệu “Tình em gió hát”: “gió hát từ Sê Pôn, gió hát mặt trời lên phía núi Khe Sanh”.    

Khi nhắc đến chiến thắng Khe Sanh, điều các nhà quân sự cũng như báo chí nước ngoài thường nhắc đến nhiều nhất chính là nghệ thuật nghi binh. Ở thời điểm đó, điều khiến Mỹ bất ngờ nhất chính là sự xuất hiện của xe tăng – bởi Mỹ tin rằng với hàng rào điện tử Mcnamara, xe tăng Bắc Việt không thể nào vượt qua được để có mặt ở chiến trường miền Nam. Hành trình của những chiếc xe tăng theo đường mòn Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào theo tuyến Trường Sơn Tây rồi vượt sông Sê Pôn tập kích căn cứ Làng Vây khiến Lầu Năm Góc bị sốc thật sự. Cũng phải thôi, bởi lịch sử chiến tranh thế giới chắc chẳng nơi đâu mà đạn pháo, xe tăng được gùi cõng bằng những đôi chân trần của người dân, được đóng bè nứa vận chuyển để đảm bảo bí mật bất ngờ như ở Việt Nam. Cảm xúc trước hình ảnh đó, trong “Khe Sanh tình yêu”, Võ Thế Hùng viết:

“Ê! Tà Cơn, Động Tri, Cù Bốc, Cù Bai

La La âm vang chiến công ngày xưa

Ê! Rừng xanh còn nhớ chiến thắng Làng Vây

Người Vân Kiều gùi tăng

Làm dáng núi Khe Sanh”.

Mùa hè năm 1978, tròn 10 năm sau khi người Mỹ và quân đồng minh rời bỏ Khe Sanh, từ nước Úc, Pianist Don Walker của ban nhạc Rock nổi tiếng Cold Chisel đã viết bản Rock mang tên “Khe Sanh” kể về nỗi đắng cay, chán chường mà lính Úc đã trải qua khi tham gia chiến trường ác liệt ở Khe Sanh năm 1968. Vừa ra đời, bản Rock “Khe Sanh” đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thế giới. Năm 2001, bộ tem kỷ niệm 10 bài hát hay nhất của Úc ra đời, con tem số 1 là bản Rock “Khe Sanh”, in hình một chiếc máy bay trực thăng đang bay với hai chữ “Khe Sanh”.

Kể ra thế để thấy rằng gần nửa thế kỷ nay, Khe Sanh vẫn là một cái tên gây chú ý đặc biệt của thế giới. Nhưng Khe Sanh không phải chỉ sống dựa vào hào quang của quá khứ. 45 năm trước, vào đúng thời điểm mà cứ điểm Khe Sanh, cái nút thắt chặn đường tiến quân của ta trên đường 9 bị phá bỏ, nhà thơ – liệt sĩ Ngô Kha, khi ấy vẫn đang là một giáo sư dạy văn học tham gia trong phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam, đã viết những vần thơ hào sảng, đầy lạc quan trong “Trường ca hòa bình” ngay giữa những ngày miền Trung đang mịt mùng khói lửa:

“Vì ta phải thấy

Và nhất định thấy

Một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo

Một thị trấn yêu kiều qua ngả Làng Vây”

Khi ấy, bằng chính sự tiên cảm đầy thi hứng của mình, Ngô Kha đã nhìn thấy một tương lai rực rỡ của vùng đất này, điều mà chính ngày hôm nay, chúng ta đang dốc lòng xây dựng, và hình hài của nó cũng đang dần vỡ vạc.

Nhìn những chuyển động hối hả cho một vận hội mới của Lao Bảo – Khe Sanh – Đường 9, con đường Xuyên Á nối hành lang kinh tế Đông Tây, có lẽ đó chính là điều sẽ góp phần làm nên huyền thoại của ngày hôm nay viết tiếp trang huyền thoại của hôm qua ở bên mảnh đất dưới chân Trường Sơn này.

 

V.T.H 

 

Võ Thế Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 227 tháng 08/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground