Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giáo dục Trung học phổ thông Quảng Trị sau ngày giải phóng (1972 - 1975)

 11 giờ 30 phút ngày 30 - 3 - 1972, tiếng súng lệnh giải phóng Quảng Trị được phát đi, cả mặt trận lao vào chiến dịch. Bằng cuộc chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, các binh đoàn chủ lực cùng với quân dân Quảng Trị đã đập tan tuyến phòng ngự kiên cố, san bằng các đồn bốt địch. Ngày 01 - 5 - 1972, Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, đánh dấu mốc son vẻ vang trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng, cổ vũ mạnh mẽ quân và dân cả nước xốc tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30 - 4 - 1975). 

Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngay những ngày đầu sau giải phóng, nhiệm vụ chính của ngành giáo dục Quảng Trị là tổ chức các lớp học bổ túc văn hóa cho người lớn và trẻ em tại các huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh; đồng thời, đề nghị tỉnh Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh tổ chức các lớp bổ túc, phổ thông cho con em học tập, tạo sự ổn định vùng mới giải phóng. Hệ bổ túc này áp dụng chương trình 10 năm. Để có giáo viên dạy các lớp bổ túc văn hóa, tháng 8 - 1972, hai lớp sư phạm cấp tốc đã được khai giảng. Ban đầu trường đặt ở thôn Vĩnh Ninh (phía Bắc cầu Đông Hà), trường lớp dựa vào dân. Sau đó, do tình hình chiến sự ở thị xã Quảng Trị biến động nên trường được chuyển ra Gio Lễ, Gio Linh. Sư phạm cấp tốc 10 + 3, 10 + 6 là giải pháp sáng tạo trong những ngày đầu giải phóng, sau này đã được Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên khen ngợi khi vào thăm và làm việc với Tỉnh ủy và Ty Giáo dục Quảng Trị năm 1973.

Để tiến tới thành lập Ty Giáo dục Quảng Trị và các cấp liên quan, Tỉnh ủy Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo một số nội dung sau đây:

1. Rút những giáo viên chi viện cho Quảng Trị trước đây, được bố trí các công việc khác, nay trở lại ngành.

2. Đặt vấn đề với Bộ Giáo dục và Khu ủy Vĩnh Linh xin chi viện cán bộ quản lý, giáo viên là đảng viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi tăng cường cho ngành giáo dục Quảng Trị.

Đáp ứng đề nghị của Tỉnh ủy Quảng Trị, Bộ Giáo dục và Khu ủy Vĩnh Linh đã lựa chọn một đội ngũ cán bộ, giáo viên giỏi do thầy giáo Nguyễn Kham, Phó trưởng Ty Giáo dục Khu vực Vĩnh Linh, làm trưởng đoàn, chi viện cho giáo dục Quảng Trị cùng với thầy giáo Nguyễn Hữu Quang xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, điều hành các hoạt động giáo dục. Về phía tỉnh Quảng Trị, Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy do đồng chí Trương Công Kỉnh làm Trưởng ban, đóng tại thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh cũng đã được chuyển vào Đông Hà để chuẩn bị cho việc thành lập Ty Giáo dục.

Tháng 3 - 1973, Ty Giáo dục Quảng Trị được thành lập, do thầy giáo Nguyễn Kham phụ trách, cùng các thầy giáo: Nguyễn Hữu Quang, Trương Khắc Ba, Đinh Hữu Trạch, Dương Ngọc Dũng, Trần Đình Lưu, Nguyễn Ngọc Anh, Lê Cảnh Chung, Văn Hồng Anh, Hoàng Thức, Bùi Văn Thưởng, Vũ Ngọc Duy, Võ Duy Ninh và Lâm Đại Bưu. Đầu quý 4 - 1973, Bộ Giáo dục điều động thầy giáo Lê Trọng Từ, Vụ phó Vụ Thiết bị trường học chi viện cho Quảng Trị, giữ chức Trưởng ty, đồng chí Nguyễn Kham giữ chức vụ Phó Trưởng ty. Đội ngũ cán bộ, nhân viên được cơ cấu thành các phòng, tổ chức năng gồm: Phòng Tổ chức - Cán bộ, phòng Phổ thông, phòng Bổ túc văn hóa, phòng Đào tạo - Bồi dưỡng, phòng Tổng hợp - Kế hoạch - Cơ sở vật chất, phòng Hành chính - Quản trị và tổ Mầm non (biên chế trong phòng Phổ thông).

Đội ngũ cán bộ Ty Giáo dục là những cán bộ, đảng viên gương mẫu, trong đó có nhiều cán bộ, chuyên viên giỏi. Họ đều là con em Quảng Trị từ các tỉnh miền Bắc và khu vực Vĩnh Linh được quy tụ về nên khá am hiểu tình hình; điều đặc biệt là ở họ tinh thần vô cùng phấn chấn, khi quê hương được giải phóng. Tất cả đã nhanh chóng bắt tay thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Như vậy, sau ngày giải phóng, Ty Giáo dục Quảng Trị đã nhanh chóng được thành lập, đảm bảo có đủ điều kiện để quản lý, chỉ đạo, xây dựng và phát triển ngành giáo dục tỉnh nhà trong hoàn cảnh mới.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh và Ty Giáo dục Quảng Trị, từ năm học 1973 -1974, các ngành học như Mầm non, Tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp, Bổ túc văn hóa tập trung và Sư phạm từng bước hình thành, ổn định và phát triển; đặc biệt hệ Trung học Đệ nhị cấp được chú trọng. Vấn đề đặt ra, là tại sao hệ Trung học Đệ nhị cấp được đặc biệt chú trọng. Điều này cũng dễ hiểu, bởi một mặt do yêu cầu nhân lực có trình độ tốt nghiệp tú tài nhằm phục vụ quê hương sau ngày giải phóng; mặt khác, đây là mặt hết sức quan trọng, đó là phục vụ hoạt động đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bởi lúc này, trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được dời từ khu căn cứ Tây Ninh về Cam Lộ, yêu cầu lịch sử đặt ra là phải có một trường Trung học Đệ nhị cấp.

Trước lúc trường Trung học Đệ nhị cấp thành lập, Ty Giáo dục Quảng Trị đã quan tâm chuẩn bị, trước hết là về đội ngũ. Ty Giáo dục đã đề nghị Bộ Giáo dục chi viện cho Quảng Trị một số cán bộ thầy cô có tay nghề vững vàng, đặc biệt có tinh thần cách mạng cao. Đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Giáo dục đã điều 8 thầy cô từ miền Bắc vào, gồm Lê Ngọc Minh, Nguyễn Xuân Lạn (Văn), Nguyễn Phúc Liêm (Toán), Lê Trọng Lư (Vật Lý), Phan Thị Lương (Hóa), Hoàng Thị Kim Lịch (Sinh), Nguyễn Văn Giảng (Kỹ thuật). Hiệu trưởng là thầy giáo Lê Quang Vãn.

Kể sao hết những vất vả trong buổi đầu xây dựng trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị. Từ miền Bắc vào, trên chiếc xe tải xin đi nhờ, tài sản của quý thầy cô chỉ là những chiếc ba lô quần áo, xoong nồi, đồ đạc đi chiến trường... Nhưng quan trọng hơn hết, hành trang họ mang theo là những kiến thức đã được học ở trường Đại học Sư phạm Vinh và Đại học Sư phạm Hà Nội cộng với nhiệt tình cách mạng, nhất là khi quê hương vừa giải phóng. Vào Quảng Trị, quý thầy cô được bố trí về mái trường Trung học Đệ nhất cấp xã Triệu Lương, cách Đông Hà khoảng 2km về phía Nam. Các thầy cô đã được bố trí vào ở nhà dân, nhanh chóng bàn bạc, phân công thực hiện những công việc ban đầu như lo cơm áo gạo tiền, liên hệ địa điểm, lập danh sách học sinh. Khó khăn lớn nhất bấy giờ là học sinh, vì đa số đã theo gia đình vào Nam hoặc ra Bắc. Hàng ngày, thầy cô trong tư thế gọn gàng, đầu đội mũ tai bèo, chân dép lốp tản về các vùng quê mới giải phóng như Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong,... để động viên các em học sinh đến trường.

Ngày 17 - 9 - 1973, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị ký Quyết định số 86/QĐ-UB về việc thành lập Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị, là trường Trung học phổ thông đầu tiên và duy nhất ở vùng giải phóng của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tại thời điểm này, trường đã chiêu sinh được 275 em, phân vào bốn lớp 11 và hai lớp 12, học nhờ tại trường Trung học Đệ nhất cấp xã Triệu Lương. Tuy chỉ có 8 thầy cô, nhưng ngày 7 - 10 - 1973, trường đã có quyết định chính thức đưa các em vào học văn hoá. Đây là một quyết định vừa táo bạo vừa mang tính cách mạng, xứng đáng đi vào truyền thống của trường ngay từ khi mới ra đời, bởi lẽ trong hoang tàn đổ nát gần như bị hủy diệt, để có được một học sinh đến trường cũng phải tốn biết bao công sức, để có một phòng học dù thật đơn sơ cũng phải đổi bao mất mát hy sinh. Khó khăn, gian khổ nhưng không thể làm vơi đi lòng nhiệt huyết, thầy vẫn thi đua dạy tốt, trò vẫn thi đua học thật chăm để nhanh chóng cung cấp nhân lực phục vụ vùng giải phóng. Ngày 20 - 10 - 1973, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Chưởng vào thăm trường đã ân cần thăm hỏi, động viên thầy trò và hứa sẽ đề nghị Bộ và Sở Giáo dục Hà Nội chi viện cho giáo dục Quảng Trị và nhà trường về cơ sở vật chất, chương trình tài liệu giảng dạy.

14 giờ ngày 11 - 11 - 1973, lễ Khai giảng năm học đầu tiên được tổ chức trong niềm hân hoan, vui sướng của thầy trò nhà trường, của Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị. Ông Lê San - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị, đã đến dự và phát biểu: “Tuy còn nhiều khó khăn gian khổ nhưng chính quyền cách mạng sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thầy và trò dạy học. Vì tương lai quê hương, vì miền Nam giải phóng, dù khó khăn đến mấy tỉnh cũng sẽ xây dựng trường mới”.

Trong thực tế, do vị trí lịch sử quan trọng, trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ Giáo dục, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh, Ty Giáo dục và sự yêu thương, chăm sóc của đồng bào vùng giải phóng. Trong “Kế hoạch phát triển các ngành học và yêu cầu cán bộ, giáo viên năm học 1973 - 1974”, Ty Giáo dục đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể về số học sinh, số lớp, số giáo viên và cán bộ lãnh đạo các trường. Đối với trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị, trong bản “Dự trù kinh phí ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị năm học 1973 - 1974”, tổng dự trù kinh phí mua sắm đồ dùng, thiết bị cho phòng thí nghiệm như hóa chất, mô hình ướp các loại, mô hình máy móc vật lý các loại là 80.000 đồng, chiếm 21% kinh phí dành cho học tập thí nghiệm; dự trù kinh phí xây dựng các phòng chức năng gồm 10 phòng học, 1 phòng thí nghiệm, 1 phòng hóa chất, 1 phòng vật lý, 1 phòng mộc, 1 phòng rèn, 1 phòng nguội, 1 văn phòng, 1 phòng đợi của giáo viên, 5 phòng ở cho giáo viên và 1 bếp ăn là 33.350 đồng, chiếm 29% kinh phí dành cho thiết bị xây dựng. Như vậy, tỷ lệ kinh phí mà Ty Giáo dục Quảng Trị đề xuất dành cho trường Trung học Đệ nhị cấp là tương đối lớn. Điều đó cho thấy trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị có một tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của cách mạng miền Nam.

Cùng với những đề xuất, dự trù nói trên, Ty Giáo dục Quảng Trị đã gửi công văn đề nghị Ban Thống nhất Trung ương và Bộ Giáo dục xem xét để sớm chi viện cho giáo dục Quảng Trị: “Căn cứ vào cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc phát triển nền giáo dục ở vùng giải phóng và qua thực tế năm học 1972 - 1973 thì việc học tập của quần chúng nhân dân ở cả hai hệ Phổ thông cũng như Bổ túc văn hóa đòi hỏi rất lớn về số lượng lẫn chất lượng. Ủy ban Nhân dân Cách mạng chúng tôi đã xét khả năng và yêu cầu về công tác giáo dục, xin Ban Thống nhất và Bộ chi viện cho chúng tôi về các mặt như sau: Giáo viên Trung học Đệ nhị cấp: Số giáo viên văn hóa: 20 người; giáo viên bộ môn khác: 1 kỹ thuật nông nghiệp, 1 kỹ thuật công nghiệp, 1 chính trị, 1 thể dục thể thao, 2 ngoại ngữ (Anh + Pháp văn), 1 họa, 1 nhạc”.

Với sự chi viện hết mình của hậu phương miền Bắc cùng với sự cần mẫn chiêu sinh, cuối năm 1973 trường đã có 29 thầy cô và gần 500 học sinh, chủ yếu là học sinh K8, K10, là con em Quảng Trị được gửi ra miền Bắc học tập trong thời kỳ chiến tranh nay trở về cùng một số học sinh vùng giải phóng. Sự gia tăng đội ngũ giáo viên và học sinh cùng với trọng trách là một trung tâm văn hóa giáo dục của tỉnh, đặt ra yêu cầu bức thiết là phải có một ngôi trường riêng. Dốc Sỏi (nằm giữa Triệu Lương và Đông Hà) được chọn làm địa điểm xây dựng trường mới. Từ đây có thể nhìn bao quát cả thị xã Đông Hà. Vượt lên sự hủy diệt của chiến tranh, với hàng trăm công lao động, bằng sự sáng tạo và ý chí quyết tâm của thầy và trò nhà trường, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, ngôi trường đơn sơ đã được hoàn thành trong năm 1974.

Để giảm thiệt hại do bom đạn chiến tranh, các phòng học được bố trí nằm cách nhau khoảng 70 đến 80 mét. Ngôi trường mới, tuy chỉ có 7 phòng học được lợp bằng tranh tre, nền lát bằng những tấm ri (phế liệu chiến tranh) nhưng là niềm tự hào của ngành giáo dục nói riêng cũng như nhân dân tỉnh Quảng Trị nói chung. Trong khí thế mới, phong trào thi đua thầy dạy tốt - trò học tập, rèn luyện tốt được phát động mạnh mẽ hơn. Ngoài học tập văn hóa, trường còn tổ chức cho học sinh lao động, sinh hoạt văn nghệ - thể dục thể thao và các hoạt động xã hội khác. Được sự quan tâm của các cấp, ngành cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh, năm học 1973 - 1974, trường đã có những bước khởi đầu tương đối vững chắc. Ngày 3 - 6 - 1974, kỳ thi tốt nghiệp khóa đầu tiên đã diễn ra. Giáo viên coi thi do Bộ Giáo dục điều động từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Khu vực Vĩnh Linh, làm việc nghiêm túc. Kết quả là có 90 trong số 94 em học sinh lớp 12 dự thi đỗ tốt nghiệp. Đây là chiến công đầu tiên của thầy và trò trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị, tạo tiền đề tốt đẹp cho những thế hệ sau này.

Như vậy, vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, thầy và trò trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị đã có những đóng góp quan trọng cho giáo dục Quảng Trị trong năm học 1973 - 1974. Trong thư gửi thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục nhân ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo (20 - 11 - 1974), ông Lê San, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị, viết: “Trước khi hòa bình, ta có 7.000 người được xóa nạn mù chữ thì nay đã có hàng vạn người và hàng vạn cán bộ, nhân dân đang theo học các lớp bổ túc văn hóa. Từ 3.500 đến 35.000 em được đi học ở các trường phổ thông và trường sư phạm. Hầu hết các xã đều có trường (tiểu học), ở huyện đều có trường Trung học Đệ nhất cấp, tỉnh đã có trường Trung học Đệ nhị cấp hoàn chỉnh”. Cũng trong thư này, đồng chí Lê San nhấn mạnh: “Đó là sự phát triển vượt bậc, là yêu cầu lớn lao của quần chúng, vượt quá điều kiện và khả năng của tỉnh nhà”.

Hàng chục đoàn khách quốc tế khi đến thăm, làm việc với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong những năm 1973 - 1974 đều đến thăm trường Trung học Đệ nhị cấp đầu tiên ở vùng giải phóng này và đều bày tỏ sự đồng tình, mến phục. Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Đức tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa viết: “Chúng tôi rất vui mừng được đến thăm trường Trung học Đệ nhị Quảng Trị,… Chúng tôi có ấn tượng tốt trước khí thế sôi nổi, khẩn trương, sáng tạo xây dựng của các đồng chí”. Đoàn quay phim Mông Cổ đến Quảng Trị ngày 14 - 5 - 1974, viết: “Chúng tôi rất khâm phục tinh thần lao động dũng cảm quên mình của các giáo viên và các em học sinh để xây dựng lại nhà trường, tinh thần khắc phục khó khăn của tất cả các đồng chí”,… Trong ngành giáo dục thì truyền nhau câu thơ: “Dốc Sỏi vươn mình con mãnh hổ”.

Tất cả đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị, cũng chính là của ngành học Trung học phổ thông Đệ nhị cấp đầu tiên trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Lúc bấy giờ, ngôi trường này như là biểu tượng của sức sống, niềm tin của chính quyền cách mạng, của cuộc sống mới. Những thắng lợi to lớn bước đầu đó của trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà, khẳng định đường lối đúng đắn của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh về vai trò của giáo dục phổ thông trong sự nghiệp cách mạng, trong vị thế là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng.

Khi trường, lớp đã tạm thời ổn định, Ủy ban Nhân dân Cách mạng và Ty Giáo dục Quảng Trị tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng đào tạo đội ngũ; đồng thời chăm lo đời sống của cán bộ, giáo viên và học sinh trường Trung học Đệ nhị cấp: “Hiện nay các cháu học trường Trung học Đệ nhị cấp còn gặp nhiều khó khăn về đời sống”, nên đã xét trợ cấp tạm thời cho các em, theo từng đối tượng cụ thể, nhằm giải quyết một phần khó khăn hiện tại. Căn cứ Quy định tạm thời đó, ngày 11 - 11 - 1974, Ủy ban Nhân dân Cách mạng đã ban hành Quyết định số 806/UB-QĐ duyệt trợ cấp cho “285 em,… Thời gian được trợ cấp kể từ ngày 01-9-1974 trở đi đến hết năm học”. Trong điều kiện đời sống đang thiếu thốn về mọi mặt, sự hỗ trợ này thực sự có ý nghĩa rất thiết thực, tạo điều kiện cho các em yên tâm học tập, đảm bảo số lượng và chất lượng, tích cực rèn luyện phẩm chất cách mạng, nâng cao trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật. Từ đó, thầy cô giáo cũng bớt đi một phần lo lắng để yên tâm giảng dạy, giáo dục học sinh. Mặt khác, việc làm này còn thể hiện tính nhân văn của chính quyền cách mạng nên càng được phụ huynh, nhân dân tin tưởng, ủng hộ, ra sức chung tay chăm lo cho trường Trung học Đệ nhị cấp nói riêng và ngành giáo dục tỉnh nhà nói chung.

Ngoài nỗ lực của cán bộ, giáo viên và học sinh, sự quan tâm chăm sóc của các cấp, phụ huynh và nhân dân, trường Trung học Đệ nhị cấp còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Khu vực Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình, Bộ Giáo dục, các tỉnh bạn và cả bạn bè quốc tế. Đó là những quyển sách giáo khoa được Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình “trích vốn sự nghiệp giáo dục của ngân sách địa phương 1.500 đồng để mua tặng. Đó là “ngôi trường mới tọa lạc trên quả đồi còn ngổn ngang bom đạn, kẽm gai, hố bom, hố đạn giữa trung tâm thị xã Đông Hà,… với hai dãy nhà tôn xếp ngay ngắn bên cạnh hàng loạt ống thu lôi vươn thẳng lên trời xanh” được xây dựng từ sự viện trợ của nhân dân lao động tỉnh Bôlônha (Italia). Tất cả đều rất đáng quý, đáng trân trọng.

Ngày 30 - 4 - 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Lúc này, trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị nhận thêm một nhiệm vụ lớn lao là tiếp nhận học sinh ở các tỉnh phía Nam trở về quê hương, có nhu cầu tiếp tục học tập. Hai lớp học với hơn 100 học sinh có bằng tú tài bán phần đã được các thầy cô tích cực bổ túc kiến thức trong ba tháng hè để thi tú tài toàn phần. Cuối tháng 8 - 1975, trường đã tổ chức thi tú tài cho hơn 250 học sinh theo hai hệ đào tạo: hệ 12 năm vùng giải phóng và hệ 12 năm ở các trường Trung học Đệ nhị của chính quyền cũ. Kết quả là có hơn 90% học sinh đỗ tốt nghiệp. Cũng trong năm 1975, Trường được chọn làm nơi tổ chức kỳ thi vào đại học đầu tiên của miền Nam sau ngày giải phóng với 134 học sinh dự thi. Ngày 19 - 10 - 1975, toàn miền Nam đã khai giảng năm học 1975 - 1976, hơn 30 ngàn học sinh Quảng Trị cùng với khoảng 4 triệu học sinh phổ thông, mẫu giáo của toàn miền Nam phấn khởi tham gia ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.

Với vinh dự lớn lao làm “người lính đi đầu”, làm điểm tựa của lịch sử, trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị đã hoàn thành trọng trách to lớn ấy. Đánh giá về vị trí và sứ mệnh lịch sử của trường đối với quê hương Quảng Trị nói riêng và cả hệ thống giáo dục cách mạng nói chung, Nhà giáo Ưu tú Trương Sĩ Tiến, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, đã khẳng định: “Là một chứng nhân của thời kỳ lịch sử này, tôi hiểu rất rõ sự cống hiến to lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự nỗ lực to lớn của học sinh nhà trường trong thời kỳ rất đặc biệt này. Không ít cán bộ chủ chốt của tỉnh, của các sở, ban, ngành, các bác sĩ, kĩ sư, thầy giáo đang công tác hôm nay là học sinh của trường thời kỳ 1973 - 1975, là một minh chứng cho sự thật đó”.

C.T.M.N

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, Tập II (1954 - 1975), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội - năm 1999.

2. Lịch sử Giáo dục Quảng Trị, Nxb. Thuận Hóa, Huế - năm 2009.

3. Lịch sử Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị từ sau năm 1975 đến 2013, Bản thảo.

4. 30 năm trường Trung học phổ thông Đông Hà - Tư liệu Trường THPT Đông Hà năm 2013.

 

 

CAO THỊ MINH NGUYỆT
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground