Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Góc nhìn từ một dòng sông

T

ừ khai thiên lập địa của thời kỳ nguyên đại địa chất thứ hai. Trong cái địa thế cát lập ấy. Một nguồn nước được hình thành bởi những làn mưa mỏng ban đầu và những màn sương ngọt ngào từ trong sâu thẳm của thời gian, thấm đẫm dần thành những mạch nguồn âm thầm rả rích, rồi chung sức chảy thành một nguồn nước. Dần dần nguồn nước ấy có chiều kích thành một dòng sông vươn dài ra biển cả.

Năm tháng âm thầm đằng đẵng. Dòng nước cứ lặng lờ trôi qua các bờ bãi bình yên. Lắm lúc ào ạt, bứt phá, lao phóng xuống những ghềnh thác cheo leo hiểm trở. Bình trôi hay dữ dội; hung hãn hay đằm thắm âu cũng là tướng mạo và số phận cố hữu của một dòng sông không tên tuổi. Thế rồi, một sáng tinh sương giữa đất trời, con người men đến dòng nước để tìm tòi, khám phá và nương náu. Dòng nước trong lành ấy đã giúp con người có nước uống; cơm ăn; có phù sa bồi đắp bờ bãi; có nước trong tắm, tưới hoa màu. Dòng nước dâng hết sức mình cho hoa lá đôi bờ; cho cuộc sống con người tươi xanh để khỏi phụ lòng cha trời mẹ đất hào hiệp sinh ra. Tấm lòng hào phóng tận tâm ấy - con người vốn mang nặng ân tình - đã ban tặng cho dòng nước hiền thục mầu nhiệm với cái tên yêu quý là: Hiếu Giang(1).

Hiếu Giang, dòng sông thơm thảo hiếu tình, từ ngày ơn nặng sinh thành, như người con gái được về nhà chồng yêu quý, bâng khuâng hớn hở lạ thường. Tinh thần phấn chấn ấy đã sinh sôi bao điều, nâng tầm dòng sông lên mọi mặt. Dòng sông thao thức, trăn trở, vươn mình để bắt kịp với nhịp sống văn hoá văn minh vốn được con người khai hoá.

Quả vậy, cái ngõ ngách; cái thai nghén của các nền văn minh nhân loại được bắt nguồn và hình thành từ những dòng sông...

Hiếu Giang là một dòng sông nhỏ bé, không được như trường giang kỳ vĩ Amazone; không như sông Nil; cũng chẳng sánh nổi với “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai”...

Hiếu Giang phát xuất ở triền Bắc “Động Sá Mùi” có độ cao 1.300m. Đây là “Tháp nước” trên mái nhà chung của Quảng Trị và Sêpôn của Việt Nam và nước bạn Lào.

Từ cội nguồn thoát thai: bôn ba, trôi nổi, bồng bềnh, lãng du để về hội ngộ với vạn sống trùng khơi; về chan hoà cái ngọt ngào, trong veo của mình với cái mặn mà chan chứa của biển Đông. Hiếu Giang còn được tiếp sức từ các phụ lưu: “Nác Rào” của dòng Rào Quán; của dòng Sébanghiêng; của dòng Sesamy. Lại càng mạnh mẽ và dạt dào hơn khi hợp với sông Trinh Hinh- phát xuất từ “”Động La Ruông” ở độ cao 1.139m; hơn thế nữa khi về đến ngã ba làng Gia Độ cách cầu Đông Hà trên tuyến đường Quốc lộ 1A về phía Đông khoảng ba cây số thì nhập dòng với sông Thạch Hãn rồi cùng nhau chảy về Cửa Việt. Trên đường về biển, sông còn có một chi hà chảy ra phía Bắc để bắt tay với hạ lưu sông Bến Hải. Nhờ thế, Hiếu Giang mới có một lưu vực rộng đến 460 cây số vuông...

Thầm nghĩ: Sông lớn đến mức nào; sông nhỏ đến độ nào đều có những tơ vương gắn bó, những dấu ấn trong tâm thức của dân sinh sống ven bờ.

Đêm nằm nghe bản trường ca thác đổ- đầu nguồn bên bờ sông Hiếu (Cam Lộ)- giữa đại ngàn thâm u hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn. Những màn trăng pha sương tắm gội cho ngàn cây, tràn qua kẻ lá, trôi nổi bồng bềnh, uốn khúc rồi vội vã thả vào cùng thác đổ. Nước chở trăng đi. Trăng cỡi nước về chơi dạo miền xuôi. Thật là thơ mộng! Thật là hoang dã! Đã những ngàn năm như thế - hùng thiêng vời vợi...

Cùng giữa thời gian không gian ấy, các cư dân bản tộc họ sống với nương rẫy, với suối sông một cách nhọc nhằn vất vả mà thấy họ vẫn an nhiên tự tại. Họ sống gần như nguyên bản cội nguồn. Cái dốc kia lên nương rẫy, cái hố nọ xuống thác ghềnh như bạn đời thân quen với họ. Một miếng thịt rừng, một con cá suối, một chồi măng non, lá cây lá rau rừng, một tai nấm mốc, một trái cây rừng như là lương thực cho người dân nơi này. Núi rừng hào phóng đã ban sẵn như vậy. Khi dồi dào dành dụm, lúc ít ỏi tự cung tự cấp. Họ cho thế là đủ, là thoả đáng những gì có được trong thực tại. Cuộc sống không mơ ước gì hơn vì chẳng lấy đâu ra, làm gì được trong bốn bức tường rừng núi. Họ sống gắn bó với núi rừng, khe suối; với muông thú như tim óc như máu thịt, như hơi thở của mình.

Thời đó, tôi đến một bản tộc bên bờ sông Hiếu. Bữa ăn hàng ngày của họ không có muối mặn. Tôi hỏi mẹ già da đã đổ đồi mồi ăn không có muối thì làm sao sống được? Mẹ nói tự nhiên: ở đây ăn như rứa; Giàng sinh ra là ăn như rứa quen rồi; từ đời cha ông đã rứa.

Tôi thấy thương cảm cho những số phận, những con người một đời “Bốc mun hun trú” nhân bản thật thà như cây rừng sống với đất đai. Vẻ vang hoang sơ sơn cước thể hiện rõ nét ở mọi ngõ ngách trong cuộc sống.

Nhân tính và cuộc sống gần như nguyên bản, nguyên sơ nên rất chất phác hồn hậu. Họ rất tình cảm và trung thực. Họ trung thực và trung thành với cuộc sống ven bờ sông suối ngàn đời không di dịch, lay chuyển. Bản chất thấm đẫm tình nghĩa với cội nguồn, nương rẫy đã bao đời “thâm căn cố đế”. Nó mơ màng, huyền ảo, kỳ bí và đầy sức luyến ái. Nó như ngựa rợ rồ nhớ quê nhà trước ngọn gió bấc; như con chim việt đậu cành nam; như Cáo chết quay đầu về núi; như cá chình cuối đời tìm lại lên nguồn...

Tôi như những chiếc lá vàng trôi nổi từ nguồn Sêbanghiêng, từ nguồn Sêsamy, từ nguồn Rào Quán và Trinh Hinh đến các vùng hạ lưu sông Hiếu thân thương để mang một thông điệp chung rằng: Từ các bản làng xa xôi hẻo lánh giữa đại ngàn thâm u, kỳ bí, hoang sơ như bản Cuôi, bản A Sóc, bản Chùa... đến các làng mạc miền hạ lưu đầu văn hoá, văn minh, khá giả như Quật Xá, Ba Thung; như Thạch Đâu, Trương Xá...đều cùng chung tắm một dòng sông, cùng chung uống một dòng nước, trong đó chất chứa những gam màu phù sa sóng sánh cho đời...

Sông chảy qua các miền. Đời người đi qua từng chặng. Thời gian trôi nuốt tháng năm, chắc có những ràng buộc hữu cơ; có những vương mang hệ luỵ; và thế tất để có những sinh hoá trường tồn.

Dòng sông, dòng đời và dòng thời gian, ba dòng ấy đồng hành từ vô thuỷ đến vô chung không bao giờ trở lại. Thế mà, nó để lại cho đời những bôn ba khát vọng; những hoài tưởng mong chờ; những ước mơ cháy bỏng tương lai trong lẽ thuận nghịch của trời đất: Sinh hoá- hoá sinh.

P.Đ.Q

 

Phan Đăng Quy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground