Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hệ thống dẫn thủy cổ Gio An

T
rong rất nhiều dấu tích, di tích người Chàm để lại trên đất Quảng Trị, Hệ thống khai thác và xử lý nước cổ ở xã Gio An còn lại khá nhiều và tương đối nguyên vẹn.
Hệ thống giếng cổ này bao gồm hơn 30 giếng nằm rải rác ở bắc nam đường 75 (Km 7,8) thuộc địa phận năm thôn: An Nha, An Hướng, Hảo Sơn, Long Sơn, Tân Văn...
Đây là những công trình khai thác nước ngầm, sử dụng phương pháp xếp, kè, đẽo đá rất điêu luyện của các thế hệ người Chàm, Việt trên vùng gò đông miền tây Gio Linh và một số nơi khác như Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đông Hà.
Đặc điểm kỹ thuật nổi bật của hệ thống khai thác nước là các công trình đều xây dựng theo phương thức xếp, kè và đẽo bằng đá bazan mà dân địa phương gọi là đá ong hay đá mồ côi.Chúng được sử dụng ở đây không chỉ là xếp, kè nhằm tạo ra các bể vách ngăn dưới dạng đá gốc hay tạo ra các máng dẫn, bi giếng, đá phiến lót thành giếng thông qua kỹ thuật chế tác gọt đẽo ở các bộ phận chính của giếng mà còn được dùng kè các bậc cấp, đường lên xuống, hệ thống mương dẫn và bờ ruộng bậc thang. Các công trình đều cùng một mục đích là khai thác nguồn nước ngầm để thực hiện hai chức năng: Cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng trọt.
Về khái quát, hệ thống khai thác nước Gio An tập trung ba loại chính sau:
Loại thứ nhất: Là loại có cấu trúc hoàn chỉnh nhất. Đây là những công trình xây dựng qui mô, nhiều bộ phận kết hợp khá chặt chẽ, liên hoàn. Tất cả được phân thành ba hoặc hai bậc cấp với các bể chức năng khác nhau. Bậc cao nhất trên cùng là một bể lắng (hay bãi hứng) được xếp đá cuội, ở vách phía trên chừa các lỗ nhỏ cho nước thoát ra. Tiếp đó là bộ phận tràn và bể chứa, nước từ bể lắng chảy xuống bể chứa qua một bãi tràn có đặt các máng đá, máng đá này được chế tác từ đá bazan dạng nửa hình trụ bổ dọc, dài từ 1,3m - 1,5m, mặt trên có một đường rãnh chạy dọc dài theo thân để dẫn nước. Bể chứa hình tròn hoặc hình bầu dục được xếp đá xung quanh, phía ngoài có các đường cho nước thoát ra chảy vào các con mương. Bể chứa thường sâu từ 1-2m rộng từ 15 - 30m2. Đây vừa là nơi lấy nước sinh hoạt phục vụ ăn uống, vừa là nơi tắm giặt của con người. Cuối cùng là các kênh mương dẫn nhỏ được kè đá hoặc đắp bằng đất chạy ngoằn ngoèo, có nhiệm vụ nhận nước trực tiếp từ bể chứa rồi dẫn ra ruộng. Những giếng thuộc loại này tiêu biểu là: Giếng Đào, giếng Trạng (An Nha), giếng Côi, giếng Kình (An Hướng), giếng Máng (Long Sơn), giếng Gái (Hảo Sơn).
Loại thứ hai: Là giếng không có bể lắng, không có máng dẫn mà thường là các bể chứa nhận trực tiếp nước từ những mội nước (mạch nước) phun nổi có lưu lượng dòng chảy mạnh. Phía ngoài có cửa thoát nước ra mương dẫn hay chảy thẳng ra ruộng. Loại công trình này do chỉ có một bể chứa nên tất cả các sinh hoạt đều diễn ra ở trong lòng bể. Vì thế, để giữ vệ sinh người ta rải một số khối đá chắn ngang một phần ba phía trong với mục đích đào tạo ra một đường ranh giới qui ước, từ đó phần bên trong chỉ dành lấy nước ăn, phần bên ngoài là nơi tắm giặt. Những giếng thuộc loại này tiêu biểu là giếng Ông, giếng Tép (Hảo Sơn), giếng Nậy (Thanh Khê).
Loại thứ ba: Loại giếng này kết hợp giữa hình dạng giếng khơi cổ truyền ở vùng đồng bằng của người Việt và kỹ thuật xếp đá truyền thống tuân thủ theo nguyên tắc tự chảy của người Chàm. Giếng Pheo (Tân Văn) còn nguyên vẹn, được xây dựng ngay chân đồi bằng cách thả “bi giếng” xuống nơi có mạch nước ngầm tạo thành vách từ dưới đáy lên khỏi mặt đất, các bi giếng có hình trụ tròn, mặt ngoài khum, dạng hình tang trống cao chừng 0,4m, đường kính 0,5m dày 0,1m. Nền được xếp các phiến đá ong ghè đẽo sắc sảo. Mặc dù có sự khác biệt về cấu trúc đối với hai loại trên nhưng nó vẫn giữ nguyên tắc khai thác nước ngầm.
Hệ thống dẫn thuỷ cổ Gio An là một loại hình di tích độc đáo của Quảng Trị và cả nước, có giá trị về lịch sử, văn hoá và cả kiến trúc nghệ thuật. Đã có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến các công trình dẫn thuỷ cổ này như: M.Colani, Trần Quốc Vượng, Lâm Mỹ Dung, Lê Duy Sơn... Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn gốc, chủ nhân, niên đại... song giới nghiên cứu đều công nhận rằng đây là những sản phẩm văn hoá được hình thành bởi sự sáng tạo tuyệt vời của con người từ rất xa xưa.
Từ người bản địa cổ đến người Việt sau này, hệ thống dẫn thuỷ cổ Gio An vẫn tồn tại với thời gian, vừa là những di tích có giá trị lại vừa mang chức năng sử dụng, trở thành một trong những sản phẩm văn hoá đặc sắc, độc đáo, thể hiện lối ứng xử khôn khéo, thông minh của con người trước tự nhiên nhằm khai thác tốt những tiềm năng của vùng đất mà họ gắn bó, là sự ứng xử linh hoạt của con người trong quá trình khai thác tự nhiên để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nó vừa là sản phẩm vừa là đặc trưng của cư dân nông nghiệp, phản chiếu sự kế thừa giữa các thế hệ dân cư từ người Chàm đến người Việt.
Khẳng định những giá trị văn hoá đặc sắc của hệ thống di tích giếng cổ và tạo ra cơ sở pháp lí để bảo tồn và phát huy hiệu quả của nó, ngày 13/3/2001 Bộ VHTT đã quyết định công nhận di tích Quốc gia loại hình Kiến trúc - Nghệ thuật hệ thống giếng cổ ở Gio An
Thật là vinh dự cho Gio An và Quảng Trị khi đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá Việt Nam một hệ thống giếng cổ độc đáo. Tuy nhiên do đặc thù của di tích này cùng một lúc tồn tại song song hai giá trị: Văn hoá lịch sử và sinh hoạt sản xuất, cho nên giải quyết hài hoà vấn đề này không chỉ đơn thuần là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và chính quyền Nhà nước mà đòi hỏi sự góp sức, tự giác toàn dân.
Trong chiến tranh các giếng cổ này nằm giữa các cứ điểm, đồn bốt mà vẫn tồn tại, tin rằng trong cuộc sống thanh bình, hệ thống giếng cổ Gio An mãi mãi là báu vật được mọi người tự hào trân trọng.
              Đ.C
 
Đoàn Chức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 176 tháng 05/2009

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

4 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground